thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Câu lạc bộ Những Người Bạn [kỳ III]

 

Bản dịch của Hải Ngọc,
Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc.

 

 

Tony D'Souza sinh ra và lớn lên tại Chicago, hiện sống tại Sarasota, Florida. Năm 1998, anh đậu Thạc sĩ Nhân văn tại Hollins University, rồi đậu Thạc sĩ Nghệ thuật tại University of Notre Dame vào năm 2000. Ngay sau đó, anh gia nhập Quân Đội Hoà Bình (Peace Corps) với nhiệm vụ giáo dục về bệnh AIDS tại Côte d'Ivoire (2000-2002), rồi tại Madagascar (2002-2003).
 
Truyện ngắn của anh đã được đăng trên rất nhiều tạp chí văn học, trong số đó có những tờ The New Yorker, Stand, The Literary Review, The Black Warrior Review, Iron Horse, v.v. Năm 2000, anh được tổ chức Writers of the Americas chọn như một trong bảy nhà văn trẻ đại diện cho Hoa-kỳ tại cuộc hội thảo văn học Mỹ/Cuba lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Havana. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, Whiteman, sẽ được nhà xuất bản Harcourt phát hành vào tháng Tư, 2006.
 
Truyện "Câu lạc bộ Những Người Bạn" ("Club des Amis") đã xuất hiện lần đầu trên tạp chí The New Yorker, số ngày 5-9-2005. Vì truyện tương đối dài, chúng tôi đăng trên Tiền Vệ thành 3 kỳ liên tục.

 

___________________

 

Đã đăng:

 

CÂU LẠC BỘ NHỮNG NGƯỜI BẠN [kỳ III]

 

Wu đến làng tôi vào một buổi chiều thứ Sáu khi tất cả những người đến tuổi đều đang cầu nguyện trong nhà thờ. Tôi đang ngồi ở bên ngoài lều của mình, ăn những trái ổi cuối mùa, và mấy đứa trẻ con lăng xăng chạy trước chiếc xe gắn máy của ông, dẫn ông đến chỗ tôi. Bọn trẻ đều trần truồng, bụng ỏng, gỉ mũi của đứa nào cũng khô đặc lại dưới mũi; chúng đứng yên lặng cách chúng tôi một chút, dường như tất cả đều đờ đẫn vì suy dinh dưỡng và mệt mỏi. Wu đậu xe, nhìn tôi trong bộ quần áo lao động tả tơi, ngó lom lom vào khoảng tối trong căn lều của tôi, giọng càu nhàu. “Thật ngạc nhiên là cậu cũng không chết”, Wu nói.

Wu trông thật gọn gàng. Râu ria của ông đã được cạo sạch sẽ, tóc tai cũng đã được cắt gọn. Người đàn ông say xỉn và chịu để cho người khác làm nhục, kẻ mà tôi đã từng cho là thật đớn hèn trong quán rượu mới ít tháng trước, bằng cách nào đó nay đã trở lại là vị bác sĩ mà tôi đã từng biết. “Tôi cần sự giúp đỡ, Jack à”, ông nói. “Tôi chưa bao giờ nhờ cậu việc gì. Nhưng giờ thì tôi cần cậu giúp đỡ. Họ đã bắt được cô ta. Hiện cô ta đang ở trong nhà giam Mankono. Tôi hết tiền rồi. Tôi cần vay một trăm nghìn đồng CFA để làm lệ phí giấy tờ. Nhưng tôi cũng cần cả một nhân chứng nữa. Phải có ai đó xác nhận tôi là người giám hộ hợp pháp của Didi. Không một ai ở Séguéla đồng ý giúp tôi. Nếu cậu không chấp nhận làm việc ấy, họ sẽ thả cô ta ra, và như thế, tôi sẽ không bao giờ có được đứa cháu nội của mình.”

Dĩ nhiên, tôi chẳng muốn phải đưa ra quyết định này. Những người lớn tuổi trong làng đang tụ tập ở nhà thờ, không có ai bênh vực tôi hay bào chữa vì sao tôi không thể đi cùng ông. Trước mặt tôi chỉ có một người đàn ông trung niên gày gò đến từ Trung Hoa, người đã từng là bạn tôi, và mấy đứa trẻ con trần truồng đang trân trân nhìn chúng tôi, thậm chí không chớp mắt.

Tôi không nói gì cả trong một hồi lâu. Wu đưa mắt nhìn đi chỗ khác và bọn trẻ nhìn tôi chăm chú như thế chúng là bồi thẩm đoàn vậy. Bầu trời thì xanh, ngày thì vàng nắng. Tôi bỏ quả ổi xuống, đi vào trong lều của mình, cởi bộ quần áo lao động và mặc lên người tấm áo choàng boubou màu xanh lá cây. Tôi nhét giấy căn cước vào túi. Khi tôi đi ra, Wu đề nổ máy xe và tôi trèo lên ngồi đằng sau ông. “Nói với tù trưởng là chú đã đi Mankono. Ngày mai chú sẽ về, nếu Allah phù hộ.”[*]

Bọn trẻ gật đầu nghiêm nghị. Con bé lớn nhất nói, giọng nhã nhặn: “Allah ee kisse, Tonton. Cầu Allah phù hộ cho Chú đi đường may mắn!”

Wu đứng đợi bên ngoài nhà băng ở Séguéla với chiếc xe đang nổ máy, và khi tôi bước ra, tôi trao cho ông số tiền. Rồi ông chở tôi chạy qua những con phố để đến trụ sở toà án, nhưng lính gác cổng bảo ông thẩm phán đang ở nơi quán rượu. Chúng tôi tìm thấy ông ta tại đó, trong bộ đồ màu tía, đang ngồi uống whiskey ở một bàn rượu đầy lính. Nhạc bật lớn và tất cả bọn họ đều đang cười. Họ lại càng cười khi nhìn thấy tôi trong tấm áo boubou: một tay da trắng lại ăn vận như một người Hồi giáo. Sau một lát, viên thẩm phán lấy khăn ăn chùi mép, lấy lại vẻ nghiêm túc, và nói: “Được. Ông có tiền chứ Wu?”[**]

Wu giao cho ông ta bọc tiền. Viên thẩm phán đếm tiền rất nhanh, quăng hai tờ bạc đã bị vấy bẩn ra bàn, rồi gấp số còn lại, nhét vào túi áo trong ngực. Ông đeo cặp kính râm lên và nói điều gì đó với mấy người lính ở Baoulé, rồi sau đó chúng tôi đi ra chỗ mà viên tài xế của ông đang ngồi chờ trong chiếc xe Mercedes màu đen.

 

Chuyến đi từ Séguéla đến Mankono là một hành trình dài và lặng lẽ. Ngay cả có máy điều hòa không khí nhưng trong xe vẫn nóng nực, và tôi có thể ngửi thấy mùi nước hoa ngòn ngọt từ người ông thẩm phán: mùi tử đinh hương. Con đường đỏ bụi, hai bên đường là những đồng cỏ mênh mông và khô hạn, một màu vàng đơn điệu. Trên đường chẳng nhìn thấy xe cộ nào khác, và ở mấy ngôi làng lác đác chúng tôi đi qua, người dân đều ngừng làm việc, đứng hết cả lên, chăm chú nhìn theo chúng tôi.

“Cậu sẽ làm chứng cho ông ấy chứ?”, ông thẩm phán hỏi tôi khi chúng tôi đang ngồi trong xe ô tô qua phà sông Marahoué, trong lúc ông già lái phà đứng đẩy sào đưa chúng tôi qua dòng sông bẩn thỉu trên một chiếc bè làm bằng những thùng dầu rỗng.

“Vâng”, tôi trả lời ông ta.

“Chưa bao giờ tôi lại có thể hình dung ra điều này, một người da trắng và một người Trung Hoa cùng một lúc ngồi trong xe tôi. Ông Wu à, ông mang con trai ông sang châu Phi này là rất hay đấy. Có rất nhiều điều bất ngờ mà cái quyết định này đem đến cho tất cả chúng ta.”

Đến Makono, một người lính mở cổng nhà giam và chúng tôi lái xe qua một đám bụi mù. Những con gà đang bới đất trên cái sân khô rang; văn phòng của nhà giam trống trơn và nóng như nung, chỉ có một cái bàn làm bằng kim loại bên dưới một cái quạt cánh cũng được làm bằng kim loại. Ông thẩm phán đọc cho viên sen đầm mặc đồng phục đánh máy; anh này gõ chữ một cách cẩn thận và chậm rãi. Trên bức tường, phía trên chỗ viên sen đầm ngồi, có treo bức ảnh vị tướng — tổng thống đương thời; trong bộ đồ và chiếc khăn choàng vai của mình, trông ông ngời lên một vẻ tự mãn, giống như hình ảnh của ông được in trên những con tem. Ngoài cửa là một dãy những nhà giam. Thỉnh thoảng lại nghe thấy một tiếng rú gào vọng ra.

Một người thợ chụp ảnh đi xe đạp từ thị trấn đến và chụp hình Wu trong tư thế đứng dựa lưng vào một bức tường trống trơn. Wu không hề mỉm cười. Ông thẩm phán đóng dấu và ký tên vào các giấy tờ, sau đó gọi Wu đến ký rồi đến lượt tôi. Những giấy tờ này trông đều hoa mỹ, sặc sỡ, trên có dán con tem tròn với dấu mực xanh. Tôi chẳng buồn đọc xem những giấy tờ ấy viết gì. Anh thợ chụp ảnh người Dioula mặc chiếc quần đã cũ sờn xin phép ông thẩm phán được đi về nhưng ông thẩm phán lại yêu cầu anh chụp thêm một bức ảnh nữa. Ông bảo tôi đứng cạnh một bên ông còn Wu thì đứng ở bên kia. “Một da trắng, một da vàng, một da đen”, ông nói, và người thợ chụp ảnh bấm máy.

“Giờ tôi về được chưa, thưa ngài?”[***] Người thợ ảnh vừa hỏi vừa nhích chân dần ra cửa. Wu lục túi quần rồi đưa cho anh ta thêm mấy đồng tiền xu và nói, “Một bức nữa, chụp tôi và bạn tôi.” Ông nắm lấy tay tôi lúc anh thợ ảnh chụp hình. Lần này, cả hai chúng tôi cũng chẳng ai mỉm cười.

Viên sen đầm thét bảo người lính ở bên ngoài đi vào và giao cho anh ta một chùm chìa khoá to kềnh. Người lính đi qua các phòng giam, và tôi nghe thấy tiếng cánh cửa kim loại mở ra ken két. Rồi người lính ấy quay trở lại, đẩy vai một cô gái nhỏ bé người Worodougou đi ra. Cô gái đi chân trần, tấm xà rông của cô đã bẩn. Cô chẳng nhìn bất cứ ai trong số chúng tôi. Con mắt cúi gằm xuống ấy như thể nói rằng cô đã chịu đựng quá đủ rồi. Trên tay cô là một thằng bé, mắt nó hấp háy trước luồng ánh sáng của ban ngày từ cửa sổ dội vào. Da của nó màu trà, đôi mắt của nó là đôi mắt của người Trung Hoa, tóc của nó đen và thẳng. Nó là một thằng bé khôi ngô, mảnh dẻ và có vẻ sợ sệt, mặc chiếc quần soóc bằng vải ka ki và chiếc áo có cổ, cứ như thể nó được mẹ mặc cho như vậy là vì một sự kiện đặc biệt nào đó.

“Giờ thì ổn rồi, cô gái”,[****] viên thẩm phán trỏ ngón tay to bè của mình về phía cô, “và cô được tự do. Hiểu không?” Cô gật đầu. Viên sen đầm đưa cánh tay nhấc thằng bé khỏi cô; thằng bé cứ cố bám chặt lấy tấm xà rông của mẹ và bắt đầu gào lên. Anh ta đặt thằng bé lên cái bàn, và lấy báng súng đẩy cô gái ra ngoài sân. Qua cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy anh ta đẩy cô gái qua cổng ra đến tận ngoài đường.

Wu cất tiếng gọi đứa cháu nội của mình bằng một giọng âu yếm và chìa tay ra như thể đang dỗ dành một con vật cảnh còn ngần ngại. Tôi nghĩ ngay rằng Didi sẽ khóc, nhưng hóa ra không phải vậy. Có lẽ nó cũng đã khóc quá đủ rồi. Viên sen đầm trao thằng Didi cho Wu, và Wu ôm chầm lấy nó, vuốt tóc nó, hôn lên đỉnh đầu nó. Ông nựng thằng bé thật dịu dàng bằng tiếng Trung Hoa, và Didi bá lấy cổ ông nội, dường như nó đã mệt.

Khi chúng tôi rời khỏi nhà giam, qua cửa sổ ô tô, tôi nhìn thấy cô gái đang đứng một mình bên lề đường, nhìn chúng tôi ra đi. Cô trông giống như bất cứ người phụ nữ nào ở đó, nhưng xinh đẹp hơn, như một vật thể nhỏ nhoi trong đám đông. Tôi cứ nghĩ là hẳn cô sẽ bật khóc nức nở, sẽ chạy theo chúng tôi. Nhưng cô chỉ chít lại khăn quàng quanh cổ, rồi một tốp phụ nữ trong những tấm xà rông sặc sỡ đi ngang qua cô, đội những chậu nước trên đầu, và cô gái mất hút trong đoàn người ấy, và trong đám bụi vần vũ mà chiếc xe hơi của chúng tôi bỏ lại sau lưng.

Didi khóc quấy và lấy chân đạp đạp một lát rồi ngủ thiếp đi. Wu nhắm mắt lại và ôm lấy nó, hiển nhiên những đoạn đường dằn xóc, những thước phim về châu Phi đang diễn ra bên ngoài cửa sổ, đối với ông, đang dần trở thành một ký ức.

Mấy tuần sau đó, người thợ chụp ảnh đã đi xe đạp từ Mankono đến làng tôi để trao cho tôi tấm hình của Wu và tôi chụp ở nhà giam Mankono. Tôi hỏi anh ta có biết tin tức gì của cô gái không, nhưng anh lắc đầu không biết. Rồi anh ta nhét món tiền tôi trả cho anh vào túi áo và nhảy lên xe, đi ngược trở lại hướng mà lúc nãy anh đã đến. Trong tấm hình, Wu và tôi đều trông khắc khổ hơn ngoài đời và cũng cao hơn. Chi tiết chúng tôi nắm tay nhau đã không được đưa vào khung hình.

Khi vào nhà bưu chính Séguéla lần sau đó, tôi nhận được một lá thư bảo đảm gửi từ Abidjan. Tôi đã đợi đến khi trở về gian lều của mình mới mở ra đọc. Cùng với số tiền, Wu có gửi kèm một lời nhắn ngắn gọn mà có lẽ ai đó đã đánh máy cho ông bằng tiếng Pháp. Đại sứ quán Trung Hoa đã thu xếp được cho Didi một tấm visa, và họ sẽ sớm rời nơi đây để trở về Thượng Hải. “Bây giờ mọi chuyện đã tốt đẹp”, ông viết. “Cái vật nhỏ bé mà tôi đã cứu được từ cơn ác mộng này, tôi đã có.” Ông cảm ơn tôi vì những gì tôi đã làm cho ông, ông chúc tôi những điều tốt đẹp nhất. Nếu có lần nào đến Queens, nhất định tôi phải đến thăm bà chị của ông. Còn nếu có lần nào đặt chân đến Thượng Hải, nhất định tôi phải đến thăm ông.

Thời gian trôi đi, và những tin tức mà những người láng giềng của tôi nghe được qua đài bán dẫn ngày càng trở nên phiền nhiễu hơn. Ai cũng nghĩ ngợi xem chuyện gì có thể xảy ra đối với đất nước mình, đối với làng mình, và làm sao họ có thể sống nổi qua cuộc chiến sắp sửa bùng nổ. Cả tôi nữa, cũng nghĩ ngợi. Đâu đó, tại một cánh rừng bên kia thị trấn Makono, một cô gái trẻ cũng đang ngước nhìn những vì sao này, lòng băn khoăn nghĩ đến đứa con trai của mình. Đâu đó, trong một căn hộ ở Thượng Hải, một cậu bé lớn lên từng ngày, đang học một thứ ngôn ngữ mới để làm sao có thể nói cho ông nội nó biết bây giờ nó muốn ăn cơm, muốn ăn kẹo, muốn uống nước trái cây, muốn đồ chơi, rồi, chẳng bao lâu nữa, muốn có cha của nó, và cả mẹ nữa.

 

[hết]

 

-------------
Nguyên tác: “Club des Amis”, đăng trên tạp chí The New Yorker, số ngày 5-9-2005.

 

Chú thích của người dịch:
[*] Nguyên văn: inshallah
[**] Nguyên văn tiếng Pháp: bon
[***] Nguyên văn tiếng Pháp: patron
[****] Nguyên văn: muso (tiếng của thổ dân Bambara ở Tây Phi).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021