thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Con cá chột, ông Tư Râu và chuyện ở chung cư N.

 

“Cái điếu bát nằm co buồn bã
con cá chột ngớ ngẩn đong đưa
những gì tôi không thể vứt bỏ
sẽ vứt bỏ tôi
 
Bắp thịt nhão trên đầu ngón tay
tàn thuốc lào
lả tả
qua mùa mưa. Rất tròn!”
 
(trích “Mùa tròn” – thơ Đỗ Trí Vương)

 

Lâu lắm tôi mới tới thăm ông Tư Râu, kể từ khi ông chuyển tới “nhà mới”. Cũng là sự tình cờ, hôm đó có việc xuống khu Mả Cò nên tiện thể tôi ghé thăm ông. Vẫn vồn vã như thường lệ, ông lôi bình rượu thuốc ra đãi tôi, nhưng cái sự trái thường lệ là ông ít nói hẳn, và chỉ rót cho tôi chứ phần ông chỉ nhắp môi chiếu lệ chứ không nốc oàm oạp như mọi khi. Ông có vẻ buồn.

 

*

 

Sở dĩ tôi đưa từ nhà mới vào ngoặc kép bởi gọi là mới nhưng nó chẳng khá hơn nơi ở cũ của ông chút nào nếu không muốn nói còn tệ hơn. Trước kia ông Tư Râu ở một căn buồng nhỏ, 16 mét vuông, trong khu chung N., một chung cư ổ chuột giữa trung tâm thành phố. Thời mở cửa liên doanh liên kết, người ta giải toả chung cư ổ chuột để xây khách sạn. Người dân sống tại đó được “tái định cư” tại một chung cư nằm ở một quận ven đô. Cần nói thêm một chút về những chung cư được xây dựng để phục vụ chương trình “tái định cư”. Đây là những công trình xây dựng có chất lượng vào bậc nhất thế giới. Một tháng nứt mái, hai tháng xì hố ga, ba tháng lún móng … v.v, đại để như vậy. Tóm lại là người ta giải toả một khu ổ chuột bằng cách tạo thêm hai khu ổ chuột mới.

Căn hộ ông Tư Râu mới chuyển tới diện tích tương đương nơi ở cũ. Chưa thấy có biểu hiện gì về chất lượng công trình. Tuy nhiên chớ vội mừng, dù sao ông Tư Râu cũng chỉ mới chuyển tới chừng ngót nghét hai tháng. Đồ đạc trong nhà xắp xếp gọn ghẽ ngăn nắp hơn. Cũng có thể do mới tới nên tính bừa bộn của ông chưa kịp phát huy. Tôi để ý thấy bể cá của ông thiếu mất hai nhân vật: con “Hồng Két Trái Tim” và con “Kim Thơm Đài Loan”. Chỉ còn lại duy nhất một con: con cá Chột. Và lại một sự bất thường: con cá Chột không hung hăng linh hoạt như mọi khi, nó đứng im lìm, gần như bất động trong góc bể, mồi vẫn đầy nhưng không thấy nó đụng môi. Có lẽ nó còn no!?

Tôi chơi thân với ông Tư Râu một phần cũng do cái bể cá này. Dạo còn là sinh viên, tôi thuê nhà ở chung cư N., thỉnh thoảng ghé ông coi nhờ đá banh trên tivi. Ông Tư là người mê bóng đá, bởi thế nên những trận phát đêm, tôi thường mò sang nhà ông. Lúc chờ tới giờ, ngắm bể cá, thấy con cá Chột thường hung hăng rượt đánh hai con kia. Hai con kia cũng đánh lại, nhưng thường là bỏ chạy. Lúc ấy, trông điệu bộ con Chột ngầu lắm. Nói về cá, ông Tư Râu cũng có thể nói cả ngày, hồ hởi không kém gì nói về bóng đá. Ông kể, con “Kim Thơm Đài Loan” và con “Hồng Két Trái Tim” là ông được người ta cho. Chúng đều là cá ngoại nhập và thuộc giống cá dữ, thức ăn của chúng là những con cá nhỏ. “Kim thơm Đài Loan” gần giống với loài “vạn long” ở ta, nhưng to hơn và có mầu hồng đốm vàng, xuất xứ của chúng là Đài Loan. “Hồng Két Trái Tim” thì gần giống với loài “mã giáp”, nhưng cũng bự con hơn, cái mồm giống với mỏ két và có mầu đỏ rực. Sở dĩ có tên là “hồng két trái tim” (để phân biệt với hồng két thường) là bởi người ta bấm đuôi của nó đi, chỉ để lại vây trên lưng và dưới bụng, khiến hình thể nó giống như trái tim.

Con cá Chột không phải ai cho ông Tư Râu, và ông cũng chẳng mua. Nó xuất hiện trong bể cá của ông như một định mệnh. Nó là một trong vô vàn nhưng con cá dùng để làm mồi cho hai con “Kim Thơm” và “Hồng Két”. Không hiểu vì lí do gì, con Chột chẳng những thoát hiểm, không trở thành thức ăn của hai tên sát thủ kia, mà nó còn lớn nhanh từng ngày. Cho tới khi tôi được chứng kiến, con Chột to lớn chẳng kém hai con kia, nó đã dám cạnh tranh, dám đối đầu trực tiếp. Trong các cuộc tỉ thí, con Chột luôn dành lợi thế vì nó có vẻ nhanh nhẹn hơn. Mà ngày nào chúng cũng quần thảo hai ba bận. Có vẻ như hai con kia, tuy yếu thế nhưng vẫn không chịu chấp nhận cuộc cách mạng do con Chột tiến hành. Chúng vẫn đánh nhau, đuổi nhau, ngày này qua ngày khác.

“Nó mất một mắt ở một trong những cuộc đấu trước đây, khi nó còn chưa to lớn bằng hai con kia. Từ đó, tôi gọi nó là con Chột, vì không hiểu nó thuộc giống cá gì”, ông Tư Râu kể. “Hình dáng kia cộng với con mắt chột, trông nó như quái vật”, tôi bảo. “Những cá thể kì dị luôn có sức sống mãnh liệt”, ông Tư Râu vừa bứt bứt cọng râu cằm vừa nhẩn nha triết lí.

Tóm lại, cuộc chiến triền miên giữa con cá Chột và hai con cá cảnh rất hấp dẫn tôi, tới độ nếu như tivi không có bóng đá tôi vẫn đảo sang ông Tư Râu một chốc để ngắm nghía chúng

 

*

 

Chung cư N. là một quần thể gồm ba lô nhà năm tầng đứng quay vào nhau theo hình chữ U, khoảng sân trống trước kia trồng hoa, cây cảnh. Sau này ủy ban phường phá bỏ hết hoa hoét, lát xi măng làm bãi gửi xe, gọi là làm kinh tế “ngoài kế hoạch”. Vốn dĩ chung cư N. không phải là một chung cư đúng nghĩa, trước kia nó là một khách sạn, sau giải phóng, chủ khách sạn chạy di tản, chính quyền tiếp quản và phân cho công chức hạng lèng mèng. Vì không phải thiết kế cho các hộ gia đình, nên sinh hoạt gia đình vốn mang đậm tính làng xã của phần lớn dân ta sẽ trở nên nhem nhuốc bê tha khi sống ở thành phố, nay càng được phát huy công suất khi sống trong khu nhà này. Bồn tắm cải tiến thành chuồng lợn, mở rộng diện tích bằng mặt bằng ban-công, bếp than tổ ong đưa ra hành lanh chung … v.v. Trong bối cảnh đó, chuyện ì xèo chửi bới mất lòng nhau cũng là điều dễ hiểu. Có khi không đánh nhau, chửi nhau, mất lòng nhau mới là chuyện lạ. Ở đây ngày nào cũng có dăm bẩy vụ chửi nhau hay một hai vụ oánh nhau. Vì đủ các thể loại lí do. Nào là bà quạt bếp than lùa vào nhà tôi vào giờ ngủ trưa, nào là ông nuôi lợn trong bồn tắm làm thấm nước đái lợn xuống nhà tôi, nào là cô ngâm thơ to quá cỡ lúc đêm hôm khuya khoắt, nào là chú xì xái thuốc lào xuống ban-công nhà tôi, nào là … v.v và v.v.

Trong lối sinh hoạt mang đậm phong cách Việt ấy, ông Tư Râu là người góp công không nhỏ. Ông thường tâm đắc với câu ngạn ngữ “nhất quận công, nhì ỉa đồng”, nên dù ra thành phố ngót bốn chục năm, ông vẫn đều đặn lén lút tiến hành cái công việc sánh với làm quận công kia. Thành phố lấy đâu ra đồng cho ông làm việc ấy? Khó gì, cái vườn hoa nho nhỏ của chung cư, khi nó chưa bị biến thành sân xi-măng, ông coi luôn là cánh đồng thơ mộng quê ông; chỉ có điều, muốn làm chuyện ấy, ông phải chờ tới tầm hai, ba giờ sáng.

Bà Ba Hợi là lao công của khu chung cư, trong đó, công việc tỉa hoa xén cỏ cho cái công viên nho nhỏ khi nó chưa biến thành bãi giữ xe, là công việc chính của bà. Vì thế, ngày nào bà cũng phải dọn một số bãi phân. Bà phải làm việc này như một công việc phụ trội không công, nên bà ấm ức lắm. Nhưng có lẽ bà chỉ ức vừa vừa nếu như trong số những bãi phân ấy đừng có bãi của ông Tư Râu. Vì những bãi phân kia chỉ là phân chó, nên sự ấm ức của bà chỉ dừng ở việc lầm bầm “tiên nhân cha cái quân vô ý thức, nuôi chó mà không dậy, không quản được chó thì không bằng chó”. Cái sự ức của bà trở nên quá thể khi trong số các bãi phân có một bãi to lùm lùm, lại mang đậm phong cách người. Bởi thế nên bà phải chửi. Chửi rõ to. Rõ nhiều. Rõ ngoa ngoắt. Cứ vào tầm sáu rưỡi bẩy giờ sáng, là tầm mà mọi người chuẩn bị đi làm và là giờ của bà bắt đầu công việc hót, là bà chửi. Bà đào mồ cuốc mả thằng ỉa bậy, bà cho nó ăn từ cứt của nó cho tới của quí của bà …, đủ kiểu đủ loại. Cứ thế, bài chửi của bà diễn ra trong thời gian hăm lăm phút. Nói chung, tất tật dân cư chung cư ấy đều khó chịu về bài diễn văn buổi sáng của bà Ba Hợi chứ chả riêng gì mấy gia đình nuôi chó hay ông Tư Râu.

Riêng ông Tư Râu không có vẻ gì là khó chịu, ngược lại ông còn cười khùng khục bảo “Con mụ già, miệng liền tai, nó chửi nó nghe. Dưng mà kể ra nó chửi cũng hay, thế là cứt ông hai tác dụng, chúng mày vừa được ngửi cứt vừa được nghe cứt. Một lũ giá áo túi cơm. Người sống chung với ngợm”. Ấy là sau này, khi mà chuyện ông ỉa bậy bị phát hiện, ông mới tâm sự với tôi như thế. Nhưng tôi chịu không hiểu “một lũ” của ông là gồm những ai?

 

*

 

Bà Ba Hợi trước làm cấp dưỡng ở đoàn Tuồng Hương Phố Hà Nội, sống độc thân, không chồng nhưng có một thằng con trai. Nói bà độc thân là bởi anh con trai đã hy sinh ở biên giới Tây Nam hồi bẩy tám, bẩy chín. Khi con trai nhập ngũ và được điều động phục vụ ở phía Nam, bà xin chuyển vào thành phố này, làm tạp vụ cho sở Văn Nghệ, mấy năm rồi nghỉ hưu, về làm lao công cho chung cư. Nghe nói, việc bà xin chuyển công tác vào trong này cũng không hoàn toàn vì anh con trai, mà trong đó có một phần vì lãnh đạo đoàn Tuồng không chịu nổi bà cho dù công việc chính của bà là cơm nước vẫn vô cùng chu tất. Có thể điều này đúng, vì với tính khí và thói quen của bà thì dù ở đâu người ta cũng khó chấp nhận. Tính bà thẳng, và bà quen nói tục.

Dạo nữ nhà thơ Linh Lan mới về chung cư thuê nhà, ai cũng khó chịu. Và không ai dám làm gì. Nữ sĩ Linh Lan là một phụ nữ sồn sồn, chưa chồng. Cô ăn mặc sến như đào cải lương và có thói quen lạ là cứ mười giờ đêm đứng ra ban-công ngâm thơ như gào đò. Tất nhiên là thơ của cô sáng tác. Vì thế càng khó nghe. Có nhiều người bất bình, nhắc nhở nhưng cô cứ tỉnh bơ. Thế là hoà. Mọi người cứ bất bình, cứ xì xầm, còn cô cứ gào thơ vào lúc hăm hai giờ.

Việc mọi người ở chung cư nhịn cô cũng một phần vì có lần cô xuất hiện trên tivi, trong một cuộc toạ đàm về thơ hiện đại do kênh VTV8 tổ chức. Nói chung, trong cuộc toạ đàm đó cô được tôn vinh, vì thế mọi người dân ở đây vị nể cô cũng phải. Trong buổi toạ đàm, cô có phát biểu: “Tôi là một sinh vật mà thơ toát ra từ lỗ chân lông”. Bà Ba Hợi nghe thế trố mắt bình phẩm “Ghê quá nhỉ, lỗ chân lông toát ra thơ thì còn ghê hơn người hôi nách”.

Nhưng cô Linh Lan chỉ tỉnh bơ gào thơ được đúng một tháng rưỡi, vì bà Ba Hợi ra tay. Hôm đó, khi cô sửa soạn bước ra ban-công thì bà Ba Hợi lên gõ cửa. Bà cầm theo chai rượu đế một lít, đặt ịch chai rượu lên bàn, bà bảo: “Chị nói cho em hay, chị đây cả đời chỉ cơm nóng canh sốt, không biết thơ thẩn là gì. Nhưng chị biết uống rượu. Uống không kém ông văn bà thơ nào đâu. Tản Đà sống lại cũng chỉ bằng chị là cùng. Thôi, hôm nay em nghỉ ngâm thơ một bữa uống rượu với chị. Mà này, chị bảo cho mà biết, yếu tố hàng đầu của tinh thần tự do là biết tôn trọng sự tự do của người khác. Đâu phải cứ nứng lồn rồi muốn làm gì thì làm ….”. Bà còn hùng biện một thôi một hồi. Cô Linh Lan im thư thóc. Rồi hai người làm cạn chai rượu. Từ đó trở đi, cô không còn duy trì thói quen của mình nữa.

Ở lô nhà giữa, nguyên lầu một là cơ sở của sở Văn Nghệ thành phố, họ dùng nơi này làm nhà khách. Thỉnh thoảng các đoàn văn công phía Bắc vào lưu diễn thường nghỉ ở đây. Có lần, đoàn Tuồng Hương Phố Hà Nội vào biểu diễn và cũng về đây nghỉ. Hôm đoàn tới, bà Ba Hợi đứng giữa sân chung cư, một tay bà chống nạnh, tay kia bà đưa lêm mồm, dùng ngón cái và ngón trỏ quẹt mép (bà ăn trầu thuốc), rồi bà trịnh trọng nói rõ to: “địt mẹ cái thằng Tuồng …”, quẹt mép cái nữa rồi bà nói nốt: “ …Hương Phố”. Lúc ấy, đầy đủ lệ bộ đoàn Tuồng Hương Phố, cả diễn viên, lãnh đạo, hậu đài …, đang đứng trên ban-công lầu một ngắm trời trông đất. Anh chị em diễn viên, nhiều người mới không hiểu chuyện gì, cứ trố hết cả mắt. Chỉ có mấy vị lãnh đạo là sượng sùng đi hết vào trong.

Sau này, có lần chị Linh Lan kể với tôi, rằng hôm chị và bà Ba Hợi chơi hết lít rượu đế, bà có tâm sự, trước đây bà Ba Hợi bị một vị lãnh đạo nào đó của đoàn Tuồng hay cấp chỉ đạo trực tiếp của đoàn Tuồng … lừa tình. Kết quả cuộc tình là đứa con trai nay đã hy sinh. Khi đó, vì một âm mưu đấu đá mà ban lãnh đạo đoàn tuồng kiên quyết bắt bà Ba Hợi khai ra người cha của đứa bé (thời trước, chửa hoang là chuyện lớn). Kiểm điểm kiểm thảo lên xuống, bà nhất quyết không nói ra tên người kia. Cuối cùng, bà bảo với mấy vị lãnh đạo thế này: “Để làm ra một trẻ con, người ta phải … ấy nhau. Em biết, các bác cũng biết, thế là đủ. Em chửa hoang công khai, em có con công khai, thế là đủ. Em không cần người ta làm chồng, con em không cần người ta làm cha …, vậy các bác cần gì người ta? Cần cái con buồi người ta à?”

Có lẽ bà Ba Hợi phải biến sới khỏi đoàn Tuồng chính vì chuyện này

 

*

 

Khi ủy ban phường quyết định biến cái công viên nho nhỏ của chung cư N. thành bãi giữ xe, những tưởng ông Tư Râu sẽ mất đi cánh đồng thơ mộng cũng như mất đi cái thú vui đặc biệt của ông. Nhưng không, dù cho cỏ xanh, hoa mướt đã biến thành bê-tông, ông Tư Râu vẫn không chịu từ bỏ ý thích của mình. Nhưng khốn cho ông, dù đi vào tầm hai, ba giờ sáng ông vẫn bị người ta bắt gặp, vì nơi đây là trung tâm, quanh đó nhà hàng vũ trường nhiều nên người ta mang cả xe sang gửi nhờ. Bởi thế nên hai, ba giờ sáng cũng không còn là giờ an toàn.

Vào một buổi sáng, người dân ở chung cư N. thấy trên tấm bảng của chung cư một dòng thông báo, chữ viết rất ngay ngắn: “Tác giả của những bãi cứt khiến lâu nay bà con tổ dân phố ta được nghe chương trình ca nhạc buổi sáng do bà Ba Hợi biểu diễn chính là ông Tư Râu. Ông Tư Râu ỉa bậy”

Sau khi dòng chữ xuất hiện, bà Ba Hợi dành hẳn ba ngày chuyên đề, chửi đích danh Tư Râu.

Ông Tư Râu tức tím mặt nhưng không dám phản ứng gì

Ông Tư Râu biết ai viết dòng chữ đó. Vì chính người này bắt quả tang ông hành sự. Ông nghiến răng ken két: “Mẹ cha bọn thi sĩ văn sĩ văn nghệ văn gừng. Đểu! Đểu thật! Rồi chúng nó sẽ biết tay ông”, rồi ông hạ giọng xuống như ca thán: “Cứ như người ta, bắt quả tang thì hô hoán lên, mình kéo quần là xong. Mình biết, nó biết là cùng. Nó chơi đàng hoàng thế này thì … có chết mình không”

Một buổi tối, ông Tư Râu gọi tôi sang, ông trịnh trọng lôi ra mấy lon bia “333” mời tôi, ông bảo ăn mừng. Ông kể: “Thế là tớ trả thù được hai con quỉ cái. Một già, một nhơ nhỡ”. “Ai thế, mà ông trả thù thế nào, về chuyện gì?”, tôi hỏi. “Con Ba Hợi quỉ già. Con Linh Lan quỉ nhỡ. Mà chú chóng quên, tớ trả thù chúng nó cái vụ bêu riếu tớ … đi ỉa đó.” Rồi ông hạ giọng thì thào: “Tớ lấy phân tớ, nhét vào lỗ khoá cửa nhà hai đứa chúng nó. Thể nào tra chìa mở cửa xong, đút chìa khoá vào đâu đó, rồi cứ thấy mùi cứt thoang thoảng trong nhà mà không biết ở đâu. Ha … ha … ha”. Ông Tư Râu cười rung rinh chòm râu và mái tóc đã ngả muối tiêu.

 

*

 

Chai rượu thuốc đã vơi đi quá nửa. Sự buồn bã của ông Tư Râu khiến cuộc rượu khộng được hứng khởi. Tôi hỏi ông Tư Râu về lí do của sự vắng mặt hai con “hồng két trái tim” và “kim thơm Đài Loan”. Ông cho biết, một lần, ông sơ ý để rơi gói thuốc lào vào trong bể mà không biết, đến khi hai con kia chết trương phềnh ông mới phát hiện ra. Con Chột vì có sức đề kháng của loài cá hoang nên không hề hấn gì. Rồi ông chép miệng: “Từ khi về nơi mới, hàng xóm tứ tán, cảnh quan lạ lẫm. Đâm chán, cũng chả thiết ngó ngàng tới cá mú. Bởi thế nên mới ra nông nỗi”. Ngồi một lát, ông nói tiếp: “Có hôm buồn tình, tớ nhẩy xe buýt vào trung tâm, rồi thả bộ lòng vòng, thế nào mà chân nó lại đưa về cái chung cư ấy chú ạ. Nhưng chả còn gì. Chả gặp ai quen. Khách sạn sắp xong rồi. To lắm”

 

*

 

Bẵng đi chừng nửa năm, chợt một hôm ông Tư Râu thất thểu ghé cơ quan tôi. Mới sáu tháng mà như cả chục năm, trong ông giò xọm đi, đôi mắt ngơ ngác thất thần. Tôi vội kéo ông sang quán café kế bên cơ quan. Hỏi dăm ba câu chuyện xã giao linh tinh, ông chỉ ậm ừ. Rời đột nhiên, ông nói với vẻ thẫn thờ, nhịp nhát gừng: “Bà Ba Hợi ấy …, chú nhớ không? Bà ấy chết rồi. Chết trong nhà …, cả tuần lễ hàng xóm mới phát hiện. Tôi cũng không biết mà đi đưa đám …, khốn thế. Hôm nay …, tôi đi thăm mộ bà ấy, tiện thể ghé thăm chú”. “Thế làm sao ông biết bà ấy chết? Ai báo?”. “Thì thi thoảng, tôi vẫn ghé thăm mọi người, từ khi giải toả chung cư. Chú A., bác C, cô Linh Lan, bà Ba Hợi …, tôi tới thăm bà ấy đâu được hai, ba lần. Hôm trước ghé mới biết”. Một lúc sau, khá lâu, mặt ông bỗng giãn ra, ông nói tiếp: “Cái nhà cô Linh Lan ấy, có con rồi đấy. Con trai, kháu lắm. Rõ khổ, đàn bà thơ văn chập cheng nên muộn chồng. Cũng may, lấy anh cu này cũng tốt người tốt nết, nghe đâu buôn lòng bò. Đám cưới được hai tháng thì đẻ. Hồi cô ấy đẻ, tôi, cả bà Ba Hợi tới thăm thường xuyên. Cũng vui!”

Ngồi một lát, ông Tư Râu cáo từ. Tôi bảo để tôi lấy xe đưa ông về nhưng ông từ chối.

Ra tới cửa quán, ông bỗng quay lại nói: “Con Chột chết rồi chú ạ. Từ khi hai con kia chết, nó chẳng chịu ăn. Thế rồi chết. Chả hiểu là bệnh gì.”

Nói rồi ông quay đi ngay, nhưng tôi kịp nhìn thấy trong cặp mắt già nua ấy ầng ậng nước và một nỗi trống vắng mênh mang.

 

SG 8/06
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021