thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ma bản mệnh

 

“Người ở giữa thế gian
và thế gian đã nhờ Người mà có
nhưng lại không nhận biết Người.”
Gioan (1:10)

 

Khi Giêsu hạ sinh trên đất Israel, địa ngục triệu tập đại hội toàn quân. Lucifer, vua của xứ quỉ phát biểu: “Ánh sáng đã đến thế gian, và ánh sáng có thể đẩy lùi bóng tối, chúng ta cần phải khẩn cấp chiến đấu. Ngay từ bây giờ, mỗi đồng chí phải quản lý một con người, kiểm soát mọi hành động, mọi giấc mơ, không cho nó nhận biết ánh sáng, không cho nó đến gần ánh sáng. Bóng tối vĩnh cửu thuộc về chúng ta.” Mười tỷ con quỉ đồng loạt hô vang: “Bóng tối vĩnh cửu.”

Vào đầu thế kỷ 21, dân số thế giới có hơn 6 tỷ người. Mỗi người bị một con quỉ quản lý trực tiếp gọi là “ma bản mệnh”, ngoài ra mỗi người cũng còn bị 3 con quỉ khác giám sát theo chức năng như tư duy, mơ ước và hành động. Hai phần ba nhân loại mất khả năng ý thức về tự do. Thậm chí, ở nhiều xứ sở, tự do đồng nghĩa với tội lỗi.

 

Năm 1979, Bình Định. Xe lửa nằm đợi trong ga Bồng Lai, Tam Quan. Tôi nghe tiếng quân reo từ cuối thế kỷ 18. Nguyễn Huệ nói oang oang bằng giọng “nẫu” hịch tướng sĩ tiến quân ra Bắc. Nhiều người lính Đàng Trong nghe không hiểu. Có những từ người bây giờ nghe cũng không hiểu. Nhưng khí thế thì ngàn người như một.

Quản lý thị trường, công an lên xét tàu và lục soát những người khả nghi. Nhà thơ họ Nguyễn bị bắt không phải vì mấy gói thuốc lá trong người, mà do mấy câu thơ chép trong sổ ghi hàng tả cảnh mùa thu hiu hắt. Từ sau 1945 ở miền Bắc và sau 1975 trên toàn cõi Việt Nam, “mùa thu” chỉ có một “nghĩa” duy nhất là “Cách mạng tháng Tám.” Mùa thu chết của Apollinaire và tất cả những mùa thu khác đều là phản động. Nhà thơ họ Nguyễn bị hai công an áp tải xuống tàu. Tôi ngồi im re một chỗ. Trong người tôi chỉ có một tờ giấy đi đường tự in Ronéo với cái mộc giả làm bằng củ khoai lang. Khi tàu chạy, nhà thơ họ Nguyễn vẫn chưa trở lại.

Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng.

Bị nhốt một tháng, nhà thơ họ Nguyễn được thả. Tôi gặp lại bạn ở Sài Gòn. Hắn nói với tôi về những phong trào nổi dậy và bảo nhất thiết phải có một lý thuyết mới để đối đầu với chủ nghĩa Cộng sản. Tôi bảo tất cả những phương cách cũ để lật đổ chế độ Cộng sản đều lạc hậu, kể cả đấu tranh vũ trang. Hắn nói, chẳng lẽ cam tâm chấp nhận để cái ngu ác tồn tại và phá hủy phẩm cách con người? Tôi bảo không có một lý tưởng hay cứu cánh nào có thể biện minh cho sự đau khổ và cái chết của con người. Hắn đọc sách của Lý Đông A và tiếp xúc với những người thuộc hệ phái mới của đảng Duy Dân. Một năm sau, dù chưa kịp làm gì, hắn lại bị bắt và chết trong tù.

Năm 2001, mẹ của nhà thơ họ Nguyễn tình cờ gặp tôi, bà nói: “Điều đau khổ nhất là con chết mà không biết mồ mả ở đâu.”

Trận đánh quyết tử năm 1946 giữa Duy Dân và Việt Minh chấm dứt tất cả những huyền thoại về Lý Đông A cũng như các đảng phái Quốc gia khác trong lịch sử giành độc lập của Việt Nam.

Một người lạ nói: “Bi kịch lớn nhất của trí thức Việt Nam là không tìm thấy con đường thứ ba. Kinh Kha có thể giết Tần Thủy Hoàng, cũng như người ta có thể giết Ngô Đình Diệm hay Hồ Chí Minh, nhưng người ta không biết làm gì để thay thế họ.” Tôi đi uống cà phê với anh ta và không biết gì về anh ta. Có lẽ cũng không nên biết về anh ta làm gì. Năm 1980, anh ta nói: “Tôi chỉ cần mỗi ngày một quả trứng, đủ chất để sống, anh có thể lo cho tôi vài tháng không?” Tôi đưa anh về nhà bạn gái tôi. Chúng tôi có hơn một quả trứng cho anh mỗi bữa trưa và gọi anh là Bình. Anh ngồi viết từ sáng đến chiều. Tôi không hỏi anh viết gì. Cũng không hỏi buổi tối anh về đâu. Một vài lần, anh xin ngủ lại. Tôi đoán chừng Bình là người đang trốn tránh.

Năm 1940. Cúi xuống cô cháu gái mười sáu tuổi tên Duyên, con ông anh cả, đẹp như mơ, Thận nói: “Có phải đày xuống chín tầng địa ngục, anh cũng lấy em.” Cô ôm ghì ông chú: “Không có anh, em không sống nổi.” Cuộc tình loạn luân của Thận và cô cháu gái ruột bị bà chị dâu phát hiện. Chàng vội trốn khỏi nhà và lên tàu vào Sài Gòn. Thận được giới thiệu vào làm sư gia dạy tiếng Pháp cho mấy đứa nhỏ nhà Chú Hoả, người giàu nhất Sài Gòn – Chợ Lớn. Chàng cũng được chỉ vẽ để biết buôn bán kiếm tiền. Nhưng Thận không phải là người kiên nhẫn theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ.” Chàng tổ chức làm tiền giả. Quay lại Hà Nội, Thận mua một chiếc xe hơi và lái thẳng đến chỗ Duyên đang làm việc, đón cô đi theo mình, không cho gia đình biết. Họ lên Thái Nguyên lập tổ ấm. Tại đây, Thận gặp Lý Đông A.

Năm 1946. Sau khi thất trận ở Yên Bái, Thận may mắn sống sót nhờ giả làm nông dân trong vùng. Ông đưa vợ về Hà Nội để trốn cuộc truy sát của Việt Minh. Được các chiến hữu bố trí phụ trách một nhà in, ông tiếp tục làm tiền giả gây quĩ hoạt động cho đảng. Bình được sinh ra trong thời gian này. Đứa con đồng huyết có củ giống rất to nhưng tinh dịch chỉ toàn nước, không có tinh trùng.

Năm 1980. Một hôm Bình nói với tôi: “Điều quan trọng nhất để có thể chống được Cộng sản là không sợ Cộng sản. Nhưng một triệu binh lính Việt Nam Cộng Hoà và quân đội Đồng minh đã không thắng được Cộng sản, thì không một lực lượng vũ trang nào có thể thắng được Cộng sản. Bởi vậy chỉ còn một cách duy nhất có thể thắng là chống Cộng… một cách hợp pháp. Anh có thấy khôi hài không?” Tôi bảo không. Tội ác lớn nhất của Cộng sản là làm cho người ta sợ mình đến độ không còn phẩm cách, nhân tính. Và người ta đã quen sợ Cộng sản, chấp nhận hèn hạ như sự bình thường.

Sau buổi nói chuyện đó, hơn ba năm sau tôi mới gặp lại Bình.

Năm 1978. Tôi về sống với Lan. Chúng tôi làm tình buổi trưa, buổi chiều, đêm và sáng sớm, trừ tám giờ làm việc ở cơ quan. Đó là cách duy nhất để cảm thấy mình chưa bị hủy diệt.

Năm 1944. Thận nói với Lý Đông A: “Vấn đề lâu dài của Việt Nam là vấn đề cách mạng dân trí. Giải quyết được vấn đề này là giải quyết được tất cả các vấn nạn thực dân, đế quốc và chủ nghĩa Cộng sản.” Lý Đông A bảo: “Chúng ta không thể chờ được. Hồ Chí Minh đã được Cộng sản Trung Hoa yểm trợ. Người Mỹ nóng ruột muốn chấm dứt chiến tranh sớm với người Nhật nên cũng muốn ủng hộ Hồ Chí Minh. Sai lầm này sẽ không sửa chữa được. Chúng ta cần có vũ khí.” Thận nói: “Vũ khí thì có thể mua được của quân Tưởng.” Lý Đông A bảo: “Chú lo việc này nhé.” Thận gật đầu không nói gì.

Năm 1979. Lan nói: “Em không thể chịu nổi cảm giác về cái ngu muội trong cuộc sống này. Tại sao chúng ta phải chịu đựng nó?” Tôi nói đó là sự sợ hãi. “Dân tộc này hèn hết rồi cả sao?” Lan lại đặt câu hỏi. Tôi đùa bảo: “Sao xung thế? Cho anh xung với.” Tôi đưa Lan ra khỏi quán ăn. Lan bảo: “Em sẽ đi.” Tôi nói tôi không muốn là người thua cuộc. Nhưng tôi biết rồi tôi sẽ mất Lan. Nhìn làn sóng người bỏ nước ra đi, tôi cảm thấy một nỗi nhục.

Năm 1939. Duyên 15 tuổi bắt đầu trổ mã. Thận nhìn cặp vú vừa nhô lên của cô cháu gái, bảo: “Cháu không được yêu ai.” “Tại sao?” Cô hỏi lại. “Vì không muốn mất cháu”, Thận nói. “Chú ích kỷ”, cô bảo. Thận bồng bế Duyên từ bé. Và chàng cảm thấy Duyên thuộc về mình một cách tự nhiên. Duyên nói: “Cháu ế chồng chú phải đền.” Thận nháy mắt bảo: “Đền cả đời nhé.” Duyên nói: “Nhớ giữ lời.” Năm 2007, tôi bảo: “Chuyện nhỏ.” Con gái Lan theo mẹ về nước thăm tôi. Cô nói: “Chú Minh rất cool. Cháu ghen với mẹ.” Lan bảo con bé: “Ăn nói cẩn thận.” Tôi cười: “Chú yêu sự phóng túng.” Cô bé nói: “Ở Việt Nam, người ta nói là chuyện nhỏ, phải không?” Ừ, nhỏ như con thỏ. Cô hôn tôi khi từ biệt. Email cho tôi, cô viết: “Cháu nhớ mùi đàn ông của chú. Hè sang năm cháu lại về. Hy vọng mùi đàn ông của chú vẫn còn hấp dẫn cháu.” Năm 1943, Thận mang Duyên đi và đền cho cô một tình yêu mà Duyên mô tả là “anh luôn làm cho em nghẹt thở.”

Năm 1984. Tôi gặp lại Bình. Anh cho biết mới trốn tù về. Hơn một năm trong nhà tù Đại Lợi, hơn một năm trong trại cải tạo ở Sông Bé. Anh em trong trại đã tạo điều kiện cho anh trốn bằng cách phân công anh đi lao động hơi xa trại mà không có quản giáo đi kèm. Bình cho tôi xem mấy bài thơ anh làm. Thơ đầy lửa và ai oán, tôi bảo để tôi giữ giùm. Anh hỏi thăm Lan, tôi nói “đi rồi.” Bình bần thần. Ít lâu sau, Bình cũng vượt biên. Anh tìm được Lan. Tôi không biết khi Bình ở chung với tôi và Lan, giữa họ có gì không. Cũng là “chuyện nhỏ.”

Năm 1954, Thận mang vợ con vào Nam. Ông Ngô Đình Diệm cho thanh toán những người đối lập như cách ông Hồ Chí Minh đã làm, Thận bị bắt bỏ tù năm 1957. Sau cuộc đảo chánh của quân đội năm 1963, Thận mới được tự do. Ông trở thành một thượng nghị sĩ sáng giá và tiếp tục con đường của Lý Đông A. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa ông với Lý Đông A vẫn là ở chỗ theo đuổi lý tưởng nâng cao dân trí. Điều này gây ảnh hưởng sâu đậm với Bình. Sau năm 1975, cùng với những chính trị gia khác, ông Thận bị chính quyền mới bỏ tù đồng loạt. Bình đi con đường riêng của mình. Anh hiểu không thể sử dụng vũ lực ở một nơi mà người ta đã quá chán ngán chiến tranh. Anh nghĩ đã đến lúc phải biết và dám đấu tranh hợp pháp. Nhưng với Cộng sản thì cái mầm mống bất đồng đã là tội phạm. Bình bị bắt khi cùng một người bạn trao đổi về một phương thức chống Cộng kiểu mới mà sau này được gọi là “diễn biến hoà bình.” Năm 2006, gặp Bình ở Mỹ, tôi hỏi anh còn nhớ những bài thơ gửi tôi không? Bình bảo không.

Tôi hỏi Lan: “Con gái em có phải con của Bình không?” Lan nói: “Bình không có tinh trùng. Nó là đứa con cầu tự.”

Cuối thế kỷ 20, bọn quỉ họp tổng kết. Lucifer ngồi trong lửa, hắn gào lên: “Tại sao càng ngày càng có nhiều linh hồn thoát khỏi sự kiểm soát của chúng ta?” Không có con quỉ nào dám đứng lên trả lời hắn. Lucifer hầm hè: “Con người không đạo đức lên, nhưng tại sao chúng luôn hướng đến tự do?” Tất cả các con quỉ đều cúi mặt. Lucifer lại gầm lên: “Tại sao các ngươi lại im lặng?” Vẫn không có con quỉ nào nhúc nhích. Lucifer xuống giọng: “Phải chăng chính các ngươi cũng muốn thoát khỏi sự kiểm soát của ta?” Lúc ấy bọn quỉ con mới lên tiếng: “Quỉ vương sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, không có bất cứ một con người nào mà thân xác còn đang sống thoát khỏi sự chi phối của quỉ. Sự tự do mà chúng có được chỉ là một ảo tưởng do chúng ta tạo ra, vì mọi ước muốn của con người là ước muốn của quỉ. Quỉ vương bất diệt. Chủ nghĩa nô lệ muôn năm.”

Năm 1989, ông Thận được thả ra khỏi khám Chí Hoà. Hai người bạn tù dìu ông. Không có ai đón ông ở ngoài. Căn nhà cũ của ông đã thuộc về một người khác. Ông đứng nhìn bầu trời bao la, tự nhủ: “Đây là tự do.” Rồi ông phát điên, hàng ngày lang thang từ sáng đến tối, miệng lúc nào cũng lẩm bẩm “đây là tự do”, và vạ vật ngủ ở bất cứ đâu khi thân thể của ông đổ xuống. Điều kỳ lạ là ông mãi vẫn không chết.

 

10.6.2007

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021