thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đường nào đến O

 

1.

Nghe nói, cuối cùng y cũng nhìn thấy cái quán đó.

Đó là một quán trà dựng bên một ngã rẽ mà nghe nói bảng hiệu có ghi rõ:

Nghe nói, y bước vào quán và ngồi bên chiếc bàn tròn kê gần cửa sổ nhìn ra ngã rẽ. Quán vắng. Chủ quán là một bà lão.

— Dừng Chân có gì, thưa bà?

— Anh uống trà chứ?

— Trà, vâng. Ngoài ra có gì khác?

— Các loại trái cây?

— Không có thức ăn khác?

— Không. Chỉ có trái cây.

— Rượu, có không?

— Chỉ có trà.

— Vậy thì chỉ có trà và trái cây. Và người thì sao ạ?

— Người?

— Ngoài bà cụ, còn có ai không ạ?

— Không có ai.

— Cũng nghe nói thế nhưng vẫn ngạc nhiên.

— Tôi đi pha trà đây.

Ngoài sân bỗng ồn lên. Một đám trẻ kéo đến. Nơi hoang vắng này mà cũng có nhiều trẻ thế ư? Và ngay sau đó, y được nghe một bài đồng dao:

 
Đường nào đến O?
Đâu mà có O?
Ai mà qua đấy?
Đâu mà không O?
 
Đường nào đến O?
Không sông không suối
Không đèo không núi
Không lũng không gò
 
Đường nào đến O?
Không dời không đổi
Cứ mà thẳng lối
Cứ mà quanh co
 
Đường nào đến O?
Không cười không nói
Không cũ không mới
Không ngại không lo
 

Bọn trẻ ngưng hát, bắt đầu chơi trò xoay vòng rồng rắn.

Bà lão đem trà và trái cây ra.

Y hỏi:

— Từ đây đến O có xa không?

— Còn tuỳ.

— Gì cơ?

— Cách đi, thời tiết, lạ hay quen…

— Cũng phải, nhưng…

— Còn cơ duyên nữa.

— Cơ duyên?

— Bao giờ mà chả thế

— Bà có biết gì về O không?

— Có nghe nói về O.

— Chỉ nghe nói thôi sao? Cứ tưởng bà là người O đấy thôi.

— Không.

— Bà chưa đến O à?

— Chưa bao giờ.

— Người O có thường đến đây không?

— Không. Mà cũng chẳng biết. Người O không bao giờ tự xưng mình là ai.

— Thế ư? Nhưng O là gì?

— Không là gì. Chỉ là O, thế thôi.

— Thế bà không nghe nói gì về O? Người O ra sao?

— Anh từ đâu đến?

— Từ K.

— Người ở K. ra sao?

— Có lẽ tốt. Thân ái, độ lượng, tử tế, thông minh…

— Nghe nói ở O cũng thế.

— À không, người ở K. cũng xấu lắm. Ác độc, keo bẩn, ngu xuẩn, điên khùng…

— Nghe nói ở O cũng thế

 

2.

Vừa lúc ấy, có ba người khách kéo vào quán. Bà lão cũng đem trà và trái cây đến bàn họ. Họ hỏi:

— Đường nào đến O?

Họ ngồi gần cửa ra vào. Bà lão đưa tay chỉ thẳng con đường trước mặt. Họ lại hỏi:

— Có chắc không?

Bà lão lại đưa tay, lần này chỉ con đường rẽ phải. Họ hồ nghi:

— Đúng rồi chứ?

Bà lão thản nhiên đưa tay lần nữa, chỉ con đường rẽ trái. Ba người khách thích thú cười vang:

— Hiểu rồi, đường nào cũng đến O.

Bà lão nói:

— Không phải vậy đâu. Coi chừng lạc lối. Người đi lạc trở về đây rất nhiều.

— Còn người đi đúng đường?

— Không thấy ai trở lại

Cho rằng bà lão nói đùa, ba người khách vừa cười vừa rời quán sau khi đã ăn uống xong.

Tôi hỏi bà lão (vì tôi là y):

— Không ai đến được O sao?

— Làm sao biết được?

— Không có bất kỳ dấu hiệu nào của O ở đây à? Ở đây bốn bề là núi, vậy thì O phải ở một nơi nào đó trên núi chứ?

— Tại sao O nhất định phải ở trên núi?

Thế là tôi bí. Tôi nhìn thấy núi mọi nơi. Nhưng còn rừng, còn truông, còn bãi cát, còn cù lao… O ở đâu mà chẳng được?

Tiếng hát đồng dao ngoài sân lại vang lên:

 
Đường nào đến O?
Không mưa không gió
Không cây không cỏ
Không hẹn không hò
 
Đường nào đến O?
Không đây không đó
Không không có có
Hoang vu khôn dò
 
Đường nào đến O?
Không gần không ngái
Không khôn không dại
Không lấy không cho
 

Tôi cảm thấy mình đang tuyệt vọng.

Níu cánh tay bà lão, tôi hỏi một lần nữa:

— Ở đây không có một dấu hiệu nào, dẫu là một chút của O hay sao?

Có một vẻ tinh anh kỳ lạ lấp lánh trong đôi mắt của bà lão chủ quán khi bà nói:

— Có lẽ có. Có một cô gái. Nghe nói cô đến từ O.

— Ôi chao!

— Đừng kỳ vọng điều gì. Cô ấy không nói, không bao giờ nói gì.

— Cô ấy bị câm à?

— Không. Chỉ là không biết nói, không biết ngôn ngữ của con người. Cô chỉ biết hát. Nghe như chim hót. Chúng tôi thương yêu cô, chăm sóc cô, tôn thờ cô.

— Cô ở đâu?

— Anh nghe đây. Anh là người đầu tiên tôi cho gặp cô. Linh giác tôi cho phép tôi đấy. Đằng sau quán có một đường mòn rất hẹp dẫn vào rừng. Đi một đỗi, có con suối… Thôi, anh đi đi!

 

3.

Tôi ra khỏi quán bằng cửa sau. Có con đường mòn. Đường đi trong rừng. Hẹp đến nỗi chỉ có một người đi lọt.

Tôi phải tìm ra con suối cho dù đồng dao ở đây có nói: Đường nào đến O, không sông không suối …

Đi qua khung cửa hẹp của rừng một chốc tôi đã nghe tiếng suối róc rách. Còn có một làn hương hoa dại trôi quanh tôi. Và suối bất ngờ hiện ra, trông như một cái đầm trong trẻo. Và trong đầm là một vườn đá tảng.

Bỗng nhiên tôi thấy cô gái.

Cô đang tắm sau một tảng đá đen. Dường như không mặc gì. Nhưng tóc cô rất dài, cũng che chắn cô như tảng đá đen kia.

Và từ phía đá ấy vang lên một thanh âm trầm bổng lạ kỳ, nửa như tiếng chim nửa như tiếng người, ngân nga mê hoặc.

Có một phiến đá bên bờ suối cách chỗ cô tắm độ mươi bước chân. Tôi lần bước đến và ngồi lên đá.

Nhìn thấy tôi, cô có vẻ sợ hãi nhưng vẫn đứng yên trong nước. Có thể cô bơi lặn rất giỏi nên có phần tự tin, nhìn tôi dò xét bằng đôi mắt xanh biếc. Chắc chắn cô có một vẻ đẹp ngoại hạng với làn da nâu láng mịn.

Dù biết trước là cô không nói ngôn ngữ của con người, tôi vẫn nói:

— Cô đừng sợ. Cô từ O đến đây, phải không?

— …

— O là một nơi như thế nào nhỉ? Tôi thường mơ thấy nó. Một cái gì đó như người ta có thể hình dung về Đào Nguyên hay Thiên Thai. Lá đào rơi rắc lối đi và hoa đào bay đầy trời! Nhưng mà biết đâu rừng này, suối này và cô nữa chính là O, là Đào Nguyên đấy thôi?

— …

— Còn O nào nữa? Biết đâu đó là một nơi tệ hại. Đó chỉ là một cõi hoang vu mờ mịt cát nhưng thưa thớt hoa và thưa thớt người.

— …

— Người ta chỉ nghe nói về O mà không thấy O bao giờ. Đôi khi có kẻ lừa đảo mạo nhận là người quê O nhưng khi bị truy hỏi đến cùng thì đành để rơi mặt nạ.

— …

— Vậy O là gì? Cô hoàn toàn không hiểu tôi nói gì ư?

Cô gái dưới suối không có phản ứng gì đặc biệt trước những lời lê thê của tôi. Như một con nai đứng lẫn trong sương mờ, cô nhìn về phía tôi lơ đãng.

Y vẫn nói (vì y là tôi):

— Cô xinh đẹp lắm! Cô là sinh vật đẹp nhất mà tôi được biết. Cô là nữ thần của con suối kỳ lạ này, của cái sơn thôn kỳ lạ này. Tôi sẽ nhớ mãi sự im lặng của cô.

 

4.

Nghe nói, cuối cùng y cũng trở về trà quán Dừng Chân.

Bà lão vẫn đang đun nước.

Đám trẻ vẫn đang chơi ngoài sân trò rồng rắn xoay vòng và vẫn tiếp tục ca hát:

 
Đường nào đến O?
Không lầm không lỗi
Không chờ không đợi
Không mặt không mo
 
Đường nào đến O?
Không đi không tới
Không sáng không tối
Không bến không đò
 
Đường nào đến O?
Đâu mà có O?
Ai mà qua đấy?
Đâu mà không O?
 

Những gì y nghe từ lúc vào quán đến giờ có thể chép lại thành toàn bộ bài đồng dao về O không? Có khúc nào y bỏ lỡ không? Và ngoài bài này, còn có bài đồng dao nào khác về O không?

Tôi nói với y (cho dù y vẫn là tôi):

— Mi đi tìm O bao năm rồi, phải không?

— Ờ, thì…

— Ta đề nghị: Bây giờ thì hãy để O đi tìm mi!

— Nếu như cô gái kia biết nói!

— Để làm gì?

 

5.

Y và tôi bắt đầu mơ một giấc mơ khác: O đi tìm chúng tôi.

Nhưng chẳng lẽ con đường lại đi tìm người đi?

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021