thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nơi đó

 

Tôi vừa tìm ra một cái cớ để có thể tự tử. Đúng như thế. Bây giờ. Chính xác là ngay lúc này, khi tôi đã cạn hết chai thứ tư, khi chỉ còn lại một cảm giác mỏi mệt hoàn toàn. Gã phục vụ bàn đứng ở góc phòng tiến đến, có lẽ nãy giờ gã vẫn đứng xớ rớ ở chỗ ấy, bên cạnh cửa dẫn vào nhà bếp, quan sát tôi mà tôi không để ý. Tôi ra dấu yêu cầu mang thêm một chai nữa. Phía trước mặt, dưới ngọn đèn chùm toả ánh sáng vàng ấm áp, một bức poster lộng kính có khung gỗ màu rêu. Ảnh một cô vũ nữ mặc váy đen bó sát người, có lẽ bằng da — không hiểu sao tôi lại nghĩ nó bằng da — đá chân về phía trước, để lộ một khoảng đùi gợi cảm. Chiếc giày cao gót hướng vào mặt tôi. Nhọn. Nhỏ. Móng tay của nàng đỏ và cũng nhọn, nhỏ. Tôi như vẫn còn đang nhìn những chiếc móng tay ấy thoăn thoắt gỡ những cuộn chỉ rối. Mỗi lần gặp phải những của nợ ấy, tôi đều phải nhờ đến biệt tài của nàng. Nàng thật sự kiên nhẫn và khéo léo. Đĩa mồi trước mặt nãy giờ vẫn còn nguyên. Thực tình tôi không thấy có nhu cầu phải nhấm nháp gì cả, nhưng vẫn cứ gọi, như một thói quen mỗi lần vào quán, cho có cái gì đó ở trên bàn, nhiều khi ngồi uống cả buổi mà chẳng bao giờ động đến đũa. Nhà hàng bắt đầu ngột ngạt bởi hơi người và khói thuốc lá. Tiếng ồn ào như chợ vỡ. Họ nói đủ thứ, nhưng tôi chẳng nghe được chuyện gì ra chuyện gì. Dưới sàn nhà, một vài chỗ loang loáng nước, những vỏ bao thuốc lá nằm rải rác.

Quán ăn Cao Nguyên nằm ở góc phố. Từ đây có thể nhìn thấy bùng binh có tượng đài một chiến binh ôm súng bằng đá đã chuyển sang màu xám xanh, những hàng cây sao, những cửa hàng tạp hoá, những cô gái đã tới giờ ra đứng đón khách thập thò bên trạm xe buýt, những con đường bụi bậm, những dòng xe chạy bất tận. Một vài đám mây đen xuất hiện từ xa. Bầu trời đang sà xuống thấp. Nhiều người bước đi vội vã. Một vài chiếc xe phóng nhanh. Chắc bên ngoài gió thổi mạnh. Những tấm bạt treo trước những cửa hàng bay tung lên, phấp phới. Tôi nhìn sang bên kia đường tò mò xem các cô gái sẽ làm gì khi trời đổ mưa. Gã phục vụ bàn đã trở lại với chai bia ướp lạnh trên tay. Đã có những hạt mưa bắt đầu rơi. Rồi sau đó cả một khối nước đổ ầm ập xuống đất nhanh chóng, làm thành một tấm màn trắng xoá. Nước bắn vào cửa kính chảy xuống thành những vệt dài. Tôi chợt nhớ đến Nai và những buổi chiều tôi đến đón nó ở cổng trường vào mùa mưa. Khi nó vừa ra khỏi cổng, đúng lúc cơn mưa đổ ập xuống. Hai cha con chở nhau trên chiếc Honda, che chung chiếc áo mưa, nó ngồi sau ôm chặt lấy tôi, áp mặt vào lưng ấm áp. Xe chạy chầm chậm qua các dãy phố bắt đầu lên đèn. Khi về đến nhà đã gần 7 giờ tối, Nai vừa đói vừa rét, môi tái xanh. Tôi đang thấy lại gương mặt nhợt nhạt của nó. Tôi thấy tôi đang vén những sợi tóc dính bết vào nhau sang một bên trán nó và ôm nó vào lòng để ủ ấm. Bây giờ chắc đã hơn 7 giờ. Tôi không đeo đồng hồ. Tôi đoán có lẽ nó đã được mẹ đón về nhà, đang ăn cơm và dán mắt lên màn hình ti vi xem chương trình phim hoạt hình. Tự dưng tôi muốn gọi điện thoại về nhà, nhưng tôi vẫn ngồi bất động, dán chặt vào ghế, nhìn ra màn mưa. Cơn mưa mỗi lúc một lớn, nhiều người đi đường chạy vào mái hiên quán ăn trú mưa che gần hết cửa kính trước mặt.

Tôi gọi bia nữa. Mưa vẫn chưa ngớt. Vào lúc này, nó là cái cớ chính đáng để những tay bợm nhậu tiếp tục ngồi lại trong quán; nhưng một vài người đã có vẻ bồn chồn, thỉnh thoảng họ lại nhìn ra đường như thể xem chừng cơn mưa khi nào mới dứt. Đầu tôi bắt đầu thấy nặng, mi mắt muốn kéo xuống, nhưng không cảm thấy buồn ngủ. Chỉ có một cảm giác trống rỗng, chán nản. Tôi biết có uống thêm nữa, cảm giác trống rỗng trong tôi sẽ không hề vơi bớt chút nào, nó vẫn còn nguyên đấy, há cái họng đen ngòm sẵn sàng nuốt chửng lấy tôi, khi tôi đứng lên loạng choạng bước đi.

“Em đã nói bao nhiêu lần rồi. Anh phải đi khám bác sĩ đi chứ, anh không được coi thường sức khoẻ của anh như thế được.” Tôi nửa nằm nửa ngồi, lưng dựa vào thành ghế, hai chân gác lên mặt bàn, nhìn ra ngoài sân. Ở đấy có một bộ bàn ghế đá, vài chậu kiểng, một cánh cổng sắt đã rỉ mà mấy lần tôi định sơn lại nhưng vẫn chưa làm được. Thỉnh thoảng một ngọn gió từ bên ngoài thổi vào, hất tấm màn cửa sổ bay ngược lên trên. Căn phòng nhờ vậy trở nên đỡ nóng bức hơn một chút. Chung quanh vẫn còn vài căn nhà để đèn sáng. Có lẽ Nai đã ngủ. Tôi không nghe thấy có tiếng động ở trên gác. Chỉ có tiếng xe chạy ngoài đường vọng vào và tiếng mấy con chim đêm. Tôi ngáp, tôi buồn ngủ quá, chỉ muốn đi nằm. Tai tôi lùng bùng, không nghe được gì nữa.

Sáng hôm sau, tôi thấy mình vẫn nằm dài trên ghế sa lông, đầu ê ẩm, hai vai đau nhừ. Một tấm chăn mỏng đắp ngang người. Vợ tôi và con bé Nai không có ở nhà. Có thể nàng đã đưa nó đến trường trên đường đi làm rồi. Từ lâu tôi đã không đưa đón nó đến trường. Trên màn hình ti vi là bản tin buổi sáng, cô xướng ngôn viên có mái tóc ngắn và cặp mắt xếch đang loan báo về một vụ khủng bố; tôi nhìn thấy những vũng máu, những đống gạch đổ nát, nhiều người chạy lăng xăng chung quanh. Ngày nào cũng có ít nhất một vụ khủng bố ở đâu đó. Cái chết đã trở nên quá quen thuộc như cơm bữa và cùng với nó là sự miễn nhiễm đối với bi kịch. Đã gần 8 giờ. Tôi vẫn không thể bỏ được thói quen coi giờ, mặc dù chẳng có việc gì phải gấp gáp vào lúc này. Đầu tôi nặng chịch. Cảm giác nhộn nhạo, khó chịu. Hôm nay thứ Hai, tôi không đến sở làm. Nắng ngoài sân đã chiếu vào tận chân bàn. Tôi nhìn thấy những hạt bụi bay lên. Tiếng xe máy nổ, tiếng người nói lao xao ngoài ngõ vọng vào. Tôi nằm nghĩ miên man. Về công việc. Về những bộ mặt quan trọng trong các cuộc họp đầu tuần. Về những con người tôi phải gặp mỗi ngày ở công sở. Tôi chứng kiến những lo lắng của họ mỗi lần có tin đồn về thuyên chuyển công tác, những cuộc vận động ngầm của họ cho một chuyến công du nước ngoài hay một cái ghế đang bỏ trống, về những giao dịch và thoả thuận xảy ra ở các nhà hàng. Một cách không hào hứng. Như mỗi lần cùng xem phim Tom và Jerry với Nai.

Tiếng chuông điện thoại reo ở phòng trong. Một lúc thật lâu, rồi tắt hẳn. Sau đó, nó reo trở lại. Lần này ngắn hơn.

Vào buổi trưa tôi ra khỏi nhà, đến một người bạn làm bác sĩ nội khoa. Tôi đi bộ, mặc dù phòng mạch khá xa. Nắng gắt. Cổ và một bên mặt rát bỏng như kề bên một ngọn lửa. Một vài người hắt những thau nước ra ngoài sân cho dịu bớt. Các cửa hàng dọn hết vào trong, mấy chiếc xe gắn máy xếp hàng phía trước được đậy điệm bằng những miếng cạc tông. Không khí như cô đặc lại. Tôi bốc hơi. Tôi mong có một ngọn gió. Trước một khách sạn, mấy người lái xe quây quần chung quanh một bàn cờ tướng dưới một gốc cây. Một chiếc đậu sát lề, cửa mở rộng, tôi nhìn thấy bên trong người tài xế chắp hai tay sau gáy ngả người ra sau ghế ngủ, mồm há hốc.

Phòng mạch nằm trên lầu 2 một toà buynh đinh mới xây. Một phần phía trước mặt tiền nhà lắp kính, tường sơn màu gạch cua còn mới. Giờ này chưa phải là giờ tiếp bệnh nhân. Tôi nhìn vào trong qua lớp cửa sắt. Cái bàn dành cho cô y tá kê ngay cửa ra vào và mấy cái ghế nhựa màu xanh lá cây sát hai bên tường trống trải, không có ai. Tôi bấm chuông. T. hẹn tôi vào lúc 3 giờ 30.

T. nói tôi nằm trên một cái giường nệm bọc vải trắng, cởi áo và cởi thắt lưng quần. Tôi nhìn những bức tranh cắt ra từ những tạp chí nước ngoài được T. lộng kính cẩn thận treo chung quanh tường. Một tờ giấy có in hình một người dạng chân tay và những bộ phận bên trong cơ thể. Một bảng hướng dẫn sử dụng thuốc. T. vạch mắt, sờ và nắn nắn bụng, nghe tim phổi và đo huyết áp cho tôi. Tất cả diễn ra một cách chậm rãi trong lúc chúng tôi tiếp tục nói chuyện đủ thứ, về việc K. mới cặp với một cô trẻ đẹp bị vợ phát hiện phải trở về Úc sớm, không biết bao giờ mới quay lại Việt Nam; N. vừa xin nghỉ hưu trước tuổi, mới mở một văn phòng cố vấn luật; một vài bộ phim đang chiếu coi được, vài cuốn sách mới xuất bản nên mua… Tôi vừa nói chuyện vừa theo dõi từng cử chỉ và diễn biến trên nét mặt của T.

- Ông có vấn đề không ổn về gan rồi, T. nói.

- Thế à?

- Tôi ghi cho ông cái giấy mai vào bệnh viện tôi để họ thử máu, thử nước tiểu và nội soi.

- OK.

Lúc bước ra khỏi cầu thang, tôi vấp phải một vật gì dưới chân suýt ngã chúi về phía trước. Trong này hơi bị tối, chưa có ngọn đèn nào được thắp sáng. Bên ngoài nắng đã dịu đi nhiều. Không biết tôi đã ở trong phòng mạch của T. bao lâu. Một căn bệnh hiểm nghèo trong người. Tôi chỉ có cảm giác tò mò của người chủ nhà trước một người khách lạ mới dọn đến sống chung. Tôi muốn đón một chiếc xe buýt hay một chiếc xe ôm. Sau cùng, tôi quyết định thả bộ về nhà. Tôi đi ngược lại con đường ban nãy. Hàng quán đã bày tất cả ra vỉa hè. Tôi đi chen vào giữa những cây dù và những dãy xe. Mấy cô gái mặc đồng phục, chắc ở một siêu thị nào gần đây, ngồi ăn quanh những cái bàn thấp kê ngay trên hè. Những người tài xế và những chiếc xe đã đi khỏi. Dưới gốc cây bây giờ là một chiếc xe mì gõ. Đến một ngã tư, tôi rẽ vào một con đường khác. Tôi chưa muốn về nhà. Bây giờ hãy còn sớm. Vào lúc này, Nai và mẹ nó chưa có mặt ở đó. Tôi chẳng có việc gì phải làm và tôi muốn tìm một chỗ nào đó để ngồi một mình. Một chỗ nào đó chứ không phải ở nhà.

- Thêm một chai nữa chứ chú? Gã phục vụ bàn vừa xếp vỏ chai bia trên bàn xuống đất vừa nhướng mắt hỏi.

- Ừ, thêm một chai nữa.

Cơn mưa đã tạnh. Những chiếc xe ô tô quét đèn loang loáng trên mặt đường nhựa. Đám đông trú mưa đã đi khỏi. Tôi nhìn sang bên kia đường. Những cô gái cũng đã ra khỏi trạm xe buýt, đứng dưới mấy gốc cây, một vài cô đứng hẳn xuống đường vẫy khách. Tôi có cảm giác quán trống trải. Nhiều người đã ra về. Đến lúc này tôi mới nghe thấy tiếng nhạc. Một bài hát của Billy Joel. Cause all I needed was a little faith so I could catch my breath and face the world again. Không, tôi không còn cơ hội nào nữa. I’m Only Human. I’m Only Human.

Tôi là người sau cùng rời khỏi quán. Đứng bên ngoài, gió thổi vào người mát lạnh. Tôi cảm thấy mệt và buồn ngủ. Chân tay tôi mỏi nhừ. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa, tối om. Ngôi nhà tập thể trước mặt chìm trong bóng tối, nhưng phía trên cao còn một vài cửa sổ để đèn sáng. Tôi đoán có thể họ đang còn xem tivi, một bộ phim cuối cùng trong ngày, có thể họ đang ngồi trên bộ sa lông, vai tựa vào nhau, người vợ đang cầm trên tay một gói gì đó vừa nhai vừa cười khúc khích, anh chồng đang cầm trên tay điếu thuốc hoặc một cốc rượu. Con của họ trên giường, đã ngủ yên.

Tôi băng qua đường, đi qua ngôi nhà đó, đi qua những thân cây còn sáng nhờ nhờ vệt sơn trắng. Rải rác vẫn còn những người đi bán khuya đẩy xe, những cặp trai gái chở nhau trên những chiếc xe máy phóng qua thật nhanh, con đường dài như vô tận. Tôi đi về phía mấy cô gái. Một cô mặc váy thật ngắn màu xanh, có cặp đùi to và bộ ngực nở nang chạy lại nắm cánh tay tôi kéo đi. Tôi ngửi thấy mùi phấn, mùi dầu gội đầu trên mái tóc sộc vào mặt.

- Đi vui vẻ với em đi anh. Khuya rồi còn đi đâu nữa hả anh?

Cặp môi tô đỏ đậm dí sát tận mặt tôi. Tôi ngộp thở quá. Tôi giật phắt cánh tay ra và đẩy cô gái qua một bên, loạng choạng bước đi. Tôi nghe sau lưng những tiếng chửi thề.

Những ngọn đèn đường ở đây không đủ sáng, một vài cái đã cháy bóng, hay có thể tôi đã uống nhiều quá cũng không biết nữa. Tôi tiếp tục đi qua những dãy nhà đã đóng kín cửa, những chiếc ô tô đậu sát lề, có một lúc tôi ngồi phệt xuống dựa lưng vào một chân tường, đầu nặng như búa tạ. Hơi đêm lạnh luồn vào áo ngấm vào da thịt. Tôi muốn về nhà. Nhưng tôi cần một chiếc xe ôm. Tôi nhìn quanh. Tôi cần phải băng qua bên kia đường. Tôi đi về hướng con phố còn thắp đèn sáng choang, có thể đó là những cửa hàng bán thức ăn khuya, ở ngã tư. Rồi tôi bỗng nghe có tiếng xe máy ở sau lưng, tiếng người hét to và sau đó, một cú va chạm thật mạnh hất tung người tôi lên. Tôi còn kịp nhìn thấy những ánh đèn loé sáng.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021