thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một cụm mây

 

Ta
Tới đây
Khác
Với mây
Ở lại.

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, người ta gọi ông là Sơn Núi. Một cụm mây dừng lại nơi núi rừng Phương Bối, cao nguyên Bảo Lộc mà tôi ưa gọi tên vốn có là B’lao. Ông Sơn Núi ở lại nơi đó trên ba mươi năm nay. Bài thơ ông viết từ thuở thanh niên, đến bây giờ ông đã bảy mươi, vẫn là bài thơ ông thích nhất. Phương Bối của dãy núi Đại Lào, một trong những nơi quạnh quẽ, hiu hắt, tịch mịch nhất Việt Nam, ông Sơn Núi chọn nơi này chính vì vậy.

Một cụm mây trôi dạt bất cứ nơi nào, lơ lửng trên mọi sự. Một cụm mây đến từ đâu, đi về đâu nào ai biết. Thấy một cụm mây ở đó, trong khoảnh khắc đó, chỉ vậy mà thôi.

Osho
Chưa bao giờ sinh ra
Chưa bao giờ chết đi
Chỉ viếng thăm hành tinh này giữa
1931 - 1990
(Lời ghi trên bia mộ Osho)

Đạo sư Osho. Một cụm mây dừng lại ở trần gian này năm mươi chín năm. Osho là người chứng ngộ, và Osho là một cụm mây. Tất cả nỗ lực của Osho là giúp người khác trở thành cụm mây. Osho nói, toàn bộ giáo huấn của ông chỉ là điều này: Bất cứ cái gì bạn là, hãy chấp nhận nó một cách toàn bộ, đến nỗi không có gì còn lại để đạt tới, và bạn sẽ trở thành một cụm mây. Bạn trở thành chính bạn, hoàn toàn được giải phóng khỏi mọi đè nén, ức chế, mọi áp lực, quy định tinh thần. Con người tự do. Như một cụm mây.

Những gì Osho luận giải đã được in thành sách. Khoảng sáu trăm đầu sách, những bài nói chuyện, thuyết giảng của Osho. Ông chỉ lối cho người có thao thức tìm kiếm bên trong mình, để họ sẽ thấy mình có cả một kho báu, để họ sẽ thấy phúc lạc tràn đầy, để họ trở thành một cụm mây.

Osho kể câu chuyện một vị vua gặp một người chứng ngộ: Những buổi tối, vị vua cải trang để vi hành, xem dân chúng ra sao. Vị vua ngạc nhiên về một chàng trai tuấn tú, đêm nào cũng đứng bên gốc cây trên hè đường, vào giờ mọi người đã đi ngủ. Vị vua tới hỏi, sao anh không ngủ mà cứ đứng đây? Chàng trai trả lời: “Người ta đi ngủ bởi vì người ta không có kho báu nào để canh giữ. Còn tôi thức, vì tôi có cả một kho báu hết sức quý giá phải canh giữ.” Vị vua nhìn khắp quanh, ngạc nhiên: “Tôi có thấy kho báu nào đâu?” Chàng trai nói: “Kho báu ở bên trong tôi, làm sao ông thấy được.” Thấy chàng trai lạ lùng, và cũng ưa ngắm gương mặt tuấn tú, nghe những lời chàng trai nói, nên đêm nào vị vua cũng tới gặp chàng trai. Vị vua cảm thấy chàng trai là một vị thánh, một người chứng ngộ, vì kho báu của chàng trai là sự nhận biết, là tình yêu, là sự bình an. Quá mến mộ, vị vua ngỏ lời mời chàng trai về cung điện của mình, dù không hy vọng chàng trai nhận lời. Vị vua nghĩ rằng, những vị thánh hay những người chứng ngộ đã từ bỏ thế gian. Nhưng chàng trai nhận lời.

Vị vua dành căn phòng sang trọng nhất trong cung điện để chàng trai nghỉ lại, và nghĩ rằng chàng trai sẽ từ chối căn phòng xa hoa đó. Chàng trai vui vẻ nói: “Căn phòng này rất tốt.” Suốt đêm vị vua trằn trọc vì ngờ rằng chàng trai này có lẽ không phải một vị thánh hay một người chứng ngộ. Có lẽ anh ta là kẻ lừa bịp, anh ta ngủ ngon lành trên chiếc giường êm ái. Ngày hôm sau, chàng trai dùng bữa với vị vua: anh ta không khổ hạnh gì cả, anh ta ăn ngon lành những sơn hào hải vị. Vị vua lại mang tặng những y phục xứng đáng của một vị vua, anh ta ưa thích chúng! Sau vài ngày như vậy, vị vua tin chắc rằng, chàng trai này là một gã đại bịp. Vị vua nghĩ phải tống khứ anh ta, nói với chàng trai: “Tôi muốn hỏi một câu.” Chàng trai nói: “Tôi biết câu hỏi của ngài. Chỉ vì lịch sự, ngài đã cố nén. Bây giờ, ngài cho lấy hai con ngựa, ngài và tôi sẽ đi tới chỗ thích hợp, và tôi sẽ trả lời câu hỏi của ngài.” Đến chỗ con sông, ranh giới của hai vương quốc, chàng trai chờ vị vua nói ra câu hỏi. Vị vua hỏi: “Đâu là sự khác biệt giữa tôi và anh? Anh như vị thánh, rồi anh ở với tôi như một vị vua!” Chàng trai nói: “Vâng, tôi sắp trả lời. Ngài hãy lấy lại ngựa, hay nếu muốn, ngài hãy đi cùng tôi.” “Anh định đi đâu?” Chàng trai nói: “Kho báu của tôi ở trong tôi. Bất cứ nơi nào tôi đi, kho báu của tôi đi cùng tôi. Ngài có đi với tôi không?” Vị vua nói: “Vương quốc, cung điện , công việc trọn đời của tôi ở đây, làm sao tôi có thể rời bỏ để đi với anh?” Chàng trai cười lớn: “Bây giờ ngài thấy sự khác biệt giữa ngài và tôi rồi đó! Tôi đứng bên gốc cây hay sống trong cung điện, không có gì khác biệt, vì kho báu ở bên trong tôi. Vậy ngài có thể quay về, tôi đi nơi khác. Vương quốc của ngài không xứng đáng để tôi lưu lại.”

Osho bảo, phương Đông có quá nhiều tôn giáo, phương Tây có quá nhiều khoa học. Bây giờ, một nhân loại mới, là trong đó, tôn giáo và khoa học trở thành hai mặt của một sinh thể sống động. Và cây cầu nối là nghệ thuật. Con người mới sẽ là một nhà thần bí, một nhà thơ và nhà khoa học. Giữa khoa học và tôn giáo, chỉ nghệ thuật: thi ca, âm nhạc, điêu khắc... mới có thể là cây cầu.

Thơ Nguyễn Đức Sơn:
Sáng mênh mông
Ta đi thơ thẩn trong vườn hồng
Ồ bông, ồ mộng, ồ không.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021