thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thư gửi con công quận Z.B.

 

Dĩ nhiên thật là bất lịch sự, con công ạ, khi ngay từ đầu vào thư người ta đã thẳng thừng tuyên bố đây là một lá thư có nội dung là một cơn tức giận và uất ức. Nhưng nói thật là đâu tôi đâu có ý định sẽ giữ một giọng lịch sự trong lá thư này. Vì thế cho nên tôi cho rằng chúng ta xác định rõ vấn đề luôn từ đầu, thoải mái tinh thần hơn cho cả hai.

Tôi cũng gặp khó khăn rất nhiều trong việc cố tìm một đại từ nhân xưng để gọi cho dễ dàng và mặc dù hệ thống đại từ trong tiếng Việt của ta rất phong phú nhưng tôi vẫn không chọn được cái nào phù hợp cả. Đôi khi  có những lúc như thế này tôi ước gì hệ thống ngôi nhân xưng của ngôn ngữ chúng ta nghèo nàn quách đi cho rồi và tôi sẽ chẳng cần phải vò đầu lựa chọn chi cho mệt xác. Khái niệm về con công ở quận Z.B. lại là một khái niệm mơ hồ. Thế mới khổ cho tôi chứ.

Tôi không giấu được ý định rất cụ thể của tôi là muốn vặt cổ người đang đọc những dòng chữ này. Lý do lại càng khó mà trình bày ra được. Không phải vì chúng rắc rối, chúng phức tạp, chúng li kỳ gì cho cam. Nếu vậy ít ra tôi cũng đã hãnh diện rồi. Nhưng rủi thay việc này lại hoá ra ngược hẳn lại. Tôi khó nói ra được chỉ là vì lý do hầu như chả có lý do gì cả. Biết kể thế nào nhỉ?

Thôi thì ta bắt đầu từ đầu.

Đó là một sáng cách đây mươi năm (hay chín năm, tám năm gì tôi cũng không rõ, tôi chỉ ước chừng vậy - người ta thường hay dùng mốc 10 năm để nói về một quãng thời gian không dài quá mà cũng không ngắn quá, một ước lệ trượng trưng thôi, đừng bận tâm), tôi đi ngang qua vườn Bách thú. Trời trong và đẹp, đến giờ tôi vẫn còn nhớ như vậy nhưng tôi không hưởng ứng thời tiết này chút nào cả. Tôi buồn. Chả có một lý do nào cả. Nỗi buồn giống như cơn bệnh sợ lạnh của tôi vậy. Lâu lâu tái phát một lần, bất kể thời tiết thuỷ thổ thay đổi ra sao, bất kể thuốc thang lo lắng thế nào. Không cần có gió tôi vẫn lạnh, không cần ăn mặc phong phanh tôi vẫn lạnh. Trong khi mọi người phây phây áo may ô và quần cộc ra đường tôi vẫn co ro ôm bằng được áo khoác theo mình không rời. Và nó cũng chẳng giết chết người. Căn bệnh không sát nhân. Buồn cũng vậy thôi. Giống một cái áo, một sáng tự dưng khoác vào người. Tóm lại sáng hôm đó tôi buồn.

Tôi đi qua những đường ngang ngõ dọc trong vườn thú. Những con vật cũng uể oải quay đuôi ra, chả thèm đếm xỉa gì đến những giống hai chân nhan nhản dạo quanh, nhìn chòng chọc vào chúng. Tôi đắc ý và cảm thấy được an ủi phần nào vì chuyện đó. Đó là một cảm giác dễ chịu khi phát hiện ra khung cảnh xung quanh rất phù hợp, rất thích nghi với tâm trạng của mình.

Và rồi có thể nào tưởng tượng được không, có thể nào diễn đạt nổi không, trong lúc ấy bất ngờ tôi đã thấy con công. Thật khó diễn tả lại lúc ấy. Tôi choáng váng và tức đến run người lên. Vâng tôi thấy một con công đang xoè đuôi. Quá rực rỡ, quá chói chang. Và tự dưng mặt trời cùng những thứ khác cũng trở nên gay gắt vô cùng. Cây cối thì xanh lè một thứ xanh chát ngắt, nắng thì đổ lửa làm nhễ nhại mồ hôi, ướt đầm đìa trông lấm hết cả bụi và đất bẩn thỉu, đường đi thì hẹp, đông người, bọn trẻ con xung quanh thì cứ cười nói đến là ồn ào khó chịu…Tôi tưởng mình ong ong hết đầu và quay cuồng muốn xỉu. Nhưng không thể thế được, người ta rất dễ xỉu trong một tác phẩm văn học chứ hiếm khi xỉu giữa một sở thú lắm. Và thế là để thay cho việc ngã lăn đùng ra giữa đường, tôi quyết định gọi xe trở về nhà và nằm vật ra giường.

Tôi về đến nhà vào lúc gần 2 giờ chiều. Tôi cẩn thận kéo hết rèm cửa lại để tránh nắng chói mắt. Tôi nằm xuống và cứ giữ cho mình trở lại được trạng thái trấn tĩnh. Công việc đó vượt quá sực chịu đựng của tôi. Cứ nhắm mắt lại là tôi lại thấy hình ảnh con công. Còn mở mắt ra, nhìn đâu quanh những bức tường trắng tôi cũng thấy nó nốt. Y như một đoạn phim quay chậm vậy, cái cảnh nó xoè đuôi đắc thắng. Thế là tôi khóc oà lên như một đứa bé. Tình cảnh lúc này mới thật khiếp đảm. Giữa một đống nước mắt tèm nhem là những cái lông công rực rỡ một cách ngạo nghễ cứ xoáy vào và tạo thành một thứ cảm giác không thể nào chấp nhận nổi.

Vâng, tất cả chỉ có thế. Tôi trung thành kể lại không sai một chút nào cả bởi những cảm giác ấy vẫn còn nguyên si trong tôi. Ngày nào khi tôi thức dậy, mở mắt ra, việc đầu tiên của tôi bao giờ cũng là nhớ lại chuyện con công và cái đuôi của nó. Mỗi khi tôi chớm có triệu chứng vui sướng thì hình ảnh những màu sắc xoáy tròn trên cái đuôi ấy lại đập bộp vào trí nhớ tôi và tôi vui hết nổi. Tôi thành một người không thể nào vui được. Hồi trước thỉnh thoảng tôi còn phân vân giữa việc lựa chọn cái mặt vui hay buồn, còn giờ thì chả còn gì để chọn hết.

Vậy cho nên, xét tới cùng nỗi giận và cơn uất ức của tôi là hoàn toàn có cơ sở và căn cứ. Nhưng thực ra tôi cũng chẳng biết viết thư này xong thì sẽ làm gì được. Hồi trước tôi cũng có gọi điện lên vườn bách thú phàn nàn về chuyện này nhưng không ai phúc đáp cho tôi hết. Tôi kiên trì gửi thư đi khắp nơi, phát đơn kiện con công nhưng mãi đến một tháng gần đây mới có một bức điện tín gửi đến nhà báo rằng con công mà tôi muốn nói đến nó đã chết vì già được 5 năm rồi. Tôi cứ ngỡ vậy là tôi được giải phóng khỏi nỗi ám ảnh về nó. Nhưng chẳng phải thế. Tôi vẫn thấy nó mỗi ngày mà tôi vẫn chẳng thể vui lên được chút xíu nào hết. Thật là chán mớ đời. Cuối cùng, tôi đành thu hết can đảm viết thẳng một lá thư gửi cho chính cái con công đã ám ảnh tôi suốt đời.

Bây giờ tôi ngừng viết ở đây vì đúng thật là tôi cũng chưa biết sẽ làm gì với lá thư này. Thật là một cuộc đời vô ích. Tất cả đã bị phá nát hết chỉ bởi con công đã xoè đuôi vào hôm ấy.

 

S.G 2/12/05
1h36’am

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021