thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trầm tư trong gương

 

1.

Một bà lão về quê, dường như để chết.

Bà lê chân dưới bóng trúc cơ hồ dài vô tận, dường như không nhớ ngôi nhà cũ ở đâu. Ngôi nhà của quá khứ, ngôi nhà của tuổi xuân.

Cuối cùng, dường như bà cũng tìm được ngôi nhà xưa, ngôi nhà có giàn thiên lý.

Dường như tìm được niềm hoan lạc cô đơn. Dường như tìm được trời xanh trong vạn lý vô vân. Dường như tìm được tiếng hát âm thầm:

Về đây
Xanh bóng linh hồn,
Chùm hoa vàng lục
Lừng thơm bụi đời,
Về mơ uống nước nguồn tôi.

Nhưng dường như đó không phải là cuối cùng, vì bạn sẽ hỏi:

— Cuối cùng, bà có chết không?

 

2.

— Câu chuyện chỉ có thế thôi sao?

— Vâng, chỉ có thế.

— Vậy thì, dường như đó không phải là truyện.

— Có lẽ. Nhưng thế nào mới là truyện?

— Phải kể bà lão chết như thế nào, hoặc là cô độc, hoặc là trong vòng tay của những ai.

— Phải chết ư?

— Truyện có cái chết thì mới cảm động.

— Thế à?

— Con người mà! Loài vật thì không. Ý thức về chết là cái khốn khổ nhưng nó hấp dẫn. Nó có mùi hương huyền bí.

— Hiểu rồi. Con người quá đỗi là người. Chính vì vậy mà không thể viết: Một bà lão về quê, dường như không phải để chết.

— Thì phải có lý do gì đó chứ?

— Tôi chưa nghĩ ra lý do thích đáng. Cho nên, bà lão về quê chơi, thế thôi!

— Về quê chơi? Và chuyện gì xảy ra?

— Chuyện gì xảy ra mà chẳng được

— Ví dụ xem.

— Dường như bà gặp lại chính mình, cái bản ngã thanh xuân ngày xưa.

— Gặp cách nào?

 

3.

Bà lão dường như được đưa vào căn buồng cũ. Những ngày thơ ấu và những đêm thiếu nữ đã lớn lên trong buồng ấy. Đứa cháu gái xinh đẹp và xa lạ dường như cảm thấy đã xong nhiệm vụ, bèn nói:

— Bà ở đây, còn cháu sẽ sang buồng khác.

Giọng đứa cháu gái dường như dửng dưng, không vui không buồn vì sự có mặt bất ngờ của người bà mà cô chưa từng quen biết. Vậy mà dường như cô bé khá giống bà lúc bà tuổi độ mười lăm.

Dường như con gái bà đã ở đây và đã bỏ đi.

Dường như căn buồng hiện nay thuộc về đứa cháu gái này. Và rồi nó cũng sẽ bỏ đi. Căn buồng lại thuộc người khác. Sẽ...

Đứa cháu gái dường như đang có bí mật gì đó trong tâm hồn? Nhưng tâm hồn ai lại không có bí ẩn?

Tuy nhiên, dường như cô bé đặt bà lão vào căn buồng của chính bà xưa kia với một tâm hồn dửng dưng.

 

4.

Đêm đó, dường như bà bỏ nhiều thì giờ để lục tìm một cái gì đó trong các ngăn tủ cũ kỹ.

Dường như tìm kiếm xem ở đây có còn sót lại một kỷ vật nào của bà ngày xưa không?

Và rồi dường như bà tìm thấy. Một hộp gương rất xinh xắn. Dường như đó là tặng vật của một người bạn trai. Người đã gọi bà là “ác tiên” khi bà nhất định không cho anh ta hôn? Hay người đã hôn bà một hôm bà mềm lòng? Hay người đã nhìn thấy bà tắm ban đêm mình trần bên giếng?...

Dường như bà không nhớ rõ hộp gương đã trôi đến đây từ nguồn nào.

Chiếc hộp dường như bằng gỗ trầm. Có một hương thơm thoang thoảng mùi trầm mà dường như ai vừa xông ở đâu đó. Hoặc dường như hương thơm đến từ dĩ vãng khi chiếc hộp được bà mở ra bằng đôi bàn tay gầy hơi run run.

 

5.

Dường như trong đáy gương, một dung nhan từ từ hiện lên.

Và dường như đó không phải là khuôn mặt bà lão.

Và dường như cũng không phải khuôn mặt một tha nhân nào.

Lại càng không phải khuôn mặt cô cháu gái; cô bé không hề quay lại sau khi đã đưa bà đến buồng này.

Vậy thì, hỡi gương, đó là khuôn mặt của ai?

Đó là, gương cho biết, khuôn mặt một cô gái đôi mươi, dường như chính là bà lão ngày xưa. Một dung nhan êm dịu của nửa thế kỷ trước, khi vầng trăng còn được ca ngợi lên ngôi, khi guồng tơ còn vang ngân tiếng lụa xe đều chăng? Không, đó là một nhan sắc ngời ngợi lửa. Đôi mắt nhung không ngớt phóng một thứ ánh sáng đen lánh vào người đối diện. Hai cánh mũi thanh mảnh phơn phớt hồng. Bờ môi cong như cầu vồng kiêu kỳ.

— A, ta đây mà!

Bà lão dường như chỉ biết reo lên vui sướng. Như một đứa trẻ bỗng nhiên bắt gặp một món quà mơ ước bấy lâu.

 

6.

— Không! Không phải bà đâu mà là ta. Ta chỉ mới hai mươi.

Đó là, dường như đó là tiếng nói của cái bóng trong gương, dường như là tiếng nói của chính bà, tiếng nói của chính ta khi ta hai mươi.

— Phải! Đây là dung nhan ta đọng lại, như một khối băng lấp lánh trôi giữa biển chiều, đọng lại trong tuổi hai mươi, khi dường như ta là cô gái đẹp nhất làng.

— Vâng! Và khi bà bỏ làng đi xa, ta bị giam hãm trong gương, sống cuộc đời một cái bóng tẻ nhạt. Trong khi đó thì dường như bà học hành, ăn chơi, yêu đương, làm việc và có vô số niềm vui.

— Ờ! Và em quên rằng đồng thời ta cũng có vô số nỗi buồn.

— Da ta trắng nõn. Còn bà, thử nhìn xem! Những nếp nhăn nheo, những mảng đồi mồi. Bà đã làm gì làn da tuyết bạch của ta? Và ngực ta đầy vun đôi bồng đảo. Bây giờ nó ở đâu trên thân mình héo hắt của bà? Bà xem đây.

Và cô gái trong gương đứng dậy, dường như vừa bực mình vừa khoái lạc, buông bỏ chiếc áo ngủ màu hồng nhạt. Cứ như thể chính bà mới là tấm gương và cô ta đang soi mình, một thân mình quá ư kiều diễm, tuôn đầy cái đẹp óng mịn như một thác nước ẩn mật. Đẹp từ triền dốc nõn nà của bờ vai đến chiếc rốn nhỏ nhắn hé nở như một nụ hoa trinh bạch. Đẹp nơi cái lườn mềm mại từ bên ngực lượn xuống hông và thắt đáy nơi cái eo xinh xẻo mê hồn, cầu trượt dẫn xuống một mê lộ, một linh từ thấp thoáng giữa lông nhung.

Bà ngây người nhìn ngắm toà thiên nhiên vừa là mình vừa là ai khác ấy, cái dường như ta quá đẹp ấy, và rồi thì thầm:

— Ta chẳng làm gì cả! Hồng hồng tuyết tuyết nào mà chẳng tàn phai?

— Không làm gì cả à? Thế bà có bao nhiêu người tình?

— Ta không quan tâm đến số lượng.

— Vô số phải không?

— Và cũng vô số kẻ ganh ghét!

— Tôi biết, đứng bên bà họ mới nhợt nhạt làm sao! Hạnh phúc của bà là bất hạnh của bao cô gái khác! Và trong những ngày vui dường như bất tận, bà không biết rằng bất hạnh sẽ chẳng chừa ai!

— Dường như em đã nghĩ ngợi thay ta. Trong khi ta sống thì em nghĩ ngợi.

— Dường như ta chỉ nghĩ ngợi thôi! Phải, trong khi đó thì bà sống với tất cả cơ thể nõn nà của mình. Nhưng bây giờ thì bà đã tắt kinh. Dường như muôn triệu ngọn nến trong cơ thể bà đã từ lâu tắt dần. Bà đã làm gì ta thế? Bà giết ta rồi!

Nhưng em là gì cơ chứ? Em chỉ là giấc mơ rỗng mà thôi!

 

7.

— Dường như bà lão của anh nhận ra rằng, không phải mình đang đối diện với quá khứ, mà chỉ là với một giấc mơ.

— Quá khứ và giấc mơ? Hai cái đó chỉ là một thôi mà. Schopenhauer nói rằng: “Quá khứ của giống người, của hàng triệu triệu con người đã từng sống trong quá khứ ấy, cũng như quá khứ của ta, ngay cả quá khứ mới đây nhất, là một giấc mơ trống rỗng của tưởng tượng.”

— Chính là cái ông triết gia bi quan bậc nhất ấy à?

— Dường như đó là cái triết lý bi đát giúp ta đi đến lạc quan, và giúp cho bà lão hiểu rằng không có quá khứ và không có cả cái chết.

— Vậy có cái gì?

— Ý chí muốn sống, một ý chí phổ quát.

— Và tình yêu?

— Cũng thế!

 

8.

— Dường như là bà sắp chết. Và bà sẽ lôi cả ta theo!

— Chết, dường như chỉ có nghĩa là không còn ta, và tất nhiên cũng không còn em nữa. Ngoài ra, chết đâu còn ý nghĩa gì khác?

— Thật sao?

— Cuộc đời vẫn rạo rực sống đó thôi. Giàn thiên lý ngoài kia vẫn xanh mướt và nở rộ hoa vàng. Ta sẽ chết trong vần thơ của ta:

Về đây
Xanh bóng linh hồn,
Chùm hoa vàng lục
Lừng thơm bụi đời,
Về mơ uống nước nguồn tôi.

Một chiếc lá có thể rụng. Đó là chết. Chỉ có thế và chỉ có thế thôi! Giàn thiên lý vẫn xanh, phải không?

 

9.

Hình ảnh của tôi mất đi khi tấm gương mà tôi soi bị vỡ...

                                                 Schopenhauer

 

10.

— Tôi trầm tư, vậy tôi hiện hữu. Nhưng tôi có hiện hữu không? Còn bà, dửng dưng trước cái chết, bà có hiện hữu không?

— Ta đang trở về quê nhà, em không biết sao?

— Còn tôi?

— Tấm gương sẽ vỡ, chỉ có thế thôi!

— Đừng! Đừng! Đừng! …

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021