thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ich sterbe
Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu

 

NATHALIE SARRAUTE

(1900-1999)

 

Nathalie Sarraute (Natacha Illyanova Tcherniak) sinh ngày 18 tháng 7 năm 1900 ở Ivanovo, gần Moscou, Nga, là con gái của một người buôn gỗ ở Smolensk. Bà rời đất Nga từ năm lên bốn tuổi, từ đó sống khi thì ở với cha, khi thì ở với mẹ, chia thời gian giữa Paris và Moscou, cho đến năm 9 tuổi thì ở hẳn với cha ở Paris, do đó rất ít biết về quê hương mình. Học trung học ở Lycée Fénelon, rồi đại học ở Văn khoa và Luật khoa, Paris (Sorbonne), bà đỗ cử nhân luật và cử nhân văn chương, học thêm một năm môn lịch sử ở đại học Oxford, rồi môn xã hội học ở Berlin, trước khi ghi tên vào Luật sư đoàn Paris và hành nghề cho đến năm 1939 là năm bà cho xuất bản cuốn sách đầu tiên ở nhà Denoël: Tropismes (gồm hai mươi bốn phác họa, viết từ 1932, “... [là] những thứ không được nói ra và những động tác lướt rất nhanh qua ý thức chúng ta; [chúng] là nền móng của phần lớn đời sống và những quan hệ của chúng ta với những người khác — tất cả những gì xảy ra bên trong ta không được độc thoại nội tâm nói ra mà chỉ được chuyển đi bằng cảm giác.” [Sarraute]). Cùng với Portrait d’un inconnu (1948, với bài tựa ca ngợi của Jean-Paul Sartre), và nhất là những bài báo giải bày quan niệm tiểu thuyết của bà và ghi nhận những đóng góp của Proust, Dostoievski, Joyce, Kafka, Woolf cho biến chuyển tiểu thuyết, được viết rải rác từ 1947 đến 1955 (về sau xuất bản trong một tập tiểu luận lấy tên là L’Ere du soupçon, 1956), Tropismes được xem như là tuyên ngôn đầu tiên của một hình thức văn chương mới, đi trước những cố gắng tìm kiếm của các nhà văn khác trong nhóm Tiểu thuyết mới ở Pháp đến cả mười năm. Ngoài những tiểu thuyết có thể gọi là tiên phong của bà, bà còn viết kịch (cho truyền thanh và sân khấu), và kịch bà được dịch ra nhiều thứ tiếng, diễn trên các đài phát thanh ở Đức (Le Silence, 1964, do đoàn Sud-deutscher Rundfunk), ở Na uy, Thụy điển, Bỉ, Đan mạch, Thụy sĩ, vân vân...
 
Lấy chồng (1925) là luật sư đồng nghiệp Raymond Sarraute, thời còn trẻ, và là mẹ của ba con, bà suốt ngày chỉ biết lo chuyện con cái và sách vở, xa lánh mọi rộn ràng và ồn ào trong không khí văn chương ở Paris. Những thăng trầm lịch sử của đất nước thứ hai của bà ảnh hưởng không ít đến cuộc đời bà: do các luật lệ Quốc xã áp đặt thời chiếm đóng, là Do thái, bà đã phải ra khỏi Luật sư đoàn (1941), thậm chí để bảo vệ chồng không những bà phải chấp nhận một tình trạng ly dị trên danh nghĩa, mà có khi còn phải trốn tránh và giả làm gia sư cho ba con gái mình.
 
Giải thưởng văn chương Quốc tế 1964 (Samuel Beckett từng nhận giải thưởng này trước bà mấy năm) trao cho Les Fruits d’Or đã đóng góp rất nhiều vào tiếng tăm của bà, trước đó chỉ thu hẹp trong vòng một số những người có quan tâm đến văn chương hiện đại, đến cái mới. Bà bắt đầu được mời tham gia nhiều diễn đàn văn học, không những tại Pháp mà còn tại nhiều nước trên thế giới. Mặc dù tiểu thuyết của bà tương đối không phải dễ đọc, do tính cách nhân vật cũng như hành động thường không xác định rõ ràng, trong đó tác giả loại bỏ những ý niệm thông thường về cốt truyện, thứ tự thời gian, tính cách nhân vật và quan điểm kể chuyện, mà tập trung vào những hiện tượng tâm linh (psychical phenomenons), tác phẩm bà vẫn được giới thiệu với người đọc rộng rãi qua hơn 30 ngôn ngữ. Tự thuật Enfance (1983) của bà là một trong những tác phẩm vừa dễ đọc vừa thú vị, kể lại thời niên thiếu của một cô bé chia thời gian sống khi thì ở Nga khi thì ở Pháp với bố mẹ đã ly dị, qua những “chớp sáng” từ quá khứ, từng được đưa lên sân khấu Broadway và quay thành phim. Nathalie Sarraute qua đời tại Paris ngày 19 tháng 10 năm 1999.
 
L’Usage de la parole được các nhà phê bình nói đến như một tiểu thuyết (mặc dù trên trang bìa cũng như bìa giả ấn bản 1980 của nhà Gallimard chúng ta không hề thấy chữ roman), và rõ hơn, như một tiểu thuyết thời kỳ sau thời kỳ những năm 60 là thời các tác giả tiểu thuyết mới ở Pháp, trong đó có Sarraute, tố cáo tính độc đoán trong cách thể hiện và trình bày thực tại trong các tiểu thuyết truyền thống. Cũng như Tropismes, L’usage de la parole gồm những (10) đoản văn rời viết về cùng một đề tài: cách dùng lời nói, cách dùng từ — trong đó tác giả Sarraute từ bỏ kiểu viết liên tục như người đọc có thể nhận ra trong những cuốn trước của bà, và đưa ra những kiểu lời nói ước định, hay tầm thường, kiểu lời “đặt vào đâu cũng được”, nhằm khởi động nơi mình và cả nơi người đọc mà bà lôi kéo vào trò chơi của mình không giấu giếm, những làn sóng vô tận của hướng động tính (tropismes). Nói cách khác, với L’usage de la parole, tác giả khởi sự kiểm tra lại sức nặng và ý nghĩa được coi là chung cuộc nhưng thực chất là độc đoán của các từ, xét nghiệm lại cái hố ngăn cách cảm giác và cách biểu hiện bằng lời của nó — mà thực tế chỉ là một ước lệ. Như kết luận trong hai từ của Tchékhov, "Ich sterbe":... đây chỉ là vài ba cái rối rắm nhẹ, vài ba lượn sóng ngắn bắt được giữa tất cả những lượn sóng, vô số, sinh sản từ những từ kia. Nếu có ai trong số các bạn thấy trò chơi trên tiêu khiển được, những người ấy có thể — ở đây cần có kiên nhẫn và thời gian — vui chơi bằng cách phát hiện những trò chơi kiểu ấy. Trong mọi trường hợp họ sẽ có thể chắc chắn là mình không nhầm lẫn, tất cả những gì họ nhận ra được đều có ở đấy, trong mỗi chúng ta: như những vòng tròn cứ sẽ tiếp tục lớn dần khi, được ném từ rất xa và ném rất mạnh, những từ kia rơi vào chúng ta và làm rung chuyển toàn bộ con người chúng ta: Ich sterbe.
 
Tác phẩm tiêu biểu: Tropismes (1939, đoản văn — tái bản ở Nxb. Minuit 1957), Portrait d’un inconnu (1948, tiểu thuyết, khởi sự cho những tìm kiếm cách tân của tác giả, được Sartre gọi là phản-tiểu thuyết / anti-roman), Martereau (1953, tiểu thuyết) L'Ère du soupçon (1956, tiểu luận), La Rencontre (1958, đoản văn), The Planetarium (1959, tiểu thuyết), Les Fruits d'or (1963, tiểu thuyết), Le Silence (1964, kịch), Le Mensonge (1966, kịch), Entre la vie et la mort (1968, tiểu thuyết), Isma, ou ce qui s’appelle rien (1970, kịch), Vous les entendez? (1972, tiểu thuyết), Isma (1970, kịch), C’est beau (1975, kịch), «disent les imbéciles» (1976, tiểu thuyết), L’Usage de la parole (1980, tiểu thuyết), Enfance (1983, tự thuật), Tu ne t’aimes pas (1989, tiểu thuyết), Elle est là (1993, kịch), Pour un oui ou pour un non (1993, kịch), Ici (1995, tiểu thuyết), Ouvrez (1997, tiểu thuyết), Lecture (1998).
 
Hoàng Ngọc Biên

 

_________________________

 

ICH STERBE [*]

 

Ich sterbe. Nó là cái gì vậy? Đó là những từ tiếng Đức. Những từ ấy có nghĩa là tôi đang chết dần. Nhưng từ đâu tới, nhưng tại sao đột nhiên thế? Bạn sẽ biết, hãy kiên nhẫn. Chúng đến từ xa, chúng đến (như người ta vẫn bảo: “tôi chợt nhớ ra”) từ đầu thế kỷ này, từ một suối nước khoáng ở Đức. Nhưng thật ra nó đến còn từ xa hơn thế nhiều... Nhưng chúng ta đừng vội, trước tiên hãy nhìn cái gần hơn đã. Vậy thì đầu thế kỷ này — nói chính xác hơn, là năm 1904 — trong phòng khách sạn một thành phố có suối nước khoáng ở Đức, có một người đang hấp hối ngồi bật dậy trên giường mình. Ông là người Nga. Các bạn biết tên ông: Tchekhov, Anton Tchekhov. Đây là một nhà văn rất nổi tiếng, nhưng điều này không quan trọng lắm trong trường hợp này, bạn có thể chắc chắn là ông không nghĩ tới chuyện để lại cho chúng ta một lời phát biểu nổi danh của người đang hấp hối. Không, ông không phải là người như thế, chắc chắn không, đây hoàn toàn không phải là phong cách của ông. Danh tiếng của ông ở đây không có gì quan trọng ngoài chỗ là nó đã cho phép những từ kia không mất đi, như chúng có thể mất đi nếu người nói ra là bất cứ ai, bất cứ một người đang hấp hối nào. Nhưng cái quan trọng của ông giới hạn ở chỗ đó. Một cái gì khác cũng quan trọng vậy. Tchekhov, như các bạn biết, là một người thầy thuốc. Ông bị ho lao và ông đã đến đấy, trong thành phố suối nước nóng kia, để chữa bệnh, nhưng thực tế, như ông đã tâm sự với các bạn bè bằng cái giọng mỉa mai nhắm vào chính mình, kiểu khiêm tốn độc địa, kiểu hạ mình mà chúng ta ai cũng biết nơi ông, để “chết”. “Ta đến đấy để chết”, ông nói với họ. Vậy thì ông là thầy thuốc, và vào giây phút cuối cùng, khi bên cạnh giường có một bên là vợ ông và bên kia là một bác sĩ người Đức, ông bật dậy, ông ngồi, và ông đã nói, không phải bằng tiếng Nga, không phải bằng thứ tiếng của mình, mà bằng thứ tiếng của người kia, tiếng Đức, ông đã nói to và phát âm rõ ràng chữ “Ich sterbe”. Và ông ngả người xuống, chết.

Và giờ đây những từ ông nói ra trên chiếc giường kia, trong căn phòng khách sạn ấy, cách nay ba phần tư thế kỷ, đến... do ngọn gió nào đẩy đến... nằm ở đây, một mẩu tro than đã ngả đen, đang đốt cháy trang giấy trắng... Ich sterbe.

 

Khôn ngoan. Khiêm tốn. Biết lẽ phải. Lúc nào cũng rất ít đòi hỏi. Bằng lòng với những gì người ta cho mình... Và ông bị lột hết sạch, mất hết chữ... ông không có chữ nào... nó chẳng giống bất cứ gì, nó chẳng nhắc nhở điều gì cho đến nay đuợc bất cứ ai kể lại, cho đến nay chưa hề ai tưởng tượng... nó chắc chắn chính là cái mà người ta bảo là không có chữ để nói ra... không còn có chữ nào ở đây... Nhưng thế thì gần đấy thôi, trong tầm tay ông, sẵn sàng để sử dụng... với cái túi bác sĩ, những dụng cụ kia... đấy là một từ chế tạo ở Đức, một từ mà ông bác sĩ Đức kia thông thường dùng để chứng nhận một cái chết, để thông báo cái chết cho những người bà con, một động từ chắc và mạnh: sterben... cám ơn, tôi sẽ chọn nó, chính tôi tôi cũng sẽ chia động từ đúng cách, tôi sẽ sử dụng nó đúng như cần thiết và sẽ đem áp dụng khôn ngoan cho chính mình: Ich sterbe.

Chính tôi, tôi sẽ mổ xẻ... chẳng phải tôi cũng là bác sĩ đó sao?... sắp xếp thành những chữ... Một ca mổ sẽ đưa trật tự vào cái mớ vô trật tự vô bờ bến kia. Điều không nói được sẽ được nói. Điều không suy nghĩ được sẽ được suy nghĩ. Điều vô lý sẽ được trả về cho lý trí. Ich sterbe.

Cái trong con người tôi đang bềnh bồng... đang chùng xuống... đang chệnh choạng... đang run rẩy... đang phập phồng... đang rung rinh... đang chia tách... đang sổ tung... đang phân rã... Không, không phải nó... hoàn toàn không phải loại đó... Nó là cái gì? A nó đây rồi, nó ở đây, nó đến ẩn náu ở đây, trong những từ rõ ràng, đóng kín kia. Nó lấy hình dáng của chúng. Những đường viền quanh vạch rõ nét. Nó bất động. Nó đông đặc. Nó dịu lại. Nó nguôi dần. Ich sterbe.

Bị lôi kéo, bị cuốn đi, đồng thời vẫn cố gắng cưỡng lại, bám víu, níu chặt vào cái đang nổi bật trên bờ mép kia, chỗ nhô lên... đá, cây, rễ, hòn đất... nắm đất xứ lạ... đất rắn: Ich sterbe.

Không ai đến tận nơi tôi đang có mặt có thể... nhưng tôi, thu hết những gì còn lại trong sức mạnh của mình, tôi bắn phát súng ấy, tôi gửi đi tín hiệu ấy, cái dấu hiệu mà người quan sát tôi từ nơi ấy nhận ra tức thì... Ich sterbe... Bạn nghe tôi nói chứ? Tôi đã đến tận cùng... Tôi ở tận bờ mép... Nơi tôi đang có mặt đây là điểm cực cuối... Chỗ nó chính là đây.

Ich sterbe. Một tín hiệu. Không phải một tiếng gọi kêu cứu. Nơi tôi đang có mặt không thể có gì cứu được. Không còn gì trông nhờ được. Bạn cũng biết như tôi biết cái gì đã xảy ra. Không ai có thể biết hơn bạn biết tôi đang nói tới cái gì. Vậy nên bạn chính là người mà tôi nói: Ich sterbe.

Nói với bạn. Bằng ngôn ngữ của bạn. Không phải với nàng bấy giờ cũng có mặt ở đấy, bên cạnh tôi, không phải bằng ngôn ngữ của chúng tôi. Không phải với những từ quá êm dịu của chúng tôi, những từ đã được luyện mềm, những từ đã hóa ẻo lả bởi chúng tôi cứ đem sử dụng mãi, bởi chính chúng bị quay nhồi trong những chùm cười chúng tôi bật ra khi chúng tôi không đủ sức chống phải chịu bó tay... ôi hãy dừng tay, ôi tôi đang chết đây... những từ nhẹ tênh mà chúng ta đã đưa vào những tiếng thì thầm của chúng ta, đã để trút ra trong những tiếng thở dài của mình, khi trái tim đập phong phú những nhịp đời... tôi đang chết.

Anh đang nói gì đấy, anh yêu, anh không còn biết mình đang nói gì rồi, không có chữ “tôi đang chết” giữa chúng ta, chỉ có chữ “chúng ta đang chết”... nhưng chuyện này lại không thể xảy ra cho chúng ta, không cho chúng ta đâu, không cho em... anh biết rõ là anh đã nhầm ra sao khi anh nhìn thấy mọi thứ đều bàng màu đen, khi anh có những khoảnh khắc tuyệt vọng của mình... và anh biết, chúng ta đều biết, chúng ta vẫn luôn nhìn thấy, anh và em, như thế nào, sau đó, mọi thứ lại đâu đấy ổn thỏa... đúng, đúng, vâng, em nghe anh đây... nhưng nhất thiết anh hãy đừng tự làm mệt mình, đừng có kích động như thế, hãy đừng ngồi... không tốt cho anh đâu... đấy, đấy, vâng, em hiểu, vâng, anh đang đau... vâng, đau đớn lắm... nhưng rồi nó sẽ qua, anh sẽ thấy, như cơn đau những lần khác... nhưng nhất thiết anh hãy nằm xuống, đừng nhúc nhích, hãy yên tĩnh...

Không, không phải những từ của chính chúng tôi, quá nhẹ, quá mềm, chúng sẽ không bao giờ có thể vượt qua được cái hiện giờ đang mở ra giữa chúng tôi, đang há rộng... một khe hở mênh mông... mà là những từ kết chặt và nặng mà chưa một làn sóng vui vẻ, khoái lạc nào từng lướt khắp, chưa một nhịp mạch nào từng đập, chưa một làn hơi nào dao động... những từ trơn nhẵn và cứng như những quả bóng xứ Basque,[1] mà tôi dùng hết sức mình ném mạnh vào con người ấy, vào một tay chơi bóng lão luyện được đặt đứng vào chỗ tốt và đã đón nhận chúng không nao núng đúng ngay chỗ chúng phải rơi xuống, trong cái đáy rổ[2] hẹp được đan bện chắc chắn.

Từ nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày, từ bao lâu nay, nó vẫn ở đó, phía sau tôi, cái mặt trái không tách rời của tôi... và thế là chỉ bằng một phát một, chỉ với hai từ đó, với một cái vặn nguyên người ghê gớm tôi tự lật ngược mình... Bạn thấy đó: mặt trái của tôi đã trở thành mặt phải. Bây giờ tôi là con người như tôi vẫn phải là trước đây. Rốt cuộc mọi thứ đều trở về trật tự: Ich sterbe.

Với những từ mài giũa kỹ ấy, với lưỡi dao chế tạo tuyệt hảo ấy, lưỡi dao tôi chưa hề dùng tới, chưa hề có gì làm cho dao cùn đi, tôi đi trước thời gian, và tôi, chính tôi nói dứt khoát: Ich sterbe.

Sẵn sàng cộng tác, rất ngoan ngoãn và đầy thiện chí, trước khi bạn có thể bắt tay làm, tôi đặt mình vào chỗ của bạn, cách xa tôi, và cùng cách như bạn sẽ làm, với cùng những lời lẽ như lời lẽ của bạn, tôi lập biên bản ghi nhận.

Tôi gom hết sức lực của mình, tôi nhổm dậy, tôi ngồi lên, tôi kéo về mình, tôi hạ thấp ngang mình phiến đá lát, tấm đá bia mộ nặng... và để nó nằm vào thật đúng chỗ của nó, tôi nằm dài dưới nó...

Nhưng có thể... khi ông nâng phiến đá lên, khi ông dang hai cánh tay giữ nó nằm bên trên mình và sắp hạ nó xuống trên người mình... ngay cái lúc ông ngã ngửa người dưới nó... có thể đã có cái gì giống như một nhịp tim đập yếu ớt, một sự rùng mình cực kỳ mơ hồ, một chút nhỏ dấu hiệu chờ đợi sinh động... Ich sterbe... Và con người bấy giờ đang quan sát ông, và là người duy nhất có thể biết được, thí dụ người ấy sắp can thiệp vào, nắm chặt tay ông, giữ ông lại... Nhưng không, không còn ai nữa, không còn tiếng nói nào nữa... Bây giờ đã là trống vắng, im lặng.

 

Như các bạn thấy đó, đây chỉ là vài ba cái rối rắm nhẹ, vài ba lượn sóng ngắn bắt được giữa tất cả những lượn sóng, vô số, sinh sản từ những từ kia. Nếu có ai trong số các bạn thấy trò chơi trên tiêu khiển được, những người ấy có thể — ở đây cần có kiên nhẫn và thời gian — vui chơi bằng cách phát hiện những trò chơi kiểu ấy. Trong mọi trường hợp họ sẽ có thể chắc chắn là mình không nhầm lẫn, tất cả những gì họ nhận ra được đều có ở đấy, trong mỗi chúng ta: như những vòng tròn cứ sẽ tiếp tục lớn dần khi, được ném từ rất xa và ném rất mạnh, những từ kia rơi vào chúng ta và làm rung chuyển toàn bộ con người chúng ta: Ich sterbe.

 

Dịch từ nguyên tác "Ich sterbe" trong Nathalie Sarraute, L’Usage de la parole, Gallimard, 1980.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]Nguyên tác có nhan đề tiếng Đức.

[1]Pelotes basques: một trò chơi bóng ở xứ Basque trong đó người chơi bóng (pelotari) ném quả bóng (pelote) vào mặt tường hoặc bằng bàn tay, hoặc bằng một chiếc vợt gỗ (pala), hoặc bằng một cái rổ hẹp và uốn cong (chistera).

[2]chistera (xem Chú thích [1].


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021