thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đảo Rắn
Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

 

TÀN TUYẾT

(1953~)

 

Lời giới thiệu của người dịch:
 
      Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa. Người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, sinh ngày 30/5/1953 ở Trường Sa. Cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa... Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Tân Hồ Nam, mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Trung Cộng lâu năm. Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào “hữu phái” phản đảng. Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh cùng túng.
      Năm 1966, cuộc Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con gái của phái hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ ngang bởi không chịu nổi sự khinh thị của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước, phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà viết và những câu chuyện rực rỡ màu sắc kì lạ.
      Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay “Chợ Hoàng Nê”, nhưng khi ấy, cô chưa dám công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn “Bọt xà phòng trên nước bẩn” trên tờ Tân Sáng Tác và Tàn Tuyết chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của cô được đăng trên các tờ: Nhân dân văn học, Phù dung, Văn học nguyệt san, Trung Quốc... Và dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.
      Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như: Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000), Anh... Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc được dịch ở nước ngoài nhiều nhất.
      Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả đoản thiên và trung thiên), Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare... Và có lẽ, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết, trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.
      Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá tự ngã, thế giới tâm linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng... trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Tức là những yếu tố cơ bản nhất trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền thống Trung Quốc còn khuyết thiếu. Tuy vậy, thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng, thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, cô còn nói, tác phẩm của mình là “hiện thực chủ nghĩa”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ kì lạ, lay động tâm phách con người.
      Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình-giản, rất cô đọng nhưng chúng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Như Nam Hoa kinh, như Cỏ dại, như Lâu đài, như Thần khúc... Mỗi tác phẩm của Tàn Tuyết như một “công án” Thiền, một “mê hồn trận”, một “bát trận đồ”, mà người đọc rất khó “ngộ”, không tìm thấy “cửa sinh”, không tìm thấy lối ra nếu cứ lần theo sợi dây tư duy thông thường. Và do vậy, cũng dễ đi đến kết luận rằng tác giả của chúng là kẻ “nằm mơ giữa ban ngày”, “tâm lý bị biến thái”...; còn những tác phẩm của tác giả này là “thế giới ma huyễn”.

 

______________________________

 

ĐẢO RẮN

 

Có thể nói, chú Ba là người thân duy nhất của tôi trên thế giới này. Mỗi khi nhớ đến cái xóm nhỏ ở nơi làng xưa quê cũ âm ám xa xôi ấy thì tôi không khỏi ớn lạnh xương sống. Cái làng nhỏ được gọi là “Đảo Rắn” ấy nằm trên một dải gò đồi. Lúc còn nhỏ, tôi cứ nghĩ không hiểu tại sao nơi này lại có tên là “Đảo Rắn”, bởi một lẽ rắn chỗ chúng tôi đâu có nhiều nhặn gì hơn mấy chỗ khác. Có một anh chàng lớn hơn tôi nói rằng, mới đầu ở đây cũng lắm rắn, có khi trên một cây mà có đến mấy con treo lủng lẳng. Nhà chú Ba ở cuối làng, cách mọi người năm trăm thước, như là giận dỗi gì đó, căn nhà ấy được cất bên cạnh đồng lúa. Thuở đó chú Ba thường gánh một gánh củ cải vỏ đỏ ruột trắng đi bán ở tuốt tận thị trấn, thường sáng đi thì tới gần nửa đêm mới về. Chỗ chúng tôi nghèo nàn kinh khủng, nghe nói đất đai không tốt, mùa màng lại thường thất bát, bởi vậy cho nên cứ đến mùa đông là cả làng phải húp cháo khoai mãi đến khi có lúa mới. Đã hơn 30 năm tôi chưa về quê, ngay cả khi cha mất cũng vậy. Mẹ mất sớm, tôi là con một trong nhà. Cha được chú Ba chôn cất, khi đó chú có gửi thư báo tin cho tôi biết, chữ nghĩa nguệch ngoạc, đại ý là việc tang ma đã xong xuôi cả rồi, tôi không cần phải về nữa. Trong thư có một câu khiến tôi nhớ mãi: “Quê hương này, càng sớm quên đi thì càng tốt”. Chú Ba tuy là một nông dân nhưng trình độ văn hoá lại khá cao, được mọi người gọi là “tú tài”. Trong nhiều năm tôi cảm thấy buồn rầu tự vấn: Sao tôi đã ra đi hơn 30 năm rồi mà chẳng có người làng nào (kể cả ông già tôi) đến thăm tôi lấy một lần? Đường sá xa xôi là một lẽ, nhưng không xa đến độ không đi nổi, nếu bắt xe lửa thì cỡ chừng hơn một ngày là đến chứ mấy. Nghĩ lại, họ cũng chẳng khác chi tôi, cũng thuộc huyết thống của “Đảo Rắn” cả mà. Khi còn sống cha viết thư cho tôi, nói rằng cuộc sống ở quê giờ đã khá hơn nhiều rồi, không còn ai bị đói, bọn thanh niên chạy tứ tán khắp nơi. Ông không có ý biểu tôi về coi thử, mà lại cho hay rằng nhà tôi đã bị nước lũ kéo sập mất một gian, nếu tôi về thì không có chỗ ở, chỉ còn nước sang nhà chú ba mà tá túc. có vẻ như ông đang chủ động tìm lí do không trở về của tôi, nhưng giọng điệu lại không hoàn toàn như vậy. Có lẽ ông và chú Ba cố giữ một cái gì đó chăng? Là cái gì nhỉ? Sau khi cha tôi mất, chẳng còn ai thư từ kể cho tôi nghe chuyện quê nữa, cho nên từ đó tôi cũng mất luôn liên lạc với quê hương mình. Tôi biết chú Ba vẫn còn sống, chú ấy nhỏ hơn cha tôi hai mươi tuổi, mà người cũng chẳng có bệnh tật gì.

Số phận thường trêu đùa người ta. Đang khi tôi sắp loại bỏ hình bóng quê hương ra khỏi bộ nhớ của mình, thì một hôm (tôi còn nhớ, đó là ngày sinh nhật của tôi), sếp gọi tôi lên phòng làm việc.

“Gần đây cậu làm việc không được hăng hái lắm”. Ông nói, tay chỉ cái ghế ra hiệu cho tôi ngồi đối diện.

“Có chỗ nào làm không tốt, rất mong ông chỉ bảo cho”.

“Thật ra cũng chẳng có chuyện gì to tát lắm đâu. Chỉ là, tôi nghe nói đã 30 năm nay cậu chưa về quê phải không? Nghe mọi người nói, tôi cảm thấy thật là xấu hổ, tôi chưa thực sự quan tâm đến anh em, chả trách cậu làm việc mà tinh thần không cao. Bây giờ tôi quyết định (ra quyết định này không phải dễ,vì hiện công ty đang bận rộn), cho cậu nghỉ phép nửa tháng để cậu về thăm cha”.

“Cha tôi mất lâu rồi”.

“Thật vậy sao? Chuyện lớn như vậy mà cậu không cho tôi biết, tôi nói cậu nghe nhé, cậu là người trung thực thật thà, tôi có thể biết trước đây cậu đã gánh chịu nhiều đau khổ. Đã như vậy thì cậu càng nên về quê một chuyến, về mà thăm viếng mộ phần người cha đáng thương của cậu, an ủi ông cụ. Ngày mai cậu nên lên đường”.

Tuy trong lòng tôi không vui vẻ gì nhưng cũng chỉ đành theo chỉ thị của sếp. Tôi trở thành một người bất đắc dĩ phải về quê. Nhưng diện mạo quê nhà bây giờ đã hoàn toàn thay đổi, lạ đến nỗi dù tôi cố gắng lục lọi trong kí ức của mình như thế nào, dù tôi cố căng mắt mà quan sát cảnh vật ra sao cũng không nhận ra quê xưa nữa. Xuống xe, tôi muốn tìm ra con đường núi thông với làng tôi, con đường đá trứng ngỗng quanh co thiên thẹo mà từ ấu thơ cho đến tuổi thiếu niên, tôi đã đi qua không biết bao nhiêu lần. Nhưng nó đâu rồi? Cả ngọn núi không thấy nữa. Giữa cánh đồng bát ngát có một dãy nhà mái bằng tường vách sặc sỡ đến hoa cả mắt. Chung quanh các ngôi nhà rất ít cây cối. Tôi ngờ rằng mình đi nhầm chỗ, bèn hỏi thăm một một chị nông dân.

“Đảo Rắn à?”. Cô ta nhướng mắt, nói bằng giọng địa phương: “Đây chứ mô”.

“Ở đâu?”

“Khắp nơi đều là nó. Anh muốn tìm ai?”

“Tôi tìm chú Ba của tôi”.

“Anh là Từ Lương Gia hả? Anh chưa chết sao?”

“Tôi? Chết á?”

“Ngoài đầu làng có mộ của anh đấy. Thật không ngờ anh lại trở về”.

Cô ta sấn đến, lấy hai ngón tay cào cào lên lưng tôi, dường như là để kiểm tra xem bên trong bộ quần áo kia có người không vậy, rồi cô lẩm bẩm: “Thật không ngờ, thật là không ngờ”. Bỗng nhiên cô ta rời khỏi tôi, co giò chạy tuốt. Bóng cô lấp loáng lấp loáng giữa đồng lúa, nhưng cô không chạy về phía những ngôi nhà mái bằng mà mất hút sau mấy căn nhà nọ.

Tôi theo con đường duy nhất dẫn vào làng. Căn nhà đầu tiên là một túp lều tranh hai gian rách nát tồi tàn, tôi nghi chắc bên trong không có người ở, liền đi qua luôn. Tôi dừng lại trước cổng của căn nhà thứ ba, thấy hai đứa bé gái khoảng 7, 8 tuổi đang bện dép cỏ ở trước cổng, tôi đoán đây chắc là mấy đứa hàng cháu chắt. Bọn chúng chẳng hề quan tâm đến người khách lạ, tôi đành trơ mặt ra mà hỏi chúng: “Trong nhà có ai không? Chú muốn tìm người”. Cuối cùng, một đứa gầy còm cũng ngẩng mặt lên, nhưng nó lại nói: “Xéo đi”.

Tôi đành chuyển sang gõ cửa căn nhà thứ tư, nhưng nhà này không chốt cửa, tôi vừa gõ thì cửa bị gió đẩy ra. Trong nhà chả có đồ đạc gì. Trên giường một ông lão đang ngủ, mái tóc dài trắng như tuyết nổi bật lên giữa căn nhà tăm tối. Tôi thật sự ngạc nhiên, sao ông cụ này lại phong nhã như vậy, lại còn để tóc dài nữa.

“Ông ơi, ông ơi! Cháu muốn tìm Từ Tam Bảo”.

Ông lão vặn vẹo mấy cái trên giường rồi ra hiệu cho tôi đến trước mặt.

Tôi phát hiện, ông đang bị bệnh, ngực nhấp nhô ho sù sụ, nước mắt nước mũi chảy cả ra.

“Tìm chú Ba hả?”, ông cố khò khè nói, “hay lắm, rốt cuộc cũng có người tìm đến, thật không uổng công chú ta đã chờ đợi mấy năm nay. Hay lắm.”

“Cháu là Từ Lương Gia mới về đây ạ!”

“Từ Lương Gia à, hay, không bao lâu nữa ta sẽ đến chỗ các người. Cháu, cháu tìm chú Ba hả, khó, khó lắm đấy.”

Tôi nghĩ ông lão này hẳn là đã bị lú lẫn mất rồi, nếu cứ trì hoãn thì chỉ tổ thêm tốn thì giờ mà thôi, tôi liền bỏ đi, tiếp tục đi tới trước hỏi thăm. Qua mấy nhà, tôi thấy một người đàn ông trung niên đang phơi đậu xanh ở sân. Nhìn mặt ông cũng chẳng thấy quen tí nào.

“Xin hỏi nhà của chú Ba tôi ở đâu ạ?”

“A, Từ Lương Gia! Đây là sự thực ư !”

“Có ai đó nói cho ông biết là tôi mới về à?”

“Đúng, đúng, rất vui mừng vì cậu đã quay về, tin cậu về đã lan ra khắp làng rồi”. Ông khoa tay vẽ một vòng tròn lớn.

Nhưng ông ta hoàn toàn không có ý mời tôi vào nhà, mà cứ đứng ngoài cửa nói chuyện với tôi. Tôi thấy trong nhà có một cái đầu đàn bà lúc lắc, ra chính là chị nông dân mà tôi đã gặp giữa đồng ban nãy. Tôi lại gặng hỏi nhà chú Ba ở đâu, người đàn ông trung niên lộ ra vẻ khó chịu, nói lung ta lung tung một hồi rồi cuối cùng mới cho tôi biết rằng, chú Ba không có ở nhà nữa, bây giờ thì mọi người đã quen rồi, chỉ có tôi là chưa được rõ lắm. “Thực ra đó là chuyện của nhiều năm về trước”. Lúc ông nói, vẻ mặt hiện ra vẻ tang thương sầu thảm lắm.

“Vậy còn chú ấy ở đâu?”. Tôi hỏi.

“Quan niệm về cái làng này trong đầu cậu bây giờ nên thay đổi đi thôi. Thử lấy một ví dụ nhé, khi nãy cậu vào làng có thấy chó không? Không nhé. Cậu hỏi chú cậu bây giờ ở đâu, câu hỏi này chỉ có những người không biết gì về tình hình ở làng này mới đặt ra. Thế ngoài cái làng này ra, cậu còn có thể đi đâu?”

“Vậy bây giờ chú ấy đang ở đâu?”. Tôi nhẫn nại hỏi thêm một lần nữa.

“Cậu sắp gặp anh ta rồi đấy!”. Ông ta giận dỗi nói, rồi bỏ vào nhà.

Tôi lại hỏi thăm thêm mấy nhà nữa, nhưng mấy người đó, nếu không sốt ruột thì cũng trả lời nhăng nhít cả. Tôi xách hành lí lên, bây giờ thì mệt đứ đừ đi rồi. Chợt nhớ chuyện cái mộ của mình ở đầu làng, tôi lại cắn răng đi về phía đó. Tôi quăng hành lí dưới gốc cây long não khô nhẳng, ngồi trên tảng đá nghỉ sức. Nhìn về phía trước, chỗ nối tiếp với đồng lúa thành một dải ấy, có rất nhiều ngôi mộ nhô lên, nhưng những cái mộ chẳng cái nào có bia minh gì sất, làm sao tôi có thể nhận ra được đâu là mộ mình trong đó đây? Sợ rằng, ngay cả mộ của cha, tôi cũng không có cách nào mà lần cho ra. Tuy đầu nghĩ vậy, nhưng chân vẫn bước vào giữa bãi tha ma. Tất cả mồ mả ở đây gần như cùng một khuôn một dạng, rất khó mà nhận dạng, trong số đó lại có những cái há to miệng, bên cạnh là xương người khô vung vãi. Đây không phải là chỗ có thể ở lâu vì âm khí nặng nề, bởi vậy tôi vội vã bỏ đi. Lúc này tôi đã quyết rằng: “chuyện cái mộ của tôi ở đầu làng là do chị nông dân hoàn toàn bịa đặt ra. Vậy đây chẳng phải là Đảo Rắn hay sao? Nếu không phải, thì tại sao hai người ban nãy lại biết rằng tôi là ai? Tôi không thể bỏ cuộc giữa chừng, tôi phải đợi trong làng này, tới chừng chú Ba xuất hiện mới thôi.” Tôi mở túi du lịch lấy nước suối và lạp xưởng ra ăn, đầu óc nghĩ ngợi lung tung.

Tôi lại vào làng hỏi thăm kĩ lưỡng một lần nữa, nhớ lại chuyện đại tai hoạ mà người đàn ông trung niên nói. Khung cảnh xung quanh đây không gợi lại cho tôi một chút gì để có thể nhận ra cố hương của mình, tôi chắc là mình đã đi đến một làng khác, nhưng tại sao người trong làng này đều nhận ra tôi? Chẳng lẽ chuyện xảy ra đại tai hoạ kia là có thật sao? Nếu đúng vậy thì lịch sử Đảo Rắn của chúng tôi đã bị chôn vùi dưới đáy mấy cái mồ ngổn ngang kia à? Tôi tính vào làng hỏi thăm từng nhà một, phải hỏi cho đến nơi đến chốn. Chuyến này tôi về quê, còn phải gánh nhiệm vụ sửa sang mồ mả cho cha mẹ, nếu ngay cả việc này cũng không hoàn thành, thì làm sao ăn nói với sếp đây? Lấy lại chút hơi sức, tôi tiến vào một ngôi nhà có những bức tường màu vàng, để hành lí ở cổng rồi rướn cổ ngó vào bên trong. Bỗng có người từ sau lưng vỗ vai tôi.

“Ha ha! Đúng là cậu! Đúng là trên thế gian này không có chuyện kì lạ nào mà không thể xảy ra. Thú vị, thật thú vị. Tôi là người không tin ma quỉ. Tục nói như thế nào nhỉ? A, đúng rồi, là “Biết rõ trên núi có hổ nhưng vẫn cứ lên núi”, cậu đã tìm đúng người rồi đấy!”

Đó là một người ông già để chòm râu màu xám. Ông ta cũng là người mà tôi không quen biết tí gì. Nhưng tôi không sắp sẵn câu hỏi để “chất vấn” ông. Ông ngồi trên cái ghế đá giữa sân, ra hiệu cho tôi đến ngồi bên cạnh. Lát sau có một cô gái trẻ đi ra, có lẽ là con gái hay con dâu của ông, cô gái hỏi ông rằng, khách có ăn cơm ở nhà mình hay không. Ông trợn mắt giận dữ quát:

“Còn hỏi nữa hả? Chúng ta phải ăn một bữa cho ra trò để tối còn làm việc”.

Cô gái nghe rồi đi vào.

Tôi bắt đầu quan sát khuôn mặt trước mắt mình, tôi nhìn đi nhìn lại, mà không lôi ra trong hồi ức mình được một cái gì. Ông già thấy tôi chăm chắm nhìn mình thì bật cười, lộ ra bộ răng vàng. Tôi không biết ông ta cười cái gì. Lúc này tôi cảm thấy cổ họng ngưa ngứa, đập mạnh một cái, chết dí hai con muỗi. Trong rãnh nước trước nhà, muỗi cả bầy. Tôi ngồi không yên bèn lôi trong túi ra cái khăn choàng kín cổ lại, còn hai tay thì cho vào túi áo, thế mà bọn muỗi vẫn tấn công xuyên qua cả lớp vải cơ chứ. Nhìn sang bên cạnh, thấy ông già ngồi bất động, hoàn toàn chẳng có cảm giác gì với bọn muỗi độc kia. Cô gái ban nãy lại đi ra đưa thuốc lá cho ông. Và ông bắt đầu hút.

Trên mặt tôi lại bị hai chỗ muỗi cắn, bây giờ thì tôi khó mà chịu đựng nổi và đành phải vô phép đứng dậy đi lại để xua muỗi. Đồng thời trong lòng tôi cũng tự nhủ rằng: Nhất định không nên hỏi lung tung để tránh làm ông lão giận dữ. Nhưng tôi không hỏi thì ông ta cũng không nói, thời gian trôi qua trong sự khó chịu. Ông lão hút thuốc xong, cuối cùng cũng lên tiếng:

“Từ Lương Gia, tôi nói cho cậu biết, cậu chỉ có thể gặp mặt chú cậu vào ban đêm thôi”.

“Ông nói là gặp chú Ba tôi à?”

“Chớ còn ai vào đây nữa?!”

“Ông sẽ dẫn tôi đi chứ ạ?”

“Tất nhiên, tôi dẫn cậu đến nơi đó, sau đó tất cả là tùy ở cậu. Tôi không thể vào được, tôi đã thử không biết bao nhiêu lần, mà lần nào cũng bị đuổi ra. Có lần một gã bổ cho tôi một cuốc chỉa, trúng ngay thân cây, bây giờ trên cái cây ấy còn vết sẹo to như cái miệng bát, chính là cái cây long não mà cậu nhìn thấy khi nãy đấy”.

“Những người đó là những người như thế nào?”

“Tôi nghĩ đại khái cũng như cậu vậy, trên mặt có ký hiệu. Vừa nãy tôi thấy cậu nhớ đến chuyện này. Bây giờ còn bao nhiêu người nhớ tới chuyện về quê nhỉ? Cũng là hạng người như cậu thôi”.

Lời của ông ta làm tôi sởn gai ốc. Tôi mơ hồ cảm thấy rằng cái nơi mà ông lão muốn dẫn tôi đến là cái bãi tha ma ngổn ngang mồ mả đó, chẳng lẽ chú Ba của tôi lại ở một trong số những cái mộ kia hay sao? Tại sao những người ở đây lại xem tôi như một người đã chết nhỉ? Tôi còn đang nghĩ ngợi thì ông lão vỗ vai mời tôi vào phòng ăn. Vẻ tình cảm biểu hiện ở bên ngoài của ông ta rất thân mật khiến tôi cũng hơi yên tâm.

Khi đến bữa, anh con trai của gia đình này cũng tới, cậu ta gật đầu chào tôi, rồi lặng lẽ ngồi bên cạnh. Những người phụ nữ dọn bát đũa lên vào phòng ăn đi qua đi lại. Ngoài cô con dâu ra (không phải là con gái), còn có hai người đàn bà trung niên không rõ thân phận thế nào, hình như là thân thích nhà ông lão. Đồ ăn rất nhiều và được đựng trong những cái dĩa, tô rất lớn, hơi nóng nghi ngút, còn có cả rượu nữa. Thật khó mà nghĩ rằng ở cái nơi nghèo nàn này lại có thể được chén một bữa thịnh soạn như vậy. Anh con trai cứ cắm đầu cắm cổ ăn, hai người đàn bà trung niên thì có vẻ rất căng thẳng và cứ nhìn tôi chằm chặp, họ chẳng ăn uống gì. Ông lão lớn tiếng kêu tôi uống rượu, đó là một loại rượu của nhà nông vị hơi đăng đắng, uống được hai cốc đầu óc tôi choáng váng, nhưng ông lão không tha cho tôi, vừa giục uống tiếp vừa gắp thịt vịt trời vào cái dĩa đặt trước mặt tôi, thức ăn trong dĩa đã đầy ụ lên rồi. Tôi luôn miệng nói: “Ay, nhiều quá rồi ạ, nhiều quá rồi ạ…” rồi lại uống một ly nữa, chỉ cảm thấy trời nghiêng đất ngửa, rồi thì mơ mơ màng màng, tiếng của ông lão như từ nơi xa xăm vọng đến: “Tráng sĩ một đi không trở lại hề”.

Lúc tôi tỉnh lại, thấy mình vẫn nằm trên bàn ăn với những cốc chén bừa bộn, nhưng những người khác thì đi đâu cả rồi. Ngó ra bên ngoài, trời đã tối, rõ ràng tôi chỉ có thể trú ngụ trong làng thôi. Tôi đứng dậy đi một vòng quanh nhà, qua mỗi phòng đều đừng lại ngắm nghía một tí, không một ai hay biết gì cả. Lúc này tôi thấy cái túi hành lý của tôi được họ đặt lên trên ghế. Trong nhà bếp dế gáy re re không ngừng. Tôi nghĩ, lòng tốt của những người trong nhà này đối với khách thì chẳng có gì đáng nghi ngờ rồi, nhưng mà họ có cái gì đó hơi quái quái, nhưng dù sao đêm nay tôi cũng chỉ có đường ở lại nhà của họ. Tôi tính vậy, rồi đi ra ngoài sân. Dưới ánh trăng, phía trước chẳng có gì ngoài cánh đồng mênh mông. Cả làng đều đã chìm trong giấc ngủ. Trên phiến đá giữa sân mà ban ngày tôi đã nhìn thấy, có một người đang ngồi đó, tôi đến gần, ra là ông lão.

“Cậu đành phải tự mình đi thôi, tôi không thể giúp cậu. Khi nãy tôi mượn rượu để cố mà đi một chuyến, thế mà tự dưng lại ngã què cả chân đây này! Ái da, ui da”.

Ông lão cong người xuống kêu rên một cách đau đớn.

Tôi không biết làm thế nào, cũng không biết ông có bị gãy chân hay không. Tôi hỏi con cái của ông ở đâu, có cần tôi đi gọi họ đến hay không, ông lão xua tay lia lịa nói: “Ay , không cần, không cần đâu”. Ông lại rên rĩ một hồi, rồi như bình thường trở lại, nói:

“Con trai tôi trẻ người non dạ, nó còn đang hăng máu đánh nhau với bọn họ bên kia kìa. Mấy thằng cha ấy thì đứa nào cũng vác cuốc cầm chỉa, còn hai cha con tôi chẳng mang gì ngoài hai tay không. Vũ khí của chú Ba nhà cậu là một lưỡi hái to tổ bố, nội nhìn thấy nó không là tôi đã chạy trối chết rồi. Hỏi cậu, cái thân già này làm sao mà cự nổi với anh ta chứ? Cậu nghe kìa, thằng con trai tôi quay về đấy, cái thằng nhãi này rồi chả làm nên trò trống gì đâu, chỉ làm cho tôi tức lộn ruột lên thôi!”

Bên ngoài vang lên tiếng bước chân vội vã, người đó đi vòng ra phòng ở phía sau.

“Nó ngại đi vào cửa chính vì xấu hổ”.

“Ông nói chú Ba tôi vác lưỡi hái à?”

“Đúng thế, anh ta đang ở bên đó, chỗ mà ban ngày cậu đi qua ấy. Tôi nghĩ anh ta sẽ không làm cậu bị thương đâu. Bây giờ cậu thử đi thử vận may xem sao”.

Khi tôi đến, bãi tha ma lặng ngắt như tờ, cái cây long não mà tôi định lấy làm mốc xác định phương hướng cũng chả thấy đâu nữa. Tôi nghĩ, mình cứ đứng ì ra đây, thể nào chú Ba cũng đến tìm. Tôi đưa mắt quan sát, những gò mộ nhấp nhô như đàn trâu dưới ánh trăng. Nhớ lại lời kể ban nãy của ông lão về cuộc vật lộn ở cái bãi đó, tôi không dám tiến về phía trước. Tôi ngồi ở bãi tha ma rất lâu, nhưng không thấy chuyện gì xảy ra. Chẳng lẽ ông lão ấy nói quàng nói xiên sao? Nghĩ lại thì không phải vậy. Thôi hãy cứ tiếp tục chờ đợi, đã sắp nửa đêm rồi. Tôi cứ ngồi trên tảng đá một lúc, lại đứng lên đi lại một lúc. Xóm làng trong mắt tôi trở nên thật hư ảo, những mái ngói xộc xệch thấp cao, những bức tường loè loẹt màu sắc, dưới ánh sao đã mất đâu cái vẻ phô trương thô tục lúc ban ngày, bây giờ lộ bày ra cái vẻ bên trong cổ lổ xỉ không thể tả nổi. Tôi chợt nghĩ, có lẽ người mà tôi tìm kiếm hoàn toàn không phải là chú Ba (rất có thể chú ấy đã chết từ đời tám hoánh nào rồi). Nhưng còn cái ông lão kì quái kia, anh con trai khó gần của ông, rồi chị con dâu, hai người đàn bà trung niên, thêm ông cụ tâm thần mà tôi đã gặp ở căn nhà thứ tư, người chị nông dân mà tôi gặp đầu tiên và sau đó là chồng cô ta, thậm chí kể cả hai đứa bé gái mà tôi đã “đụng đầu” , không lẽ bọn họ và tôi ở trong hai thế giới khác nhau à? Hay tôi không hiểu được chính mình? Trong mắt của những người ở đây, chẳng phải rằng tôi là kẻ đã chết sao? Người ta cần gì phải thân thiện với một con ma nhỉ? Phải chăng họ nghĩ rằng cách duy nhất để đối phó với một con ma như tôi là tẩy chay? Có tiếng chó sủa ở một nơi nào đó, mà nơi đó chắc phải cách đây xa lắm, dường như có cả bầy chó cùng sủa lên một lượt, tôi cảm thấy âm thanh ấy rất rõ, đó chính là tiếng chó sủa trong kí ức thời thơ ấu của tôi. Vậy thì tôi đã đến nhầm chỗ mất rồi, đây không phải là cố hương mà chỉ là một cạm bẫy bên cạnh cố hương mà thôi. Nhưng tôi cũng đành phải tạm ở đây qua một đêm, sau đó tiếp tục đi tìm làng của mình. Sau khi đã quyết định như vậy, tôi đi về phía nhà ông lão.

Khi tôi về đến nơi, thấy cửa rả đã đóng hết, chắc mọi người đều ngủ say cả rồi. Tôi vòng sang bên phòng ngủ gõ cửa sổ, gõ mãi mà cũng chả nghe bên trong có động tĩnh gì. “Họ đóng cánh cửa trước mặt tôi rồi”, tôi buồn rầu tự nói với mình như vậy. Tôi ngồi ngủ gà ngủ gật trên cái ghế đá giữa sân, đầu tựa vào một thân cây khô bên cạnh, trong lòng buồn rầu nghĩ: “Sao ở nơi này, cả đến cái cây cũng không sống nổi thế nhỉ?” và tâm trạng trở nên thảm đạm chán chường. Tuy nhắm mắt nhưng tôi vẫn trông thấy những ngôi sao lớn trên bầu trời và nghe được cả tiếng chó sủa ngậu xị ở một nơi rất xa. Vì tư thế không thuận nên tôi khó ngủ và rất khó chịu. Khoảng nửa đêm về sáng, cửa phòng “kẹt” một tiếng rồi mở to. Tôi thấy hai cha con, một trước một sau chạy ra ngoài, sau khi họ đi. Cửa vẫn mở, thế là tôi thừa cơ lẻn vào nhà lăn ra cái đi văng gỗ giữa nhà. Cái đi văng ngắn quá, tôi đành co hai chân lên và cầu nguyện rằng mình sẽ đánh được một giấc ngon lành trước khi hai người kia quay lại. Đã mệt lử rồi. Tôi mơ màng thấy ánh đèn chiếu sáng rỡ khắp nhà, rồi những người đàn bà đang nấu nước mài dao rầm rập trong bếp. Mấy lần tôi muốn giãy lên cho tỉnh lại mà không được. Cuối cùng những người đàn bà cũng phát hiện ra sự có mặt của tôi, ba người bọn họ đứng quanh cái đi văng câm lặng nhìn. Tôi đành ngồi dậy, bọn họ vẫn chẳng nói gì, chỉ giơ những bộ mặt buồn thảm như đưa đám ra mà nhìn tôi.

“Ông nhà vẫn chưa về sao?”. Tôi lên tiếng.

“Làm sao ông lại ở trong này?”. Giọng cả ba người cùng kéo ra một lượt.

Tôi thấy họ rất thất vọng về tôi bởi một chuyện gì đó, vì vậy cho nên họ rất oán giận tôi. Đáng lẽ tôi không nên ở trong nhà của họ, đáng lẽ tôi phải đi cùng với ông già và anh con trai đến bãi tha ma mà quyết đấu kia, đó là điều mà họ mong muốn. Bây giờ mà tôi đuổi theo họ thì hãy còn kịp. Đúng vậy, làm sao tôi có thể vứt bỏ nhiệm vụ của mình ở đây? Nếu tôi không tìm ra được chú Ba thì khi sếp hỏi, tôi biết ăn nói làm sao và hẳn là ấn tượng của tôi trong mắt sếp cũng tiêu luôn. Tôi đứng lên chạy ra cửa, ba người đàn bà thở phào, xì xào bình phẩm: “Kể ra anh ta cũng còn có trách nhiệm.”

Bên ngoài không tối lắm, có lẽ trời sắp sáng. Tôi ngoái lại nhìn căn nhà nhỏ, bên trong đèn đuốc sáng choang, không biết những người đàn bà kia đang bận rộn cái gì. Khi tôi đang vội vàng chạy đến bãi tha ma thì ông già và anh con trai đang nằm rên rỉ dưới đất. Ông lão thấy tôi cúi xuống thì vẫy tay nói:

“Bên đó đó, cậu đi về bên đó đi, cậu với họ là một cánh. Tôi không cản nổi bọn ấy, thằng con tôi cũng vậy.”

“Bên đó đâu có cái gì, sao ông theo bọn họ đi, cớ gì cứ phải tự mua khổ vào thân như thế?”

Ông già nghe tôi nói vậy, ngừng rên, cười nhạt nói:

“Chúng tôi không phục, mà ai dám chắc lần nào họ cũng thắng? Cậu mở mắt ra mà nhìn cho kĩ đi, chú Ba nhà cậu không ở đó là gì? Nhìn kìa, anh ta lên chỗ đám rau rồi. Ê, cha nội kia cháu của cha ở đây này! Tiếng gọi này linh thật, lão ta trốn mất rồi”.

Giữa khi ông già nói, anh con trai lẳng lặng đứng dậy đi về nhà không nói tiếng nào. Lúc này ông già đề nghị ông và tôi cùng đi đến bãi tha ma để cho tôi xem mộ của mình. Tôi vui vẻ đồng ý. Tôi đỡ ông đi về phía những ngôi mộ nhấp nhô. Ông cao hứng nói rằng, ông cùng đi với tôi thì những tên hung thần ác sát sẽ trốn hết. Ông vừa đi vừa hỏi tôi có thấy chú Ba hay không, tôi nói không thì ông rất thất vọng, trách tôi là không ráng nhìn. Ông già bảo tôi dừng lại trước cái huyệt bị đào bới, một hốc đen sì toang hoác há ra trước mặt tôi.

“Đây là mộ của tôi à?”

“Đúng, ai mà không biết chuyện này. Bên hông là mộ của chú Ba, phía sau là mộ của cha cậu. Cậu xem, sau khi chết mọi người vẫn ở cùng một chỗ như vậy, hay biết mấy.”

Ông ngồi xuống đất, châm thuốc, bộ dạng chừng như vết thương trên người ông đã khỏi hết vậy. Tôi muốn nói với ông rằng tôi hoàn toàn chưa có chết, tôi là một người sống chưa không phải là một con ma, nhưng tôi lại không thể mở miệng. Biện bạch thì có tác dụng gì? Ông ta chỉ tin vào kinh nghiệm của bản thân ông mà thôi. Ông và cậu con trai của ông vừa bị dần một trận thất điên bát đảo, thế mà bây giờ ông đi cùng với tôi lại chẳng có chuyện gì xảy ra, vậy là sao? Nhưng tại sao bọn ma quỉ lại sợ tôi nhỉ?

“Tôi đang làm việc ở thành phố, hoàn toàn không biết chuyện có cái mộ của mình”. Tôi thử gợi chuyện với ông.

“Ấy là vì cậu chưa trở về mà xem đấy thôi, về một chuyến thì rõ cả.” Ông bình tĩnh nói. “Chú Ba nhà cậu là một gã ngang ngạnh, lần nào anh ta cũng phải đánh ngã tôi rồi mới chịu. Cậu để ý xem làng mình có khác gì với bên ngoài không?”

“Khác cái gì ạ?”

“Là thế này, cậu đứng lên nhìn thử. Nhìn rõ chưa? Người chết và người sống mỗi bên chiếm một nửa, lấy cây long não kia làm ranh giới. Chúng ta mỗi bên đều có một địa bàn riêng, mấy chục năm rồi, hai bên thường đáng nhau rùm beng. Như ban ngày cậu đã thấy đấy, trong làng này, ngay cả cây cối cũng không lớn nổi, hoa màu thì thất thu, đó là vì sự tranh giành địa bàn của người sống và người chết mà ra. Vừa rồi chúng tôi còn đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán, tới chừng cậu đến, bọn họ hoá ra ngoan ngoãn, họ còn chưa quen với cái mùi vị trên người của cậu, nhưng cậu ở đây lâu rồi, thế nào họ cũng quen thôi. Thật không dễ đâu, lần này chúng tôi phải gọi điện cho cậu năm lần bảy lượt, cậu mới về đấy”.

“Gọi điện cho tôi à?”

“Ừ, cậu không biết sao? Những cuộc gọi đều do sếp của cậu nghe cả, anh ấy là con trai thứ hai của tôi đấy.”

Ông lão cười hì hì. Xóm làng trước mắt tôi bồng bềnh, trong những căn nhà nông dân đó, ẩn giấu bao nhiêu điều bí mật, chúng hoà vào biển rộng của hư vô, như con thuyền đang trôi về phía tôi, như muốn đè bẹp tôi. Có lẽ không có chuyện nào là có thể thực sự mà quên được, không có chuyện nào. Tôi nhớ đến vị sếp đeo kính của tôi, rõ là anh ta rất giống cậu con trai cả trầm lặng của ông lão. Tôi là một đứa con của “Đảo Rắn” này. Thì ra mọi người chưa từng bao giờ quên tôi, thì ra không giây phút nào tôi không sống trong kí ức ban sơ của họ. Vậy cuối cùng ông lão trước mặt tôi là ai? Vì sao trong cả cái làng này chỉ có mình ông ấy ra đón tiếp tôi? Còn tôi, cả tên của ông ta cũng chưa hỏi đến nữa. Tôi ngồi bên mộ của mình nghĩ ngợi những chuyện như vậy, đêm dài dặc, kì quái đến khó tưởng, tôi đã mất khả năng nắm bắt tự thân. Ai biết ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra. Nghĩ vậy, tôi không suy nghĩ gì nữa, tiếng gọi của anh con trai theo gió truyền đến tai ông già “Cha ơi, cha ơi…”, âm thanh khàn đặc mà giận dữ, tuy không thấy rõ biểu hiện trên mặt ông lão như thế nào, nhưng tôi biết ông chẳng hề động lòng.

“Cậu tính xem, cậu đã rời làng này bao nhiêu năm rồi?”

“Tròn trặn 31 năm. Tôi cho rằng mình sẽ không thể trở về nữa. Mộ địa ở đây yên ắng quá!”

“Bọn họ trốn hết cả rồi, chắc là chưa quen với cậu. Vừa nãy ở đây náo nhiệt như một cái chợ lớn ấy. Mỗi đêm tôi đến đây để giết thời giờ, tôi với họ đánh nhau là chuyện thường, dù sao người già cũng ít ngủ, không giấu gì cậu cả năm nay tôi vẫn không ngủ được. Xem kìa, chú Ba nhà cậu lại đến rồi, coi bộ dạng anh ta có vẻ rất xấu hổ, thường bọn họ thấy người sống thì xấu hổ ngượng ngùng, nhưng cậu hoàn toàn không phải là người ngoài, cậu đâu khác gì bọn họ, đây là chuyện hơi lạ đấy. Ay, cậu đi đâu đấy? Cậu đừng chạy lung tung!”

Tôi chạy vòng quanh những cái mộ, tôi muốn tách khỏi ông già đi gặp chú Ba. Theo chủ quan của tôi thì vì ông già ngăn trở tầm nhìn nên tôi mới không thấy ông chú của tôi. Tôi chạy một hơi, mà mấy ngôi mộ ở đây vẫn im lìm, giữa trời là một màn sương mù mong mỏng, có mấy ngôi mộ chắc là mới đào, còn ngửi thấy cả mùi của đất. Lúc này, những ngôi mộ kia không khiến cho người ta cảm thấy tối tăm u ám, mà ngược lại còn khiến cho tôi cảm thấy rằng, chúng như một nơi cư ngụ. Và dù đã nhìn khắp bốn phương tám hướng, tôi vẫn chẳng thấy hồn ma bóng quế nào. Chỉ có một mình ông lão đứng đó lẻ loi, dường như đang nghiêng cổ lắng nghe một âm thanh nào đó. Tôi chạy quanh một vòng lớn đến cạnh ông, trong lòng chợt hiểu một chút sự tình. Tôi đột ngột hỏi ông:

“Ông chính là chú Ba của tôi phải không?”

“Bây giờ thì việc này đối với cậu chẳng còn quan trọng gì nữa, đúng không?”

Tôi nghĩ một lát rồi đáp: “Đúng vậy”.

Đây là một đêm dài vô tận, tôi ngửi thấy mùi vị của đất mới, một thứ chán ngán ngấm ngầm từ trong xương tuỷ lan ra khắp cả người. Thời trẻ, chúng tôi cố sức túa ra bên ngoài, chạy rất xa, đến nơi của những người xa lạ. Cùng lúc đó, trên cánh đồng, quê nhà như làn khói mỏng lãng đãng, một loại diễn tiến không thể đảo ngược trở lại. Trải qua những biến cố như vậy, quê nhà đã hoàn toàn thay đổi rồi, cũng có thể là căn bản không có bản sắc gì, có chăng chỉ là ảo giác lãng quên thay đổi, dưới sự chi phối của ảo giác tôi, thì đương nhiên không thể nhận ra chú Ba. Nói cho cùng, có ai mà có thể nhận ra được những người, những chuyện mà mình đã quên hẳn chứ? Tôi nghĩ như vậy, hình bóng chú Ba trong mắt tôi lờ mờ, lắt lay và không ngừng thay đổi.

Tối hôm đó, trong phòng ngủ chật hẹp của chú Ba, mặc cho bọn muỗi quấy phá, tôi và ông bắt đầu cuộc trò chuyện thiên thu bất tận. Ngoài cửa sổ, trời tối đen, cậu con trai của chú Ba giận dỗi gào thét ngoài sân. Tôi không nhớ rõ là chúng tôi đã nói những gì, đó là thứ giao lưu tâm linh trực tiếp, nếu tập hợp lại thành câu cú thì quá nửa là những câu lộn xộn tào lao. Tuy đã qua sự đối xử chân thành cởi mở như vậy nhưng hình tượng của chú Ba trước đây cũng không hề tái hiện lại được một nét nào. Rồi dần dần cái tâm trạng tích đọng bao lâu nay ấy của tôi cũng nhạt phai dần. Ông lão kia bây giờ đã thành một bức chân dung loang lổ, một thứ cũ kĩ tàn tạ đến không tả.

 

Nguyên tác: "Xà Đảo"
Lưu Hồng Sơn dịch 9/2005.

 

-----------

Các tác phẩm khác của Tàn Tuyết đã được giới thiệu trên Tiền Vệ:

 
Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”  (tiểu luận / nhận định) 
... Có lẽ, cái loại “thuần văn học” mà tôi theo đuổi chính là thứ làm cho con người không ngừng đổi thay, không ngừng phủ định những quy định của bản thân. Ví dụ, ngay cả trong nhận thức của bản thân tôi, dù đọc hay viết, đều là sự sáng tạo, loại văn học này không tuân theo những qui luật đã có, bạn chỉ có thể huy động năng lượng bên trong của bạn và quy luật được hình thành hoặc “phát hiện” từ trong quá trình ra sức “làm việc” thuộc về bạn... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Sương mù  (truyện ngắn)
Từ khi sương mù rơi đến bây giờ, mọi thứ chung quanh đều mọc ra bao nhiêu là lông lá lượt thượt và chúng không ngừng nhảy múa. Muốn nhìn một cái gì đó cho rõ, tôi phải căng mắt cả ngày... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện ngắn)
Câu chuyện Đào nguyên trong truyền thuyết xa xưa lưu truyền khắp làng. Nhưng trong làng, ai cũng mù mờ, thậm chí là mù tịt về nó. Trong chuyện này, chỉ có ông Tư Tề là người có uy tín nhất. Ông Tư Tề giờ đã hơn 90 tuổi, thân thể già nua co rút lại chỉ còn chừng hơn mét, nhưng ông lại để bộ râu dài cả thước và trắng như tuyết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021