thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bắt chó bỏ bao

 

I

 

Tôi có người bạn tên là Hùng Gà, ở Đồng Xoài. Thảng hoặc chúng tôi, bạn từ xa ghé lên chơi, anh vui lắm, thường làm gà đãi bạn uống rượu. Mùa dịch H5N1 năm nay, gà bị giết sạch, không còn để thịt. Có con chó tơ hay sủa bậy và chuyên ăn vụng, anh đi gom rơm khô về để thui nó cho bữa thịt cầy đổi món. Cầm một cái bao bố tời lớn, anh búng tay gọi con chó đến, vuốt ve âu yếm rồi bồng nó lên. Con chó vẫy đuôi vui, lè lưỡi liếm mặt chủ. Bất ngờ, tay trái anh mở rộng miệng bao, tay phải dúi con chó vào lọt thỏm trong đó, rất chuyên nghiệp, nhanh và gọn. Giống chó cũng ngộ, hễ bị nhốt trong bao hay trong lồng sắt là không kêu la giãy giụa gì cả, phó thác mệnh mình cho các bợm. Hùng thắt miệng lại rồi ném cái bao nằm lăn trên sân, anh sờ tìm đầu chó rồi dùng cây gậy lớn nện xuống. Tiếng gậy đập vỡ xương sọ nghe thật chắc, cái bao giãy nhè nhẹ rồi nằm im, con chó đã bất tỉnh. Anh tháo bao lôi chó ra bờ giếng chọc tiết, chiếc thau nhỏ chứa lưng máu tươi. Anh sai người nhà múc nước sôi để cạo lông. Khi quay lại bờ giếng chúng tôi thấy con chó thình lình tỉnh lại, ồ nó vẫn chưa chết, đang hồi dương phút cuối. Trông thấy chủ, nó cố đứng dậy, cái đầu lặc lìa, máu nhỏ ròng bết đất, vết thương phì phèo bong bóng. Nó lảo đảo bước rồi té quỵ. Lại cố lết đến bên chân chủ rên khe khẽ, vẫy đuôi, và nhìn lên bằng đôi mắt buồn bã. Con chó duỗi thân ra lần nữa, lần cuối, lần này thì chết hẳn. Máu vấy lên bàn chân trần. Mọi người sững sờ, không ai nói được điều gì. Tôi nhìn qua thấy Hùng tái mặt vì xúc động. Anh dội nước rửa chân, nhờ người bạn hàng xóm làm tiếp, rồi đi ra đầu hè ngồi đốt thuốc lá. Bữa nhậu lẽ ra sẽ vui, nhưng không khí lại nặng nề tuy không ai nhắc gì về con chó. Hùng không đụng đũa, chỉ ngồi lầm lì rót rượu uống khan. Về sau mỗi khi nói về loài chó, anh luôn cho rằng chúng còn tốt lành hơn con người, tôi mong rằng anh nói sai.

 

II

 

Quê ngoại tôi ở Quảng Bình. Ông ngoại tôi thời trẻ hưởng gia tài nhiều đất ruộng, chỉ vui chơi là chính, giao mọi chuyện nhà lại cho bà cố và vợ lo liệu. Ông chỉ ham mê các thú tiêu khiển là học võ, nuôi chim và đi săn. Là nhà có máu mặt trong vùng nên luôn phòng bị trộm cướp. Mẹ tôi kể rằng trong nhà luôn có những loại vũ khí đặc biệt như lựu đạn cay tự chế, làm bằng ớt bột trộn với vôi bột cho vào một cái vỏ trứng vịt nén thật chặt. Lâu ngày vôi nở ra căng cứng trong vỏ trứng, khi ném, trứng nổ tung vôi ớt bay mù mịt. Kẻ nào bị trúng phải loại lựu đạn này chỉ còn nước bưng mắt ôm mặt mà chịu đòn. Nhà còn rào tre dày để chống lại món “bút chì”, là loại vũ khí làm bằng lưỡi mai mài sắc có dây cột vào cổ tay người sử dụng, món này được nhà văn Nguyễn Tuân nhắc đến trong truyện ngắn “Ném bút chì” trong tập Vang Bóng Một Thời. Ông tôi còn thuê thầy võ về dạy và bắt con cháu trong nhà tập luyện võ nghệ. Ngoài ra còn nuôi một đàn chó được huấn luyện vừa để săn vừa chống cướp. Loại chó này rất dữ tợn. Chúng bị xích lại suốt ngày, chỉ được thả ra vào ban đêm. Đặc điểm của chúng là càng bị đòn đau thì càng điên tiết. Khi lâm trận chúng chiến đấu có đội hình, có chiến thuật. Những con lồng lộn trước mặt đối phương chỉ là nghi binh, làm động tác giả để những con khác từ phía sau và hai bên tấn công dứt điểm. Trong đàn có một con lông trắng dày như bông lau, tướng cao lớn, ông rất quý, đặt tên là con Lau. Lúc bấy giờ vùng làng đang bị Pháp chiếm đóng, đồn lính đặt gần đình làng, chỉ huy là một thằng quan ba ác độc. Một hôm thằng quan ba nhìn thấy con Lau, thích lắm, hỏi ông tôi đòi mua. Ông tiếc đứt ruột nhưng không thể từ chối đành biếu không con chó cho hắn.

Tên quan ba bày những trò bạo lực để khủng bố mọi người. Hắn luyện cho con Lau lao vào cắn xé người khi được ra lệnh. Mỗi lần đi càn về, hắn bắt người tình nghi cởi hết quần áo, trói lại, rồi cho Lau cắn nát người trước khi mang ra bắn rồi vất xác ngoài bờ đê. Lúc ấy, ai mà bị Tây bắt thì xem như đã xong đời, không mấy ai thoát.

Nửa năm sau, có tin về nhà chiều hôm ấy kẻ bị bắt là cậu ba, anh của mẹ tôi. Cậu tôi quanh năm đi làm ăn ở các vùng lân cận ít khi về nhà. Tin báo có người nhác thấy từ ban chiều. Cả nhà than khóc nhưng không một ai được ra khỏi nhà vào giờ này, nếu ra sẽ bị chúng bắn ngay. Ông tôi gọi thợ mộc đóng áo quan, lấy khăn vải trắng chuẩn bị đồ liệm, chỉ chờ đến sáng sẽ ra bờ đê mang xác con trai về. Nhưng đến gần nửa khuya, cậu tôi như một cái xác không hồn, ướt mèm, lạnh toát và xanh tái, lừ lừ đẩy cửa đi vào. Không ai tin vào mắt mình. Một lúc sau, lấy lại bình tĩnh, cậu kể rằng bị lỡ chuyến đò, phải đi bộ vòng qua cánh đồng, khi đến cổng làng thì trời đã tối. Lính Tây đi tuần bắt lại, cho vào đồn. Chúng bắt cậu cởi hết quần áo, trói hai tay vào một cây cọc. Con Lau được thả ra nhưng nó nhận ngay ra con của chủ, liền vẫy đuôi mừng. Bọn lính xùy suỵt thế nào nó cũng không chịu cắn, còn liếm mặt cậu âu yếm. Thằng đồn trưởng thấy vậy vỗ vai cậu nói bập bẹ tiếng Việt, “Tốt, tốt. Mày tốt lắm. Chó không cắn mày. Mày không phải Việt Minh. Bien, bien…”. Rồi ra lệnh cởi trói cho cậu, mặc lại áo quần ra về, còn tặng một gói thuốc lá như lời tạ lỗi. Ba tháng sau cậu bị giết, một nhát chém vào gáy, không biết ai ra tay, có người cho là một người khật khùng vốn là người làm trong nhà, nhưng người này đã bỏ đi biệt tăm. Đồn Tây sau bị phá bỏ dời đi nơi khác, không ai biết số phận con Lau ra sao.

 

III

 

Bạn tôi, nhà thơ Trần Tiến Dũng, kể một câu chuyện về chó bảo đảm không đụng hàng. Anh đặt tên cho câu chuyện là “Con chó chân gỗ”*. Một hôm anh đang đi trên đường ở một vùng quê. Bất chợt anh thấy một con chó vàng chạy băng ngang qua đường. Con chó chạy như bị què, chân sau bên trái lê khập khiễng. Kỳ dị thay khi nó chạy lại có tiếng như que gỗ gõ xuống mặt đường đá dăm. Anh lấy làm lạ bèn bước vội theo. Con chó chạy đến một ngôi nhà mới xây thì dừng lại ngó anh, rồi khập khiễng chạy vào sân mất hút. Dũng bước vào sân, chủ nhà ra tiếp. Anh kể lại đã thấy con chó lạ như thế. Chủ nhà mời anh uống nước rồi gọi con chó ra cho anh xem. Dũng kinh dị khi thấy cẳng chân trái sau của nó là một chiếc chân gỗ được đẽo và tháp rất khéo vào tận bẹn. Ông chủ nhà kể lại câu chuyện sau đây thay cho lời giải thích. Con chó này vô cùng đặc biệt, nó là ân nhân của gia đình chúng tôi, nhờ có nó mà cả nhà tôi thoát chết. Cách đây một năm, ngôi nhà phát hỏa vào lúc giữa khuya. Khi đó cả nhà tôi đang say ngủ mà không biết rằng ngọn lửa đã nhanh chóng phủ chụp cả mọi nơi. May làm sao Ky bật dậy chạy vào lôi mùng, đánh thức mọi người dậy. Nó còn xông vào lửa để hất đi cánh cửa cháy đỏ rừng rực đang đè lên cậu con trai cả của tôi. Chúng tôi chỉ kịp chạy ra khỏi nhà thì mấy tầng lầu đổ sụp xuống, suýt chút nữa thì đã bị chôn sống trong khói lửa. Dũng cắt lời, “Chắc Ky bị đè gãy chân trong đêm đó phải không?” “Ồ không, nó vẫn khoẻ mạnh bình an trong chuyến đó. Nhưng vì nó là con chó đặc biệt nên chúng tôi phải ăn nó một cách cũng đặc biệt. Chúng tôi ăn từng phần một, chứ không làm thịt ăn một lần. Cái chân gỗ là do thằng Cả làm đấy, nó là đứa khéo tay. Anh có thấy nó đang ngồi đẽo thêm trái tim ngoài kia không?”

Bạn có tin câu chuyện này có thật không? Tôi thì tôi tin lắm, tuy rằng nghe qua như chuyện hoang đường.

 

 

-----------------
* Tác giả thêm mắm dặm muối, phóng tác câu chuyện này theo lời kể của nhà thơ Trần Tiến Dũng.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021