thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Túp lều

 

Bản dịch của Hải Ngọc,
với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn.

 

MARGARET ATWOOD

(1939~)

 

 

TÚP LỀU

 

Bạn đang ở trong một túp lều. Bên ngoài mênh mông và lạnh lẽo. Vô cùng mênh mông và lạnh lẽo. Một cảnh hoang dã bát ngát. Ở đó có đá, băng, cát và những hố lầy sâu hoắm khiến bạn có thể bị lún xuống đó mà không để lại một dấu vết nào. Có cả những nhà cửa đổ nát nữa, rất nhiều; bên trong và xung quanh những đống đổ nát đó, có những nhạc cụ đã gãy vỡ, những bồn tắm cũ kỹ, xương cốt của những động vật có vú trên mặt đất đã tuyệt chủng, những đôi giày mất đế, những bộ phận của ô tô. Còn có những bụi đầy gai, những cái cây gầy guộc và gió thì lồng lên dữ dội. Nhưng bạn có một ngọn nến nhỏ trong lều. Bạn có thể giữ được hơi ấm.

Ngoài kia, rất nhiều tiếng hú gào, trong cảnh hoang dã bát ngát. Nhiều người đang hú gào. Một số người hú gào vì những người họ yêu thương đã chết hoặc bị giết chết, một số người khác hú gào thắng lợi vì họ đã khiến những người thân yêu của kẻ thù chết hoặc bị giết chết. Lại có tiếng hú gào cầu xin giúp đỡ, có tiếng hú gào đòi báo thù, có tiếng hú gào khát máu. Những âm thanh chói buốt.

Cũng kinh hãi nữa. Có tiếng hú gào nào đó đang đến gần bạn, chui vào lều bạn, nơi bạn đang co ro trong im lặng, hy vọng mình không bị nhìn thấy. Bạn thấy sợ cho chính mình, nhưng nhất là bạn sợ cho những người thân yêu của mình. Bạn muốn bảo vệ họ. Bạn muốn dồn họ vào trong lều của mình, để bảo vệ.

Phiền một nỗi lều của bạn lại làm bằng giấy. Giấy thì không thể cản ngăn bất cứ thứ gì. Bạn biết mình phải viết lên những bức tường, những bức tường giấy bên trong lều của bạn. Bạn phải viết, viết lộn ngược và giật lùi, bạn phải phủ kín tất cả các chỗ trống trên tấm giấy bằng những dòng chữ của bạn. Có những dòng chữ phải miêu tả những tiếng hú gào đang rít lên ngoài kia, suốt cả đêm lẫn ngày, giữa những đụn cát, những tảng băng, những đống nhà cửa đổ nhát, những xương người, vân vân…; dòng chữ ấy phải nói lên được sự thật về tiếng hú gào kia nhưng điều đó thật khó có thể làm được bởi bạn không thể nhìn xuyên qua những bức tường giấy, do đó, bạn không thể nào biết chính xác sự thật; bạn lại không muốn bước ra ngoài, ra cái thế giới hoang dã ấy, để thấy tận mắt sự thật. Có những dòng chữ phải viết ra để nói về những người mà bạn yêu thương và một khao khát khẩn thiết trong bạn muốn được che chở cho họ; nhưng cũng thật khó để viết được vì không phải tất cả họ, những người bạn yêu thương ấy, đều nghe thấy tiếng hú gào giống như bạn, có người nghe như thể đấy là âm thanh của một buổi picnic nào đó diễn ra giữa khung cảnh hoang dã kia, người thì thấy như tiếng của một ban nhạc lớn, lại có người cảm giác như có một bữa tiệc sôi động bên bờ biển; họ phẫn nộ vì bị nhốt lại chẳng khác nào nhốt gà trong một không gian tù túng như thế cùng với bạn, với cây nến của bạn, với sự sợ hãi của bạn, với nỗi ám ảnh phiền toái về nghệ thuật thư pháp của bạn, nỗi ám ảnh hoàn toàn vô nghĩa đối với họ; và thế là họ trườn dưới những bức tường giấy của túp lều để ra bên ngoài.

Nhưng điều đó không khiến bạn ngừng viết. Bạn viết, như thể cuộc đời bạn phụ thuộc vào điều đó, cuộc đời bạn và cả cuộc đời của họ. Bạn ghi tốc ký những tính cách, đặc điểm, thói quen, lịch sử của họ; bạn thay đổi những cái tên, tất nhiên, vì bạn không muốn tạo nên những chứng cớ, bạn không muốn gây một sự chú ý không đúng đối với những gì mà bạn yêu thương, trong đó có một vài thứ — giờ bạn mới khám phá ra — hoàn toàn không phải là những con người, mà là những thành phố, những phong cảnh, những thị trấn, những hồ nước, trang phục bạn từng mặc, các quán xá thân quen, những con chó đi lạc từ lâu. Bạn không muốn thu hút những kẻ đang hú gào nhưng bọn chúng vẫn bị thu hút, cứ như thể chúng đánh hơi thấy vậy: những bức tường của túp lều giấy quá đỗi mỏng manh khiến chúng có thể nhìn thấy ánh sáng ngọn nến của bạn, chúng có thể nhìn thấy hình dáng của bạn, và một cách tự nhiên, chúng tò mò vì có thể bạn là con mồi, bạn có thể là cái gì đó mà chúng có thể giết chết, sau đó, sẽ hú lên mừng thẳng lợi và rồi ăn thịt bạn, bằng một cách nào đó. Bạn gây chú ý quá, tự bạn đã làm cho người khác phải chú ý, tự bạn đã làm lộ mình. Chúng đến gần hơn, chúng tập hợp nhau lại, chúng tạm ngưng hú gào để săm soi, đánh hơi xung quanh.

Tại sao bạn nghĩ rằng những dòng chữ này của bạn, cơn cuồng viết này của bạn trong một cái hang mong manh, những hàng chữ hối hả ngược xuôi, lên xuống của bạn trên những bức tường của một thứ bắt đầu thấy giống như một nhà tù lại có khả năng che chở cho một ai đó? Kể cả chính bạn. Đó là một ảo ảnh, một niềm tin rằng những dòng chữ nguệch ngoạc của bạn là một thứ áo giáp, một thứ bùa ngải, bởi lẽ không một ai có thể biết rõ hơn bạn, rằng thật sự túp lều của bạn mong manh như thế nào. Đã nghe thấy tiếng những bàn chân bọc da thú nện bước thình thịch tới gần, tiếng cào cấu, tiếng sờ soạng, tiếng thở khò khè phát ra. Gió thốc vào, cây nến của bạn đổ nhào và cháy loè lên, cánh lều lỏng lẻo bén lửa và qua cái lỗ hổng với đường gờ đen sém mà lửa mỗi lúc khoét rộng hơn, bạn nhìn thấy con mắt của những kẻ hú gào, đỏ và long lên trong ánh lửa hắt ra từ cái lều trú ẩn bằng giấy đang cháy của bạn, nhưng dù sao thì bạn vẫn tiếp tục viết bởi bạn còn có thể làm được gì nữa đây?

 

 

--------------
Nguồn: Margaret Atwood, “The Tent”, Harper’s Magazine, 0017789X, Oct 2005, Vol. 311, Issue 1865

 

 

Tác phẩm của Margaret Atwood đã đăng trên Tiền Vệ:

Bánh mì  (truyện / tuỳ bút) 
Hãy tưởng tượng một miếng bánh mì. Bạn không cần tưởng tượng nó, nó ở ngay trong bếp này, trong cái bao nhựa của nó, trên cái thớt cắt bánh mì, bên cạnh chiếc dao cắt bánh mì... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021