thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tên nói dối

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

JEAN COCTEAU

(1889-1963)

 

Jean Cocteau tên đầy đủ là Jean Maurice Eugène Clément Cocteau sinh ngày 5 tháng Bảy 1889 tại Maisons-Lafitte, Pháp — một thành phố nhỏ gần Paris. Ông không chỉ làm thơ, viết kịch, viết tiểu thuyết, phê bình văn học, mà còn làm điêu khắc, làm gốm, vẽ tranh, minh họa, làm phim, viết nhạc và trang trí. Tình bạn giữa ông và chàng trai trẻ tác giả Le Diable au corps là Raymond Radiguet gây nhiều tai tiếng, nhất là việc ông bắt đầu hút thuốc phiện kể từ cái chết non trẻ của người bạn tình ấy ở tuổi hai mươi. Những mối quan hệ khăng khít với tài tử Jean Marais và họa sĩ Edouard Dermit cũng để lại trong đời ông những dấu ấn đậm đà, và có thể nói là... tích cực. Cho dù những nhận định và đánh giá về con người và tài năng ông rất khác nhau và rất hay thay đổi — bởi chính công việc của ông cũng không hề đứng nguyên một chỗ! — Cocteau vẫn được coi là nhà mỹ học và là một gương mặt độc đáo của những phong trào văn học nghệ thuật tiền phong đầu thế kỷ 20. Ngoài thơ, tiểu phẩm, tiểu thuyết và kịch, như Le coq et l’arlequin (1918), Le Potomak (1919), Plain Chant (1923), Thomas l’Imposteur (1923) Les Mariés de la tour Eiffel (1924), Orphée (1927), Les Enfants Terribles (1929), Opium (1930), La Machine Infernale (1934), Les Parents Terribles (1938), Renaud et Armide (1943, Cocteau còn dựng vở Le Sang d’un Poète (1930), tham gia thực hiện vở L’Éternel Retour (1943), và quay các phim La Belle et la Bête (1946), Orphée (1949), Le Testament d’Orphée (1960).
 
Jean Cocteau là Viện sĩ của Viện Hàn lâm Pháp và Viện Hàn lâm Hoàng gia Bỉ, và nhiều viện hàn lâm và hiệp hội khác trên thế giới, kể cả Đức, Mỹ, Hungari, vân vân... Ông cũng từng chủ trì nhiều liên hoan điện ảnh và âm nhạc. Trong số nhiều giáo đường và nhà nguyện Jean Cocteau trang trí, có nhà nguyện trong lâu đài của ông ở Milly-la-Forêt là chỗ đất ông vĩnh viễn nằm xuống năm 1963, sau một cơn đau tim, chấm dứt một đời làm nghệ thuật liên tục và phong phú, dường như không ngừng trả lời câu thách đố mà nhà hoạt động sân khấu ballet người Nga Diaghilev ở châu Âu từng nói với ông: “Hãy làm tôi ngạc nhiên.”

 

________

 

TÊN NÓI DỐI

(độc thoại truyền thanh)

 

Tôi muốn nói sự thật. Tôi thích chân lý. Nhưng chân lý không thích tôi. Đây chính là chân lý có thật: chân lý không thích tôi. Ngay khi tôi nói sự thật, nó đổi mặt và quay trở lại chống tôi. Tôi có vẻ như nói dối và mọi người nhìn tôi với vẻ giận dữ. Thế tuy nhiên tôi thì đơn giản và tôi không thích nói dối. Tôi thề như thế đấy. Nói dối lúc nào cũng kéo theo những chuyện rầy rà ghê tởm, chúng ta kẹt chân vào đó rồi chúng ta ta vấp rồi chúng ta ngã và rồi mọi người thế là cười vào mặt chúng ta. Nếu người ta hỏi tôi chuyện gì, tôi muốn trả lời cái điều tôi nghĩ. Tôi muốn trả lời sự thật. Tôi chỉ muốn nói sự thật. Thế nhưng lúc bấy giờ, tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi bỗng thấy hốt hoảng, lo sợ, e ngại là là mình sẽ lố bịch và thế là tôi nói dối. Tôi nói dối. Nói rồi là xong. Bấy giờ thì quá trễ không sao lấy lại cái điều đã nói. Và một khi một chân đã kẹt vào điều dối rồi, thì mọi thứ còn lại phải cho lọt qua. Và như thế quả là không tiện lắm, tôi thề với các bạn như thế. Nói sự thật thì quá dễ. Đây là một thứ xa xỉ của kẻ lười biếng. Người ta có thể chắc chắn sau khi nói là mình không nhầm và không còn bị rầy rà phiền phức. Những phiền phức người ta lãnh ngay tại chỗ, nhanh chóng, ngay phút ấy, và tiếp theo mọi việc tự nó ổn định. Còn tôi! Mọi chuyện trở nên gay go. Nói dối không phải là một đỉnh dốc núi đứng riêng. Đó là những dãy núi nối liền mang ta theo và bắt ta chạy hụt hơi, làm tim ta ngưng đập và thắt siết cuống họng ta.

Nếu tôi yêu, tôi bảo là tôi không yêu và nếu tôi không yêu tôi bảo là tôi yêu. Và các người có thể đoán hết những gì tiếp theo. Cũng y như tự bắn vào mình một phát và dứt điểm. Không! Tôi có tự quở trách, có soi gương trước tủ kính, có lặp đi lặp lại với mình: mi sẽ không nói dối nữa, cũng vô ích. Tôi nói dối. Tôi nói dối. Tôi nói dối. Chuyện nhỏ tôi nói dối chuyện lớn tôi cũng nói dối. Và nếu tôi có nói sự thật, do tình cờ... do bất ngờ, sự thật cũng quay trở lại, co rúm lại, thu mình lại, nó nhăn mặt và nó biến thành chuyện dối. Những chi tiết nhỏ nhất liên minh với nhau chống lại tôi và chứng minh là tôi đã nói dối. Và... không phải là do tôi hèn nhát... về nhà thì lúc nào tôi cũng tìm ra cái cần trả lời và tôi tưởng tượng được những chiêu phải đưa ra. Có điều là ngay tại chỗ, tôi tê liệt và tôi ngậm câm. Tôi có thể trả lời: anh nói dối. Nhưng tôi không có đủ sức để trả lời. Tôi cứ để người ta chửi rủa và tôi tức chết đi được. Và cái tức ấy ngày càng tích tụ, càng chồng chất trong tôi, làm cho tôi cảm thấy hận thù.

Tôi không phải là người dữ tợn. Mà còn có thể nói tôi là người tốt bụng. Thế nhưng chỉ cần người ta bảo tôi là tên nói dối là tôi hận đến nghẹt thở. Và họ có lý. Tôi biết là họ có lý, là tôi xứng đáng bị chủi rủa. Nhưng thế đấy. Tôi không muốn nói dối và tôi không chịu nổi cái chuyện người ta không hiểu rằng tôi nói dối bất đắc dĩ và do bị lũ quỷ đưa đẩy. Ồ! tôi sẽ thay đổi. Tôi đã thay đổi. Tôi sẽ không nói dối nữa. Tôi sẽ tìm ra một phương thức để không nói dối nữa, để không còn sống trong cái hỗn độn ghê tởm của sự nói dối. Ta có thể nói nó là một căn phòng không được dọn dẹp sạch sẽ, ban đêm thì đầy những dây kẽm gai, những hành lang và những hành lang trong mơ. Tôi sẽ hết bệnh. Tôi sẽ thoát khỏi. Và, vả chăng, tôi xin đưa bằng chứng cho các người. Ở đây, công khai, tôi tự buộc những tội ác của mình và tôi vạch ra tật xấu của mình. Nhưng các người đừng tưởng rằng tôi thích vạch ra tật xấu của mình và sự thật thà cũng là cái tột đỉnh của tật xấu. Không, không, Tôi mắc cở. Tôi ghét những lời nói dối của tôi và tôi có thể đi tới cùng trời cuối biển để khỏi bị buộc phải xưng tội. Thế còn các người các người có nói sự thật không? Các người có xứng đáng được nghe tôi giãi bày không? Thật ra, tôi buộc tội mình và tôi không hề tự hỏi là tòa án có tư thế xét xử tôi, kết tội tôi, miễn tội tôi không.

Các người có lẽ đang nói dối đó thôi! Tất cả các người hẳn là đều đang nói dối, nói dối không ngừng và thích nói dối và tin là mình không nói dối. Hẳn là các người đang nói dối với chính mình. Tất cả là ở chỗ đó! Tôi thì tôi không nói dối với chính mình. Tôi tôi có sự thành thật thú nhận là tôi nói dối, là tôi là một tên nói dối. Các người, các người là những thằng hèn. Các người lắng nghe tôi, các người nói: tội nghiệp thằng chả! và các người lợi dụng sự thật thà của tôi để che giấu những lời nói dối của mình. Tôi túm được các người rồi. Các người có biết, thưa các Bà, các Ông, tại sao tôi đã kể với các người là tôi từng nói dối, tôi từng thích nói dối? Sự thật không phải như thế. Mục đích đây chỉ là để kéo các người vào một cái bẫy và để biết cho được, để hiểu được. Tôi không nói dối. Tôi không bao giờ nói dối. Tôi ghét sự nói dối và sự nói dối ghét tôi. Tôi chỉ đã nói dối cốt đề nói với các người là tôi từng nói dối.

Và giờ đây tôi nhìn thấy những gương mặt các người đang biến dạng. Mỗi người đều muốn rời khỏi vị trí của mình và đang sợ tôi chất vấn đây.

Thưa Bà, bà nói với chồng bà rằng hôm qua bà có mặt ở tiệm người bán mũ phụ nữ. Còn Ông, ông nói với vợ ông là ông đã ăn tối ở câu lạc bộ của mình. Nói thế là sai. Sai. Sai. Hãy can đảm cải chính với tôi đi. Hãy can đảm trả lời là tôi nói dối đi. Hãy can đảm bảo tôi là tên nói dối đi. Không ai nhúc nhích? Tốt lắm. Thế là tôi biết rõ rồi. Buộc tội người khác là chuyện dễ. Đưa người khác vào hoàn cảnh khó chịu là chuyện dễ. Các người bảo tôi nói dối và các người cũng nói dối! Đáng phục thật. Tôi không bao giờ nói dối. Các người nghe đấy! Không bao giờ. Và nếu tôi có nói dối ấy là với mục đích giúp... để tránh gây phiền phức... để tránh một tai họa. Những lời nói dối đạo đức. Một cách bắt buộc, cần phải nói dối. Nói dối một chút... thỉnh thoảng. Sao cơ? Các người bảo? À! tôi nghĩ... không... bởi vì... tôi thấy lạ là người ta trách tôi cái kiểu nói dối ấy. Trách cứ đến từ các người mới là chuyện buồn cười. Từ các người là những người nói dối đến tôi là người không bao giờ nói dối.

Các người xem đấy, hôm nọ — nhưng thôi, các người sẽ không tin tôi. Hơn nữa, nói dối... nói dối, ấy là chuyện tuyệt vời. Các người nói xem... tưởng tượng một thế giới có thật và làm cho người khác tin như thế — nói dối! Chân lý quả là có sức nặng vững chắc và nó làm tôi thấy kinh ngạc. Chân lý. Hai cái ấy ngang nhau. Có lẽ nói dối đáng giá hơn...mặc dầu tôi không bao giờ nói dối. Hả? Tôi có nói dối? Tất nhiên. Tôi đã nói dối khi nói với các người là tôi từng nói dối. Tôi có nói dối không khi nói với các người là tôi từng nói dối hay khi nói với các người là tôi không nói dối? Một tên nói dối! Tội? Xét cho cùng thì tôi không biết nữa. Tôi đang rối trí đây. Thời đại gì mà lạ lùng. Tôi có phải là một tên nói dối không? Tôi hỏi các người đấy. Đúng ra tôi là một lời nói dối. Một lời nói dối lúc nào cũng nói sự thật.

 

 

------------------
“Tên nói dối” là một độc thoại truyền thanh Jean Cocteau viết cho diễn viên sân khấu và điện ảnh Pháp Jean Marais [1913-1998], người yêu của ông.
 
 
“Tên nói dối” dịch từ nguyên tác “Le menteur” trong Jean Cocteau, Théâtre de poche (Paris: Éditions du Rocher, 1955).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021