thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhắc, nhớ vân vân...

 

Đọc lại một bài đã viết, nhan đề bài viết từ chiếc lư đồng mắt cua của nhà văn tiền chiến Nguyễn Tuân. Liền sau, lại đọc vẩn vơ một cuốn sách đã đọc không vẩn vơ, rồi nổi hứng viết lại bài của chính mình đã viết. Thoạt đầu chả hiểu tại sao nổi hứng như vậy. Sau đó biết ngay, nổi hứng như vậy, vì ưa trích vào bài viết lại đoạn viết này, ở cuốn sách đọc lại một cách vẩn vơ: Nguyễn Tuân, ngày xưa, đã bao nhiêu lần đòi giết cố nhân mà có giết được đâu? Mãi đến già, sau mấy chục năm theo Đảng và bao nhiêu lần “cải tạo tư tưởng”, ông vẫn cứ là ông. Cái chàng Nguyễn tài hoa và kiêu bạc thuở nào vẫn cứ lấp ló đâu đó sau từng trang viết của ông. (Nguyễn Hưng Quốc, Thơ Con Cóc và những vấn đề khác).

Mấy ngày người dân cả nước được nghỉ lễ: ngày giỗ tổ Hùng Vương (mùng 8 tháng 3 Âm lịch), ngày Quốc tế lao động 1-5, và dĩ nhiên, ngày kỷ niệm 32 năm “giải phóng” của nhà nước cộng sản. Dịp này bạn bè chúng tôi nhàn đàm về Sài Gòn sau “giải phóng”. Nhiều điều để nói, mà điều này chúng tôi bảo rất nên nói tới: tên gọi của thành phố chúng ta. Mà hình như đã nhiều người nói tới rồi: tên khai sinh của thành phố đã được gần 300 tuổi, tính tới 30-4-1975, đã bị nhà nước áp đặt tên gọi khác, là thành phố mang tên “bác”! Tuy nhiên, hiển nhiên người dân ngày càng chỉ cần biết và chỉ gọi tên khai sinh của thành phố. Sài Gòn ngày càng xác định tên mình là Sài Gòn. Và nhiều lắm, ý chí quyết tâm lắm, nhà nước cũng chỉ được xem cái tên mình áp đặt là tên gọi hành chánh, tên gọi trên giấy tờ nhà nước cấp phát cho dân. Có bạn nói: nhà nước này thật tức cười, mang tên “Việt Nam đẹp nhất có tên...” để đặt cho “thành phố mông muội” “thành phố tàn dư của Mỹ Ngụy”. Nếu “bác” mà biết, chắc “bác” không thể nằm yên trong lăng tẩm mà các con cháu “bác” đã đặt định, xây dựng cho mình.

Chúng tôi đang nhàn đàm như vậy, điện thoại di động của tôi reo. “Anh ơi, chiều hôm qua em kiểm soát kho đồ cổ của em, tìm thấy chiếc lư đồng mắt cua. Em để dành tặng anh đấy.” Điện thoại của người em bà con bên vợ tôi, anh ta buôn bán đồ cổ ở đường Lê Công Kiều. Đường Lê Công Kiều là con đường nhỏ, chạy dài suốt phía ngang hông Bệnh Viện Sài Gòn. Gần như hầu hết các nhà phố ở đường Lê Công kiều buôn bán đồ cổ, bao gồm đồ cổ thứ thiệt và đồ giả cổ, đồ cổ dỏm. Và phần lớn sở hữu chủ của các gian hàng buôn bán đồ cổ như vậy, là những người miền Bắc “có máu mặt”, vào Sài Gòn sau “giải phóng”. Gian hàng buôn bán đồ cổ của người em bà con bên vợ tôi rất khiêm nhường bên cạnh những gian hàng của những người miền Bắc ấy. Mà người Sài Gòn có một gian hàng như vậy sau khi “Sài Gòn giải phóng” cũng là đỡ lắm rồi, cũng là người Sài Gòn “có máu mặt”.

Tôi mừng rỡ vì món quà tặng của người thân, buôn bán đồ cổ. Chiếc lư đồng mắt cua có lẽ chỉ có giá trị với những người như tôi, những người biết nó gắn liền với một tác phẩm của một nhà văn tài danh thời tiền chiến: Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân. Chính Nguyễn Tuân cũng chỉ quý chiếc lư đồng mắt cua, vì nó là “người làm chứng đứng đắn” cho một quãng thời gian phóng túng hình hài của ông ở nhà hát ả đào của ông Thông Phu - qua lời một người bạn của Nguyễn Tuân - là một nhà nho rất hay, biết rất nhiều điều bí ẩn kỳ quái trong suốt một khoảng giao thời. Nhà văn quý chiếc lư đồng mắt cua lại cũng không chỉ vì nó là “người làm chứng đứng đắn” cho một quãng thời gian phóng túng hình hài của ông, mà còn ở chỗ, ông Thông Phu cho biết nó từng có một lịch sử bí mật, y như chuyện “Gương vỡ lại lành” trong tích cũ.

Chiếc lư đồng mắt cua không phải là một cuốn phóng sự về nhà hát ả đào, cũng không phải là cuốn nhật ký, mà là một tác phẩm tuỳ bút về tâm trạng tác giả (Nguyễn Tuân) trong những ngày sống ở nhà hát ả đào của ông Thông Phu, một ông “Trước khi đứng làm chủ nhà hát ông Thông Phu là một người có danh phận lương thiện của một xã hội trưởng giả trung lưu đương thời của chúng ta. Ông cũng là một người viên chức chính ngạch nhà nước, ở một cái tỉnh nhỏ Trung Kỳ, cách đây hai chục năm, khi mà người ta làm việc ở toà Sứ, với một cái chức thông ngôn có chất máu giang hồ tài tử ấy ở trong huyết quản đã là một người thiếu lương tâm nhà nghề đối với phận sự nơi buồng giấy.” (Nguyễn Tuân, Chiếc lư đồng mắt cua).

Chiếc lư đồng mắt cua mà ông Thông Phu tặng Nguyễn Tuân, như lời ông viết trong tác phẩm cùng tên, cũng giống như “Để nhớ lại một chuyến đi, Nguyễn (Nguyễn Tuân) đặt tên con gái là Hương Cảng” (Tuỳ bút Mơ Hương Cảng, của Vũ Khắc Khoan.)

Nhà văn, kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, định cư ở Hoa Kỳ, đã mất, trong tuỳ bút Mơ Hương Cảng, đã viết về Nguyễn Tuân: “...Nguyễn có một cuộc sống ồ ạt, một cá tính rất sắc cạnh và tất nhiên rất quyến rũ. Không những thế Nguyễn lại viết. Nghĩa là lấy ngay cái ồ ạt của cuộc sống bừa bãi của mình làm đối tượng cho sự suy nghĩ để rồi, từng chữ, từng câu... giải rộng và dài những cơn tâm sự lên trên giấy trắng. Cũng vì thế mà ảnh hưởng của Nguyễn đã in hằn lên nhiều người chung quanh. Ở đây, thỉnh thoảng những người quen Nguyễn thường vẫn gặp lại, ngùi ngùi nhận ra đây đó một vài cử chỉ, một vài lối nói, nét cười, cách viết của một con người không những đã sống để viết, nhưng lại luôn luôn rất băn khoăn về cuộc sống và ý nghĩa của việt cầm bút...”

Chiếc lư đồng mắt cua mà người em bà con bên vợ tôi vừa tặng tôi, theo nhận xét của anh ta, được chế tác vào khoảng thời gian các vị vua đầu nhà Nguyễn, dùng để đốt trầm. Hiện nay, một số rất ít các “mệ” ở xứ Thần Kinh (Huế) còn lưu giữ. Tôi đọc lại tác phẩm tuỳ bút Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân, qua những dòng chữ mô tả chiếc lư đồng mắt cua của ông Thông Phu tặng nhà văn, rất giống chiếc lư đồng mắt cua tôi đang có: “...một chiếc lư đồng. Đồng mắt cua. Nhỏ thôi. Đường kính rộng nhất nơi thân lư cũng chỉ bằng cái đường kính mặt tẩu Vân Nam da đá... chiếc lư đồng mắt cua nhỏ bé ấy giá có đem phát mại đi, gặp những người ưa chuộng thì hời giá lắm cũng chỉ được vài đồng bạc là cùng.” Nhà văn Nguyễn Tuân trân quý giữ nó, như đã nói ở trên, lúc ấy nhà văn để chiếc lư đồng mắt cua trên bàn viết, đựng kim găm và dùng luôn làm vật chặn giấy cho gió khỏi lật ngửa những trang chữ ướt. Tôi dùng chiếc lư đồng mắt cua vừa được tặng mấy hôm nay, đựng tàn thuốc lá cho gió khỏi thổi tàn bay rải ra ngoài. Chiếc lư nhỏ đựng tàn thuốc lá rất tiện, tôi xách nó theo bên mình mỗi khi di chuyển chỗ ngồi hút thuốc, nó có hai quai xách cũng bằng đồng mắt cua, như quai xách của chiếc ấm tích pha trà.

Ngắm nghía chiếc lư đồng mắt cua, tôi chợt tiếc đã không hỏi Nguyễn Tuân, rằng nhà văn còn giữ chiếc lư đồng mắt cua do ông Thông Phu tặng thuở xưa? Vài tháng sau 30-4-1975, tôi gặp nhà văn Nguyễn Tuân trong một bữa uống rượu ở quán cà phê Tùng, Đà Lạt. Lần đó, ông Tùng, chủ quán, đã mất vài năm nay, trân trọng mời nhà văn Nguyễn Tuân uống rượu. Ông Tùng mang chai rượu Courvoisier mà ông cố giữ lại sau “giải phóng”, dành để mời nhà văn tài danh mà ông nghe tiếng, quý trọng từ lâu. Đó cũng là dịp may của tôi, được gặp tác giả Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, Chiếc Lư Đồng Mắt Cua... Tôi không thể nhớ rõ sau ba mươi hai năm, tôi đã nói, hỏi được chuyện gì nhà văn tài danh độc đáo ấy, nhưng nhớ mãi câu ông hỏi tôi, thật lạ lùng để hôm nay nhớ lại: “Cậu có bà con họ hàng gì với ông Vũ Khắc Khoan hay không? Nom cậu khá giống ông ấy.”

Tôi tiếc vì nhớ lần duy nhất gặp nhà văn Nguyễn Tuân, tôi chưa từng hỏi về chiếc lư đồng mắt cua của ông. Nếu ông còn giữ được lúc còn sống, thì cũng không lấy gì làm chắc chắn rằng sau khi ông mất, đã nhiều năm, nó không có cuộc phiêu lưu nào. Biết đâu nó chính là hiện thân chiếc lư đồng mắt cua tôi đang giữ. Dù sao, ít nhất, nó cũng được ra đời cùng anh em nó, chiếc lư đồng mắt cua của nhà văn vang bóng một thời.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021