thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đây là một bài học tác văn
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

KURT VONNEGUT

(1922-2007)

 

Lời người dịch:
 
Kurt Vonnegut vừa từ trần hôm qua, 11 tháng 4 năm 2007. Dưới đây là mẩu tiểu sử hết sức vắn tắt do nhà xuất bản Random House giới thiệu ở trang cuối cuốn A Man Without A Country (2005), bản in tháng 1 năm 2007:
 
KURT VONNEGUT là một trong vài bậc thầy vĩ đại của văn chương Hoa-kỳ, và thiếu ông thì chính cái thuật ngữ "văn chương Hoa Kỳ" chắc hẳn phải mất đi rất nhiều ý nghĩa. Ông sinh tại Indianapolis, Indiana, vào ngày 11 tháng 11 năm 1922. Vonnegut sống tại New York City và Bridgehamton, New York, với vợ của ông, Jill Krementz — một tác giả và nhiếp ảnh gia.
 
Dưới mẩu tiểu sử này, nhà xuất bản ghi thêm hàng chữ: Để biết thêm về nghệ thuật độc sáng của Kurt Vonnegut, hãy ghé trang www.vonnegut.com
 
Nhưng hôm nay, tôi ghé vào trang ấy, chỉ còn thấy một bức hình chiếc lồng chim trống rỗng, cửa lồng mở toang, con chim đã bay mất... Phía dưới có mấy chữ: Kurt Vonnegut, Jr. 1922-2007.
 
"Đây là một bài học tác văn" là một chương trong cuốn A Man Without A Country, cuốn sách cuối cùng của Kurt Vonnegut.

 

_____________________

 

ĐÂY LÀ MỘT BÀI HỌC TÁC VĂN

 

Quy tắc thứ nhất: Đừng dùng những dấu chấm phẩy. Chúng là những sinh vật hỗn giới lưỡng tính tuyệt đối không mang ý nghĩa gì cả. Chúng chỉ làm một việc là khoe bạn có trình độ đại học.

Và tôi phát hiện rằng một số độc giả có lẽ khó mà biết chắc là tôi đang nói giỡn hay không. Vì thế, từ đây tôi sẽ nói cho các bạn biết lúc nào tôi nói giỡn.

Ví dụ, hãy gia nhập Vệ Quốc Quân hay Thuỷ Quân Lục Chiến và dạy cho thiên hạ biết dân chủ là gì. Tôi nói giỡn đấy.

Chúng ta sắp bị Al Qaeda tấn công. Hãy vẫy cờ nếu bạn có sẵn cờ. Điều đó dường như luôn luôn làm họ sợ toé khói. Tôi nói giỡn đấy.

Nếu bạn thật tình muốn làm cha mẹ mình khổ tâm, mà bạn lại không đủ can đảm để sống như người đồng tính luyến ái, thì điều tối thiểu bạn có thể làm là lao đầu vào nghệ thuật. Tôi không nói giỡn. Nghệ thuật không phải là một cách kiếm sống. Nó là một cách rất nhân bản để làm cuộc sống dễ chịu hơn. Thực hành một nghệ thuật, bất kể giỏi hay dở thế nào, là một cách để làm tâm hồn của bạn vươn lên, tạm cho là thế. Hãy hát dưới vòi sen trong buồng tắm. Hãy nhảy múa theo nhạc từ đài phát thanh. Hãy kể những câu chuyện. Hãy viết một bài thơ cho một người bạn, ngay cả một bài thơ nhếch nhác. Hãy làm những điều ấy theo khả năng của mình. Bạn sẽ nhận được một phần thưởng to tát. Bạn đã sáng tạo được một cái gì đó.

 

 

Tôi muốn chia sẻ với bạn một điều gì đó tôi đã học được. Tôi sẽ vẽ nó lên tấm bảng đen sau lưng tôi để bạn có thể theo dõi dễ dàng hơn [vẽ một đường thẳng đứng trên tấm bảng đen]. Đây là trục M—R: May—Rủi. Chết chóc và nghèo đói, bệnh tật khủng khiếp thì ở dưới đây — đại phú và cường tráng tuyệt diệu thì ở trên đây. Tình trạng thường thường bực trung thì ở giữa đây [chỉ vào đáy, đỉnh và trung điểm của đường thẳng, đúng theo thứ tự].

Đây là trục Đ—C. Đ là Đầu, C là Cuối. Không phải truyện nào cũng có cái dạng thức thật đơn giản, thật xinh xắn mà ngay cả một chiếc computer cũng hiểu được [vẽ một đường ngang, bắt đầu từ trung điểm của trục MR].

Bây giờ hãy để tôi chỉ cho bạn một cái mẹo tiếp thị. Những người có tiền để mua sách báo và đi xem xi-nê không thích nghe nói về những người nghèo khổ hay bệnh tật, vì thế bạn hãy bắt đầu truyện từ điểm trên cao này [chỉ vào đỉnh của trục MR]. Bạn sẽ thấy loại truyện này nhan nhản khắp nơi. Người ta yêu thích nó và nó không có bản quyền. Truyện này được gọi là "Người trong Lỗ", nhưng không cần thiết phải kể về một người hay một cái lỗ. Nó là thế này: Một kẻ nào đó bị rơi vào trạng huống rủi ro, rồi lại thoát ra [vẽ đường biểu diễn chạy xuống rồi chạy vòng lên]. Không phải ngẫu nhiên mà đường biểu diễn này kết thúc ở điểm cao hơn lúc bắt đầu. Làm như vầy là để khuyến mãi với độc giả.

 

 

Một truyện khác được gọi là "Trai gặp Gái", nhưng không cần thiết phải kể về một cậu trai gặp một cô gái [bắt đầu vẽ đường biểu diễn chạy lên]. Nó là thế này: Một kẻ nào đó, một người bình thường, vào một ngày như mọi ngày, bỗng gặp một cái gì cực kỳ tuyệt diệu: "Ối chào, hôm nay thật là ngày may mắn của mình!"... [bất ngờ vẽ đường biểu diễn chạy xuống] "Cục cứt!"... [rồi vẽ đường biểu diễn chạy lên trở lại]. Và mọi sự lại lên cao.

 

 

Bây giờ, tôi không muốn hù doạ bạn, nhưng sau khi làm một sinh viên dược khoa ở Cornell, tôi sang Đại Học Chicago sau chiến tranh và theo ngành nhân chủng học, và rốt cuộc tôi đỗ thạc sĩ trong ngành ấy. Saul Bellow lúc ấy làm việc chung một khoa với tôi, nhưng cả hai chúng tôi chưa có ai đi khảo cứu thực tế lần nào. Mặc dù chắc hẳn là chúng tôi đã tưởng tượng ra vài cuộc đi khảo cứu. Tôi bắt đầu đến thư viện lục lạo những bản tường trình về các nhà dân tộc học, các giáo sĩ, và các nhà thám hiểm — những người theo chủ nghĩa đế quốc — để tìm xem những loại câu chuyện gì họ đã sưu tập được từ những người sơ khai. Nói cho cùng, việc tôi lấy bằng cấp trong ngành nhân chủng học thật là một sai lầm to lớn, vì tôi không chịu nổi những người sơ khai — họ quá ngu xuẩn. Nhưng dù sao đi nữa, tôi đã đọc những câu chuyện ấy, hết chuyện này đến chuyện khác, thu thập được từ những người sơ khai trên khắp thế giới, và những câu chuyện ấy phẳng lì một đường chết dí, giống như trục Đ—C ở đây vậy. Thây kệ họ. Những người sơ khai xứng đáng bị thất bại với những câu chuyện nhếch nhác của họ. Hãy nhìn những đường biểu diễn thăng trầm tuyệt vời trong những câu chuyện của chúng ta.

Một trong những câu chuyện được nhiều người yêu thích nhất bắt đầu từ điểm ở dưới đây [bắt đầu vẽ đường biểu diễn từ bên dưới trục ĐC]. Ai là nhân vật bất hạnh này? Đó là một cô gái chừng mười lăm hay mười sáu tuổi, mồ côi mẹ, vì thế nên số phận của cô phải ở dưới thấp chứ sao nữa? Và cha của cô đã lập gia đình, gần như ngay lập tức, cùng một mụ ác ôn khủng khiếp — mụ này đã có sẵn hai đứa con gái bần tiện xấu xa. Bạn đã nghe chuyện này rồi chứ gì?

Rồi ở cung điện có một dạ tiệc. Cô gái phải giúp cho hai đứa chị ghẻ và bà mẹ ghẻ kinh khủng ấy chuẩn bị đi dự dạ tiệc, nhưng chính cô lại phải ở nhà. Cô có buồn thêm chút nào không? Không, cô đã vốn là một cô gái nhỏ buồn đứt ruột. Cái chết của mẹ cô đã đủ rồi. Chẳng còn gì tệ hại hơn thế nữa. Thế thì, mọi người rời nhà để đi dự dạ tiệc. Rồi bà tiên đỡ đầu của cô chợt hiện ra [vẽ đường biểu diễn chạy lên từng bậc một như bậc tam cấp], ban cho cô đôi vớ lót dài ống, bút kẻ lông mày, và một phương tiện di chuyển để đưa cô đến dạ tiệc.

Thế rồi, khi cô xuất hiện, cô là người đẹp nhất trong cuộc khiêu vũ [vẽ đường biểu diễn chạy vọt lên]. Cô trang điểm kỹ đến mức ngay cả những người trong gia đình cô cũng không nhận ra cô. Rồi chuông đồng hồ gõ mười hai tiếng, thế là đời cô xuống dốc. Có phải cô rơi xuống đến mức đầu tiên? Địa ngục, không. Dù có gì xảy ra chăng nữa, thì sau đó cô vẫn nhớ đến giây phút chàng hoàng tử đã ngây ngất yêu cô và cô đã là hoa hậu trong cuộc khiêu vũ. Thế nên cô sống lây lất qua ngày, ở mức tương đối khá hơn ban đầu, dù sao đi nữa, và rốt cuộc thì giày lại vừa khít với bàn chân, và cô trở nên vui sướng quá mức [vẽ đường biểu diễn chạy vọt lên và ghi ký hiệu vô cực].

 

 

Bây giờ thì đến một truyện của Franz Kafka [bắt đầu vẽ đường biểu diễn gần đáy của trục MR]. Một chàng trai khá không hấp dẫn và không khả ái cho lắm. Chàng có những thân nhân cáu kỉnh và có những công việc rất bận bịu nhưng không có triển vọng thăng tiến. Tiền lương của chàng không đủ để mời bạn gái đi khiêu vũ, cũng không đủ để đến quán bia uống một ly bia với bạn bè. Một sáng nọ, chàng thức giấc, đã đến giờ đi làm, nhưng chàng đã biến thành một con gián [vẽ đường biểu diễn chạy bổ xuống và ghi ký hiệu vô cực]. Đó là một câu chuyện bi quan.

 

 

Vấn đề là, cái hệ thống do tôi thiết kế này có giúp chúng ta thẩm định văn chương hay không? Có lẽ một kiệt tác thật sự không thể bị đóng đinh lên cây thập giá của cái mô hình này. Chứ còn Hamlet thì sao? Đó là một tác phẩm khá hay, tôi muốn nói như thế. Có ai muốn tranh cãi gì không? Tôi không cần phải vẽ một đường biểu diễn mới, vì trạng huống của Hamlet giống hệt như của Cinderella, ngoại trừ phái tính thì ngược lại.

 

 

Bố của chàng vừa qua đời. Chàng vô cùng thất vọng. Và ngay sau đó mẹ của chàng đi kết hôn với chú của chàng — ông chú này là một thằng chó đẻ. Vì thế Hamlet rơi vào một trạng huống cũng ngang mức với Cinderella. Thế rồi anh bạn Horatio đến nói với chàng, "Hamlet, lắng nghe đây, có bóng ma hiện ra trên tường thành. Tôi nghĩ có lẽ anh nên nói chuyện với cái bóng ma ấy. Đó là thân phụ của anh." Vì thế, Hamlet đi lên và nói chuyện với bóng ma, bạn biết đấy, bóng ma hiện ra lù lù trên đó. Và bóng ma nói, "Ta là bố của con, bố bị giết, con phải trả thù, chính chú của con đã giết bố, giết như thế này..."

Thế nhưng, đây là chuyện may hay chuyện rủi? Cho đến hôm nay chúng ta cũng chẳng biết bóng ma ấy có phải thật là bố của Hamlet hay không. Nếu các bạn đã chơi cầu cơ,[1] bạn biết rằng có những linh hồn hiểm ác trôi vật vờ quanh chúng ta, thường lải nhải kể cho chúng ta về mọi thứ, nhưng các bạn đừng nên tin họ. Phu nhân Blavatsky, người am tường về linh hồn nhiều hơn bất cứ ai trên đời này, đã nói rằng bạn đừng có ngớ ngẩn mà tin hoàn toàn vào những bóng ma, bởi vì họ thường hiểm ác và họ thường là linh hồn của những người bị giết, những người tự tử, hay bị lừa đảo ghê gớm cách này cách khác lúc còn sống, và họ hiện về để trả thù.

Vì vậy chúng ta không biết phải chăng cái hồn ma này là cha của Hamlet và phải chăng đó là chuyện may hay chuyện rủi. Và Hamlet cũng chẳng biết gì hơn. Nhưng chàng nói "Được rồi, ta đã có cách kiểm chứng điều này. Ta sẽ mướn các kịch sĩ bắt chước cái cách con ma kể rằng cha của ta đã bị chú của ta ám sát, và ta sẽ cho trình diễn vở kịch này để xem chú của ta đối phó ra sao." Thế là chàng cho trình diễn vở kịch. Và nó chẳng giống chuyện Perry Mason[2] chút nào. Chú của chàng chẳng phát điên lên và nói "Tao... Tao... Mày chộp trúng tao rồi... Mày chộp trúng tao rồi... Tao đã làm điều ấy... Tao đã làm điều ấy..." Kế hoạch trật lất. Chẳng phải chuyện may cũng chẳng phải chuyện rủi. Sau cái trật lất này Hamlet rốt cuộc phải nói chuyện với mẹ, và trong khi đang nói chuyện với mẹ thì tấm màn nhúc nhích, vì thế chàng tưởng chú của chàng đang nấp đàng sau đó và chàng nói "Được rồi, ta đã quá chán cái thói bất quyết khốn kiếp của mình," rồi chàng đâm mũi kiếm qua tấm màn. Thế thì, ai ngã ra khỏi tấm màn? Cái thằng lẻo mép Polonius. Cái thằng giống như Rush Limbaugh.[3] Và Shakespeare thấy nó là một thằng ngáo, đáng vất đi.

Bạn biết đấy, các bậc cha mẹ ngốc nghếch nghĩ rằng lời khuyên mà thằng Polonius dặn dò con cái của nó trước khi chúng đi xa là lời khuyên mà cha mẹ nên luôn luôn dặn dò con cái của mình, nhưng đó lại là lời khuyên đần độn nhất, và ngay cả Shakespeare cũng nghĩ là nó quá buồn cười.

"Đừng mượn ai cái gì, cũng đừng cho ai mượn cái gì cả." Nhưng cuộc sống là gì ngoài việc cho mượn và mượn không ngừng, trao và nhận không ngừng?

"Đây là điều đúng đắn nhất mà con phải ghi lòng tạc dạ: hãy thành tín với chính mình."[4] Hãy trở thành một thằng tự kỷ quái gở nhé con!

Chẳng phải chuyện may cũng chẳng phải chuyện rủi. Hamlet không bị bắt giam. Chàng là hoàng tử. Chàng có thể giết bất cứ ai nếu cần. Thế nên chàng vẫn tỉnh bơ, rồi rốt cuộc chàng dính vào một cuộc đấu kiếm tay đôi, và chàng bị giết. Thế nhưng, chàng đã lên thiên đường hay xuống địa ngục? Hai cái này thật là khác nhau. Cinderella hay con gián của Kafka? Tôi không nghĩ Shakespeare tin vào thiên đường hay địa ngục hơn như tôi. Và do đó chúng ta chẳng biết phải chăng đây là chuyện may hay chuyện rủi.

Tôi vừa trình bày cho các bạn thấy Shakespeare là một người kể chuyện cũng kém như bất cứ một anh thổ dân da đỏ Arapaho[5] nào.

Nhưng có một lý do khiến chúng ta công nhận Hamlet là một kiệt tác: đó là Shakespere đã kể cho chúng ta nghe sự thật, và quá hiếm khi người ta kể cho chúng ta nghe sự thật trong cuộc thăng trầm này [chỉ ngón tay vào bảng đen]. Sự thật là chúng ta biết quá ít về cuộc sống, chúng ta thật chẳng biết đâu là chuyện may và đâu là chuyện rủi.

Và nếu tôi chết — nhờ lượng Trời — tôi muốn lên thiên đường để hỏi người chịu trách nhiệm trên đó, "Này, chứ chuyện may là cái quái gì và chuyện rủi là cái quái gì thế?"

 

Nguyên tác: "Here is a lesson in creative writing",
trong Kurt Vonnegut, A Man Without A Country (New York: Random House, 2007) 23-37.

 

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]"Ouija board" là cái bàn để cầu cơ. Bàn này gồm một tấm gỗ hình chữ nhật, có khắc bộ chữ cái chung quanh viền bàn. Trên bàn có một miếng ván nhỏ, gọi là con cơ (coeur), hình trái tim, thường là do một miếng ván hòm đẽo ra. Những người cầu cơ ngồi chung quanh bàn, mỗi người đặt một ngón tay lên con cơ. Người ta tin rằng các linh hồn sẽ hướng dẫn cho con cơ chọn các chữ cái để ghép thành câu. Những câu do con cơ tạo ra sẽ có khả năng giải đáp các sự việc lạ thường...

[2]Perry Mason là nhân vật thám tử trong hơn 80 cuốn tiểu thuyết trinh thám ăn khách của Erle Stanley Gardner (1889–1970).

[3]Rush Limbaugh (1951~) là một xướng ngôn viên radio nổi tiếng đa ngôn đa sự ở Hoa-kỳ, chuyên sách động quần chúng theo hướng bảo thủ.

[4]Hai câu này ở hồi I, cảnh 3, trong vở kịch Hamlet của Shakespeare, lúc Polonius dặn dò con trai là Laertes trước khi tiễn nó đi xa: "Neither a borrower nor a lender be; / for loan oft loses both itself and friend, / and borrowing dulls the edge of husbandry. / This above all: to thine own self be true, / and it must follow, as the night the day, / thou canst not then be false to any man. / Farewell. My blessing season this in thee!"

[5]Arapaho là một sắc dân da đỏ, ngày xưa ở miền đông Colorado và miền đông-nam Wyoming, ngày nay về ở vùng Oklahoma và miền trung Wyoming.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021