thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Jazz, Jive và Jam

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn,
riêng tặng nhà thơ Nguyễn Đăng Thường.

 

LANGSTON HUGHES

(1902-1967)

 

Langston Hughes là đại biểu quan trọng nhất của dòng thơ da đen Mỹ và là một trong những tên tuổi lớn nhất trong văn chương Hoa-kỳ thế kỷ 20. Ông bắt đầu viết từ thời còn ở trường trung học. Một trong những bài thơ đầu tay nhưng nổi tiếng nhất của ông, bài "The Negro Speaks of Rivers", ông viết năm 1920, lúc mới 18 tuổi, và được đăng trên tạp chí văn học Crisis vào năm 1921. Cùng năm đó, ông xuất bản vở kịch đầu tay, The Golden Piece. Một tài năng đa diện, Langston Hughes làm thơ, viết kịch, viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn và viết tiểu luận. Trước khi qua đời, ông đã xuất bản 15 tập thơ, 11 vở kịch, 12 tập truyện và tiểu thuyết, và 6 tập tiểu luận.
 
Là một con người của văn chương, nhưng dường như đời sống của Langston Hughes không lúc nào rời khỏi tiết tấu và âm hưởng nhạc jazz. Ở tuổi thanh niên, ông đã từ bỏ trường đại học Columbia để tham dự vào những sinh hoạt của các nhạc sĩ jazz ở khu Harlem. Kịch của ông không phải là thoại kịch thuần tuý mà là loại kịch đòi hỏi diễn viên phải có khả năng cảm nhận và thể hiện "chất jazz" trong giọng nói và cử chỉ. Thơ của ông không phải để đọc im lặng bằng mắt, mà để đọc thành tiếng, để hát lên. Ông thường đọc thơ cùng với một ban nhạc jazz, và nhiều bài thơ của ông đã biến thành ca từ của nhạc jazz. Langston Hughes không chỉ yêu nhạc jazz, mà còn tin rằng nhạc jazz có sức mạnh truyền đạt sự tri cảm xuyên văn hoá.
 
Trong truyện ngắn sau đây, nhân vật Jesse B. Simple cho rằng tất cả những cuộc hội thảo nghiêm túc về vấn đề giao lưu liên chủng tộc đều vô ích. Chỉ có nhạc jazz mới dễ dàng giúp con người vượt qua những biên giới của màu da để đến với nhau. Thay vì cứ tiếp tục "gab", "gaff""gas", người ta nên "jazz", "jive""jam"![*]

 

_____________________

 

JAZZ, JIVE VÀ JAM

 

"Đó là Tuần Lễ cho Lịch Sử Làm Người Da Đen," Simple nói, "cô Joyce dắt tôi đi mua vé vào nghe một anh chàng hysterian[1] Da Đen nào đó..."

"Historian,"[2] tôi chỉnh lại.

"... anh chàng hysterian nói," Simple tiếp tục, "và anh ta hạ cái nòi giống Da Đen của chúng mình xuống thấp. Anh ta nói anh ta bị sinh nhầm, và bị đánh lừa, anh ta làm mất thì giờ quý báu của bọn tôi. Thay vì tốn thì giờ và tốn tiền bạc cho việc ấy, đi nhảy jazz thì tốt hơn. Ôi, anh ta tự thưởng thức mình trong lúc giày vò cái nòi giống da màu — mà anh ta thì cũng đen thui như tôi. Anh ta tận tình trình bày bài diễn thuyết — trong đó, hiển nhiên, có đôi chút sự thật."

"Phê bình xây dựng," tôi giải thích, "một lối đánh sập xuống để xây dựng lại."

"Anh ta đánh chúng mình sập xuống tan tành," Simple nói. "Cô Joyce bước ra và nói với tôi, tức là chồng của cô, rằng anh ta thật sự thuyết phục cô. Tôi nói, 'Cưng ơi, anh ta cũng chẳng đánh hụt cưng chút nào.' Nhưng Joyce không tự thấy mình nằm trong số những cái xấu.

"Trong lúc bọn tôi đi xe điện hầm về nhà, cô ấy bảo tôi, 'Jess Semple này,[3] em đã theo đuổi văn hoá từ hồi còn bé. Còn anh, ngay từ lần đầu em gặp anh, anh chỉ làm một việc là chui vô các quán bia và cãi nhau với những ông be bét. Những điều cao sang hơn của cuộc sống không chui ra từ một cái chai rỗng.'

"Tôi nói, 'Nhưng, Joyce, chứ tại sao mà cái văn hoá nó cứ phải khô khan như vậy?'

"Cô ấy nói, 'Chứ tại sao cái thực quản của anh nó cứ phải ướt át như vậy hả? Bây giờ anh đang ngồi trên chiếc xe điện này mà trông anh như đã thèm uống một lon bia rồi.'

" 'Trúng phóc!' Tôi nói. 'Anh thèm. Mà sao em đoán hay vậy?'

" 'Lấy nhau được ba năm rồi, em có thể đọc được ý nghĩ của anh,' Joyce nói. 'Mình sẽ mua vài lon đem về nhà. Có lẽ chính em cũng cần uống một lon.'

" 'Joyce, cưng ơi,' tôi nói, 'nếu vậy, thì hãy mua ba lon.'

"Joyce nói, 'Jess, hãy nghĩ đến cái túi tiền.'

"Tôi nói, 'Cưng à, chính em đã làm rách cái túi tiền để đi dự cái chương trình diễn thuyết mà mỗi đầu người mất Một Đô-la, chúng ta lại còn bỏ tiền lẻ vào quỹ cứu trợ người Da Đen nữa.'

" 'Tiền lẻ hả?' Joyce nói, 'em cho đến một đô-la đấy chứ.'

" 'Thế thì cái túi tiền của mình rách lắm rồi,' tôi nói, ' đã vậy thì mình làm nó rách thêm một chút cũng chẳng sao. Mình mua sáu lon bia nhé.'

" 'Được thôi,' Joyce nói, 'cứ mua đi, cứ uống cho rạc luôn — thay vì để dành tiền cho căn nhà mà mình muốn mua!'

" 'Sáu lon bia cũng chưa đủ để trả cho ngay cả cái bậc tam cấp thấp nhất ở trước nhà,' tôi nói. 'Nhưng chúng sẽ làm cho anh lên tinh thần tối hôm nay. Cái ông tiến sĩ Da Đen nói năng cao sang đó đã làm anh xuống tinh thần quá. Từ trước đến giờ anh đâu có biết cái giống da màu lại dại dột, lại bị hiểu nhầm, lại bị đẻ nhầm nòi như vậy. Theo như anh ta nói thì khó mà còn một người da đen thuần tuý nào sót lại. Nhưng lúc ấy anh đang ngầu[4] ở hàng ghế chót, nên anh đoán anh ta không thấy anh.'

" 'Giá như anh không phải ngủ một giấc sau bữa ăn trưa,' Joyce nói, 'thì mình đã đến đó đúng giờ và đã chiếm được ghế ở hàng đầu rồi.'

" 'Chỗ của anh cũng gần cái chàng hề đó lắm rồi,' tôi nói. 'Anh ta rống to tiếng như vậy, thì mình đâu cần phải ngầu[5] gần hơn nữa. Vả lại anh ta cũng chẳng có cái gì để mà ngắm nghía!'

" 'Rất ít người có học mà lại đẹp trai như tài tử Harry Belafonte,'[6] Joyce nói.

" 'Anh hài lòng vì anh đẹp trai chứ chẳng thông thái,' tôi nói. Nhưng Joyce chẳng hé môi cười. Cô bị ám bởi bài diễn thuyết ấy.

" 'Tiến sĩ Conboy thật thông thái,' Joyce nói. 'Anh có nghe anh ta trích Aristotle không?'

" 'Chứ Harry Stottle[7] là ai vậy?' tôi hỏi.

" 'Có tên một số người không bao giờ được đọc nhầm,' Joyce nói. 'Aristotle là một triết gia Hy-lạp cũng như Socrates vậy, một vĩ nhân của thời cổ đại.'

" 'Thế thì chắc là ông ấy có trước Booker T. Washington,'[8] tôi nói, 'bởi vì, thật ra, anh chưa bao giờ nghe tên ông ấy. Nhưng đêm nay là Tuần Lễ Lịch Sử Da Đen, thì tại sao Tiến sĩ Conboy lại phải trích một ông Hy-lạp nào đó vậy?'

" 'Có những người Hy-lạp vĩ đại,' Joyce nói. 'Chứ anh không nghe anh ta nói rằng Người Da Đen đã giữ một vai trò trong toàn bộ lịch sử, xuyên qua mọi thời đại, từ thời Địa Đàng đến bây giờ sao?'

" 'Em có nghĩ bà Eva là dân da nâu không?' tôi vặn.

" 'Em không biết về bà Eva,' Joyce nói, 'nhưng nữ hoàng Cleopatra thì thuộc giống da màu, và Thánh Kinh nói bà Sheba, người yêu của Solomon, là người da đen nhưng xinh đẹp.'

" 'Anh tự hỏi bà ấy có thích anh không?' tôi nói.

" 'Solomon cũng thấy Cleopatra là xinh đẹp.[9] Ông ấy là một ông vua,' Joyce nói.

" 'Và anh là Jesse B. Semple,' tôi nói.

"Nhưng lúc đó thì xe điện đã tới trạm. Khi vào cửa hàng, Joyce lại làm rách túi tiền thêm một lần nữa, mở cái ví ra, và mua cho chúng tôi sáu lon bia. Thế nên đêm đó rất tuyệt. Mọi sự kết thúc tốt đẹp — ngoại trừ tôi sẽ không đi bất kỳ buổi hội thảo nào nữa — đặc biệt những hội thảo về vấn đề liên hệ màu da."

"Thôi đi! Chứ anh không muốn cải thiện quan hệ chủng tộc hay sao?"

"Có chứ," Simple nói, "nhưng theo ý tôi, thì jazz, jive và jam sẽ làm cho quan hệ chủng tộc tốt đẹp hơn là tất cả những thứ gab, gaff và gas[10] cao sang mà những nhà hùng biện phun ra. Tất cả những bài nói chuyện mà những anh chàng da trắng nói trong các hội thảo, cả những anh chàng Da Đen tên tuổi nữa, về cách làm sao để đến với nhau — thì chỉ cần chút jam, một cuộc chơi jazz ngẫu hứng tập thể, là cũng đủ để mọi người vui vẻ đến với nhau mà khỏi phải lắng nghe quá nhiều bài diễn thuyết. Chứ sao nữa. Hồi tháng trước, Joyce đem tôi tới một Hội Thảo Về Quan Hệ Chủng Tộc do câu-lạc-bộ của cô ấy và hai mươi câu-lạc-bộ khác tổ chức, và ông bạn ơi, nó kéo dài ba ngày! Nó bắt đầu từ tối thứ Sáu và mãi đến chiều Chủ Nhật mới chấm dứt. Cả mấy bà già da đen cũng diễn thuyết nữa! Joyce là người ghiền văn hoá."

"Và anh cứ ngồi xem tất cả các thứ?"

"Tôi đâu có ngầu,"[11] Simple nói. "Tôi đứng. Tôi đi vào đi ra. Tôi hút thuốc ở góc phòng và lén uống hai lon bia ở quầy nước. Nhưng tôi phải đợi Joyce, và tôi nghĩ họ sẽ nói mãi không bao giờ dứt! Vợ tôi là một đại biểu của câu-lạc-bộ, nên cô ấy phải ở lại, mặc dù tôi nghĩ cô ấy cũng mệt đừ. Nhưng cô ấy chẳng chịu thú nhận. Joyce nói, 'Tiến sĩ Hillary Thingabod chắc hẳn là thông thái, chứ không phải sao?'

"Tôi nói, 'Anh ta chẳng thông thái gì ráo.'

"Joyce nói, 'Chứ anh muốn anh ta nói cái gì?'

"Tôi đáp, 'Anh ước gì anh ta hát, thay vì nói. Cái chương trình đó cần một chút âm nhạc để giữ cho bà con khỏi buồn ngủ.'

"Joyce nói, 'Diễn đàn của chúng ta không có ý định làm một buổi hoà nhạc. Nó có ý định tìm hiểu chúng ta phải làm thế nào để hội nhập với nhau.'

"Tôi nói, 'Với một ban nhạc jazz, họ có thể tạo sự hội nhập trong mười phút đồng hồ. Mọi người sẽ nhảy với nhau như họ nhảy ở quán rượu Savoy — cả da màu lẫn da trắng — hay ở dưới East Side trong những sòng Casino vào một đêm thứ Sáu nơi người ta chơi nhạc jazz ngẫu hứng tập thể — và chúng ta chắc hẳn sẽ hội nhập với nhau.'

"Joyce nói, 'Đây là một cuộc hội thảo nghiêm túc, nhắm vào các sự kiện, chứ không phải là chỗ chơi đùa.'

" 'Cưng ơi,' tôi nói, 'chứ còn cái gì có nhiều sự kiện hơn là hành động? Jazz làm người ta tham gia vào hành động, tới luôn! Chứ không phải là chẳng có ai cựa quậy nhúc nhích gì cả trong cái thính đường nơi em ngồi hay sao? Ngoại trừ có khi họ thình lình ngóc cái đầu lên một phát lúc họ bắt đầu buồn ngủ, để người khác tưởng mình đang gục gặc tán thành. Chứ không phải sao? Bà Maxwell-Reeves, chủ tịch, xém làm văng cặp kiếng mắt ra khỏi sóng mũi, bà ấy ngóc cái đầu lên một phát quá nhanh lúc cái ông mà em nói là quá thông thái ấy đang phát biểu!'

" 'Này Jess Semple, không phải như thế!' Joyce hét lên. 'Bà Maxwell-Reeves chỉ chìm đắm trong tư tưởng. Và nếu mà anh nghĩ anh cũng thấy em đang ngủ gật thì...'

" 'Em thì quá bận rộn cố nhìn quanh quất để xem anh ở đâu,' tôi nói. "Tạ ơn Chúa, anh đã không phải ngầu[12] thẳng đơ ở đó như em cùng với phái đoàn. Anh sẽ không bao giờ làm đại biểu để đi dự cái hội thảo bá láp chẳng ích lợi quái gì cả như vậy.'

" 'Em tưởng anh rất lưu tâm đến việc cứu giúp giống nòi chứ!' Joyce nói. 'Lần tới em sẽ không cần anh cùng đi đến bất cứ sự kiện văn hoá nào nữa cả, Jesse B. à, bởi vì em có thể thấy anh không thích thú gì hết. Đó là một cuộc đàm luận về các đường lối và phương tiện. Còn anh thì lại nói về những ban nhạc jazz!'

" 'Có nhiều cách để lột da một con mèo,' tôi nói. 'Một ban nhạc jazz như ban của Duke[13] hay Hamp[14] hay Basie[15] chắc chắn sẽ giúp cho một cuộc hội thảo như thế. Ít nhất vào chiều thứ Bảy, người ta cũng có thể dùng một chút âm nhạc để đem một cảm hứng vào chương trình hội thảo. Xem này, hãy lấy ví dụ, cưng à, họ bắt đầu cuộc thảo bằng jazz và kết thúc bằng jam — và nói năng thì ở đoạn giữa. Hãy thử bắt đầu, lấy ví dụ, với bài "Bài Blues của thành phố St. Louis",[16] như một thứ quốc ca của dân da màu. Nó chắc hẳn sẽ làm cho mọi con người vui lên một chút. Rồi chơi bài "Sao Bạn Không Làm Điều Phải?"[17] như một cách để nói với các vị da trắng. Họ có thể dùng bàn chân gõ nhịp theo bài ấy. Rồi đến tiết mục thứ ba trước khi giới thiệu diễn giả, hãy để một nữ danh ca như Pearl Bailey[18] hát bài "Sẽ Làm Nên Những Đổi Thay"[19] — mà, theo anh hiểu, nó chính là đề tài của cuộc hội thảo, có lẽ thế — và rồi tất cả đám Da Đen đều đồng thanh nói Amen!

“ ‘Joyce, anh muốn em để anh lập chương trình cho những cuộc hội thảo liên chủng tộc lần tới. Sau phần âm nhạc, hãy để họ đọc diễn văn một lát — có lẽ giữa các bài diễn văn nên chêm vào một chút nhạc calypso.[20] Thế rồi, vào khoảng năm giờ chiều, hãy khởi động một cuộc jam, hết sức đặc biệt. Hãy bắt đầu mời uống trà với bản "Trà Cho Hai Người",[21] chơi cho thật điệu đàng. Trong lúc đang uống trà và khiêu vũ, ai muốn tạo quan hệ chủng tộc thì hãy tạo quan hệ, ai muốn tạo sự hội nhập thì hãy tạo sự hội nhập, và ai muốn chấm dứt sự phân biệt chủng tộc thì hãy chấm dứt sự phân biệt chủng tộc. Joyce, lúc ấy em sẽ không cần phải năn nỉ cho đông người đến dự và ủng hộ những nỗ lực của em. Hãy jam — thì cả hội trường sẽ chật cứng! Ngay cả anh cũng sẽ lân la trong đó, chứ không lén ra ngoài để hút thuốc, hay cố gắng hình dung làm cách nào để mò đến quầy rượu trước khi các quyết nghị được tán thành. Quyết nghị: rằng chúng ta giải quyết vấn đề chủng tộc! Hãy khởi động ban nhạc! Chơi xả láng, các bạn ơi! Ối chào, hãy chơi bản đó! "Trăng Cao Biết Mấy!"[22] Cao ngất trời! Cao vu-u-ú-ú-ú-ú-t!' "

"Joyce trả lời thế nào về điều ấy?" tôi muốn biết.

"Joyce nghĩ tôi đang cao hứng," Simple đáp.

 

 
--------
Nguyên tác Anh văn: "Jazz, Jive and Jam", trong Langston Hughes, The Best of Simple (New York: Hill and Wang, 1961; tái bản năm 1990).

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]Thay vì "gab", "gaff""gas", hãy "jazz", "jive""jam": Một lối chơi chữ của Langston Hughes, ý nói thay vì cứ lảm nhảm về những điều không quan trọng, hay gọt dũa ngôn từ khéo léo bóng bẩy để gạt gẫm nhau, hay khoe mẽ bá láp, ta nên đến với nhạc jazz, nhảy múa theo nhạc jazz, và cùng hoà nhạc ngẫu tác tập thể.

[1]Nhân vật Simple nói nhầm chữ "historian" (sử gia) thành "hysterian". Chữ này nghe giống như có nghĩa là "thằng khùng", vì "hysteria" là sự phát cuồng.

[2]historian: sử gia.

[3]"Simple", phát âm theo lối Mỹ Đen thành "Semple".

[4]Trong nguyên tác tiếng Anh, nhân vật Simple phát âm chữ "sitting" thành "setting", và nói "sit" thành "set" ở những đoạn khác trong truyện. Tôi tạm chuyển thành "ngầu", như một lối phát âm lệch của chữ "ngồi".

[5]xem chú thích [4].

[6]Harry Belafonte (1927~) — người Mỹ da đen — là diễn viên điện ảnh kiêm ca sĩ lừng danh từ những năm 1940 đến 1990.

[7]Nhân vật Simple nghe nhầm tên triết gia Aristotle thành "Harry Stottle" (vì đồng âm!)

[8]Booker Taliaferro Washington (1856-1915) — người Mỹ da đen — sinh ra trong một gia đình nô lệ và không được đi học tử thuở nhỏ, nhưng lại trở thành nhà giáo dục gốc da đen ưu tú nhất hồi đầu thế kỷ 20. Ông là hiệu trưởng đầu tiên của Tuskegee Institute — một trường học dành cho người da đen, trước kia gọi là Normal School for Colored Teachers, và bây giờ là Tuskegee University. Ông còn là tác giả, và là cố vấn về các vấn đề sắc tộc cho hai vị tổng thống Mỹ, Theodore Roosevelt và William Taft.

[9]Nhân vật Joyce đã nói nhầm chỗ này, vì Solomon có trước Cleopatra gần 10 thế kỷ!

[10]xem chú thích [*].

[11]xem chú thích [4].

[12]xem chú thích [4].

[13]“Duke” tức là Duke Ellington (1899-1974) — người Mỹ da đen — là một trong vài nhạc sĩ jazz lẫy lừng nhất của Mỹ. Ông vừa là khúc tác gia, vừa là dương cầm thủ ngoại hạng.

[14]"Hamp" tức là Lionel Hampton (1908-2002) — người Mỹ da đen — là một trong những tên tuổi hàng đầu của nhạc jazz. Ông là người chơi đàn vibraphone, trống, và chỉ huy ban nhạc.

[15]"Basie" tức là William "Count" Basie (1904-1984) — người Mỹ da đen — là một trong những tên tuổi hàng đầu của nhạc jazz. Ông là người chơi đàn piano, organ, và  chỉ huy ban nhạc.

[16]"The St. Louis Blues" (Bài Blues của thành phố St. Louis) là nhạc phẩm nổi tiếng nhất trong thế giới nhạc jazz. William Christopher Handy sáng tác và xuất bản bài này vào năm 1914, và chẳng mấy chốc bài này trở thành bài blues đầu tiên được yêu thích ở khắp nơi. Vố số nghệ sĩ jazz đã trình diễn bài này theo nhiều phong cách khác nhau, và xem nó là "tác phẩm Hamlet của nhạc jazz". Louis Armstrong, Bessie Smith, Glenn Miller, và dàn nhạc Boston Pops Orchestra đã thực hiện những đĩa nhạc bất hủ với nhạc phẩm này.

[17]"Why Don't You Do Right?" (Sao Bạn Không Làm Điều Phải?) là một trong những bài nòng cốt của nhạc jazz. Được sáng tác bởi Joe McCoy vào năm 1936 dưới nhan đề đầu tiên là "The Weed Smoker's Dream" (Giấc mơ của người hút cần sa), với phụ đề "Why Don't You Do Now?" (Sao Bạn Không Làm Ngay Bây Giờ?). Vài năm sau, Joe McCoy sửa lại lời ca và đặt nhan đề mới là "Why Don't You Do Right?".

[18]Pearl Bailey (1918-1990) — người Mỹ da đen — là ca sĩ và diễn viên sân khấu, nổi tiếng suốt từ những năm 1940 đến những năm 1970.

[19]"There'll Be Some Changes Made" (Sẽ Tạo Nên Những Đổi Thay) là một nhạc phẩm nổi tiếng do Billy Higgins và W. Benton Overstreet sáng tác vào năm 1922.

[20]Calypso: một loại nhạc của dân Da Đen có tiết tấu vui tươi, xuất phát từ những sinh hoạt giải trí của người nô lệ ở vùng đảo Trinidad vào thế kỷ 19. Calypso trở nên thịnh hành ở Mỹ từ những năm 1930 đến những năm 1950. Mighty Sparrow là nhóm chơi calypso nổi tiếng nhất ở Trindidad. Ở Mỹ, nổi tiếng nhất là ca sĩ Harry Belafonte.

[21]"Tea For Two" (Trà Cho Hai Người) — nhạc của Vincent Youmans, ca từ của Irving Caesar — xuất hiện vào năm 1925 trong nhạc kịch No, No Nanette. Sau đó, nhạc phẩm này được trình diễn như một tác phẩm độc lập và trở thành một tiết mục nòng cốt của nhạc jazz. Đây là một trong những bài nhạc jazz phổ thông nhất trong thế kỷ 20.

[22]"How High the Moon!" (Trăng Cao Biết Mấy!) do Nancy Hamilton và Morgan Lewis sáng tác vào năm 1940. Bài này đã trở thành một trong những bài nòng cốt của nhạc jazz và đã được vô số nghệ sĩ jazz trình diễn và ghi âm.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021