thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giữa hồ bơi và bụi dành dành

 

Bản dịch của Tôn Thất Huy & Thận Nhiên

 

EDWIDGE DANTICAT

(1969~)

 

Edwidge Danticat ra đời tại thành phố Port-au-Prince, Haiti năm 1969. Đậu Cử nhân Văn Học Pháp tại đại học Barnard College, và Thạc sĩ Nghệ Thuật tại đại học Brown University., cô hiện đang dạy tại Đại Học New York University (NYU). Những truyện ngắn của cô đã xuất hiện trên 25 tạp chí văn chương và góp mặt trong một số tuyển tập. Ngoài một số tác phẩm cô biên tập hoặc viết chung với người khác, cô đã xuất bản một tập truyện ngắn: Krik? Krak! (1995), năm cuốn tiểu thuyết: Breath, Eyes, Memory (1994), The Farming of Bones (1998), Behind the Mountains: First Person Fiction (2002), The Dew Breaker (2004), Anacaona, Golden Flower, Haiti, 1490 (2005), và một bút ký: After the Dance: A Walk Through Carnival in Jacmel, Haiti (2002). Tác phẩm của Danticat đã được dịch sang tiếng Đại Hàn, Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Các giải thưởng chính gồm có: 1994 - Fiction Award: The Caribbean Writer; 1995 - Woman of Achievement Award, Pushcart Short Story Prize, vào chung kết National Book Award cho tập truyện ngắn Krik? Krak!; 1996 - Best Young American Novelists cho tiểu thuyết Breath, Eyes, Memory; 1999 - Tiểu thuyết The Farming of the Bones đoạt các giải: American Book Award, The International Flaiano Prize for Literature, và The Super Flaiano Prize.

 

___________________

 

GIỮA HỒ BƠI VÀ BỤI DÀNH DÀNH

 

Bé rất xinh, tóc óng vàng với làn da nâu thẫm màu gỗ ca cao. Môi bé dầy và tím, như những con búp bê châu Phi mà bồ thấy trong cửa sổ những tiệm bán đồ cho du khách mà bồ không có đủ tiền mua.

Tôi đã nghĩ bé là một món quà Thượng đế ban tặng khi tôi thấy bé nằm trong một chiếc khăn lông nhỏ màu hồng trên vỉa hè bụi bặm, cách không xa một rãnh cống mở hoác như miệng ngáp của đứa trẻ đói. Bé trông như em bé Môi-sê trong những câu chuyện trong Kinh thánh mà họ thường đọc cho mình nghe ở lớp giáo lý. Hay là em bé Giê-su đã từng được sanh ra nơi máng lừa rồi chết trên thánh giá, chết mà đã không nhận được nụ hôn nào trước khi tắt thở. Bé đã giống như thế. Gương mặt vẫn bụ bẫm. Mắt bé nhắm nghiền như thể đang mơ về một nơi xa xôi nào khác.

Hai bàn tay bé gầy trơ xương, và nhiều mạch máu nằm sát mặt da đến nỗi như thể bồ sẽ làm rách da nếu bồ sờ mạnh vào nó. Chắc hẳn bé là con của một người nào đó, nhưng con đường vắng không một bóng người. Không một ai nhận bé.

Ban đầu tôi sợ không dám đụng vào bé, tôi e sẽ đánh động những sợi nắng mai đang soi trên trán bé. Có thể bé là một loại phù phép wanga [1] nào đó đến để mê hoặc tôi. Kẻ thù của tôi rất nhiều và xảo quyệt. Nhiều đứa con gái ngủ với chồng tôi trong khi tôi đang đau buồn vì những lần sẩy thai. Có thể chúng đã gởi ảo ảnh yêu kiều đó làm tôi mù lòa đi, để tôi không bao giờ tìm được lối về nơi chôn nhau cắt rốn, khi bước chân lên chiếc xe đò tồi tàn để rời khỏi làng vào mấy tháng trước.

Bé mặc một chiếc đầm xanh biển thêu chữ R-O-S-E trên cổ cánh bướm. Bé trông hệt như những đứa con gái bé bỏng của tôi mà tôi hằng tưởng tượng. Những đứa bé mà thân thể tôi đã không thể nuôi giữ. Những đứa trẻ đã chết ngạt trong tôi một cách nào đó, và làm cho chồng tôi ngờ rằng tôi đã cố tình giết chúng.

Tôi gọi to những cái tên mà tôi từng muốn đặt cho chúng: Eveline, Josephine, Jacqueline, Hermine, Marie Magdalène, Célianne. Tôi có thể cho bé tất cả những áo quần mà tôi đã may cho chúng. Tất cả những chiếc váy đầm xinh xắn đã không được dùng tới.

Ban đêm, tôi có thể ru bé trong căn phòng yên tĩnh của mình, đặt bé lên bụng mình, và ước rằng bé đã nằm trong đó.

Lúc mới lên thành phố, tôi thấy trên ti-vi của Madame[2] có rất nhiều phụ nữ thành thị nghèo bỏ con vì họ không thể nuôi nổi. Hồi còn ở Ville Rose, bồ không thể nào vất đi cái nhúm lùi nhùi máu me đã phọt ra khỏi thân thể sau khi đứa bé chào đời. Người ta cho đó là tội ác, và cả gia đình bồ sẽ cho rằng bồ là ác độc nếu làm như vậy. Bồ phải giữ lại từng miếng thịt, đặt cho nó một cái tên, rồi chôn nó gần một gốc cây, để niềm tin vào trần gian này khỏi bị tan tành, sụp đổ.

Ở thành phố, tôi nghe nói họ vất đi nguyên cả đứa bé. Họ vất những đứa bé bất cứ nơi nào: trên bậc thang, trong thùng rác, nơi trạm xăng, vỉa hè. Trong suốt khoảng thời gian tôi ở Port-au-Prince, tôi chưa bao giờ thấy một đứa bé như vậy.

Nhưng Rose, bé của tôi, thì thật sạch sẽ và ấm. Như một thiên thần bé tí, một thiên sứ nhỏ xinh, đang ngủ sau khi gió đã thổi lời hát ru vào đôi tai bé xíu.

Tôi bế bé lên và áp má nó vào má mình.

Tôi thì thầm, “Rose bé bỏng, con của má.” Như thể cái tên ấy là một niềm bí mật.

Bé như là những con búp bê thật dễ thương mà mình từng chơi khi còn nhỏ, những cái hột xoài mà mình từng vẽ những gương mặt lên đó và rồi gọi chúng bằng những cái tên riêng. Mình đã rửa tội và cầu nguyện cho chúng, rồi mời mấy đứa bạn trai gái cùng uống xá xị, ăn khoai mì, và cả bánh qui bơ thơm ngậy mà đã xoay được ở đâu đó.

Rose không quấy cũng không khóc. Bé như món đồ hết xài bị kẻ nhẫn tâm vất đi. Khi tôi áp bé sát vào lồng ngực mình, bé thơm mùi bột trong kệ tủ của Madame, cái mùi trộn lẫn giữa hoa dành dành và mùi cá mà Madame luôn phả ra khi bà bước khỏi hồ bơi.

 

*

 

Tôi luôn niệm những lời nguyện của má tôi vào lúc mờ sáng. Tôi chờ đón năm tháng chậm rãi mang tôi mỗi ngày một gần bà hơn. Má vẫn thường hiện về thăm bất kể khoảng cách mà cái chết đã cố tình chia lìa giữa chúng tôi. Có khi trong những tiếng thở dài len lén và lời thì thầm của một ai đó. Có khi trên gương mặt của một người xa lạ. Những lần khác thì trong các khoảnh khắc ngắn ngủi của những giấc mơ.

Có nhiều đêm tôi đã thấy những bà già chồm người qua giường của tôi.

Má tôi sẽ nói, “Kia là Marie, con nhỏ này là người cuối cùng còn sót lại trong chúng ta.”

Má phải giới thiệu tôi với họ, vì tất cả họ đã chết trước khi tôi ra đời. Bà cố Eveline, người đã bị đám lính Dominican giết nơi dòng sông Tàn Sát. Bà ngoại Défilé, người đã chết trong tù với cái đầu trọc lóc, vì Chúa đã ban cho bà đôi cánh. Mẹ đỡ đầu Lili của tôi, người đã tự vẫn trong tuổi già vì chồng bà đã nhảy ra khỏi một chiếc khinh khí cầu, còn người con trai trưởng thành của bà thì đã bỏ bà mà đi Miami.

Kính mừng Maria, Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng tôi là kẻ có tội. Khi này và trong giờ lâm tử. Amen.

Tôi luôn biết rằng họ sẽ trở lại và khuyên tôi làm điều tốt lành cho tha nhân. Có lẽ tôi phải làm điều lành cho đứa bé này.

Tôi bồng Rose đến cửa chợ Croix-Bossale. Tôi ru bé nhè nhẹ như thể bé đã và luôn thuộc về tôi.

Ở thành phố, dù những người đến từ làng quê của bồ cũng không biết bồ là ai và cũng chẳng hơi đâu mà đoái hoài đến. Họ không thèm biết rằng ngày hôm trước tôi đã đến đây chỉ một mình. Đột nhiên, giờ tôi lại có một đứa bé trên tay mà không ai buồn hỏi han gì.

 

*

 

Tôi đặt Rose lên tấm thảm của mình trong gian phòng dành cho người giúp việc, ở ngôi nhà trong Petion-Ville, rồi hối hả đi soạn bữa ăn trưa. Monsieur và Madame ngồi bên hiên nhà nhấm nháp vị ngọt của nước mãng cầu do tôi làm để đón buổi chiều đang tới. Họ muốn mỗi ngày trước lúc rạng đông tôi phải ra chợ để mua cái hương vị xa lạ ngoại quốc ấy, cái hương vị khác hẳn với đời sống trưởng giả yên ổn của họ.

“Chắc nó là một trong những đứa mambo,”[3] họ nói khi tôi quay lưng đi. “Chắc nó là một trong những đứa đần độn nghĩ rằng chúng có bùa phép để tàng hình và hãm hại người khác. Sao không đứa nào hóa phép cho mình trở nên giàu có đi? Đó là mấy trò tà ma ba láp đang làm cho người Haiti mình trì trệ ngu muội.”

Tôi đặt bé lên bàn ăn khi lau chén bát. Bỗng dưng tôi có niềm khao khát muốn kể cho bé nghe cuộc đời của tôi.

“Con biết không, con gái cưng, má đã yêu ông ấy. Ổng thiệt là tốt với má. Ổng làm má thấy mình đáng sống. Thoáng chốc mà má chung sống với ổng được mười năm trời. Giờ thì má đã già nua nhăn nheo như miếng giấy chùi đít, còn ổng thì đã có mười đứa con với mười con mẹ khác. Má phải bỏ mà đi.”

Tôi giả vờ như tất cả đều là của mình. Hàng hiên nhìn ra cảnh hồ bơi riêng và những con tàu đưa du khách nghỉ mát đang thả ngoài xa. Hệ thống ti-vi lớn và toàn bộ những đĩa nhạc Pháp trữ tình, những đĩa rara [4] mang các điệu trống gợi cảm hoang dã và những tiếng tù-và bằng vỏ ốc. Những bức tranh tuyệt đẹp có loài ngựa có cánh và loài rắn khổng lồ. Cái hồ bơi mà gã người Dominica nhễ nhại mồ hôi mồ kê lau chùi ba lần mỗi tuần. Tôi giả vờ rằng các món đó đều thuộc quyền sở hữu của chúng tôi: gã, Rose và tôi.

Gã Dominica và tôi đã từng làm tình với nhau một lần trên thảm cỏ kia, nhưng gã không bao giờ nói chuyện với tôi nữa. Rose nhắm nghiền mắt lắng nghe dù những điều tôi nói không hạp tí nào với tâm hồn thơ dại của nó.

Tôi quấn bé vào người bằng cái tạp-dề khi tôi chiên bánh chuối cho buổi ăn tối. Nói cho bồ biết nè, khi mình không còn thứ gì đáng kể trên đời thì mình rất dễ để lòng yêu thương ai đó.

Đầu bé ngã ngửa ra sau như bao nhiêu đứa trẻ khác. Tôi ngửa bàn tay để ba lọn tóc bím của bé cạ nhột vào những đường chỉ tay sinh mệnh.

“Má vui vì con không khóc nhè suốt ngày,” tôi bảo bé. “Tụi con nít nên giống con chỗ đó. Má vui vì con không quấy khóc ồn nhức óc. Con thiệt là con ngoan, bé cưng à.”

Tôi để bé trong phòng mình khi Monsieur và Madame về nhà ăn tối. Khi họ vừa đi ngủ, tôi mang bé ra nơi hồ bơi để có thể trò chuyện thêm chút nữa.

Bồ không thể vào ở cho một gia đình mà không biết gì về họ. Bồ phải biết ít nhiều về quá khứ của họ. Bồ phải biết họ cầu nguyện Erzulie,[5] người mà yêu đàn ông như đàn ông yêu bà, vì bà lai trắng và một số đàn ông Haiti dường như yêu những phụ nữ giống bà. Bồ phải nhìn vào gương soi trong ngày chết vì bồ có thể thấy những gương mặt đã biết rõ bồ ngay cả trước khi bồ được sanh ra trên cõi đời này.

Tôi thiếp đi trong lúc ngồi ru bé trong chiếc ghế không phải của mình. Tôi biết bé là có thật khi tỉnh giấc vào ngày hôm sau mà bé vẫn nằm trong vòng tay tôi. Bé trông y hệt như lúc tôi nhặt được. Bé vẫn y hệt như vậy trong ba ngày nữa. Sau đó, tôi phải tắm bé liên tục để làm dịu đi mùi thối.

Tôi từng có một ông bác hay mua lòng heo ở Ville Rose về bán lại ở chợ trong thành phố. Rose bắt đầu bốc mùi như những khúc ruột bị ế sau vài ngày chưa bán.

Tôi tắm cho bé thường xuyên hơn, có lúc ba hay bốn lần một ngày trong hồ bơi. Tôi dùng ít nước hoa của Madame, nhưng nó không có tác dụng gì. Tôi muốn mang bé trở về con đường nơi tôi đã nhặt, nhưng tôi đã phá giấc của bé rồi và đã chịu gánh lấy linh hồn bé như một trách nhiệm riêng của chính mình.

Tôi để bé trong cái chòi sau nhà, nơi gã Dominica để đồ nghề của gã. Mỗi ngày tôi đến thăm ba lần, tay phải bịt mũi. Tôi nhìn da bé bị hâm, nứt lở, lõm xuống ở vài chỗ, xám xịt và khô quắt ở những chỗ khác. Dường như trong bốn ngày bé đã già đi hàng nhiều năm, dài như thể khoảng cách thời gian giữa tôi và những người dì, người bà đã chết của tôi.

Tôi biết tôi phải hành động ngay vì bé dẫn dụ lũ ruồi đến mà tôi thì đang níu giữ linh hồn bé lại.

Tôi tắm cho bé lần cuối, mặc cho bé chiếc áo đầm vàng. Chiếc áo mà tôi đã may trong khi mang thai, trong khi cầu mong một trong những đứa con gái của mình được phát triển trong thân thể của mình lâu hơn ba tháng.

Tôi bồng Rose đến một chỗ đầy nắng sau nhà. Tôi đào một hố nhỏ trong vườn giữa những bụi dành dành. Tôi quấn bé trong chiếc khăn lông hồng nhỏ, chiếc khăn đã bọc khi tôi thấy bé, trùm kín tất cả ngoại trừ mặt. Bé thối ghê gớm, thối cho đến nỗi tôi đã bị nôn sặc sụa khi cúi hôn bé.

Tôi thấy một bàn tay bóp vào vai mình khi đặt bé xuống huyệt. Thoạt đầu tôi tưởng là Monsieur hoặc Madame, và tôi thật sợ rằng Madame sẽ nổi giận vì tôi đã dùng hết bình nước hoa của bà mà không xin phép.

Rose tuột ra khỏi tay tôi rơi xuống vì tôi bị buộc phải xoay người lại.

“Cô đang làm cái gì đó?” gã Dominica hỏi.

Mặt gã nâu sậm như người Da đỏ nhưng đôi bàn tay thì bị tẩy bệch và nhăn nheo vì hóa chất trong hồ. Gã nhìn xuống đứa bé đang nằm trong đất bụi. Bé đã bị rắc lên người một ít đất mà tôi đã đào.

“Anh này, tôi thấy những gương mặt này đứng chồm ngó xuống tôi trong mơ ...”

Lẽ ra tôi đã có thể giải thích bằng hàng triệu cách.

“Cô nhặt đứa bé này ở đâu?” gã hỏi bằng giọng Creole Tây Ban Nha.

Gã không cho tôi cơ hội để trả lời.

“Tôi báo rồi.” Tôi nghĩ tôi đã nghe một chút âm điệu méringue [6] trong cái uyển chuyển của giọng gã. “Tôi gọi cảnh sát. Họ đang đến. Tôi đã ngửi thấy mùi thịt thối đó. Tôi biết cô giết đứa bé và giữ nó để làm tà phép.”

“Anh nhanh nhẩu đoảng quá rồi,” tôi nói.

“Cô giết đứa bé rồi giữ nó trong phòng cô.”

“Anh hiểu tôi mà,” tôi nói. “Mình đã từng với nhau.”

“Tôi đếch biết gì về cô như con ruồi đậu trên bãi cứt bò vậy,” anh ta nói. “Cô ăn thịt trẻ con dù chúng chưa kịp lớn để có linh hồn.”

Gã giữ tay trên vai tôi vì sợ tôi vùng chạy thoát thân.

Tôi cúi nhìn Rose. Trong trí mình, tôi thấy hình ảnh những đứa con gái của tôi qua bé. Tôi tưởng tượng bé đang mọc răng, đang bò, đang khóc, đang nhõng nhẽo, và đang quấy rầy.

Chúng tôi đứng bên cái thi thể bé bỏng, một cô người ở nhà quê và một gã làm vườn Tây Ban Nha. Lẽ ra tôi nên hỏi tên gã trước khi hiến thân cho gã.

Chúng tôi đứng nơi đó thành một tấm ảnh rất đẹp. Rose, tôi, và gã. Giữa hồ bơi và bụi dành dành, chờ cảnh sát đến.

 

-----------------------
Nguyên tác: "Between the Pool and the Gardenias", trong Edwidge Danticat, Krik? Krak! (New York: Vintage - reprint edition, 1996) 89-100.

 

_________________________

Chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn: 

[1]"wanga" là một loại bùa được sử dụng trong đạo Voodoo của người da đen ở vùng Carribean. Thông thường, đó là một bọc vải hay một cái chai đựng những vật liệu huyền bí có khả năng đem đến sự may mắn, giàu có, hoặc để trừ tà.

[2]"Madame" và "Monsieur" là "bà chủ" và "ông chủ", theo lối xưng hô của những người đầy tớ ở các thuộc địa của Pháp.

[3]"mambo" (nữ pháp sư) cùng với "hungan" (nam pháp sư) làm chủ những lễ triệu hồn của đạo Voodoo ở vùng Carribean. Trong lễ ấy, tín đồ cùng đánh trống, hát ca và nhảy múa. Thế rồi các "loa" (hồn) sẽ nhập vào những người đang nhảy múa, khiến họ trở thành những đồng cốt có khả năng chữa bệnh và ban những lời khuyên bảo cho các tín đồ.

[4]"rara" là loại nhạc chơi bằng bộ gõ, hoà với dàn kèn saxophone và kèn tre, trên nền đàn bass. Lời ca luôn luôn bằng thổ ngữ Haïtian Kréyòl, có nội dung ca ngợi tổ tiên của người Phi châu ở Haïti và đạo Voodoo, và đồng thời diễn tả những trạng huống đau khổ của người da đen bị áp bức. Có một thời, nhạc "rara" bị chính quyền haiti cấm, và nhiều nhạc sĩ phải bỏ xứ ra đi. Người nhạc sĩ "rara" lưu vong nổi tiếng nhất là Manno Charlemagne, sau nhiều năm ra đi, đã trở về và được quần chúng bầu làm thị trưởng của Port-au-Prince trong những năm 90.

[5]Trong đạo Voodoo, Erzulie là nữ thần của tình yêu, nhan sắc, nữ trang, vũ điệu, sự sang cả và các bông hoa. Erzulie có biểu tượng là hình trái tim màu hồng và xanh. Bà có ba ông chồng là Damballa (thần rắn), Agwe (thần cá) và Ogoun (thần lửa).

[6]"méringue" (còn gọi là "mereng"): một loại nhạc ở Haïti, gồm giọng ca và đàn guitar. Lời hát thường bằng thổ ngữ Haïtian Kréyòl.

 

Những tác phẩm khác của Edwidge Danticat đã đăng trên Tiền Vệ:

 
Bảy (truyện / tuỳ bút)
Một tháng nữa sẽ đúng bảy năm tròn từ ngày anh quen vợ anh. Con số bảy, con số anh vẫn xem thường, bây giờ nghiệm ra, lại mang ý nghĩa sâu đậm. Có bảy ngày ở giữa những phiếu lương. Ngày làm việc của anh dài bảy tiếng, không kể giờ ăn trưa. Ban đêm, anh làm thêm việc khác, bảy tiếng nữa. Với tuổi tác của anh, bảy ở vị trí cuối, ba mươi bảy. Và bây giờ, chỉ còn bảy tiếng đồng hồ, vợ anh sẽ tới... [Bản dịch của Trịnh Thanh Thuỷ] (...)
 
Đàn bà đêm (truyện / tuỳ bút)
Tôi co mình lại vì hơi nóng của đêm trên mặt. Tôi cảm thấy trần trụi như rách toạc da thịt. Đêm nay tôi già hơn nhiều so với hai mươi lăm năm tôi đã sống. Đêm là thời gian mà tôi kinh hãi nhất trong đời. Tuy nhiên nếu tôi muốn sống, tôi phải tuỳ thuộc vào nó... [Bản dịch của Thận Nhiên] (...)
 
Viết "Đàn bà đêm" (tiểu luận / nhận định)
Tôi đã viết "Đàn bà đêm" vào một đêm mất ngủ. Nằm trên giường, tôi bắt đầu tưởng tượng tôi đang chờ một người nào đó về nhà. Ngay lúc ấy, ý tưởng để viết truyện ngắn này chợt nảy ra trong óc tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021