thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một người đàn ông có thói quen gõ lên đầu tôi bằng một cái dù

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
riêng tặng Hoàng Ngọc Thư.

 

FERNANDO SORRENTINO

(1942~)

 

Fernando Sorrentino — nhà văn đương đại của Argentina — sinh ngày 8 tháng 11, 1942, tại Buenos Aires. Ông nổi tiếng với lối viết mang màu sắc hiện thực thần kỳ, kết hợp giữa khả năng tưởng tượng lạ thường và óc khôi hài mang tính triết lý.
 
Ông đã xuất bản sáu tập truyện ngắn: La regresión zoológica [Sự thoái hoá động vật học, 1969]; Imperios y servidumbres [Những đế chế và tình trạng nô lệ, 1972]; El mejor de los mundos posibles [Tối hảo của những thế giới khả hữu, 1976]; En defensa propia [Tự vệ, 1982]; El remedio para el rey ciego [Phương thuốc cho ông vua mù, 1984]; El rigor de las desdichas [Sự khắc nghiệt của những niềm bất hạnh, 1994]; và hai cuốn tiểu thuyết Costumbres de los muertos [Những tục lệ của người chết, 1996] và Sanitarios centenarios [Những bách niên thanh khiết, 1979]. Ông cũng đã xuất bản hơn mười cuốn truyện cho nhi đồng và thiếu niên; hai cuốn ghi chép những cuộc trao đổi văn chương: Siete conversaciones con Jorge Luis Borges [Bảy cuộc đối thoại với Jorge Luis Borges, 1974] và Siete conversaciones con Adolfo Bioy Casares [Bảy cuộc đối thoại với Adolfo Bioy Casares, 1992]; và một số tiểu luận về văn học Argentina đăng trên tờ La Nación [Đất Nước] ở Buenos Aires.
 
Tác phẩm của ông đã được dịch ra 13 ngoại ngữ, và đoạt nhiều giải thưởng văn học.

 

___________________

 

MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÓ THÓI QUEN GÕ LÊN ĐẦU TÔI BẰNG MỘT CÁI DÙ

 

Một người đàn ông có thói quen gõ lên đầu tôi bằng một cái dù. Từ ngày đầu tiên hắn gõ cái dù của hắn lên đầu tôi đến nay đã được năm năm. Thoạt tiên tôi không thể chịu đựng được; bây giờ tôi đã quen với điều ấy.

Tôi không biết tên hắn. Tôi biết hắn là một người bình thường, mặc một bộ vét xám, mớ tóc trổ bạc hai bên thái dương, và một khuôn mặt không có gì đặc biệt. Tôi gặp hắn vào một buổi sáng nóng ẩm cách đây năm năm. Lúc ấy tôi đang ngồi đọc báo trên một băng ghế dưới bóng cây rợp mát trong Công Viên Palermo. Thình lình tôi cảm thấy có cái gì chạm vào đầu tôi. Đó chính là người đàn ông mà giờ đây, trong khi tôi đang viết, cứ gõ lên đầu tôi liên tục, một cách máy móc và dửng dưng, bằng cái dù của hắn.

Lần đầu tiên ấy, tôi xoay người lại, hết sức bất bình. Hắn vẫn tiếp tục gõ lên đầu tôi. Tôi hỏi hắn có phải hắn điên không. Hắn có vẻ như không nghe tôi nói. Rồi tôi doạ sẽ gọi cảnh sát. Hắn không hề khựng lại một mảy may nào, cứ trơ trơ như phỗng, tiếp tục công việc hắn đang làm. Sau một lúc do dự, và nhận ra rằng hắn sẽ không nhượng bộ, tôi đứng dậy và đấm một quả vào mặt hắn. Hắn thốt ra một tiếng rên khẽ và ngã xuống đất. Lập tức, hắn cố sức đứng dậy, rồi lại tiếp tục gõ lên đầu tôi bằng cái dù. Mũi hắn chảy máu, và tôi không biết tại sao vào lúc ấy tôi cảm thấy tội nghiệp cho hắn, lương tâm tôi áy náy vì đã đánh hắn như thế. Nói cho cùng, hắn không gõ quá mạnh lên đầu tôi; thật ra hắn gõ khá nhẹ và hoàn toàn không gây đau đớn. Tất nhiên những cú gõ ấy làm tôi bực bội khủng khiếp. Ai cũng biết rằng khi một con ruồi đậu lên trán một người, thì người ấy không thấy đau đớn gì cả: y thấy khó chịu. Cái dù ấy lại là một con ruồi to kềnh và, cứ từng chặp đều đặn, nó đậu lên đầu tôi. Tin rằng mình gặp phải một thằng khùng, tôi cố gắng lảng đi chỗ khác. Nhưng người đàn ông cứ đi theo tôi, không nói một lời, tiếp tục giữ những cú gõ đều đều không thiếu một nhịp. Thế rồi tôi bắt đầu chạy (tôi phải nhấn mạnh ở đây rằng ít người chạy nhanh như tôi). Hắn chạy theo, cố gắng vô vọng để gõ được một hai cái. Hắn thở hổn hển, hổn hển, hổn hển rồi hồng hộc khiến tôi nghĩ nếu hắn — kẻ hành hạ tôi — cứ rán sức chạy như thế thì có thể hắn sẽ ngã gục xuống chết ngay tại chỗ.

Vì lý do đó, tôi chạy chậm lại, rồi đi bộ. Tôi nhìn hắn. Vẻ mặt hắn không biểu lộ vẻ biết ơn, cũng không trách móc. Hắn cứ tiếp tục gõ lên đầu tôi bằng cái dù của hắn. Tôi đã nghĩ đến việc đi đến đồn cảnh sát và nói, "Thưa ngài chức trách, người đàn ông này cứ liên tục gõ lên đầu tôi bằng cái dù của hắn." Chắc hẳn một vụ như thế này chưa từng xảy ra. Viên cảnh sát có lẽ sẽ lom lom nhìn tôi với cặp mắt nghi ngờ, hỏi giấy tờ của tôi, và bắt đầu hỏi tôi những câu làm tôi xấu hổ. Cũng có lẽ rốt cuộc y sẽ bắt giam tôi chứ chẳng chơi.

Tôi nghĩ tốt hơn tôi nên về nhà. Tôi lên chuyến xe buýt số 67. Hắn, với cái dù gõ đều đều không thiếu một nhịp, cũng lên xe ngay sau lưng tôi. Tôi lấy băng ghế đầu tiên. Hắn đến đứng ngay bên cạnh tôi, tay trái nắm lấy cái đai vịn từ trần xe thòng xuống, trong khi tay phải vẫn tiếp tục cầm cái dù gõ lên đầu tôi không ngớt. Những hành khách trên xe bắt đầu nhìn nhau cười kín đáo. Ông tài xế theo dõi chúng tôi qua tấm kính chiếu hậu. Thế rồi, hết người này đến người kia, tất cả hành khách trên xe cười ầm lên, một trận cười điên dại tưởng không bao giờ dứt. Tôi nóng bừng cả người vì xấu hổ. Kẻ khủng bố của tôi, hoàn toàn không hề hấn gì trước trận cười điên dại ấy, cứ tiếp tục gõ lên đầu tôi.

Tôi xuống xe — chúng tôi xuống xe — trên cầu Pacífico. Chúng tôi bước dọc theo đại lộ Santa Fe. Mọi người đều xoay lại nhìn chằm chặp vào chúng tôi với tia mắt ngờ nghệch. Tôi muốn nói với họ: "Nhìn cái gì, lũ đần độn kia? Chứ chưa từng bao giờ thấy một người gõ lên đầu một người khác bằng cái dù hay sao?" Nhưng tôi lại nghĩ rằng có lẽ họ đã chưa bao giờ thấy một cảnh ngoạn mục đến thế. Năm sáu thằng ranh con bắt đầu bám theo sau chúng tôi, gào lên như những thằng điên.

Nhưng tôi có một kế hoạch. Khi tôi vừa về đến nhà, tôi ra sức đóng sầm cánh cửa vào mặt hắn. Điều ấy không thực hiện được. Chắc hẳn hắn đã đọc được ý nghĩ của tôi, bởi hắn chộp lấy cái nắm cửa, giằng co với tôi một lát, rồi chen vào nhà cùng với tôi.

Từ lúc ấy trở đi, hắn không ngừng gõ lên đầu tôi bằng cái dù của hắn. Theo như tôi thấy, hắn chưa bao giờ ngủ hay ăn thứ gì cả. Công việc duy nhất của hắn là gõ lên đầu tôi. Hắn theo sát tôi bất cứ nơi nào, kể cả trong lúc tôi làm những việc riêng tư nhất. Tôi nhớ, thoạt đầu, những cú gõ làm tôi thức suốt đêm. Giờ đây tôi lại tin rằng nếu không có chúng, thì tôi không thể nào ngủ được.

Thế nhưng, mối quan hệ giữa chúng tôi không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Tôi vẫn thường yêu cầu hắn, bằng đủ mọi giọng, khi thì nhỏ nhẹ khi thì cáu gắt, hãy cho tôi biết tại sao hắn làm như vậy. Thật hoài công. Mặc cho tôi hỏi, hắn cứ lẳng lặng gõ mãi lên đầu tôi bằng cái dù. Có nhiều lần tôi đã phải đấm hắn, đá hắn, và — xin Chúa tha tội cho tôi! — nện hắn bằng cái dù. Hắn chỉ ngoan ngoãn chịu đòn, như thể đó là một phần bình thường của công việc. Và đây chính là điều đáng sợ nhất ở hắn: sự lặng lẽ tận hiến cho công việc, và sự vắng mặt tuyệt đối của lòng thù ghét. Nói tóm lại, sự quyết tâm theo đuổi kỳ cùng một sứ mệnh bí mật và cao cả nào đó.

Mặc dù hắn không có những nhu cầu thể lý, tôi biết rằng khi tôi đánh hắn, hắn có cảm giác đau đớn. Tôi biết hắn yếu đuối. Tôi biết hắn có thể chết. Tôi cũng biết rằng tôi có thể triệt tiêu hắn bằng một viên đạn. Nhưng điều tôi không biết là viên đạn ấy tốt hơn nên giết hắn hay giết tôi. Tôi cũng không biết rằng, khi cả hai chúng tôi đều chết, liệu hắn có ngưng gõ lên đầu tôi bằng cái dù hay không. Nói cho cùng, lý luận như thế cũng chẳng đến đâu cả. Tôi biết quá hiển nhiên rằng tôi sẽ không bao giờ dám giết hắn hay giết chính tôi.

Đằng khác, gần đây tôi lại phát hiện rằng tôi không thể sống thiếu những cú gõ ấy. Càng ngày tôi càng thường xuyên chìm đắm vào một niềm tiên cảm khốn khổ. Một nỗi xao xuyến ăn mòn lồng ngực tôi: nỗi xao xuyến mọc lên từ ý nghĩ rằng, có lẽ vào lúc tôi cần người đàn ông ấy nhất, thì hắn sẽ ra đi, và tôi sẽ không còn được cảm nhận những cú gõ của cái dù đã giúp tôi hằng đêm chìm sâu vào giấc ngủ.

 

 

-------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha: "Existe un hombre que tiene la costumbre de pegarme con un paraguas en la cabeza", trong Fernando Sorrentino, Imperios y servidumbres (Barcelona, Editorial Seix Barral, 1972) [ấn bản thứ nhì, tại Buenos Aires: Torres Agüero Editor, 1992].

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021