thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bạch Dương

 

1.

Người gác thang máy là Du, cái tên tôi đọc thấy trên ngực áo anh. Có lẽ anh chỉ hơn ba mươi. Nhưng tóc bạc trắng như hoa lau. Và gương mặt như phảng phất một cõi cô đơn.

Khách sạn Bạch Dương nằm ẩn trong rừng. Đang đi dạo trên hè phố, tôi rẽ vào rừng và phát hiện ra nó. Có vẻ là một mê cung. Nhưng, cũng như mọi người, tôi chưa từng nhìn thấy mê cung.

Ngài sẽ đi qua cảnh nào? người gác thang máy hỏi.

À, không phải là đi lên tầng nào mà là đi qua cảnh nào. Cũng lạ.

Tuỳ anh, tôi nói, có mưa à, tôi nghe như có mưa.

Không, chỉ có sương, Du đáp, lác đác sương sa.

 

2.

Và thang máy đi. Có lẽ nó chỉ khẽ rung mình.

Đến rồi, Du nói

Đến đâu? tôi hỏi.

Cửa tự động mở ra. Tôi nghe u ơ tiếng khóc cũng như i a tiếng cười. Cũng không phân biệt được tiếng nào là khóc hay cười.

Đang là hoàng hôn chói rực. Một bầy trẻ đang chơi trò chơi xoay vòng. Lập tức, chúng đẩy Du và tôi vào giữa vòng và đồng thanh hát:

Thiên đàng địa ngục
Lìa mẹ lìa cha
Tập đi tập đứng
Đâu gần đâu xa
 
Thiên đàng địa ngục
Bỏ cửa bỏ nhà
Tập ăn tập nói
Có người có ta …

Đợi chúng hát xong, tôi hỏi một em bé đang bò gần tôi:

Chỉ có các em thôi à? Không có người lớn à?

Người lớn là gì? bé hỏi, Là gì cơ? Ở đâu? Có biết hát không? Có biết chơi không?

… Có biết chơi không? Đó là câu hỏi mà bọn trẻ con xóm Vườn chúng tôi vẫn hỏi một nhóc nào mới đến. Có biết chơi không? Trẻ con, ấy là sinh vật biết chơi đùa. Sau này, tôi mới biết trong đám người lớn đôi khi cũng có một vài người biết chơi. Ngoài ra…

 

3.

Nhưng Du đã đưa tôi đi. Thang máy lại khẽ rung mình.

Cửa tự động mở ra một bóng tối buốt lạnh. Mưa bay. Tiếng than khóc oang oang.

Quỷ không đầu, Du nói.

Nghe thế chứ tôi không thấy gì. Bóng đêm dày đặc.

Đoàn vô tự lạc loài, những u hồn không tan. Du nói và giọng anh thì ấm áp, cái ấm áp độc nhất ở đây.

Du là một nhà thơ, tôi biết. Anh cũng là một bóng đêm.

Một vài u hồn va vào tôi, lướt qua tôi.

Cảm giác va chạm một linh hồn vất vưởng quả là rùng rợn. Khi một va chạm mạnh xảy ra, tôi hỏi:

Thành hay bại?

Tiếng cười đáp lại:

Thành thành bại bại
Cơ cơ cơ cơ
Khôn khôn dại dại
Mơ mơ mơ mơ …

Bỗng dưng một bầy ma trơi bay túa quanh tôi, lập loè ngọn lửa.

Ma trơi ơi ma trơi, tôi hỏi, các ngươi đi đâu?

Chúng múa may quay cuồng, không đáp lời tôi. Chỉ lập loè như đom đóm.

Chúng sẽ bay vào thành phố chăng? tôi hỏi Du.

Phải thế thôi, Du nói, và làm một vài người phát điên, khiến họ mơ làm chủ những cái ấn nguyên nhung.

Những cái ấn? Đó có phải là cái mà người ta thích tranh cướp nhất đời không?

… Hồi bé, có lần tôi lầm ma trơi là đom đóm. Anh tôi mắng: Đồ ngu! Lớn lên, tôi cũng thường lầm những thứ tương tự. Không có ai mắng tôi. Có khi còn ca ngợi: Giỏi thật! Đôi khi, trong bóng đêm, tôi đành tự mắng mình: Đồ ngu! …

 

4.

Cảnh giới mà Du đưa tôi đến sau đó là những hành lang thắp đèn lồng, đi lại những cô gái đẹp chỉ mặc yếm mỏng, hầu như trong suốt.

Ngài có biết họ không? Du nói, Tất cả đàn ông đều biết họ. Nhưng thôi, ngài hãy nghe họ gọi nhau.

Và những giọng lảnh lót vang lên trong các hành lang xanh, các hành lang hồng:

Đạm Tiên ơi!
Kiều Nhi ơi!
Mã Kiều ơi!

Những cái tên nghe rất quen. Như Hồng Hồng Tuyết Tuyết. Như Đào Đào Mai Mai. Tất cả đàn ông đều biết họ, như Du nói.

Một cô gái cầm đèn lồng có vẽ hình hoa mẫu đơn tiến đến gần chúng tôi.

Các anh không vào sao? Cô hỏi.

Hồn có lạnh không? Du nói, Quanh đây chỉ toàn bãi cói ngàn sim, hồn có lạnh không?

Cô gái cầm đèn lồng biến mất. Tôi nghe Du thở dài.

Và ngân vang trong đêm tiếng hát của những nàng du nữ:

Có người khách lạ
Tự viễn phương lai
Thuyền tình ghé lại
Bến tình không ai
 
Ôi trống canh dài
Cái hồng nhan lạnh
Cái hồng nhan đói
Cái hồng nhan phai...

Không có tiếng hát nào lạnh đến thế. Tôi buốt từng sợi chân lông.

… Em lạnh quá! Một cô gái điếm đã nói với tôi đêm nào. Cái phòng khách sạn ở lưng núi. Em lạnh quá, cho em ở lại một chốc nữa thôi. Em còn phải xuống núi nữa, nhé anh! Không được! Và tôi đã đuổi cô ta đi. Không được, tôi còn phải viết, đấy là công việc, em đi đi …

Thôi ta đi! Du nói, Đến Địa ngục. Hoặc Thiên đàng.

 

5.

Cửa tự động của thang máy lần này đưa đến một sòng bạc nguy nga tráng lệ.

Không biết là đêm hay ngày. Một bầu trời nhân tạo lấp lánh trên đầu chúng tôi với những vầng mây trắng không bay.

Các con bạc ăn bạc sang trọng đang chơi đen đỏ trước các nữ tiếp viên ngực trần. Ánh đèn đủ màu từ mặt bàn hắt lên các bán thân nõn nà ấy những đóm sáng ma quái.

Du đưa tôi đi qua mấy cây cầu quanh co mang những cái tên ly kỳ như Phù Vân, Kim Ngân, Bảo Ngọc, Trân Châu, Bồng Lai… Mỗi cầu dẫn đến một khu đánh bạc khác nhau.

Ở đây không có cầu Đoạn Trường, tôi trêu Du.

Cầu Nại Hà, Du nói, Cầu Nại Hà kẻ trước người sau.

Bây giờ là mấy giờ, em nhỉ? Tôi hỏi một cô gái ngực trần đang băng qua cầu Bồng Lai.

Không giờ, cô đáp, và luôn luôn không giờ.

Nhưng nhìn vào mắt em, tôi nói, tôi biết giờ giấc rồi đấy!

Mấy giờ? Cô hỏi.

Không giờ! Tôi đáp.

Đúng vậy! Cô nói.

… Khi lần đầu được yêu, tôi nghe nàng nói: Ước chi bây giờ không còn giờ giấc, không còn thời gian. Ước chi bây giờ là vĩnh cửu. Tôi nói với nàng: Không có cái tận cùng ư? Em có biết đó là cái gì không? …

 

6.

Cũng vẫn là chiếc cầu ấy. Bồng Lai. Du, tôi và cô gái ngực trần.

Dưới cầu, thay vì dòng nước chảy, là những đồng bạc đủ loại đang xô đẩy nhau mà lưu chuyển, nhảy leng keng, lấp la lấp lánh. Đồng bạc nào cũng có chân dung.

Ai đó? Tôi chỉ tay xuống các đồng bạc mà hỏi cô gái ngực trần.

Những kẻ chơi bạc vĩ đại nhất, cô đáp, và tất cả đều rơi xuống suối.

Suối Nại Hà, tôi nói. Họ vào đây và chết. Ngực các em nhấp nhô trông như những bãi tha ma, những nơi gò đống hoang vu. Cám dỗ chết người!

Thế thì anh về đi, cô gái cười giễu cợt mà nói, cho dù anh có người dẫn đường thiên tài này.

Và cô gái ôm lấy Du. Du chỉ mỉm cười, nụ cười tiếu ngạo vẫn thường phảng phất trên môi anh, như thể anh đang cười giữa cỏ hoang và sương khói.

… Cha tôi hấp hối. Tôi còn bé, chỉ biết ôm cha mà khóc. Ông muốn nói gì đó nhưng không nói được. Cuối cùng, với tất cả tàn lực, đôi môi ông hé cười. Tôi không bao giờ quên nụ cười đó. Có thể cười, tôi biết, cả với cái chết…

 

7.

Thang máy đưa chúng tôi đến một cảnh giới khác. Một ngôi nhà trơ trọi giữa vườn. Một người đàn ông đứng tuổi đang ngồi viết bên cửa sổ.

Chào ngài, tôi nói.

Chào bạn đọc, ông ta đáp.

Tôi là bạn đọc của ông à, tôi nói, dường như tôi không biết điều này!

Người cầm bút ấy thản nhiên nói:

Bạn đến gặp tôi và điều đó có nghĩa là bạn đang đọc tôi.

Ngài là nhà thơ? Tôi hỏi.

Tôi không làm thơ, ông ta đáp, tôi chỉ viết chữ.

Thư pháp ư?

Không phải đâu, tôi viết chữ.

Chữ ư?

Chữ là chữ. Chữ, chữ, chữ, như Hamlet nói.

Ngài là Hamlet?

Tại sao anh chỉ bận tâm tới những cái tên?

Ngài có biết tôi đi với ai không? Tôi hỏi, bỗng cảm thấy bất an.

Anh chỉ đi một mình, người cầm bút nói, nào có ai đâu

 

8.

Đúng như người cầm bút nói, tôi chỉ đi một mình, trên một hè phố vắng. Làm gì có ai? Làm gì có người gác thang máy? Làm gì có khách sạn Bạch Dương giữa rừng?

Tôi đang viết về anh, hiểu không? Người cầm bút thì thầm, Bây giờ thì anh đi đi.

Đi đâu? Tôi hỏi.

Tôi làm sao biết được, ông ta đáp, anh đi đi. Dẫu sao đi nữa, cũng có những người đón đợi anh mà.

Giọng người cầm bút thoang thoảng trong gió, tôi nửa nghe nửa không.

 

9.

Tôi biết làm gì với tôi bây giờ?

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021