thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái vỏ cam
Bản dịch Nguyễn Thu Hồng

 

SHMUEL YOSEF AGNON

(1888-1970)

 

 

CÁI VỎ CAM

 

Đây chỉ là câu chuyện một cái vỏ cam vứt giữa đường. Thật ra đây là một cái vỏ rất thường, người ta có thể tìm thấy hàng chục cái tương tự trên khắp các lề đường và dưới những đường mương, trên khắp các công trường và trong những sân nhà, nói vắn tắt là khắp mọi nơi trong Thành. Những người qua lại lơ đễnh không ai là không trượt chân trên vỏ cam ấy. Những người tinh tế nhất dừng lại để nhìn đế giầy họ và kiểm soát lại coi nó còn sạch được đến chừng nào, rồi rất nghiêm trang họ lại đi. Những người lôi thôi nhất vẫn tiếp tục đi kéo lê bàn chân chẳng thèm thắc mắc; vì thật ra, đến bảy cặp mắt cũng không đủ để đếm được hết tất cả những vỏ rác vứt ngang ngửa ra đường. Vậy nên cái vỏ cam nằm yên chỗ của nó và những người qua lại vẫn tiếp tục bước dẫm lên.

Một hôm có một ông già trượt nhằm cái vỏ cam ấy và té xuống. Sau khi đếm lại xương của ông, ông lão đứng thẳng lên và đi mất. Không một ai nghĩ đến chuyện xúc động cả. Cách đó một ít lâu cùng cái tai nạn ấy xảy đến cho một cô gái. Tay chân cô không sao cả, nhưng cái ví của cô mở bung và có một mớ đồ lặt vặt trong ví tung ra tứ phía. Có một cái gương soi và một cái lược, một hộp đựng phấn bằng vàng, một ống son và một chai nước bóng đánh móng tay, kem xức tóc và dầu thơm, một cái nhíp nhổ lông và những lá thư tình của người chồng cô bạn thân nhất của cô – giữa những đồ lặt vặt khác cùng loại đó, dùng cho thể xác và linh hồn. Bởi vì cô là một người đàn bà và cô không già, cũng không xấu, những người đàn ông đổ xô lại để giúp cô đứng dậy và nhặt những thứ lặt vặt ấy lên. Cái vỏ cam vì không phải là một trong số những món đồ vừa kể nên vẫn nằm nguyên chỗ cũ.

Nó nằm đó một cách hết sức bình thản, không ngờ rằng nó sẽ trở thành đề tài chính cho những chuyện nhảm nhí của những kẻ xấu miệng, những kẻ đố kị, những người hay gây gổ, tóm lại, của những người xấu miệng xấu mồm trong thành phố, hàng ngày không gặp được một cảnh tượng nào thú vị như vậy. Họ nhất định tố cáo tính cách cẩu trệ của cái vỏ cam kia: phải chăng nó thích thú trong cái việc ác đó? phải chăng nó làm hại đến những dân trong thành mà vẫn yên tâm? Nó vẫn tiếp tục làm cái công việc thất đức kia không ít đi mà không ai nghĩ đến chuyện làm phiền nó cả. Thế rồi, nổi cơn ganh tị và giận dữ, lồng lộn với cái vỏ cam cũng chưa vừa ý, họ tấn công tới những kẻ đồng loã của nó, những người dửng dưng, vô tâm và không biết đến những thảm kịch của Quốc gia và của Thế giới. May thay cho cái vỏ cam, trong Xứ cũng còn có nhiều người điềm đạm, có thể tự kiềm chế đam mê của mình và phân biệt được nguyên do và hiệu quả. Sau khi xem xét bị cáo với một con mắt thiện cảm, những người nầy bênh vực nó: "Cái vỏ cam kia," họ bảo, "có trách nhiệm về những gì đã xảy ra ở chỗ nào? Kẻ có tội, chính là kẻ đã ném nó ra đường, là một tên trong bọn người phàm ăn vô học vốn vẫn làm nhục cho xứ sở! Nhét cam vô bụng chứa cũng chưa vừa lòng, họ lại còn đem vỏ vứt vãi ra khắp Thành làm tăng thêm số người tàn tật..."

Đó là ý kiến của những nhà trí thức khó mà thoả mãn được tất cả mọi người. Những người cho rằng những việc dính dáng đến phần tinh thần chỉ quan trọng ở cái mức liên hệ của nó đối với chính trị, những người đó không khỏi chỉ trích những nhầm lẫn đã qua và sắp tới của Chính phủ. Kết luận lại, họ qui trách nhiệm của những việc có hại do cái vỏ cam gây ra cho Tòa Thị Sảnh mà Sở Kiều Lộ là cơ quan tồi tệ nhất. Kết tội cái người bóc vỏ cam đó thì có ăn nhập vào đâu? Người ấy đã ăn trái cam rồi! Thật ra đó cũng là một việc hay! Chẳng phải ta nên dùng những thứ trái cây trong nước hơn là những thứ nhập cảng? Người ấy là một công dân toàn hảo? Cầu Trời cho tất cả mọi người đều giống ông ta! Nếu đồng bào ta biết bằng lòng với những gì xứ sở cho mình, thay vì đi tìm những sản phẩm ngoại quốc, thì Chính Phủ có thể tiết kiệm được thật sự về các khoản ngoại tệ. Tóm lại là phải hướng dẫn những cuộc tấn công chống Toà Thị Sảnh đã không huy động được đủ số phu vét bùn để quét đường. Vậy thì Tòa Thị Sảnh lập ra để làm gì? Để thu tiền sao? Và để đền bù ta bằng cách nào? Bằng vỏ rác và vỏ chuối sao? Phải chăng vai trò độc nhất của Chính Phủ là đánh thuế mà không trả lại cho dân gì cả?

Có một người đi ngang qua đấy nghe được những lời trách cứ và phàn nàn đó.

"Mẹ kiếp," người ấy la lên, "nếu người thu thuế đến hỏi tôi, tôi sẽ đóng sầm cửa lại trước mặt ông ta... Với số tiền dành dụm được về những khoản thuế má, tôi sẽ có thể đóng bảo hiểm tai nạn cho tôi và tôi sẽ không bị hoạ bất ngờ như cái lão già bất hạnh nọ bị gãy chân vì trượt phải vỏ cam."

Ông ta vừa dứt lời thì có một nhân viên quảng cáo của Công ty Nông Nghiệp đến hỏi han làm quen với ông. Người ấy đề nghị ông bỏ vốn vào Công ty của mình: bởi vì Công ty vẫn mua đất bỏ hoang với ý định cứ để đất hoang như vậy, nên sẽ không có một ai có thể ăn cam và lẽ dĩ nhiên là không thể trượt trên vỏ cam và té được. Con người vừa thịnh nộ về chuyện thuế má kia nổi giận lên.

"Vừa thấy công việc lôi thôi," ông ta la lên, "là mấy nhà đại diện Công ty Nông nghiệp đã chạy bám theo gót ta rồi. Không có ngày nào là ngày không có chuyện theo dõi! Cơ hội nào cũng tốt cả, từ những ngày lễ và những ngày ăn chay, cho đến ngày Phục Sinh, lễ Souccoth[1] và ngày Đầu Năm! Không có ngày lễ truy niệm nào, không có ngày kỷ niệm nào mà không có mặt họ! Họ hiện ra, là ta phải xuất tiền rồi. Chúa ôi! Chúa ôi! Chúa có tạo ra một ngày nào trong năm mà người ta không đến hỏi xin tiền con không? Con có cảm tưởng như những ngày mà con phải mở ví ra còn nhiều hơn là những ngày có ghi trong lịch nữa."

"Ông cho tôi cái gì đây, thưa ông?" người đại diện hỏi.

"Cho ! Cho! ..."

"Tôi ghi tên ông bao nhiêu đây?"

"'Bao nhiêu' cái gì? Tôi cho các người như vậy chưa đủ sao? Và không phải cho với tiền mất giá đâu nhé, ông cứ tin tôi đi! Lời danh dự mà! Mỗi đồng xu mà người ta rút rỉa của tôi thì cũng lại chính Nhà Nước lợi dụng được. Thế ông còn muốn gì hơn nữa? Tại sao ông đến đây? Tôi, tôi có xen vào cái Công ty Nông Nghiệp của ông đâu chứ? Xin ông để cho tôi yên. Tôi đang bận vì một cái vỏ cam đây..."

Ông ta sắp nói tiếp thì vợ của một công chức Nhà Nước bất ngờ hiện ra.

"Một cái vỏ cam à!" bà ta la lên. "Khổ cho tôi rồi! Ông cứ tưởng tượng là chính mẹ chồng tôi đã bị gãy chân. Dĩ nhiên là vì trượt! Trên một cái vỏ cam, ông tin không chứ? A! Ông đừng nói với tôi chuyện đó nữa! Bà đi… Bà đi đâu nhỉ? À phải rồi… Tôi cũng không biết nữa. Vả lại không có gì quan trọng lắm. Đấy! Bà trượt và té loạn cả lên! Vỏ cam đấy! À không, vỏ bưởi, có thể là vỏ chuối! Ông tin không chứ? Nói cho cùng có quỷ thần mới biết là cái gì! Cái gì thì bà cũng gãy chân rồi, chân trái, không, chân phải! Nghĩa là một trong hai chân! A, xin ông đừng nói với tôi chuyện đó nữa! Tai họa gì mà lạ lùng! Ông cứ tưởng tượng là bà đã làm hỏng của tôi đến bảy cái nệm! Vì bà nằm mãi trên giường. Vâng, thưa ông! Thật là một tai hoạ, phải không ông? Và từ khi bà lành bệnh, ông tin không? Bà còn gây cho tôi nhiều lộn xộn hơn nữa. Bà không ngớt lục lọi trong nhà từ trên xuống dưới, từ sáng đến tối. Và bà bước khập khiễng, thưa ông, ghê tởm quá! Cây gậy của bà trên nền lát gạch, thì thôi ông khỏi phải nói! Nhiều khi tôi muốn trốn đi, để thoát khỏi bao nhiêu chuyện đó. A! nếu mà tôi có thể... Đi du lịch, ra nước ngoài! Đã quá lâu rồi tôi không rời khỏi xứ, từ lần Hội nghị cuối cùng..."

Liền sau khi bà ta nói lên chữ đó, thì câu chuyện đổi hướng và người ta chỉ nói đến chuyện hội nghị.

Tuy nhiên cái vỏ cam vẫn nằm trên lề đường, bị hàng trăm đôi giày dẫm và làm cho dơ. Thật tội nghiệp cho nó! Nó mất cả vẻ tươi tắn và màu sáng của nó. Nó chỉ còn là một vật tồi tàn, cằn cỗi, khô đét, không màu. Thế nhưng nó có một cái may đặc biệt, vì ngược lại với lũ bạn nó bị mất từ lâu trong các đống rác hay phân, nó biết được cái mùi vinh quang.

Trong Thành có một ông thầy dạy văn phạm. Ông là một người viết văn quá trau chuốt có thói quen theo dõi tất cả các cuộc đàm thoại để sửa lỗi cú pháp của những người đồng loại với ông. Khi ông nghe nói đến cái vỏ cam, ông nghĩ đến việc đem dùng nó để áp dụng những tư tưởng cải cách của ông. Ông thộp cổ ngay người đầu tiên mà ông trông thấy, ông đẩy người ấy vào chân tường:

"Hãy thành thật mà nhận đi," ông ta bắt đầu. "Ý kiến của ông về cái vỏ cam là thế nào?"

"Vỏ cam," người kia trả lời. "Vậy ông muốn tôi nói gì về nó bây giờ? Đó là một cái vỏ cam như bao nhiêu cái vỏ cam khác."

"Ông không hiểu câu hỏi của tôi, ông bạn trẻ của tôi ạ," nhà văn phạm lại nói. "Chính cái vỏ cam tự nó không làm tôi chú ý. Cái làm tôi bận tâm, chính là cái cách viết chữ đó. Đã nhiều năm nay tôi cố gắng lặp đi lặp lại là chữ pelure [2] phải viết là pellure [3]peler viết là peller với hai chữ l. Nhưng lũ đần độn không chịu nghe tôi và cứ tiếp tục sống vô tri trong sự sai lầm và viết pelure với một chữ l. Dứt khoát một lần, ta phải kết thúc chuyện đó!"

Mọi người đều bắt đầu nói về “chính tả”. Thiếu một chút nữa là người ta quên bẵng đi cái chính yếu: cái vỏ cam. Nhưng cũng như chúng tôi đã nói, cái vỏ cam nầy được sinh ra dưới một ngôi sao tốt và phải là chủ điểm của tất cả các câu chuyện. Thiên hạ có thói quen tụ tập lại quanh nó để phê bình những biến cố mới nhất đã xảy ra.

"Tôi lấy làm ngạc nhiên," một người được trông thấy cái vỏ lần đầu tiên lưu ý, "là sao người ta chưa nghĩ ra việc in hình nó trên khắp các tờ báo! Đã đến lúc những nhân vật tai mắt của Báo chí cần nhúng tay vào việc này rồi. Phải viết vài bài báo và tung ra sáng kiến tổ chức một cuộc lạc quyên để chụp hình cái vỏ cam. Dân chúng, lúc nào cũng rộng lòng, sẽ giúp những nhà nhiếp ảnh chứng minh rõ trắng đen rằng 'cái vật đó' là nguyên nhân làm trở ngại sự lưu thông trong Thành. Nhất là chúng ta không nên keo kiệt về chuyện giá cả, hãy thu dụng những người chuyên môn thật sự. Chúng ta còn có thể phổ biến những bản kẽm ra nước ng?oài nữa: phải chăng đem chia sẻ cho các người anh em ở ngoài những bài học về biến cố đó – đồng thời cho họ niềm vui được chiêm ngưỡng phong cản xứ sở đẹp đẽ của ta, là một việc phải?"

Giữa lúc đầy nhiệt tình, ông ta bị một người đàn ông ngắt lời trách ông bêu xấu một cái vỏ cam đàng hoàng như vậy. Cái vỏ đó mà làm hại cho Nhà Nước à? Ngược lại đấy! Nó tượng trưng cho Tự Do của xứ nầy, cái xứ mà trong đó ai cũng có quyền làm theo sở thích của mình, không hề có một sự cản trở nào cả.

"Thật phi thường," một thính giả cười ầm lên, "thật quả là hết nước! Tự Do được thể hiện qua một cáí rác! Thế thì chúng ta định đi đến đâu chứ? Phải chăng trong kinh Ghémara[4] có nói..."

Ông ta không có thì giờ để giải thích. Một ông lão thường vẫn quyên tiền để làm những việc thiện trong Thành ngắt lời ông để quở mắng ông. Nhân danh cái gì mà ông ta dám dùng đến kinh Ghémara, ông ta là người không theo những lời giáo huấn trong kinh đó? Có phải ông theo đảng “Đội Nón”[5] không? Không à? Vậy thì tại sao ông không để yên kinh Ghémara cho những con chiên của Chúa? Sự hỗn láo của bọn “Đầu Trần”[5] này thật đã đi quá lố! Đã không bằng lòng thích nghi theo Thánh Kinh, bây giờ chúng nó còn muốn thôn tính luôn kinh Talmud[4] nữa!

Tác giả quyển sách[6] này đã chứng kiến những cuộc tranh luận đó. Ông sợ rằng người ta sẽ đi đến chỗ cãi lộn và từ đó sẽ đánh nhau. Thế nên ông nhất quyết thủ tiêu cái vỏ cam đã gây ra bất hòa và thù hận. Ông cúi xuống, nhặt cái vỏ và vứt bỏ đi. Có một bà có tuổi bèn công kích ông. Bà hỏi ông ta định làm gì về những thứ rác khác trong thành phố, như những mẩu giấy vụn, giấy báo vò nát, tàn thuốc và những thứ dơ bẩn khác không biết gọi là gì đang rải khắp các đường phố.

"Ông không thấy cả cái đống vỏ kia sao?" Bà ta rầy. "Và đàng kia, ở trong góc, ông có thấy múi bưởi kia không? Ông mở mắt ra và nhìn đi chứ! Có một lá truyền đơn bị xé kìa! Thật đúng là một tai họa! Với những kẻ phiến loạn không ngớt đem dúi vào mặt ta những tập sách như vậy, thì lúc nào đường sá cũng đầy cả giấy. A thật là ghê tởm! Úi chà!!! Một cái bẫy chuột rỉ sét và một con chuột chết kìa! Có thể như vậy được sao? Tất cả những thứ mục rã đó có phải để cho mốc meo ở đây đến khi tận thế không?"

Có một người nọ đến trấn an bà:

"Thưa bà, xin bà hãy bình tĩnh," người ấy bảo. "Bà không nên lo lắng đến như vậy! Sớm muộn gì rồi xứ ta cũng sẽ bị phân chia ra làm hai Quốc Gia, và không ai có thể đoán trước được cái khu phố này sẽ thuộc về bên nào cả. Có thể nó sẽ rơi vào tay kẻ thù của chúng ta. Trong trường hợp đó có phải tốt hơn là ta cứ để cho những rác rến kia nằm yên chỗ của nó không?"

Nghe đến mấy chữ chia phân đất nước, đồng một loạt mọi người đều nổi lên la ó phản đối kẻ chủ bại. Người này vùng vẫy, la hét om sòm. Người ta muốn làm gì ông đây? Phải chăng ông chỉ để lộ cho họ thấy là ông mong muốn sự chia phân đó? Ông chỉ lặp lại những gì mà tất cả báo chí đều không ngớt cho đăng tải. Nhưng những người kia cứ xô đẩy ông và la lớn thêm lên...

Tác giả quyển sách này bắt đầu suy ngẫm: “Dù tương lai xứ sở có ra sao, ông nghĩ, phân chia hay thống nhất, điều chính yếu là nghĩ đến hiện tại... Vậy chúng ta nên chùi rửa phía trước nhà chúng ta!” Ông cúi xuống và bắt đầu dọn dẹp rác rến.

Trong lúc ông vất vả quét dọn con đường, những người khác giúp ông bằng những lời khuyên. Họ tha hồ tranh nhau cho ông những ý kiến hay nhất: người này dạy ông nghệ thuật gom rác, người kia dạy ông nghệ thuật hốt rác, kẻ khác chỉ cho ông phải vứt rác ra nơi nào, người cuối cùng dạy ông cách đốt rác. Chính ông Trời cũng nhảy hùa vô nữa. Gió bắt đầu thổi, làm tung lên tất cả những thứ gì nằm trên mặt đất. Ngọn gió luồn vào mấy tờ giấy báo và những trang sách – là những thứ không phải chỉ thuộc vật chất, như vỏ ́trái cây, mà còn là tinh thần nữa – những tờ giấy đó bay tung lên phía trên những đống rác mục rã và bắt đầu đập và quất vào mặt giống người có mặt ở đấy. Nhưng, bởi vì giấy đó không phải thuần tinh thần mà còn là vật chất, nên nó lại rơi xuống đất. Thế nên tác giả quyển sách này gom chúng lại và đẩy chúng qua một bên, nhờ những lời khuyên của tất cả những kẻ ăn nói ngon lành kia.

Rủi thay những lời khuyên lại trái ngược nhau. Tác giả của quyển sách này lượm một cái vỏ cam để ném nó vào thùng rác à? Thì liền đó người ta khẩn khoản yêu cầu ông lo gấp rút đến vỏ bưởi. Ông dọn sạch vỏ bưởi trên đường à? Người ta khuyên ông hãy bắt đầu dọn vỏ chuối trước. Tác giả quyển sách này cố làm vừa lòng tất cả mọi người bằng cách có bao nhiêu bàn tay cùng đem ra dùng một lượt cả. Nhưng số bàn tay con người lại bị giới hạn hơn là những lời khuyên bổ ích. Thế nên con người thiện chí kia càng cố gắng làm vui lòng mọi người bằng cách kết hợp lại những ý kiến trái ngược nhau nhất, thì ông càng thất bại trong việc làm của mình.

Chẳng bao lâu trên đường đầy những người đứng múa tay múa chân, cử động liên miên và bàn cãi về thứ tự cần phải theo và phương pháp cần phải dùng. Và bởi vì cuộc bàn cãi chẳng đi đến đâu, nó trở nên kịch liệt và họ đi đến chỗ phải dùng đến tay chân...

Lúc bấy giờ xảy ra một chuyện thật là bất ngờ, một biến cố lạ lùng – tác giả quyển sách này phải thú nhận là một biến cố như vậy không phải là ngày nào cũng xảy ra được. Đồng bào có gây gổ nhau, thì đó chỉ là chuyện hằng ngày, người ta có thể kiểm chứng từ đầu năm đến cuối năm. Thế nhưng một người cảnh sát mà can thiệp vào những cuộc ẩu đả của họ, thì đó đúng là có ngoại lệ mới chứng tỏ là có qui tắc. Tuy nhiên, chính ngay lúc những người kia bắt đầu đánh nhau, một người cảnh sát, không hiểu từ đâu ra, xuất hiện và giải tán đám đông. Ai cho phép bọn người vô tích sự kia tụ tập để gây lộn nhau giữa đường thế này? Thoạt nhìn qua, những người vô tích sự đó hiểu ngay là viên cảnh sát không có vẻ muốn cười và họ chuồn đi thật nhanh. Vậy nên tác giả quyển sách này còn lại có một mình và, thấy chung quanh đã vắng người, ông nghĩ là đã đến lúc bắt tay vào việc, không sợ bị xao lãng hay bị quấy rầy bởi những kẻ phá rối. Bởi thế ông làm việc hăng hái gấp đôi, ông nhặt, ông quét, ông dọn một cách say sưa, vì ông quá mong muốn quét dọn cho xong con đường và làm cho nó đẹp ra.

Chỉ có tác giả quyển sách này là người độc nhất không bỏ chạy, điều đó lại là điều đáng nghi đối với người cảnh sát. Anh ta gọi ông lại, giục ông phải trả lời những câu chất vấn của anh và phải nói hết sự thật. Đoạn anh ta mở cuốn sổ tay ra, ghi tên bị cáo và bắt đầu lập biên bản về tội tụ tập bất hợp pháp, ngăn trở lưu thông và gây ồn ào trái phép. Tác giả quyển sách này toan bào chữa:

"Thưa thầy cảnh sát, tôi xin thề," ông nói, "tôi xin thề là không có làm gì cả. Chuyện xảy ra như thế này đây. Tôi đang đi dạo, thì tôi trông thấy một cái vỏ – sự thật là thế – vứt bừa trên đường tôi đi. Tôi biết đó là một mối nguy thường trực cho những người qua lại và, vì không có ai nhặt nó lên, tôi quyết định làm công việc ấy và tôi đã nhặt nó đi. Chỉ có bước đầu là khó, bởi vậy nên tôi tiếp tục quét luôn cả con đường. Chỉ có thế thôi, tôi xin thề với ông đấy."

Người cảnh sát huýt sáo, rồi nhìn thẳng vào ông bằng một con mắt nghiêm khắc:

"Vậy ra," anh ta bảo, "ông nhận đã có nhúng tay vào vụ quét dọn rác."

"Dĩ nhiên là có," bị cáo trả lời. "Vả lại tôi đâu có che đậy chuyện đó. Tất cả những gì tôi nói với ông là sự thật hoàn toàn, tôi sẵn sàng lặp lại với ông những điều đã nói."

Đến đấy thì người cảnh sát đòi ông xuất trình giấy phép của Tòa Thị Sảnh cho phép ông làm một công việc như vậy. Đoạn anh ta ghi và chép lại tất cả những gì anh ta nghe và thấy. Anh ta viết đầy nguyên một tấm phiếu buộc tội tác giả quyển sách này. Luật lệ là luật lệ. Không ai lại đi chơi với cái trò làm phu vét bùn mà không được phép trước của Toà Thị Sảnh. Làm như vậy là phạm pháp. Tuy nhiên anh cảnh sát vì còn một chút nhân đạo không dẫn kẻ phạm pháp đó về bót. Thật tình là mười hai giờ vừa đổ và anh ta cũng gấp về nhà như bất cứ ai để ăn trưa. Vậy nên anh ta bỏ đi để mặc tác giả quyển sách này đứng đó trầm tư suy nghĩ về mối liên hệ giữa những đống rác và Nhà Nước. Khốn thay cho kẻ nào muốn thu vén sạch sẽ phần nào trong một xứ hãy còn đầy tì vết những khiếm khuyết và bất công!

 

_________________________

[1]Lễ Tạ Ơn.

[2]Tiếng Pháp, nghĩa là cái vỏ.

[3]Tiếng Pháp, nghĩa là bóc vỏ.

[4]Kinh Ghémara hay Gemara: phần bổ sung (luận bình) cho kinh Mishnah trong sách Talmud tập họp những văn bản cổ về luật và truyền thống Do thái. Có khi dùng đồng nghĩa với Talmud.

[5]Quốc gia được xem như nằm trong hai đảng – đảng “Đầu Trần” và đảng “Đội Nón” – chống đối nhau kịch liệt, và trong mỗi đảng còn chia rẽ, thù hận nhau hơn thù hận kẻ thù chung là ngoại bang nữa. Đảng thứ nhất coi tổ tiên là những người Do thái trước khi có luật của Moïse, vốn chưa bị buộc phải che đầu; đảng sau tự cho là con cháu của những người Do thái sống sau luật của Moïse, những người mà truyền thống buộc phải che đầu.

[6]Bản Việt ngữ "Cái vỏ cam" của Nguyễn Thu Hồng [trong Trăng trên thung lũng Jerusalem, 176 trang, Diễm Châu giới thiệu, Trình bầy xuất bản, Saigon, 1969] bản Việt ngữ Nguyễn Thu Hồng căn cứ trên bản tiếng Pháp đăng trong ARIEL, tạp chí Nghệ Thuật, Từ Chương và Khoa Học của Israel, và bản tiếng Pháp của Rachel và Guy Casaril trong Les Contes de Jérusalem, Nxb. Albin Michel, 1959. Tập truyện tiếng Pháp, theo bài tựa, là một tập tuyển những truyện ngắn và những đoạn trích văn rời rạc của Agnon do chính các dịch giả người Pháp chọn và sắp xếp. Bởi vậy, chữ quyển sách này có ý chỉ một quyển sách xuất bản bằng tiếng Hy-bá của tác giả, trong đó có in nguyên tác truyện "Cái vỏ cam".

 

 

-----------

Mời độc giả xem bài nhận định "Đi tìm một ngôn ngữ đã mất: AGNON GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI" của Diễm Châu đăng song song trên Tiền Vệ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021