thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sự sáng tạo (tự truyện)

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
(riêng cho nguồn cảm hứng của tôi).

 

SILVINA OCAMPO

(1903-1994)

 

Silvina Ocampo là một nhà văn, nhà thơ, và hoạ sĩ, sinh tại thủ đô Buenos Aires, trong một gia đình có sáu người con gái. Bà cùng năm người chị đều được giáo dục tại gia, dưới sự hướng dẫn của những gia sư. Victoria Ocampo (1890-1979), chị ruột của bà, cũng là một nhà văn, nhà phê bình, nhà trí thức nổi tiếng, được Jorge Luis Borges mô tả như một “người đàn bà tinh tuý Á-căn-đình nhất” (la mujer más argentina). Hồi còn trẻ, Silvina Ocampo được gửi sang Paris để học hội hoạ với Giorgio de Chirico và Fernand Leger. Năm 30 tuổi, bà gặp nhà văn trẻ Adolfo Bioy Casares (1914-1999) và, bảy năm sau, kết hôn với anh ta. Sau này, hai vợ chồng Silvina Ocampo và Adolfo Bioy Casares đã trở thành những tên tuổi quan trọng nhất của văn chương Á-căn-đình.
 
Silvina Ocampo đã xuất bản gần ba mươi tác phẩm, gồm những tập thơ và những tập truyện ngắn. Bà đã cùng chồng — Adolfo Bioy Casares—, và bạn — Jorge Luis Borges —, thực hiện một tuyển tập truyện Á-căn-đình: Antología de la literatura fantástica (1940), và một tuyển tập thơ Á-căn-đình: Antología poética argentina (1941). Ngoài ra, bà cũng viết chung với Adolfo Bioy Casares cuốn Los que aman, odian (1946), và viết chung với J. R. Wilcock cuốn Los traidores (1956). Jorge Luis Borges chính là người đầu tiên ca ngợi thơ của Silvina Ocampo.
 
Silvina Ocampo đã đoạt nhiều giải thưởng quan trọng, trong số đó có: Premio Municipal (1954); Segundo Premio Nacional de Poesía (1953); Premio Nacional de Poesía (1962); và Premio del Club de los XIII (1988).

 

_____________

 

SỰ SÁNG TẠO

(tự truyện)

 

Không nhạc cụ nào: kể cả cái kèn bị cornamusa của La-mã, cái fuya của Nhật, cái nekeb của Do-thái, ống sáo ngang của Trung Hoa, cái fluira của Rumani, cái floyera của Hy-lạp, tất cả những nhạc cụ này chưa bao giờ ngân nga một cách lạ lùng như thế: những âm thanh vi vu nhẹ nhàng, mải miết vọng về từ dòng sông, giữa những tiếng trống. Chúng lan toả đến khu quảng trường tối tăm ướt sũng trong làn mưa rơi lấp lánh trên những pho tượng và những tảng đá nơi bể nước phun. Dưới dãy băng ghế, những thứ thường thấy như báo cũ, vỏ trái cây, hay chất phóng uế, đều biến mất. Những con chó ngửi tìm những khúc xương chôn giấu dưới đất. Núp trong bóng tối, những bé gái câm-điếc vẫn bám lấy những cái xích đu, đong đưa cuồng nhiệt, những mảnh tạp-dề của chúng bay phấp phới trong gió: vì bạn không thể thấy những khuôn mặt và những bàn tay của chúng, bạn thấy chúng giống như những bóng ma, hay những nữ thần tóc rắn mang đôi cánh màu phấn trắng. Những phụ nữ mặc đồ tang, thơm mùi cam, cầm những cây đuốc.

Dần dần ánh sáng lan toả trên quảng trường. Những bé gái ngưng đong đưa trên xích-đu. Chúng và những con chó cùng đi theo đám rước. Cái lạnh lẽo và làn mưa ảnh hưởng đến độ vang của những âm thanh, khiến chúng ngân vọng như bên trong một hang đá nhỏ trùng điệp nối tiếp nhau và toẽ ra vô lượng nhánh.

Những tiếng vi vu đầu tiên tôi nghe như trong một giấc chiêm bao, bắt đầu rõ dần, với tiết tấu và cường độ tăng lên, khi đám rước tụ tập nơi quảng trường. Thứ âm nhạc này, kéo dài mãi đến sáng hôm sau, giờ đây có thể nghe vẳng ra từ mọi ngôi nhà ở Buenos Aires. Tuy nhiên, người đứng bên cạnh tôi đã không nghe gì cả.

Thứ âm nhạc này, thoạt nghe cứ ngỡ là tiếng còi xe lửa hay còi tầm, hay âm thanh của kiện hàng trượt trên dây cáp, phải chăng nó là nhạc cầu hồn? Nó ngân dài vô tận. Chỉ những nhạc sĩ anh hùng mới có thể kéo dài một cuộc hoà nhạc như thế dưới cơn mưa quá dài như thế, mà không ngất đi giữa đêm sâu. Cơn mê sảng dâng lên trong tôi. Có những khoảng khắc tôi nghĩ tôi có thể nghe những giọng người khác nhau, nhưng rồi tôi nhận ra những nhạc cụ ấy là những con người và chưa từng có giọng người nào não nùng đến thế. Như trong các nghi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh, những bài xướng tế chẳng phải là một lời ca nguyền rủa hay sao? Những tiếng trống ấy nghe như nhịp đập của một trái tim. Trong lốt con người, thứ âm nhạc ấy trở nên tàn nhẫn và man dã.

Đám phụ nữ dụi tắt những cây đuốc trên cỏ ướt nhưng ánh sáng cứ tiếp tục toả ngời lên cây cối và những bức tượng.

Những con người ấy đang làm gì trong vườn cây? Những bé gái câm-điếc ấy đang làm gì? Những con chó nằm nghiêng như một tượng đài, chúng đang làm gì vậy? Mọi người chậm rãi ra về và có lẽ thứ âm nhạc ấy không còn đến từ những nhạc cụ mà đến từ những đĩa hát đã được quảng bá khắp thành phố, và những kẻ ngủ muộn đang lắng nghe từ những những chiếc máy hát đĩa của họ.

Nếu thứ âm nhạc ấy quá phổ thông, thì tại sao trước đây tôi chưa từng nghe nó? Có lẽ trong cơn mê sảng tôi nghe lầm nhạc jazz, thứ nhạc vẫn mê hoặc tôi, thành nhạc cầu hồn. Tuy nhiên, những câu nhạc tôi đang nghe không phải là nhạc jazz. cũng không phải là nhạc khiêu vũ. Làm thế nào mà một tác phẩm tuyệt vời như thế lại được viết bởi những con người như thế, chỉ để phục vụ cho chính trị, để nịnh nọt và lừa đảo quần chúng?

Ánh bình minh rọi vào các phòng ốc trong thành phố. Hơi nước toả lên từ những sân gạch ẩm ướt. Buenos Aires chưa bao giờ sạch sẽ như thế. Ta không còn nghe những chiếc máy hát đĩa nhưng chỉ nghe tiếng huýt gió của một người đàn ông cô đơn ngồi trên một mái nhà. Người đàn ông ấy không có đôi tai tốt và không nhớ rõ giai điệu, và chàng huýt gió sai nhịp, tuỳ tiện cắt ngắn và kéo dài những nốt quan trọng nhất. Chàng cố gắng bắt đầu nhịp điệu ấy một lần nữa: tiếng huýt gió kết thúc bằng những âm thanh yếu ớt gần như không còn nghe được nữa, những âm thanh run rẩy, lặp đi lặp lại một cách tội nghiệp. Những nốt nhạc ấy, những chuyển điệu ấy gợi đến màu hồng nhạt của nền trời buổi sáng. Tôi nghĩ trong những nốt nhạc loạng choạng ấy ta có thể thoáng bắt gặp cái đẹp của tác phẩm. Nhưng không chỉ có người đàn ông cô đơn huýt gió điệu nhạc ấy; những người khác, từ xa hơn, mờ nhạt hơn, không giới tính, xuất hiện trên những bao lơn hay trên vỉa hè, vừa quét đường phố, vừa bắt giọng theo. Giờ đây nó là một bài hát phổ thông như Mambrú ra chiến trường hay Quốc ca hay Đêm buồn của tôi.[1] Những bé gái câm-điếc, với giọng ca và tiếng huýt gió như những tiếng cóc kêu, cố gắng hoà theo; rồi những anh cảnh sát cũng hoà theo bằng tiếng còi rít lên không ngừng nơi các ngã tư. Rồi thứ âm nhạc ấy nhoà dần, băng qua những đường xe lửa, những cây cầu, cho đến khi nó trở về với dòng sông và biến mất.

Tác phẩm này chưa từng được ai soạn hay viết cả, ngày hôm sau tôi đã khám phá ra điều ấy. Chưa một dàn nhạc nào trình tấu nó; nó cũng chưa từng được thu âm trên bất kỳ đĩa nhạc nào, và cũng chưa từng được bất kỳ ai huýt gió. Tuy nhiên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ngày mai tôi lại bắt gặp nó vào bất kỳ giây phút nào, tại bất kỳ nơi chốn nào. Có lẽ (ý tưởng này bây giờ lại làm tôi hoang mang) tác phẩm quan trọng nhất trong đời chỉ được tạo ra trong những giờ phút của vô thức (nó hiện hữu, dù chỉ có kẻ sáng tạo ra nó mới biết được điều ấy). Tôi ngờ rằng tác phẩm của tôi chắc hẳn đang lang thang vô định trên thế giới này, tìm một bàn tay nào đó để nó nắm lấy, với nguyện vọng hiến tặng cuộc sống của chính nó. Nếu không phải thế, thì làm cách nào giải thích tại sao tôi không thể quên dòng nhạc mà tôi đã sáng tạo trong giây phút cận kề cái chết, cũng như tôi sẽ không thể quên — dù tôi có lẽ đã quá mệt mỏi với chúng — bài Trio cung La thứ của Brahms, bài Concerto cho Bốn Chiếc Dương Cầm của Vivaldi hay bài Sonata cung Rê thứ của Schumann.[2]

 

 

-----------
Dịch từ nguyên tác “La creación (Cuento autobiográfico)”, trong Silvina Ocampo, Cuentos Completos I [Primera edición] (Buenos Aires: Emecé Editores, 1999).
 

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Tên những bài hát này trong nguyên tác tiếng Tây-ban-nha là: Mambrú se fue a la guerra, Himno NacionalMi noche triste.

[2]Mời độc giả bấm vào các links dưới đây để thưởng thức:  — Johannes Brahms, Trio in A minor, Op. 114, for clarinet, cello & piano [gồm 4 chương: Allegro, Adagio, Andante graziosoAllegro]  — Antonio Vivaldi, Le Quattro Stagioni [gồm các chương: "La primavera", "L'estate", "L'autunno" và "L'inverno", do Nicolas Economou chuyển soạn cho 4 chiếc dương cầm]  — Robert Schumann, Violin Sonata No. 2 in D minor, Op. 121 [chương cuối cùng: finale]

 

 

Tác phẩm của Silvina Ocampo đã đăng trên Tiền Vệ:

... Nếu bạn chọn nhiều điều ở Địa Ngục hơn ở Thiên Đường, có thể bạn sẽ được gửi lên Thiên Đường; ngược lại, nếu bạn chọn nhiều điều ở Thiên Đường hơn ở Địa Ngục, bạn sẽ bị đày xuống Địa Ngục, vì lòng yêu thích những điều cao cả sẽ chứng tỏ rằng bạn chỉ là một kẻ tham dục vô độ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021