thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Câu lạc bộ Những Người Bạn [kỳ II]

 

Bản dịch của Hải Ngọc,
Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc.

 

 

Tony D'Souza sinh ra và lớn lên tại Chicago, hiện sống tại Sarasota, Florida. Năm 1998, anh đậu Thạc sĩ Nhân văn tại Hollins University, rồi đậu Thạc sĩ Nghệ thuật tại University of Notre Dame vào năm 2000. Ngay sau đó, anh gia nhập Quân Đội Hoà Bình (Peace Corps) với nhiệm vụ giáo dục về bệnh AIDS tại Côte d'Ivoire (2000-2002), rồi tại Madagascar (2002-2003).
 
Truyện ngắn của anh đã được đăng trên rất nhiều tạp chí văn học, trong số đó có những tờ The New Yorker, Stand, The Literary Review, The Black Warrior Review, Iron Horse, v.v. Năm 2000, anh được tổ chức Writers of the Americas chọn như một trong bảy nhà văn trẻ đại diện cho Hoa-kỳ tại cuộc hội thảo văn học Mỹ/Cuba lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Havana. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, Whiteman, sẽ được nhà xuất bản Harcourt phát hành vào tháng Tư, 2006.
 
Truyện "Câu lạc bộ Những Người Bạn" ("Club des Amis") đã xuất hiện lần đầu trên tạp chí The New Yorker, số ngày 5-9-2005. Vì truyện tương đối dài, chúng tôi sẽ đăng trên Tiền Vệ thành 3 kỳ liên tục.

 

___________________

 

 

CÂU LẠC BỘ NHỮNG NGƯỜI BẠN [kỳ II]

 

Phải mất một thời gian cô gái mới chấp nhận đề nghị của Wu, nhưng sau khi sinh đứa trẻ, cô ta đến sống với bà dì ở Séguéla và ngày nào cũng đem thằng bé đến chỗ Wu. Lúc đó, Wu còn tiền và ông đã chẳng tiếc bất cứ điều gì cho cháu nội. Ông mua những thứ đồ chơi được mang từ Abidjan lên — những quả bóng sặc sỡ, chiếc xe vận tải bằng nhựa — ông còn mua cho cô gái cả những tấm xà rông may bằng vải có hoa văn in dầu từ Hà Lan và những đôi giày mũi nhọn. Cô gái đặt tên cho thằng bé là Moussa, một cái tên của người Hồi giáo, nhưng Wu thì gọi nó là Didi. Tôi chưa bao giờ dám chắc ý nghĩa chính xác của cái tên ấy nhưng tôi có cảm giác nó có nghĩa là “nhỏ.”

Khoảng thời gian ấy, Wu không uống rượu nữa, và suốt mấy tháng tôi không gặp ông. Tuy nhiên, tôi vẫn cố nghe ngóng chuyện của ông bằng cách hỏi han những người xung quanh. Có một lần, tôi dừng chân bên nhà ông để xem ông đang sống thế nào. Tôi nhìn thấy những món đồ chơi ở ngay lối vào và tự hiểu rằng Wu đang hạnh phúc, rằng đứa cháu nội bây giờ đã nằm trong cuộc sống của ông, rằng cuộc sống của Wu đã tách khỏi cuộc sống của tôi theo một cách tốt đẹp.

Mùa mưa chuyển sang mùa khô và đã đến lúc người dân trong làng đeo những tấm mặt nạ hội mùa, múa nhảy để cúng dường tổ tiên. Tất cả chúng tôi đều có vài tuần nghỉ ngơi, và tháng Ramadan[1] đến. Tôi thức giấc theo tiếng gọi của thầy chủ tế để ăn cháo mướp tây với những người trong làng bên ánh lửa chập chờn khi trời mới tờ mờ sáng, và nhịn ăn uống cả ngày, mặc dù tôi không cầu nguyện. Những năm ấy được đánh dấu bởi một khoảng thời gian kéo dài không có những cuộc bạo động, và mọi người bắt đầu tự hỏi không biết liệu nó sẽ còn dài lâu nữa hay không. Thế rồi, dường như ngay khi đất nước trở về trạng thái yên ổn, thì xung đột vũ trang lại bùng nổ ở khắp mọi nơi.

Sau khi chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát thành phố, tôi đến Séguéla để xem chuyện gì đã xảy ra. Cảnh tượng ở đó chẳng khác những gì tôi đã được chứng kiến năm bảy lần rồi: nhà cửa của lính và của những người Thiên Chúa giáo bị thiêu rụi; các cơ quan nhà nước bị cướp phá và ở trong tình trạng tan hoang. Câu Lạc Bộ Những Người Bạn vẫn còn đứng vững, và người nghiệp chủ cùng các chị em gái của ông thân mật chào hỏi tôi. Anh họ của ông chủ là phó chỉ huy một biệt đội trong vùng, và cỗ súng máy cỡ lớn ông đặt để bảo vệ quán rượu này vẫn còn gác trên những bao cát — một bằng chứng cho thấy ở đây đã xảy ra những chuyện nguy hiểm như thế nào. Wu đang ngồi uống rượu trong góc quán. Tôi mừng khi nhìn thấy ông, nhưng dường như ông chẳng còn là ông nữa. Khi đến gần, tôi nhìn thấy chiếc gạt tàn của ông đầy những mẩu thuốc lá thừa, cả một hàng những chai bia mà ông đã uống cạn sắp dài dưới chân ông. Râu ria của ông mọc lởm chởm làm tối sầm cả khuôn mặt. Ông ho và trông có vẻ như đang ốm.

“Ông vừa thoát chết trong vụ biến loạn ở đây, phải không Wu?” Tôi hỏi.

Ông gật đầu, xua tay. “Họ đã cướp nhà tôi. Mất tất cả rồi.” Ông trả lời.

“Còn Didi thì sao?”

“Cháu nội tôi ư? Cô gái ấy đã mang nó đi cách đây mấy tuần rồi. Cô ta chỉ cần tiền. Cô ta bảo tôi phải trả cho cô ấy năm vạn đồng CFA mỗi lần tôi muốn nhìn thấy thằng bé. Cô ta không cho thằng bé ở lại cùng tôi, vì sợ tôi sẽ đem nó về Trung Hoa. Tôi đã báo cho cảnh sát biết hành động của cô ta. Cô ta biết được chuyện này và liền bỏ trốn. Chính gia đình của cô ta đã cướp nhà tôi. Nếu không, tôi đã chẳng rơi vào tình cảnh khốn khổ như thế này.”

Chúng tôi cùng nhau uống mấy chai bia lớn, nhưng bia chẳng thể giải tỏa được tâm trạng của ông. Ông sụt sùi đau đớn, đốt thuốc liên tục. Bóng chiều tà trùm lên chúng tôi, rồi đêm xuống. Wu gục đầu rũ rượi, ông bảo muốn tự mình lái xe về nhà. Nhưng không để Wu làm vậy, tôi dìu ông ra ngồi sau chiếc xe mobylette của ông, nheo một mắt để nhìn đường cho chính xác, và chở ông về nhà. Tất cả cửa sổ trong nhà ông đều đã bị đập nát và phòng nào cũng còn đầy vụn thủy tinh. Người ta đã lấy đi ti vi, giường, bếp lò của ông. Trên sàn nhà, giữa những mảnh vỡ bừa bộn, là những phong bì thư gửi theo đường hàng không bên ngoài có ghi những hàng chữ Trung Hoa đã lấm bẩn, và những bức ảnh con trai ông đã bị gập cong lại.

Chúng tôi ngồi trên những chiếc thùng gỗ trong phòng ông và hút thuốc. Wu đã trấn tĩnh lại trên đường về. “Này Jack”, ông lấy tay trỏ vào đống đổ nát quanh mình và nói với tôi, “đây chính là cuộc sống mà tôi đã tự tạo cho mình, phải không? Tôi đã đến nơi đây vì lòng tham, và đây là những gì mà tôi lĩnh được.” Tôi biết nói gì đây? Wu nhặt một bức ảnh lên, đặt trên đùi, vuốt lại cho phẳng, và ngắm nhìn nó thật lâu. Ông nói: “Cậu gọi tôi là Wu. Ở đây ai cũng gọi tôi là Wu. Nhưng đó không phải là tên tôi. Tên của tôi là Chang. Chang Gochiang.”

“Chang Gochiang. Thế Wu nghĩa là gì?”

“Là một âm thanh. Là một cái tên của ai đó. Cái tên Chang Gochiang quá khó để người ta phát âm được. Anh họ tôi nói với tôi rằng cứ bảo người ta tên của mình là ‘Wu’. Đó cũng là cái tên mà anh ấy dùng. Nhiều người Trung Hoa ở đây cũng dùng cái tên ấy. Như thế khiến người ta dễ nói hơn. Nhưng tên của tôi là Chang Gochiang.”

Tôi giúp ông dọn dẹp và mua một tấm chiếu nhựa rẻ tiền từ một người bán dạo ban đêm cho ông nằm ngủ. Tôi cứ lo rằng ông sẽ tự tử mất, nhưng tôi có thể làm được gì? Khi tôi rời khỏi, ông vẫn còn đang nằm ngủ trên tấm chiếu trong bộ đồ lót, những bức ảnh ghi lại cuộc đời ông xếp lại thành chồng bên cạnh đầu ông giống như một cái gối.

 

Wu tiếp tục sống lay lắt ở Séguéla sau cuộc bạo loạn; ông dường như trở thành một kẻ gàn dở. Đối với người trong vùng, ông là một người đàn ông xa lạ đến từ Trung Hoa với một quá khứ phiền muộn: con mất, vợ bỏ, đứa cháu nội lai đen không biết đang ở đâu trong những ngôi làng xa xôi. Đối với những người quản nhiệm các quán rượu, ông là một gã say, một kẻ khốn khổ, một người nước ngoài đã đến làm ăn kiếm lợi ở một nơi mà lẽ ra y không nên đến, một người đã mất hết tất cả chính vì lòng tham của y. Đã thế, ông lại còn biết quá nhiều những bí mật bẩn thỉu của bọn họ.

Wu mua một cái giường mới, và một cái ti vi mới để theo dõi tin tức ở Bờ Biển Ngà. Ông chỉ chào tôi một cách chiếu lệ ngoài cửa mỗi lần tôi qua nhà, như thể tình bạn của chúng tôi thuộc về một thời kỳ mà ông không muốn nhớ lại nữa; ông cũng chẳng buồn mời tôi vào nhà. Khi gặp ông ở quán rượu, tôi thấy ông thường mua bia cho cả một đám lính tráng nhốn nháo ngồi chật kín cả một bàn rượu, hoặc ngồi nói chuyện với những vị quan toà, thẩm phán ăn vận sang trọng, và ông biết bật nắp những chai Johnie Walker một cách đúng điệu. Tiếng Pháp của ông trở nên khó nghe hơn. Khi bị đám lính say xỉn khích bác, ông sẵn sàng chơi vật tay với những thằng bé đánh giày, giở trò gian lận, và diễn bộ mặt nhăn nhó làm tất cả mọi người bật cười khi ông thua cuộc. Thỉnh thoảng, trong lúc đang chứng kiến cảnh nhục nhã kỳ quặc của ông, tôi lại bắt gặp ánh mắt ông nhìn sang. Khi ấy, nét mặt của ông, trong giây lát ngắn ngủi, trở lại tỉnh táo, như thể ông muốn nói: “Cậu biết đấy, đây không phải là tôi.”

Ở làng tôi, có hai luồng ý kiến xung quanh câu chuyện của Wu. Một số người cho rằng: “Thật đau đớn khi mất đi đứa con trai của mình. Nhưng cô gái kia cũng chẳng muốn mất đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra. Lẽ nào đứa bé không được ở cùng mẹ nó? Ông người Hoa muốn có thằng bé để bù đắp cho mất mát của mình. Nhưng chẳng lẽ cô gái không có quyền giữ lại đứa con?”

Nhưng những người khác lại nghĩ: “Việc gì mà cô gái kia lại tự gây ra lắm phiền nhiễu đến thế? Đứa trẻ đó không phải là một đứa trẻ bình thường — cuộc sống của nó sẽ phải chịu bao sự nhạo báng. Ông người Hoa là người giàu có, còn cô gái có thể có những đứa con khác. Tốt hơn là buông quách cái thằng bé đầy rắc rối này ra, hãy giữ lấy những đứa con mới, những đứa trẻ đích thực là da đen.”

Lúc này, việc Wu đi hối lộ người này người kia không còn là chuyện bí mật. Có tin đồn rằng ông đã đưa năm trăm nghìn đồng CFA cho viên cảnh sát trưởng và một số tiền tương đương cho thẩm phán của quận, và đêm nào cũng vậy, Wu mua đồ uống và thuốc lá cho đám lính làm nhiệm vụ giữ chốt ra vào thành phố. Giấu một đứa trẻ lai là một việc khó. Những người lính mặc thường phục đã đến làng của cô gái để lục soát, rồi họ đến lục soát cả những ngôi làng của họ hàng thân thích của cô gái nữa. Cha và anh em trai của cô ta lần lượt bị giải đến nhà giam ở Séguéla và phải chịu phạt một khoản lớn với lý do là giấy căn cước của họ không đúng quy định. Thực ra chẳng có người Hồi giáo nào ở miền Bắc có giấy căn cước hợp lệ cả. Những người thân của cô gái bị tra tấn rồi được thả. Nếu họ biết được cô gái đã bỏ đi đâu, họ cũng chẳng hé răng ra.

Tin đồn lan truyền. Người thì bảo thấy cô đang sống cùng người anh em họ thuộc bộ tộc Senufo ở ngoài Korhogo. Người khác lại bảo cô đang sống ở làng chài Bozo, phía bắc Béoumi. Những dị bản lãng mạn hơn kể rằng cô ấy đã tự trầm mình cùng với đứa trẻ ở sông Marahoué, hay là có một vị chức sắc người Pháp ở Abdijan đã đem lòng yêu cô và nhanh chóng mang cô cùng Didi sang Paris.

Những người lính cam đoan với Wu là họ đang tìm ra đầu mối. Thông cáo thậm chí được gửi tới từng làng. Có người nhìn thấy một đứa trẻ có nước da màu trà và đôi mắt của người Hoa đang lơ ngơ trong một khu chợ ở Boundiali, khóc gào tìm mẹ. Người khác lại nói mình đã bắt gặp cô gái ấy địu đứa con sau lưng, tìm cách vượt sang Burkina qua đường biên giới ở Ferkéssédougou. Đây đó bạo động lại bùng phát: những nhân công người Dioula bãi công ở Abidjan, người Mossi đình công tại chỗ trên những đồn điền lớn sản xuất dầu cọ. Xung đột tôn giáo trên đất nước trỗi dậy giống như hơi nước tích tụ trong không khí. Chẳng mấy chốc, mùa khô sẽ chấm dứt bằng những trận sấm sét bão giông to lớn.

Đôi khi tôi đã cố hình dung về cô gái. Cô ta là ai? Tất cả những gì tôi biết là cô ta đã từng bán ớt ở chợ Séguéla, cô ta đã lớn lên từ một ngôi làng cũng tăm tối và bán khai như ngôi làng tôi đang ở. Không biết vì lý do gì, cô ta lại vào thị trấn, nơi mà những ánh đèn đường và mấy chiếc xe taxi hoen gỉ chắc hẳn đã gây ấn tượng mạnh với cô, và ở đó, cô đã phải lòng con trai của Wu.

Những chuyện ve vãn yêu đương như thế ngày nào cũng có thể thấy trong chợ: những cô gái buồn chán thì chòng ghẹo những chàng trai thất nghiệp về mớ quần áo rách rưới hay những bắp thịt mới của họ; còn bọn con trai thì chòng ghẹo các cô gái về kiếp ở đợ, sự mù chữ hay những tấm xà rông đã sờn của họ. Bọn con trai cho rằng các cô gái thì gầy còm như những con gà trụi lông; các cô gái lại cho rằng lũ con trai thì có răng như răng lừa. Lời qua tiếng lại cợt nhả như thế suốt cả ngày. Và khi đêm xuống, sau khi bữa tối xong xuôi, bát đĩa được lau rửa, đám thanh niên lại túm tụm với nhau thành từng nhóm nhỏ lang thang dưới ánh đèn màu vàng cam trên phố, và thi thoảng lại có một cô gái hay một chàng trai liếc nhìn xung quanh xem có ông chú hay bà dì nào của mình hay không, rồi băng sang đường, tay quàng tay nắm, tìm một chỗ tối nào đó để được gần gũi với nhau trong chốc lát, ban đầu còn quá ngượng ngùng chẳng nói được gì.

Có thể cái đêm mà họ gặp nhau ấy, trên trời đầy sao. Có thể cô gái đã hỏi chàng trai: “Nói cho em biết về đất nước của anh đi.” Hoặc cũng có thể chàng trai đã nói với cô: “Em có biết về đất nước của anh không?” Là gái chưa chồng, cô lúc nào cũng bị bà dì và cả gia đình bà dì để ý. Còn về phần chàng trai, thì mẹ của cậu luôn luôn ở trong nhà, nên Wen chẳng thể nào đưa cô về nhà mình được. Có lẽ có một thảm cỏ nào đó dưới một bụi cây, nơi ấy, họ có thể ngồi bên nhau và ngắm nhìn ánh đèn trong thị trấn. Có thể là Wen có một người bạn đã cho họ mượn phòng. Không biết bằng cách nào, ở nơi đâu, họ đã quen biết rồi yêu nhau. Cô gái gọi Wen là “chồng”, và cậu thích như thế. Không biết cô gái có hình dung ra cảnh họ sẽ ở bên nhau trọn đời trong ngôi làng của cô hay không? Hay là cô ta có hy vọng một ngày nào đó, cô sẽ được cùng chàng trai du hành sang Trung Quốc? Liệu một trong hai người đã bao giờ dừng lại để ngẫm nghĩ về những sự phức tạp mà đứa con của họ sẽ phải đối mặt? Hay trong sự mãnh liệt của tình yêu và tuổi trẻ, tất cả mọi thứ đối với họ đều rực rỡ, sáng láng?

Điều cuối cùng tôi băn khoăn là: Lòng cô gái kia có tan nát? Cô có đau đớn vì mất Wen nhiều như ông Wu không?

 

[còn tiếp một ký]

 

-------------
Nguyên tác: “Club des Amis”, đăng trên tạp chí The New Yorker, số ngày 5-9-2005.

 

_________________________

[1]Ramadan là tháng thứ chín của niên lịch Hồi giáo. Trong tháng ấy, tín đồ Hồi giáo nhịn ăn uống, thanh tẩy thân xác và tập trung vào việc cầu nguyện. Theo giáo luật, họ không được ăn uống trong ánh mặt trời, mà chỉ được ăn uống vào ban đêm — họ phải ngừng ăn uống trước giờ mặt trời mọc (Fajr), và chỉ bắt đầu được ăn uống sau giờ mặt trời lặn (Maghrib). [Chú thích của Tiền Vệ]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021