thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kẻ mộng du

 

Nếu ai có hạnh phúc khám phá được điều hệ trọng, cuộc đời người ấy không trở lại như trước nữa.
(Albert Einstein)

 

Anh ta nhớ lại anh ta thuở trung niên, thật ngao ngán, vẫn là anh ta của thuở thanh niên mơ mộng, lưỡng lự, mơ hồ. Suốt tuổi trẻ ấy, trong căn phòng ảm đạm, anh ta muốn gì?

Một sợi dây thòng lọng treo từ trên thả xuống, lơ lửng, đôi lúc đong đưa trước mắt. Nghĩa là anh ta nằm ngửa mặt trông lên. Và nghĩa là, anh ta tưởng tượng sợi dây thòng lọng treo từ trên thả xuống, lơ lửng đong đưa trong căn phòng một cuốn phim ám ảnh. Phòng x, tầng một, khách sạn..., hành lang dài và ẩm ướt, bẩn thỉu, những gã đàn ông và bọn đàn bà mệt mỏi, tụ tập hoặc không tụ tập cũng rã rượi, bất cần, và những câu chuyện trần trụi, cynique... Anh ta tới đó, bốn hay năm lần gì đó, trong một mùa hè nóng bức của Sài Gòn, lần thứ sáu, có lẽ vậy, thăm người thầy dạy Pháp ngữ, nhiều hơn anh ta năm tuổi, nghĩa là cùng một thuở thanh niên. Những cuốn sách ngổn ngang trong căn phòng có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, một cái phin cà phê mốc meo và một cái ly cáu bẩn, và những vỏ bao thuốc lá nhăn nhúm. Lần thứ sáu đó, có lẽ vậy, anh ta bỏ đi mau chóng, không chịu được cái mùi xông lên từ cái xác chết. Cuốn sách nằm nghiêng xéo bên cạnh, La philosophie tragique, gửi từ Pháp, có lẽ người thầy mới nhận được, đọc tới trang nào để gặp cái chết thì anh ta không thể biết được.

Bây giờ anh ta dứt tuyệt với sợi dây thòng lọng của tuổi trẻ mơ mộng lưỡng lự mơ hồ, anh ta chớm tuổi cuối cùng của thời trung niên, một thời trung niên không khác gì thuở thanh niên. Bây giờ anh ta sẵn sàng chết bất cứ lúc nào anh ta muốn chấm dứt sống, nghĩa là tự tử. Một cái chết nhẹ nhàng, và ngọt ngào nữa: ngậm một viên kẹo có tẩm chất độc chẳng hạn, trong lúc đang xem một cuốn phim ưa thích, một cuốn phim đặc biệt, của Fellini chẳng hạn. Hoá ra cũng chỉ vì anh ta bị ám bởi ý nghĩ của một nhà văn nữ, Linda Lê. Anh ta được gợi ý từ Linda Lê về một cái chết như vậy, ấy tuy nhiên, anh ta nghĩ ra cách tự tử bằng ngậm viên kẹo tẩm chất độc. Anh ta học cách chế viên kẹo như vậy lúc còn ở tuổi thiếu niên, nhưng tới bây giờ anh ta chưa chế một viên kẹo nào như vậy để dùng ngay lúc cần thiết.

Bây giờ anh ta sáu mươi tuổi, xét theo lý lịch, khai sinh. Ở tuổi thiếu niên, anh ta sống tại Đà Lạt. Linda Lê rời thành phố cao nguyên ấy, sang Pháp, ở Paris gì đó, từ năm lên năm tuổi, ý thức mình mang lý lịch Việt Nam, cưu mang nó như cưu mang cái bào thai chết trong bụng. Anh ta hiển nhiên có cái lý lịch Việt Nam, dù lý lịch trích ngang hay trích dọc, vẫn là cái lý lịch Việt Nam, cái lý lịch từ lúc khai sinh và chắc chắn tới lúc chết. Anh ta cưu mang giấc mơ thay đổi cuộc đời, hoá giải cái bóng tối đè nặng lý lịch, nhưng bằng cách nào thì anh ta không biết.

Một chuyến đi Trung Quốc, tưởng thuởng của cơ quan cho những nhân viên làm việc tốt. Hoá ra từ nhiều năm nay, anh ta được ghi nhận làm việc tốt, cái công việc anh ta làm vì ai cũng phải có một công việc để làm. Cơ quan giao anh ta công việc phiên dịch những văn bản chủ yếu về chính trị, kinh tế. Anh ta làm việc miễn cưỡng, nhưng bản dịch được ghi nhận là xuất sắc ấy, nội dung chủ yếu góp phần củng cố thể chế của nhà cầm quyền độc tài đương thời. Ấy tuy nhiên, dù miễn cưỡng, vạch trong ý thức như vậy, anh ta mơ hồ cảm nhận niềm vui của sự tưởng thuởng, một cảm nhận mơ hồ đến nỗi anh ta không biết là mình đã có niềm vui.

Ghé Hương Cảng, anh ta mua cuốn sách để đọc trên xe lửa đi Bắc Kinh. Cuốn sách kể lại thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Trung Quốc, cuộc đại cách mạng văn hoá kéo dài mười năm. Anh ta đọc cuốn sách, nỗi kinh sợ làm nổi gai ốc, anh ta luôn tự trấn an, dù sao cuộc tàn sát lịch sử cực kỳ hung bạo ấy qua rồi, đã chấm dứt từ trên ba mươi năm.

Khuya, phòng ngủ khách sạn ở Bắc Kinh, giấc ngủ mệt, anh ta mơ gặp người phụ nữ, một trong vô số nạn nhân của cuộc đại cách mạng văn hoá. Chị bị kết án tử hình, vì đã có mặt trong nhiều cuộc vận động dân chúng đấu tranh chống lại những kẻ lợi dụng chức quyền, núp bóng sau Người Số Một, đàn áp, bức tử tất cả những ai không tuân phục, với tội danh phản cách mạng. Chị bị đẩy lên xe bít bùng. Họ đưa hai đứa con thơ dại của chị ra gặp mẹ, trước khi chiếc xe chuyển bánh đi tới nơi hành hình. Hai đứa bé khóc tức tưởi, tiếng kêu tắc nghẹn: “Mẹ! Mẹ!” Họ nói: “Hãy nhận tội trước nhân dân! Hãy suy nghĩ, trở về với các con hay ra nơi chịu tội!” Họ nói: “Chị phải nghĩ đến con, nghĩ đến tiền đồ của mình!” Họ nói: “Hãy mau giác ngộ...!” Chị quay mặt vào trong giấu dòng nước mắt sau tiếng nói cuối cùng: “Việc làm của tôi đúng, tại sao tôi phải nhận tội lỗi gì?”

Chiếc xe biến mất, bức ảnh chân dung Người Số Một, thủ phạm đích thực của tai họa mang tên đại cách mạng văn hoá hiện ra. Anh ta hốt hoảng, choàng tỉnh giấc. Đấy là chuyện của quá khứ, quá khứ, quá khứ... cơn ác mộng trong đêm đen đã dứt rồi..., anh ta cố dỗ giấc ngủ trở lại, sáng sớm mai còn theo đoàn du lịch tham quan thủ đô Bắc Kinh của thời hôm nay, của bình minh mới.

Tới quảng trường Thiên An Môn, bất chợt anh ta rơi vào trạng thái ngây dại. Anh ta xây xẩm mặt mày. Người bạn cùng cơ quan ngỡ anh ta trúng gió, lục túi định tìm chai dầu. Anh ta gắng gượng xua tay, bảo không sao không sao... Anh ta còn đủ tỉnh để tự hỏi: không biết các bạn anh ta có nhìn thấy bức ảnh chân dung Người Số Một của Trung Quốc một thời. Bức ảnh chân dung đang thu nhỏ dần khi chiếc xe chở đoàn khách tham quan rời xa quảng trường, bức ảnh kết tinh trong không gian bát ngát của toàn cảnh Bắc Kinh buổi sáng này.

Trở về sau chuyến du lịch tham quan Trung Quốc, nghỉ thêm được một ngày, anh ta sẽ tiếp tục công việc, tiếp tục miễn cưỡng, khổ sở... Anh ta không nguôi nhớ lại cuốn sách anh ta đã đọc trên xe lửa, hình ảnh người phụ nữ giấu dòng nước mắt, tiếng khóc, tiếng kêu mẹ của trẻ thơ, bức ảnh chân dung Người Số Một kết tinh trong bát ngát không gian quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc.

Trắng đêm anh ta không ngủ. Thức giấc sau cơn mê thiếp lúc gần sáng, anh ta mệt mỏi rã rời. Anh ta ngồi sững trước bình minh, rồi anh ta vụt đứng dậy. Anh ta quyết định, đã tới lúc không thể lưỡng lự, mơ hồ gì nữa. Anh ta không thể tiếp tục ngồi vào cái ghế láng mòn, tiếp tục phiên dịch những tài liệu củng cố thể chế của nhà cầm quyền, những thứ càng độc hại cho thế hệ con cháu anh ta.

Anh ta bỏ ngả đường dẫn tới cơ quan, xăm xăm đi tới phía trước. Bước chân anh ta chậm dần, chậm dần, rồi anh ta thấy mình đi trở lại, vào ngả đường dẫn tới cơ quan. Người đồng sự nhìn anh, hỏi khoẻ rồi chứ. Anh gật đầu, ngồi xuống cái ghế mặt gỗ mòn nhẵn.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021