thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trưa nào cũng bay

 

— Ðây rồi! Tốt lắm. Hôm qua bạn đến, gặp lúc tôi bận tíu tít. Loay hoay mãi, lúc ngoảnh lại không thấy bạn đâu nữa. Cứ lo bạn hờn...

— Hết chuyện để lo sao? Ði tìm chi cái lo xa xôi vậy? Thôi được: Hôm nay rảnh rang, bày ấm chén ra, nói chuyện chơi.

— Ấm chén vừa soạn sẵn bạn vừa đến. Chuyện chơi thì chuyện, sợ gì?

— Chuyện chơi không phải chuyện vui nhá. Nói chuyện chơi lắm khi lạc luôn tới những cái lớn lao trầm trọng đa. Kẻ nói chơi nói không có trách nhiệm, dám có lúc không ngại xông vào những cái khủng khiếp đấy. Nên sợ...

— Không sao. Lúc đó ta dìm nó vào tách trà. Nó tiêu luôn... Bên Trung Ðông... ông bạn thấy không?... Không được nói đến à? mình kiêng khem kỹ quá...

— Kìa! Kiêng cữ gì đâu. Chỉ lo chuyện thì lớn mà mình lại bé, nói huyên thiên e không xứng tầm cỡ. Nhưng...

— Chuyện thiệt không dám nói, chứ chuyện chơi đâu có ngại. Trước hết tôi bảo thẳng cái này để bạn khỏi cười: Là tôi không hề có ý cho rằng tai nạn tận thế đang xảy ra...

— Tốt.

— Nhưng đã rõ: Giữa người với người, xưa nay sự đánh đấm vẫn là sự cần thiết. Gây gổ đánh đấm thì đều đều, không thể nén được, cai được. Lần này xung đột sẽ tới đâu? Ai có thể tin được rồi các ẩu đả rầm trời như thế rốt cuộc sẽ đưa cả làng đến một bàn tiệc lớn: Ai nấy choàng vai bá cổ, no say đã đời, ôm nhau đoàn kết? Xưa nay không có thế bao giờ. Cụ Nguyễn Du từng than thở:

"Liên miên trong cõi người ta

Oánh nhau chí tử xảy ra đều đều"

— Ha ha!

— Nhưng cụ Nguyễn... Có cái cụ không ngờ tới. Từ xưa đến nay con người không thay đổi: vẫn con người ấy, thịt xương ấy. Còn các món công cụ để chơi nhau thì mỗi lúc mỗi khác nhé. Thoạt tiên dùng tay thụi nhau, chân đá nhau; rồi dùng đá ném vào nhau, dùng mũi nhọn đâm nhau, dao mác chém nhau; rồi tên bắn, đạn bắn; rồi bom, mìn... Bom nguyên tử, ối, thứ bom mỗi lúc mỗi tăng sức phá hãi hùng... Ðể đối phó, con người vẫn có từng ấy thịt xương cố định. Bạn nghĩ sao?

— Á à. Theo tôi tốt nhất con người không nên đánh nhau nữa. Mọi xích mích nên giải quyết bằng cách khác. Vũ lực: Cấm!

— ?

— Cấm tuyệt đối.

— Bí quá, bạn có thể nói chơi! Các nhà lãnh đạo đối địch phải chọn kỹ một quyết định: Quyết định mất còn. Sai là đi đoong tất cả. Khoa học các ngành đều tuyệt vời. Máy có thể tính toán cực kỳ chính xác. Nhưng cái suy tính xem phen này có phải là thực sự không thể tránh né? phen này do dự thêm hai phút, hay một phút là tiêu? cái tính toán ấy không thuộc về khả năng của máy móc tinh xảo nào. Một mình nhà lãnh đạo phải đối đầu với quyết định tức khắc. Nhà lãnh đạo, một con người.

Con người — bất cứ người nào — đều có bẩm chất riêng, tín ngưỡng riêng, cá tính riêng, thành kiến riêng, có những mặc cảm âm thầm v.v... Những món lỉnh kỉnh ấy tiềm tàng mãnh liệt, chúng tham dự vào sự chọn lựa quyết định sinh tử của loài người.

Một cái bấm nút ở nơi này xảy ra. Những bấm nút từ các nơi khác đáp lại...

— Tuyệt diệt!

— Khó tưởng tượng ra cái sững sờ của địa cầu. Có lẽ bấy giờ sẽ có một rùng mình. Nhưng đất vẫn tiếp tục quay, tiếp tục bay. Trời tiếp tục xanh, thản nhiên...

— Bạn nghĩ là ba chục ngày gấu ó ở Trung Ðông sẽ đưa tới tận thế à?

— Ðâu có! Tôi nghĩ vậy hồi nào? Cuộc gấu ó ấy xảy ra ở Trung Ðông, đã xúc động các khối đại cường Ðông Tây, đã làm nhốn nháo hàng tỉ tín đồ các tôn giáo năm châu. Rồi cuộc gấu ó sẽ được thu xếp chăng? Rồi chuyện nào khác sẽ bùng lên? Xung đột đến chừng nào? Diễn biến ra sao? v.v... Không tiên tri được.

Chỉ lo rằng thời cuộc dù có bách bộ thong thả đến bậc nào cũng khó bảo tồn nhân loại được mãi. Diễn biến của cuộc sống mỗi lúc mỗi gấp... E không còn được bao lâu.

 

*

 

Hai người bạn ngồi im một lát. Rồi:

— Nó phải xảy ra thôi... Tự dưng mà tan hoang. Mình không có ý chuẩn bị một thái độ đón tiếp biến cố lớn. Công việc mình vẫn bận bịu hàng ngày không hay cũng không dở, nhưng đã trót quen. Công việc, quen; xóm làng, đất nước: quen cả. Vợ con, người ngoan kẻ dại, đứa hư đứa nên, lúc vui lúc buồn... Quen cả rồi. Bỗng dưng tặc cái tan hoang. Cuộc sống khựng lại, ngẩn ngơ!

— Ðâu còn cuộc sống nữa để nó ngẩn ngơ? Cái chết thì đấy, nhưng nó biết gì mà ngẩn ngơ? Chết, tự nó có là gì đâu mà có được một thái độ?

— A...

— Ngẩn ngơ ngay lúc này, ngẩn ngơ trước tận thế, chính là bạn.

— (Thẫn thờ) Thắc mắc siêu hình... vâng, món ấy không thể của cái chết, mà cũng không phải của cái sống. Nó là của con người, con người đến một trình độ nào đó... Ðến đó, con người đâm ra thắc mắc về mình, về cái sống của mình: Ta là ai? Ta từ đâu tới? rồi sẽ đi về đâu? Cái sống tự nó có ý nghĩa gì? v.v...

— Vớ vẩn!

— Con sâu, cái kiến bé tí, chăm chỉ lo kiếm ăn. Con khủng long, con cá voi to lớn, bệ vệ, cũng tỉnh bơ, không thắc mắc. Không có con kiến vớ vẩn, con voi vớ vẩn. Chỉ có con người mới bức rức điên đầu tự hỏi: "Mình chết là chết luôn, mất tiêu luôn à? Mình chắc chắn là có linh hồn chứ. Mình chết, thì hồn mình nó ở đâu?" v.v... Người sơ khai bận bịu vì cái ăn không có dịp băn khoăn; người nghèo đói quần quật không có thì giờ suy nghĩ vẩn vơ. Nhưng khi ta được khai hoá, ở các từng lớp cao, các chàng trai vừa mới lớn đã bị các thắc mắc siêu hình ám ảnh dày vò.

Kể chơi với bạn một chuyện gần gũi. Khoảng giữa năm 2006, ông Ðỗ Ngọc Yến lâm trọng bệnh. Người bạn thân từ thuở trung học đại học, là ông Ðỗ Quí Toàn, nhân đó có dịp gợi lại kỷ niệm một đêm ở Ðà Lạt. Ðêm, cùng nhau dạo quanh hồ Xuân Hương, đôi bạn mải miết chuyện trò; "chuyện triết lý lung tung, những thao thức băn khoăn về kiếp người". Ði đến trước cửa nhà số 2 Ngô Quyền, mặc dù đêm đã khuya, hai người bạn chưa chịu vào nhà để ngủ. Quí Toàn vừa khám phá ra một "mấu chốt" của vấn đề, nói với Ngọc Yến một cách nghiêm trọng: "Cuối cùng, mình phải biết mình là cái gì đã!" Ngọc Yến bảo: "Thì ông Socrate cũng nói vậy." [*]

— A! Socrate và trước Socrate đã lắm kẻ nói vậy; rồi sau ông Ðỗ Quí Toàn, tôi với bạn vẫn còn vướng vào cái rắc rối ấy. Và khắp các nơi trên địa cầu không biết bao nhiêu thi sĩ, văn sĩ, triết gia, bao nhiêu thanh niên nam nữ vẫn bị cái ám ảnh siêu hình dày vò đêm ngày...

— Tai hoạ lớn... Tai hoạ bất khả giải quyết đa. Con người mắc phải cái hoạ ác quá.

— Cho nên Phật phải can thiệp.

— ?

— Vâng, Phật. Một hôm có kẻ tìm đến hỏi...

— Kẻ nào? Nói tử tế... nói rõ ràng đầu đuôi nghe coi? Một phật tử vô danh hả?

— Không. Theo tôi, ai hỏi Phật cũng nói điều Phật cho là đúng thôi. Dù sao, ông đã muốn biết hãy để tôi cố nhớ... Vô danh hay lừng danh, không rõ, nhưng cái tên... Ðể xem, có thể tôi còn nhớ lờ mờ . Du sĩ từ xa tìm đến, nêu ra một số vấn đề. Chẳng hạn: Thế giới này tồn tại mãi hay sẽ có ngày mất tiêu? Trời đất có biên giới hay là vô biên? Con người có xác có hồn? hay chết là mất tiêu luôn, chẳng còn lại gì ráo v.v... Du sĩ nọ hỏi bảy tám câu; Phật đều ôn tồn hoà nhã bảo: Xin không trả lời.

Sau đó, Phật giải thích về lý do từ chối. Rằng mình chỉ nhằm tu tập để gạn lọc thân tâm, vượt thắng lo âu sầu khổ mà thôi. Phật nhằm vào những pháp môn giúp con người ngăn chận tham dục, bạo động, mê vọng, hầu có thể sống an lạc. Phật không quan tâm đến những vấn đề siêu hình. Lâm vào đó, có khi bị kẹt vô ích.

— (Mơ màng) Ta lại cứ muốn vươn xa hơn Phật...

— Ðấy đấy...

— Xông vào các vấn đề siêu hình, phát sinh những tranh cãi, vô ích...

— Ðấy.

— Thôi bỏ qua các thắc mắc về định mệnh con người. Nhưng số phận quả đất, số phận các tinh cầu, vô lượng tinh cầu chi chít trong không gian vô tận... riết rồi cũng trống trơ cả sao?

— Rốt cuộc tất cả trống trơ, chỉ có cái đầu con người là đầy rắc rối!

— Cho rằng tất cả người và bè lũ quen thuộc: bò, trâu, voi, cọp, giun, dế, bọ chét, diều hâu v.v... chết tiêu. Nhưng biết đâu chẳng có những giống tình cờ lọt sổ Thiên Tào? Tôi không biết giống nào sẽ còn sót, nhưng tôi không tin là cái dọn dẹp của bom có thể chu đáo đến mức tuyệt không còn mầm sống nào...

— Chờ dăm mười triệu năm, không chừng lại có một quả đất xôn xao... Vả lại, quả đất lỡ vắng vẻ, còn bao nhiêu tinh cầu khác...

— Không nên hi vọng hão huyền. Chưa có chứng cứ thì hãy... Con người đã rình rập một số tinh cầu ngoài không gian mà không thấy gì.

— Thấy "gì" là thấy sinh vật, đại khái con cò con cuốc... Và nói trắng ra là thấy con người, phải không? Bạn đòi hỏi cao quá. Cứ không thấy nước thì kêu thiếu điều kiện để sinh vật nhảy nhót vui mừng đón tiếp phi hành gia, thì kêu không có gì. Hãy quan niệm Hoá Công là đấng toàn năng, có nhiều sáng kiến. Biết đâu chẳng có những chủng loại sinh vật hoặc sống không cần thở hoặc không dùng món dưỡng khí như ta? không dùng cà-phê, thậm chí không dùng nước như ta? Biết đâu chẳng có những loại sinh vật không hình thể? Này nhé, bạn quên rằng mắt đâu có làm ra để bắt được mọi hình thể trong vũ trụ. Ðôi ba thế kỷ trước, có ai trông thấy con vi trùng nào tí toáy quanh mình? Vi trùng nó xuất thế hồi nào? Chẳng qua mắt mình yếu ớt, cần đến sự giúp đỡ của cái kính hiển vi bấy giờ chưa kịp xuất hiện. Quanh mình, ngay trên mặt đất này, e còn lắm loài khác lọt khỏi mắt ta.

Ấy là chỉ nói về thị giác. Ta có những năm giác quan để tiếp xúc, để "bắt" vào thế giới quanh mình. Ngũ quan bắt được những món ta đang biết ở địa cầu. Giả sử Tạo Hoá cao hứng tạo nên những giống sinh vật có sáu giác quan, bảy giác quan, hay mười, mười hai, mười lăm...giác quan. Bấy giờ địa cầu sẽ thay hẳn diện mạo mhiều chứ: các loài sinh thực vật sẽ nhốn nháo nhiều gấp năm gấp ba hiện thời chứ... Phải không?

— Bạn cao hứng, bốc cao quá.

— Ở các tinh cầu khác, cuộc sống — nếu có— xuất hiện dưới dạng thức khác. Có thể sinh vật ở chỗ này chỉ cần một vài giác quan (khác hẳn giác quan của chúng ta), ở tinh cầu khác, loài vật chỉ xuất hiện trước những giác quan khác hẳn của chúng ta! Một hôm phi thuyền không gian thả người địa cầu xuống một tinh cầu lạ đầy nghẹt sinh vật xúm xít quan sát nghiên cứu "khách", mà "khách" thì thiếu hẳn giác quan để "bắt" được ho. "Khách" ngẩn ngơ tuyệt vọng giữa cảnh "trống trơ" (đối với mình).

— Hơ hơ!

— Một ngày kia, quả đất bị nạn sẽ từ từ phục hồi dưới một dạng thức khác (mà con người của địa cầu cũ nếu có hồi hương cũng khó nhận ra). Rồi quả đất phục hồi nếu có thể quen thói cũ, sinh sôi ra những sinh vật không còn giống bao nhiêu với các loài sinh thực vật hiện nay...

— Hơ! hơ! Theo ông nghĩ: Một loài sinh vật nào đó ở các tinh cầu khác, hay ở địa cầu phục hồi sau này, bấy giờ loài sinh vật cao nhất — theo bạn —có... có lại lẩm cẩm băn khoăn về những thắc mắc siêu hình? về nguồn gốc sự sống, về các chủng loại tiền bối (tức là chúng ta) không nhỉ.

— Chết! Ông bạn cẩn thận như thế là tốt. Ðến đây tôi khoác lác huyên thiên đã quá đáng...

— Thế thì tha cho bạn.

— ... Này. Hay là chúng ta nên kết thúc bằng mấy câu thơ? Cho nó thư giãn đầu óc.

— Thơ của ai vậy? Thơ ai có công dụng tốt vậy?

— ...

— À, xem ông có vẻ lúng túng. Vậy thơ ông chứ gì! Cứ xổ tuốt ra. Ðể nó lồng lộn trong người, hại người.

— Ông tới tấp quá. Vậy hãy thong thả. Từ từ. Hãy để tôi bắt đầu từ chỗ bắt đầu.

Hôm nọ, buổi trưa, tôi đến đây, thấy bạn bận công việc, tôi quay về. Vào nhà, chưa biết làm gì, ra ngồi ở chiếc ghế dài dưới hiên. Nhìn mông.

Bồ câu bay đảo trong xóm. Chợt thấy ngay: Bồ câu chúng nó cũng đang lúc rỗi rãi, vô tích sự, như mình. Ðàn bồ câu xóm tôi đông lắm. Có người nhận xét: Hễ xóm nào có ngôi chùa, thường bồ câu tựu đến đông dảo. Không phải vì thấm đạo từ bi. Chùa thường sẵn cơm: khách thập phương đến chùa, ở lại đàm đạo, vãn cảnh, thọ trai, làm quen nhau... Nhà chùa lúc nào cũng chuẩn bị sẵn cho khách vãng lai... Phần thừa thãi, bồ câu được hưởng. Ðều đều, hàng ngày...

Bồ câu ăn uống no đủ, cái bay đông đảo ở đây là giải trí (trí chim)?, là vận động cơ thể? điều hành huyết mạch? Tôi không biết. Duy đã quen thói, lúc rảnh, xem chim. Bồ câu bay, thường bay hàng loạt gần tất cả đoàn. Tự dưng, không có hiệu lệnh hô hoán gì cả, đàn bồ câu xóm tôi tung lên trời, bay nhiều vòng, rồi (cũng tự dưng) đáp xuống. Vẫn không thấy có hiệu lệnh nào.

Bồ câu không có kỷ luật cứng rắn. Khi cất cánh, có thể có một đôi nhóm nhỏ, không hưởng ứng, cứ tiếp tục lai rai trên các mái nhà. Ðang bay, lắm lúc có đôi ba con tự dưng tách đàn đáp xuống... Mặc, đàn không có biện pháp kỹ luật nào đối với kẻ bỏ đàn. Coi như không biết tới, không đếm xỉa.

Những con bồ câu bỏ đàn điềm nhiên sinh hoạt trên các mái nhà trong xóm. Có con rỉa lông rỉa cánh, có con tìm mổ đây đó, kiếm ăn lai rai. Có con tìm mái. Ðến bên cạnh con mái lẻ loi nó gù dè dặt, rời rạc, dò dẫm. Rồi đến gần, săn sớm. Dừng nghỉ một lát, nó xán lại, bạo dạn, sàm sỡ. Con mái quay đầu, tránh. Trống sàm sỡ nữa; con mái cất cánh bay qua mái nhà khác. Con trống ngẩn ngơ, tưởng bỏ cuộc. Có khi nó bỏ cuộc thật. Có khi nó ngẩn ngơ một lúc, rồi nhẫn nại bay theo... nàng. Sinh hoạt buổi trưa trên các mái nhà không nhộn nhịp, nhưng vẫn phong phú.

Sau nhiều lần thất bại, thỉnh thoảng con trống nọ thành công. Con mái ngừng tìm cái ăn, ngửng đầu... Toan tính gì đây? Sắp bay chăng? Lần này bất ngờ con mái nằm xuống, thản nhiên. A! đâu phải thản nhiên: Cái đuôi của con mái vẹt qua một phía, đợi chờ... (đợi chờ, cách hờ hững.)

Cuộc yêu đương kết thúc; nền trời xanh bao la tiếp tục xanh cách thản nhiên, như không hề có gì xảy ra, xanh như muôn đời vẫn xanh. Mây trắng từng vạt đây đó khắp trời cũng một mực thản nhiên. Phải chú ý kỹ mới thấy mây từng đám có nhẹ nhàng chậm rải trôi. Lặng lẽ trôi, chậm.

— ...

— ?

— Tôi chờ đợi thơ của bạn.

— A. Có đấy. Xem nào, tôi có vài câu:

"Dằn lòng, lòng vẫn nao nao,

Ta đi mây ở, trưa nào cũng bay"...

— Vậy thôi?

— ...

— Tôi thắc mắc: việc gì bạn phải dằn lòng? Chim làm gì mặc chim, việc gì bạn lạị nôn nao, bạn phải dằn lòng?

— Không phải lúc nên đùa giỡn xuyên tạc bậy bạ. Phút ân tình của chim xảy ra trong chốc lát, mây trắng bay lặng lẽ, ơ hờ... Cái phù vân nó đâm ra là cái lâu dài. Mà chút hạnh phúc của một loài (cũng như mọi loài) sinh vật chẳng qua thoáng chốc. Bạn không nao lòng? Tốt. Bạn tha hồ tốt. Cái sinh cái diệt, nó đến nó đi hờ hững, thản nhiên. Như cái đuôi con chim mái, như mây trôi từng đám giữa trời... Siêu hình với siêu hiếc: Cho nó "đi" luôn.

— Ơ ơ! Nhân tiện, từ sáng đến giờ cứ trà mãi, chưa có món mặn bỏ bụng. Chúng ta cũng nên "đi" luôn ra tiệm phở gần đây. Ði!

— ... Tôi vừa chợt nhớ ra: Du sĩ Uttiya! Người tìm hỏi Phật về các thắc mắc siêu hình, đó là du sĩ Uttiya.

— Là ai, cái đó không thành vấn đề nữa... Vấn đề lúc này là tô phở. Mọi chuyện khác tha hồ diễn tiến cách vô tâm. Tha hồ...

 

Santa Ana, 10—2006

 

_________________________

[*]Ðỗ Ngọc Yến giữa bạn bè, Người Việt xuất bản, 2006 (trang 66).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021