thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mưa

 

1.

 

Bữa tiệc rồi cũng tan.

Tôi không gọi Taxi, cứ ngà ngà say mà tản bộ dưới mưa. Không gian rũ rượi ẩm ướt

                      

                       lất

                       phất

                       những

                       sợi

                       mưa

                       mỏng

                      ...

Tôi đi ngang công viên. Đó là công viên lớn của thành phố, nhưng không hiểu sao tôi chẳng nhớ nổi tên. Thiên Đàng? Duy Nhất? Hạnh Ngộ? Bốn mùa? Đại Quan? Vườn Thúy?... Hình như không có tên nào như thế, nó phải hiện đại hơn, như là công viên X, công viên số 3. Gọi gì cũng được, nó là một khu vườn.

Vườn. Mỗi đêm, nó là nơi hò hẹn của bóng cây, bóng trăng, bóng tối, bóng ma... trò chơi của những cái bóng.

Trên các băng đá ở những góc tối vẫn có các tình nhân quấn lấy nhau, làm những con trăn người. Cả trên thảm cỏ quanh những góc cây họ cũng trải áo mưa mà ngồi hay nằm. Cũng có cặp quấn áo mưa thành cái kén quanh mình, làm những con sâu người. Dưới mưa, những con thú yêu đương tạo hơi ấm, quên mưa, quên thời gian. Trong tranh tối tranh sáng, trông họ giống như con thú hai lưng, nói theo Shakespeare.

Trong mưa và bóng tối, tôi không nhìn thấy rõ điều gì nhưng dường như lại tiếp nhận mùi vị và âm thanh bén nhạy hơn. Những mùi vị của nhục cảm và âm thanh của đói khát. Dường như không gian dậy lên

mùi mưa, mùi cỏ, mùi đêm, mùi người...

tiếng gió, tiếng lá, tiếng phố, tiếng thở...

Tôi ngửi thấy cả tiếng và mùi của hồ nước lớn gần đây, một hồ nước của những con rùa bí ẩn.

Nhưng không nghe côn trùng kêu. Không có côn trùng. Có lẽ chỉ còn lại những bóng ma côn trùng, nhưng không ai nhìn thấy chúng.

Dù vậy, có thể là tôi lầm. Có một tiếng kêu rất lạ, không biết của loài nào. Tiếng kêu yếu ớt, tức tưởi, bơ vơ, nấc nghẹn, lờ mờ...

Đó

bóng ma

tiếng khóc

một bé thơ nào đó

Quả thật, đó không phải là âm thanh mà chỉ là bóng ma của âm thanh. Ban đầu tôi tưởng tiếng rên thê thiết đó là của một cô gái, ngay cái lúc mà đau khổ và hoan lạc có âm thanh trùng hợp.

Nhưng không. Tôi đã nhìn thấy hình hài của tiếng rền rĩ rũ liệt đó. Dưới một gốc cây mà tôi không trông rõ là cây gì, có một bé sơ sinh thoi thóp khóc

                       oe...e...e...e...e...e...e...

Quấn mình trong mấy lớp vải bùng nhùng, đôi mắt bé nhắm nghiền, trông giống một con sâu hơn một con người, và là một con sâu tuyệt vọng.

Bé nằm đó

dưới những giọt nước

từ tán lá cây thâm u

lững thững rơi và lững thững rơi

 

Tôi đứng nhìn đứa bé một chốc. Bất động. Hiển nhiên đứa bé đang cần sữa.

Các cặp tình nhân đang bận mà.

Cả vầng trăng cũng đang bận với trò chơi thoắt ẩn thoắt hiện trong mây.

Dòng xe cộ ngoài phố hẳn nhiên là đang bận rồi.

Và cả tiếng chuông chùa vừa ngân cũng đang bận đó thôi.

Tôi cũng bận. Vừa rồi bận dự tiệc. Và bây giờ bận về nhà. BẬN.

Tôi quay đi. Sao cơ? Vẫn còn tiếng khóc. À không, hình như là tiếng hát. Một tiếng hát lạc nhịp nhưng vẫn là hát:

Ta là cơn mưa

đi đón con cò

Hay là con cò

đi đón cơn mưa

Ta là người đón

không có người đưa

Mưa, mưa, mưa, mưa

ta là cơn mưa...

 

Tôi quay lại. Dưới gốc cây gần đấy, trong ánh đèn pha nào đó tình cờ hắt qua, một cô gái hiện lên. Và một giọng điệu yêu nữ:

                       Con cò của em, đi chơi với em nhé?

Có lẽ cô gái còn non trẻ, vị thành niên. Nhưng bự son phấn. Có lẽ đẹp.

Tôi bước ra ngoài cái bóng của cô gái, dù không có cái bóng nào. Bây giờ mà cô có bóng, thì nó cũng đang quyến rũ cái bóng của tôi.

Tôi không phải là con cò, tôi nói. Con gì cũng được, cô nói... Và cứ thế, tôi không biết tại sao mình cứ mất thì giờ lảm nhảm, dù không thấy ham muốn gì.

Khi tôi bỏ đi, cô lẽo đẽo theo.

Em nên tìm người khác, tôi nói. Trời mưa anh ơi, cô nói. Không phải lỗi tôi, tôi nói. Anh không cho tiền cũng được, em chỉ cần chỗ ngủ đêm nay, cô nói. Tôi không thể, tôi nói. Không thể cái gì, cô nói. Không thể là không thể, cái cô này, tôi nói. Anh đừng mắng em, cô nói. Chịu hết nổi, tôi nói à này bài hát cô vừa hát của ai đấy? Em không biết...

Cuối cùng, để đuổi cô ta đi, tôi cho cô một tờ giấy bạc.

Cô hôn lên cổ tôi một cái rồi rút lui, ném lại một câu tử tế: cám ơn anh!

Bỗng dưng sấm nổ rền.

Và tôi THỨC GIẤC.

 

2.

 

Tôi chưa hoàn hồn vì tiếng sấm trong mơ thì có tiếng đập cửa và xô cửa ầm ầm.

Theo ánh nắng mai ùa vào phòng là hai người lạ. Một gã đàn ông to lớn dềnh dàng và một cô gái non trẻ. À, chỉ có gã đàn ông là LẠ, còn cô gái thì rất QUEN, chính là cô gái điếm công viên mà tôi vừa gặp trong chiêm bao.

Mới ban mai mà gã đàn ông đã đội mũ dạ, đeo kính râm và mặc áo bành tô. Chứng tỏ là quan chức, là quan trọng. Dẫu sao, trời vẫn còn mưa.

Tôi dụi mắt, hết sức ngạc nhiên. Và tôi nghe tôi lên tiếng:

— Các người là ai? Vào đây làm gì? Tại sao cửa khóa mà các người lại vào?

Gã đàn ông chưa thèm đáp, tiến thẳng lại bàn viết của tôi bên cửa sổ và lục tung sách vở. Lưng gã quay về phía tôi, một cái lưng to tướng khoác áo bành tô xám mặc dù trời đang rất bức và mưa.

Và gã nói mà không quay lại, nói tiếng đầy gang thép như phát ra từ tấm lưng phẳng lì đó.

— Mi tưởng cứ khóa là ta không vào được à? Ta có mặt mọi nơi, cả chốn riêng tư nhất, biết chưa?

Tôi bỏ chăn ra và ngồi lên giữa chiếc gường hẹp của mình.

— Nhưng ông là ai?

— Thanh tra.

— Thanh tra?

— Bọn trí thức như mi là chúa rắc rối. Mi hỏi như chưa từng biết thanh tra là gì. Mi hỏi như chưa từng tin có thanh tra trên đời. Vậy mà có đấy. Và tất yếu nữa. Mi tư duy, vậy thanh tra hiện hữu.

Vẫn cái lưng đang nói. Tôi nhỏ nhẹ:

— Thưa ngài thanh tra, ngài đến nhà tôi hẳn có việc...

Bây giờ gã mới quay lại. Và cặp kính râm nhìn vào tôi.

— Phải! Ra lệnh bắt giữ mi.

Tôi nhỏ nhẹ hơn nữa:

— Hẳn có lý do... Tại sao tôi?

— Tại sao mi? Đứng trước thanh tra, mi có dám vô tội không? Tội có sẵn, bao giờ cũng có sẵn!

— Nhưng tôi thực tình không biết...

— Mi có tội, và không phải là một. Nghe đây!

— Xin nghe.

— TỘI CỦA MI:

                       1. Bỏ mặc một đứa bé sơ sinh chết trong mưa

                       2. Ép buộc cô gái vị thành niên này bán dâm.

Màng tang tôi nóng rực khi tôi kêu lên:

— Cái gì? Đó là giấc mơ mà?

— Giấc mơ nào, gã thanh tra gằn giọng, người ta vừa chôn đứa bé sơ sinh mà mi bỏ mặc không cứu, mặc tình cho ruồi kiến hành hạ nó, ông trí thức ạ. Mi không thèm kiếm cho nó một ít sữa. Dã man thật!

Tôi rất ân hận nghe đứa bé chết. Nhưng đâu phải mình tôi có mặt trong công viên đó. Bao nhiêu là trai gái cơ mà. Có cả cô này nữa.

Tôi đưa tay chỉ vào cô gái đang đứng chải đầu trước gương treo tường, tự tiện dùng lược của tôi. Đang giận dữ mà tôi vẫn thấy cô ta xinh đẹp. Đẹp hơn trong chiêm bao và ra dáng một nữ sinh, ướt mưa.

— Vả lại, tôi nói tiếp, có phải mình tôi thấy em bé khát sữa bị ném vứt lăn lóc mà không cứu đâu? Khối người trên thế gian này, xưa cũng như nay, đã từng dửng dưng như thế. Tôi có tội thì họ cũng có tội.

Bây giờ thì tôi mới để ý khuôn mặt của gã thanh tra, một khuôn mặt gợi cảm giác là nó cũng phẳng lì như cái lưng, trừ cặp kính râm. Vậy mà tiếng nói rờn rợn cứ từ mặt phẳng đó vang lên liên tục.

— Ta là thanh tra. Không triết lý. Chỉ để tâm đến những trường hợp cụ thể. Cụ thể là mi đã bỏ mặc một đứa bé sơ sinh chết đói chết lạnh. Nếu mi đòi nhân chứng thì có cô gái này. Đã thế, mi còn mua chuộc cô ta bán trinh.

Tôi quay sang cô gái, cố nén cười:

— Vậy ra cô ta là gái trinh?

Thản nhiên, cô gật đầu. Tôi hỏi tiếp, bằng giọng thật chậm rãi:

— Và... Cô... Đi... Vào... Trong... Giấc... Mơ... Của... Tôi?

Chẳng quan tâm giọng điệu châm biếm mỉa mai của tôi, cô gái đáp:

— Em ra công viên chờ bạn trai. Công viên Giấc Mơ.

Tôi sửng sốt:

— Sao? Công viên giữa thành phố tên là Giấc Mơ à?

Nhưng dù thế, đêm qua tôi không ra đấy. Tôi muốn nói là tôi chỉ ra công viên Giấc Mơ trong giấc mơ mà thôi.

Gã thanh tra gay gắt:

— Mi có bằng chứng ngoại phạm chứ? Trong khi cô gái này đã tận mặt gặp mi nơi công viên ấy.

— Tối qua, tôi ngủ sớm trong phòng này, trên giường này vì say và mệt.

Gã thanh tra đắc chí phán ngay:

— Vậy là rõ rồi! Mi đã ở công viên Giấc Mơ vào chín giờ tối. Mi say nên không nhớ gì.

Trời, tại sao tôi lại nói với gã chết tiệt này mình say! Mà tôi có bao giờ say đâu? Tôi chỉ thấy mình ngà ngà say trong mơ.

                       Tôi

                      

                       hay

                       họ

                       mơ?

Gã thanh tra đưa tay vào túi áo bành tô lấy ra một bọc nhựa trong suốt giơ lên:

— Mi thấy tờ giấy bạc nhàu nhĩ trong bọc này chứ? Mi đã đưa nó cho cô gái. Ta đã lấy dấu tay của mi trên đó.

Bỗng dưng tôi nghe cô gái cất tiếng hát, với giọng lạc nhịp nho nhỏ:

Ta là cơn MƠ

Đi đón con cò...

Lời hát đổi từ cơn mưa sang cơn mơ. Không chắc. Nhưng đúng là tiếng hát tôi đã nghe trong giấc mơ. Tôi nói với gã thanh tra:

— Ông nghe cô hát đi! Hay đấy, bài hát điếm đàng hay là trinh nữ vậy?

— Có gì phân biệt một bài hát điếm đàng và trinh nữ chứ? Trong khi mi còn không thể phân biệt chiêm bao và thực tại! Này, ta nói cho mi biết, người bạn trai mà cô gái này chờ nơi công viên đêm qua là ai, mi biết không? CHÍNH LÀ TA!

Gã thanh tra vừa nói xong, cô gái chạy lại ngay bên gã, và âu yếm vòng tay ôm lấy gã. Gã phải nhấc bổng cô lên để cô hôn vào cổ mình.

Cả hai hôn nhau và vuốt ve nhau trước mặt tôi. Tôi nói:

— Các người đẩy tôi vào một vụ án giống hệt Kafka.

Gã thanh tra nói:

Kép ca kép hát gì! Mi đã bị bắt giữ, Nhật Chiêu!

Bên ngoài, vẫn còn mưa. Mưa...

 

GHI CHÚ CỦA MỘT NGƯỜI BẠN:

Đúng là Nhật Chiêu đã sa lưới vào thời điểm đó. Nhưng anh vẫn đi lại và viết lách. Chính vì thế mà ta có đoản thiên trên. Thanh tra và cô gái biến mất. Có thể họ cũng là giấc mơ.

Tôi có hỏi Nhật Chiêu tại sao mưa. Anh quên trả lời. Nhưng tôi nhận thấy vần mưa gần với vần mơ. Nếu thế thì có gì lạ đâu!

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021