thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đường về
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

 

Alain Robbe-Grillet sinh ngày 18.8.1922 ở Brest (Finistère), tây bắc Pháp, trong một gia đình gồm những người làm khoa học và kỹ sư. Ông học trung học ở Lycée de Brest, rồi Lycée Buffon, Lycée Saint-Louis ở Paris. Năm 1946 ông tốt nghiệp Viện Canh nông Quốc gia, được bổ nhiệm làm tại Viện Thống kê Quốc gia Paris, nhưng đến năm 1948 thì nghỉ và về làm việc cho phòng thí nghiệm của người chị ở Seine et Marne, chuyên sưu tầm về sinh vật học. Từ 1949 (năm ông hoàn tất tiểu thuyết đầu tay Un Régicide) đến 1951 ông làm việc tại Viện nghiên cứu trái cây bản xứ, từng ở Maroc, Guadeloupe, Guinée và Martinique để nghiên cứu về trái cây miền nhiệt đới. Trên chuyến tàu thủy đưa ông từ Martinique trở về Paris (1951), Robbe-Grillet khởi sự viết cuốn Les Gommes, và từ cuối năm 1951 những bài điểm sách và nhiều tiểu luận ông viết bắt đầu xuất hiện trên nhiều tạp chí: Critique, Express, la Nouvelle Nouvelle Revue Française – để làm sáng tỏ lối viết của mình. Les Gommes được xuất bản ở nhà Minuit năm 1953 (Giải thưởng Fénéon 1954), và cũng bắt đầu từ năm này ông sang hẳn địa hạt văn chương. Cuốn Le Voyeur (1955, Giải các nhà phê bình) được coi là đánh dấu thời gian ông làm tư vấn cho nhà xuất bản Minuit. Robbe-Grillet lấy vợ năm 1957, năm xuất bản cuốn La Jalousie, và song song với viết lách, ông bắt đầu bước qua điện ảnh, khởi đầu là phim L’Année dernière à Marienbad (1960, Giải Sư tử Vàng tại Venise 1961), rồi đến L’Immortelle (1963), Trans-Europ-Express (1966)... Quan điểm tiểu thuyết của ông, thể hiện qua cuốn Pour un nouveau roman (1963), và hơn hết là trong toàn bộ tác phẩm ông, được bàn cãi khắp thế giới. Năm 1964 ông đi nói chuyện tại nhiều trường đại học ở Mỹ, và từ 1972 về sau dạy nhiều khóa ở New York University, nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Robert Rauschenberg, Roy Lichtenstein... Tác phẩm Robbe-Grillet đi từ văn chương qua điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa – đi tới đâu cũng để lại dấu vết một cái nhìn sắc sảo. Con người xưa nay bị ngộ nhận nhiều nhất giờ đây đã được hiểu rõ hơn – về biến chuyển của người viết, tiến trình suy nghĩ, và về ý nghĩa sâu xa của sự tìm kiếm. Ngòi bút Robbe-Grillet khởi sự từ chỗ “tước bỏ trái tim lãng mạn” nơi sự vật, chối từ những yếu tố qui ước, như một câu chuyện kể mang kịch tính, ý niệm một chiều về thời gian, phân tích tâm lý nhân vật, và đạt đến một kiểu mô tả lạnh lùng những hình ảnh và vật thể lặp đi lặp lại, những biến cố ngẫu nhiên của đời sống thường ngày: người đọc bấy giờ tha hồ đoán hiện thực đàng sau những chi tiết và sự kiện. Hiện thực khách quan? Không hẳn thế. Robbe-Grillet luôn nhấn mạnh cái chỗ chủ quan này của thế giới ông mô tả: mọi thứ được nhìn qua mắt của một nhân vật, chứ không phải của một người kể chuyện “cái gì cũng biết”, và người đọc từ nay sẽ không nhìn bản văn như một biểu hiện của thực tại, mà là một thứ ngôn ngữ được vận dụng trong đó chữ đóng vai trò quan trọng như những dấu hiệu chứ không phải là cái chuyên chở ý nghĩa.
 
Hoàng Ngọc Biên
(trích giới thiệu trong Alain Robbe-Grillet,
Djinn - một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ,
bản dịch Hoàng Ngọc Biên, Nhà xuất bản Trình bầy, 2003)

 

_______________________________

 

ĐƯỜNG VỀ

 

Một khi vượt qua khỏi những tảng đá xếp thành hàng cho đến bấy giờ vẫn chắn ngang tầm mắt của chúng tôi, một lần nữa chúng tôi lại trông thấy đất liền, thấy ngọn đồi với rừng cây tùng, thấy hai ngôi nhà nhỏ màu trắng và quãng đường dốc lài chúng tôi đã đi qua để đến đây. Chúng tôi đã đi một vòng đảo.

Tuy nhiên, nếu chúng tôi nhận ra không khó cảnh vật phía bên đất liền, thì chúng tôi lại không nhận ra được gì cả ở bên nhánh biển hẹp ngăn chúng tôi với đất liền, nhất là bên bờ phía chỗ chúng tôi đang đi. Bởi vậy phải mất nhiều phút đồng hồ chúng tôi mới hiểu chắc được là lối đi đã bị nghẽn.

Lẽ ra chúng tôi phải thấy được nó ngay lúc mới nhìn. Con đường, được đào bên sườn đồi, đi xuống song song theo bờ biển và, đến ngang mức bãi cát, do một khúc quanh gắt nó nối liền với một thứ đê xây bằng đá, khá rộng đối với một chiếc xe hơi, nhờ nó lúc thủy triều xuống ta có thể qua khỏi eo biển mà không phải ướt chân. Ở khúc quanh, có một bờ dốc cao được một bức tường nhỏ chống đỡ, con đường chạy đến đó là hết; nhìn từ chỗ chúng tôi hiện đang đứng, bờ dốc che mất phía đầu mút con đê. Phần còn lại của đê thì nước đã phủ lấp. Chỉ khi đổi chỗ đứng nhìn chúng tôi mới thấy nó lạc mất một lúc thôi: lần nầy chúng tôi đứng trên đảo và hơn thế nữa là chúng tôi sẽ đi đến ngược chiều, bước về phía bắc trong khi quãng đường lại hướng về phía nam. Trên đỉnh dốc, ngay sau khúc quanh có đánh dấu bằng ba hay bốn cây tùng mọc vượt ra khỏi khu rừng nhỏ, người ta thấy trước mặt mình con đường chạy xuống tận đê, với nhánh biển chĩa ra bên mặt và hòn đảo, lúc bấy giờ chưa hẳn là một hòn đảo. Nước yên lặng như mặt nước ao hồ, dâng lên gần đến đường đá ở trên, mặt đường màu nâu và trơn trông có cùng cái vẻ đã mòn như những tảng đá kế cận. Những đám rêu mướt nhỏ, hơi bị phai màu dưới ánh nắng, mọc lấm tấm thành những mảng xanh trên tường chứng tỏ con đường đã ngâm dưới nước thường và lâu lắm. Cuối con đê, cũng như phía bên này, mặt đường hơi lên cao để nối liền với con đường đất băng qua hòn đảo nhỏ; thế nhưng, ở bên bờ này, con đường sau đó lại hoàn toàn bằng phẳng và cùng với bờ đê làm thành một góc rất rộng. Mặc dù không có một bờ dốc để chứng tỏ được là cũng có một bức tường, ở đây vẫn có một bức tường nhỏ – đối xứng với lối đi – che cho phía bên trái của lối đi này, từ đầu dốc đi ngược lên cho đến phía trên cùng của bãi cát – nơi những viên đá cuội không đều nhau đã nhường chỗ cho những bụi cây rậm. Cây cối trên đảo dường như còn khô héo hơn cả những cây cối đã đóng đầy bụi và vàng úa bao quanh chúng tôi.

Chúng tôi đi xuống theo con đường bên sườn đồi, về phía đê. Hai ngôi nhà nhỏ của dân chài nằm bên vệ đường bên trái; mặt tiền nhà đã được tô hồ lại và mới quét vôi trắng; chỉ còn trông thấy rõ được là những viên đá đẽo làm khung cho các cửa – một cánh cửa lớn thấp và một cánh cửa sổ nhỏ hình vuông. Cửa sổ và cửa lớn đều đóng kín, các cửa kính được che ngoài bởi những cánh bằng gỗ đầy trần, sơn một màu xanh chói lọi.

Bên bờ đường thấp hơn, được xén vào trong chỗ đất của ngọn đồi, để lộ một mặt tường thành thẳng đứng bằng đất sét vàng, cao ngang tầm một người lớn ngắt quãng từng nơi bởi những dải phiến nham với những vết rạn lởm chởm những cạnh thật bén; một hàng rào cây gai và bông bụp không đều đặn bao quanh cả vùng, chận tầm mắt hướng về phía đầm lầy và khu rừng tùng. Phía bên phải chúng tôi, trái lại, chạy dọc theo lề đường chỉ có một bờ dốc hẹp, chỉ cao ngang khoảng gần một hoặc hai bậc thang, đến nỗi mắt có thể nhìn đâm thẳng vào đó, trên những tảng đá của bãi biển, mặt nước bất động nơi eo biển, bờ đê bằng đá và hòn đảo nhỏ.

Nước lên gần đến ngang mặt đường. Chúng tôi phải bước nhanh. Chỉ cần bước vài bước là chúng tôi xuống đến phía dưới.

Cùng với con đường bờ đê làm thành một góc vuông; vì thế phía đầu đường đụng vào một bờ đất vàng, hình tam giác, đánh dấu khoảng cuối chỗ đất xén mở ra phía sườn đồi; đáy hình tam giác được che bởi một bức tường nhỏ kéo dài về phía bên mặt qua khỏi hẳn đỉnh tam giác, chạy dọc theo mặt đường bằng đá, và làm thành như đoạn đầu một cái lan can. Nhưng được vài thước thì nó ngừng lại, đồng thời triền dốc cũng giảm dần để nối với phần giữa của con đê – con đê nằm ngang và được biển làm nhẵn bóng.

Khi đến đó, chúng tôi do dự không biết có nên đi tới nữa hay không. Chúng tôi nhìn hòn đảo, phía trước chúng tôi, thử ước lượng thời gian chúng tôi cần để đi một vòng đảo. Quả là có một con đường đất băng ngang qua đảo, nhưng đi bằng cách đó thì thật chẳng đáng bõ công. Chúng tôi nhìn hòn đảo phía trước chúng tôi và, dưới chân chúng tôi, những hòn đá trên lối đi, màu nâu và trơn nhẵn, với lốm đốm những rong biển xanh và gần khô phủ trên mặt. Nước lên gần ngang những hòn đá đó. Nước yên lặng như mặt nước ao hồ. Chúng tôi không thấy nó dâng lên; tuy nhiên chúng tôi có cảm tưởng như vậy vì có những vạch bụi di động châm chạp trên mặt nước, giữa những đám rong biển.

– Chúng ta sẽ không thể trở lại được nữa, Franz bảo.

Hòn đảo, ngắm gần và sát mặt nước, có vẻ cao hơn lúc nãy nhiều – và cũng rộng hơn nhiều. Chúng tôi lại nhìn những vạch nhỏ màu xám đang chầm chậm tiến tới, một cách đều đặn và cuộn lại thành những đường xoắn giữa những đám rong lô nhô. Legrand nói:

– Nước lên không nhanh lắm đâu.

– Vậy thì chúng ta hãy nhanh chân.

Chúng tôi đi thật nhanh. Nhưng vừa qua khỏi eo biển là chúng tôi đã rời khỏi mặt đường để rẽ qua phải đi xuống bãi biển chạy quanh hòn đảo nhỏ và để tiếp tục đi dọc theo biển; nơi đây mặt đất lởm chởm, đầy đá và lỗ trũng, làm cho bước đi khó khăn hơn – và ít nhanh hơn là chúng tôi đã hi vọng.

Một khi dấn bước vào con đường đó rồi, chúng tôi không còn muốn trở lui nữa. Tuy nhiên chúng tôi càng đi xa những khối đá ở đây càng nhiều hơn và càng lớn hơn. Nhiều lần chúng tôi đã phải trèo lên những cồn cát thật sự, những cồn cát nhô ra thật xa ngoài biển và vì thế nên không thể đi vòng được. Ở các nơi khác chúng tôi phải băng qua những vùng tương đối bằng phẳng, nhưng có những hòn đá phủ đầy rong rêu trơn trợt, làm cho chúng tôi mất thì giờ nhiều hơn nữa. Franz lặp lại là chúng tôi sẽ không còn có thể lội nước trở lại được nữa. Thật ra chúng tôi không thể biết được nước dâng lên nhanh đến mức nào, bởi vì chúng tôi không có thì giờ dừng lại để kiểm soát. Có thể nước vẫn đứng yên một chỗ.

Chúng tôi cũng khó biết được chúng tôi đã đi được hết phần nào của vòng tròn rồi, bởi vì những mũi đất lúc nào cũng nhô ra trước mắt chúng tôi và chỗ lõm này nối đuôi chỗ lõm khác không cho chúng tôi một điểm nào để đánh dấu cả. Vả chăng nỗi âu lo không muốn mất đi một phút nào trên một phần đất khó đi như thế này chiếm hết cả sự chú ý – và toàn cảnh vật biến mất, nhường chỗ cho mấy mảnh rời đập vào mắt: một lỗ nước phải tránh, một loạt đá rung rinh, một đám rong che giấu một thứ gì không rõ, một tảng đá phải leo qua, một lỗ khác đầy những lớp rong lầy nhầy bao quanh, cát màu đất bùn lún sâu dưới bước chân – như để giữ chân lại.

Sau rốt, đàng sau những tảng đá cuối cùng xếp thành hàng, từ lâu đã chắn ngang tầm mắt của chúng tôi, một lần nữa chúng tôi lại trông thấy đất liền, thấy ngọn đồi với rừng cây tùng, thấy hai ngôi nhà nhỏ màu trắng và quãng đường dốc dài chúng tôi đã đi qua để đến đây.

Chúng tôi không biết được ngay lúc ấy là con đê nằm ở đâu. Giữa bờ biển và chúng tôi bấy giờ chỉ còn một nhánh biển ở đó nước chảy siết, về bên phải chúng tôi, tạo ra những thác ghềnh và xoáy nước ở nhiều nơi. Ngay cả bờ hòn đảo cũng có vẻ thay đổi: bây giờ là một bãi cát hơi đen, mặt bãi cát gần như nằm ngang lóng lánh vô số những vũng nước, chỉ sâu không quá vài phân. Sát một cái đập chắn sóng bằng gỗ có một chiếc thuyền đang cắm sào.

Con đường mòn đổ ra nơi này trên bãi biển không giống con đường đất còn nằm trong trí nhớ của chúng tôi bây giờ. Trước kia, chúng tôi không hề thấy có một chiếc thuyền nào cả. Còn cái đập dùng làm bến, nó không thể có một cái gì giống như bờ đê mà chúng tôi đã đi qua để đến đây.

Phải mất mấy phút đồng hồ chúng tôi mới khám phá ra, cách ba mươi thước ở phía trước mặt, hai bức tường thấp làm thành một đầu lan can ở hai đoạn cuối lối đi. Mặt đường giữa hai bức tường đã biến mất. Nước ùa vào đó và bắn tung tóe một màu trắng đục. Hai đầu mút con đê xây cao hơn chắc chắn là nhô lên khỏi mặt nước, nhưng hai bức tường thấp cũng đủ che khuất mất rồi. Người ta cũng không trông thấy đoạn đường xuống thấp rẽ thành một góc vuông, phía sau bờ dốc, để nối với những đá sỏi trên mặt đường. Một lần nữa chúng tôi nhìn dưới chân mình những vạch bụi màu xám đang chầm chậm tiến tới, một cách đều đặn và cuộn lại thành những đường xoắn giữa những đám rong lô nhô.

Không kể cái chuyển động gần như không nhận ra được đó trên bề mặt, nước yên lặng như mặt nước ao hồ. Nhưng nước đã lên đến gần như ngang mặt đê, trong khi ở phía bên kia mức nước thấp hơn ít nhất là ba mươi phân. Thật ra trong cái eo gần nhất với lối đi vào vịnh biển dâng cao nhanh hơn nhiều. Khi nước biển đã vượt qua cái chướng ngại do con đê tạo ra, sự chênh lệch cao thấp đột khởi tất nhiên phải phát sinh một dòng nước mạnh đủ để ngay tức khắc chúng tôi không làm sao đi qua được.

– Chúng ta sẽ không thể trở lại được nữa, Franz nói.

Chính Franz là người lên tiếng trước tiên.

– Tôi đã bảo trước là chúng ta sẽ không thể trở lại được.

Không ai trả lời anh cả. Chúng tôi đã đi qua khỏi cái đập nhỏ; nhảy qua bức tường thấp để tìm cách băng qua bằng đường đê hiển nhiên là điều vô ích – không phải vì nơi đó nước đã quá sâu, mà vì sóng mạnh đến độ sẽ có thể làm chúng tôi mất thăng bằng và lập tức sẽ cuốn chúng tôi ra khỏi chỗ cạn. Ở gần, người ta thấy rõ sự chênh lệch của mặt nước; phía trên, nước hoàn toàn láng nhẵn và có vẻ bất động; thế rồi đột nhiên nó uốn cong từ bờ này sang đến bờ kia thành một thỏi dài hình trụ, hơi gợn sóng từng nơi, và mặc dù chảy rất nhanh nước rút đi đều đặn đến nỗi nó cho ta cảm tưởng một sự nghỉ chân –một kiểu ngừng thật mong manh trong chuyển động, như những ảnh chụp chớp nhoáng thường có thể cho ta chiêm ngưỡng nó: một hòn sỏi sắp xé tan cái phẳng lặng của ao hồ, nhưng nhiếp ảnh đã bắt nó bất động trong khi rơi xuống cách mặt nước khoảng vài phân.

Chỉ sau đó mới bắt đầu một loạt những chỗ sóng nhô cao, những lỗ trũng và những chỗ xoáy mà màu trắng nhạt cho thấy khá rõ sức hỗn loạn. Tuy nhiên, ngay chỗ đó cũng vậy, sự hỗn loạn ở một mức độ nào đó là một kiểu hỗn loạn cố định, trong đó những đầu sóng và những xoáy nước lúc nào cũng ở nguyên một chỗ và vẫn giữ y một hình dáng, cho đến đỗi người ta có thể nghĩ chúng bất động vì đã đóng băng. Thật ra toàn bộ cái hung bạo kia trông bộ mặt cũng không có gì khác biệt lắm – chỉ hơi lừa dối hơn chút – so với những vạch nhỏ màu xám giữa những đám rong biển, mà câu chuyện nói qua lại giữa chúng tôi, bị ngắt bằng những đoạn im lặng, vẫn tìm cách xua đi:

– Chúng ta sẽ không trở lại được nữa.

– Nước không dâng lên nhanh lắm đâu.

– Vậy thì ta hãy đi nhanh lên.

– Anh nghĩ ta sẽ khám phá ra cái gì bên kia chứ?

– Ta hãy cứ đi vòng không đứng lại nghỉ, sẽ không lâu đâu.

– Chúng ta sẽ không trở lại được nữa.

– Nước không dâng lên nhanh lắm đâu; chúng ta còn đủ thì giờ để đi đường vòng.

Khi chúng tôi quay trở lại chúng tôi thấy người đàn ông đứng bên cạnh chiếc thuyền, trên bờ con đê nhỏ. Ông ta nhìn về hướng chúng tôi – hay ít ra cũng gần như vậy, bởi vì đúng ra là ông ta có vẻ đang quan sát một vật gì nằm hơi chếch phía bên trái chúng tôi, ngay giữa chỗ bọt nước xoáy.

Chúng tôi đi trở lại phía ông ta và, trước khi chúng tôi cất tiếng hỏi, ông ta đã nói:

– Thì ra các người muốn đi băng qua.

Đây không phải là một câu hỏi; không đợi trả lời ông ta bước xuống thuyền. Chúng tôi cũng vào thuyền, có được chỗ nào ngồi chỗ đó. Thuyền vừa đủ chỗ cho ba chúng tôi và người đàn ông, là người ngồi chèo ở trước mũi. Ông ta lẽ ra phải đâu mặt với chúng tôi, nhưng ông lại thích ngồi cùng một hướng như chúng tôi, quay về phía mũi thuyền, nên ông ta buộc phải chèo ngược, trong một thế ngồi khá bất tiện.

Cách con đê một khoảng như thế mà những xoáy nước vẫn còn khá mạnh. Để chống lại với dòng nước người đàn ông đã phải đưa những nỗ lực của mình – và cả con thuyền của ông – theo một hướng rất lệch so với đường đi của nó. Mặc dù những đường chèo của ông rất mạnh, chúng tôi cũng chỉ tiến tới với một bước đi quả là buồn cười. Một lát sau đó, chúng tôi còn cảm thấy như toàn bộ sức mạnh của ông chỉ là để giữ cho chúng tôi được đứng yên tại chỗ.

Legrand đã có thốt lên một câu lễ độ về cái công việc cam go mà sự bất cẩn của chúng tôi đã bắt con người đáng thương kia phải gánh chịu; không ai trả lời anh ta cả. Nghĩ rằng người đàn ông có lẽ cũng chưa nghe thấy, Franz chồm mình về phía trước để hỏi xem có phải thật tình là chúng tôi không còn cách nào đi bộ qua được eo biển hay không. Câu hỏi cũng chẳng kết quả gì hơn. Ông thủy thủ này hẳn là bị điếc. Ông tiếp tục chèo với nhịp đều đặn của một cái máy, không vấp váp và không đổi đường đi một độ nào, tựa như không phải ông muốn đi đến cái bến xây bằng gỗ sóng đôi trên bãi biển trước mặt với cái bến từ đó chúng tôi đi đến đây, mà là đến một miền sóng gió xa hơn ở phía bắc, hướng về điểm xuất phát của con đê, nơi một đống đá tảng nằm ngay chỗ dứt bờ dốc đầy bụi rậm, phía sau là đoạn đường mòn dốc thoai thoải và hai ngôi nhà nhỏ màu trắng, cái khúc quanh đột ngột khuất sau bức tường nhỏ, mặt đường đá sỏi lấm chấm những mảng rêu, mặt nước yên tĩnh như nước ao hồ, với những khóm rong lô nhô đây đó và những vạch bụi màu xám đang cuộn lại thành những đường xoắn khó nhận ra được.

 

(1954)

 

-------------------
Dịch từ nguyên tác "Le chemin du retour" trong Instantanés của Alain Robbe-Grillet, nhà xuất bản Les Editions de Minuit, 1962.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021