thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Biết chuyện | Điều đáng ngạc nhiên

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

LYNDA BARRY

(1956~)

 

Lynda Barry — nhà văn, kịch tác gia, hoạ sĩ, một trong vài tác giả nổi danh nhất ở Hoa-kỳ về những truyện biếm hoạ — là người Mỹ lai Phi-luật-tân, sinh tại Wisconsin, lớn lên tại Washington và hiện sống tại Seattle. Trong gần cả trăm tập truyện tranh của bà, những cuốn được đọc nhiều nhất là Girls + Boys (1981), Naked Ladies! Naked Ladies! Naked Ladies! (1984), Come Over Come Over (1990), My Perfect Life (1992), The Freddie Stories (1997), và The Greatest of Marlys (2000). Lynda Barry đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết: The Good Times Are Killing Me (1988) và Cruddy (1999).
 
Hai truyện dưới đây, "Knowing Things" (1989) và "The Surprise" (1990), xuất hiện lần đầu trong tập Come Over Come Over (New York: Harper Perennial, 1990), đã được đưa vào tuyển tập văn chương hậu hiện đại Mỹ [do Paula Geyh, Fred G. Leebron và Andrew Levy biên tập] — Postmodern American Fiction: A Norton Anthology (New York: W.W. Norton & Co., 1998).

 

___________________

 

BIẾT CHUYỆN

 

Em gái Marlys của tôi đang thực hiện một dự án trồng cây ở hiên sau. Nó mới 8 tuổi nên nó vẫn chưa chán biết chuyện. Tôi đã thực hiện cái dự án giống hệt như vậy cách đây chừng một triệu năm. Trồng những cây đậu trong hộp sữa. Quả là đại sự!
— Tao đã nói với mày nhiều lần rồi. Mày không làm đúng cách.
— Xéo đi bà.

 

Tôi bảo nó rằng nó chỉ cần có ba điều để thí nghiệm: 1/ Không tưới nước. 2/ Tưới ít nước. 3/ Tưới ngập nước. Nó trồng 30 cây. Nó đang thử tưới bằng nước pha bột giải khát Kool-Aid, sữa, và nước rễ cây hiệu Cragmont. Nó thoa bóp một cây bằng dầu cù-là Vicks. Nó chôn kẹo sô-cô-la sữa vào đất của một cây khác. Nó nói nó đang tìm kiếm cái công thức bí mật.
— Tôi là Milton... là lá la... con trai mới tinh của ông... la lá là...[1]

 

Khi tôi cố gắng nói với nó chẳng có cách nào mà cây mọc lên được theo kiểu đó, thì nó nói: "Mọi người ai cũng bảo vậy." Tôi không biết nó đã lượm được cái ý nghĩ đó từ đâu! Chắc chắn là từ những cuốn sách ta cứ vẫn đọc mà trong đó chẳng có chút hiện thực nào. Một cái cây huyền diệu thình lình biết nói hay một con chó huyền diệu thình lình biết nói và mọi sự trên thế giới này đều có thể trở nên huyền diệu. Ngay cả bãi nước miếng của bạn cũng có thể là huyền diệu. Và đó là cái điều đang nẩy ra trong đầu nó. Có một cây bị nó nhổ nước miếng lên.
— Mày khùng rồi.
— Xéo đi bà.

Tôi đã cố gắng giải thích cho nó nghe cái ý niệm về hiện thực và rằng hiện thực thì đẹp đẽ và nó nói những cái cây của nó là hiện thực và nó là hiện thực và tôi nói cái hiện thực thật sự chính là nó đang làm kẻ hành hạ cây cối và tất cả những cái cây đó sắp chết tiệt vì nó và những điều tôi nói đã thành sự thật. Đã thành sự thật. Đã thành sự thật. Marlys, tao xin lỗi, điều tao nói đã thành sự thật.

 

___________________

 

ĐIỀU ĐÁNG NGẠC NHIÊN

 

Brenda thân mến, Xin lỗi vì quá lâu mình không viết thư nhưng cuộc sống của mình vẫn cứ xuống dốc như vậy đó. Chắc đằng ấy hiểu mình muốn nói gì. Sống trong một sự xuống dốc kéo dài mãi. Năm nay thật là một năm kỳ cục quá chừng. Sống với bà ngoại thì ôkê nhưng dù cho ngay cả mình biết mẹ ghét mình, mình vẫn ước ao được trở lại sống với mẹ và lui tới với đằng ấy.

 

Mình cũng đã bắt đầu suy nghĩ về toàn bộ sự xuống dốc của cả thế giới. Cũng vẫn là những vấn đề ấy. Bạo động, thành kiến và ô nhiễm. Hoàn toàn đúng như lời bài hát "Cái gì đang xảy ra vậy." Thật ra đôi khi cũng khó mà tiếp tục chịu đựng, nhưng như người ta nói "Hãy vững lòng nhé cưng", nên mình đang cố gắng. Tuy nhiên chỉ có một điều mà lúc này mình không biết chắc, đó là Thượng Đế.

 

Đằng ấy đã đọc cuốn sách về Anne Frank[2] trong lớp chưa? Hồi ấy chị ta ở lứa tuổi bọn mình, thật là lạ phải không. Mình phải viết một bài luận về cuốn ấy và mình đã cầu nguyện Thượng Đế ban cho mình một lời giải thích về biến cố được kể lại trong sách, nhưng Brenda ơi, ông ấy chẳng đáp lại mình lấy một lời. Mình biết có lẽ mình giống như một con kiến đối với ông ấy và bài luận của mình là cái thá gì nhưng hãy nhìn xem ông ấy đã nói gì với Anne Frank khi chị cầu nguyện và hàng triệu người khác và không chỉ có họ mà còn ngược về thời buôn nô lệ thì thế nào? Bởi vì mình biết họ cũng đã cầu nguyện.

 

Đằng ấy có tin nổi không, bây giờ là 3 giờ khuya trong lúc mình đang viết thư này. Em gái Marlys của mình đang ngủ trong giường và điều kỳ lạ nhất vừa mới xảy ra. Bên ngoài cửa sổ mình nghe một con chim hót trong bóng đêm đen như mực. Nếu giây phút này là một cuốn phim trong đó có một cô gái đang ngồi viết thư này cho đằng ấy về những vấn đề này, thì mình đoán nó mang một ý nghĩa nào đó. Mình chẳng biết. Có lẽ điều đáng ngạc nhiên về Thượng Đế là ông ấy nhỏ nhen. Có lẽ tất cả những gì ông ấy nói được là hãy lột tròng mắt ra để nhìn rõ mọi vấn đề và hãy giúp đỡ lẫn nhau và hãy cẩn thận đối với nơi bạn nhận những lời chỉ bảo. Thôi thì mình chỉ viết được chừng này. Mình hy vọng đằng ấy được mọi sự tốt đẹp.
             An lạc + Yêu thương
             Maybonne
TB: Mình vẫn nghĩ cuộc sống là huyền diệu.

 

-------------------
Nguyên tác: "Knowing Things" và "The Surprise"
trong Lynda Barry, Come Over Come Over (New York: Harper Perennial, 1990).
In lại trong Postmodern American Fiction: A Norton Anthology,
eds. Paula Geyh, Fred G. Leebron, Andrew Levy
(New York: W.W. Norton & Co., 1998).

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Lời hát trích từ phim hoạt hoạ truyền hình Milton The Monster (do Hal Seeger thực hiện vào năm 1965). Câu hát này được Quái Vật Milton hát lên trong một đoạn đối thoại với Professor Weirdo.

[2]Tức là cuốn nhật ký lừng danh của Anne Frank (1929-1945), một cô gái Do-thái, nạn nhân của Đức quốc xã. Trong Thế Chiến Thứ Hai, để tránh sự lùng bắt của Nazis, Anne Frank cùng gia đình phải trốn trong một căn nhà nhỏ ở Amsterdam, dưới sự che chở của những người bạn không Do-thái. Sau hai năm ẩn náu, gia đình Frank bị phát hiện vào tháng 8, 1944, và bị nhốt vào trại tập trung. Tháng 3, 1945, Anne chết vì bệnh sốt Rickettsia trong trại giam ở Bergen-Belsen. Sau Thế Chiến, cuốn nhật ký của Anne được tìm thấy và được xuất bản tại Hoà-lan. Cho đến nay, cuốn nhật ký này đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng và phổ biến khắp hoàn cầu.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021