thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người gác cửa | Sát nhân
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

ADAM ZAGAJEWSKI

(1945~)

 

NGƯỜI GÁC CỬA

 

Tôi trở về nhà sau khi đi dạo một vòng xa, người gác cửa bảo rằng tôi không còn ở đây nữa.

“Tại sao?” tôi hỏi, ngạc nhiên nhiều hơn là hoảng sợ.

“Ông không hiện hữu đủ,” hắn trả lời.

“Anh nói thế là nghĩa gì?”

“Ấy, thưa ngài,” hắn nói tiếp, “mấy cái cơn buồn, im lặng, u sầu kia... Không phải là không có người để ý đâu.”

“Thế còn anh thì sao?” Tôi hét lên. “Anh chẳng có hiện hữu tí nào. Anh có làm gì khác ngoài chuyện đọc mục thể thao và xem truyền hình.”

“Đúng thế,” người gác cửa đồng ý, “sự thật thiêng liêng. Trừ mỗi chỗ là tôi không cần phải hiện hữu. Tôi là một người gác cửa, một người quan sát.”

“Không,” tôi đáp lại, “tôi mới là người quan sát.”

“Ông nhầm rồi, thưa ngài,” hắn trả lời cương quyết. “Nhưng dù sao cũng không phải là vấn đề. Chúng tôi mong là ông hiện hữu một cách đẹp đẽ.”

“Thế ra anh muốn nói là tôi đã làm anh thất vọng?”

“Bằng chứng rõ nhất là ông không còn sống ở đây.”

Quả vậy, đúng ngay lúc đó tôi nhận ra một người mới đang dọn vào căn hộ của tôi.

Khi chúng tôi đi qua mặt nhau, tôi rỉ tai đầy ác ý, “Được lắm, bạn sẽ không ở lâu đâu.”

 

 

SÁT NHÂN

 

Chuyện xảy ra ở nước Đức như thế này: Robert, một anh nhà giáo dạy văn chương, có liên lạc với một tổ chức khủng bố đầu những năm bảy mươi. Anh được lệnh giết M., một người cỡ tuổi anh. M., mặc dù còn trẻ, bấy giờ đã nổi bật như là một triết gia bảo thủ và nhà báo, thường phát biểu khinh thường đám cánh tả cấp tiến. Tổ chức đã tuyên án tử hình anh. Robert được yêu cầu tiến hành bản án trong hạn ba tháng. Hoảng sợ, Robert bỏ trốn qua Lisbon. Anh cắt đứt mọi liên lạc với tổ chức, sống rất khiêm nhường dưới một cái tên giả, và dịch thơ Bồ-đào-nha. Anh sợ cảnh sát và những người bạn cũ.

Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, và hầu hết những thành viên của nhóm khủng bố đã bị bắt, đã biến mất, hay chết trong tù. Lệnh ân xá được tuyên bố cho những người, như Robert, từng có thiện cảm với khủng bố. Robert rốt cuộc trở về Đức. Anh sống ở Cologne. Anh đi nói chuyện, làm việc cho các đài phát thanh, tìm cách trở lại dạy học ở trường. Một ngày nọ anh gặp M. – là người đúng ra anh chỉ biết loáng thoáng thôi – và hai người trở thành bạn. M., trước đây có vẻ như đã định hướng một sự nghiệp học giả, nay đã rời trường đại học, sống thất nghiệp, và suốt ngày đọc truyện án mạng. Khi Robert hỏi anh tại sao anh bỏ đi một sự nghiệp vững vàng và hứa hẹn như thế, M. trả lời là giờ đây anh không còn tin bất cứ gì và anh không thể đánh lừa, là điều – anh bảo – có lẽ có dính dáng với một cái gì như là một nhược điểm di truyền từng xuất hiện trong gia đình anh (về phía cha của anh) từ nhiều thế hệ.

Mấy tháng sau, hai con người lẻ loi ấy quyết định cùng chia nhau một căn hộ lớn ở trung tâm thành phố. Một năm sau, Robert giết M. trong một cơn giận dữ. Trước tòa anh tuyên bố anh không chịu nổi tiếng ho của M. và ghét cái dáng đi nặng nề của ông này, cái cách ông ấy liếm môi phấn khởi trong những bữa ăn, và cách ông cắt bánh mì, ôm ổ bánh sát vào ngực.

 

 

----------------------------
"Murder" và "The Doorman", trong Adam Zagajewski, Two Cities - On Exile, History and the Imagination [Bản Anh ngữ của Lillian Vallee] (New York: Farrar Straus Giroux, 1995) 205, 185.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021