thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Của một tác phẩm bỏ dở

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

 

Tuy bị gián đoạn nhưng văn bản của Beckett tự nó cũng khá đầy đủ rồi. Ở đây cách kể chuyện chưa thực sự bứt phá, và dù đến sau Nouvelles et Textes pour rien, nhưng theo Robert Cochran, From an Abandoned Work có thể là lời mở đầu tuyệt vời cho các tác phẩm sau.[1]

 

_____________

 

CỦA MỘT TÁC PHẨM BỎ DỞ

 

Đứng trong buổi sáng sớm của ngày hôm ấy, tôi còn rất trẻ, và trong tình trạng bất an, và bên ngoài, mẹ lủng lẳng trong chiếc áo ngủ nơi cửa sổ khoa tay và khóc than. Buổi sáng đẹp và mát, trời vẫn trong xanh rất sớm như nhiều khi, nhưng trong tình trạng bất an và hung hãn. Bầu trời chẳng mấy chốc sẽ u ám và mưa sẽ rơi và rơi mãi, cả ngày, cho tới chiều. Rồi bầu trời lại xanh và mặt trời lại xuất hiện trong một giây, rồi tối. Cảm nhận những điều ấy, sự mãnh liệt ấy và biết trước rằng cái ngày hôm ấy nó rồi sẽ như thế nào, tôi dừng lại và quay gót. Bước trở về như thế, đầu cúi xuống để tìm một con ốc sên, ốc đất hay giun. Một mối tình lớn như vậy trong quả tim mình cho các thứ không xê dịch và có rễ, các viên sỏi, các bụi cây và các loại tương tự, không thể kể ra hết. Trong khi một con chim chẳng hạn, hay một cánh bướm, có thể bay lượn xung quanh tôi trên lối đi, tất cả các thứ biết cử động, trên lối đi, một con ốc đất chẳng hạn, đang bò dưới bước chân tôi, không, tôi không có chỗ cho chúng nó. Bảo rằng tôi đổi hướng đi để tìm bắt chúng, thì cũng không đúng, thường thường nhìn từ xa chúng dường như bất động, nhưng chỉ một lát sau là chúng đã tấn công tôi rồi. Chim thì tôi đã nhìn thấy chúng bay tít cao, tít xa, như là đang nghỉ ngơi, qua cái nhìn rất tinh của tôi, nhưng chỉ một lát sau chúng nó đã bủa vây tôi rồi, lũ quạ đã chơi xỏ lá như vậy đó. Vịt thì còn tệ hơn thế nữa kia, bỗng dưng chợt ngó thấy mình trượt bước sẩy chân giữa một bầy vịt, hay một đàn gà, hay bất kể một loại gia cầm nào khác, thì chẳng có gì tệ hại hơn. Mà dẫu cho đó có là chuyện rất dễ tránh đi nữa thì tôi cũng không thể chuyển hướng để né tránh, không, chỉ bởi cái lý do rất giản dị, là tôi không bao giờ đổi hướng, mặc dù trong đời tôi tôi chưa bao giờ biết định hướng mà chỉ bước đi thôi. Bởi thế mà lộ trình đã khiến tôi phải đổ máu xuyên qua những chồi cây dầy và những đầm lầy sâu, cũng có khi nó đâm đầu xuống nước hay xuống biển tuỳ tiện, khiến tôi mất dấu hay phải lùi bước để khỏi bị chết chìm. Và có thể cuối cùng rồi tôi cũng sẽ chết như vậy nếu không bị chúng níu giữ lại, tôi muốn nói rằng tôi có thể chết chìm, hay chết cháy, dạ phải, có thể tôi rồi cũng sẽ đi tới chỗ đó, hung hăng lao mình vào đống lửa và chết như một bó đuốc người. Rồi tôi ngước mắt nhìn và thấy mẹ vẫn còn ở chỗ cửa sổ lấy tay ra dấu bảo tôi phải về nhà hay là đi luôn, tôi không biết, hoặc là không có lý do, không có lý do nào khác hơn là tình yêu bất lực và đáng thương của bà, và tôi thoáng nghe những tiếng gọi rất khẽ của mẹ. Khung cửa sổ màu xanh lợt, tường màu xám và mẹ tôi trắng và quá mảnh nên cái nhìn của tôi, cái nhìn rất tinh lúc ấy, đã lọt vào tận chỗ tối tăm của căn buồng, và chiếu rọi lên khắp các thứ ấy là ánh mặt trời vẫn còn thấp nơi hướng đông, và tất cả đều rất bé nhỏ vì ở quá xa, tất cả đều tuyệt đẹp, tôi vẫn còn thấy lại như vậy, cái màu xám cũ và cái viền cửa xanh rất mỏng và cái màu trắng mỏng trên cái nền sậm, nếu mẹ chịu đứng im để cho tôi được ngắm nhìn. Nhưng không, trong cái dịp duy nhất mà tôi muốn đứng im tại chỗ để ngắm nghía một v ?gì thì lại không thể thực thi được chỉ vì sự huyên náo của mẹ nơi cửa sổ với những cử động loạn xạ của tay chân mình mẩy lắc lư như thể mẹ đang tập thể dục và cũng có thể lúc ấy mẹ đã làm vậy, tôi rất mong như vậy, bởi tôi không bận tâm về chính mình. Ý nghĩ thiếu liên tục trong đầu là một khía cạnh không hay khác của mẹ. Đã có tuần lễ tập thể dục, rồi tuần lễ cầu kinh và đọc thánh kinh, rồi tuần lễ chăm nom vườn tược, rồi tuần lễ chơi đàn dương cầm và hát, cái này mới thật là rùng rợn, rồi một tuần lễ lười biếng lè phè. Mẹ vẫn luôn luôn thiếu sự kiên trì. Ôi như vậy cũng được thôi, vì tôi thường hay vắng nhà. Nhưng nhanh lên cái phần kế tiếp của câu chuyện trong ngày hôm ấy bỗng chợt hiện về để cho tôi được kể lại, tuy một ngày nào khác vẫn có thể được như thường, phần kế và phần cuối để bước sang một ngày khác, hãy cho mẹ tạm de trong lúc này. Xem nào, trước tiên thì không có chuyện gì cả, như vậy lại càng hay, không có chim rượt đuổi tôi, không có gì trên lối đi ngoại trừ một thằng bé bước sau một con ngựa trắng ở đằng xa, mà cũng có thể là một người đàn ông nhỏ thó hay một người đàn bà. Ấy là con ngựa toàn trắng mà tôi còn nhớ được, một giống ngựa mà người Đức gọi là Schimmel nếu tôi còn nhớ rõ, a chú bé linh hoạt, chú nhỏ ham học, Schimmel, một cái từ rất xinh, cho một lỗ tai Anh. Mặt trời chiếu rọi lên thân hình của nó, như đã chiếu rọi trên thân hình của mẹ, và dường như mặt trời đã rạch một đường vằn đen hay đỏ trên bụng ngựa, có thể là một sợi giây đai, có thể nó đang được người ta dẫn đến một nơi nào đó, để cột vào một cỗ xe hay một cái gì tương tự. Nó băng qua cái lối đi của tôi ở đằng xa, rồi nó biến mất, có thể nó đã lẫn vào màu xanh của cây lá, tôi chỉ được thấy sự xuất hiện đột ngột và sự biến mất của con ngựa. Nó trắng ngời trong ánh nắng, tôi chưa từng thấy được một con ngựa như vậy, từ lúc nghe nói đến, và không còn được thấy lại nữa. Màu trắng, tôi phải bảo ngay rằng màu trắng đã gây một ấn tượng mạnh nơi tôi, tất cả các thứ có màu trắng, như các tấm ra, và các bức tường, và vân vân, kể luôn những đoá hoa, hay chỉ là cái màu trắng đơn thuần, cái ý niệm về màu trắng thôi, không hơn không kém. Nhưng nhanh lên cái phần kế tiếp của ngày hôm ấy và để kết thúc với nó. Xem nào, thảy đều êm xuôi, trước tiên thì không có chuyện gì cả, chỉ có sự hung hăng và con ngựa trắng đó, khi bất thình lình tôi bỗng nổi nóng, một cơn nóng giận hung tợn nhất, rất choá loà. Nhưng tại sao đã có sự nóng giận bất ngờ đó tôi quả thật không rõ, những cơn nóng giận đột ngột đó, chúng biến đời tôi thành một hoả ngục. Nhiều chuyện khác cũng có thể đưa đến kết quả tương tự, như chứng viêm yết hầu của tôi chẳng hạn, tôi chưa từng được thử nghiệm một tình trạng không sưng yết hầu, nhưng tệ nhất vẫn là những cơn nóng giận, tựa như một cơn gió lớn chợt bùng dậy trong tôi, không, tôi không tìm ra lời lẽ để diễn tả. Dù gì thì đó cũng không phải là một sự hung tợn được gia tăng, không phải vậy đâu, có những hôm tôi cảm thấy rất hung dữ từ sáng đến tối mà chẳng có tí nóng giận nào cả, có những ngày khá thì tôi lại tương đối hiền lành như một chú cừu non mà đã nổi nóng tới bốn năm bận. Không, cái ấy rất là khó hiểu, tất cả đều vượt quá sức hiểu biết, mà một cái lý trí kiểu như tôi thường hay vướng phải, luôn luôn rình rập để tự chống đối, có thể tôi sẽ trở lại với cái chuyện này khi đã cảm thấy bớt yếu đuối. Có một dạo tôi đã thử làm cho vơi bớt bằng cách đập đầu vào một vật gì đó, nhưng tôi đã thôi. Tốt hơn cả là cứ bỏ đi, cứ sải chân mà bước cho thật mau. Tới đây tôi thấy cần phải bảo ngay rằng tôi là một kẻ bước đi rất chậm. Tôi không bước lê, tôi không bước lang thang, không phải vậy, tôi chỉ bước những bước thật chậm, thế thôi, những bước rất ngắn và bàn chân khi đã nhấc lên rồi thì phải rất lâu nó mới tìm thấy lại mặt đất. Ngược lại và đại khái thì vẫn có thể bảo rằng tôi là một trong những thằng chạy nhanh nhất trên trái đất, trên từng đỗi ngắn, năm hay mười thước, chỉ sau một giây là tôi đã chạy tới đích rồi. Nhưng tôi không thể tiếp tục làm vậy, không phải vì hụt hơi, mà vì tâm trí, tất cả đều do tâm trí, ảo mộng. Thêm vào đó là sự không thể chạy lắt nhắt vì tôi thuộc loài vạn chân. Không, nơi tôi tất cả đều rị mọ, và đùng một cái, lằn chớp, hồ hởi, vượt ra ngoài, như là một trong những điều mà tôi còn tiếp tục lải nhải trên đường đi, vượt ra ngoài, vượt ra ngoài. May là cha tôi đã qua đời lúc tôi còn trẻ, nếu không thì tôi có thể đã trở thành một ông giáo sư, như đã từng ước mơ. Một anh học trò quá đỗi thật thà, đầu rỗng, nhưng có trí nhớ của một con bò. Một hôm, tôi giảng vũ trụ luận của Milton cho cha nghe, chúng tôi đang ngồi trên đỉnh núi, tựa người vào một tảng đá lớn trực diện biển cả ngoài xa, cha đã phục tôi sát đất. Tình yêu cũng vậy, thời trẻ tôi hay nghĩ ngợi về tình yêu, nhưng không nhiều nếu so sánh với những chuyện khác, vì suy gẫm riết về tình yêu khiến tôi rồi bị mất ngủ. Chưa từng yêu ai cả, vì nếu có thì chắc tôi còn nhớ. Ngoại trừ trong những giấc mơ, nhưng trong mơ chỉ có các con thú, những con thú đẹp như mơ, không có liên hệ với đàn thú ở ngoài đồng, tôi không tìm ra lời lẽ để diễn tả, những sinh vật rất tuyệt vời, phần lớn chúng đều trắng cả. Và nghĩ cho cùng thì đó là một chuyện đáng tiếc, nếu có được một bà hiền thê để giúp đỡ thì bây giờ chắc tôi đã là một nhân vật quan trọng, tôi có thể đang nằm lăn ngoài nắng ngậm ống vố và vỗ những cái mông của các thế hệ thứ ba hay thứ tư, được mọi người khâm phục và nể kính, thầm hỏi trong bữa tối sẽ có những món gì, thay vì kéo lê mãi đôi dép trên những con đường cũ trong mọi thời tiết, bởi tôi chẳng hề thích các chuyện thám hiểm phiêu lưu. Không, tôi không hối tiếc điều gì cả, tôi chỉ nuối tiếc rằng mình đã được thấy ánh sáng mặt trời, ôi sao mà lê thê quá, cái chết, tôi đã bảo như thế rồi mà, nói mãi, thêm mệt. Nhưng mà nhanh lên cái phần kế tiếp, sau chú ngựa trắng, tới cơn nóng giận, mà tôi nghĩ chắc là không có liên hệ với nhau. Tuy nhiên sao lại cứ phải tiếp tục cái câu chuyện này nhỉ, tôi không rõ, nếu một ngày nào đó tôi phải kết thúc nó, thì tại sao lại không làm phứt ngay bây giờ đi? Nhưng đó chỉ là những Ê tưởng, không phải những ý tưởng của chính tôi, ôi mặc kệ, xấu hổ ghê. Bởi vì tôi nay đã già yếu lắm rồi, chính trong sự đau khổ và yếu đuối mà tôi đã thì thào tại sao rồi ngừng nói, và những ý tưởng cũ như một cơn lũ trong người tôi dâng lên đến tiếng nói, những ý tưởng cũ đã sinh ra đã trưởng thành với tôi rồi bị dồn nén xuống đáy vực, a ta lại được thêm một ý tưởng nữa. Thôi, chúng ta hãy trở về với cái ngày xa xưa ấy, hay bất cứ một ngày xưa xa nào, và những đôi mắt ngước nhìn từ mặt đất được trao tặng đến những vật trên mặt đất rồi nhìn lên khoảng trời trên cao, rồi lại nhìn xuống, ngước lên và nhìn xuống, và những bàn chân không đi đến nơi nào cả, mà chỉ ráng bước trở về nhà, những bàn chân trong buổi sáng đã rời nhà và đã quay về nhà trong buổi tối, và cái thanh âm của tiếng nói tôi từ sáng đến tối lằm bằm những câu chuyện xưa cũ từ muôn đời tôi không buồn nghe, tiếng nói của tôi trong buổi tối nhưng không phải tiếng nói của mình mà cũng chẳng là một tiếng nói, như một con vượn đuôi xoè đang ngồi hầu chuyện trên vai tôi. Những câu nói thấp và khàn, với cái chứng bệnh viêm yết hầu của tôi thì chẳng phải là một điều đáng để ngạc nhiên. Tới đây tôi phải bảo ngay rằng tôi chẳng hề trò chuyện với một ai, ngoại trừ cha tôi, có thể là kẻ cuối cùng đã được nghe tôi nói. Mẹ tôi cũng vậy, bà cũng đã thôi nói chuyện, thôi trả lời, nếu không thì bà chỉ lằm bằm một mình, từ ngày cha tôi mất. Tôi đã xin tiền mẹ, tôi đâu muốn giấu giếm cái chuyện này, chắc đó là những tiếng nói cuối cùng tôi đã dành cho mẹ. Đôi khi bà đã tru tréo đằng sau lưng tôi, hay van xin, nhưng không lâu, chỉ vài tiếng thôi, rồi cặp môi già lại mím lại thật chặt nếu tôi có ngước nhìn, và bà xoay nghiêng liếc về phía tôi, nhưng chẳng mấy khi được như vậy. Có khi tôi nghe bà nói chuyện một mình trong đêm tối, hay là tôi chỉ đoán phỏng thôi, hoặc có thể là bà đang đọc kinh lớn tiếng, hoặc có thể là bà đang đọc sách lớn tiếng, hoặc có thể là bà chỉ ôn lại những bài hát cũ, mụ già đáng thương. Hỡi ôi, sau con ngựa và cơn nóng giận tôi hết biết rồi, nhưng cứ tiến tới thôi, rất giản dị như vậy đó, rồi có thể sẽ là sự từ từ quay ngược lại, từ từ tách rẽ từ mé phải hay mé trái, cho tới khi quay hẳn lại, rồi quay trở về. A thầy và mẹ, đức hạnh như vậy đó, chắc là bây giờ họ đang ở trên thiên đường. Sa xuống địa ngục là cái đặc ân mà tôi đang khẩn nguyện, và ở nơi ấy tôi sẽ tiếp tục nguyền rủa các đấng sinh thành, và mong cho họ sẽ ngó thấy và nghe thấy tôi từ trên ấy, điều này dám có thể khiến cho ổng bị nghẹn họng trong niềm hạnh phúc lứa đôi. Dạ đúng, tôi đã tin những lời phỏng định tào lao về cái đời sau, nhờ vậy mà tôi đã thấy hứng khởi, trời ơi đối với một nổi thống khổ như của tôi thì chẳng có cái hư vô nào là thật đáng kể. Dĩ nhiên tôi đã điên rồ vào thuở ấy cũng như vào lúc này, nhưng tôi vô hại, người ta đã nghĩ rằng tôi vô hại, nghĩ bậy nhưng nghe rất hay. Ồ thật ra thì tôi đã không điên rồ, mà chỉ kỳ cục, kỳ cục lai rai, năm này qua năm nọ càng ngày càng tăng, ở những cái chỗ được hít thở tự do chẳng có ai kỳ cục hơn tôi ngày hôm nay. Ông giÊ tôi, có phải tôi đã giết ổng như tôi đã giết bà má của tôi không, rất có thể lắm chứ, nhưng không nên bận tâm với cái câu hỏi bể đầu này, bởi vì tôi nay đã già yếu lắm rồi. Các câu hỏi đang dội về làm xáo trộn đầu óc tôi trên đường đi, một cuộc tẩu tán. Bỗng nhiên chúng nó hiển hiện, nhưng không, chúng nó đã trồi lên từ cái đáy vực cũ, rồi nổi và trôi trước khi tan biến, những câu hỏi chắc chắn đã bị đập bể, nghiền nát ngay tức khắc trước khi chúng nó có thể hình thành nếu đầu óc tôi vẫn còn nguyên, nghiền nát. Chúng thường đến từng cặp, bốp, câu này trên câu nọ. Tỉ dụ, Làm sao để tôi tiếp tục thêm một ngày nữa? và rồi, Tôi đã có thể tiếp tục thêm một ngày nữa bằng cách nào vậy? Hoặc là, Có phải là tôi đã giết cha? và rồi, Tôi đã từng giết ai chưa? Như vậy đó, đại khái là từ cái chung đến cái riêng, câu hỏi là câu đáp có thể hiểu như vậy đó, rõ gàn. Tôi tìm đủ mọi cách để chống trả, bước nhanh khi bị tấn công, hung hăng lắc cái đầu lên xuống qua lại, con mắt bấn loạn bắn vào các vật thể, đẩy tiếng thì thầm lên thành một tiếng la, đó là những cách để mình tự giải nguy. Nhưng chúng cũng không cần thiết, còn một cái tật xấu đang ẩn ở một nơi nào đó, nếu là kết cuộc thì tôi có thể dàn xếp được, nhưng tôi đã từng nói biết bao lần rồi, khi đối diện một sự tàn khóc mới, Đây là chung cuộc, nhưng mà vẫn chưa là chung cuộc, tuy rằng chung cuộc chắc cũng chẳng còn xa lắm đâu, tôi sẽ ngã quỵ trên đường đi để không thể đứng dậy được nữa hoặc sẽ nằm cuộn tròn ngủ qua đêm không một bóng người lai vãng cho tới lúc trời bừng sáng. Ồ tôi cũng biết rằng mình sẽ chấm dứt và sẽ trở về trạng thái của trước lúc mình hiện hữu, ngoại trừ sự đã nốc cạn hết thay vì sẽ còn được nâng ly, đó là cái hạnh phúc của tôi, và tiếng thì thầm của tôi thường yếu dần và chết dần và tôi khóc vì hạnh phúc trong lúc tiếp tục bước trên đường và vì yêu thương trái đất già nua này đã ấp ủ tôi suốt bao năm tháng không một lời than van như tôi rồi cũng sẽ không còn than van nữa. Tôi sẽ bắt đầu ở chỗ gần sát mặt đất, rồi tan rã và trôi giạt khắp nơi trên quả địa cầu và có thể cuối cùng từ một ghềnh đá vút bay ra biển, một chút gì còn lại của tôi. Một tấn trùn cho mỗi mẫu đất, ôi cái ý nghĩ tuyệt vời, một tấn trùn, tôi không bảo không. Nó đã đến với tôi từ đâu, từ một giấc mơ, hay một cuốn truyện thời thanh xuân đọc trong một xó phòng, hay là một con chữ bất ngờ đã bay đến trên đường, hay là đã ở trong tôi từ bấy lâu nay ẩn núp chờ dịp mang đến cho tôi niềm vui, thế đấy cái thứ ý nghĩ đê hèn mà tôi đã phải phấn đấu lại bằng cách thế tôi đã kể. Nhưng chẳng có gì để thêm vào cho cái ngày với con ngựa trắng và bà mẹ trắng nơi cửa sổ, à xin các bạn xem lại các mô tả về họ ở bên trên, trước khi bước qua một ngày khác xa hơn, chẳng có gì để thêm vào trước khi tiến xa thêm trong thời gian bằng cách nhảy vọt qua hàng trăm hoặc hàng nghìn những chuỗi ngày như tôi đã không thể làm được ở cái thời mà tôi phải lôi chúng ra từng ngày một từng ngày một cho đến cái ngày mà tôi đang tới trong cái lúc này, không, chẳng có gì cả, tất cả đã biến mất ngoạ trừ bà má tôi đứng nơi cửa sổ, con ngựa, sự hung bạo, cái nóng giận, cơn mưa. Nhưng hãy nhanh lên đi chứ, với cái ngày thứ hai và chấm dứt với nó và giải thoát tôi ra khỏi nó và bước qua cái ngày kế tiếp. Ờ thì tôi đây, tôi bị một gia đình hay một bộ lạc hành hung và rượt đuổi để bắt đầu, tôi không biết rõ, một gia đình hay một bộ lạc chồn trắng, chuyện gần như không thể tin được, nhưng hình như là những con chồn bạch. May mà tôi đã, nếu tôi dám nói như vậy, thoát chết, cái mệnh đề này đọc nghe kỳ cục, chắc có trục trặc ở đâu đó. Một kẻ khác rất có thể đã bị cắn và chảy máu đến chết, có thể bị hút trắng máu như một con thỏ, a đây nữa cái từ trắng. Tôi chưa từng nghĩ đến, tôi biết vậy, nhưng nếu tôi đã biết, và đã làm vậy, thì tôi đã chỉ cần nằm xuống để bị vét sạch máu, hệt như một chú thỏ. Nhưng buổi sáng trước hết như thường lệ và cái lúc khởi hành. Khi có một ngày trở lại, vì lẽ này hay lẽ nọ, cái buổi sáng và cái buổi tối của nó cũng sẽ có mặt, dù cho tự bản thân chúng không có gì đáng chú ý, cái lúc khởi hành và cái lúc trở về, ấy là cái mà tôi cho là đặc biệt. Đứng như vậy trong buổi hừng đông xám, yếu và lả tới mức không thể chấp nhận được sau một đêm kinh khủng, không thể ngờ trước được rằng những chuyện sẽ xẩy đến cho mình, ở ngoài và trên đường. Vào khoảng thời gian nào của năm, tôi quả thật không rõ, nhưng cũng không quan trọng? Không phải một cơn mưa thực sự, mà chỉ vài ba giọt, lưa thưa khắp các nơi, một thời gian để cho ta có thể thức dậy, nhưng không, giọt giọt từ sáng tới tối, không có mặt trời, cùng một cái ánh sáng xám, sự im lặng chết chóc, không có gì cựa động, không một cơn gió, cho đến tối mò, rồi đen, và một chút gió, tôi có thấy vài cái ngôi sao khi sắp tới gần nhà. Cây gậy của tôi tất nhiên, diệu kỳ thay, tôi sẽ không nói lại nữa, ngoại trừ nếu có thêm ý kiến mới cây gậy của tôi cầm trong tay. Song không có chiếc áo rộng, chỉ có cái áo vét, tôi không chịu nổi cái áo rộng, thùng thình và cứa vào chân, hay đúng hơn một hôm tôi bỗng dưng đâm ghét nó, một sự căm thù bất ngờ và hung bạo. Có rất nhiều bận, áo quần mặc đã xong để lên đường, tôi lại lôi chiếc áo rộng ra và khoác nó vào người, rồi cứ đứng trân giữa phòng không còn những cử động chờ tới lúc có thể cởi nó ra đem mắc vào tủ áo. Nhưng khi vừa xuống tới chân cầu thang và bước ra ngoài đường thì cây gậy tuột khỏi tay và tôi ngã quỵ trên hai đầu gối và ngon trớn ngã té sấp trên bụng, chuyện gần như không thể tin được, và một lúc sau lăn ngược nằm ngửa, tôi không thể nằm sấp mặt chạm đất được lâu, dù có thích chuyện ấy, nằm vậy khiến tôi nghe buồn nôn, và tôi đã nằm xoải người ở đó có thể khoảng nửa giờ, hai tay buông xuôi theo mình và lòng bàn tay chạm vào các viên sỏi và hai con mắt mở to lang thang trên trời. Hay đó chỉ là một cuộc thí nghiệm đầu tiên kiểu đó, đó là câu hỏi thường hay vồ lấy ta ngay tức khắc. Cái ngã tòm xuống đất theo kiểu cổ điển là một chuyện rất quen thuộc đối với tôi, sau đó nếu không bị gãy chân ta lại có thể nhổm dậy tức khắc và tiếp tục vừa bước vừa nguyền rủa Thượng đế và con người, không liên quan tới ái chuyện bị té. Lọt ra ngoài cái đầu tất cả những cái đã từng hiện hữu có cách nào để trở về cái nọc độc duy nhất đề tài của những sự biến đổi vô tận đã luân phiên kéo tới suốt đời để chơi ta bằng những liều lượng nhỏ dần dần cho tới khi cũng gây ra cái chết. Bởi thế cho nên và nghĩ cho cùng thì ở mỗi trận xung kích cái cũ là cái mới, không thể có hai hơi thở giống hệt nhau, không có chuyện tái diễn không ngừng và không có cái gì sẽ trở lại một lần thứ hai. Nhưng bây giờ thì hãy đứng dậy và nhanh lên phần kế tiếp của cái ngày tai hại ấy để chấm dứt với nó và bước qua cái ngày kế. Nhưng mà tiếp tục cái câu chuyện này để làm gì nhỉ, chẳng để làm gì cả. Những chuỗi ngày ở ngoài trí nhớ ngày này qua ngày kia cho tới cái chết của mẹ, rồi một cái chỗ mới chóng thành cũ cho đến cái chết của tôi. Và cuối cùng đã đi đến cái đêm hôm ấy ở giữa những phiến đá với hai cuốn sách của tôi và cái ánh sáng rõ ràng của các ngôi sao nó rồi sẽ xa tôi, như trong cái ngày hôm qua, hai cuốn sách của tôi, cuốn nhỏ và cuốn lớn, tất cả đã biến mất ở nơi xa, nếu không thì có thể là vài khoảnh khắc tản mác, có thể là cái tiếng động nho nhỏ ấy mà tôi không hiểu được bởi thế mà đã gom góp các thứ lại và chui vào trong cái lỗ của tôi, những khoảnh khắc đã thực sự qua lâu rồi nên ta có thể bảo vậy. Đã qua, đã qua, trong trái tim tôi có một chỗ dành cho tất cả những cái đã qua, chứ không cho một người của quá khứ, tôi yêu cái từ này, các chữ đã là những mối tình duy nhất của tôi, vài chữ. Tôi vẫn thường hay sáng tối thốt lên cái chữ đó khi bước trên đường, và đôi khi tôi thoáng nghe, Vàqua, vàqua.[2] Ồ nếu không mắc cái chứng không ngồi yên một chỗ kinh niên thì có thể tôi đã sống trọn cuộc đời mình trong một căn phòng trống và rộng để bắt những âm vọng, với một chiếc đồng hồ xưa lớn, chỉ để được lim dim đôi mắt và lắng nghe những tiếng gõ, cánh cửa của đồng hồ mở ra để tôi nhìn cái quả lắc, đưa mắt theo dõi động tác qua lại, và những cục chì lòng thòng càng lúc càng xuống thấp cho tới khi tôi rời chiếc ghế bành đứng dậy vặn chìa khoá lên giây, mỗi tuần một lần. Cái ngày thứ ba thì có con mắt của người phu lục lộ nhìn tôi, tôi chợt nhớ lại, cái thằng cộc cằn áo quần rách rưới đứng trong chiếc hố gập người lại làm đôi trên cái mai nếu cái đó là cái mai và nhìn xéo về phía tôi dưới vành nón nỉ cũ, mồm đỏ, vẻ mặt sững sờ vì tôi đã nhìn thấy nó, a, đây rồi, cái ngày mà tôi bắt gặp cái nhìn của Balfe, hồi nhỏ tôi đã kinh như một cái nhìn ác cảm. Nhưng hắn đã chết rồi và bây giờ tôi giống y như hắn. Nhưng nhanh lên cái phần kế tiếp và kết thúc với những cái cảnh xưa cũ ấy và đi đến cái này và cái phần thưởng của tôi. Lúc ấy sẽ không còn như bây giờ, ra ngoài, bước đi, rẽ lối, quay về, từng ngày từng ngày lật qua như những trang sách hay vò nát trong tay ném ra chỗ xa, mà chỉ là một cái ngày hôm nay thật dài không có lúc trước lúc sau, ánh sáng hay bóng tối, từ ấy hay tới khi, cái nửa-ý thức đã ở chỗ nào bị xoá, và từ lúc nào hay bởi cớ chi, mà những thứ tạp nhạp như vậy nữa, lẫn lộn lại thành một, và cứ xoá mờ dần, cho đến khi không còn ì nữa, đã chẳng có gì cả, không thể có được một cái gì ở nơi ấy, sự sống và cái chết hoàn toàn không, các thứ như vậy đó, chỉ là một tiếng nói mơ màng và lằm bằm khắp xung quanh, coi đó như đã là một cái gì rồi, tiếng nói ngày xưa đã từng ở trong miệng. Ờ thì khi đã vượt qua chiếc cổng sắt rồi và đã ở trên đường đi rồi thì sẽ xảy ra chuyện gì, tôi thực tình không biết, khi tìm thấy tôi lại thì tôi đã ở trên ấy giữa những cành lá dương xỉ, quất gậy qua bên phải và qua bên trái đến rướm nước và văng tục, đồ rác rưởi, cũng những lời thô tục đó không ngừng, hy vọng chẳng có ai nghe. Cổ họng bỏng rát, nuốt là một cực hình, và còn thêm cái lỗ tai đã bắt đầu lảng, dù tôi đã ngoáy tận đáy, vô phương cứu chữa, chắc là màng nhĩ đã bị những cục cứt ráy già đè lên. Êm ả lạ thường trên vạn vật và trong tôi cũng hoàn toàn yên tĩnh, một sự trùng hợp, nhưng cớ chi cái tràng tiếng chửi rủa đó tôi thật tình không rõ, không, đừng nói bậy bạ, và chém chặt với cây gậy như tôi đã làm vậy, cơn điên cuồng nào đã xâm chiếm tôi, tôi một kẻ rất hiền lành và yếu đuối và không thể tiếp tục bước trên con đường của mình nữa. Lúc này có những con chồn trắng không, không, trước tiên tôi lại ngã quỵ, như vậy, và mất hút trong những cành lá dương xỉ, cao đến thắt lưng tôi, trong lúc tôi đi đường tôi. Chúng nó thật là tợn những cành lá dương xỉ ấy, như bị hồ cứng, gần như là gỗ, những cành cây thật gớm ghiếc, xước da đùi qua ống quần, rồi thì những cái lỗ sâu chúng nó che lấp, trật giò là té xuống gãy chân, văn chương chữ nghĩa [3] kỳ cục, hy vọng sẽ chẳng có ai đọc, té không ai hay, nằm đấy mấy tuần lễ không ai nghe, tôi đã nghĩ như vậy ở trên ấy, trên ngọn núi cao ấy, không, đừng nói bậy nói bạ, luôn luôn chỉ đi trên đường tôi thôi, cái thân hình của tôi nó cố hết sức lúc tôi vắng mặt.

 

(1957)

 

Nguyễn Đăng Thường dịch từ nguyên tác "d'un ouvrage abandonné"
trong tuyển tập của Samuel Beckett, Têtes-Mortes (Paris: Les Éditions de Minuit, 1967).

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Robert Cochran, Samuel Beckett, A Study of the Short Fiction (New York: Twayne Publishers, 1991).

[2]Trong nguyên tác: Épassé, épassé, tân ngữ do Beckett sáng chế, có thể là "Eh + passé" ("Ê + đã qua" hay "Ê + quá khứ") hoặc "Et + passé"("Và + đã qua" hay "và + quá khứ").

[3]Trong nguyên tác: quel français (tạm dịch: "tiếng tây tiếng u quái gở".


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021