thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tai hoạ của đời tôi

 

Bản dịch của Hải Ngọc.
Hoàng Ngọc-Tuấn hiệu đính.

 

TÀN TUYẾT

(1953~)

 

 

TAI HOẠ CỦA ĐỜI TÔI

 

Cuối cùng thì tôi cũng tống khứ được con mèo của mình. Tôi nghĩ điều này sẽ có thể giúp tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi ngồi bên bàn, mắt nhắm nghiền, suy nghĩ mông lung. Tôi cố gắng định hình lại những cảm xúc rối bời, hỗn loạn của mình. Nhưng đó là ước muốn viển vông: con mèo lại trở về. Nó cứ gào lên không thôi, những âm thanh hãi hùng . Không có một chút nào van nài trong tiếng gào ấy, thay vào đó, nó chứa đầy ác ý . Thậm chí, tiếng gào đó nghe như lời đe doạ . Nó dùng vuốt và răng để cào, để gặm cánh cửa, khiến tôi run lên vì sợ khi thầm nghĩ: Nếu để nó vào, có thể nó sẽ bất thình lình vồ lấy mình và cắn mình cho đến chết thì thôi.

Tôi bắt gặp con mèo co ro trong rãnh nước bên cạnh cửa nhà tôi vào một ngày lạnh giá. Con mèo nhỏ xíu, lông vàng nâu, có điểm thêm hai chấm trắng, mắt ầng ậng nước, toàn thân run lẩy bẩy. Con mèo nhỏ quá, nó còn nhỏ đến nỗi có lẽ không hiểu được vì sao nó lại bị mẹ nó ruồng bỏ. Không hiểu được vì sao thế giới này lại không có một chỗ nào có thể dung chứa nó. Mà có lẽ đúng hơn, nó giả vờ khổ sở như thế để thuyết phục tôi cho nó ở lại. Lúc ấy, tôi như bị chi phối bởi một động lực khó lý giải được. Có thể vì tôi muốn làm một điều gì đó khác thường chăng? Mà cũng có thể là vì tôi muốn có một kẻ đối trọng nào đó trong cuộc sống hàng ngày của mình. Tôi đã giữ con mèo lại. Mang nó vào trong phòng và đặt nó bên cạnh lò sưởi. Cho nó uống sữa, ăn bánh quy và súp cá. Nó ăn rất nhanh. Nó tỏ ra là một con mèo ngang ngược, ngạo mạn. Sau khi ăn hết chỗ thức ăn, nó lấy chân đạp đổ cả bát lẫn đĩa. Nó đi quanh nhà một vòng rồi sau đó sán đến chộp lấy chân tôi. Nó muốn ăn thêm. Tôi cho nó một miếng thịt. Nó vẫn đòi thêm nữa. Hành động đó tái diễn bốn, năm lần. Đến khi no nê, thôi không làm trò đó nữa, bụng của nó đã căng như mặt trống. Tôi muốn chơi với nó, tôi vò mấy tờ giấy thành một quả bóng, rồi buộc một sợi dây vào đó. Tôi đung đưa quả bóng đó trước mặt nó, thử làm cho nó vui lên. Nhưng nó đáp lại tôi bằng một cái nhìn u ám rồi từ từ bỏ đi chỗ khác. Nó nhảy vào trong sọt đựng giấy thải và nằm yên ở đó, một lát sau thì ngủ.

Hết ngày này đến ngày khác, hết tháng này đến tháng khác trôi qua. Ngày nào cũng thế, tôi cố gắng không mệt mỏi để làm nó vui, tôi cho nó ăn những thức ăn ngon lành. Kết quả là nó béo lên từng ngày, bộ lông mỗi ngày một bóng mượt hơn; cũng thế, mỗi ngày nó lại càng đòi ăn nhiều hơn. Nhưng nó không hề biểu lộ, dù chỉ chút mảy may, ý hướng muốn gần gũi với tôi. Vẫn khăng khăng một thái độ như cũ : khi đói thì gào lên. Tôi mà chậm cho nó ăn một chút xíu, nó sẽ chộp lấy chân tôi mà gặm . May thay, những vết cắn chưa bao giờ trầm trọng lắm: chỉ hằn lại hai vết răng mà thôi. Phần lớn thời gian, nó chỉ ngủ trong sọt đựng giấy thải. Thỉnh thoảng, nó cũng lững thững đi ra ngoài, mắt cụp xuống như chán đời, thân thể thì phục phịch, mệt mỏi. Dường như, nó chẳng hề bận tâm đến những gì xung quanh mình – như thể nó đang sống trong một căn phòng mượn ở tạm vậy.

Rồi một ngày, không hiểu vì sao, tôi cảm thấy hình như đã đến lúc: một ý tưởng kỳ quái nảy sinh trong tôi – tôi để cho nó ngủ trên giường của mình. Tôi nghĩ như thế nó sẽ được vuốt ve và quan hệ của chúng tôi, như thế, cũng sẽ trở nên thân thiết hơn. Nhưng khi đặt nó lên giường, con mèo vẫn tuyệt nhiên không có chút gì tỏ vẻ hàm ơn. Vẫn thế, nó kháng cự mãnh liệt, liên tục cào tay tôi cho đến khi tay tôi rỏ máu. Ngay khi tôi vừa lỏng tay với nó, con mèo đã nhanh chóng lẩn đi như một tên trộm và trốn dưới gầm giường. Mắt nó lóe lên, miệng phát ra một tiếng gì đó tục tằn không rõ. Tôi hết sức khó chịu và với lấy cây phất trần bằng lông gà để đuổi nó đi chỗ khác. Nhưng đột nhiên, con mèo trở nên mạnh mẽ, linh hoạt. Trong nháy mắt, nó tót lên mặt tủ chè vốn rộng rãi rồi lẻn xuống dưới ghế đẩu. Nó cố thủ ở chỗ đó, không định rời. Tôi toát hết mồ hôi, thở dài, nghĩ thầm: con quái vật này thật ra vẫn còn một cảm xúc nào đó đối với căn phòng. Nghĩ vậy, cơn giận dữ của tôi cũng nguôi ngoai. Đâu ngờ ngay khi đó, con mèo nhảy phốc lên vai tôi, điên cuồng cào cấu mặt tôi, vạch trên đó hai vệt máu. Xong rồi, nó lại trốn dưới gầm giường. Tôi ngồi trên giường, kinh hoàng – thấy mình như một quả bóng xẹp hơi. Tôi nghĩ mãi về chuyện này một cách thận trọng. Dường như tôi hiểu ra một điều gì đó, mà cũng dường như tôi chẳng hiểu gì cả. Cuối cùng, tôi vứt cái phất trần xuống bên cạnh mình và giả như đã quên hẳn câu chuyện này.

Bề ngoài, tôi tỏ ra không thèm quan tâm thêm một chút nào đến con mèo nữa. Hằng ngày, tôi chỉ biết làm việc của mình. Tất nhiên, vẫn cho nó ăn và không can thiệp gì cả vào hành động của nó nhưng tôi không còn một ảo tưởng nào về con mèo nữa. Tôi tự nhủ nó chỉ là một con mèo hoang bình thường thế thôi. Mình đã quá đa cảm thế nên đã tự làm phức tạp tất cả. Tuy nhiên, điều này thật sự có phải là những gì đã xảy ra? Chẳng phải tôi đã nhận ra tất cả những đặc điểm lạ lùng của con mèo này rồi sao? Chẳng hạn, nó chả bao giờ đi ra ngoài và chơi bời với những con mèo hoang khác. Nó chỉ ngồi ở nhà, mặt lúc nào cũng lầm lì khó gần. Rồi nữa, cái thói thèm ăn đáng kinh ngạc của nó: nó còn ăn nhiều hơn cả tôi.

Ba ngày như thế trôi qua. Thế rồi con mèo bất ngờ bộc lộ phản ứng vì tôi tỏ ra thờ ơ, thậm chí phớt lờ nó. Biểu hiện của nó nói với tôi rằng: chắc chắn nó không thể dung thứ được cho việc bị xem thường như thế, nó sẽ đáp lại tất cả những sự khinh thường này. Khi tôi không có nhà, nó nhảy lên bàn làm việc của tôi, cào xé các giấy tờ và một số tài liệu của tôi rách bươm thành một đống bèo nhèo. Nó còn đái cả lên giường tôi.

Vừa về đến nhà, tôi đã ngửi thấy mùi nước đái. Tôi tức nghẹt thở đến nỗi ngồi phịch xuống ghế, không động đậy gì được. Tôi cũng thấy buồn nôn nữa. Nhưng tôi không định trừng phạt nó. Tôi biết, nếu làm việc ấy, tôi sẽ rơi vào thế yếu so với nó. Nghĩ mà xem, nếu tôi vụt nó, chắc chắn nó sẽ gào lên điên dại, thậm chí còn trả thù tôi một cách độc ác hơn, xảo quyệt hơn . Nên tôi quyết định kệ nó, muốn đái trên giường thì đái, muốn phá phách trên bàn của tôi thì cứ việc. Tôi cất những tài liệu quan trọng của mình đi. Rồi cả ngày dài, tôi sống chung với mùi nước đái và mang cả cái mùi ấy đến cơ quan. Thật may, không ai để ý. Tôi nghĩ: Thật ra, người ta có thể quen dần với bất cứ việc gì. Không có gì là không thể chấp nhận nếu như người ta đã quyết định phải quen với nó. Khi con mèo của tôi nhận ra những sự phá phách của nó đều chẳng đem lại kết quả nào, nó lại đành chui vào sọt đựng giấy thải, nằm im trong đó.

Ngay khi tôi vừa cảm thấy thỏa mãn với thành công của mình thì tai họa lại một lần nữa giáng xuống. Một đêm, khi vừa chợp mắt, một tiếng gào lạ lùng đánh thức tôi dậy. Chắc chắn đấy không phải là tiếng mèo. Đúng hơn, tiếng kêu có gì đó kỳ bí, siêu nhiên. Không nghi ngờ gì nữa, âm thanh đó phát ra ngay trong căn phòng này. Tôi bật đèn, đứng dậy, quan sát xung quanh. Khi nhìn thấy con mèo đang ngủ, tôi bắt đầu rùng mình. Tôi lấy đèn pin rọi xuống gầm giường một hồi lâu. Tôi rọi đèn pin lên trần nhà, rồi rọi vào bên trong tủ chè và cả chỗ để thức ăn nữa. Tôi kiểm tra khóa cửa và các chốt cửa sổ. Đến khi kiểm tra hết mọi ngóc ngách trong nhà, nơi con thú hoang kia có thể ẩn náu, tôi mới trở lại giường, tắt đèn đi mà thực tình vẫn chưa hết run sợ.

Tôi cứ tưởng tượng miên man, tôi thở dài tuyệt vọng, tôi trằn trọc mãi không thôi. Và cuối cùng, không hiểu bằng cách nào, tôi thiếp ngủ. Nhưng ngay lúc đó, tiếng gào lại cất lên. Chắc chắn nó ở một chỗ nào đó trong phòng này! Tôi nhỏm dậy lần nữa, bật đèn lên và đi thẳng đến chỗ để sọt đựng giấy thải, nơi con mèo của tôi đang ngủ. Tôi nhìn thấy nó đang nằm ngửa say ngủ, bốn cái vuốt giương lên. Nó giả vờ ư? Càng nghĩ lại những hành động trước đây của nó, tôi càng thấy giờ thì nó đã hoàn toàn lộ rõ bản chất. Người ta không thể nào giữ một con vật như thế được. Tôi túm lấy một chân của nó, định quẳng nó ra ngoài. Nhưng lập tức nó cắn tay tôi liên tục. Đến khi tôi phải thét lên và buông nó ra, nó liền chạy vụt vào gầm giường.

Đêm đó, vết thương mà con mèo gây ra làm tôi đau đớn. Trong đau đớn, tôi càng tin chắc hơn bao giờ hết: là nó, con mèo ấy! Chính nó là kẻ đã làm tôi kinh hãi với tiếng gào ma quái của nó. Con quái vật khốn kiếp! Nếu nó căm ghét tôi đến nỗi muốn làm cho tôi chết thì tại sao nó muốn ở lại đây? Để chiếm căn hộ này, hất cẳng tôi ra chăng? Không thể. Nó biết tôi quá rõ chăng? Nó quan tâm đến tôi? Cũng chẳng phải như thế. Tôi chỉ có thể nói rằng nó cứ ở lì chỗ này vì nó có thể tránh mưa tránh nắng được, vì nó có cái để mà ăn, vì nó cảm thấy quá thoải mái. Nhưng chẳng có điều nào nó cho là đủ: nó còn muốn tôi suốt ngày phải quan tâm đến nó. Phải xem nó là kẻ quan trọn. Hễ lúc nào nó hơi không hài lòng một chút, là nó lại tìm cách gây khó dễ cho tôi. Khi nghĩ lại tất cả chuyện này, tôi tự hỏi: nếu hôm ấy, mình không cho nó vào nhà, liệu có thể tránh được chuyện phiền nhiễu này không? Nhưng ai có thể bảo đảm rằng trong đời người lại chẳng có lúc thể hiện một chút nhân từ? Mà khi tỏ ra nhân từ như thế, ai đoán được những chuyện điên đầu do hành động đó gây ra? Hơn nữa, hôm ấy, khi cho nó vào nhà, động cơ của tôi phải chăng thuần túy xuất phát từ lòng trắc ẩn? Liệu có thể nào - trong tận đáy lòng - tôi đã ngấm ngầm tìm kiếm một nguồn an ủi tinh thần? Nhưng thôi, dù sao thì tôi cũng gặt những gì mình đã gieo.

Đêm đó, sau khi cắn tôi, con mèo không gào nữa. Thế nhưng vết thương của tôi trở nên sưng tấy và mưng mủ. Chẳng mấy chốc, tôi sốt cao. Tôi uống cả đống thuốc nhưng chẳng thấy có tác dụng mấy. Tất cả những gì tôi có thể làm là đi bệnh viện để tiêm tĩnh mạch. Vết thương gần như đã bị biến chứng thành viêm thận. Tại nó hết, con mèo trơ tráo ấy! Khi nằm trong viện, tôi nghĩ: Giờ thì không có ai ở nhà cả, cũng chẳng có quái gì để ăn. Nếu nó không có cái gì để ăn, nó không thể trách tôi được. Lỗi tại nó cả. Giờ thì tôi chẳng cần tống nó ra khỏi nhà nữa, nó phải tự tìm chỗ khác mà sống. Nếu không, nó sẽ chết đói. Có thể việc này đem lại điều gì đó tốt đẹp đây. Từ rày, tôi có thể được yên ổn chút ít. Nghĩ như thế, tôi bắt đầu phấn chấn hẳn lên. Tôi cảm thấy bớt căng thẳng khi nằm lại trong viện. Mỗi ngày ở đây, tôi có cảm giác như mình đã trả thù được những hành vi độc ác của con mèo. Nhưng cuối cùng, tôi cũng phải ra viện. Sau mười ngày ở đó, tôi về nhà.

Khi về đến nhà, bụi bặm đã phủ đầy hết mọi chỗ, tôi thấy nó, con mèo ấy. Nó đã gầy rộc người và trông yếu ớt quá đỗi. Nó hoàn toàn nín lặng khi loạng choạng bò ra từ gầm giường. Sau khi đi quanh tôi một vòng, nó lại chui vào gầm giường. Tôi đảo mắt nhìn khắp phòng: mọi thứ vẫn nguyên vẹn. Nhưng cửa tủ lạnh thì mở. Tôi không biết làm thế nào mà nó có thể mở được tủ lạnh. Một nửa gói xúc-xích để ở góc tủ đã biến mất. Có lẽ nó đã dựa vào số thức ăn rất ít ỏi này để cố cầm cự trong mấy ngày cuối. Nhớ lại trước kia nó ăn uống thừa mứa biết mấy, tôi trào nước mắt. Tôi dụ nó chui ra khỏi gầm giường và cho nó ăn mấy chiếc bánh bao mà tôi đã mua cho mình. Tôi vừa ve vuốt, vừa dỗ dành nó bằng một giọng dịu dàng nhất. Ăn xong, nó lại nhảy vào sọt đựng giấy thải và nằm ngủ.

Một nỗi ân hận sâu sắc dâng lên trong tôi. Tôi có ăn năn về những gì mình đã làm không? Tôi có dằn vặt vì những ý nghĩ tàn nhẫn của mình khi nằm trong bệnh viện không? Hay tôi có hối tiếc vì đã giữ nó lại trong nhà ngay từ đầu không? Tôi không rõ. Có lẽ tôi đã rơi vào cái bẫy chính tôi tạo nên rồi.

Tôi quyết định mình sẽ làm hòa với con mèo của mình. Tôi mua những thức ăn mà nó ưa thích, cho nó ăn uống cẩn thận. Chưa đầy mười ngày sau, nó lại trông đẫy đà, lông lại bóng mượt. Dáng điệu của nó lại trở nên bệ vệ, hợm hĩnh. Hãn hữu lắm nó mới đi ra ngoài. Phần lớn thời gian, nó chỉ nằm lì trong sọt đựng giấy thải, giữ một thái độ im lặng đầy kiêu hãnh.

Ngày nào tôi cũng đến bên cái sọt đựng giấy thải và cho nó xem vết thương trên tay tôi. Tôi cứ nói mãi về những đau đớn mà tôi phải chịu đựng vì lòng tốt của tôi đối với nó và về những sự đáp trả của nó đối với tôi. Thậm chí thỉnh thoảng, tôi còn nói cho nó về ý muốn trả thù từng nhen nhóm trong tôi, về tất cả những sự tử tế - và cả sự kỳ vọng nữa – của tôi đối với nó. Đã một thời gian dài, tôi không có một trải nghiệm nào như thế này đối với con người. Vì sao? Vì tôi đã mất đi hứng thú đối với con người. Tôi cần một bạn tri kỷ như con mèo này, một bạn tri kỷ không phải thuộc loài người như tôi. Chúng tôi sẽ nương tựa vào nhau. Tôi cần nó để có bạn đồng hành trong cái thế giới hoang phế này. Vì nó, tôi đã thay đổi cách sống của mình – điều mà tôi chưa từng làm vì bất cứ người nào, bởi tôi vốn là kẻ có khuynh hướng lập dị và tự kỷ. Còn ai có thể làm được như tôi – cả ngày làm việc trong mùi nước đái của mèo? Tôi nói ra tất cả những điều ấy với con mèo không phải để mong sự đền ơn từ nó, mà vì tôi muốn sống thân ái với nó. Tôi không muốn nó có thái độ thù địch. Tôi muốn nó động lòng vì tôi, cho dù chỉ một chút. Nếu không thì cũng nhịn nhau một chút; nếu như nó chưa quen với việc biểu lộ sự động lòng đối với tôi, thì chung sống thuận hoà với nhau cũng được chứ sao? Tôi không muốn nó hành hạ tôi như trước đây nó đã làm.

Tôi là kẻ cô độc trong thế giới này. Tôi không có họ hàng hay bè bạn, thế nên mối quan hệ mà tôi đã tình cờ thiết lập được với nó đã trở thành toàn bộ cuộc sống của tôi. Rõ ràng rằng nếu mối quan hệ này biến thành một mối thù địch vĩnh viễn, tôi sẽ thất vọng đau đớn! Hơn nữa, nơi chúng tôi sống nhỏ quá – chỉ có một căn phòng này. Nếu chúng tôi trở thành kẻ thù của nhau thì rốt cục chuyện gì sẽ xảy đến? Tôi tiếp tục nói lảm nhảm. Tôi nói với nó về cuộc sống mỏi mệt của tôi. Tôi nói về tất cả những cay đắng, khổ sở mà tôi phải chịu đựng trên thế gian này. Tôi chực bật khóc khi nói những điều đó. Tôi hy vọng có thể vớt vát được một chút cảm thông từ nó. Tôi cũng hy vọng quan hệ của chúng tôi ít nhất cũng có thể thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn. Rồi kết quả cuối cùng thế nào? Bạn có thể đoán được. Kết quả là chẳng có gì thay đổi hết. Dùng lời lẽ để lay động nó thật vô vọng giống như thể người ta mong tóc mọc trên một cái đầu ghẻ chốc. Ban đầu, khi tôi trút cả nỗi lòng ra với nó, nó chẳng buồn giấu cái vẻ khinh khỉnh: nó nghe một cách lơ đễnh. Chẳng mấy chốc, nó duỗi chân ra ngủ khì. Nó đáp lại tôi như thế đấy!

Sau khi tôi về nhà được một tuần, con mèo thật sự ở một trạng thái bứt rứt, không yên. Lúc đầu, nó chỉ nằm trong sọt đựng giấy thải rên gừ gừ như thể sắp sửa nổi xung lên. Sau đó, suốt cả đêm, nó lấy vuốt cào chân giường tôi nằm. Khỏi cần nói, bạn cũng hiểu âm thanh ấy khó chịu đến mức nào. Nó khiến tôi đêm nào cũng rơi vào ác mộng. Tôi ngờ nó đang lên cơn động tình, nó là con mèo đực mà. Nói chung, nó cần phải ra ngoài. Bên ngoài cũng có cả một lũ mèo hoang đang gào rú. Tôi ra khỏi giường, lấy một cái roi tre. Tôi muốn xua con mèo ra khỏi nhà để nó thỏa mãn cơn động tình của nó, cũng để khiến căn phòng bớt ngột ngạt. Tôi không ngờ nó cố thủ dưới gầm giường, không chịu rời. Nó không nhúc nhích bất chấp tôi vụt mạnh thế nào đi nữa. Cứ như thể nó không nghe thấy sự kích thích nào từ bên ngoài. Cứ như thể nó không phải thuộc về loài mèo. Tôi vừa trở lại giường nằm thì nó lại bắt đầu cào cào chân giường. Sau mấy ngày, cái chân giường trở nên thảm hại đến nỗi tôi không dám nhìn nữa. Nó đã tạo hai cái hõm khá sâu ở chân giường. Còn tôi thì vẫn tiếp tục chiêm bao thấy những cơn ác mộng giữa những tiếng cào loạt soạt ở chân giường. Ngày nào đến chỗ làm, mặt mày tôi cũng xám nhợt.

Có lẽ con mèo thấy cào chân giường thôi là chưa đủ. Một đêm, giữa lúc đang gặp ác mộng, chân tôi bất ngờ có cảm giác như bị cứa bởi một dụng cụ nào đó rất sắc. Giật nảy mình, tôi bật dậy, nhìn thấy con mèo nhảy từ giường xuống. Nó đã làm rách một mảng da ở gan bàn chân tôi.

Tôi đã chạm đến giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng hay chưa? Tôi có phải tiếp tục chịu đựng điều này nữa hay không? Tôi đang tự hỏi mình những điều đó. Câu trả lời ư? Tôi nên tiếp tục chịu đựng. Chứ tôi có thể làm gì khác? Bây giờ con mèo đã chiếm ngự cả tâm hồn tôi rồi. Nếu tôi giết nó, khoảng trống rỗng mênh mông trong lòng tôi giống như một chiếc xe lu sẽ cán phẳng đời tôi mất. Bây giờ, nếu thân xác tôi chịu đựng vài vết thương, nếu tinh thần của tôi chịu đựng vài phiền nhiễu, thì đã sao? Mà, thêm nữa, luôn có những điều mà tôi có thể làm: đi giày lúc đi ngủ, quấn chăn quanh mình cho thật chặt. Nếu nó có bất ngờ tấn công vào đầu tôi, tôi sẽ đội mũ bảo hiểm. Bao giờ mà chả có những giải pháp.

Và thật thế, tôi mặc quần áo, đi tất, đi giày, đội mũ bảo hiểm lúc lên giường ngủ. Tôi không dám tắt đèn vào ban đêm, tôi chỉ lấy một tờ báo để che ánh đèn. Con mèo không cào tôi nữa nhưng nó cũng chẳng ưa gì ánh sáng trong đêm. Có lẽ ánh đèn khiến thần kinh nó bị kích thích. Nếu tôi không tắt đèn đi, nó sẽ lục tung các hộp giấy, thùng hòm trong nhà – làm rơi, làm vỡ những vật dụng như bình trà hay những tấm gương. Sau hai đêm phá phách lồng lộn, nó lại nhảy lên giường tôi, rít gào. Nó cào cào chiếc mũ bảo hiểm của tôi. Nó định cắn tôi nữa. Tôi sợ hết hồn. Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là tắt đèn đi.

Đêm đầu tiên tắt điện, không có chuyện gì xảy ra. Đêm hôm sau, nó chạy ra ngoài rồi trở về cùng với hai con mèo hoang. Hai con mèo này rượt nhau quanh phòng rồi quần lẫn nhau. Chúng nó giằng co nhau rất dữ dội, làm mọi thứ trong phòng đảo lộn hết. Chúng gào lên không thôi những âm thanh khiếp đảm. Đến lúc rạng đông, hai con mèo này mới bỏ đi. Đêm thứ ba, chúng lại tái diễn hành động của mình.

Tôi nghĩ: hơn một năm qua, con mèo của tôi thường chỉ sống khép kín. Nó không thích giao du tình ái: nó không ra ngoài. Như thể nó là một kẻ khổ tu vậy. Bây giờ, nó đã lôi cuốn được những con mèo hoang khác vào nhà và làm loạn, thế nhưng nó vẫn đứng ngoài những trò phá phách của lũ mèo đó. Nó cũng không bỏ đi cùng bọn chúng. Hình như nó có những động cơ sâu kín hơn và mục đích của nó đơn giản chỉ là làm rối loạn cuộc đời tôi – gây khổ sở cho tôi. Nó muốn biến nhà tôi thành sân chơi cho lũ mèo hoang mặc dù nó chả buồn gia nhập vào cái đám đó. Nó chỉ đứng bên lề quan sát với một vẻ khoái trá ác ý .

Sau một vài ngày, số mèo hoang vào nhà tôi từ hai đã tăng lên đến năm. Tôi vừa tắt đèn đi đã nhận thấy trong phòng mình lúc nhúc những bóng đen không ngớt lục xục xung quanh. Cảnh tượng thật khiếp đảm. Bây giờ, con mèo của tôi không còn đứng trên bàn hay trên giường nữa mà trở lại sọt đựng giấy thải, nằm ngủ trong đó như thể không có chuyện gì xảy ra cả. Tuy nhiên, tôi không biết làm sao để nghỉ ngơi được vì khi lũ mèo hoang nhận thấy tôi không đuổi bọn chúng đi, bọn chúng càng phá phách hơn. Cuối cùng, chúng vọt lên giường tôi vật nhau, con nọ cắn xé con kia, rít lên tru tréo buốt hết óc: đúng là kinh hoàng. Khi sức chịu đựng của tôi đã đên mức tột cùng, tôi đứng dậy, bật đèn lên, lấy một cái búa và nhắm vào đầu một con mèo đen. Với tất cả sức lực của mình, tôi giáng cây búa xuống đầu nó. Con mèo ngã lăn, co giật vài cái rồi chết. Những con mèo khác sợ đến nỗi cuốn xéo hết. Run rẩy sợ hãi, tôi túm xác con mèo chết lên và đem vứt nó ra bãi rác cách nhà khoảng trăm mét. Khi trở về nhà, đầu tôi nặng trịch như quả bí ngô. Tôi muốn đập đầu vào tường. Từ sọt đựng giấy thải, con mèo của tôi lạnh lùng quan sát tôi. Nó đã nhìn thấy hết. Mọi chuyện. Nó đang tự cười mỉa.

Sáng hôm sau, dĩ nhiên, tôi lại đi làm với khuôn mặt xám xịt. Những ngày này, ai ở cơ quan cũng nói về tôi. Họ bảo sao tôi gầy khủng khiếp như thế. Những người khác đùa cợt thẳng thừng vào mặt tôi, bảo rằng chắc là tôi vừa có chuyện tình ái gì với một ả hồ ly tinh. Làm sao tôi có thể kể cho họ những chuyện này? Nếu kể, chắc gì họ không nghĩ tôi đến từ hành tinh nào khác hay có vấn đề về tâm thần? Nhưng một người ở cơ quan đã bám lấy tôi, và nài nỉ tôi kể chuyện hồ ly tinh. Gã nói ai cũng thèm được nghe chuyện ấy, vì thế tôi không thể để cho họ thất vọng. Tôi thây kệ gã. Gã ngồi phịch xuống bàn làm việc của tôi, nép sát vào tôi, làm tôi bối rối quá đỗi. Lúc ấy, mặt tôi chắc đã tối sầm lại. Nghĩ đến nguồn cơn của sự xúc phạm này, tôi càng căm con mèo của tôi hơn. Tôi sẽ dứt khoát rũ bỏ nó. Làm thế nào để nó không trở về được, vĩnh viễn. Tôi không còn chút băn khoăn nào về tình trạng tâm lý của mình nữa. Nếu rơi vào trạng thái trống rỗng ư? Thì cũng mặc kệ. Suy cho cùng, điều đó còn tốt hơn nỗi nhục nhã như thế này.

Tôi bình tĩnh lập nên một kế hoạch trong đầu. Nhìn bề ngoài, cảm xúc của tôi không biểu lộ gì. Trên đường về nhà, tôi mua loại cá rán nhiều mỡ mà con mèo của tôi vẫn thích ăn. Trong lúc nó đang vui vẻ xơi con cá, tôi lấy một cái túi vải bố chụp lấy nó rồi buộc chặt túi lại. Tôi bắt xe bus đi ra ngoại ô. Có lẽ nó biết chính xác tôi đang nghĩ gì trong đầu. Suốt cả quãng đường, nó không kêu một tiếng nào. Tôi bắt đầu dao động. Nhưng ngay khi vừa nhớ lại những sự nhục nhã mà tôi phải chịu đựng vì nó, tôi lại lấy được sự mạnh mẽ trong quyết định của mình. Giống như một nhân vật phản diện trong truyện cổ tích, tôi treo nó lên một cái cây bên đường. Rồi tôi vội vã bỏ chạy như một tên đào tẩu, thầm nghĩ: Sẽ có ai đó nhìn thấy cái túi này và thả nó ra.

Và như thế, màn kịch trước đây đã kết thúc. Mọi việc bình lặng trong hai ngày và rồi con mèo lại quay về. Như các bạn đều biết, tôi không cho nó vào nhà. Chuyện gì sẽ xảy đến trong tương lai? Liệu có ai có thể cho tôi biết chuyện gì sẽ xảy đến sau đó? Còn tôi, tôi chỉ biết một điều, rằng ngay cả việc phải tưởng tượng ra những gì mà tương lai sẽ đem đến, tôi cũng không thể chịu đựng nổi nữa. Không thể.

 

 

--------------
Nguồn: Can Xue, “The Bane of My Existence”, bản dịch từ tiếng Trung của Karen Gernant và Zeping Chen, tạp chí Words Without Borders, 3-2007.

 

 

Tác phẩm của Tàn Tuyết đã đăng trên Tiền Vệ:

Chôn giấu  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi nghe thím nói, mấy năm gần đây, ông bỗng sinh ra một cái thú kì lạ, là đem những thứ nho nhỏ trong nhà mang đi cho người ta. Nhưng cho ai? Không ai biết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đảo Rắn  (truyện / tuỳ bút) 
Có thể nói, chú Ba là người thân duy nhất của tôi trên thế giới này. Mỗi khi nhớ đến cái xóm nhỏ ở nơi làng xưa quê cũ âm ám xa xôi ấy thì tôi không khỏi ớn lạnh xương sống. Cái làng nhỏ được gọi là “Đảo Rắn” ấy nằm trên một dải gò đồi... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”  (tiểu luận / nhận định) 
... Có lẽ, cái loại “thuần văn học” mà tôi theo đuổi chính là thứ làm cho con người không ngừng đổi thay, không ngừng phủ định những quy định của bản thân. Ví dụ, ngay cả trong nhận thức của bản thân tôi, dù đọc hay viết, đều là sự sáng tạo, loại văn học này không tuân theo những qui luật đã có, bạn chỉ có thể huy động năng lượng bên trong của bạn và quy luật được hình thành hoặc “phát hiện” từ trong quá trình ra sức “làm việc” thuộc về bạn... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Sương mù  (truyện / tuỳ bút) 
Từ khi sương mù rơi đến bây giờ, mọi thứ chung quanh đều mọc ra bao nhiêu là lông lá lượt thượt và chúng không ngừng nhảy múa. Muốn nhìn một cái gì đó cho rõ, tôi phải căng mắt cả ngày... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện / tuỳ bút) 
Câu chuyện Đào nguyên trong truyền thuyết xa xưa lưu truyền khắp làng. Nhưng trong làng, ai cũng mù mờ, thậm chí là mù tịt về nó. Trong chuyện này, chỉ có ông Tư Tề là người có uy tín nhất. Ông Tư Tề giờ đã hơn 90 tuổi, thân thể già nua co rút lại chỉ còn chừng hơn mét, nhưng ông lại để bộ râu dài cả thước và trắng như tuyết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021