thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Niệm

 

I.

 

Độ này người ta hay kháo nhau về chuyện bạo lực xung quanh người viết. Chủ đề này chỉ hot sau bộ phim sex nữ sinh duyên dáng đóng với Việt kiều yêu nước rồi cùng chắp cánh cho bay lên mạng. Đứng thứ 3 là vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân. Đứng thứ tư là bão Sangxane. Đứng thứ 5 là cuộc bình chọn người ăn đất công khỏe nhất Việt Nam. Ăn đất là chuyện thường ngày ở Việt Nam nhưng dư luận không còn êm ả từ khi các nhà khoa học hàng đầu thế giới công bố phát hiện: “Ăn đất là dấu hiệu trở về với giun”. Đứng thứ 6 là hàng loạt các diễn đàn bị hack. Khi truy cập các diễn đàn đó, bạn sẽ gặp một màn hình trắng với dòng chữ đỏ (về thẩm mỹ hình thức, trông rất vui mắt): “Ta chấm dứt sự mê muội cho các người. Khi các người khôn lớn, các người sẽ ngộ ra và cám ơn ta. Hiepsycodon”.

Tin về một nhóm nữ ninja xuất quỷ nhập thần săn lùng của quý của các tội phạm hiếp dâm, quấy rối tình dục được xử nhẹ và cả những người tham gia chạy án mới xuất hiện trên báo điện tử cách đây vài tiếng với những ảnh minh họa đẫm máu kinh hoàng khiến nhiều người theo phản xạ vội nhìn xuống dưới đã nhanh chóng đứng thứ 7 và hứa hẹn sẽ dẫn đầu giải ngoại hạng trong ít ra là nhiều tháng.

Câu vừa rồi được viết hơi dài. Làm báo là lập tức bị cắt. Tuy nhiên, giật gân như vậy thì rối rắm gấp 5 cũng không độc giả nào không hiểu. Chẳng có gì liên quan mật thiết với mình đến thế.

Ta là ai? Tội phạm? Nạn nhân? Vừa là tội phạm đã có nguy cơ thành nạn nhân? Đồng phạm? Mừng thì mừng mà lo thì lo. Mình không có máu xâm hại người khác đã là một nhẽ. Nhưng chồng mình, vợ mình? Nhưng con mình? Nhưng bố mình, mẹ mình? Nhưng trưởng phòng đang định thăng cấp cho mình? Rồi anh chị em mình, bạn bè mình? Đứa mình căm ghét bị xoẹt một cái sẽ làm mình khoái trá. Nhưng chưa kịp dứt trận cười thầm đã nghe tin người thương yêu ngã ngựa?

 

II.

 

Nhiều tội phạm tình dục liên tục đâm đơn xin được xử nặng. Tội phạm nước ngoài chưa được dẫn độ về nước lấy cớ toàn phải chịu các phí dịch vụ cao hơn, xin xử phạt cũng theo lề thói ấy. Các tòa cuống cuồng bỏ bớt các khâu thủ tục vòng vo. Thời gian tỷ lệ nghịch với độ an toàn của cái ấy. Các luật sư bên nguyên ra sức xin giảm án cho bị cáo, nhiều gia đình nạn nhân vẫn muốn thả tội phạm ra sớm để nhận một hình phạt trực tiếp hơn, cái nào làm thì cái đấy phải chịu. Luật sư bên bị thì ra sức kết tội thân chủ. Nhiều bị cáo nổi danh vì tự bào chữa ngậm ngùi từ bỏ thói quen dẫn Freud, Jung lẫn Gustav Le Bon làm tình tiết giảm nhẹ. “Không phải tôi mang vết thương bị lạm dụng tình dục hồi bé hằn sâu thành một vết thù trong vô thức. Không phải tôi là người hoàn toàn hướng nội không hiểu gì về luật đời và tự do của tha nhân. Không phải tôi bị đám đông say xỉn, phê thuốc hực tình cuốn theo. Tôi đã đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng. Tôi vô cùng chân thành xin lỗi nạn nhân của tôi. Xin quý tòa cùng quý bà con cho tôi một cơ hội sống để chuộc tội. Xin tống giam tôi thật lâu và đảm bảo an toàn cho tôi trong quá trình lao động sám hối. Xin cảm ơn”, một bị cáo vừa nói vừa nhểu nước mắt.

 

III.

 

Thị trường dao kéo mini bùng nổ nhanh hơn trí tưởng tượng. Lực lượng hàng rong dao kéo mini nở rộ như dịch vụ thay bugi trong mưa, như dịch vụ người già em bé bán VCD, DVD sex không phân biệt màu da. Các nhà tạo mẫu vội vã thiết kế những mẫu dao kéo vừa làm đồ trang sức vừa thực dụng. Có thể nhanh chóng rút ra sáng lòa nhưng khi cài cắm khắp người lại long lanh nước mắt và an toàn tuyệt đối.

Trịnh Hoài đức lên cơn sốt Cu ki (là một sản phẩm phòng vệ dành cho đàn ông, như là Iron maiden - đai trinh tiết của phụ nữ). Giá tăng 10 lần mà cung vẫn không đủ cầu. Nhiều vận động viên hám lợi cũng không dám bán. Gì chứ, quân tử phòng thân.

Nguyễn Xí cháy sách luật. Hiếp dâm thì có bọn cực ngu cực ác cực bệnh hoạn mới làm, không phải mình rồi. Nhưng thế nào thì bị coi là quấy rối tình dục? Nhìn như ăn tươi nuốt sống? Vỗ mông? Sờ ti? Khoe của? (Giờ thì ai còn dám khoe nữa, khoe đúng nữ ninja thì...) Buông lời ong bướm?

 

IV.

 

“Hỡi những người nghĩa hiệp, các bạn có cách gì đảm bảo mình đủ khả năng phân loại để chọn trừng phạt hay không trừng phạt và mức độ trừng phạt? Nhỡ có trường hợp người các bạn coi là “bị” quấy rối lại coi thế là “được” thì sao? Các bạn không đưa ra tiêu chí trừng phạt của mình, trong khi, hành vi trừng phạt lại quá nặng nề khiến cho cư dân khắp nơi đều sợ các bạn hiểu lầm. Ai cũng phải kiềm chế tối đa cảm xúc. Cả những hành vi các bên đều tự nguyện cũng phải nơm nớp che giấu hoặc nhịn. Dồn nén quá mức thế càng dẫn đến bùng nổ làm liều thì sao? Các bạn thừa hành công lý hay làm tăng thêm sự bất công?”, câu hỏi của TheAsker cất lên và được cộng hưởng bởi những mái vòm của internet. Nhưng chỉ nhận được một dội âm thơ ngây hỏi lại. Các nữ ninja có lẽ quá bận bịu để có thời gian giao lưu trực tuyến với các fan club và anti-fan club của mình.

Nhiều đội ninja được kêu gọi thành lập. Cả nam lẫn nữ. Có đội đồ sát, cừu sát đội nữ ninja Chim Cắt (nhanh như chim cắt). Có đội lại đi cừu sát, đồ sát các đội kia. Rục rịch chạy đua vũ khí nguyên tử, thảm họa môi trường với lại thiên thạch đang lao vào trái đất cứ việc xếp hàng đợi xong võ lâm truyền kỳ rồi ta bàn.

 

V.

Một số người tự xưng là có truyền thống đạo đức lên tiếng kết tội nhà văn Hồ Anh Thái vì các nữ ninja có thể đã đọc “Cõi người rung chuông tận thế” của ông và bắt chước nhân vật Mai Trừng. Chưa biết các phản ứng trên báo giấy ra sao, còn trên mạng, trong một diễn đàn về văn chương, carot bình luận:

“Nhẽ ra các nhà đạo đức tự phong kia phải đi kiện nhà văn nào tạo ra loại nhân vật dở hơi mà họ đang bắt chước. Em không định bình luận vì kiểu quy chụp ấy bị các bác ở đây cười cho thối mũi cách đây vài năm rồi. Ở những nước lạc hậu thật khốn khổ, phải tranh cãi đi tranh cãi lại để nạp những điều nước tiến bộ người ta coi là đúng đắn từ hàng trăm năm rồi. Khốn nỗi, học mót của người tiến bộ rồi cho rằng mình đã lập tức tiến hóa cũng là chuyện lố bịch. Cái rễ ấu trĩ nó ăn sâu vào lâu rồi. Cứ phải mưa dầm thấm lâu thôi.

Em chỉ xin nói thêm là cái ông kia cũng chả biết Mai Trừng là người như thế nào và các nữ ninja của chúng ta (em gọi thân thương vậy, hy vọng các chị tha cho em) là người như thế nào mà đem ra so sánh.

Các bác em xem truyện tranh có để ý đến cái gọi là Niệm không. Niệm của con người có thể hiểu như năng lượng của con người dồn vào một cái gì đó tạo nên nhiều kiểu sức mạnh. Cái này có thể dùng để lí giải cho người nhìn thấy linh hồn, người dùng khí công phòng thân, cho những vùng đất, những đồ vật có tà khí, nguyên khí. Các bác có thấy đôi khi cầm ảnh một người xa lạ cổ xưa ta bỗng rưng rưng. Không chỉ vì thẩm mỹ, tâm lí của các bác đâu, còn có cả Niệm của người làm ra ảnh, Niệm của người được vẽ, Niệm ở cả những nơi đặt ảnh và cả chính Niệm của các bác đấy. Niệm của con người luân hồi cùng trời đất. Chỗ ứ đọng thì thành tà khí, chỗ lưu thông thì thành nguyên khí. Nhiều khi có người được Niệm cứu, có người bị Niệm trừng phạt. Cổ nhân nói “Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt” là nói về lưới Niệm. Con đường muôn đời của con người là dùng Niệm của mình ứng xử với những Niệm tồn tại trong nhân gian. Mai Trừng không hề định làm hại ai, nhưng cô được chọn làm người dẫn Niệm trừng phạt cái ác. Niệm của cô là thứ Niệm có mắt trời đất và năng lượng của Niệm từ những người hướng đến sự công bằng từ muôn đời, tỷ lệ chính xác cao. Còn những nữ ninja là những người tự tạo ra Niệm trừng phạt và tự cho mình quyền trừng phạt.”.

 

VI.

 

Donquixote trả lời:

“Chú xin tha là tha thế nào. Công pháp bất vị thân. Chú tuổi trẻ tài cao thể nào gái chả bâu như ruồi. Thể nào chả vùi liễu dập hoa. Ra đường mặc giáp ngồi trong xe tăng nhá.

Có khá nhiều cái chú nghĩ giống anh. Anh thấy chú muốn lí giải nhiều thứ hơn là nghiễm nhiên tin vào bàn tay sắp đặt của Thượng Đế. Đó là hơi hướm duy vật. Nhưng chú không bị tù đọng trong nghĩa khô cứng, ngạo mạn của duy vật. Chú mang cả hơi hướm duy tâm ở chỗ chú không cho từ “được chọn” vào trong ngoặc kép. Điều này chứng tỏ chú coi có một bàn tay vô hình đứng sau loài người là điều điều khá hiển nhiên. Anh chỉ xin hỏi lại chú: các nữ ninja nhà ta hành động thế nào không ai biết (chỉ biết là họ là một nhóm vì có nhiều vụ xảy ra cùng lúc ở những nơi cách xa nhau), làm sao chú chứng minh được họ là những người tự tạo ra Niệm trừng phạt và tự cho mình quyền trừng phạt mà không phải họ là người được chọn?

Hình như chú không đọc kỹ tác phẩm lắm, chỉ dùng Mai Trừng để làm ví dụ vun đắp luận thuyết về Niệm của chú. Anh thấy, đằng sau việc chọn nhân vật Mai Trừng, ngoài trí tưởng tượng còn là một cái tâm bối rối nửa tuyệt vọng nửa còn khát vọng.

Xây dựng một nhân vật được trời chọn để đi trừng phạt sự độc ác là mang tâm thế tuyệt vọng về công lí của con người rồi. Người hướng thiện tuyệt vọng vì biết mình quá nhỏ nhoi, bất lực trước cái ác là điều chân thật nhất. Nhưng chính việc xây dựng nhân vật Mai Trừng giữa một xã hội nhễ nhại cái ác lại là một khao khát về công lí.

Nhà văn có lương tâm không thể nhai lại cách viết cảnh tỉnh xã hội bằng thứ luân lí phản tác dụng nữa. Nhưng họ vẫn ngầm xây dựng những lời cảnh tỉnh và những hành vi tốt đẹp qua chính biểu hiện nhân vật của mình. Chú xem, chung cục tác phẩm của Kafka thì tuyệt vọng, nhưng các nhân vật chính vẫn có những nét từ tâm. Hơn nữa, giọng văn của Kafka là giọng văn có Văn Hóa và năng lượng. Con người được sưởi ấm bằng Văn Hóa, được kích thích bằng năng lượng. Theo cách nói của chú, đó cũng là một thứ Niệm tỏa ra từ Kafka. Dù có thể, Kafka không cố ý gửi gắm.

Anh thấy cái hay nhất là bác Thái không chỉ xây dựng Mai Trừng là người được chọn để thế thiên hành đạo. Còn xây dựng cái cười những nét quan liêu, phi lí của cái bàn tay vô hình ấy nữa. Chọn người ta đi thừa hành công lí nhưng lại bất công ở chỗ bắt người ta làm cả những việc người ta không muốn. Bắt Mai Trừng trừng phạt quá thô bạo làm cô ta cảm thấy đau đớn, tội lỗi. Kẻ nào định hại, định hiếp cô ta bị diệt là một nhẽ nhưng lúc cô ta tự nguyện làm tình cũng đi trừng phạt bạn tình của cô ta thì không gì bất công hơn.

Cái phi lí của cuộc sống nằm ở câu nói của Mai Trừng khi xin mẹ rút lại lời nguyền gửi gắm quyền năng trừng phạt vào cô ta: “Diệt trừ cái ác là việc của mọi người, sao lại bắt một đứa con gái đơn độc như con phải làm việc ấy?”.

Anh thấy một xã hội ra rả bắt người sáng tác phải gánh toàn bộ trọng trách hướng thiện của nó là một xã hội bệnh hoạn, hèn hạ và lười biếng. Cái kiểu ỉ lại và ngồi phán xét trong ngu dốt của nó khiến những người sáng tác hướng đến sự công bằng ngày một tuyệt vọng. Sao những kẻ phán xét nhân danh đám đông không tự hỏi, nếu nó và đám đông giống nó đủ tầm để đứng trên tài năng và đạo đức của người sáng tác, nó và đám đông giống nó đã làm cuộc sống nhanh chóng tiến bộ rồi.

Anh xin hỏi chú một câu nữa: tại sao có người đọc thấy tác phẩm hay, có người thấy dở? Lấy luôn ví dụ về bức ảnh cổ xưa của chú. Giả sử nó được đặt trong một viện bảo tàng (tất nhiên, nó luôn có cùng một nhân vật, cùng một người chụp), anh và chú cùng cao bằng nhau, kích cỡ, màu mắt giống hệt nhau, cùng đứng nhìn ở một góc độ. Tại sao có thể chú đầm đìa khải thị mà anh chả mảy may rung động, có khi, còn vô cùng căm ghét?”.

 

VII.

 

carot trả lời:

“Hô hô. Bọn trym bằng quả ớt như em còn phải xếp hàng dài đợi các chị xử xong các bác. May ra thì già rồi mới được đến lượt.

Em mong bác để ý đoạn “tỷ lệ chính xác cao” trong post trước của em. Em không cho đó là công lí chính xác tuyệt đối. Nó cũng có thể có sai lầm nhưng cũng nên tính đến xác suất chính xác cao của Niệm từ kinh nghiệm của đất trời và của những người hướng đến công bằng.

Đúng là bác đọc tác phẩm kỹ hơn em. Em có hơi chủ quan trong việc lấy ví dụ Mai Trừng. Em xin rút kinh nghiệm. Nhưng cũng xin bác em hiểu cho, nó cũng là sơ xuất khó tránh khi triển khai chủ đề. Thảo luận diễn đàn không phải chỗ để gõ mà không nghĩ nhưng nó cũng là một môi trường cọ xát hơi tốc độ, hơi vội vã nên độ chính xác không thể cao như lúc ngồi nghiên cứu ròng rã, bác em công nhận không. Không công nhận không được vì bác em cũng thế thôi, cũng mải mê theo dòng suy tưởng. Nói có sách mách có chứng nhé: Để phán xét những người phán xét, bác em nói như người ta phản đối “CNRCTT” dữ dội lắm í. Thật ra, nó cũng như dư luận với “Cánh đồng bất tận” thôi, càng xuất hiện người chê, càng xuất hiện nhiều người khen hơn. Vì có thể độc giả người ta đọc ít nhưng lại trải nghiệm cuộc sống nhiều, người ta cũng biết phân biệt dở hay đối với những tác phẩm trong hệ ngôn ngữ của người ta mà không cần phải dạy.

Nhưng với tác phẩm nằm ngoài hệ ngôn ngữ người ta từng quen tiếp xúc và sử dụng thì họ vẫn có thể kỳ thị như thường. Niệm trong tác phẩm và trong trời đất không phải lúc nào cũng lồ lộ cho ai tham gia vào khí quyển của nó cũng cảm nhận được. Nhiều khi nó còn đòi hỏi phải thích ứng font văn hóa. Như kiểu bác em mail cho em bằng font VnTime mà máy em không có font tương thích, khi em check mail, các ký tự sẽ bị bóp méo thành thứ không thể hiểu nổi trông rất ngứa mắt. Nếu em muốn hiểu được nội dung, em phải download font VnTime về. Người lười download cái khác mình thì hay phán xét, đàn áp là lẽ thường tình của sự độc tài và ngu dốt.

Bác em nói em duy vật lẫn lộn duy tâm, em công nhận cái ý của bác. Em sợ tuyệt đối hóa cái gì. Chỉ là có thể thiên về cái này hơn cái kia thôi. Tuyệt đối hóa trăm trăm nghĩa là không chấp nhận và sẵn sàng hủy diệt sự khác biệt. Ví dụ như thứ công lí có những cái bất công trong CNRCTT.

Nhưng vì em không phủ định sạch trơn nên em thấy cũng có những cái hay nó làm được. Chỉ cần mình đừng tôn sùng nó và suy ngẫm, phân loại từng hành vi trong từng môi trường của nó. Em mong bác em cũng biện chứng thế. Mai Trừng là nhân vật lý thuyết, được mặc định là người được chọn. Còn các nữ ninja là ngoài đời bác ạ. Bác có chấp nhận lí do họ là người được chọn (như bao kẻ khủng bố cho là mình được chọn) khi họ đang đứng trước mặt bác không?”.

 

VIII.

 

Post kế tiếp là của DeptraiHaihuoc:

“ôi dời. các chú tỷ phú thời gian hay sao mà dài dòng thế đe’o ai đọc được. anh cá là chỉ có anh em ở đây đang lo vãi cả đái chứ cả hai chú Cà dốt và chú Donkey đều có thể đắp chăn ngủ kỹ. giai ngộ chữ như hai chú thì gái nó ngửi thấy mùi (hôi nách) trong gió nó đã tự động bịt mũi tránh xa 10 mét.

thế nên mới có thơ rằng:

giai hư thì gái nó mê

giai ngoan gái kệ ê chề nằm không”.

 

IX.

 

Đó là chuyện online. Offline, pháp luật bối rối.

Các nữ ninja làm thế là tấn công hay phòng vệ? Phòng vệ là chính đáng khi bị tấn công. Nhưng thế nào được gọi là phòng vệ chính đáng? Một tên cướp ngân hàng được chống trả cảnh sát? Một người bị chửi cha qua mạng được cầm dao đâm chết người kia? Một người chồng được bắn xuyên táo vợ và nhân tình? Lí lẽ phòng vệ và lí lẽ tấn công thường không tương xứng nhau. Lực phòng vệ và lực tấn công cũng thế.

Một cô gái vùng vẫy hết sức cũng không thể chống cự nổi sự xâm hại. Cô định cắn lưỡi tự tử nhưng nghĩ còn phải nuôi con, đành gắng gượng sống để chờ đợi sự phán xử công bằng từ lòng nhân, để được an ủi nỗi đau đớn của mình không bị tái diễn với người khác. Nhiệm vụ của tòa án là thay mặt cô gái, đáp trả kẻ tấn công một lực tạm gọi là tương xứng. Nhưng tòa tha bổng hắn hoặc chỉ xử phạt hành chính, cho hưởng án treo. Cô gái tuyệt vọng hóa điên. Ai đáp trả sự đồng lõa cưỡng hiếp của tòa?

Những cơn bão cưỡng hiếp miền Trung. Ai đáp trả sự đồng lõa cưỡng hiếp của kẻ ăn bớt tiền cứu trợ?

Sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên bị kiểu đô thị hóa tham lam cưỡng hiếp khiến xung năng “cưỡng hiếp” của họ tăng cao. Ai đáp trả sự đồng lõa cưỡng hiếp (bằng cách làm ngơ) của những người được luật quy định trách nhiệm tạo sân chơi?

Pháp luật nếu quen kiểu đồng lõa cưỡng hiếp thì xử kẻ cưỡng hiếp (có lúc cũng là tự xử) kiểu gì?

Nguyên khí không phải lúc nào cũng đi theo phò tá con người, nó còn phải vật lộn đả thông tà khí. Vốn nguyên khí được giải ngân cũng cần liên tục được nạp thêm. Nơi đâu con người thiếu đạo, nguyên khí hao mòn dần. Một lãnh đạo có là người có tâm có tài không, nhìn vào khả năng “chấn dân khí” của hắn là ra mọi nhẽ. Khi có dân khí, con người mới có cái đạo nước chảy mây trôi để ứng xử hợp lí với luật phòng vệ, cái luật để gìn giữ tự do chung cho loài người ai cũng tham vơ tất cả tự do cho riêng mình.

Khi những nhân vật danh chính ngôn thuận thế thiên hành đạo cứ khiến người ta phải hỏi ai là ai, đạo tự do trong trời đất bị đảo lộn, tắc bể phốt, sự xuất hiện của các nữ ninja lấy oán báo oán, bản sao của các vụ đánh bom cảm tử, là một tất yếu u ám của lịch sử.

 

X.

 

Trích tiểu luận “Niệm và sự cộng hưởng” của carot ở trang 9 topic “Kiện nhà văn” diễn đàn Buôn chuyện (chính là cảm hứng lớn nhất cho sự ra đời của “Niệm”, xin cảm ơn và xin phép sử dụng đoạn trích này của bạn):

“... Gần như toàn bộ nhân loại nể phục nhất điều gì? Đạo. Sợ nhất điều gì? Bạo lực. Cái sợ điều khiển cả cái nể phục. Nỗi sợ bạo lực hủy hoại những cảm xúc thuần khiết nhất (mà cảm xúc thuần khiết của nỗi sợ đó không bao giờ bù đắp được).

Ngoài trời đất ra, năng lượng bạo lực trực tiếp có thể huy động thường xuyên nhất, nhanh chóng nhất nằm trong tay lực lượng an ninh. Bộ phận lập pháp, hành pháp có trách nhiệm đưa ra những nguyên tắc và áp lực giới hạn những năng lượng bạo lực đó. Để người dân không bị đè nặng bởi cảm giác những người có trách nhiệm bảo vệ mình luôn đe dọa mình (một thứ Niệm tiêu cực từ cả hai phía).

Những lực lượng này sống được là nhờ tiền nộp thuế của nhân dân. Kundera cho nhân vật nói thế nào nhỉ? “Anh là đồng minh của kẻ chôn mình”. Vậy, hãy đào mình lên bằng cách quan tâm đến số phận đồng tiền nộp thuế của mình.

Giáo dục và nghệ thuật hướng các lực lượng bạo lực đến tính nhân bản và sự giải tỏa những xung năng tiêu diệt, đôi khi, cũng có thể kích thích những xung năng ấy bùng nổ khi mọi thứ đã quá mục ruỗng. Vậy, hãy đào mình lên bằng cách ứng xử có văn hóa với đồng tiền đầu tư cho giáo dục và nghệ thuật.

Công nghệ giúp con người có điều kiện chia sẻ nhiều thứ hơn, sống đỡ nhọc nhằn hơn. Nhưng hình thức giao tiếp gián tiếp của nó cũng có thể khiến con người thực chất vẫn chìm trong thế giới của riêng mình và tha hóa niềm quan tâm “mặt đối mặt” với tha nhân. Trong khi, các vũ khí hủy diệt ngày một tối tân hơn và chưa có sự liên kết biểu tình nào đủ đông đảo và mạnh mẽ giúp chấm dứt cuộc chạy đua này. Vậy, hãy đào mình lên bằng cách đối chiếu số phận mình với hiện sinh của công nghệ.

Thân xác con người cũng luôn cần học cách ứng xử với nhau. Sự cân bằng trong hành vi ứng xử giữa thân xác với thân xác an ủi và kéo gần sự xa cách của tâm hồn. Vậy, hãy đào mình lên bằng cách cực lực đòi sự đối xử phi bạo lực, sự lành mạnh trong thể thao và khuyến khích sự sáng tạo an toàn trong tình dục.

Cái tôi càng có cơ hội bộc lộ, con người càng có cá tính. Trên hành trình cá tính được đẩy đến tuyệt cùng, nó có thể xâm phạm đến cái chung. Bởi thế, nó cần được giám sát sức hủy diệt. Kundera (vâng, lại Kundera, triển khai tiếp các chủ đề Kundera triển khai không bao giờ thừa) trong “Sự bất tử” đã không quan tâm đến chức năng giám sát dân chủ của truyền thông. Nhưng cũng bởi, Kundera tập trung khảo sát chính sự xâm phạm ngược của nó. Trong một thế giới đã lắm sự lệch phông văn hóa lại còn nhiều kỳ thị, truyền thông cũng có thể tạo điều kiện cho những phán xét lệch lạc, hung bạo của dư luận trở nên bất tử và cưỡng hiếp cá nhân cả sau khi nó không còn cơ hội tham gia dư luận. Vậy, khi đã được hình thành tâm lí “Tội ác của ta luôn bị quan sát”, hãy tiếp tục đào mình lên bằng cách đòi hỏi những không gian ngoài ống kính. Để nhìn sâu vào tâm hồn mình và gột rửa thứ tâm lí luôn đeo bám ăn mòn cái tôi: “Ta phải làm sao để hợp với thẩm mỹ của những đôi mắt nào đó đang quan sát ta.”.

Đó là một vài trong những việc con người có thể cộng hưởng với tha nhân thông qua sự sắp đặt của chính mình trong thân phận cát bụi trước vũ trụ. Nếu nó liên tục nỗ lực, nó có thể hòa hợp và hạnh phúc với cái Niệm nước chảy mây trôi của vũ trụ?”

 

XI.

 

Hình như đã lạc đề. Lạc từ đâu nhỉ? Kệ đi. Không quan trọng. Chúng ta cứ trở lại với thông tin đầu tiên về tình trạng bạo lực quanh người viết.

Trước tiên là bạo lực giữa người viết với nhau. Chuyện gần đây nhất là vụ giữa hai nữ nhà văn cùng tham dự một hội nghị toàn quốc. Trương Nghệ Mưu sẽ thầm tiếc đã tốn quá nhiều tiền thuê Dương Tử Quỳnh và Chương Tử Di. Nhưng rồi ông cũng sẽ tặc lưỡi ngộ ra: Quả là Ngọa hổ tàng long. Thảo nào giặc nước mình đến nhà họ, lo hậu họa, đàn bà nó cũng đem ra đánh. Rồi trộm nghĩ, mình mang quốc tịch Trung Hoa, mình cũng lấy làm xấu hổ vì hành vi để bia miệng ngàn đời ấy. Theo tin nội bộ, đạo diễn Mưu đã âm thầm nghiên cứu văn hóa Việt Nam trong nhiều năm. Ông sẽ làm một bộ phim hoành tráng về hành trình quá độ của nền văn minh bao cấp lúa nước này lên nền văn minh dùng hàng Trung Quốc nhái Nhật, Mỹ trong khi hàng nội địa chất lượng cao chỉ tập trung xuất khẩu nhằm tập dược tình huống bị kiện bán phá giá trước khi gia nhập WTO. Bộ phim với đội ngũ diễn viên Việt Kiều chuyên nghiệp dự kiến sẽ quay tại một trường quay Pháp nổi tiếng với những phim kiệm lời thoại. Phụ đề tiếng Việt.

Đấu võ miệng được truyền hình trực tiếp. Tiếng bồi, cả Ta cả Tây đều hiểu, không phải làm phụ đề. Màn cơ bắp diễn ra sau đó vài tiếng được chữ hóa bởi những người cùng xe rời hội nghị và cả những người nghe tường thuật. Một người nghe nói là cùng đoàn kể: “Nó đột ngột xảy đến trong rừng trúc lúc cả đoàn dừng xe xuống tè. Trên xe, hai người đã làm lành và hút chung với nhau một điếu Mai Sêvần. Tôi không thể hiểu nổi tâm lí con người...”. Một bài báo kể: “Nhà văn tóc vàng đã chủ động hòa giải nhưng nhà văn tóc đen cứ quay xuống cố tình phả khói vào mặt dù biết nhà văn tóc vàng dị ứng với thuốc lá. Không thể nhịn thêm, nhà văn tóc vàng đập cửa đòi dừng xe xuống giải quyết cho ra nhẽ...”. Trong một bài phỏng vấn, có đoạn: “Một ông đòi mở cửa xe để hút thuốc. Cô tóc nâu ngắn đồng ý. Cô tóc nâu dài bảo xe điều hòa không được mở. Thế là họ cãi nhau cái gì tôi chả hiểu. Hình như tiếp chuyện ở hội nghị. Lúc đó tôi đang ra ngoài tranh thủ oánh chén đặc sản địa phương. Cả đời mới được đi mở rộng tầm mắt, tội gì. Cả xe chia làm hai phe nhao nhao cả lên. Tôi thì no căng mặc kệ đời cứ thế lăn ra ngủ. Tính tôi hay lắm. Sét đánh bên tai vẫn ngáy khò khò. Tự dưng, tôi bị thoi một quả vào mặt. Thế là tôi vùng dậy vung tay đấm lại lung tung. Chả biết ai vào ai. Cả xe loạn xạ ngầu...”.

Theo một văn bản tổng kết hội nghị thì nguyên nhân của cuộc giao đấu một mất một còn là giành quyền tác giả của hai tiểu luận về quyền tác giả giống hệt nhau. Tại buổi tọa đàm hôm đó, ý kiến “họ cùng copi pết từ một bản dịch trên mạng hôm trước tôi vừa đọc” của một vị lão thành lập tức bị vùi dập vì “không nhớ mình từng là người trẻ hay sao mà đi chụp mũ người trẻ”.

Bình luận theo bản báo cáo, nhân vật DeptraiHaihuoc chúng ta từng gặp bỗng dưng đổi giọng, dịu dàng cay nghiệt: “cũng phải thông cảm với tình hình văn học nước nhà, nhỉ, các bác em. khác làm sao được. hầu khắp đại biểu không biết google.”

Để bảo vệ trinh tiết cho tiểu luận diêm dúa và trang trọng ấy, các tác giả buộc phải xả thân. Theo điểm chung nhất của nhiều lời tường thuật, đó là một cuộc thánh chiến thực sự. Hai bên đều kịch liệt công. Không phải trò mèo đuổi chuột. Không có dấu vết của trò giễu nhại hậu hiện đại dở hơi. Chi tiết xin xem thêm trên mạng. Trên đó cũng đang thảo luận về dự án cung cấp miễn phí máy vi tính nối mạng cho người viết để tiến tới hội thảo trực tuyến “cho nó lành”. Trao đổi các icon lè lưỡi lêu lêu, tụt quần vỗ mông, tai xì khói, đào mồ chôn... là đủ. Nhưng nhiều người phản đối. Vì như thế mất vui.

Dư luận cũng đang xôn xao vì những vụ đe dọa hành hung người viết. Bắt đầu là vụ một tác giả bị một độc giả dọa cắt tay không cho viết nữa vì đã vu khống ông ta, ông ta tuyên bố rằng ông ta hoàn toàn không phải người như nhân vật mà tác giả dùng để ám chỉ ông ta. Được đà, các tác giả thi nhau ôn nghèo kể khổ, hy vọng khi mình nổi tiếng, chuyện của mình sẽ thành giai thoại kinh điển.

Tôi cũng là người, lẽ nào tôi lại không bon chen, tôi ưu tiên dành đất cho chuyện của tôi...

 

XII.

 

Tôi vừa dọn xong hòm thư với 583 spam đính kèm virus, lên giường ôm sách thì di động rung.

“May la thang khon nan nhat ma tao tung biet”

“Ai nhắn đấy anh?”, vợ tôi hỏi. “Anh không biết”. “Sao người ta biết anh?”. “Làm sao anh biết được. À, mà ý em là sao người ta biết đích xác anh là thằng khốn nạn í gì”. “Không. Còn hơn thế cơ. Anh độ này trông phởn chí lắm”.

Nàng nhìn tôi nghi ngờ, thoảng ánh ghen tuông.

“Không, anh không phải loại người ấy. Anh đúng là thằng khốn nạn thật nhưng chưa đến nỗi. Người kia chắc tử tế quá, mới như anh mà đã coi là thần tượng khốn nạn. Em yên tâm, anh chỉ khốn nạn với đàn ông thôi, anh luôn cố không khốn nạn với đàn bà. Dù họ sẽ phản đối ngay: Như thế là phân biệt nam nữ”.

Nói ra điều cả thế giới đều biết thật phí thời gian. Nói bằng tin nhắn còn phí thêm tiền. Đáp lại “Vâng, chân lí được thêm một con bò là tôi xác nhận” thì quá là bò đúp. Tôi im lặng.

Nhưng đi động không im.

Alô thì lại im.

Tắt di động thì điện thoại cố định lại vùng lên.

Alô thì lại im.

Cứ thế ba bốn lần. Con tôi giật mình thon thót. Cứ đang bồng con ru November Rain thì lại phải chạy sang phòng khách bồng điện thoại. Lần thứ 3, bố mẹ vợ càu nhàu. Lần thứ 4 em vợ nói mát.

“And it’s hard to hold a candle. In the cold November rain.”. Ru con thế có sớm quá không? I’m sorry everyone. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng. Đã dây với chữ mà còn lấy vợ.

 

XIII.

 

Tôi bật lại di động.

Khi gõ lại tin nhắn gửi đi, tôi thêm dấu cho độc giả tiện đọc:

“Vâng. Tôi khốn nạn nhất thế giới nhì Việt Nam. Xin ông đừng liên lạc với tôi nữa. Bệnh khốn nạn rất dễ lây.”

Tin nhắn của người lạ tôi xin giữ nguyên trạng. Công tác dịch tiếng Việt không dấu sang tiếng Việt có dấu cũng có thể truyền tải sai nội dung văn bản gốc. Chứ chả phải có dụng ý thẩm mỹ gì.

“Biet dieu day. Nha van oi, bon may la mot lu lon”

Mặc dù không dám chắc lắm, nhưng tôi cho rằng, đây là một câu chửi. Những trao đổi mà các bạn sắp xem (nếu thấy tác phẩm còn đáng để tò mò) sẽ làm sáng tỏ giả thuyết ấy. Ai cho rằng tôi bịa đặt để chửi khéo các nhà văn, xin cứ lên mạng tìm, chuyện tôi đăng ở trển có cả ảnh chụp màn hình di động với tin nhắn ấy.

“Ông tìm đọc Milan Kundera, đọc thật kỹ để biết thế nào mới được gọi là nhà văn nhé. Còn hành vi của ông: Chửi bới nặc danh, quấy rối bằng điện thoại, ông cũng bình tĩnh xem lại nhé. Khi biết tôn trọng người khác, có thể ông sẽ nhìn nhiều thứ công bằng hơn. Chúc ngủ ngon. Tôi chưa muốn dùng đến luật với ông.”.

Trời, thành 2 tin rồi, tốn tiền quá mẹ ơi. Hehe, vừa dọa vừa run. Viết lách làm ta cảm thấy trơ trọi vô cùng, bù lại, học được thói bịa đặt như thật. Giả sử nó có chặn đánh mình, mình sẽ chỉ những ông kính đen chăm chỉ ngồi quán nước hay dõi theo mình, bảo các ổng là vệ sỹ thuê ba nghìn đô một tháng.

“May dinh doa ro a? Tao dang o thiet gi nua day. May co thay rang co rat nhieu dua coi minh la so mot nhu tao va may o?”

“Ai chả coi mình là số 1, đấy là thế giới chủ quan bẩm sinh của con người, ông lăn tăn làm gì. Có điều, một số đứa thì làm việc, suy ngẫm về ảo tưởng của mình. Số khác thì thay vì chịu khó ra Nguyễn Xí mua sách hay về đọc để nhìn lại mình với lại cày cuốc kiếm tiền thì đi than vãn, thù hận và tiếp tục ảo tưởng. Xin dừng phím ở đây. Mai tôi phải dậy sớm. Mong ông bình tâm.”

Hic, lần này là 3 tin. Ngày tôi cũng chỉ dám nhắn 2 tin rưỡi nịnh vợ.

“May noi cai deo gi ngu the ha thang lon kia. Dcm, tao dang them binh tam”

“Ông cứ tập điều hòa hơi thở hoặc chạy bộ xem. Ông thử làm ngay đi. Chào ông. Don't you know you need some time... all alone. Tôi nói nhiều quá rồi.”

“Everybody needs somebody. Cau goi lai cho to 1 phut di. To muon noi chuyen voi cau. May to o du tien”

Tôi gọi. Tò mò thôi, chả tử tế gì.

 

XIV.

 

Không ai nhấc máy.

“Tôi gọi nhưng máy ông bận. Mong ông tập thoải mái nếu người khác không làm hài lòng mình. Tôi không tiếp tục liên lạc được nữa, máy tôi cũng sắp hết tiền và tôi còn rất nhiều việc dở dang và mệt mỏi. Đời vốn đã ít cái sướng rồi thì ta tập tĩnh tâm mà sướng.”

“May ngu lam. Tao deo them noi chuyen voi may nua. May cu kien tao di”

Tôi vừa lơ mơ ngủ thì điện thoại cố định reo. Cả nhà tôi người cáu người khóc. I’m sorry everyone. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Tôi có người bạn ở Bắc Hàn hẹn quãng nửa đêm gọi về nói chuyện. (Tôi thầm cười rủa mình đê tiện vì háo hức lấy tư liệu hơn là muốn chia sẻ nỗi lo với cô ta.). Nhưng lần này vẫn không phải. Sau một hồi đắn đo, cũng đành rút đường điện thoại.

“Ngủ đi con. Nín nào. Nín nào. Bố xin, bố xin. Để mẹ ngủ, mai mẹ phải đi đón đoàn Tây sang cưỡi ngựa xem hoa nước mình.

...So never mind the darkness

we still can find a way.

'Cause nothin' lasts forever

even cold November rain...”.

Mạng giúp con người vừa được cọ xát ngôn ngữ để trưởng thành cùng các khu vực khác vừa tránh được vô số vụ ẩu đả chợ búa do bất đồng quan điểm. Cũng lại có nhân vật sợ cái đau tự đối diện của công cuộc trưởng thành, chạy trốn vào tính gián tiếp của công cụ để bạo dâm tinh thần. Sức giận cá chém thớt của con người quả là vô biên.

“Hơi đâu mà kiện cáo. Thiếu gì cách tóm và trừng phạt. Nhà tôi đầy công an mật, công an mạng, cảnh sát hình sự, cảnh sát Interpol. Không tin ông cứ dò la tiếp. Nhưng để làm gì nếu từ bây giờ ông tôn trọng đề nghị không làm phiền nhau. Chúc ông ngủ ngon.”

Nhắn thế hơi buồn cười. Nhưng cũng tùy người mà nhắn. Tôi ngước mắt nhìn lên rồi tắt máy.

 

XV.

 

Chúc bạn ngủ ngon.

 

12-17.10.06

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021