thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những bước chân

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

CLARICE LISPECTOR

(1925-1977)

 

Clarice Lispector, nhà văn chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết, là một trong những khuôn mặt quan trọng nhất trong văn chương Ba-tây thế kỷ 20. Ngược lại với đa số nhà văn Ba-tây đương thời, nhãn quan nghệ thuật của bà vượt qua những giới hạn thời gian và địa lý; các trạng huống và nhân vật trong truyện của bà không phản ảnh hiện thực đời sống Ba-tây, mà mang tính hoàn vũ: đó là những gì mà con người ở mọi thời và mọi nơi trên trái đất có thể bắt gặp và cảm nhận — những gì ở đâu đó bên trong mỗi chúng ta.
 
Tiểu thuyết đầu tay của bà, Perto do Coração Selvagem ("Bên trái tim man dại", 1944) được xuất bản lúc bà mới 19 tuổi, và được giới phê bình khen ngợi về tài diễn đạt tinh tế những khía cạnh đời sống phức tạp của tuổi dậy thì. Những tác phẩm sau đó, như A Maçã no Escuro (Trái táo trong bóng tối", 1961), A Paixão Segundo G.H. ("Niềm đam mê qua nhãn giới của G.H.", 1964), Água Viva ("Dòng nước sinh động", 1973), đều đào xới tâm cảm của những con người lạc lõng, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, rồi gặp lại chính mình và chấp nhận tồn tại trong một thế giới mãi mãi lạ lùng.
 
Văn tài của Lispector biểu lộ rõ nét nhất qua những truyện ngắn. Những tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của bà là Laços de Família ("Những ràng buộc gia đình", 1960), A Legião Estrangeira ("Đạo quân xa lạ", 1964), A Via Crucis do Corpo ("Những trạm thể xác", 1974) và Onde Estivestes de Noite ("Nơi có anh trong đêm tối", 1974). Thật ra, những tập truyện ngắn này không hoàn toàn gồm những truyện ngắn theo cách hiểu thông thường vì Lispector không tự giới hạn vào những ràng buộc của thể loại. Bên cạnh những gì có thể gọi là truyện ngắn, có nhiều bài trông như những đoản văn dưới dạng tuỳ bút, ký sự, hay tiểu luận.
 
Dưới đây là một truyện ngắn trong cuốn A Via Crucis do Corpo (bản Anh ngữ do Giovanni Pontiero dịch gồm một số truyện trích từ cuốn này và cuốn Onde Estivestes de Noite, dưới nhan đề chung là Soulstorm, với lời giới thiệu của Grace Paley, nhà xuất bản A New Directions Book ấn hành tại New York năm 1989).

 

___________________

 

NHỮNG BƯỚC CHÂN

 

Bà đã tám mươi mốt tuổi. tên bà là Dona Candida Raposo.

Bà choáng váng trước đời sống. Cơn choáng váng của bà tăng thêm khi bà đi nghỉ mát vài ngày ở nông trại: độ cao của miền đất ấy, màu xanh của lá, cơn mưa, tất cả những thứ này làm cơn choáng váng thêm tệ hại. Khi bà nghe nhạc của Liszt, bà run rẩy từ đầu đến ngón chân. Bà đã từng xinh đẹp hồi còn trẻ. Và đã choáng váng khi hít mùi hoa hồng sâu vào lồng ngực.

Nói cho đúng, trong trường hợp của Dona Candida Raposo, nỗi thèm muốn khoái lạc vẫn chưa từ giã.

Cuối cùng, bà có đủ can đảm để đi gặp một bác sĩ phụ khoa. Và bà vừa hỏi ông ấy, vừa cúi đầu xấu hổ:

"Khi nào thì nó ra đi?"

"Khi nào thì cái gì ra đi, thưa bà thân mến?"

"Cái ấy đấy."

"Cái ấy gì?"

"Cái ấy đấy," bà lặp lại. "Cái thèm muốn khoái lạc," rốt cuộc bà cũng nói ra.

"Thưa bà thân mến, tôi xin lỗi khi phải nói rằng nó không bao giờ ra đi cả."

Bà nhìn bác sĩ với vẻ kinh ngạc.

"Nhưng tôi đã tám mươi mốt tuổi rồi!"

"Điều ấy không thành vấn đề, thưa bà. Nó vẫn còn đó cho đến chết."

"Nhưng nó là địa ngục!"

"Đời là thế, thưa bà Raposo."

Vậy thì ra đời là thế? Là cái sự không biết xấu hổ này?

"Thế thì tôi nên làm gì? Không còn ai yêu thích tôi nữa..."

Ông bác sĩ nhìn bà với ánh mắt tội nghiệp.

"Không có thuốc nào chữa được, thưa bà thân mến."

"Nhưng nếu tôi chịu trả tiền thì sao?"

"Thì cũng chẳng là gì khác được. Bà phải nhớ rằng bà đã tám mươi mốt tuổi rồi."

"Và... và nếu tôi tự lo liệu cho mình thì sao? Ông có hiểu tôi đang muốn nói gì không?"

"Thưa, hiểu," ông bác sĩ nói. "Có lẽ nó cũng hữu ích."

Thế rồi bà rời phòng mạch. Con gái của bà đang ngồi trong xe hơi chờ bà dưới lầu. Candida Raposo đã mất đứa con trai trong chiến tranh; hồi đó nó là một binh nhì trẻ tuổi. Bà mang trong tim một nỗi đau đớn không chịu nổi: nỗi đau đớn rằng mình còn sống khi người thân yêu đã chết.

Ngay đêm đó bà đã làm những gì có thể làm, một mình, tự thoả mãn. Những đốm pháo hoa lặng lẽ. Rồi bà khóc. Bà thấy xấu hổ. Từ đó bà tiếp tục với phương pháp ấy. Nó luôn luôn làm bà buồn bã. Đời là thế, bà Raposo ơi, đời là thế. Cho đến khi bà hưởng cái chết.

Chết.

Bà tưởng mình đang nghe tiếng những bước chân. Những bước chân của chồng bà, ông Antenor Raposo.

 

 

--------------------------
Dịch theo bản Anh văn: "Footsteps", trong Clarice Lispector, Soulstorm, trans. Alexis Levitin, intr. Grace Paley (New York: New Directions Books, 1989) 48-49.

 

Những tác phẩm khác của Clarice Lispector:
 
Nhà lãnh đạo  (truyện / tuỳ bút) 
Nhà lãnh đạo bị khủng bố trong giấc ngủ. Có phải nhân dân đang đe doạ nhà lãnh đạo của họ không? Không, bởi nhà lãnh đạo chăm sóc cho nhân dân. Có phải nhân dân đang đe doạ nhà lãnh đạo của họ không?... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Sống như nhiên  (truyện / tuỳ bút) 
Vì thế, nàng, kẻ biết rằng mọi sự rồi sẽ chấm dứt, nắm lấy bàn tay tự do của người đàn ông trong đôi bàn tay của nàng, và nàng ngọt ngào cháy, cháy và bừng lên sáng rực... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021