thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chôn giấu
Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

 

TÀN TUYẾT

(1953~)

 

Lời giới thiệu của người dịch:
 
      Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa. Người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, sinh ngày 30/5/1953 ở Trường Sa. Cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa... Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Tân Hồ Nam, mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Trung Cộng lâu năm. Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào “hữu phái” phản đảng. Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh cùng túng.
      Năm 1966, cuộc Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con gái của phái hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ ngang bởi không chịu nổi sự khinh thị của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước, phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà viết và những câu chuyện rực rỡ màu sắc kì lạ.
      Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay “Chợ Hoàng Nê”, nhưng khi ấy, cô chưa dám công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn “Bọt xà phòng trên nước bẩn” trên tờ Tân Sáng Tác và Tàn Tuyết chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của cô được đăng trên các tờ: Nhân dân văn học, Phù dung, Văn học nguyệt san, Trung Quốc... Và dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.
      Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như: Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000), Anh... Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc được dịch ở nước ngoài nhiều nhất.
      Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả đoản thiên và trung thiên), Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare... Và có lẽ, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết, trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.
      Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá tự ngã, thế giới tâm linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng... trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Tức là những yếu tố cơ bản nhất trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền thống Trung Quốc còn khuyết thiếu. Tuy vậy, thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng, thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, cô còn nói, tác phẩm của mình là “hiện thực chủ nghĩa”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ kì lạ, lay động tâm phách con người.
      Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình-giản, rất cô đọng nhưng chúng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Như Nam Hoa kinh, như Cỏ dại, như Lâu đài, như Thần khúc... Mỗi tác phẩm của Tàn Tuyết như một “công án” Thiền, một “mê hồn trận”, một “bát trận đồ”, mà người đọc rất khó “ngộ”, không tìm thấy “cửa sinh”, không tìm thấy lối ra nếu cứ lần theo sợi dây tư duy thông thường. Và do vậy, cũng dễ đi đến kết luận rằng tác giả của chúng là kẻ “nằm mơ giữa ban ngày”, “tâm lý bị biến thái”...; còn những tác phẩm của tác giả này là “thế giới ma huyễn”.

 

______________________________

 

CHÔN GIẤU

 

Chú tôi bảy mươi ba tuổi, ở gần nhà tôi. Ông cao gầy, tóc bạc trắng, nhưng tinh thần xem ra hãy còn minh mẫn lắm. Ðôi mắt chú rất có thần, chỉ phải cái không được tập trung. Chú không thích giao thiệp với ai, thấy tôi ông thường tránh và cứ ngỡ tôi không trông thấy, thế là ông lảng lảng rồi biến mất. Dù trong nhà hay ngoài đường, lúc nào ông cũng như vậy. Trông một người đầu đã bạc trắng mà lại có những cử chỉ như thế, tôi thấy tức cười, nhưng cũng không thích “vạch trần” ông ra làm gì. Chuyện ấy, lâu rồi, tôi cũng thấy quen.

Chú vốn không phải là người như vậy. Tôi còn nhớ lúc mình bảy, tám tuổi gì đó, chú còn để tôi ngồi lên vai kia mà. Năm tháng vô tình, không ai biết điều gì đã khiến chú trở nên một người như bây giờ. Tôi nghe thím nói, mấy năm gần đây, ông bỗng sinh ra một cái thú kì lạ, là đem những thứ nho nhỏ trong nhà mang đi cho người ta. Nhưng cho ai? Không ai biết. Quan hệ xã giao của chú vốn rất hẹp, già rồi cũng chẳng qua lại với ai. Nhưng chuyện này cũng khó nói, vì biết đâu ông có bạn bè bí mật ở đâu đó cũng nên. Người ta sống đến bảy mươi ba tuổi, tất phải có một số bí mật gì đó chứ.

Những thứ trong nhà mà ông mang đi, thực cũng chẳng có giá trị đặc biệt gì. Ví dụ một cái tách trà, một cái chân đèn, một ngòi bút máy, một cái đèn pin, một quyển sách lịch sử, một đôi giày da dê. Những thứ ấy có một đặc điểm chung là đều có “niên đại” xưa lắc.

Cái chứng “ghiền” ấy của ông lâu lâu lại tái phát một lần. Lúc ông sắp đem cái gì đi thì trông vẻ rất trịnh trọng và lo lắng. Ông vội vàng gói ghém cẩn thận, bỏ vào một cái túi lác, rồi gấp gáp đi ra, và nghĩ rằng chẳng ai thấy mình (mắt chú tôi cận nhẹ). Nếu ai nhắc đến cái túi trên tay, thì ông nổi xung thiên lên, rồi sau đó thề thốt, kiên quyết chối bay chối biến. Vì thấy cũng chẳng có gì to tát lắm, nên thím cũng lờ cho qua. Cho đến một hôm, mấy đứa cháu mách với bà nội của chúng rằng, ông xách cái túi lên bãi tha ma trên núi, thì thím mới bắt đầu lưu tâm. Bà nghĩ, ông ấy lên bãi tha ma như vậy thì hẳn không phải đến nhà bạn bè, hay là ma? Chẳng lẽ bọn ma quỉ bắt ông mang những thứ ấy đến cho chúng? Bà là người mê tín nên rất muốn biết rõ chuyện này, nhưng lại không dám hỏi ông. Bà biết ông sẽ giận.

Cuối cùng thì mâu thuẫn cũng nổ ra. Lúc tôi đến nhà thím, chú đã bỏ đi. Thím khóc lóc kể lể với tôi rằng gia đình xảy ra chuỵện. Nguyên là hai hôm trước, chú đem cái đồng hồ vàng mà ông đang đeo cho đi. Cái đồng hồ ấy mua mất những hơn một nghìn đồng, ông đeo chưa đầy hai năm. Khi bà hỏi, ông cũng ậm ờ cho qua chuyện, nhưng đến lúc không kìm được nữa, ông hét lên: “Mất rồi!” Lời ông như tiếng sét nổ bên tai, khiến bà như chết điếng, một lúc lâu sau mới định thần trở lại được. Rồi đó thì giận suốt một ngày một đêm. Còn chú thì mặt lạnh như tiền. Mái tóc bạc ngày thường được chải chuốt gọn gàng, giờ thì rối như tổ cu, ánh mắt âm u và không nói không rằng. Sớm hôm sau, ông bỏ đi, chỉ đem theo mấy bộ quần áo và vài đồng giắt lưng.

“Ông ấy có thể đi đâu nhỉ?”. Bà thím ngơ ngơ ngẩn ngẩn hỏi tôi.

Tôi vắt óc cũng không thể nghĩ ra. Cuối cùng thì những bạn bè bí mật của chú ở đâu? Nếu không có bạn thì ông đến đâu? Thím hối hận rằng mình không thấy được sự nghiêm trọng của sự việc, lẽ ra bà phải bám ngay theo để xem ông làm gì. Nhưng bà lười. Bây giờ thì ông bỏ đi rồi, một ông già bảy mươi ba tuổi, thân thể lại không lấy gì làm khoẻ khoắn như vậy, lại lận lưng có mấy đồng bạc, lang thang ra ngoài thì không biết chuyện gì xảy ra đây? Bà càng nghĩ càng sợ, ngồi khóc sướt mướt. Chúng tôi bàn tới bàn lui, chợt nhớ đến lời đứa cháu và nghĩ rằng đó là một manh mối. Chúng tôi đợi nó tan học về, rồi sẽ hỏi nơi nó nhìn thấy ông nội.

“Ngã sáu”. Nó nói, “lúc đó trường chúng cháu đi dã ngoại ở đó, nhìn ông nội có vẻ hoang mang, bối rối thế nào ấy, thấy bọn cháu, ông rẽ vào rừng rồi không thấy đâu nữa. Chỗ ấy chỉ có người chết với mồ mả, ông nội đến đó làm gì?”

Tôi quyết định đến ngã sáu xem thế nào, biết đâu lại rõ chuyện của chú cũng nên. Tuy mấy nãm về đây, không hiểu vì sao ông chú của tôi lại xa lánh mọi người, nhưng tôi vẫn nhớ cái cảnh khi tôi “cỡi ngựa cao” trên vai ông. Thời ấy, chú khéo léo và nhanh nhẹn khiến cho người khác rất an toàn. Cho nên, dù bây giờ ông không quan tâm đến tôi nữa, tôi vẫn lo lắng cho ông, chứ không phải hoàn toàn vì bà thím. Và so với lúc trước, bây giờ tôi lại càng thích chú hơn. Ông không quan tâm đến người khác hẳn có ẩn tình gì đó.

Vào một ngày nghỉ, tôi đi xe buýt đến ngã sáu. Bãi tha ma nằm phía sau cánh rừng nhỏ, cây cối rậm rạp và gần như không có lối đi, tôi chui qua đám cành lá um tùm ấy và một lúc lâu sau mới thoát khỏi cánh rừng ấy. Vừa thò đầu ra, thì trước mắt bừng sáng, trên khu đất bằng phẳng mênh mông là những tấm bia mộ dựng đứng không theo hàng lối nào cả, mỗi mộ một kiểu, cái này lấn cái kia chạy đến cuối chân trời với vẻ ảo não. Tôi đến đây làm gì nhỉ? Tôi cũng không biết. Tôi đi tới đi lui trong bãi tha ma, rõ ràng tìm thấy một cái hố mới đào, bên trong trống rỗng. Nơi này không có chỗ nào có thể tránh gió che mưa được. Ông chú của tôi chắc chắn không thể ở đây lâu.

Không hiểu sao, trên đường trở về, tôi có dự cảm rằng chú đã trở về nhà. Bãi tha ma, những ngôi mộ, cái hố mới đào, mùi đất bùn mới… Suy nghĩ của tôi cứ nhảy múa như con nhái xanh trong đầu.

Chưa đến nhà chú, tôi đã nghe tiếng cười của thím. Chú đang gục đầu ngồi trong phòng, dưới chân là một bao lớn đồ đạc, trên vỏ bao còn lấm bùn đất mới. Thím đang cúi xuống lật xem những đồ đạc ấy, miệng cứ lải nhải không thôi. Những đồ đạc ấy chính là những thứ mà mấy năm nay chú mang từ trong nhà đi, toàn bộ ở đấy và đã hư hỏng cả rồi. Vẻ mặt chú hết sức chán chường và mệt mỏi, ông không buồn nhướng cả mắt lên nữa.

“Ông ấy làm mất cái đồng hồ vàng rồi”, thím nói, “ổng bỏ nó vào bao lẫn lộn với mớ đồ đạc này, có thể đã đánh rơi giữa đường mất rồi. Người đâu mà chẳng cẩn thận gì cả”.

Trông thím rất vui vẻ, bà không còn đau lòng vì cái đồng hồ vàng ấy nữa. Bà cho là chú đã đem những đồ đạc mang đi trở về, chứng tỏ cái sở thích kì quặc của ông không còn, tuy mất một cái đồng hồ vàng, nhưng chuyện ông quay về là điều tốt và là điều quan trọng nhất. Bởi vậy, bà hết sức vui vẻ.

Cái sở thích của chú quả thực là đã không còn nữa, ông không mang những đồ đạc trong nhà đi, nhưng tình hình của ông lại không mấy lạc quan. Vẻ mặt ông vẫn như cũ, mà trong lòng thực ra càng ngày càng bất cận nhân tình.

Lúc tôi đến nhà, ông không còn vẫy gọi tôi nữa, dường như ông hoàn toàn không nhận ra tôi nữa vậy. Ông đi qua đi lại trước mặt tôi và chỉ nói chuyện với thím. Mà không chỉ đối với tôi, ngay cả con trai, con dâu, thậm chí cả đứa cháu của ông, ông cũng có thái độ như vậy. Một hôm tôi đến nhà, đứng ngoài cửa, tôi nghe bên trong ông nói:

“Cái thằng ấy tại sao lai không rời mắt khỏi tôi thế nhỉ? Bà nói nó đến bãi tha ma tìm tôi, ấy là nó chỉ muốn thỏa mãn sự tò mò xấu xa của nó. Thằng ranh ấy từ nhỏ đã như vậy, tôi biết tỏng bụng nó rồi”.

Tôi đẩy cửa bước vào, chú tỏ vẻ rất khó chịu, cúi đầu không nói tiếng nào. Bà thím qua cơn thất thần, kéo tôi ngồi xuống và hỏi liên thiên. Lúc này cậu con trai của chú thím đã trở về, một gã phất pha phất phưởng, nói năng tùy tiện. Nó ghé lại gần tai tôi nói:

“Cha tôi nói anh đã nhặt cái đồng hồ vàng của ông ấy, anh thật là xui xẻo, hê hê!”

Mặt tôi phình lên như màu gan lợn, lập tức đứng dậy định bỏ đi, nhưng bà thím cố sống cố chết níu lại. Bà nói:

“Việc gì phải tin vào những lời nhảm nhí của ông ấy, ai mà tin được lời của một ông lão kì quái điên điên khùng khùng như ông ấy chứ?”

Chẳng lâu sau, chú đuổi cả vợ chồng thằng con đi. Thím khóc lóc nỉ non, cô con dâu thì đứng ở cửa cổng mà phát thề rằng sẽ không bao giờ bước vào cái nhà này nữa. Ông chú từ trong nhà xông ra, chân không cả xỏ dép, chỉ mặt con trai và con dâu chửi bới oang oang, ông còn nói một câu khó nghe rằng “giặc trong nhà khó đề phòng”. Bộ dạng ông cứ như một lão du thủ du thực.

Nhưng điều khiến người ta không thể hiểu nổi là chú không hề để ý đến tài sản của mình. Ông cứ tự tiện đem cái áo khoác mà thím đã mua cho quẳng vào chậu, làm cho nó trở nên vô cùng bẩn thỉu. Chú lại còn mang radio vào nhà cầu, nói là để nghe nhạc, sau đó quên luôn, vặn vòi nước ra và để nó chảy tràn lên cả cái đài. Kết quả, cái đài hư. Ông nói với thím, trước đây sao mình ngu thế không biết, coi những đồ đạc ấy quan trọng đến như vậy, ngày nào cũng đeo một gánh nặng.

Khi tôi đến nhà, chú làm bộ bắt tay tôi, cứ như tôi là khách mà lần đầu tiên ông gặp.

Thím già đi nhanh quá, ánh mắt đờ đẫn, vô hồn, trí nhớ ngày càng kém. Đồ đạc sắp xếp trong nhà cũng đã hơi lộn xộn và phủ đầy bụi bặm, cái cảnh thảm đạm đã hiện ra trước mắt, dường như thím đã buông xuôi. Bà nói với tôi, nếu hồi đó cứ để cho chú mang cái đồng hồ vàng đi, không càu nhàu gì với ông, thì bây giờ tình hình hẳn là khá hơn. Bà thường thông minh hơn sau khi mọi việc đã xảy ra. Không biết tình hình cuộc sống trước mắt phải như thế nào, làm sao với con ngươi khó hiểu như chú đây? Nói đến đây, bà cảm thấy mình đã lỡ miệng, vội vàng nói thêm rằng, thật sự bà không muốn đấu tranh với ông, chưa bao giờ bà nghĩ đến điều đó, bà chỉ muốn bảo vệ chú thôi.

“Cháu bảo ông ấy đã đào một cái hố à?” Bà bỗng nhiên hỏi tôi, mắt ánh lên vẻ kì lạ.

Rồi không đợi tôi trả lời, bà tiếp:

“Cháu nghĩ xem, đã bao nhiêu nãm nay, cứ đem từng món đồ mình đã dùng chôn giấu đi như thế, phải gan lắm ấy chứ. Thím muốn yên mà ông ấy cứ như vậy, thật không thể hiểu nổi. Bây giờ biết tính sao với chuyện này? Mang tất cả đồ đạc trong nhà mà chôn đi cả, không tiếc rẻ thứ gì, cũng không thèm nhìn ai nữa, rồi còn làm ầm ĩ cả lên, cứ như lão quái vật ấy. Một người bình thường làm sao có thể như vậy được? Cháu nghĩ có đúng không?”

Bà đau khổ cực độ, vẻ mặt khó đăm đăm; tôi không biết phải làm sao, đành trầm ngâm.

“Chào cháu, cậu đoàn viên thanh niên!” Ông bước đến nói với tôi, mái tóc trắng bù xù dựng đứng, trông có vẻ kì quái. Gần đây ông thường gọi tôi là đoàn viên thanh niên, tôi nói với ông rằng tôi đã bốn mươi tuổi rồi, ông ngạc nhiên kêu lên: “Nhanh vậy sao? Thật là ngày tháng như tên bay! Mới ngày nào cháu còn là đứa bé cởi truồng đó mà. Chú biết tính cháu khó thay đổi, cháu đến đây ngó ngó nghiêng nghiêng, có phải là muốn kiếm ít đồ đạc không?”

Bà thím đeo bộ mặt thểu não, mong ông đi ngay cho khuất mắt. Nhưng chú không đi, lại còn kéo ghế ngồi trước mặt tôi, nói là muốn tâm sự.

“Anh chàng này,” ông vỗ vỗ vai tôi nói, “làm hàng xóm với các bác dễ chừng đến mười mấy nãm rồi ấy nhỉ? Khi đó cậu hãy còn cởi truồng chạy lông nhông khắp nơi, thường bị ta cho ăn đòn đau…”

“Nó là cháu của ông”. Thím lạnh lùng ngắt, “đừng giả vờ nữa”.

“Chú không đánh cháu, ngược lại chú còn hay đặt cháu ngồi lên vai chõi trò “cưỡi ngựa” nữa, cháu rất thích chú”. Tôi nhẹ nhàng nhìn vào mắt ông.

“Bố láo! Hai đứa chúng bay hùa làm một từ lúc nào thế hả? Mở miệng ra là cùng một giuộc. Chúng bay mưu tính với nhau những gì? Thật ra, mày muốn đến đây kiếm đồ đạc chứ gì?” Ông giận dữ đứng lên, đi vào nhà.

“Thấy chưa, ông ấy như vậy đấy, làm thím không còn mặt mũi nào mà nhìn người ta nữa!” Bà lại khóc, vừa khóc vừa liếc trộm xem trong phòng ông chú có động tĩnh gì không.

Tôi nói với thím rằng, có lẽ chú mắc chứng tinh thần phân liệt, tốt nhất là mời bác sĩ khám xem thế nào, chưa chừng chú mắc bệnh già lẫn cũng nên, hành vi ngang ngược của chú như vậy khiến người ta phải lo lắng. Tôi nói vậy, nhưng trong lòng cũng không tự tin cho lắm, và thầm ngờ rằng không biết mình có sai sót chỗ nào hay không, tại sao cứ nhất định rằng ông chú có vấn đề? Bà thím nghe kiến nghị của tôi, lập tức ngưng khóc, vẻ mặt sầm xuống. Bỗng nhiên bà liếc một cái, ánh mắt ấy khiến tôi run cả người.

“Cháu đi đây”. Tôi ngượng ngùng đứng dậy nói.

Thím quay mặt giả lơ.

Rõ ràng trong lòng bà, tôi là một đứa tiểu nhân chính hiệu! Tôi rũ đầu buồn chán, tự dặn lòng rằng không nên dẫm chân vào cái mớ thị phi này nữa. Đúng vậy, tôi phải xoá hình ảnh chú khỏi đáy lòng mình, tôi không muốn đóng vai một thằng hề nữa. Lúc này tôi mới nhớ ra; bà thím cứ thổi phồng tình cảm của mình, thứ đàn bà này thích kiểu ấy, ví nó khiến bà thỏa mãn. Hai người họ đúng là một đôi trời sinh.

Tôi vẫn thường gặp chú trên đường, bây giờ thì ông không tránh né gì nữa. Chỉ có điều làm như không thấy, cứ đi thẳng. Có lúc tôi nghĩ, cũng có thể mắt ông cận thị ngày càng nặng. Thím thì ngược lại, lúc nào cũng tránh mặt tôi, tôi biết bà còn giận. Con người là như vậy, muốn làm việc tốt nhưng lại khiến người oán giận. Chi bằng cứ bàng quan ngay từ đầu, không thèm quan tâm đến ai là xong.

Một hôm, chú và thằng con đánh nhau. Ông túm lấy ngực thằng con, thằng con thoi một quả khiến ông già văng ra, ông lại xông lên muốn xách tai thằng con, nó không muốn làm ông bị thương nên bỏ chạy. Ông đuổi theo nó một quãng xa, mái tóc trắng phất phơ trong gió lạnh. Cuối cùng ông đứng lại, chửi bới rầm trời, nắm tay dứ dứ về phía thằng con chạy, cứ như một lão anh hùng. Tôi nghe những người chung quan nói, chỉ vì cậu con trai muốn về thăm cha mẹ cho phải phép, ý muốn duy trì quan hệ với ông bà, nhưng chú không cho cậu ta vào nhà, quát tháo om sòm, nói giặc tới nhà. Sau đó, thím mở cửa, cậu con trai mới được vào. Ông lại chửi chó mắng mèo. Thằng con giận quá, cãi ông một tiếng, thế là ông vác gậy đánh nó, không ngờ phang nhầm bà thím chạy ra đỡ đòn cho con, thế nên cả ba đều nóng tiết lên. Kết quả là cảnh mà tôi vừa chứng kiến. Trong cuộc giằng co này, chú bị thương nhẹ ở mặt, ông không đứng vững nữa, xô đến góc bàn, trán sưng tấy một cục rớm máu. Còn bà thím bị một gậy của ông, cũng khập khiễng mất mấy ngày.

Tôi đã không quan tâm đến chuyện gia đình chú nữa. Nhưng một lần ra ngoại thành công tác, vừa ngang qua cánh rừng, tôi bỗng thấy chú đang đi trước mặt, hình như ông đã ngã ở đâu đó, quần còn lấm đầy đất cát, tóc tai bờm xờm, bộ dạng một ông lão lụ khụ. Ông đang vào rừng, đi về phía những ngôi mộ. Tôi đâm tò mò, lén theo phía sau.

Ông lúc đi lúc dừng, có vẻ như đang trầm tư, hoặc tựa hồ như đang phân vân. Ông đi vòng vòng quanh những ngôi mộ, cuối cùng đến cái hố mà tôi đã từng thấy.

Tôi đứng mé rừng nhìn theo, chỉ thấy ông hì hục đào bới liên hồi, hình như muốn mở rộng cái hố ra thì phải. Đào một chập, ông lại dùng giỏ tre dồn bùn đất đã đào ra đắp lên miệng hố, đó là công việc hết sức nặng nhọc. Giày ông ngập trong bùn, tay hình như cũng rộp phồng lên, vì tôi thấy ông liên tục nhổ nước bọt vào lòng bàn tay. Làm một đỗi, ông thấm mệt, trèo từ dưới hố lên, ngồi nghĩ ngợi trên một tảng đá lớn. Trên trời có con quạ bay ngang, cất tiếng kêu quái dị “quạ, quạ”. Lòng tôi tràn ngập sự thương hại, tôi đến cạnh, hai tay đặt lên vai chú. Ông giật mình, quay lại, thấy tôi, trên mặt lộ vẻ khinh thị, nói:

“A, ra là đoàn viên thanh niên! Không lúc nào mày tha cho tao. Chỗ này cách nhà cũng không xa mấy, nhưng đừng đến nhiều, đến rồi thì không trở về được đâu. Ấy, tao nói trật rồi, không về được là người khác kia, mày nói coi, kích cỡ cái hố này như thế nào? Được chứ hả? Trong bụng mày chắc đang nghĩ, tao vẫn đang giả vờ, giả vờ cho mình xem. Tao cũng biết thế là không hay, không có tác dụng gì, đúng là đánh chết cái nết vẫn còn. Bây giờ mày đã thấy, màn kịch của tao đã khép. Chúng ta đi thôi.”

Trên đường đi, ông luôn miệng oán trách bà thím, rằng bà đã hại ông khiến ông phải một thân một mình chạy đến một nơi thế này. Lúc trước thì ông còn im lặng trong nhà, bây giờ ông đã thành một con quạ. Tất cả những chuyện này đã chôn kín từ lâu, khi đó thằng con ông mới sinh, bà thím nhờ người ta mua một chiếc vòng vàng đeo vào cổ nó. Ông nhìn cái vòng ấy, càng nhìn càng ngứa mắt. Một bữa, thừa lúc ẵm thằng nhỏ ra ngoài chơi, ông lấy cái vòng giấu đi, sau đó lén đem chôn ở cái hố này. Bà thím khóc mờ mắt. Từ đó về sau, ông thường đến bãi tha ma xem, vì sợ người khác đào cái hố của ông, trộm cái vòng vàng ấy. Sau đó, ông khuân tất cả những đồ đạc đã chôn về nhà, chỉ trừ có chiếc vòng, ông đã bán nó cho một cửa hàng ven đường. Chuyện này không oán bà ấy thì oán ai đây? Những lời này không phải để tôi nghe, mà là ông tự lẩm bẩm.

“Vì chú không có ai để trút giận.” Tôi nhắc ông.

“Mày bớt lo chuyện không đâu đi!” Ông giận dữ, “sao mày cứ bám theo tao mãi thế hả?”

Những người hàng xóm nói, nhà ông bây giờ đã nhếch nhác lắm rồi, bên trong bẩn kinh khủng, đồ đạc bừa bãi, trong bếp thì ngập lên những bát đũa chưa rửa. Ông chú vẫn nghĩ vơ nghĩ vẩn, trong bếp nuôi một đàn gà, lại không được nhốt kĩ nên chúng ỉa vãi khắp nõi. Bà thím càng ngày càng không muốn dọn dẹp nữa, có khi ra đường mà còn chưa rửa mặt, mắt mũi hãy còn đầy những ghèn rỉ, khi nói chuyện với người ta thì dùng tay quẹt, móc. Bà đã hoàn toàn biến thành một người khác. Nhưng quan hệ giữa hai người họ hãy còn tốt, cứ như chưa từng bao giờ cãi nhau vậy. Có lúc tôi thấy chú đi bộ ra xa nhà, vừa đi vừa ngẫm nghĩ, thấy tôi, ông vẫn lặp lại câu nói cũ:

“A, đoàn viên thanh niên!”

Tôi nghĩ bụng, vở kịch của ông phải đến bao giờ mới chấm dứt đây? Mà rốt cuộc thì ai đang diễn kịch?

Tôi lại đi qua bãi tha ma, thấy cái hố chú đào đã khá sâu. Ông vẫn cứ đào, thật là cái số khổ. Lúc tôi đến nhà, thằng con ông ngăn lại, coi bộ rất hùng hổ, hoa chân múa tay, nói:

“Lão vô lại ấy muốn chôn mẹ tôi cùng lão ta, anh có hiểu không? Mẹ tôi đã bị lão ta bỏ lâu rồi, sắp chết rồi! Bây giờ ngay cả hình dáng tôi mà bà ấy còn không nhớ, nói gì đến cháu với chắt. Tôi gặp bà ngoài đường, tôi gọi mẹ, bà lắc đầu, mặt lạnh như tiền. Vì đâu mà ra nông nỗi này, chẳng phải là do cái lão vô lại ấy đã khiến bà trở nên như vậy sao? Có lần, qua cửa sổ nhà bếp, tôi thấy lão vô lại cầm chổi vụt mấy con gà, khiến lông lá chúng bay loạn cả lên! Tôi cũng đi ngang qua chỗ cái hố, lão ấy đã đào sâu lút một người rồi, mà vẫn còn đào rộng thêm, chắc là muốn chôn hai người. Cứ rỗi ra là lão ấy lại đi đào, sức vóc còn khoẻ lắm, cứ nhảy lên nhảy xuống, lại còn hát khe khẽ nữa cơ chứ. Hành động của lão khiến người ta đến khiếp! Lão ấy làm cho chúng tôi thấy, vậy rút cục là có ý gì? Anh nói coi?” Nó trợn mắt nhìn tôi, cứ nắm tay tôi lắc lắc.

“Không có ý nghĩa gì cả”. Tôi bất đắc dĩ trả lời nó.

Tôi nghĩ, trên thế gian này, kể sao cho xiết những chuyện vô nghĩa. Ông chú đã vào ma giới thì nhất định ông ấy sẽ làm đến cùng điều mình muốn, không ai có thể can thiệp được. Mà ai có thể phán chắc rằng chuyện nào có lí, chuyện nào là vô lí?

Mắt bà thím ngày càng yếu, chắc là bị đục thủy tinh thể. Có lẽ do bà không giữ gìn vệ sinh, nhìn điệu bộ bà đi trên đường, thì biết rằng thế giới này, bây giờ trong mắt bà đã biến thành những cái bóng.

“Chào thím.” Tôi lên tiếng.

“Mày còn đang ở đây a?” Giọng bà dường như trách móc, không biết bà có nhận ra tôi không nữa.

Chuyện chú đào hố, ai nấy đầu biết cả rồi, chắc là thằng con ông loa ra. Người ta kéo đến bãi tha ma xem cái hố, rồi bị mê hoặc thở dài.

Ít lâu sau, cái hố ấy đã đọng đầy những nước mưa, có người thấy chú nhảy xuống ấy, nước ngập đến tận cổ. Lúc đó trời rất lạnh, ông cứ run lẩy bẩy.

“Ông ấy đang tắm nước lạnh, thật là một ông già kì lạ.” Người đó nói.

Kết quả, chú lãnh một tháng bệnh. Bà thím cũng không thèm mời bác sĩ bác siếc gì, chỉ dùng độc một loại thảo dược sắc cho ông uống. Nghe đâu khi uống thứ thảo dược đó, nước tiểu của chú hóa thành duy một màu xanh.

Khi tôi vào nhà chú thím, hai người đang ngồi như tượng bên mép giường, vẻ mặt cứ như không trông thấy ai. Mùi trong nhà bốc lên khiến người ta thật muốn nôn, bọn gà qué thì đang bay nhảy tán loạn dưới bếp. Tôi cố đi thật nhẹ, giày quẹt khe khẽ lên sàn gỗ. Nhưng tiếng động ấy đã khiến họ kinh động. Ông chú giật nẩy lên, bà thím thì quơ cây chổi cản tôi lại rồi chỉ tôi quát lớn:

“Cút ngay! Mày vào đây ông ấy sẽ chết! Mày không thấy hay sao, hả thằng mù kia?”

Mắt bà đầy u ám, rõ ràng là không trông rõ tôi, mà chắc bà chỉ thấy một cái bóng tiến vào nhà. Tôi để ý thấy bà đi chân trần, có lẽ bà không tìm thấy dép.

Tôi vội vàng rời khỏi nhà chú, chợt nghe tiếng la hét của chú vọng ra từ cửa sổ, tôi đứng lại.

“Lại là thằng ãn cắp hả? Không sao, đừng làm nó giận, đó là chuyện thường xảy ra. Ta đang cố gắng dần dần thích nghi. Có kẻ cho là ta đào cái hố ấy cho ta, bọn họ hố rồi! Ta không chịu chôn chung chỗ với mấy người đó đâu, ta muốn hỏa táng, ta đã viết rõ trong di chúc như vậy. Thằng nhãi ấy đúng là không có mắt, rõ ràng thấy hai người bọn ta ngồi trong nhà thế này, mà còn muốn đến ãn cắp, không biết đầu óc nó ra làm sao nữa.”

Chú vờ như không biết tôi nghĩ gì, thực ra tôi mới là người không biết chú nghĩ gì. Dù có cố gắng đến đứt hõi, tôi cũng mãi mãi không thể bắt được tư duy của chú.

 

Lưu Hồng Sơn dịch 2-2006

 

-----------

Các tác phẩm khác của Tàn Tuyết đã được giới thiệu trên Tiền Vệ:

Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”  (tiểu luận / nhận định) 
... Có lẽ, cái loại “thuần văn học” mà tôi theo đuổi chính là thứ làm cho con người không ngừng đổi thay, không ngừng phủ định những quy định của bản thân. Ví dụ, ngay cả trong nhận thức của bản thân tôi, dù đọc hay viết, đều là sự sáng tạo, loại văn học này không tuân theo những qui luật đã có, bạn chỉ có thể huy động năng lượng bên trong của bạn và quy luật được hình thành hoặc “phát hiện” từ trong quá trình ra sức “làm việc” thuộc về bạn... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Sương mù  (truyện ngắn)
Từ khi sương mù rơi đến bây giờ, mọi thứ chung quanh đều mọc ra bao nhiêu là lông lá lượt thượt và chúng không ngừng nhảy múa. Muốn nhìn một cái gì đó cho rõ, tôi phải căng mắt cả ngày... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện ngắn)
Câu chuyện Đào nguyên trong truyền thuyết xa xưa lưu truyền khắp làng. Nhưng trong làng, ai cũng mù mờ, thậm chí là mù tịt về nó. Trong chuyện này, chỉ có ông Tư Tề là người có uy tín nhất. Ông Tư Tề giờ đã hơn 90 tuổi, thân thể già nua co rút lại chỉ còn chừng hơn mét, nhưng ông lại để bộ râu dài cả thước và trắng như tuyết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đảo Rắn  (truyện / tuỳ bút) 
Có thể nói, chú Ba là người thân duy nhất của tôi trên thế giới này. Mỗi khi nhớ đến cái xóm nhỏ ở nơi làng xưa quê cũ âm ám xa xôi ấy thì tôi không khỏi ớn lạnh xương sống. Cái làng nhỏ được gọi là “Đảo Rắn” ấy nằm trên một dải gò đồi... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021