thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
(Một truyện giả tưởng cho tác giả của chính nó)

Thưa tác giả,

Hẳn ông rất ngạc nhiên và tức giận khi thấy tên ông, Hoàng Ngọc-Tuấn, vẫn được in chính xác trên đây, nhưng nhan đề tác phẩm của ông đã bị thay đổi và đặt vào giữa hai dấu ngoặc đơn, và những dòng chữ này không phải là của ông. Tôi hoàn toàn thông cảm với sự ngạc nhiên và tức giận của ông, nhưng xin ông bình tĩnh đọc tiếp để hiểu rõ nguyên nhân của hiện tượng này.

Trước hết, có lẽ ông nóng lòng muốn biết tôi là ai. Xin thưa ngay rằng tôi là “hắn” trong truyện này (một truyện giả tưởng do chính ông hoàn tất cách đây hai tuần). Ông đã tạo ra tôi ngay trong đoạn văn đầu tiên của truyện. Xin ông thong thả đọc những mảnh ghi chép rời rạc của tôi dưới đây để thấy rõ vấn đề.

1.

Một dòng nước trong chảy giữa đám cây, phía trước giáp với cửa sông lớn. Năm giờ chiều. Tôi nhìn thấy một con thằn lằn giống như một chiếc lá trên thành cửa sổ. Nhìn qua khung cửa sổ, tôi thấy hắn đến (thật là một cảnh xấu xa khi một người đàn ông không có mắt không có mũi không có tai và giả vờ hút điếu thuốc nửa chừng luôn luôn tắt lửa) và tôi nhìn ngắm hắn.

Vừa viết xong đoạn văn đầu tiên, ông nhìn vào màn ảnh vi tính, đọc lại một lần, mỉm cười, lẩm bẩm với vẻ tự mãn: “Được, được lắm!” Rồi ông gỡ cặp kính cận để xuống mặt bàn viết, đứng dậy, bước xuống nhà bếp để pha một cốc cà phê. Khi ông bưng cốc cà phê trở lại bàn viết, thì cặp kính cận không còn ở đó. Ông nhìn quanh quất trên bàn, dưới đất, rồi lẩm bẩm: “Lạ thật! Mới để cặp kính ở đây, mà sao nó lại biến mất?” Đặt cốc cà phê lên mặt bàn viết, ông bước xuống nhà bếp để tìm cặp kính cận. Rồi ông quay lại bàn viết và thấy cặp kính cận vẫn ở nguyên chỗ cũ. “Ô hay! Nó đây rồi. Thật lẩn thẩn”, ông tự nhủ như vậy. “Ủa, mà cốc cà phê đâu rồi? Lạ nhỉ?” Ông mang cặp kính vào, rảo mắt nhìn quanh, rồi lại đi xuống nhà bếp, thì thấy cốc cà phê ở đấy. “Thật là lẩn thẩn! Dạo này đầu óc thế nào ấy!” Ông bưng cốc cà phê trở lại bàn viết để tiếp tục viết, nhưng ý nghĩ về sự lẩn thẩn cứ chờn vờn trong trí ông.

2.

Vâng, tôi chính là “hắn”, một nhân vật bị ông bất ngờ tạo nên trong ngữ cảnh vá víu và ngập ngụa những ảnh hưởng ấy. Ông nói sao? Không vá víu à? Không chịu ảnh hưởng của ai à? Độc sáng? Ối chào, lại còn độc sáng nữa! Ngay cả tôi đây, nhân vật chính của ông, mà ông còn không tạo nên nổi kìa. Ông đã đánh cắp tôi từ chữ nghĩa của Rainer Maria Rilke, Guillaume Apollinaire và Carlo Emilio Gadda, mà ông còn chối sao? Không, tôi không hề vu khống hay bịa đặt. Ông cho tôi xuất hiện như thế này: “tôi thấy hắn đến (thật là một cảnh xấu xa khi một người đàn ông không có mắt không có mũi không có tai và giả vờ hút điếu thuốc nửa chừng luôn luôn tắt lửa) và tôi nhìn ngắm hắn.” Khéo thật nhỉ? Không, tôi không thấy phiền hà gì khi bị gán cho một bộ dạng như vậy. Chỉ có một điều tôi không chấp nhận được: ông bắt tôi phải chịu đựng một diện mạo chắp vá vớ vẩn từ những mảnh vụn chữ nghĩa của ba tác giả khác nhau. Mảnh này là từ bài thơ “Das Lied der Witwe” của Rainer Maria Rilke: “tôi thấy hắn đến (thật là một cảnh xấu xa) và tôi nhìn ngắm hắn” (Ich sah ihn kommen (wie schlecht er kam), und ich schaute ihm zu). Mảnh này lại đến từ bài thơ “Le musicien de Saint-Merry” của Guillaume Apollinaire: “khi một người đàn ông không có mắt không có mũi không có tai” (quand un homme sans yeux sans nez et sans oreilles). Mảnh này lại được cóp nhặt từ tiểu thuyết Quer pasticciaccio brutto de via Merulana của Carlo Emilio Gadda: “và giả vờ hút điếu thuốc nửa chừng luôn luôn tắt lửa” (e a fingere di fumare la sua mezza sigheretta, regolarmente spenta).

Tệ hơn nữa, ông lại ném tôi vào một ngữ cảnh tạp nhạp Đông Tây cổ kim như thế này: “Một dòng nước trong chảy giữa đám cây, phía trước giáp với cửa sông lớn” chính là hai câu “Thanh lưu quán kỳ trung / tiền lâm đại xuyên khẩu” của Vương Duy trong bài thơ “Nạp Lương”. “Năm giờ chiều” chính là câu thơ “A las cinco de la tarde” trong bài “La cogida y la muerte” của Federico García Lorca. “Tôi nhìn thấy một con thằn lằn giống như một chiếc lá” lại là một câu văn của Joanna Frueh trong một bài có cái nhan đề tôi không ngửi nổi là “Fuck Theory”. Chỉ có hai mảnh chữ “trên thành cửa sổ”“nhìn qua khung cửa sổ” thì hoạ may là của ông, nhưng lại chẳng phải là của riêng ông, vì chúng có thể sẵn có trong bất cứ truyện ngắn hay tiểu thuyết nào.

3.

Lúc ông xuống nhà bếp nấu món ăn chiều, ông thấy trên sàn nhà bếp một mớ sách gồm những cuốn của Vương Duy, Federico García Lorca, Joanna Frueh, Rainer Maria Rilke, Guillaume Apollinaire, và Carlo Emilio Gadda. “Ai lại đem sách để chỗ này?” Ông càu nhàu, nhưng lại tự thấy vô duyên, vì mọi người đều đi picnic từ sáng sớm, chỉ có một mình ông ở nhà để viết văn. Ông nhặt mớ sách đặt lên bàn ăn. Khi ông vừa quay lưng đi, mớ sách rơi ào cả xuống đất, nhưng ông lại cúi xuống, nhặt lên một cách bực dọc. “Dạo này chân tay vụng về quá”, ông tự nhủ, “có lẽ phải chịu khó bơi lội và tập thể dục.” Rồi ông ôm mớ sách đi thẳng đến kệ sách và xếp từng cuốn vào.

4.

Nếu tôi được phép trả đoạn văn tiếng Việt rất thú vị của ông về với những xuất xứ đa ngữ của nó, thì nó phải như thế này:

Thanh lưu quán kỳ trung, tiền lâm đại xuyên khẩu. A las cinco de la tarde. I saw a lizard and it looked like a leaf trên thành cửa sổ. Nhìn qua khung cửa sổ, ich sah ihn kommen (wie schlecht er kam, quand un homme sans yeux sans nez et sans oreilles e a fingere di fumare la sua mezza sigheretta, regolarmente spenta), und ich schaute ihm zu.

Vâng, thưa ông, tôi không thể chấp nhận một hiện hữu lem nhem trong một ngữ cảnh hổ lốn như vậy.

5.

Từ lúc vợ con ông đi picnic về trước bữa ăn chiều cho đến khuya, ông luôn luôn phải nghe những lời cằn nhằn mà không cách nào tự bào chữa.

“Anh ơi, sao anh lại vất tàn thuốc lá lên tấm thảm ở phòng khách? Anh đã hứa không hút thuốc ở trong nhà cơ mà?”

“Bố ơi, sao bố bỏ tàn thuốc lá vào hộp đồ chơi của con?”

“Anh ơi, em đã mua cho anh mấy cái gạt tàn để ngoài vườn trước, ngoài vườn sau, ngoài balcony, mà sao hôm nay anh lại liệng tàn thuốc trên bồn rửa mặt?”

“Trời ơi, anh lại ném cả tàn thuốc trên chạn để bát đĩa! Em chỉ đi vắng có một ngày mà anh đã bừa bãi như vậy sao?”

“Trời ơi, anh lại nhét cả tàn thuốc vào túi quần dài? Em đã bảo anh đừng làm vậy, vì nó làm ố vàng những quần áo khác trong máy giặt. Hôm nay sao anh lạ vậy? Đấy, viết với lách. Viết lách làm gì mà phải mơ màng lẩn thẩn đến vậy chứ?

“Bố ơi, đừng uống. Có cái tàn thuốc trong cốc của bố.”

“Trời ơi, anh vất cả tàn thuốc lá lên gối của em. Sao lạ vậy? Bạ chỗ nào anh cũng vất tàn thuốc lá. Nhà văn không nhất thiết phải ở dơ như vậy. Nếu ở sạch không được thì đừng viết nữa còn hơn.”

“Ối trời ơi! Con thằn lằn… con thằn lằn trên cổ áo em…”

6.

- Ông có nhận ra tôi là ai không?

- Nhận ra chứ, tất nhiên, anh là nhân vật chính trong truyện của tôi, “một người đàn ông không có mắt không có mũi không có tai và giả vờ hút điếu thuốc nửa chừng luôn luôn tắt lửa”.

- Sai rồi, tôi không phải là nhân vật của ông. Tôi đến từ Rainer Maria Rilke, Guillaume Apollinaire, và Carlo Emilio Gadda.

- Thật sao? Anh chỉ nói khoác.

- Nói khoác cái gì? Nghe đây: “ich sah ihn kommen (wie schlecht er kam, quand un homme sans yeux sans nez et sans oreilles e a fingere di fumare la sua mezza sigheretta, regolarmente spenta), und ich schaute ihm zu.”

- Thế à? Nghe như…

- Nghe như Rainer Maria Rilke, Guillaume Apollinaire, và Carlo Emilio Gadda trộn lẫn vào nhau. Phải thế không?

- Cũng không chắc. Tôi đọc lung tung cả, làm sao nhớ hết? Ý anh muốn nói tôi đạo văn?

- Không hẳn thế. Ông không cố ý đạo văn, nhưng mớ chữ nghĩa đó đã nhập tâm từ lâu nên ông không còn nhận ra nữa.

- Anh bảo tôi nhai lại văn của họ mà tôi không biết?

- Đấy, thế mới khổ! Sáng mai, thức dậy, ông nhớ đọc kỹ lại bài thơ “Das Lied der Witwe” của Rainer Maria Rilke, bài thơ “Le musicien de Saint-Merry” của Guillaume Apollinaire, và tiểu thuyết Quer pasticciaccio brutto de via Merulana của Carlo Emilio Gadda. Còn không thì…

- Thì sao?

- Thì phải sửa lại chứ sao? Chẳng hạn “một người đàn bà có mắt có mũi có tai và cố ý ngậm một ống vố luôn luôn ngún lửa.”

- Rõ nhảm. Ai mà chẳng có mắt có mũi có tai? Văn chương gì dở hơi đến thế?

- Thà thế còn hơn. Thà tôi làm một người đàn bà dở hơi như vậy trong một câu văn dở hơi như vậy để tôi hoàn toàn thuộc về ông.

- Tôi thà vất đoạn văn ấy đi để viết lại tất cả, chứ chẳng cần sửa làm quái gì.

- Hoan hô! Nhưng coi chừng đấy, chẳng phải chỉ một đoạn văn này, mà tất cả những đoạn văn tiếp theo cũng toàn là… vô tình.

- Này, đừng láo khoét! Anh nói tôi hoàn toàn không thể làm chủ được chữ nghĩa của tôi à?

- Đúng vậy. Ngay từ câu đầu tiên, ông đã vay của Vương Duy, rồi của Federico García Lorca, rồi Joanna Frueh…

- Câu đầu tiên? Tôi chẳng vay của ai cả. Đó là cảnh trước nhà một người bạn thân của tôi, “một dòng nước trong chảy giữa đám cây, phía trước giáp với cửa sông lớn…”

- Ha ha… “Thanh lưu quán kỳ trung, tiền lâm đại xuyên khẩu. A las cinco de la tarde. I saw a lizard and it looked like a leaf…” Thật là một bức collage vô tình hết sức thú vị!

- Thôi, im đi. Tôi sẽ xoá tất cả và viết lại từ đầu. Anh có nghe rõ không? Tôi sẽ…

- Sẽ đốt hết sách trên kệ chăng? Vô ích. Chúng đã nằm yên cả trong đầu ông rồi. Đợi đến khi ông viết, thì chúng thò ra…

- Tôi đã bảo im đi. Để tôi yên. Tôi sẽ vất anh ra khỏi truyện của tôi cho xong việc.

- Vâng, làm ơn. Thà là thế. Chứ nếu không…

- Nếu không thì sao?

- Thì tôi sẽ khó chịu lắm. Và vì vậy, tôi sẽ… tiếp tục phải làm ông khó chịu, để nhắc nhở ông… như hồi chiều nay…

- Cái gì? Anh đã…

- Vâng, chính tôi đã giấu cặp kính mắt, giấu cốc cà phê, mang sách để trên sàn…

- Anh đã vất tàn thuốc lá lên gối của vợ tôi…

- Vâng, và xác con thằn lằn…

- Đồ khốn kiếp… Mày… Mày…

7.

Vợ ông lay ông dậy. “Anh ơi… anh ơi… ngủ mê cái gì mà la quá vậy?” Ông ngồi bật dậy, mình ướt đẫm mồ hôi. “Có lẽ là một ác mộng… nhưng anh không nhớ là về cái gì…”, ông lẩm bẩm. “Thôi, nằm xuống ngủ đi,” vợ ông nói, “dạo này anh thế nào ấy… lạ quá…”

8.

Sáng sớm, ông mở máy vi tính, ngồi trầm ngâm rất lâu, đọc lại cái truyện dang dở rất nhiều lần, nhất là đoạn văn đầu tiên mà hôm qua ông đã lấy làm đắc ý. Ông không biết tại sao hôm qua, lúc vừa viết đoạn ấy xong, ông thấy đắc ý lắm, mà sáng nay, lúc định viết tiếp cho xong cái truyện, thì lại cảm thấy dường như có cái gì không ổn. Không biết từ đâu thoáng đến cái ý tưởng rằng đoạn văn đầu tiên ấy có chỗ giống văn của ai đó. Ông nhẩm tính xem từ trước đến giờ ông thường bị văn của ai ám ảnh, nhưng ông nghĩ không ra. Ông muốn viết tiếp rồi sẽ tính sau, nhưng ông lại cảm thấy mất hứng. Ông đứng dậy, đến trước kệ sách, nhìn ngắm từng gáy sách, rút ra một cuốn, suy nghĩ, lật vài trang vu vơ, rồi lại xếp vào. Cuối cùng, ông lấy tuyển tập thơ của Apollinaire. Tôi nín thở.

Cầm cuốn sách trên tay, ông đi ra sân trước, ngồi xuống trên một chiếc ghế sắt, mồi một điếu thuốc, và giở sách ra. Mắt ông lướt qua vài đoạn trong Le bestiaire, rồi nhảy sang Alcools, dừng lại ở bài “Crépuscule”, chậm rãi đọc câu “L’aveugle berce un bel enfant…”, suy nghĩ thoáng qua, rồi lật qua bài khác, mỗi bài ông chỉ dừng lại ở vài câu ông ưa thích. Cứ thế, ông dần dần đi xuyên qua Alcools, rồi bắt đầu đọc Calligrammes. Tôi nín thở.

Đến câu “Le pauvre jeune homme se mouchait dans sa cravate blanche” trong bài “Les fenêtres” ông dừng lại một chút, rồi đọc tiếp. Kế đến là “Les collines”, một bài thơ rất dài. Ông đọc chậm lại ở những câu “Certains hommes sont des collines / Qui s’élèvent d’entre les hommes”“L’homme se divinisera / Plus pur plus vif et plus savant”. Rồi ông lật sang bài “Le musician de Saint-Merry”. Tôi nín thở.

Khi ông đang đọc đến câu “Je chante toutes les possibilités de moi-même hors de ce monde et des astres”, vợ ông bước ra sân và nói: “Anh ơi, vào ăn sáng rồi đưa em và con đi hội chợ sách”. Đặt cuốn sách còn mở xuống đùi, ông nhìn vợ và nói: “Hội chợ sách gì vậy? Hôm nay anh định ở nhà viết cho xong cái truyện ngắn.” “Hội chợ sách ở Glebe. Anh không nhớ anh hứa với em và con sao? Hội chợ sách bắt đầu sáng nay, hăm mốt tháng Năm.” Ông hơi chần chừ, nhưng ngoan ngoãn nói “vâng”, rồi cúi xuống đọc nốt câu còn lại của đoạn thơ “Je chante la joie d’errer et le plaisir d’en mourir”, và gấp sách lại. Ngay trước khi gấp sách lại, ông thoáng thấy câu thơ kế tiếp: “Le 21 du mois de mai 1913…” Ông hơi ngạc nhiên vì sự trùng hợp kỳ lạ: ngày 21 tháng Năm. Ông lẩm nhẩm: “Hai mươi mốt tháng Năm”. Tôi nín thở.

9.

Ông gấp sách, đứng dậy và bước vào nhà. Đi được vài bước, ông nghe một tiếng động sau lưng. Ông quay lại, thấy chiếc gạt tàn thuốc bằng thủy tinh vỡ vụn trên mặt đất, và một điếu thuốc hút dở đã tắt lửa nằm cạnh đó. “Anh không cẩn thận gì hết. Vỡ cái gạt tàn thuốc rồi”, vợ ông kêu lên, rồi chạy đến nhặt những mảnh vỡ. “Ô, anh sơ ý quá”, ông nói. “Có lẽ anh nên bỏ hẳn thuốc lá thì tốt nhất,” vợ ông nói. Nhưng ngay lập tức nàng thét lên hoảng hốt và nhảy bổ về phía ông: “Ôi… con thằn lằn…” Ông ôm vợ, nhìn chiếc gạt tàn thuốc vỡ và ông thấy, cạnh đó, xác một con thằn lằn trông giống như một chiếc lá.

10.

Vâng, tôi đã nín thở từng chặp khi ông đọc tuyển tập thơ Apollinaire. Tôi hy vọng khi đọc đến câu “quand un homme sans yeux sans nez et sans oreilles” ông sẽ giật mình hiểu ra là ông đã vô tình vay mượn nó để xây dựng hình ảnh nhân vật chính của “hắn”, tức là tôi. Nhưng rủi thay, vợ ông lại xen vào cuộc. Và mọi hy vọng của tôi đều tan nát. Giá như ông chỉ đọc ráng vài câu nữa, ông đã thấy nó rồi!

Le 21 du mois de mai 1913

Passeur des morts et les mordonnantes mériennes

Des millions de mouches éventaient une splendeur

Quand un homme sans yeux sans nez et sans oreilles

11.

- Đi hội chợ sách sao trông anh buồn thế?

- Không phải buồn. Anh cứ mải suy nghĩ về một điều.

- Về cái tật đãng trí ngày càng nặng của anh phải không?

- Ừ, anh dạo này sao đãng trí quá. Nhưng anh lại đang suy nghĩ về chuyện khác… Từ sáng đến giờ, tự nhiên anh cảm thấy băn khoăn về nhân vật chính trong cái truyện anh đang viết. Anh hoàn toàn bịa nó ra, nhưng không biết tại sao anh lại cảm thấy hình như anh đã gặp nó ở đâu đó rồi…

- Nhân vật đó như thế nào?

- Một người đàn ông không có mắt không có mũi không có tai và giả vờ hút điếu thuốc nửa chừng luôn luôn tắt lửa.

- Làm gì có ai trên đời như vậy mà anh gặp?

- Khi một người đàn ông… un homme… quand un homme…

- Anh nói gì vậy?

- À… không. Dường như Apollinaire có viết một câu thơ tả người nghe lạ lắm… Mà anh không nhớ nổi… Hôm nay là hăm mốt tháng Năm phải không?

- Đúng, hăm mốt tháng Năm. Anh có hẹn với ai sao?

- À… không. Anh chỉ hỏi thế… Chẳng biết anh có lỡ hẹn với ai mà quên tuốt đi không… Thôi, kệ nó…

12.

Tôi tiếc là sáng nay ông đã không nhặt cuốn Quer pasticciaccio brutto de via Merulana của Carlo Emilio Gadda từ kệ sách. Chỉ cần nhặt cuốn đó, giở ra, là ông đã nhớ ngay đến những cử chỉ thú vị của bác sĩ Ingravallo: “ông vẫn tiếp tục ngủ đứng trên hai chân, triết lý trên cái bao tử rỗng, và giả vờ hút điếu thuốc nửa chừng luôn luôn tắt lửa” (seguitava a dormire in piedi, a filosofare a stomaco vuoto, e a fingere di fumare la sua mezza sigheretta, regolarmente spenta).

Tôi tiếc là sáng nay ông đã không nhặt thi tập Das Buch der Bilder của Rainer Maria Rilke từ kệ sách. Chỉ cần đọc qua cuốn đó, đến phần những bài ca về những kẻ bất hạnh, là ông đã bất giác nhớ đến “Das Lied der Witwe” (Bài ca người goá phụ), với những dòng khó quên: “Chẳng phải lỗi của hắn, và chẳng phải lỗi của tôi; / cả hai chúng tôi chẳng có gì ngoài lòng kiên nhẫn, và cái chết đã chẳng có chút kiên nhẫn nào. / Tôi thấy hắn đến (thật là một cảnh xấu xa), / và tôi nhìn ngắm hắn…” (Das war nicht seine, nicht meine Schuld; / wir hatten beide nichts als Geduld, / aber der Tod hat keine. / Ich sah ihn kommen (wie schlecht er kam), und ich schaute ihm zu…).

13.

Cuối cùng ông cũng viết xong cái truyện ngắn. Để cho vợ con mặc tình dạo hội chợ sách rồi lang thang qua nhiều tiệm quần áo suốt mấy giờ đồng hồ, ông ngồi lì ở một quán cà phê vỉa hè, kêu hết cốc này đến cốc khác, và viết như ma đuổi hết mươi trang giấy. Khi cái truyện hoàn tất, ông nhận ra ngón tay trỏ đau buốt vì cầm bút quá lâu. Chợt thấy thèm thuốc lá, ông nhặt bao thuốc để cạnh cốc cà phê, mở ra. Bao thuốc ông mới mua trước khi bước vào quán cà phê này, bây giờ không còn một điếu nào cả. Hai mươi lăm điếu Dunhill. “Sao có thể hút nhanh đến thế?” Chiếc gạt tàn đầy ắp những điếu thuốc hút dở đã tắt lửa. Ông nhón một điếu, mồi lửa hút tiếp. “Hồi nãy, lúc mình đang say sưa viết, dường như có người đến ngồi bên cạnh, xin một điếu thuốc. Chẳng lẽ hắn dám ngồi lì phá hết cả bao thuốc theo kiểu đó?” Ông thầm nghĩ như thế, rồi đứng dậy, bước đến quầy tính tiền.

14.

- Em đã đánh xong cái truyện cho anh rồi chứ?

- Xong rồi. Nhanh chóng thôi. Thấy anh ngồi mổ cò từng chữ, em sốt ruột chịu không nổi. Mà này, có lẽ cái computer của anh bị virus rồi.

- Vậy à? Nó bị thế nào?

- Không biết tại sao mỗi lần em gõ xong chữ “hắn” thì nó lại tự động bold lên. Chỉ riêng có chữ “hắn” là bị bold như vậy. Tất cả các chữ khác thì vẫn bình thường. Lạ thật! Em không biết phải sửa cách nào.

- Để anh xem sao. Mình thử bấm “Select All”, rồi chuyển hết thành bình thường như thế này… Mà lạ thật! Những chữ “hắn” lại vẫn còn bold.

- Có lẽ ai đó gửi một thứ virus vào máy của anh để đùa nghịch chăng?

- Anh không hiểu nổi. Nhưng… thôi, kệ nó. Tất cả những chữ “hắn” bold lên như vậy trông cũng ngộ nghĩnh đấy chứ?

- Biết đâu chúng gợi lên nơi người đọc thêm một tầng ý nghĩa nào đó…

- Vâng, vậy mà lại hay đấy. Thôi, để anh attach rồi mail cho toà soạn.

*

Vâng, thế là cuối cùng ông vẫn giữ nguyên đoạn văn đầu tiên và viết xong cái truyện, mặc cho tôi loay hoay vùng vẫy kiếm mọi cách để nhắc ông. Hoàn tất cái truyện, ông lạc quan hẳn lên. Vợ ông đọc và khen không tiếc lời. Đêm đó, ông làm tình rất sôi nổi và ngủ một giấc tuyệt hảo. Suốt tuần lễ sau đó, ông không viết lách, mà dành trọn thì giờ để “tận hưởng những ngày nghỉ còn lại”. Nhà ông trở nên sạch sẽ, không còn những tàn thuốc hút dở vất bừa bãi, không còn những xác thằn lằn bất ngờ xuất hiện rải rác giống như những chiếc lá. Vợ ông khen ông tiến bộ nhanh chóng, và khuyên ông nên bớt văn chương, tăng thì giờ cho việc chăn gối “để giữ quân bình cho đầu óc”.

Vâng, tôi cũng muốn khuyên ông như thế. Thậm chí có lúc tôi nghĩ ông nên bỏ hẳn văn chương là tốt nhất, chứ viết lách mà đầy dẫy những ảnh hưởng và vay mượn vô tình như thế thì viết làm gì. Là một nhân vật chính của ông, tôi chỉ muốn ông thể hiện tính độc sáng trong tác phẩm chứa đựng hiện hữu của tôi. Nhưng tôi đành tuyệt vọng. Ông không thể nào bước ra khỏi những văn bản đã tạo nên ông như một nhà văn. Chỉ còn một cách duy nhất là tôi tự ý viết lại toàn bộ cốt truyện và chữ nghĩa của ông để tôi có được một hiện hữu độc đáo như tôi mong muốn. Khổ thay, sau khi viết lại toàn bộ cái truyện hư cấu của ông, tôi chợt nghĩ biết đâu tôi, cũng như ông, không thể nào thoát khỏi những văn bản đã tạo nên chính mình.

Vâng, dường như toàn thể hiện hữu tôi chính là kết quả tổng hợp của những văn bản đã làm tôi mỗi lúc một đầy hơn. Ông đã tạo ra tôi từ những mảnh chữ nghĩa tạp nhạp vô tình nẩy ra từ trí óc ông, một cái trí óc đã được tạo ra từ vô số những mảnh chữ nghĩa tạp nhạp khác.

Vâng, có lẽ không bao giờ có tính độc sáng tinh tuyền trên đời này. Ngay cả đơn vị nhỏ nhất là chữ: từng chữ tôi viết ra, không chữ nào nằm ngoài những cuốn từ điển.

Vâng, thế thì tôi sẽ không bao giờ viết nữa. Chỉ xin gửi ông cái truyện giả tưởng bất đắc dĩ đầu tiên và cuối cùng của tôi. Rút cuộc tôi biết tôi vẫn chỉ là một nhân vật trong cái truyện của chính tôi, mà không thể là một nhà văn. Và tôi không muốn làm một nhà văn mà không thể nào viết nổi một cái gì thực sự độc sáng.

Vâng, tôi biết ông vẫn muốn làm một nhà văn. Hãy nhận lấy truyện này và hãy nhận lấy tên ông dưới đây như tác giả:

HOÀNG NGỌC-TUẤN

_____________________________________________

Lời người viết: Trên đây là một truyện ngắn hậu hiện đại, sử dụng thủ pháp metafiction. Độc giả có thể tìm đọc những truyện ngắn hậu hiện đại khác của Hoàng Ngọc-Tuấn như:
“Bên ngoài kinh Qur'an”, Việt, số 3 (1999), trang 23-32.
“Bên kia khung kính”, Việt, số 5 (2000), trang 38-47.
“Dự định về một truyện ngắn”, Việt, số 8 (2001), trang 21-25 [truyện này Hoàng Ngọc-Tuấn viết dưới một bút danh khác là Trần Nhật Thổ].

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021