thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chơi hay không chơi

 

Cuối cùng, dường như không còn đủ kiên nhẫn nữa, cô ta bỏ đi. Đường phố hoàn toàn hoang vắng. Chỉ có con mèo cái cỡn cờ nhảy qua các mái ngói, kêu gào thê thiết.

Tôi cười. Cười cái gì? Tại sao? Không có ai. Anh ta đâu rồi? Biến mất ư? Không thể được. Vô lý!

Bạn gọi đó là đoạn kết. Thì đó có thể là đoạn kết. Mà cũng không thể. Thì... thế! Thôi vậy, để tôi kể lại. Đây là cái truyện.

Ở giữa thành phố, tức là nơi quảng trường, có một cái chùa. Chùa Một Cột. Chùa là một cái tháp cao vòi vọi, cao bằng một toà nhà chín tầng.

Có thể là hơn 900 năm trước. Có thể là hơn 900 năm sau. Vậy bạn muốn nó cao mấy tầng mà chẳng được. Bạn tưởng tượng đi!

Cột đá nâng chùa lên, như một cuống sen nâng đài sen. Cột đá thì rỗng và có thể đi vào trong, trèo thang mà lên tận phương đình chót vót có treo chuông.

Một hôm, tôi đi vào trong cột đá ấy.

Tự tử. Này, có đế thì cũng đế từ từ thôi. Có gì mà ngạc nhiên thế. Ai cũng chết. Có điều tôi muốn chết theo cách của mình. Có những cách thế dám sống thì cũng có những cách thế dám chết. Thật tình thì chẳng có chi là mới.

Mà có gì mới nào? Tôi sẽ leo lên phương đình và nhảy xuống.

Người tự tử là người có tính hiếu kỳ. Một nỗi hiếu kỳ đặc biệt về cái chết. Thử nhìn thẳng vào cái chết xem sao. Không sợ hãi. Hoặc là giải thoát mọi sợ hãi.

Khi lên được phương đình rồi thì mặt trời đang lặn, đỏ chói. Một quả trứng vĩnh cửu. Mọi sự sống nhờ nó mà chuyển hoá. Riêng nó thì dường như không chuyển hoá gì. Cũng không đúng. Vì nó có vẻ như sắp nở ra bóng đêm.

Và tôi ngạc nhiên hết sức khi nhìn thấy đứng dựa một góc phương đình là...

Chẳng phải quen, chẳng phải lạ. Đó là chính tôi. Như thể tôi đang đứng trước một chiếc gương soi.

Rõ ràng đó là tôi. Không thể tìm thấy một chi tiết nào ở anh ta mà có thể khác tôi. Một hiện tượng ly hồn.

 
Khi tôi ly hồn
Nửa tôi ca hát
Nửa tôi cô đơn
 
Đã có thật tôi
Lại còn tôi giả
Cứ thế mà chơi!
 
Chơi hay không chơi?
Mà tôi chạy trốn
Chia lìa với tôi.
 

Công án: Khi tôi ly hồn, tôi nào là thật?

Công án chỉ là công án khi nó là của ta, một mình ta. Có tổ nào đâu?

Tôi bắt đầu lên tiếng:

- Anh là ai?

Và nghe một âm vang là chính giọng tôi:

- Tôi là tôi

- Đứng đây làm gì?

- Xem cái chết của chính mình

- Không ai khác chết cái chết của ta. Xem thế nào được?

- Nếu muốn, ta có thể nhìn ta như là một kẻ khác. Kẻ khác đó có thể làm những chuyện mà tưởng như ta không bao giờ làm.

- Bây giờ ta sẽ làm gì? Và ai sẽ theo ai?

- Chẳng có gì phải làm. Chỉ có trò chơi. Vấn đề là: Chơi hay không chơi?

Tôi hỏi một vài câu khác. Cũng thế. Không thể đối thoại. Tôi không thể đối thoại với tôi. Không có lời đáp nào khác nữa mà chỉ là âm vang. Như trong hang động. Lời tôi vang đi dội lại giữa phương đình:

- Nếu như...

- Nếu như...

- Thế thì...

- Thế thì...

- Có thể...

- Có thể...

- Đành vậy...

- Đành vậy...

- Bây giờ...

- Bây giờ...

Bỗng dưng tôi nhìn thấy dưới quảng trường một đám đông tụ tập bên chùa Một Cột tự bao giờ. Và bắt đầu ồn ào. Hàng loạt tiếng nói bay lên rào rào như ong vỡ tổ:

1. Tự tử đi!

2. Từng người một hay cả hai cũng được!

3. Nào, dũng cảm lên!

4. Đừng có điên!

5. Đừng chết, em yêu anh!

6. Yêu người kế bên có phải hay hơn không?

7. Nhảm!

8. Ai trong hai ông là hoạ sĩ nổi tiếng?

9. Bọn mi không còn trò nào khác để chơi à?

10. Đừng nhảy xuống. Nên thắt cổ.

11. Đúng đấy, một xác chết treo sẽ đẹp hơn.

12. Nhảy đi! Đang quay phim. Chết giữa hoàng hôn. Rất tuyệt.

13. Trước khi chết, hát đi!

14. Hát đi!

15. Khóc đi!

16. Cười đi!

17. Nhảy múa đi!

18. Đừng chen lấn, thôi nào!

19. Đéo mẹ!

20. Này, nếu đằng ấy chờ, tớ sẽ leo lên, bọn ta cùng tự tử cho vui.

21. Vui cái con khỉ!

22. Vui cái cóc khô!

23. Vui cái thằng Ngô!

24. Các người im hết đi thì người ta mới tự tử cho bọn ta xem chứ!

25. Nói thì có hại gì?

26. Mà im thì hơn!

27. Trên điên hay dưới điên?

28. Đâu mà chẳng điên!

29. Mệt chết đi được!

30. Chết mà không chết.

31. Chết tiệt!

32. Bị chúng phỉnh rồi!

33. Phải đấy, chờ tới bao giờ?

34. Bọn nó hãi rồi, không tự tử nữa!

35. Chán mớ đời!

36. Về thôi!

Đám đông lao xao một hồi rồi tự động tản đi. Quảng trường lại vắng. Chỉ còn một vài tia nắng cuối cùng hắt xuống phương đình.

Đúng đấy. Còn một cô gái xinh đẹp. Không đoán được tuổi. Trắng toát. Da như băng tuyết. Tóc như mây. Đôi môi đỏ như máu. Nàng mặc áo nhung đen. Bay lượn quanh nàng một vài đốm sáng ma trơi.

Nàng đứng ngáp, ngước nhìn phương đình. Rồi giọng nàng rít lên, bay vút đến tôi:

- Có chết không thì bảo?

- Cô là ai?

- Tử thần!

- Chắc chứ?

- Ta số ruột lắm rồi. Mệt quá! Không có thời giờ chợp mắt mà ngủ nữa.

- Tử thần là giống cái ư?

- Đồ ngu! Ta làm tình với cả hai giống. Nào, đã dám chết chưa?

- Vì sao ta dám chết mà lại không dám sống? Để ta thương lượng lại đã.

- Với ai?

- Thì với chính ta.

Tôi chỉ vào “cái tôi” đứng bên cạnh. Nhưng ô hay, anh ta đâu rồi? Biến mất.

Cũng không còn cô gái đẹp đáng sợ trên quảng trường.

Rồi sao nữa? Ai có thể trả lời câu hỏi này. Cái tiếp tục bao giờ cũng là vô tận.

 
Vô tận là hạt bụi
Bay mông lung mà chẳng bám vào đâu
Vô tận là bọt sóng
Vỡ tan mau như một nụ hôn đầu
Vô tận là cái bóng
Chập chờn kia không lụy cái hình nào.
 

Rồi sao nữa?

Ta có tự tử không? Chơi hay không chơi?

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021