thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
HƯỚNG ĐỘNG TÍNH [XIV-XVIII]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

NATHALIE SARRAUTE

(1900-1999)

 

 

Lời người dịch:
 
Tropismes là một tập hợp 24[1] bài viết ngắn [sketches] đánh số La-mã, mà nhiều người cho là những bài thơ văn xuôi, do nhà Denoël xuất bản lần đầu tiên năm 1939 (sau khi bị hai nhà xuất bản Gallimard và Grasset từ chối). Nhưng mãi đến 1957 khi Nathalie Sarraute cho tái bản ở nhà xuất bản Les Editions de Minuit người đọc mới nhận ra “một hình thức văn chương mới, đi trước những cố gắng tìm kiếm của các nhà văn khác [được giới thiệu chung với bà ở đây] có đến cả mười năm”[2] — lối viết khước từ những khái niệm có tính qui ước về cốt truyện, thứ tự thời gian, tính cách nhân vật và quan điểm kể chuyện. Lối viết ấy mới ở chỗ nó nhắm vào việc nắm bắt và truyền đạt những cảm xúc, những cảm tưởng mơ hồ và thoáng qua bằng cách đặt mình từ một quan điểm hết sức khách quan và trung lập, quan điểm không phải của người thuật chuyện, càng không phải là độc thoại nội tâm của một nhân vật nào đó. Nathalie Sarraute khởi sự viết tác phẩm này từ 1932. Thời ấy, bà đã nhận ra “chữ chính là bản phiên dịch bằng lời [traduction verbale] của lối truyền đạt không phải bằng lời [communication non-verbale].” Những bài viết ngắn trong Tropismes đưa ra những con người không tên bị vướng vào một màng lưới chung phụ thuộc lẫn nhau. “Tropismes”“ là một từ dùng trong sinh vật học để chỉ sự sinh trưởng có định hướng trong không gian, nơi thực vật và thú vật, dưới ảnh hưởng của một sự kích thích từ bên ngoài vào [Larousse : Dictionnaire encyclopédique, 1988]. “Tropismes” theo Nathalie Sarraute là những chuyển động ẩn mình sau những cử chỉ của chúng ta, dưới những từ chúng ta nói và cảm giác chúng ta bộc lộ, những chuyển động không định rõ được bên trong đầu óc con người, len rất nhanh tới tận những ranh giới của ý thức, vốn không chủ ý nhưng lại hướng dẫn và chi phối cách hành xử của chúng ta, là những thứ không được nói ra, những chuyển động lướt qua ý thức ta rất nhanh — đa phần là nền tảng của đời sông chúng ta và những quan hệ của chúng ta với những người khác. Nói chung, là mọi thứ xảy ra bên trong chúng ta, không được phát biểu bằng độc thoại nội tâm mà được truyền đạt bằng cảm xúc. Có thể nói đây chính là cái mạch thống nhất xuyên suốt những tác phẩm sau này của bà.

 

 

XIV

 

Mặc dù lúc nào cô cũng im lặng và đứng riêng một bên, khiêm tốn cúi người, thì thầm đếm một mũi đan mới, hai mũi đan móc ở mặt phải, bây giờ ba mũi đan móc ở mặt trái và rồi bây giờ đến một hàng nguyên mặt phải, vẻ đầy nữ tính, rất khiêm tốn (xin các người đừng để tâm, tôi như thế này là được rồi, tôi không đòi hỏi gì cho mình), không khi nào họ không cảm thấy sự hiện diện của cô, như ở ngay một điểm nhạy cảm của da thịt mình.

Lúc nào cũng chăm chú nhìn cô, như bị hốt hồn, họ sợ hãi chú ý giữ gìn từng chữ, âm điệu nhẹ nhàng nhất, sắc thái nói năng tinh tế nhất, mỗi cử chỉ, mỗi cái nhìn; họ rón rén bước tới, đầu ngoảnh lại mỗi khi nghe một tiếng động nhỏ nhất, bởi họ biết khắp nơi đều có những nơi chốn huyền bí, những nơi chốn hiểm nguy mà họ không nên va vào, không nên đụng tới, nếu không, chỉ một cái chạm nhẹ nhất, những cái chuông con, như trong một truyện kể của Hoffmann, hàng ngàn chuông con với âm thanh trong trẻo như chính giọng nói trinh nữ của cô – sẽ rung lên.

Nhưng đôi khi, mặc dù đã thận trọng, mặc dù đã cố gắng, khi họ nhìn thấy cô lặng lẽ đứng dưới ngọn đèn, như một cành cây mảnh dẻ và mềm mại mọc dưới biển phủ đầy những chồi rễ di động, họ cảm thấy bị trượt, ngã phịch xuống và đè bẹp mọi thứ nằm dưới mình: tất cả đều do họ nói ra, những chuyện đùa ngu xuẩn, những cái cười ngớ ngẩn, những chuyện ăn thịt người ghê tởm, tất cả đều do họ nói ra và bùng vỡ đến độ họ không sao chặn lại được. Và cô thì nhẹ nhàng khép mình — chao ôi! khiếp quá nhỉ! — nghĩ đến căn phòng nhỏ của mình, đến cái chỗ nương náu thân yêu là nơi cô sắp được bước vào quì xuống trên cái thảm chân giường, trong chiếc áo vải có những nếp gấp nhíu quanh cổ, vẻ rất trẻ con, rất trong sáng, cô bé Thérèse de Lisieux, thánh nữ Catherine, Blandine... và, siết chặt trong tay mình sợi dây chuyền nhỏ bằng vàng trên cổ, cô cầu nguyện cho những tội lỗi của họ.

Cũng có đôi khi, khi mọi việc trôi chảy, khi cô cuộn mình lại lòng đầy hứng khởi, cảm thấy ai nấy sắp đi vào một vấn đề mà cô rất thích, khi ai nấy luận bàn những vấn đề như thế một cách chân thành, nghiêm chỉnh, thì họ quay gót kiểu anh hề lẩn mất, mặt căng ra một nụ cười ngu xuẩn, khủng khiếp.

 

XV

 

Cô rất thích mấy Ông già như ông, với họ ta có thể nói chuyện, họ hiểu bao nhiêu là thứ, họ biết cuộc đời, họ từng giao du với những người hay ho (cô biết ông từng là bạn thân của Félix Faure và ông từng hôn bàn tay Hoàng hậu Eugénie).

Khi ông đến ăn tối ở nhà cha mẹ cô, còn rất trẻ con, hết sức tôn kính (ông thông thái quá), hơi rụt rè e sợ, nhưng xốn xang bồn chồn (nghe những ý kiến của ông quả là học được rất nhiều), cô là người trước tiên đi ra phòng khách, để bầu bạn với ông.

Ông đứng lên một cách mệt nhọc: “Kìa! cháu đây rồi! Này, vậy thì cháu mạnh khoẻ ra sao? Mọi việc ra sao rồi? Và cháu đang làm gì? Năm nay cháu làm được chuyện gì hay rồi? A! cháu vẫn trở lại Anh quốc đấy chứ? A! thế sao?”

Cô đã trở lại đấy. Quả thật, cô rất thích đất nước này. Những người Anh, khi ta quen họ rồi...

Nhưng ông ngắt ngang cô: “Anh quốc... A! vâng, Anh quốc... Shakespeare? Hả? Hả? Shakespeare. Dickens. Ta còn nhớ, coi nào, khi ta còn trẻ, ta thích đem Dickens ra dịch chơi. Thackeray. Cháu biết Thackeray chứ? Th... Th... Có phải đúng là người ta phát âm như thế? Hả? Thackeray? Đúng là vậy chứ? Đúng là người ta đọc như vậy phải không?”

Ông nắm chặt cô và giữ trọn người cô trong nắm tay của mình. Ông nhìn cô lúc bấy giờ hơi cựa quậy, vừa giãy giụa một cách vụng về vừa đưa hai chân quơ quơ trên không, theo cách của trẻ con, mà vẫn cứ cười, một cách đáng yêu: “Đúng là vậy, cháu nghĩ đúng là như vậy đó. Vâng, Ông phát âm đúng lắm. Quả là thế, chữ t-h... Tha... Thackeray... Vâng, đúng thế. Tất nhiên rồi, cháu đã đọc Vanity Fair. Đúng là vậy, cuốn này của ông ấy.”

Ông quay cô ta lại một chút để nhìn cô rõ hơn: “Vanity Fair? Vanity Fair? A, vâng, cháu có chắc như thế không? Vanity Fair? Nó là của ông ấy?”

Cô tiếp tục vùng vẫy nhẹ, vẫn luôn với nụ cười nửa miệng lễ phép, nét mặt chờ đợi dò hỏi. Ông mỗi lúc càng siết chặt hơn: Thế cháu đi bẵng ngõ nào? Qua Douvres? Qua Calais? Dover? Hả? qua Dover? Có đúng là thế không? Dover?”

Không có cách gì thoát khỏi. Không cách gì bắt ông dừng tay được. Cô là người từng đọc bao nhiêu sách... từng nghĩ đến bao nhiêu điều... Ông có thể là người rất lôi cuốn... Nhưng ông đang gặp ngày xấu, đang ở trong tâm trạng kỳ lạ. Cứ thế ông tiếp tục, không nương tay, không ngơi nghỉ: “Dover. Dover. Dover? Hả? Hả? Thackeray? Hả? Thackeray? Anh quốc? Dickens? Shakespeare? Hả? Hả? Dover? Shakespeare? Dover?” trong khi cô tìm cách nhẹ nhàng thoát ra, mà không dám làm những động tác thô bạo có thể khiến ông phật lòng, và kính cẩn trả lời bằng một giọng yếu ớt hơi khàn: “Vâng, Dover, đúng là thế. Ông hẳn là thường vẫn đi qua ngõ đó?... Cháu nghĩ đi qua Douvres thì tiện hơn. Vâng, đúng là thế... Dover.”

Chỉ khi ông thấy bố mẹ cô buớc ra, ông mới sực tỉnh, ông nới lỏng tay nắm, còn cô gái thì hơi đỏ mặt, tóc tai hơi rối bời, cái áo dài đẹp đẽ của cô hơi nhàu, cuối cùng mới dám thoát chạy mà không sợ làm ông bất bình.

 

XVI

 

Bây giờ đây họ đã già, họ hoàn toàn đã suy mòn, “như những thứ bàn ghế người ta dùng lâu ngày, đã hết thời và làm xong phận sự của mình”, và thỉnh thoảng họ buông ra (ấy là cách họ làm dáng) một thứ tiếng thở dài cụt ngủn, đầy nhẫn nhục, nhẹ nhõm, nghe giống như tiếng một cái gì vỡ.

Vào những đêm mùa xuân êm dịu, họ cùng nhau đi dạo, “Bây giờ đây tuổi trẻ đã qua đi, bây giờ đây những đam mê chấm dứt”, họ đi dạo một cách lặng lẽ, “hít một ít khí trời mát mẻ trước khi di ngù”, vào ngồi trong một quán cà phê, nói với nhau năm ba chuyện qua ngày.

Họ rất thận trọng chọn một góc thật khuất (“ở đây không được: nó nằm ngay chỗ gió luồng, ở kia cũng không được: nằm sát cạnh nhà xí”), họ ngồi xuống — “A! mấy khúc xương rụi này, ta già rồi đấy. A! A!” — và họ bẻ xương kêu răng rắc.

Căn phòng có một thứ ánh nắng chói bẩn và lạnh, mấy cậu hầu bàn di chuyển quá nhanh, với một vẻ hơi tàn bạo, dửng dưng, những mặt gương phản chiếu xù xì những khuôn mặt nhăn nheo và những đôi mắt nhấp nháy.

Nhưng họ không đòi hỏi gì hơn, nó là thế, họ đã biết như thế, không nên chờ đợi gì, không nên đòi hỏi gì, nó là như thế, chẳng có gì hơn thế, “cuộc đời”, nó là thế.

Không có gì khác, không có gì hơn, ở đây ở kia đâu cũng như nhau, bây giờ đây họ đã biết như thế.

Không nên phẫn nộ, không nên mơ mộng, chờ đợi, không nên cố sức, không nên bỏ chạy, mà chỉ cần chăm chú chọn lựa (cậu bồi bàn đang chờ), thế thì một cốc xi rô lựu hay một ly cà phê? cà phê sữa hay cà phê đen? trong khi khiêm tốn chấp nhận sống tiếp — ở đây hay ở kia — và để thời gian trôi qua.

 

XVII

 

Khi trời bắt đầu đẹp, những ngày lễ, họ đi dạo trong khu rừng ở ngoại ô.

Những bãi cây nhỏ đầy bụi rậm có những ngã tư đâm qua là nơi hội tụ của những lối đi đối xứng thẳng hàng. Cỏ mọc lưa thưa và bị chân dẫm, nhưng trên những cành cây, lá xanh bắt đầu ló ra; những lá non không đủ toả ra quanh mình chút ánh sáng chiếu và trông giống như những đứa trẻ có nụ cười hơi chua nhăn mặt dưới ánh nắng trong các phòng bệnh viện.

Họ ngồi xuống để ăn trưa bên lề đường hoặc trong những khu rừng trống không một bóng cây. Họ có vẻ như không nhìn thấy gì, họ ở trên cao ngó xuống mọi thứ, những tiếng chim hót lanh lảnh, những chồi non vẻ trái khuấy, cỏ chen chúc: bầu không khí dày dặc vẫn bao quanh nơi họ sống ở đây cũng bao quanh họ, từ họ bốc lên như một làn hơi nặng và hăng.

Họ dẫn theo người bạn cùng đường trong những giờ ngơi nghỉ của họ, là thằng cháu lủi thủi một mình.

Khi thằng bé thấy là họ bắt đầu ngồi vào chỗ họ đã chọn, nó mở cái ghế xếp của mình, đặt ghế xuống bên cạnh họ và, ngồi xổm lên, nó bắt đầu cào bằng đất, nhặt chất thành những đống lá khô và đá sỏi.

Những lời nói của họ, hoà vào những mùi hương đáng lo ngại của mùa xuân khô cằn, đầy những bóng râm khuấy động những hình thù khó phân biệt được, bao phủ quanh nó.

Không khí dày đặc, như dính khín vào bụi ướt và nhựa cây, dán sát người nó, bám vào da nó, vào mắt nó.

Nó không chịu rời xa họ để chơi với những đứa trẻ khác trên đồng cỏ. Nó cứ bám sát họ, và, lòng tràn ngập một thứ khao khát buồn tẻ, nó tiếp thu hết những gì họ nói qua lại.

 

XVIII

 

Vùng ngoại ô Luân đôn, trong một ngôi nhà nông thôn treo những màn trướng bằng vải bông mịn, với một bãi cỏ nhỏ sau nhà, đầy ánh nắng và ướt sũng nước mưa.

Cánh cửa sổ sát đất lớn trong phòng, quanh khung là những dây đậu tía, ngó ra bãi cỏ ấy.

Một con mèo ngồi thẳng băng, hai mắt nhắm nghiền, ngay trên viên đá ấm nắng.

Một tiểu thư tóc trắng, với đôi má hồng hơi ngả tím, ngồi đọc một tờ tạp chí tiếng Anh trước cửa.

Nàng ngồi đó, người cứng đơ, rất nghiêm chỉnh, rất tin tưởng ở mình và ở những người khác, ổn định vững vàng trong thế giới của mình. Nàng biết là trong vài phút nữa người ta sẽ rung chuông để mời nàng vào dùng trà.

Chị bếp Ada, ở tầng dưới, đang nhặt rau trước chiếc bàn trải khăn vải dầu màu trắng. Gương mặt chị bất đông, chị có vẻ như không đang nghĩ gì cả. Chị biết là sắp tới giờ phải nướng mấy chiếc “bánh sữa nhỏ” và rung chuông mời tiểu thư vào dùng trà.

 

-----------
Bản dịch [đoản văn XIV, XV, XVI, XVII và XVIII] từ nguyên tác tiếng Pháp Tropismes của Nathalie Sarraute (Paris; Les Editions de Minuit, 1957). Cùng với một số chương khác, năm chương này lẽ ra xuất hiện trong Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại (Sài Gòn: Trình bầy, 1969), nhưng do một số trục trặc kỹ thuật ở nhà in, nhà xuất bản đã phải tạm để ra ngoài.

 

_________________________

[1]Bản in ở nhà xuất bản Denoël [1939] chỉ có 18 bài. Bản in ở nhà xuất bản Minuit [1957] là bản đã được “sửa chữa từ bản 1939, có thêm sáu bài cuối cùng, được viết giữa 1919 và 1941 [Bài tựa Nathalie Sarraute viết năm 1962 cho bản tiếng Anh Tropisms and The Age of Suspicion, bản dịch Anh văn của Maria Jolas (London: Calder, 1963)].

[2]Hoàng Ngọc Biên, Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại (Sài Gòn: Trình bầy, 1969). Chín tác giả [khác] được giới thiệu và dịch trong sách này là: Samuel Beckett, Michel Butor, Marguerite Duras, Jean-Marie Gustave Le Clézio, Claude Mauriac, Claude Ollier, Robert Pinget, Alain Robbe-Grillet, Claude Simon.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021