thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Plume trên trần nhà | Plume ở Casablanca
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

HENRI MICHAUX

(1899-1984)

 

Henri Michaux là một con người cô đơn và có chỗ đứng thật sự riêng lẻ trong văn học Pháp. Khai phá nội tâm mình và nỗi đau của con người qua những giấc mộng, những truyện huyền tưởng và cả những thể nghiệm tác động ma túy, Michaux nghiêng về phía các nhà thơ siêu thực, nhưng không hề gia nhập phong trào này. Có thể nói toàn bộ những cái ông viết đều thể nghiệm sự tương quan giữa thực tại và chính bản thân ông, sự tương quan mang những kích thước gần như ám ảnh — ám ảnh về chính lý lịch của mình. Nhiều sáng tác của ông xuất phát từ những giấc mơ và ác mộng, phác vẽ một thứ địa lý nội tâm, nhận thức về chính mình soi từ thực tại, và từ cả cái tưởng tượng và vô thức... Tác phẩm Michaux, kể cả tác phẩm tạo hình, luôn đứng bên ngoài mọi kiểu phân loại.
 
Nhân vật Plume, trong những mẩu truyện ngắn dưới đây, dường như bị ám ảnh, bị truy nã, bị theo dõi bởi những thế lực khắt khe vừa từ bên ngoài vừa từ bên trong chính mình. Dường như cuộc chiến thật sự của Plume không là cuộc chiến với người khác, với một thực tại vật chất, mà là với chính mình và trong nội tâm mình. Cái tên Ông Plume (theo Michaux, tên này được lấy từ truyện ngắn "The System of Doctor Tarr and Professor Feather" của Edgar Allan Poe) thôi, như một cái tôi khác, cũng mang nhiều ý nghĩa: một sợi lông nhẹ và dễ bị gió cuốn quả là tượng trưng cho sự bị bỏ rơi, sự bất lực.
 
Tác phẩm chính: Qui je fus, 1927; Un barbare en Asie, 1932; Voyage en Grande Garabagne, 1936; Plume 1938; L’Espace du dedans, 1944; Par la voie des rythmes, 1974; Idéogrammes en Chine, 1975; Chemins cherchés, chemins perdus, transgressions, 1982.

 

________________

 

Plume trên trần nhà

 

Trong một lúc đãng trí ngu ngốc, Plume bước đi hai chân trên trần nhà, thay vì đặt chân trên mặt đất.

Than ôi, khi hắn nhận ra điều này, thì đã quá trễ. Bấy giờ tê liệt bởi vì máu tức khắC ứ đọng, dồn cả xuống đầu hắn, như sắt dồn lên đầu một cái búa, hắn không còn biết gì nữa. Hắn đã mất phương hướng. Sợ hãi, hắn nhìn từ xa cái sàn nhà, chiếc ghế bành trước đây niềm nở biết bao, toàn bộ căn phòng, cái vực thẳm lạ đời.

Quả hắn muốn nằm trong một cái chậu đầy nước, trong một cái bẫy chó sói, trong một cái rương, trong một cái máy nấu nước tắm bằng đồng, còn hơn ở đấy, một mình, trên cái trần nhà quạnh quẽ một cách lố bịch và không phương cứu chữa, mà xuống trở lại thì chẳng khác gì tự tử.

Khốn nạn! Khốn nạn là cứ phải dính mãi với cái... trong khi bao nhiêu người khác khắp cả thế giới tiếp tục thanh thản bước đi trên mặt đất, lại chắc chắn là không đáng giá hơn hắn bao nhiêu.

Nếu như ít ra hắn có thể đi vào cái trần nhà, kết thúc êm thấm, mặc dù là nhanh, cuộc đời buồn bã của mình... Nhưng trần nhà thì cứng, và chỉ có thể “đánh bật” ta trở lại như trái bóng, đúng là chữ ấy.

Không có chọn lựa trong cơn hoạn nạn, còn được cái gì lấy cái ấy. Trong khi hắn khăng khăng trong tuyệt vọng, như con chuột chũi trên trần nhà, một phái đoàn của Câu lạc bộ Bren đi tìm hắn, ngước đầu lên và bắt gặp hắn.

Bấy giờ họ đưa hắn xuống, chẳng nói chẳng rằng, bằng cách dùng một cái thang đặt dựng đứng.

Ai nấy cảm thấy lúng túng. Người ta xin lỗi hắn. Người ta khéo léo qui tội cho một anh tổ chức nào đó không có mặt. Người ta vuốt ve lòng tự hào của Plume vì đã không đánh mất can đảm, trong khi bao nhiêu người khác, mất tinh thần, hẳn là đã gieo mình vào khoảng không, và gãy chân gãy tay và còn hơn thế nữa, bởi lẽ mấy cái trần nhà trong xứ này xây cao, hầu như cái nào cũng có từ thời Tây-ban-nha đi chinh phục các nước.[1]

 

Plume ở Casablanca

 

Vừa đặt chân đến Casablanca,[2] Plume nhớ ra là mình có vô số chuyên phải chạy lui chạy tới. Thế nên hắn để cái va-li trên xe buýt, hắn sẽ trở lại lấy, khi mấy công việc cấp bách đâu đấy lo xong. Và hắn đến Khách sạn Atlantic.

Nhưng thay vì hỏi thuê một phòng, nghĩ rằng mình còn phải chạy lui chạy tới nhiều, hắn thấy nên hỏi địa chỉ nhà băng Société Générale.

Hắn đến nhà băng Société Générale, xin chuyển danh thiếp của mình cho ông phó giám đốc, nhưng khi đã được giới thiệu, thay vì trình ra cái thư tín nhiệm, hắn cho là đã đến lúc hỏi thăm các thứ kỳ quan của thành phố Ả-rập, của khu phố Bousbir,[3] cà phê của người Maure,[4] bởi vì ta không thể nào rời khỏi Casa mà không được nhìn thấy múa bụng, cho dù những phụ nữ nhảy múa là dân Do-thái chứ không phải Hồi. Vậy là hắn hỏi thăm địa điểm, nhờ người ta đưa đến tiệm cà-phê của người Maure, và vừa khi hắn có ngay một vũ nữ ngồi trước bàn mình đang gọi một chai porto, thì hắn nhận ra tất cả những thứ đó đều là những chuyện ngu xuẩn, khi đang trên đường đi, với những cái mệt bất thường, trước tiên cần phải ăn cái gì để lấy lại sức. Vậy là hắn bỏ đi và hướng về nhà hàng Vua La-de,[5] trong khu phố mới; hắn sắp sửa ngồi xuống thì hắn nghĩ lại thấy khi người ta đi du lịch, nếu chỉ có uống và ăn, thì cũng chưa phải đã là tất cả, mà còn cần phải cẩn thận yên chí là đến giai đoạn ngày hôm sau, mọi việc cũng sẽ đúng qui cách đâu vào đó; như thế thì thay vì ngồi vào bàn cho ai nấy hầu hạ, hắn nên đi tìm càng sớm càng tốt chỗ đậu của chiếc tàu mà hôm sau hắn sẽ lấy để trở về.

Sử dụng thời gian như thế mới gọi là tốt. Là điều hắn chuẩn bị làm ngay, thì chợt loé ra trong đầu hắn ý nghĩ nên đánh một vòng qua bên hải quan. Có những ngày bọn họ không để lọt một hộp diêm dù chỉ có mười que, và cái con người mà người ta thấy mang trong mình một chiếc hộp như thế, hoặc người ta tìm thấy trong mình hắn ta, hoặc bên trong hành lý của hắn ta, chắc chắn con người ấy sẽ rước lấy những điều rủi ro tệ hại nhất. Nhưng trên đường đi, nghĩ đến bộ phận Y tế rất thường được giao cho những vị y sĩ ngu dốt có thể ngăn cản một con người đầy đủ sức khoẻ lên tàu, hắn nhận ra là tốt hơn nên xuất hiện độc mỗi cái sơ-mi, lên gân như thế, hớn hở biểu dương sức mạnh cho dù trời đêm lạnh lẽo. Và hắn đã làm y như thế khi cánh cảnh sát là những người lúc nào cũng lo âu, chất vấn hắn, nghe hắn trả lời và từ đó không buông hắn ra nữa.

 

----------
“Plume trên trần nhà” và “Plume ở Casablanca” dịch từ nguyên tác “Plume au plafond” và “Plume à Casablanca” trong Henri Michaux, Plume précédé de lointain intérieur (Paris: Éditions Gallimard, 1963).

 

_________________________

[1]Một phần nước Bỉ của Henri Michaux từng nằm dưới sự đô hộ của Tây-ban-nha thế kỷ XVI.

[2]Hải cảng trên Đại tây dương và là thành phố lớn nhất của Maroc, ở Bắc Phi châu.

[3]Bousbir: Khu nổi tiếng về đĩ điếm ở Casablanca.

[4]Maure hay More là giống dân châu Phi xuất phát từ Tây Sahara.

[5]Nguyên tác: Roi de la Bière.

 

Đã đăng:

 
Plume du lịch  (truyện / tuỳ bút) 
Plume không thể nói là người ta vẫn tôn trọng mình một cách quá đáng trong những lần du lịch. Có người qua mặt ông không báo trước, có người thản nhiên lau tay vào áo vét của ông. Rốt cuộc ông quen dần. Ông thích du lịch một cách khiêm nhường. Bao lâu còn du lịch được cách đó, ông sẽ cứ du lịch... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Plume ở nhà hàng  (truyện / tuỳ bút) 
Plume ăn đang trưa ở nhà hàng, thì người đầu bếp tiến lại, nhìn ông một cách nghiêm trọng và nói nhỏ với ông bằng một giọng bí ẩn: “Cái món ông đang xơi trên đĩa không có trong thực đơn”... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Plume bị đau ngón tay  (truyện / tuỳ bút) 
[...] Đừng có nghĩ rằng một ngón tay bị mất đi ta có thể dễ dàng tìm lại được một ngón khác. Người đàn ông cụt ngón tay, em chẳng thấy có cái gì thích thú cả. Một khi bàn tay anh bị cắt mất một ngón rồi, đừng có mong đợi gì ở em nữa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021