thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thi

 

Tặng bạn tôi
 

Trong truyện thần thoại Hy Lạp, Daedalus là một người dày dạn, từng giết cháu trai rồi bỏ xứ lưu lạc, trong khi Icarus vẫn chỉ là một đứa trẻ trong sáng đến lúc chết còn thấy mình đang bay. Daedalus là thiên tài kiến tạo luôn xoay trở được với tình thế và thời cuộc, nhưng chính Icarus mới tạo nên huyền thoại.[1] Thi nghĩ thế. Mọi điều chỉ là những mã số, những biểu hiện, những tượng trưng. Mỗi người và những quyết định hoặc hành xử của nó chỉ là những giá trị tượng trưng. Hầu hết những giá trị tượng trưng ấy chỉ mang tính số lượng. Có rất ít những giá trị tượng trưng mang tính huyền nhiệm hoặc sử thi...

“Đó là những ý nghĩ lỗi thời. Mày cổ lỗ như một viên gạch thó!” Con bạn Alyx nói thế. Thi hỏi nó:

“Thế mày nghĩ sao?”

“Tao chẳng nghĩ sao cả, buổi sáng hôm nay khi bước xuống đường, tao để ý thấy những hạt bụi trên nắm tay vặn cửa, thằng làm vườn đang dùng máy thổi mấy cái lá khô dạt vào một góc..., tao lái xe ra khỏi cổng và nhận ra thời tiết rất khô..., và như thế và như thế..., ý tao muốn nói là sự thật thì đơn giản.”

“Cũng có thể mày là người Mỹ nên không có những vấn đề như tao.”

“Gia đình tao người gốc Ái Nhĩ Lan... Ở cái xứ này có ai không có những câu chuyện dài dòng nhập cư?”

“Thế theo mày đâu là quê hương?”

“Hừm tao cũng không chắc, đủ giống dân ở đây với đủ thứ trò chính trị phức tạp! Có lẽ chỉ là cái nhà của tao thôi. Có thể nó chỉ là cái chỗ tao hay ngồi trong phòng. Quê hương bé xíu!”

“Đồ phủ dụ! Đơn giản là sự phá sản.”

“Đơn giản là mày không hề chịu nhìn những sự việc cụ thể ngay trước mặt.”

“Tao thích nhìn những cái ở bên kia cánh cửa.”

“Thì mày sẽ thấy một cái hành lang.”

“Chí ít nó là một gợi ý.”

“Tất cả các gợi ý đều vớ vẩn không tưởng.”

“Không phải thế.”

“Lại quan trọng quá rồi đấy!”

Hai đứa bạn gái nhìn nhau rồi phá ra cười.

 

*

 

Dường như Thi chỉ cần với tay, ngay đó thôi, rất rõ ràng là trở về được những ngày thơ ấu chạy trong chiếc sân gạch tàu, hoặc xa hơn, là thấy được những người họ hàng tổ tiên đang tuyệt vọng chống lại những con tàu sắt của người Pháp đang tiến vào cửa sông. Thi chẳng kiêu hãnh gì về lịch sử. Nhưng đơn giản Thi là một người Việt chính cống không chối cãi được, và cũng không thể thay đổi được.

Một lần Alyx bảo:

“Hay mày cũng thuộc về cái gọi là Chủ Nghĩa Quốc Gia.”

“Tao không chắc!”

“Đồ cục bộ bảo thủ.”

“Tao không chắc!”

“Thế thật ra là cái gì?”

“Một lần tao nghe bọn choai choai ở Mông Cổ chơi nhạc Hip Hop qua bản tin thế giới. Muốn lộn mửa!”

“Chơi dở?”

“Dĩ nhiên rồi, không tự nhiên.”

“Tao thấy tụi Nhật chơi jazz được đó chớ.”

“Một lần tao cũng gặp mấy thằng Nhật đi ba lô về Việt Nam quyến luyến với hình ảnh của những đô thị tiền công nghệ.”

“Tự mày rắc rối thôi!”

“Có thể. Nhưng tao thấy sự tự ti văn hoá của nhiều người châu Á là tức cười.”

“Hừm, tao không chắc.” Alyx nhún vai.

“Tao đang nói về bọn trẻ. Thái độ ấu trĩ về văn hoá địa phương của tụi nó.”

“Tao không hiểu.”

“Mày hiểu cóc gì được. Cũng như bọn trẻ tao vừa đề cập, hiểu cóc gì được.”

“Dân nhập cư vẫn mê mẩn với các đô thị ở đây đấy thôi.”

“Labyrinth.” Thi lầm bầm, nghĩ đến mê trận của Daedalus.

“Cái gì?”

“Không. Chẳng gì cả.”

 

*

 

Quả thật đã nhiều lần Thi nghĩ sự tiếp diễn bành trướng thái quá, sự ham hố và săn lùng những điều mới lạ chỉ đi đến những chiều kích khác với những ảo tưởng khác ngu xuẩn và bịnh hoạn. Sự quá lố thì nó đã quá rõ ràng và hiển nhiên ở khắp nơi. Những cấu trúc ngoài việc bành trướng phô trương chẳng để lại một ấn tượng mang tính thiết thực nào!

Một lần kia Thi đi vào khu bãi rác của đô thị và chợt nhận ra tất cả bi kịch hiện đại, bi kịch của sự kiến tạo quá lố. Đó là cả khu đồi mênh mông hôi thối chất đầy tủ lạnh, ti vi cũ, thảm rách, quần áo cũ, đủ loại. Hàng ngàn chim các loại bay vần vũ lượm nhặt, trông chúng bẩn thỉu. Và Thi thấy một người da đen chơi kèn bên mặt đường nhựa phẳng bong dưới chiếc cột đèn giữa ban ngày. Đường phẳng bong, không một bóng xe cộ vào giờ đó. Không hiểu sao Thi lại tưởng tượng người da đen ấy rồi sẽ táng thẳng đầu mình vào chiếc cột đèn đến toác ra làm đôi, hắn sẽ tự cào cấu và phơi bày sự lở lói. Nhưng hắn đã không làm thế. Hèn nhát.

Thi nghĩ mình cũng có thể cắn đứt những ngón tay của mình...

Khi về nhà từ bãi rác, Thi gọi điện thoại cho Alyx:

“Mày vẫn ngồi trên cái ghế trong phòng của mày?”

“Ừ” Alyx trả lời.

“Có những liên đới đến tội lỗi tối tăm ngày càng rõ ràng từ sự cố tình ngây thơ...”

 

*

 

Thi ngồi một mình, chỉ một lúc sau, có rất nhiều con kiến đen bé tí bò tràn lên khắp thân thể Thi. Cảm giác lan man khắp thân thể làm Thi cảm thấy thích thú...

Bố Thi mở khẽ cửa đằng sau.

“Con làm chi ở đây một mình. Ổn thoả?”

“Tất cả những con kiến gió đều đã đi ngủ vào giờ này.” Thi trả lời.

“Những con kiến gió ở ngôi nhà cũ?”

“Phải. Cũng đã lâu chẳng ai cho chúng ăn.”

Ngôi nhà cũ ở Sài Gòn, tầng trên có một ổ kiến gió, chúng màu đen, hình thanh mảnh, di chuyển tới lui quanh quẹo nhanh như cắt. Thi đã từng nuôi chúng một cách chừng mực. Mỗi ngày Thi rải ít bánh vụn cho chúng. Chúng chỉ ra vào những giờ khắc nhất định, ban đêm chúng biến mất.

“Thầy có nhớ một nhân vật của Dostoievski, một đứa bé ốm đau, ước ao được chết đi để cứu chuộc cho những con sâu, con chim, con kiến?” Thi hỏi.

“Đó là những câu chuyện cổ điển. Rất đau khổ.”

“Trong sự trống rỗng to lớn của sự tự do hôm nay, con lại thấy đức hạnh là một giá trị duy nhất.”

“Con lại đang lý sự rồi! To tát quá!”

“Thầy yên trí, con sẽ không nói đến thứ thời cuộc mà thầy đã tạo dựng lên, những thứ mà giờ đây con là cái đuôi của sự báng bổ!” Bố Thi chẳng trả lời.

“Thật đấy, sau tất cả những thử nghiệm nguy hiểm, tráo trở và ngạo mạn. Cái duy nhất mà con người cần đến là đức hạnh.”

“Hay Thầy muốn con nói lại về những con cá vàng?” Thi vẫn nói tiếp.

Bố Thi im lặng. Ngày trước đã có lần ông giận giữ, chậm rãi bắt từng con cá vàng trong bể của Thi, bóp chúng chết trước mặt Thi. Quyền lực là cái ông đã mất đi, suốt cuộc đời ông muốn tìm lại tính vương quyền.

“Chốc nữa con ngủ ngon nhé.”

“Thầy à!”

Nhưng bố Thi đã đóng cánh cửa lại rồi. Thi nói với theo:

“Thầy mở cánh cổng ấy ra.”

 

*

 

Bây giờ những con kiến gió lại xuất hiện bò kín dần lên thân thể Thi. Thi nói không ngừng, nói như thể đang nôn mửa, nôn thốc nôn tháo suốt nhiều giờ liền. Càng về đêm Thi càng tỉnh táo.

Cánh cửa phòng lại mở ra lần nữa. Bố Thi hiện ra năn nỉ:

“Con đi ngủ đi. Thầy năn nỉ!”

“Đi ngủ để giữ sức khoẻ? Ngày mai dậy sớm đi làm. Cuối tuần mang thức ăn ra ngoài công viên nghe mọi người nói những chuyện tầm phào.”

“Thế bây giờ con muốn gì?”

“Thầy thử kể chuyện ngày xưa đi? Ngày thầy còn bé ấy.”

“Con cũng đã biết cả rồi, cũng ngôi nhà ấy, bình thường thôi!”

Đó là một ngôi nhà lớn với cái sân gạch tàu rộng. Có một hình ảnh Thi không bao giờ quên. Ngày đó Thi còn bé xíu, buổi sáng Thi bước ra sân một mình. Trời còn rất sớm, những âm thanh chung quanh còn động rất khẽ. Sân gạch loang lổ rêu mát lạnh, lạnh đến tê điếng. Mùi hoa sứ ngọt ngầy ngậy, ít nữa nắng lên mùi này sẽ tan ra! Cây có màu xanh tối. Sương đọng nhỏ thành giọt. Lạnh! Cảm nhận cái lạnh tiếp nối với nền gạch qua gan hai gan bàn chân, tự dưng lúc đó Thi nghĩ đến sự đau khổ, sự mất mát, sự đổi thay...

Nhắc lại, đó là một căn nhà lớn, nó lớn như cái họ công hầu của Thi ở Huế vậy. Đấy là những người bà con thường sống và nói năng rất cẩn trọng phép tắc. Họ hành xử như thể vẫn có thứ quyền lực vương chính nào đó mà họ nghiễm nhiên được thừa hưởng. Đó cũng chính là những người khốn khổ bất lực hơn ai hết sau này khi thời cuộc đảy họ xuống hố sâu. Bất giác Thi hỏi:

“Thầy ơi, bây giờ thầy phải làm lụng vất vả như thế, có bao giờ thấy nghĩ lại tuổi thơ của thầy?”

“Thầy vẫn nghĩ.”

Thi bất giác nhớ lại những tấm hình bố mặc đồ quân nhân khá kẻng:

“Thầy có nghĩ lại lúc thầy đã trưởng thành?”

“Thầy vẫn nghĩ.”

“Thầy có nghĩ lại thời chiến tranh?”

“Thầy vẫn nghĩ.”

Thời của quá nhiều phỉ báng.

Ngày Sài Gòn sụp đổ, bố Thi về được nhà khi đã quá trễ, phi trường bị pháo kích kịch liệt. Trông cảnh vợ con hoảng hốt, ông cũng chẳng làm được gì hơn là biến vào phòng. Thi còn nhớ trông ông cũng cực kỳ hoảng loạn. Thoạt đầu ông tắm rửa sạch sẽ, ăn vận đeo quân hàm, súng ống chỉnh tề rồi rút vào phòng khoá trái cửa. Mẹ Thi bắt đầu oà khóc, các chị em Thi cũng ùa theo mếu máo. Thi không khóc, đứng dựa cửa sổ nhìn ra đường. Thi chỉ nhớ ngày hôm ấy vắng tanh. Người ta quăng bỏ đồ quân nhân, huân chương, quân hàm cùng súng ống rồi đóng chặt cửa. Nắng rọi vào mấy đốm vàng hoe đong đưa. Thi tưởng tượng thành phố sẽ nhiễm độc vì nắng, chết sạch. Thi sẽ đi dọc theo vỉa hè để tránh nắng, bước trên những núi quần áo, quân trang súng đạn. Những bộ đồ mới tinh thẳng cứng, đẹp như thế! Đường phố vắng tanh và im lặng. Hình ảnh đó khá lạ lùng nhưng thật buồn!

 

*

 

Mọi người hẹn nhau ra ngoài công viên ăn uống, mỗi người mang theo một món. Mọi người ăn uống nói chuyện về thời tiết, về kết quả trận bóng chày hôm qua. Lần nào cũng thế, chỉ ngần ấy chuyện. Thi lấy thuốc ra hút. Tất cả rất văn minh, thật sạch sẽ, chẳng có gì đáng phàn nàn. Những ngày khô hanh thế này, trời lúc nào cũng trong trẻo, như một cái trần mới vẽ xong bằng chất liệu tốt. Ở bên kia là những dẫy nhà gạch. Thi nhận ra cái tai hại về ý thức tuyệt đối của sự tồn tại. Thi nhận thấy từng cử động nhỏ nhất của mình, từng tế bào da đang trương nở lên trong ánh nắng, từng mạch máu đang bơm chuyển dưới làn da. Thi sờ nhẹ lên mặt bàn, gỗ lâu ngày mốc trắng vằn xuống từng đường vân cong. Thi cố gắng ngồi thật yên, không cử động. Thoạt đầu là không khí, Thi thấy không khí chạm lên làn da của mình, những phân tử rất nhỏ, li ti. Những âm thanh vọng lại rồi vẳng đi, dù chúng rất rõ ràng nhưng có cái gì đó trên hơn cả vẫn mơ hồ. Hoá ra ngoại trừ những gì chúng ta đang chạm tới hoặc hướng về, còn lại chỉ là những đám đông lao xao. Thi hoài nghi về sự có thật của tất cả ngoại cảnh.

“Thi ơi cứ ngồi hút thuốc thế à? Không ăn uống gì à?” Có ai đó nói.

Thi chẳng còn thể nào hiểu nổi mọi người đang nói gì, bằng ngôn ngữ gì. Trông họ chẳng khác gì những con xúc xắc màu mè vô tri, bận rộn. Con mắt của Thi quá sáng, quá thẳng thắn, rợn lên như những tia nhìn của con thú hoang. Tia nhìn ấy ngây thơ và hoang dại với mọi người nhưng nó gần hơn với tự nhiên. Thi đang ở quá gần với sự thật, không còn thể nào hiểu được cái lôgíc đời sống.

Chỉ vẳng lại từng tiếng ngày càng rời rạc, xa dần:

“Thi ơi...”

“Ô, con nhỏ này. Không ăn uống gì à?”

 

*

 

Thi muốn viết thư, viết thật dài. Nhưng viết cái gì và viết cho ai? Tất cả dường như chẳng có mối liên hệ gì. Có lần Thi mở tờ giấy, khoanh một vòng tròn lớn. Đóng lại rồi để đấy. Nếu bây giờ có một người bị hành hung giết chết ngay bên ngoài cửa sổ. Cùng lắm Thi sẽ đóng cửa bước xuống sân sau mở bánh biscuit, liếm phần kem ở giữa. Không khí trong veo và cảnh vật thản nhiên vô tội. Ở sân sau, khung cảnh lúc nào cũng bình yên như thế. Trên đám cỏ, nắng nhảy nhót như lũ trẻ. Lần nào cũng vậy, Thi chỉ đủ sức mở cánh cửa bước ra là kiệt sức. Thấy như mình đang ngã xuống hoặc chảy ra, thấy không khí và nắng chui vào thân thể mình. Thấy mình bị tan biến. Chẳng còn mối liên hệ nào. Nhưng thật ra lần nào Thi cũng muốn khóc, như thể mình đang là người chịu tội, nhưng không rõ vì điều gì!

 

*

 

Thi vẽ một đoàn tàu chạy trên nền đất vàng. Bên cạnh là cái bảng hiệu “Stop all stations.” Bên cửa sổ đoàn tàu người ta đang vẫy chào, trong số đó có bạn bè, người thân. Thi vẽ mình là một con khỉ ngồi dưới gốc tre nhìn ra đoàn tàu ấy. Tất cả khung cảnh ấy chỉ chiếm một phần vài mươi ở dưới đáy bức tranh. Toàn bộ phần trên là biển. Biển xanh, dày và bẹt. Biển quá lớn, nặng đến ngộp thở như sắp đè bẹp nuốt chửng mọi thứ. Thi muốn vẽ một người đang rơi đâm đầu xuống biển. Đôi cánh của hắn đang duỗi bẹp trong sóng nước. Có những con cá con cua đang cắn ngập vào thân thể hắn. Có một mặt trời ở trên cao nữa chăng? Chói lọi! Nhưng những hình ảnh có trình tự như thế chỉ có sức tác động mủi lòng. Chỉ để biển không thôi, một màu xanh to lớn đều đặn thăm thẳm. Biển dấu nhẹm đi, tàn nhẫn và thản nhiên.

 

*

 

Thi gọi to: “Mở cánh cổng ấy ra.”

Chẳng ai mở. Cánh cổng sau nằm ở góc vườn, nhiều năm chẳng ai mở, trễ hẳn một bên, dính cứng xuống đất, cỏ dại mọc đến nửa.

 

*

 

Nhiều năm trôi qua. Có rất nhiều điều đã đổi thay.

Thi chết đã từ lâu. Nghe nói khoảng sáu tháng liền Thi không ngủ, sau khi về lại Việt Nam một lần. Khi qua lại Úc, Thi nói sự ngây thơ cũng không có ở đấy, trên đất nước cũ. Thi lải nhải rằng mình bị nói dối. Gia đình đưa Thi vào viện tâm thần một thời gian. Sau Thi nói năng cư xử bình thường nên gia đình lại đón về nhà. Rồi Thi tự sát. Có người bạn được xem ảnh kể lại cổ Thi bị băng quấn trắng toát. Chẳng biết Thi đã làm gì để kết liễu tuổi thanh xuân của mình. Thật ra có thể nói Thi đã chết từ lâu trước đó, một tình trạng kéo dài khổ sở không hợp thời. Thi chỉ đơn giản hiện thực hoá sự chết. Trong khi nhiều người khác tiếp tục không hoàn toàn gọi là sống, ăn uống trên bãi cỏ ngoài công viên, tiếp tục nói về thời tiết và kết quả trận bóng chày ngày hôm qua.

Thi mất sớm quá nên chẳng chứng kiến những chuyển biến tiếp theo. Đó là năm đầu tiên đất nước bắt đầu thay đổi. Sự tiếp nhận thế giới phương Tây diễn ra mỗi ngày. Bọn trẻ đầu tóc nhuộm vàng hoe đi lại nghênh ngó dưới đường. Người ta mở công ty như nấm, làm ăn được. Bên sáng tạo có những phong trào bùng nổ với những khái niệm hiện đại, vồ vập, sung sức, ngây thơ và hãnh tiến. Những đô thị chờ chực nổ tung.

Người Việt sống ở nước ngoài về thăm quê hương ngày càng nhiều. Trong số đó có vài người đi lang thang trên quê hương cũ của mình tìm kiếm kỉ niệm hồi ấu thơ, họ chỉ thấy những điều không phù hợp với trí nhớ, họ thất vọng đôi chút, họ vẫn dằn vặt tìm tòi một thế giới nguyên ủy. Nơi họ ở xưa kia giờ đây đã bị đập vỡ và xây dựng lại hoàn toàn. Họ đi lại tới lui trên mặt đường nhựa xe cộ ầm ầm rồi quả quyết: “Mẹ kiếp, tôi chắc chắn chỗ này khi xưa là một dòng nước”, “Có cả những con cá bảy màu nhỏ xíu thân thể trong vắt với đốm màu ở đuôi” “Tôi đã từng đi dọc theo dòng nước vợt được những con cá ấy suốt những buổi trưa yên tịnh”. Nó là một ngôi nhà thiêng liêng biến mất, là một con đường đất xuyên qua những khu vườn cây trái nay biến thành con hẻm đông chật, một mặt ruộng mênh mông được quy hoạch phân lô... Họ có cảm giác như bị từ khước, bị lường gạt, bị bỏ rơi. Họ không chắp nối lại được những thời gian bị gãy vỡ, khoảng gãy vỡ không liên tục ấy thành khoảng trống rỗng đau đớn. Họ đã luôn luôn là những đứa trẻ bị tách rời và chưa từng khôn lớn. Nhưng họ dần dà vượt qua được và hiểu ra thế giới nguyên ủy chỉ mang giá trị tượng trưng. Trong sự khủng hoảng toàn bộ họ bắt đầu lột xác.

Nghe nói có một đô thị khổng lồ mới sắp được xây. Nhiều năm trôi qua chẳng còn ai nhắc lại chuyện cũ. Bạc phếch!

Và kết thúc như thế, một bi kịch lỗi thời. Chuyện về Thi không liền lạc, hỗn độn, không đầy đủ, không liên tục. Khó! Thật chưa từng có một ý nghĩ nào liên tục được quá một phút. Chưa từng có gì ghi nhận được sự thật! Tất cả mất biến vùn vụt. Thậm chí chẳng thể nói lời tạm biệt. Vô ích mà thôi!

 

_________________________

[1]Daedalus đã bị bỏ tù bởi đức vua Minos của hòn đảo Crete giữa những bức tường công trình sáng tạo của chính Daedalus, Labyrinth (mê trận). Nhưng nhà kiến tạo thiên bẩm này không chịu cảnh giam giữ. Ông đã tạo ra hai đôi cánh, dùng sáp gắn lông chim vào khung gỗ. Khi trao đôi cánh cho đứa con trai, ông đã dặn dò nó rằng đừng bay quá gần mặt trời, điều đó sẽ làm tan chảy sáp của đôi cánh, và cũng đừng bay sát biển vì nước sẽ làm ướt những sợi lông chim. Nhưng Icarus trở nên vô cùng kích động và quên lời dặn của cha mình, nó bay mãi lên cao. Hơi nóng từ mặt trời làm những sợi lông chim tung rời. Icarus lao đầu xuống biển chết, không bay được qua biển tìm về quê hương.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021