thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Câu lạc bộ Những Người Bạn [kỳ I]

 

Bản dịch của Hải Ngọc,
Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc.

 

 

Tony D'Souza sinh ra và lớn lên tại Chicago, hiện sống tại Sarasota, Florida. Năm 1998, anh đậu Thạc sĩ Nhân văn tại Hollins University, rồi đậu Thạc sĩ Nghệ thuật tại University of Notre Dame vào năm 2000. Ngay sau đó, anh gia nhập Quân Đội Hoà Bình (Peace Corps) với nhiệm vụ giáo dục về bệnh AIDS tại Côte d'Ivoire (2000-2002), rồi tại Madagascar (2002-2003).
 
Truyện ngắn của anh đã được đăng trên rất nhiều tạp chí văn học, trong số đó có những tờ The New Yorker, Stand, The Literary Review, The Black Warrior Review, Iron Horse, v.v. Năm 2000, anh được tổ chức Writers of the Americas chọn như một trong bảy nhà văn trẻ đại diện cho Hoa-kỳ tại cuộc hội thảo văn học Mỹ/Cuba lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Havana. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, Whiteman, sẽ được nhà xuất bản Harcourt phát hành vào tháng Tư, 2006.
 
Truyện "Câu lạc bộ Những Người Bạn" ("Club des Amis") xuất hiện lần đầu trên tạp chí The New Yorker, số ngày 5-9-2005. Vì truyện tương đối dài, chúng tôi sẽ đăng trên Tiền Vệ thành 3 kỳ liên tục.

 

___________________

 

CÂU LẠC BỘ NHỮNG NGƯỜI BẠN [kỳ I]

 

Câu chuyện của Wu cũng đơn giản: ông từ Thượng Hải đến Tây Phi với mục đích tìm một cuộc sống tốt hơn. Trong những năm 90, có một số thầy thuốc người Trung Hoa đã đến lập nghiệp tại những thành phố lớn, nhỏ của Bờ Biển Ngà. Anh họ của Wu là một trong số đó; ông ấy đã thuyết phục Wu cùng đi với mình. Wu đã chọn Séguéla, một thị trấn Hồi giáo bụi bặm ở miền Bắc để định cư. Ông đã phải mất mấy tháng đầu để học những bài căn bản về tiếng Pháp của dân Tây Phi và phải bỏ cả hàng chồng tiền franc CFA[1] vay của ông anh họ để mua vui cho những quan chức của thành phố trong các quán bar. Sau đó, ông cho treo bảng hiệu tại chợ và bệnh nhân bắt đầu tìm đến. Phần lớn bệnh nhân của ông là những binh sĩ và giáo viên bị mắc những bệnh lây truyền qua đường tình dục do quan hệ với gái điếm trong vùng. Họ hiểu nếu mình tìm đến bệnh viện của thị trấn thì thế nào chuyện cũng bị lộ, vì vậy mà họ đã tìm đến chỗ của Wu. Ông đã chữa trị cho họ bằng châm cứu và erythromycin.[*] Thậm chí có cả hai bác sĩ người Bờ Biển Ngà ở thành phố thỉnh thoảng cũng tìm đến ông với những chỗ nổi nhọt đỏ đáng xấu hổ. Vào ngày cuối tuần, Wu lái chiếc mobylette [2] của mình đến những làng lân cận để chữa cũng những căn bệnh ấy cho các vị tù trưởng và những cậu con trai của họ với cái giá hữu nghị. Công việc phát đạt; chẳng mấy chốc, ông đã có thể đưa vợ và con trai mình từ Trung Hoa sang Bờ Biển Ngà sống cùng.

Trước khi gặp Wu, tôi đã nhiều lần nhìn thấy vợ của ông. Đối với tôi, hình ảnh của bà luôn là một điều gì đó thật đặc biệt: một người phụ nữ Trung Hoa nhỏ bé trong tấm áo choàng hồng bó sát người, đi lại uyển chuyển quanh khu chợ Séguéla đông đúc với đôi guốc như nâng bà lên trên những cái đầu cá và bùn lầy, cùng một chiếc ô hồng mở xoè trên đầu như một bông hoa. Bà đi đến chỗ nào cũng bị một đám trẻ con ở khu chợ nối đuôi nhau dài ngoằng bám theo réo tên: “Ê! Bà Tàu! Bà Tàu!” Cả một lũ chó ghẻ vô chủ cũng nhằng nhẵng theo bà, chắc là bởi cái mùi lạ của bà đã thu hút chúng. Tôi vui mừng khi nhìn thấy bà, không phải chỉ vì sự hiện diện của bà ở chốn tối tăm này đã gây cho tôi một sự ngạc nhiên dễ chịu mà còn bởi bà là người thậm chí còn xa lạ với nơi đây hơn cả tôi nữa. Cứ khi nào chúng tôi vô tình gặp nhau trên đường phố, lũ trẻ con từng bám theo tôi gào lên: “Ê! Ông da trắng! Ông da trắng!” lập tức bỏ mặc tôi để biến thành đám tùy tùng của bà. Tôi hiểu cuộc sống của bà ở xứ châu Phi này chắc chẳng khác gì địa ngục.

“Peiching căm ghét nơi này.” Một buổi tối, Wu đã kể với tôi. Khi ấy, tôi đang ngồi ở nhà ông, cùng ông uống bia ấm nhắm với chỗ đuôi tôm còn lại sau bữa tối và chơi poker. Lúc đó, Wu chỉ còn lại một mình giữa ngôi nhà rộng lớn và trống trải. “Hễ nàng đi đến đâu, lũ trẻ con cũng bám theo. Ở chợ, đám đàn bà ai cũng muốn sờ vào làn da của nàng. Tôi đã thuê gia sư để dạy vợ tôi tiếng Pháp nhưng chưa bao giờ nàng nhập tâm được. Dù chỉ là một từ. Trái tim của nàng nằm ở Trung Hoa. Khi thằng Wen mất, nàng hoàn toàn suy sụp. Ít tháng sau đó, nàng đã bỏ về nước.”

Đó là một đêm mưa, và, khác với mọi hôm, Séguéla trở nên tĩnh lặng. Wu cho tôi xem những bức ảnh đám cưới của ông. Khi ông và Peiching cưới nhau, cả hai đều còn là những sinh viên nghèo và Wu chỉ có khả năng thu xếp được một chuyến đi đến Bắc Kinh cho tuần trăng mật của mình. Đến đó, họ phải nghỉ nhờ ở nhà họ hàng. Một bức hình chụp họ lúc đang đứng ở ngoài vườn hoa của Hoàng cung. Màu của những bông hoa, cũng như những phần còn lại của bức ảnh, đã ngả sang màu nâu đỏ. Wu người gày gò, trông nét mặt hãy còn non, tay kẹp một điếu thuốc lá, trong khi đó, vợ của ông thì có vẻ vẫn còn ngượng ngùng. Cả hai đều mặc quần jeans, không ai mỉm cười cả, nhưng ở tư thế nghiêm nghị ấy của họ, vẫn có điều gì đấy cho thấy khoảnh khắc đó thật ý nghĩa đối với hai người.

Mọi người ở Trung Hoa đều khuyên Wu không nên mang con trai của mình sang châu Phi. Châu Phi đầy rẫy những nguy hiểm và bệnh dịch; có quá nhiều điều không hay có thể xảy đến đối với đứa con trai độc nhất của một gia đình. Nhưng Wen và cha mình lại rất gần gũi với nhau; cậu đã trì hoãn việc vào đại học để đến sống cùng với cha. Wu cũng đã cho tôi xem ảnh của con trai ông. Wen là một chàng trai cao ráo, nét mặt xanh xao và nghiêm nghị, khuôn mặt nhỏ gọn giống mẹ — một cậu bé đẹp trai. Cậu đứng trước một con sư tử bằng ngọc thạch được đặt tại một quảng trường đầy tuyết nào đó ở Tây An. Cậu mặc một tấm áo khoác len dày cộp, loại quân phục, và bụi tuyết rơi xuống vai cậu như những cánh hoa. Khi Wu cho tôi xem bức ảnh này dưới bóng đèn để trần trong phòng ông, ông nói bằng một giọng dịu dàng: “Tôi đã đưa nó đến Tây An nhân dịp nó tốt nghiệp. Để tham quan. Để ăn mừng. Con một ở Trung Hoa. Con trai một. Cậu có thể hình dung nổi không? Trong một thế giới ngập mưa thì chỉ có một giọt duy nhất thuộc về anh mà thôi.”

Đối với Peiching, châu Phi là cả một sự khổ sở. Nhưng Wen thì thích nghi với nơi này như thể cậu đã chờ đợi cả đời mình để cuối cùng được giải thoát ở đây. Khi sang châu Phi, cậu mới mười tám tuổi và cũng không biết vì lý do gì mà người châu Phi đã đón nhận cậu như thể chính họ cũng đang chờ đợi cậu. Tối nào cậu cũng chơi bóng rổ với đám con trai nhà lính ở sân vận động. Cậu mượn chiếc mobyllete của cha và phóng biến vào rừng chơi với đám bạn suốt mấy ngày. Cậu ăn ngon lành món chuối xắt miếng được bán dạo trên đường; cậu vứt béng đôi giày da của mình để xỏ vào chân đôi dép tông làm từ bọt biển mà cậu mua ở chợ. Cậu đi bơi ở tận sông Marahoué xa lắc. Cậu xuống ruộng làm cùng với những người mà hầu như cậu chẳng quen thân. Chỉ trong vòng ba tháng, cậu đã nói được tiếng Worodougou thành thạo đến mức tưởng chừng đó là thứ tiếng mẹ đẻ của cậu.

Mọi lời cảnh báo mà cha cậu nêu ra cho cậu — về những bệnh đường ruột do ký sinh trùng gây ra, về bệnh sán máng và nguy cơ nổi u hắc sắc tố trên da, về bệnh AIDS và những cô gái địa phương — cậu đều cười xòa xem thường. Sáu tháng sau khi cậu bước chân xuống chuyến xe bus đã đưa cậu lần đầu tiên đến Séguéla cùng với người mẹ đầy lo lắng bên cạnh, cậu đã có một cô bạn gái người địa phương và chỉ hai tháng sau đó, cậu nói cho cha mình biết tin bạn gái của cậu đã có bầu. Lần đầu tiên trong đời, Wu đã đánh con trai mình. Ai biết được là vì lý do gì? Có thể là do ông đã quá lo lắng căng thẳng về cậu con trai; hoặc là do những khó khăn chồng chất mà tình trạng bị cô lập về tâm lý ở nơi xứ người của ông dẫn đến; hoặc là vì nỗi thất vọng của ông trước sự nhũng nhiễu của chính quyền Bờ Biển Ngà, lúc nào cũng ban ra những tài liệu mới mà ông phải mua, những thứ thuế mới mà ông phải nộp. Cũng có thể là vì tất cả những lý do ấy. Chẳng cần biết vì lý do cụ thể nào, Wu tát con trai mình liên tục. Lúc đó họ đang đứng trước hiên nhà, cái hiên nhà trông thẳng ra chợ. Hôm đó là hôm có trận mưa lớn đầu tiên của mùa, những người đứng trú dưới mái lợp thiếc ở các quầy hàng í ới gọi nhau đến xem và cười cợt khi chứng kiến cuộc cãi vã xảy ra giữa những người Trung Hoa.

Wu nói: “Một thằng lai đen sẽ sống như thế nào ở Trung Hoa đây, mày biết không hả?”

Wen gào lên đáp lại: “Con sẽ ở đây! Con sẽ không bao giờ trở về Trung Hoa nữa!”

Wu cố chộp lấy tay con trai nhưng Wen đã vùng ra và chạy mất.

Suốt ba tháng trời, không có một tin tức nào của Wen. Đến giữa tháng thứ tư, một người đưa tin đến từ làng của cô gái, ngôi làng cách 30 dặm về phía đông, tận Mankono, nơi cặp tình nhân đã ẩn náu, đến gặp Wu. Người đưa tin là một người đàn ông nghèo trong bộ áo quần dân dã tả tơi. Ông ta thậm chí không thể nào dám nhìn thẳng vào mắt Wu khi thông báo cái tin mà ông mang theo: Wen đã chết.

Tôi ngắm nhìn bức ảnh chàng trai cao ráo với khuôn mặt nghiêm nghị, trên vai áo còn vương tuyết và hỏi Wu: “Chuyện gì đã xảy ra với cậu ấy”

“Đó là châu Phi. Ai mà biết được chuyện gì có thể xảy ra? Ở đây thì chúng ta nằm ngủ trong mùng. Còn nó thì ở đó, sống trong lều lán. Nó không hề được chữa chạy gì cả. Có thể là nó bị sốt rét. Cũng có thể là bị tả lị, thương hàn, dịch hạch, sốt nóng. Bọn họ có thể đã đầu độc nó. Nó đã chết, đó là tất cả những gì mà chúng tôi được biết. Phải mất ba ngày tôi mới có thể dám nói cho vợ tôi chuyện ấy. Song tôi nghĩ là nàng đã biết. Nàng không muốn nói chuyện với tôi, và khi cuối cùng tôi cũng dám mở miệng nói với nàng, nàng đã tát tôi. Nàng đổ lỗi cho tôi về mọi chuyện. Một vài tuần sau, nàng bỏ về nước. Nàng nói nàng đã sai lầm khi chọn tôi làm chồng. Bây giờ tôi không thể về nước được, cậu hiểu chứ? Con một ở Trung Hoa. Thứ tài sản duy nhất, vô giá. Người ta đã khuyên tôi không nên mang nó sang đây. Bây giờ nếu trở về, họ sẽ không tha thứ cho tôi.”

 

Tình bạn của tôi và Wu nẩy nở trong sự tương kính. Tôi là nhân viên cứu tế cho chương trình Nước Sạch Quốc Tế, sống ở làng Téguéla, từ bìa rừng vào đến đó mất mười hai dặm. Thỉnh thoảng có những ngày cuối tuần tôi vào thị trấn Séguéla để nghỉ xả hơi, bao giờ tôi cũng gặp Wu ở Câu Lạc Bộ Những Người Bạn, một quán rượu nằm ngay bên cạnh phế tích của một nhà thờ Thiên Chúa giáo đã bị thiêu cháy trong cuộc bạo loạn xảy ra trước đó. Wen đã qua đời trong khoảng thời gian tôi đến Bờ Biển Ngà nhưng ở thời điểm ấy, tôi còn chưa biết chuyện. Tôi chỉ biết Wu như một người bạn rượu: một bác sĩ người Trung Hoa xa lạ, không biết vì lý do gì mà rốt cục lại chôn chân ở cái xứ khỉ ho cò gáy này, một người hút thuốc liên tục và không bao giờ để tôi phải trả tiền rượu. Không có ai khác trong số nhân viên cứu tế trong vùng kết bạn với ông, bởi vì tiếng Pháp của ông cực kỳ khó nghe và họ từ các làng khác đến Séguéla chỉ để được say rượu trong sự yên bình. Đó thực ra cũng là điều mà tôi cần, nhưng Wu đã tìm đến tôi. Và khi đã quen với cách nói tiếng Pháp của Wu thì chính tôi lại bắt đầu mong mỏi để được gặp ông. Ông là người có học và hiểu biết về thế giới. Wu và tôi đã có những cuộc tranh luận kéo dài trong men rượu về chính trị và về tương lai của mối quan hệ giữa hai đất nước chúng tôi. Chúng tôi thường đem một ít bia về ngôi nhà ba gian của ông nằm bên rìa chợ và xem một bộ phim cũ của Jackie Chan từ chiếc máy DVD xách tay của ông. Ngày hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên một chiếc chiếu đan bằng liễu gai và một tấm vải mỏng được đắp trên mình.

Sáng dậy, bao giờ tôi cũng thấy bối rối vì mình đã say sưa đến vậy nhưng Wu luôn làm tôi thoải mái. Tôi ngồi trên một chiếc hòm gỗ trong phòng bếp trống trải của nhà ông, nhìn ông đứng bên bếp dầu, vẫn mặc nguyên quần lót, vừa nấu mì tôm vừa hút một điều thuốc và gõ tàn thuốc xuống sàn nhà. Chúng tôi ăn bằng những chiếc bát sắt đặt ngay trên đùi, khua đũa lanh canh và húp nước xì xụp, vừa ăn ông vừa kể cho tôi biết tay giáo viên nào ở trường trung học của địa phương dính phải bệnh lậu. Ông bảo một ngày nào đó tôi nhất định phải đến thăm bà chị của ông hiện đang ở Queens, New York và gửi giùm lời hỏi thăm của ông đến bà. Bà đã tìm đường sang Mỹ bằng cách trốn trong một chiếc container chở hàng và bây giờ đã làm chủ một cửa hiệu bán thức ăn nấu nhanh cho khách mang đi. Ông cam đoan là chị của ông sẽ đối xử với tôi như một ông hoàng.

“Ra quán uống một chút đi, cậu nhỏ.”[**] Ông nhướng mày lên rủ tôi, nhưng trời hãy còn sớm nên tôi từ chối. Tôi đang ở châu Phi để giúp đỡ làng mình; tôi phải trở về nơi ấy. Tôi xin đi nhờ được một chiếc xe tải chở gỗ chạy qua rừng và hơn một tháng sau đó, tôi không nghĩ gì đến Wu cả.

 

Tôi mến Wu bởi ông rất tốt với tôi, và cũng bởi chúng tôi cùng chia sẻ sự cô độc. Tình bạn của chúng tôi ngày càng gắn bó hơn và tôi đã mời ông dự buổi sinh nhật lần thứ hai mươi sáu của mình tại Câu Lạc Bộ Những Người Bạn. Đêm hôm đó, lúc đã khuya, khi chúng tôi trở về nhà ông, Wu đã kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra sau cái chết của Wen.

Trước khi vợ ông bỏ đi, Wu đã chở bà đến làng Makono bằng chiếc xe mobylette của mình. Peiching xếp chân ngồi ngang yên đằng sau như cách ngồi xưa nay của bà. Con đường mấp mô, gồ ghề, đây đó đất đã bạc màu bởi những trận mưa và họ thường xuyên phải xuống xe để ông đẩy chiếc xe máy trong khi bà đi bộ. Họ đi xe qua rừng, rồi lại băng qua thảo nguyên thênh thang, xanh tốt, những cây bao báp đứng như lính canh. Vợ của ông chưa bao giờ ra khỏi Séguéla; bà quá đỗi kinh ngạc trước tình trạng bán khai của những ngôi làng. Người ta vẫy tay chào họ nhưng bà bấm lưng Wu bảo ông không được dừng lại. Bà cứ lẩm bẩm tự hỏi mình mãi: “Làm sao con trai của chúng ta có thể sống được trong điều kiện như thế này?”

Làng của cô gái là một ngôi làng tầm thường ở một chốn xa xôi hẻo lánh: chỉ có một dãy những lều lán và những người dân nghèo khổ, còm cõi sống trong đó. Vị tù trưởng ra gặp họ, đi theo ông ta có lẽ là toàn thể dân làng. Không hiểu vì sao đến lúc đó, Wu không còn cảm thấy giận dữ nữa, còn vợ ông, dưới tán ô, thì im lặng. Vị tù trưởng giới thiệu cô gái với họ và quả thật, cô ta đang mang bầu. Con trai của ông đã nhìn thấy ở cô gái Phi Châu nhỏ bé này điểm gì cơ chứ? Wu băn khoăn. Tất cả những gì ông biết được về cô ta là cô đã từng bán ớt khô ở chợ. Có cả hàng tá những cô gái như thế. “Con trai tôi ngủ ở đâu?” Vợ của ông hỏi. Wu dịch câu hỏi của vợ cho vị tù trưởng rồi dịch cho cô gái và gia đình cô hiểu, và vị tù trưởng đưa họ đi qua những gian lều tranh giống hệt nhau trong làng, cuối cùng đến một gian nằm tận ở một góc xa. Wu và vợ nhìn chằm chặp vào khoảng tối tăm của gian lều đơn sơ ấy. Trên sàn nhà bẩn thỉu có trải một tấm chiếu cọ đã sờn, ngoài ra không có gì hết. “Đây là nơi mà chồng tôi nằm ngủ”, cô gái nói với họ. Cô cho họ xem một cái vại sứ đựng nước, một chiếc gáo vỏ bầu có cán. “Đây là nước mà tôi đem cho chồng tôi uống. Đây là chiếc ghế đẩu anh ấy ngồi mỗi tối.” Cô gái dường như có vẻ sợ sệt. Wu nghĩ chắc nếu như không vì sự hiện diện của vị tù trưởng, hẳn cô ta đã chạy trốn vào rừng mất rồi.

Rõ ràng là những tài sản ít ỏi của Wen đã bị những người còn sống lấy lại làm sở hữu của mình. Chúng được mang ra từ đám đông dân làng và được đặt dưới chân Wu. Đó là một chiếc rựa đã cùn, một tấm áo choàng boubou[3] màu xanh lá cây đã rách rưới. Vị tù trưởng quát một cậu thanh niên đứng gần bên và anh này phải tháo đôi dép tông của mình ra. Vị tù trưởng bày chúng ra trước mắt Wu và nói: “Đây là giày của cậu ấy.”

Một ông thầy mo khẳng khiu tiến đến trước vợ chồng Wu cùng với cây gậy quyền của mình và nói với Wu bằng một giọng điềm đạm: “Cậu ấy đã ốm trong ba ngày. Tổ tiên đã đòi cậu ấy đi. Cậu ấy còn tỉnh táo, tỉnh táo trong lòng. Nhưng tổ tiên nôn nóng đòi cậu ấy. Cậu ấy đã mất trong lều của tôi khi tôi đang cầu nguyện cho cậu. Cho đến phút cuối cùng cậu ấy vẫn tỉnh táo.” Ông thầy mo chỉ sang một gian lều khác, nơi Wen đã qua đời. Nó cũng hệt như những gian lều còn lại.

Vị tù trưởng dẫn họ ra ngoài, đi vào vùng đất rặt những cây cỏ cao của thảo nguyên. Họ theo lối mòn đến một chỗ đất quang dưới một cây keo ra hoa vàng, đỏ. Ở đấy có những ngôi mộ cũ, đó là những mô đất cứng như đá nơi trước kia đất đã được đào lên và lấp xuống, và sau những ngôi mộ đó, có một mô đất khác, đất ở đấy còn tươi đỏ, trông mềm xốp, còn khá mới. Vị tù trưởng nói: “Đấy là nơi cậu ấy yên nghỉ”, rồi ông vung những hạt gạo xuống mặt đất để cầu phúc.

Đó chỉ là một đống đất, những viên đá cuội nằm rải rác đầy trên đó như những viên ngọc thô, không hề có một dấu hiệu nào chỉ danh tính của người chết, trông như đã thành một nấm mồ vô chủ. “Tại sao ông không đem nó vào thị trấn khi nó ốm?” Wu hỏi vị tù trưởng.

Cô gái lên tiếng. Cô nói: “Chồng của tôi không muốn vào thị trấn.”

“Tại sao các người không đem thi hài của nó cho chúng tôi?”

Vị tù trưởng trả lời: “Cậu ấy đã cầu nguyện cùng chúng tôi. Cậu ấy đã chết như một người đạo Hồi. Chúng tôi đã chôn cất cậu ấy ở đây theo cách thức Hồi giáo.”

Wu đưa cho cô gái một số tiền và dặn cô đến tìm ông ở Séguéla. Ông hứa sẽ chăm lo cho cô, sẽ đáp ứng tất cả những gì mà cô cần. Vợ của Wu lấy lại tấm áo choàng boubou màu xanh lá cây và đôi dép tông. Mẹ của cô gái vội vã mang lên một tấm xà rông màu xanh da trời và gói ghém chúng lại cẩn thận. Wu chở vợ và những vật ấy về Séguéla, vợ của ôm cái bọc đồ màu xanh da trời ấy vào ngực. Wu hiểu rằng cuộc sống của ông với Peiching đã chấm hết. Khi họ rời ngôi làng, Wu đã cố gắng thử nhìn nó, và mảnh đất, bằng cặp mắt của con trai mình. Những cụm mây trắng lướt nhanh qua bầu trời mênh mông, và đó là lần đầu tiên — cho dù thật ngắn ngủi – Wu đã phải buộc lòng thừa nhận châu Phi đẹp.

Câu chuyện của Wu làng nào cũng biết, kể cả làng tôi. Không một ai kể cho tôi hay, bởi vì tôi không biết hỏi. Thế rồi một buổi tối, tôi hỏi những người hàng xóm khi chúng tôi đang ngồi quanh đống lửa. “Ai cũng biết chuyện của ông bác sĩ người Hoa, phải không?”

Một anh thanh niên trong số đó gật đầu và nói: “Ồ, vâng. Chuyện ấy xảy ra trong thời gian anh đang ở đây.” Anh huơ tay trước mặt trong bóng tối như thể muốn xua đi điều phiền nhiễu. Anh nói: “Đó là một câu chuyện khủng khiếp. Không biết thần linh nào đã ra tay trong chuyện này? Bây giờ thì ông bác sĩ muốn nuôi thằng nhỏ. Cô gái lại không muốn từ bỏ đứa con trai của mình. Ai sẽ thắng đây? Rắc rối như thế mới thật là rắc rối. Rắc rối như thế, tốt nhất là đừng nên dây vào.” Mọi người quanh đống lửa đều thì thào tỏ sự đồng tình.

 

[còn tiếp]

 

-------------
Nguyên tác: “Club des Amis”, đăng trên tạp chí The New Yorker, số ngày 5-9-2005.

 

Chú thích của người dịch:
[*] erythromycin: chất kháng sinh thường được dùng để chữa các bệnh do nhiễm khuẩn như viêm phế quản, nhiễm trùng da hay các bệnh lây qua đường quan hệ tình dục.
[**] Nguyên văn tiếng Pháp: petit .

 

_________________________

[1]CFA franc: Tên gọi tiếng Pháp là "franc de la Communauté financière de l'Afrique", tức là đồng "franc" của Cộng đồng tài chính châu Phi. Đây là loại tiền được sử dụng chính thức tại 14 nước Tây Phi và Trung Phi, trong đó có 12 nước là cựu thuộc địa của Pháp. Tiền này có hối suất rất thấp (100 francs CFA = khoảng 0.15 euro), cho nên người ta phải mang thao hàng xấp tiền để tiêu dùng hàng ngày. [Chú thích của Tiền Vệ]

[2]mobylette: một loại xe hai bánh có gắn động cơ rất nhỏ, thịnh hành ở các nước thuộc địa của Pháp. Ở miền Nam Việt Nam vào những năm 60 cũng có nhiều người đi xe mobylette. [Chú thích của Tiền Vệ]

[3]boubou: tấm áo choàng phủ kín chân của đàn ông Hồi giáo. [Chú thích của Tiền Vệ]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021