thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phước huệ trắng
Thanh xuân sao buồn vậy

 

Bây giờ hay bao giờ cũng vậy, anh thường tới ngôi chùa cổ ở vùng ngoại ô Sài Gòn, uống trà, chuyện trò với thầy trụ trì. Có những lần anh ngủ lại ở chùa, vì uống trà hay không phải vì uống trà, anh thức trắng đêm. Khuya, tiếng chim ăn trái trong vườn chùa rộng rinh, tịch mịch. Anh hồi nhớ các thứ, cuối cùng, những đêm nào chiến tranh đã qua, đã gần bốn mươi năm, ở vùng Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Cuối cùng, hình ảnh ni cô Huệ Phước hiện ra, tách trà toả hơi nóng trên mặt bàn, anh ngồi nhìn rừng thông mờ sương trước mặt. Cuối cùng của lần nào ngủ lại ở chùa cũng vậy. Hoá ra, lần nào ngủ lại ở chùa, thức trắng đêm, anh cũng thiếp đi một giấc ngắn dài bao lâu đấy, và giấc mơ đến. Anh chưa từng gặp ni cô Huệ Phước, hình như, chỉ một tên gọi, không biết từ đâu nhập vào trí nhớ.

Lần nào, bây giờ hay bao giờ cũng vậy, anh thức giấc, sớm tinh mơ, tách trà toả hơi nóng trên mặt bàn. Ngồi một bên, đối diện thầy trụ trì, anh nhìn lối đi cỏ ướt sương. Chốc lát nữa anh sẽ từ lối đi ấy, vào thành phố.

Lần này thì không. Anh vẫn ngồi một bên, đối diện thầy trụ trì, anh uống cạn tách trà đã nguội, anh rót tiếp nước trà từ chiếc ấm nhỏ, nước trà mới rót ra không toả hơi nóng, anh uống cạn ngay, và anh dừng lại, không rót tiếp nữa. Dù sao, không còn nhiều nước trà trong chiếc ấm nhỏ. Thầy trụ trì có thể sẽ nhắc lại công án Thiền: Tâm bất an ư? Nào, đưa cái tâm ấy ra đây, ta an cho…

Anh tự hỏi, bây giờ thì sao nhỉ? H nói hôm nào: Anh không nghiên cứu đạo, thế nên… Anh tự hỏi, có phải thế không?

Những đêm nào chiến tranh đã qua / Con mắt đen niềm im lặng… (Thơ của một nhà thơ). Anh nhớ lại giấc mơ, chắc là vậy, đêm nào anh cũng rơi vào một tình trạng vô phương cứu chữa, giấc mơ ngắn dài bao lâu đấy. Nhưng đấy có phải giấc mơ? Hình như đấy là hồi tưởng, vào lúc nào đấy, đêm qua.

Có phải có loài ác quỷ mang tên Chiến Dịch Phượng Hoàng? Anh cũng không biết anh là người lính Đại Đội Hắc Báo từ bao giờ. Những ngày báo hiệu mùa hè đỏ lửa, anh mơ hay anh nhìn thấy cổ thành Quảng Trị bốc cháy? Chiến Dịch Phượng Hoàng thiêu đốt một loài chim thành tro bụi? The phoenix and the turtle. Nào phải vậy.

Anh nhớ lại, dĩ nhiên là như vậy, rạp chiếu bóng phía bên kia cầu Gia Hội, bậc thềm đầy miểng vỏ chai, những vỏ hộp, những vết loang ướt bẩn thỉu. Vài người lính gục đầu, dựa lưng vách quầy bán vé, vài người lính ngả lưng xoãi chân giữa lối lên, vài người lính đứng tiểu tiện ở đầu ngõ hẻm đối diện rạp chiếu bóng, phía bên kia đường. Anh nhớ, có người tìm cách cứu vãn con ngõ lầy nước tiểu, nhưng vô vọng. Những người lính áo quần vằn vện, mũ bê-rê đen đội lệch trên đầu, tiểu tiện ngập tắt những cây nhang.

Anh không nhớ, có phải vì vậy mà anh đào thoát khỏi tập thể ấy, ngoài những cơn buồn nôn ngay cả lúc anh không uống một giọt rượu. Trước ngày ấy, anh không nhớ anh có buồn nôn hay vì nỗi kinh hoàng, anh và đồng đội bốc hốt đống thịt bầy nhầy vào tấm pông-sô, thân thể người bạn mới vài phút trước đó, bên tách cà phê, với những dự định trong kỳ nghỉ phép ở Sài Gòn.

Chiến Dịch Phượng Hoàng, cuộc bố ráp, lùng sục khắp nơi ở thành phố Huế. Anh nhớ lại, anh biết anh sẽ bị bắt giữ, khi họ, những người của chiến dịch ấy, phát hiện nơi anh đang lẩn trốn. Một nơi nào đấy, nhưng nơi nào thì anh tuyệt nhiên không biết. Tuyệt nhiên nơi ấy không có chén trà toả hơi nóng và rừng thông mờ sương. Anh chợt nhớ lại một tịnh thất nhỏ, gần cạnh ngôi chùa Từ Hiếu, có lẽ từ nơi ấy, ni cô Huệ Phước nhập vào trí tưởng của anh. Một tịnh thất nhỏ hay lớn hơn, hay một ngôi chùa, hay bất cứ nơi trú ẩn nào của con người ở thành phố này, đều nằm trong cuộc bố ráp lùng sục của họ.

Cuối cùng, không hiểu sự gì run rủi, anh lẩn trốn trong nhà xác của Bệnh Viện Trung Ương Huế.

Em đắp mặt anh mười ngón tay nhánh huệ
Anh biết từ đây anh sẽ trút linh hồn
...
Sống lại từ đây, đằng sau cái chết
Vốn công phạt tình yêu, kết liễu kẻ cô đơn
(Thơ của một nhà thơ)

Vài cái xác không ai nhìn nhận, vài nải chuối ôi thiu trên bụng người chết, ở lại với anh trong những ngày này. Anh không thể biết ai đã mang tới những cành hoa huệ trắng toả hương thơm, bình trà, tách uống trà, và cả bình thủy chứa nước sôi, và nhiều thực phẩm giúp anh no bụng. Chắc chắn người nào đấy đã mang tới, không phải đồ cúng kiếng những cô hồn. Bình hoa đặt trên mặt bàn trống ở góc tường, gần bên cửa sổ của nhà xác, anh vẫn cẩn thận, dè chừng mỗi khi khép mở, và các thứ khác đặt cạnh chiếc chiếu anh thấy còn mới nguyên, lấy trải ở chỗ này. Chắc chắn người nào đấy đã mang tới, vào lúc anh ngủ, hoặc lúc anh lẻn đi tới nhà vệ sinh của bệnh viện. Trong giấc mơ, có lẽ vậy. Anh không thể phân biệt đích xác lúc thức, ngủ, thời gian tù đọng trong khuôn hình nhà xác đèn mở trắng bệch suốt đêm ngày. Trong giấc mơ, anh thấy tách trà toả hơi nóng, không phải trên chiếc chiếu ở góc tường nhà xác, mà trên mặt bàn, và anh ngồi nhìn rừng thông mờ sương trước mặt, hơi sương mỗi lúc loang xa.

Người nào đấy đã mua một vé máy bay ghi tên anh, đặt trên mặt bàn, dưới bình hoa huệ trắng, giúp anh thoát khỏi vùng khói lửa chiến tranh. Niềm vui ngây ngất, anh ngạc nhiên mà không thắc mắc dò hỏi tại sao có chuyện kỳ lạ như vậy. Dù sao anh cũng không biết gặp ai để tìm hiểu nữa. Nơi tới chính là miền cố thổ của anh: Đà Lạt. Tim Tôi Trên Cao Nguyên.

Anh gặp lại tất cả những thứ ấy trong giấc mơ, cơn thiếp mê, những đêm anh ngủ lại ở ngôi chùa cổ vùng ngoại ô Sài Gòn. Cuối cùng của giấc mơ, ni cô Huệ Phước hiện ra, anh tỉnh giấc, biết rằng đấy là người nữ tu anh chưa hề gặp mặt. Cuối cùng, anh biết anh có một sự thật luôn hiện ra trong giấc mơ, và sự thôi thúc nào anh không rõ, anh lên Đà Lạt, vào khu rừng xa xăm nhất, Tu t’ra ở Đơn Dương. Ở đây, anh tìm kiếm dễ dàng một gốc cây để anh khắc họa hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát.

Có người nào đấy đã gặp ni cô Huệ Phước lưu lại ở tịnh thất gần cạnh ngôi chùa Từ Hiếu, từ lâu lắm, từ mùa hè đỏ lửa chiến tranh. Nhưng cũng từ lâu lắm người ấy bặt tin, không biết ni cô Huệ Phước ở đâu nữa. Làm sao anh gửi tặng, như lòng mong mỏi, bức khắc họa Quán Thế Âm Bồ Tát cho người anh không biết gì hơn một tên gọi?

Không biết sự gì run rủi, anh gặp H ở chùa Già Lam, vùng Gia Định cũ, Sài Gòn. Anh biết, lòng mong mỏi của anh không cản trở anh trao tặng H bức khắc họa ấy. Vẻ thùy mị của H, sự tinh khiết trong tâm hồn, và nỗi bất hạnh mà H tình nguyện cưu mang. Anh định khắc hàng chữ Avalokitésvara Bhodisáttva ở chân bức tượng gỗ, nhưng anh lại khắc mẫu tự H. Anh biết anh có thể tin rằng, H cũng không chừng là một sự thật trong giấc mơ. Anh trao tặng giấc mơ sự thật của đời anh, trước khi H trở thành hình bóng xa vời, trở thành một tên gọi như ni cô Huệ Phước, có thể như vậy.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021