thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vẽ Diễm Châu

 

 
qua nét tốc hoạ của Phạm Kim Khải

 

Chính tôi cũng quên tịt không biết đã tốc họa chân dung Diễm Châu năm nào! Nhưng nhìn lại thì nhận ra ngay cái nét riêng vào năm 1959-1961 khi vừa cạn nguồn hứng Ấn tượng (Monet’s Impressionism), quay sang chiêm nghiệm nét tinh giản ở Matisse, Modigliani, Picasso và ấn họa Nhật Bản (Japanese Woodprint). Lúc đó Diễm Châu bàn với tôi ra loạt giai phẩm VĂN MỚI, tập đầu là Văn Mới “Hàm tiếu”, vài số tiếp tới Văn Mới “Mãn Khai”… v.v…

Diễm Châu “khai pháo” bằng bài “Văn hào Ivan Turgenev và dòng văn học Nga”, tôi viết về danh họa Katsukama Shunsho và tranh mộc bản Nhật. Vừa khéo gặp danh họa Kazuo Kobayashi, được ông tiến cử lãnh học bổng Colomboplan (CP’S Traveling Scholarship) ở Đại học Mỹ Thuật Tokyo. Trước khi đi Nhật tôi làm Triển Lãm Phạm Kim Khải / Bút pháp 1961 và khai mạc bằng cuộc Hội thảo “Nghệ thuật Hiện Đại” (Une Causerie Evocatrice d’Artiste Peintre Pham Kim KhaiThời báo Viễn Đông J.E.O., Saigon 1961) tại Culture Club, Sài Gòn. Chắc chắn nét tinh giản ở chân dung Diễm Châu là nét riêng vào đầu thập niên 60 đó! Khi nhận nó, Anh siết tay tôi, nói: “Bàn tay bắt được của trời.” Tôi cười: “Tạm biệt nhé”.

Ai ngờ là vĩnh biệt … từ đó — tôi hết Đông du tới Tây du… Diễm Châu ở lại “ôm lấy đất nước, thời nào cũng phải chọn vị thế bất thỏa hiệp… cô đơn … đau đớn” (Hoàng Ngọc-Tuấn/tienve.org)

 

Thương ôi, Rao ơi! Ai ngờ cậu còn ôm giữ cả cái hồn thơ và mái tóc rối như tơ vò của cậu trong nét tranh “vân cẩu” của tớ.

Ôi thâm tình vô lượng. Cô liêu vô lượng. Vô biên!

“Xưa nói trong Thơ thường có Họa

Diễm Châu thừa biết… họa trong Thơ ”

(lẩy thơ – Vũ Hoàng Chương –1975)
 
Xin nhắn gởi Diễm Châu đôi lời với nén tâm hương, gọi là “người dưới suối vàng biết cho.”
Và xin chia buồn với gia đình chị Sáng “muôn thu”!
PHẠM KIM KHẢI, 01/15/2007
 

_________________________

[*]Để xem bức chân dung này ở khổ lớn hơn, xin bấm vào link sau đây: http://tienve.org/home/visualarts/viewVisualArts.do?action=viewArtwork&artworkId=5440


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021