thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đối thoại buổi chiều

 

Ông không được đến gần... Ông tìm cách nắm lấy tôi chứ gì?

Nắm lấy cậu ư? Tại sao cậu cho rằng tôi muốn làm như vậy?

Cái cách mà mấy ông làm để gọi là cứu người đều như vậy cả.

Mấy ông? Mấy ông là ai? Cậu cho rằng tôi là ai?

Là cảnh sát, là nhân viên cứu hộ...

Không, tôi không phải là cảnh sát, cũng không phải người cứu hộ.

Nhưng ông cũng muốn cứu tôi chứ gì?

Người đàn ông nhận thấy Người thanh niên đang đứng cách bờ vực hơn nửa mét.

Cậu nói như là việc ấy sai trái lắm vậy.

Người thanh niên nhếch mép, cùng lúc ném cái nhìn mai mỉa về phía Người đàn ông.

Phải, mấy người nhân danh nhân đạo, bổn phận cứu giúp; trong khi mấy người chẳng hiểu cái quái gì.

Tôi không hiểu cậu muốn nói gì.

Ông chỉ giả vờ.

Sao tôi lại giả vờ?

Người thanh niên nhìn Người đàn ông từ đầu đến chân.

Người như ông mà không hiểu hả?

Người đàn ông tỏ ra suy nghĩ vài giây.

Về việc cậu muốn tự tử?

Ừ.

Tôi hiểu chứ...

Vậy thì đừng đến gần tôi.

Tôi không đến gần cậu. Tôi chỉ muốn lại đàng kia.

Chỗ nào?

Người đàn ông chỉ tay về phía một dải đất nhô ra biển chếch phía sau lưng người thanh niên. Chỗ đó, hướng tay người đàn ông chỉ, có một tảng đá, tảng đá cao nhất trong số nhiều tảng đá rải rác dọc bờ biển.

Ông muốn đến đó để làm gì?

Đó là chỗ tôi thường đến.

Người đàn ông vừa dợm bước, Người thanh niên đưa tay ngăn lại , quát lớn:

Ê! Đứng lại! Ông đừng hòng đánh lừa tôi.

Tôi đánh lừa cậu làm gì chứ?

Ông cố kéo dài thời gian.

À... tôi hiểu rồi, cậu cho rằng tôi làm như thiếu tá... thiếu tá gì... Người đàn ông vỗ vỗ lên trán, nói tiếp. Tôi mới đọc báo hôm kia đây mà... À tôi nhớ rồi , thiếu tá Havrda phải không?

Người thanh niên chau mày nhìn Người đàn ông.

Bài báo cho biết ông ấy đã cứu rất nhiều người có ý định nhảy xuống cầu Nusle... À, mà sao cậu biết được biện pháp ấy?

Người thanh niên hất hàm, nói:

Ông nghĩ rằng tôi ngu lắm hả?

Nếu người ta không nghĩ ra điều ấy không có nghĩa là người ta ngu. Đó là một biện pháp nghiệp vụ, cần phải được huấn luyện mới biết. Chính tôi cũng không biết điều ấy.

Ông có vẻ nể ông thiếu tá gì đấy lắm hả? Cần quái gì đến ông ta mới biết điều ấy, phim Hồng Kông thiếu gì chuyện đó.

Phim Hồng Kông? Tôi không xem phim Hồng Kông. Phim Hồng Kông có gì hay mà cậu xem?

Ông đừng nói quanh co.

Tôi chỉ muốn biết những người trong phim Hồng Kông mà cậu xem có làm như ông Havrda không. Ông ấy sẽ cho từ một đến ba người tiếp cận cậu từ phía sau. Cậu nhìn xem có ai đâu?

Khi Người thanh niên quay đầu nhìn về phía sau, Người đàn ông tiến thêm một bước.

Người thanh niên quay đầu lại, nói:

Vậy ông muốn gì hả?

Tôi đã nói rồi, tôi muốn leo lên đó, chỗ sau lưng cậu.

Mẹ kiếp!

Người thanh niên nhìn người đàn ông hằn học, rồi đứng xích qua một bên.

Người đàn ông liếc nhìn quanh.

Bờ biển quạnh vắng, gió thổi nghiêng ngọn các cây phi lao ven bờ.

Người đàn ông bước thong thả về phía người thanh niên. Khi ông ta đến gần sát bên Người thanh niên , anh ta lùi lại, vô tình tiến thêm một bước về cái chết, như ý nguyện.

Ông không nắm lấy tôi đấy chứ?

Người đàn ông dừng lại, khoanh tay nhìn Người thanh niên, nói:

Tôi sẽ để cậu yên nếu cậu trả lời một câu hỏi của tôi.

Mẹ kiếp! Nói đi!

Tại sao cậu muốn chết?

Không việc gì đến ông.

Có chứ, có liên quan đến tôi.

Liên quan?Là sao?

Cảnh sát sẽ gây rắc rối cho tôi.

Mắc mớ gì chớ?

Vì tôi đã có mặt ở đây.

Ông lôi thôi quá, sao không đến đó đi, ông bảo là chỗ của ông mà.

Người đàn ông cất bước, Người thanh niên tránh qua một bên lúc ông đi qua.

Nhưng Người đàn ông không đến chỗ tảng đá, ông ngồi xuống một thân cây thông bị ngã cách chỗ Người thanh niên vài bước chân, móc ra gói thuốc lá có hình con mèo đen. Bao thuốc chỉ còn ba điếu; nhưng ông không hút, nhét nó trở vào túi áo vest trước khi Người thanh niên kịp quay lại.

Cậu có thuốc lá không?

Không.

Người đàn ông, với vẻ thất vọng, nhìn Người thanh niên bước đi, gọi giật lần nữa:

Này, cậu có biết bơi không?

Ông hỏi làm gì?

Người đàn ông lấy vội gói thuốc, chìa ra trước mặt Người thanh niên.

Người thanh niên nhìn gói thuốc một vài giây, rồi nhìn người đàn ông vài giây.

Nhìn các móng tay ám khói thuốc của người thanh niên, Người đàn ông vuốt thẳng gói thuốc rồi đưa tay móc ra một điếu.

Người thanh niên quay mặt đi, rồi quay lại, nhìn gói thuốc, bước lại chỗ người đàn ông, rút lấy điếu thuốc.

Người đàn ông thở ra nhẹ nhõm, bật quẹt châm thuốc cho Người thanh niên, rồi châm thuốc cho mình.

Cậu ngồi xuống đây đã.

Người thanh niên chần chừ. Người đàn ông đưa tay phủi phủi trên thân cây.

Tôi biết thuốc này nhạt đối với cậu, nhưng trời lạnh hút cũng ấm...

Người thanh niên hút khoan khoái, nhả khói, nét mặt giãn ra.

Cậu thường hút gì? Bastos hay Hero?

Người thanh niên hít lấy hít để điếu thuốc.

Thú thật với cậu tôi chỉ mới hút thuốc gần đây thôi.

Ông nghĩ tôi có tiền mua thuốc hả? Không, tôi không có được một cái gì hết.

Không vợ con, không nhà cửa?

Ừ.

Không việc làm, không tiền bạc?

Ừ.

Không cha mẹ, không người thân?

Ừ.

Cậu chắc là có đi học?

Tôi biết đọc biết viết, là do mấy đứa bạn bụi đời dạy tôi.

Cậu làm gì để sống?

Mới đầu tôi lượm mót ở chợ, ở nhà hàng, sau đó tôi ăn trộm, ăn cắp rồi cướp lấy của tụi nhóc.

Cậu chưa từng đi làm sao?

Một ông chủ không biết sao lại nhận tôi vào làm bảo vệ, nhưng chỉ được ba ngày, tôi ngủ quên để ăn trộm vô lấy hết mấy cái máy, ông chủ bảo tôi lười biếng, đuổi tôi. Tôi tiếp tục sống như trước.

Cho đến ngày hôm nay?

Không, trước khi ở tù tôi có làm một chỗ nữa; làm bốc xếp bắp từ ghe lên bờ; nhưng ngay ngày làm việc đầu tiên tôi đã làm rớt bao bắp xuống khiến cho cây đèn dầu bị ngã làm cháy ghe.

Vì vậy mà cậu bị ở tù?

Không, họ dập tắt lửa kịp thời; tôi bị mắng là vô dụng, bị đuổi.

Còn ở tù?

Là do tôi đã ăn cướp và giết người.

Nhìn điếu thuốc trên tay Người thanh niên sắp cháy hết Người đàn ông thọc tay vào túi áo móc ra gói thuốc.

Tôi cho rằng cậu không muốn làm vậy, đúng không?

Đói quá, tôi theo một ông chủ bà chủ lúc ông bà này xuống xe để vào một nhà hàng, tôi chận họ để xin tiền, ông ta không cho, mắng tôi thanh niên mà lười lao động, bà chủ rút khăn tay bịt mũi, tôi rút dao Thái Lan hăm dọa. Ông ta sợ hãi bảo bà chủ đưa túi xách , tôi bảo đưa tất cả tiền , ông ta run rẩy móc bóp đưa cho tôi. Tôi tha cho ông ta; tuy nhiên tôi vừa bước đi ông ta tri hô lên, tài xế của ông ta đuổi theo tôi. Tôi cố chạy thóat nhưng cha này khoẻ hơn tôi nên đuổi kịp, quật tôi ngã, tôi đâm chả một nhát vào bụng rồi chạy thoát. Ba ngày sau tôi bị bắt...

Người đàn ông đưa điếu thuốc còn lại cho Người thanh niên.

Cậu có hối hận vì đã đâm người tài xế?

Không. Tôi thấy sướng vì ông bà chủ sợ tôi đến xanh cả mặt.

Có tiếng chuông điện thoại reo. Người đàn ông nói Tôi xin lỗi rồi móc túi quần lấy ra chiếc điện thoại di động, một chiếc hiệu Motorola đời mới nhất.

Tôi đang bận.

Người đàn ông nói vào máy rồi đóng nắp, nhét chiếc điện thoại vào túi quần.

Cậu đã không vượt ngục đấy chứ?

Tôi được tha trước thời hạn.

Người đàn ông có vẻ bồn chồn khi nhìn người thanh niên hút gần hết điếu thuốc.

Cậu nghĩ cậu làm được việc gì?

Không việc gì hết.

Ngay cả người tàn tật còn...

Này, tôi không muốn ông dạy tôi đâu.

Tôi nghĩ cậu chưa biết nên nói thế thôi.

Sao ông không nói có xưởng công nhân toàn là người tàn tật?

Người đàn ông nhún vai.

Tôi hỏi ông: có xí nghiệp dành cho người vô dụng và lười biếng không?

Người ta bảo cậu như thế, nhưng không phải thế.

Ông thấy đấy, tôi đã đi làm như vậy đấy!

Chỉ vì cậu không được đào tạo.

Đào tạo là thế nào?

Học một nghề gì đó.

Người thanh niên chợt ngẩng lên nhìn xa xăm, cắn môi, quay mặt đi.

Người đàn ông đặt tay lên vai Người thanh niên.

Khi quay lại, Người thanh niên nhẹ nhàng gỡ tay Người đàn ông ra, hạ giọng:

Tôi đã đi học...

Người đàn ông vừa mở miệng định nói gì đấy, chợt ngưng lại khi thấy Người thanh niên lại ngước nhìn xa xăm.

Rồi người thanh niên nói, vẫn nhìn xa xăm:

Sau khi ra tù, tôi vào một trung tâm học nghề miễn phí và đã học nghề mát-xa.

Mát-xa à?

Ừ, ban đầu họ bảo tôi nên học điện hoặc sửa xe, nhưng tôi thấy mấy nghề đó học mất công quá, cuối cùng họ cũng chiều tôi.

Cậu tốt nghiệp chứ?

Ừ.

Và cậu đã đi làm?

Không, ông hiệu trưởng bảo học xong sẽ giới thiệu việc làm, nhưng ông ta đã không giới thiệu.

Việc như vậy vẫn thường xảy ra.

Ông bảo việc ấy là thường hả?

Việc ấy đáng phê phán, nhưng...

Người thanh niên hét lên, rồi dịu giọng phẫn uất:

Ông ta đã nói láo, nói láo... Tại sao ông ta lại đối xử với tôi như thế chứ?

Tôi không bàn đến việc ấy , tôi chỉ muốn nói nếu cậu quyết tâm muốn đi làm...

Quyết con mẹ gì nữa mà quyết với chả quyết!

Cậu lại gây ra điều gì sao?

Tôi đã cho thằng cha hiệu trưởng một trận và đập tan hoang cái lớp học đó.

Ông ta có sao không?

Cảnh sát bảo ông ta bị gãy tay, bể đầu...

Cậu phản ứng quá đáng.

Quá đáng là sao?

Ông ấy đã có công dạy nghề cho cậu và với một cái lỗi như vậy...

Ông biết mẹ gì mà lên lớp tôi.

Tôi biết vì ông ấy mà cậu bị bắt nhưng...

Ở tù hả? Không, chuyện ở tù chỉ là chuyện nhỏ!

Sau đó cậu đã tự mình đi xin việc chứ?

Người thanh niên quay mặt đi, im lặng.

Khi quay mặt lại, mắt Người thanh niên rơm rớm nước.

Họ vẫn không nhận tôi, không ai nhận tôi cả... Người thanh niên lắc đầu, im lặng một lát, rồi nói tiếp: Ông biết tại sao tôi đi học không? Chỉ tại cái cười của một cô gái! Xưa nay chưa từng có cô gái nào cười với tôi. Tại sao cô gái đó cười với tôi ông biết không? Tôi đã nghĩ về nụ cười ấy trong nhiều đêm, rồi tự nhiên nghĩ đến tương lai. Tôi không biết tại sao cái cười làm tôi nghĩ đến tương lai, xưa tới giờ tôi sống mà không hề nghĩ đến ngày mai, vì tôi chỉ là một con chó hoang ốm yếu ghẻ lở...

Người thanh niên vất tàn thuốc.

Người đàn ông nhìn quanh, vẻ bối rối.

Cậu hút nữa không?

Không.

Người đàn ông đổi tư thế, đổi cả giọng nói, trịnh trọng và chắc nịch:

Cậu nghe đây: tôi là chủ tịch một tập đoàn đa quốc gia, tôi có thể nhận cậu vào làm việc.

Chủ tịch tập đoàn là gì?

Cậu chỉ cần biết chức vụ đó còn cao hơn cả giám đốc.

Ông nhận tôi?

Người đàn ông gật đầu.

Ngay cả khi tôi không làm được gì cho ông?

Cậu nghe đây: không ai vô dụng cả, chỉ vì người ta không biết sử dụng thôi.

Ông sẽ cho tôi làm việc gì?

Tôi sẽ đề nghị để cậu làm... để coi... làm... À, lúc nãy cậu bảo cậu đã học nghề gì nhỉ?

Đấm bóp.

Ừ, cậu sẽ đấm bóp cho tôi!

Ông cần đấm bóp hả?

Ừ... mà không, không phải cho tôi... cậu sẽ đấm bóp cho... Tôi chưa biết, nhưng nhân viên của tôi sẽ thu xếp.

Thấy chưa, ông lớn hơn cả giám đốc mà cũng không biết cho tôi làm gì... Ông và thằng cha hiệu trưởng cùng cá mè một lứa. Các ông chỉ giả nhân giả nghĩa thôi.

Người đàn ông lên giọng, phân trần:

Cậu nghe đây, bố trí nhân viên làm việc gì không phải là việc của tôi.

Người thanh niên đứng lên, bỏ đi.

Người đàn ông quát lớn:

Cậu đứng lại!

Ông muốn gì?

Cậu chửi tôi như thế rồi đi được sao?

Vậy ông muốn gì?

Cậu phải xin lỗi tôi trước khi đi.

Người thanh niên nhếch mép, nói:

Xin lỗi hả? Tôi phải xin lỗi một tên lưu manh như ông sao?

Cậu dám nói thế hả?

Người thanh niên túm lấy ngực áo người đàn ông, gằn giọng:

Tôi là thằng không ra gì, vô dụng, bỏ đi, nhưng tôi không phải là thằng lưu manh như bọn các ông.

Tôi cảnh cáo cậu. Cậu không được giở trò du côn ra với tôi đâu đấy!

Cậu buông áo tôi ra!... Cậu có buông ra không? Cho cậu biết tôi không thuộc hạng chết nhát như ông chủ nào đó mà cậu kể đâu.

Ông làm gì tôi?

Có ngon cậu thử đánh tôi một cái xem?

Người thanh niên đấm vào mặt Người đàn ông.

Người đàn ông ngã lảo đảo.

Ông muốn như thế chứ gì?

Người đàn ông lấy lại thăng bằng, phủi tay, sửa lại cà vạt.

Nhẹ quá! Ốm yếu như cậu sức đâu mà làm người ta đau chứ?

Được, ông muốn nữa phải không?

Người thanh niên tiếp tục đánh. Người đàn ông chỉ tránh né và đỡ, bị trúng vài đòn nhưng vẫn không đánh lại.

Người thanh niên ngưng tay, bỏ đi.

Người đàn ông đưa tay sờ cằm, quát lớn:

Đứng lại!

Sao?

Người đàn ông xoa hai bàn tay vào nhau:

Đến lượt tôi chứ, phải không?

Ông ra tay đi!

Người đàn ông nhào tới, húc vào bụng Người thanh niên.

Hai người vật nhau, lăn trên cát.

Hai đôi thanh niên nam nữ chở nhau trên xe đạp vừa đến chỗ họ liền dừng xe. Hai chàng trai leo qua rào chắn bên vệ đường , chạy đến. Mỗi chàng trai nắm lấy một người kéo ra.

Bốn thanh niên bỏ đi. Người đàn ông và Người thanh niên cùng ngồi xuống thân cây.

Người đàn ông rút khăn tay chặm nhẹ lên vết thương ở mặt, ở khuỷu tay, lau sơ vết bẩn trên quần áo, đưa khăn cho người thanh niên rồi bỏ áo vào quần và cột lại dây giày. Người thanh niên cầm khăn lau máu ở mũi, chửi thề:

Mẹ kiếp! Ông to khoẻ và ăn uống đầy đủ hơn tôi.

Còn cậu thì trẻ hơn tôi.

Cả hai im lặng nhìn về phía chân núi bên kia con lộ trải nhựa. Ở đó có một chiếc Mercedes màu đen đậu sát rào chắn.

Người đàn ông đưa tay vuốt mái tóc hoa râm ngược về phía sau, nói:

Cậu có học taewondo không?Cậu có nắm tay với các gù tay chai đi.

Không, tôi thường đánh nhau nên vậy thôi.

Chuông điện thoại reo. Người đàn ông móc túi quần lấy chiếc điện thoại di động ra, vừa nói điện thoại vừa liếc nhìn Người thanh niên. Chạm cái nhìn của Người đàn ông, Người thanh niên quay mặt đi.

Tôi nghe đây... được, xin cứ giải quyết với giám đốc kinh doanh của tôi.

Người đàn ông đóng nắp, nhét điện thoại vào túi quần.

Người thanh niên đứng lên:

Tôi đi đây, thật ngu ngốc khi gặp ông.

Người đàn ông cũng đứng lên:

Cậu nói sao cũng được, cậu đi đâu?

Đi chết! Sao? Ông có nghĩ ra cách nào nữa để ngăn tôi không?

Không, tôi không ngăn cậu, một khi cậu đã quyết tâm. Nhưng trước khi cậu đi tôi muốn nói một câu.

Ông nói đi.

Tôi biết cậu không tin tôi, nhưng tôi mến cậu.

Cám ơn!

Khi Người thanh niên cất bước, Người đàn ông lại ngăn lại:

Khoan.

Người thanh niên đứng lại.

Ông bày trò gì nữa?

Dường như bọn trẻ muốn cắm trại. Cậu hãy ngồi đây xem tôi xử trí với chúng.

Người đàn ông rảo bước về phía đám thanh niên nam nữ đang chuyền tay nhau lều chõng, xe đạp qua rào chắn.

Người đàn ông nói gì đó với đám thanh niên. Đám thanh niên dùng dằng. Người đàn ông quát tháo họ. Họ bỏ đi.

Người đàn ông trở lại chỗ thân cây.

Người thanh niên đứng lên, hỏi:

Ông đuổi họ thật hả?

Cậu thấy đấy.

Ông thực sự không ngăn tôi chết?

Điện thoại lại reo.

Người đàn ông nói Tôi xin lỗi rồi móc điện thoại ra.

Tôi nghe đây... Tôi biết... Nhưng chính phủ Trung Quốc chưa chịu thả nổi tỷ giá đâu... Ừ, cứ làm theo kế hoạch cũ.

Người đàn ông đóng nắp điện thoại, nhét nó vào túi quần.

Cậu vừa hỏi tôi điều gì nhỉ?

Tại sao ông lại muốn tôi chết?

Không, tôi không muốn cậu chết, nhưng tôi không ngăn cậu.

Tại sao?

Cậu muốn biết phải không?

Người đàn ông quay đi, im lặng.

Người thanh niên nhìn Người đàn ông, chờ đợi.

Khi quay lại, Người đàn ông nhìn thẳng vào mắt Người thanh niên, nói:

Vì chính tôi cũng đang muốn chết!

Ông nói gì? Ông cũng muốn chết?

Người đàn ông khẽ gật đầu, nhìn xa xăm.

Tôi đã kể cho ông nghe lý do của tôi...

Người đàn ông bỗng phá lên cười.

Ông cười gì?

Cậu ngồi xuống đây.

Hai người lại ngồi xuống thân cây.

Mắt ông thâm quầng, ông thiếu ngủ?

Tôi chỉ ngủ trên đường di chuyển... Cậu biết không, cậu thì không có gì, còn tôi thì có tất cả.

Đến lượt câu chuyện của Người đàn ông thu hút Người thanh niên.

Năm 22 tuổi , sau khi tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng thủ khoa trong tay, tôi mơ có một chỗ làm ở một công ty lớn. Ba tháng sau, tôi đạt được ước mơ đó. Có việc làm ưng ý, tôi mơ có nhiều tiền. Một năm sau tôi được thăng chức và được thưởng một số tiền lớn do mang đến nhiều khách hàng cho công ty. Tôi dùng tiền đó mua cổ phiếu và bán ra với mức lời gấp nhiều lần. Ba năm sau, khi được cử làm giám đốc , tôi bắt đầu mơ có nhà và làm chủ Công ty. Tôi không ăn xài mà dùng toàn bộ tiền lương, thưởng, tiền được chia lãi và tiền lời kinh doanh cổ phiếu để mua lại cổ phiếu của chính Công ty của mình. Dần dần tôi chiếm giữ đa số cổ phần, được bầu vào Hội đồng quản trị, tôi bắt đầu mở rộng kinh doanh các ngành nghề hổ trợ và nghĩ cách phát triển Công ty ra nước ngoài. Cứ thế, giấc mơ này tiếp theo giấc mơ khác trở thành sự thật. Để đạt được điều ấy tôi đã tranh đấu với tất cả sức lực của mình, đã chịu nhiều thất bại. Cho đến nay, sau 30 năm, tôi đã có tất cả: sự nghiệp, địa vị, tiền bạc, nhà, xe, vợ đẹp, con khôn...

Nhưng không phải vì vậy mà ông muốn chết chứ hả?

Không, không phải.

Ông không hạnh phúc?

Ngược lại, tôi rất hạnh phúc. Vợ tôi đẹp, chung thủy, chiều chuộng tôi, bà ấy có cuộc sống như bà ấy muốn, ngoài thì giờ chăm sóc sắc đẹp, bà ấy đi du lịch và làm từ thiện.

Còn các con ông...

Hai đứa đều ở nước ngoài, một đứa là bác sĩ giải phẫu ở Pháp, một đứa là kỹ sư máy tính ở Mỹ. Chúng gởi tiền về cho tôi, dù tôi không cần. Chúng mua hai biệt thự, một ở Canada, một ở Đức để tôi đi nghỉ dù vợ chồng tôi đã có một cái ở Thụy Sĩ.

Con ông không về thăm ông hả?

Dù rất bận, các con tôi vẫn về thăm chúng tôi mỗi dịp hè hoặc năm mới. Năm nào chúng không về được thì vợ tôi sang với chúng.

Chắc cuối cùng ông bị phá sản?

Không, tôi thành công đến mức cổ phiếu ở thị trường chứng khoán của tôi liên tục tăng giá, tôi có Công ty ở khắp các Châu lục: Ở Nhật Bản, Hàn quốc, Trung quốc, ở Úc, châu Âu, Nam Mỹ, Mỹ, Canada, và cả ở Châu Phi.

Ông giàu thật! Có thứ gì mà ông không có?... À, thuyền đi chơi , ông có không?

Cậu muốn nói du thuyền?Tôi có một chiếc du thuyền ở Ý và một chiếc máy bay ở Mỹ, nhưng tôi chỉ đi thử một lần, tôi hay bị say sóng và không thích độ cao.

Chà, xem ra các thứ ở thế gian ông đều có cả... Ông có chơi thể thao không, trông ông to khoẻ?

Tôi thậm chí không có thì giờ học bơi.

Còn nghe nhạc và xem phim?

Không, tôi không thích.

Ông có thích bóng đá không?

Không.

Còn đánh bài?

Không.

Ông chỉ có làm việc thôi sao?

Người đàn ông gật đầu.

Vậy thì chán thật... Này, hỏi thật ông, ông có thích làm... việc đó không?

Cậu muốn nói gái phải không?

Ừ.

Người đàn ông cười mỉm:

Gái, tiệc tùng, nhảy nhót, cao lương mỹ vị tất cả đều đã chán.

Ông chắc là đã đi khắp thề giới?

Tôi không có thì giờ.

Ông nói kỳ, thì giờ là của ông mà?

Không, từ khi tôi lún sâu vào việc kinh doanh...

Ông đã có quá nhiều tiền.

Cậu nghĩ là tôi mê tiền?

Chứ tại sao ông...

Không, tôi tự hào tôi là một tỷ phú không bị tiền chi phối, tôi tự hào tôi biết xài tiền, tôi trả lương nhân viên cao, chăm lo đời sống của họ chu đáo, cũng như Bill Gates và Rockefeller, tôi làm từ thiện, cả trong và ngoài nước.

Tôi không hiểu tại sao ông lại muốn chết?

Vì tôi đã có tất cả những gì tôi muốn.

Quá sướng rồi còn gì nữa?

Tôi như người chơi bài, lần lượt hạ gục từng đối thủ, cho đến khi hạ đối thủ cuối cùng thì cuộc chơi cũng không còn.

Ông nói sao kỳ quá, tôi không hiểu, nhiều người khác cũng thành công như ông họ vẫn sống và tiếp tục công việc mà?

Phải, họ vẫn sống và tiếp tục công việc vì họ còn muốn đạt được nhiều hơn nữa.

Ông thì không muốn?

Người đàn ông gật đầu.

Được, ông không muốn, nhưng ông cứ vậy mà sống cũng được chứ hả?

Không muốn gì cả mà vẫn cứ sống ư? Không thể có điều ấy.

Ông nói rắc rối thấy mẹ!

Cậu không hiểu được đâu.

Vậy còn vợ con ông, ông bỏ họ hả?

Không có tôi họ cũng không sao.

Còn nhân viên của ông, ông bảo ông tốt với họ lắm mà?

Các giám đốc của tôi đủ tài để lo cho họ.

Người thanh niên không còn biết nói gì nữa.

Cả hai cùng đứng lên, đi về phía tảng đá lớn, bước lên. Tảng đá khá cao, họ phải gắng sức mới lên được tới đỉnh. Đứng trên đỉnh, họ nhìn quanh.

Xuất hiện trong tầm mắt họ một người đàn ông và một người đàn bà đứng tuổi ngồi hóng mát gần đấy.

Tôi thích chết ở chỗ này, tôi thường ra đây, nhưng hãy để họ được yên tĩnh bên nhau, chúng ta đi nơi khác. Cậu vẫn còn giữ ý định... ?

Người thanh niên gật đầu.

Ừ.

Cả hai đi nơi khác, tránh không để bị nhìn thấy.

Tôi hỏi vậy thôi chứ tôi đồng ý với cậu.

Sao hả?

Cậu nói lúc ta mới gặp nhau đấy, cậu nói “cái gọi là cứu”, khi người ta nhất quyết chết thì cứu có nghĩa là giết người ta.

Lúc nãy ông có hỏi tôi...

Cậu có biết bơi không?

Biết.

Vậy cậu không có nhiều hy vọng.

Hy vọng gì?

Chết.

Ông hay nói đùa quá. Sao ông không tập bơi?

Tôi đã nói rồi, tôi không có thì giờ.

Chuông điện thoại reo.

Đấy cậu xem, người ta lại gọi tôi.

Người đàn ông lại rút chiếc điện thoại di động ra, nói vào máy:

À, tôi nhớ , tôi nhớ... Không, tôi không sao... Xe vẫn tốt , tôi sẽ về ngay.

Người đàn ông đóng nắp điện thoại.

Ông sẽ về hả?

Người đàn ông quăng chiếc điện thoại ra xa.

Ừ, về với diêm vương!

Người thanh niên nhìn xa về phía trong, phía chân núi , nơi có chiếc Mercedes đậu trên đường nhựa.

Xe đó của ông?

Hôm nay tôi tự lái.

Người thanh niên ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

Ông chu đáo thật.

Cám ơn cậu.

Họ dừng lại trên một mỏm đá, nhìn xuống vực, rồi nhìn ra biển.

Chỗ này được chứ?

Ông có thể...

Cậu muốn nói gì?

Ông có thể để tôi...

Cậu cứ nói.

Tôi nắm tay ông có được không?

Tại sao? Cậu ghét các ông giám đốc lắm cơ mà.

Vâng, nếu tôi không có ý định chết, tôi đã giết ông để cướp tiền của ông rồi.

Tôi tin như thế.

Chợt xuất hiện hai viên cảnh sát. Họ đang đi lại phía Người đàn ông và Người thanh niên.

Chiếc xe Mercedes có phải của ông không?

Phải.

Ông đậu xe trái phép, ông phải nộp phạt.

Người đàn ông móc giấy tờ từ túi áo vét ra trao cho viên cảnh sát.

Viên cảnh sát chăm chú xem.

Ông chính là Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu?

Vâng, là tôi.

Viên cảnh sát ghi giấy phạt, đưa cho Người đàn ông.

Người đàn ông móc tiền trong bóp đưa cho Viên cảnh sát.

Hai người làm gì ở đây giờ này?

Chúng tôi chỉ đi dạo một lát.

Hai viên cảnh sát nhìn chăm chú mặt mày, tay chân, quần áo người đàn ông và người thanh niên.

Người đàn ông đưa tay phủi đất cát bám trên áo vét.

Chúng tôi vừa trượt ngã.

Viên cảnh sát chỉ tay vào Người thanh niên, hỏi:

Còn anh này...

Cậu này là nhân viên của tôi.

Ông chắc chắn chứ?

Vâng.

Hai viên cảnh sát nhìn lườm lườm Người thanh niên.

Cậu ấy là một nhân viên giỏi, vì có việc bực mình với một giám đốc của tôi nên giận bỏ đi, tôi vừa tình cờ gặp lại.

Ông và anh nên về sớm, chiều rồi, chỗ này không được an toàn lắm.

Vâng, cám ơn các anh, chúng tôi sẽ đi ngay.

Hai viên cảnh sát bỏ đi.

Người đàn ông nói:

Chúng ta hãy hành động nhanh lên kẻo có người lại đến làm phiền.

Ông cho tôi ít tiền được không?

Được.

Người đàn ông rút tất cả tiền còn lại trong bóp trao cho Người thanh niên, quăng cái bóp xuống vực.

Cám ơn ông, còn chiếc xe?

Bỏ.

Uổng thật.

Mặt trời lặn dần xuống biển. Chỗ ấy, chỗ mặt trời lặn, biển chuyển dần từ vàng sang xanh thẫm.

Người đàn ông nhìn biển, thốt lên:

Đẹp quá!

Người Thanh niên phụ hoạ:

Đẹp thật!

Nhìn xuống dòng nước sâu thăm thẳm phía dưới, Người đàn ông đưa bàn tay về phía người thanh niên.

Người thanh niên chần chừ trong vài giây rồi đưa bàn tay ra — bàn tay không nắm tiền, nắm lấy bàn tay Người đàn ông.

Cám ơn cậu.

Họ cùng nhắm mắt lại.

Và rồi họ nhảy xuống, cùng một lúc.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021