thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những bức tượng, hay trạng huống của kẻ ngoại cuộc
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

CRISTINA PERI ROSSI

(1941~)

 

Cristina Peri Rossi sinh năm 1941 tại Montevideo, Uruguay; từng là giáo sư văn chương, dịch giả và ký giả. Bắt đầu sáng tác văn chương từ năm 1963, bà xuất bản tập truyện đầu tay, Viviendo, rồi hàng loạt tác phẩm khác, và nổi danh như một nhà thơ, một nhà văn viết truyện ngắn, tiểu luận và tiểu thuyết, và một nhà đấu tranh cho nữ quyền. Từ năm 1972, bà bắt đầu sống đời lưu vong tại Barcelona, Tây-ban-nha. Bà đã cộng tác với những tạp chí El País, Diario 16El Periódico de Catalunya. Năm 1991, bà đoạt giải thưởng Premio Ciudad de Barcelona cho tập thơ Babel bárbara. Năm 1994, ba được trao tặng giải thưởng Beca John Simon Guggenheim cho văn chương hư cấu. Cristina Peri Rossi đã xuất bản hơn 30 tác phẩm, nổi tiếng nhất là những cuốn: La nave de los locos (1984) và Solitario de amor (1988).
 

___________________

 

NHỮNG BỨC TƯỢNG, HAY TRẠNG HUỐNG CỦA KẺ NGOẠI CUỘC

 

Tôi đặt chân đến một quảng trường rộng lớn và trống vắng, nơi những phiến đá xám lót nền dường như vừa được trải. Chung quanh không có dinh thự hay nhà cửa gì cả, chỉ có vài lùm cây. Chính nhờ cái khuôn viên hình chữ nhật của nó mà tôi nhận ra nó là một quảng trường. Ở một vài quảng trường không có tháp đồng hồ, những băng ghế gỗ với bốn chân hình móng rồng, một giáo đường nhỏ, hay thậm chí một nhà giam, thì tôi nhận ra chúng nhờ hình dạng của chúng. Đây là một trong những quảng trường như thế. Những lùm cây rũ úa, những tàn lá lá khô héo và những thân cây trông như sắp đổ xuống. Tôi bước lang thang ở một phía của quảng trường và quan sát cái vẻ tẻ ngắt của những chiếc lá. Thế nhưng quảng trường lại đầy những bức tượng. Tôi không thể nói chúng đã có sẵn ở đó từ lâu, hay chỉ mới xuất hiện gần đây. Chúng tụ lại thành những nhóm ba hay bốn tượng, sắp thành vòng tròn. Vài tượng đang ngồi, đan áo, và thân thể chúng gắn liền với những chiếc ghế như một khối hợp nhất. Những tượng khác há miệng như sắp thốt lên một âm thanh nào đó hay định nói một điều gì. Những tượng ở xa nhất đang đứng tựa vào những tượng xưa cũ hơn. Chúng biểu lộ vẻ chán chường, thậm chí có vẻ rã rời.

Tôi nhìn một bức tượng, một phụ nữ trẻ với thân thể xanh xao, bơ phờ, mái tóc lưa thưa gom thành một búi sau gáy. Nàng có một cái nhìn trống rỗng. Tôi nghĩ nàng đang nhìn ra ngoài quảng trường, nhìn về phía bên kia những tàn cây héo rũ. Nhóm tượng xa nhất ở đó tụ thành một đường cung, một vòng tròn dang dở với một khoảng hở nhỏ. Họ có vẻ gần như đang chuyển động, những tấm váy của họ phấp phới quanh vòng tròn, những cánh tay vươn ra, những cái đầu cúi xuống như bị gió đẩy, một ngọn gió chỉ thổi ở phía ấy của quảng trường, tại một khoảng đất nhỏ nơi họ chiếm (phong cảnh thì ngược lại, vẫn bất động, yên lặng). Không có kẻ ngoại cuộc nào cả, không có sự hiện diện của người lạ mặt trong bất kỳ nhóm tượng nào. Thậm chí không thấy một con chó nào lang thang trong buổi bình mình đông cứng ấy. Thế nhưng, đối với tôi những phiến đá lót nền có vẻ như chỉ vừa được trải xuống gần đây. Tuy nhiên, những bức tượng dường như không lưu tâm đến điều ấy. Tự chìm đắm trong những vòng tròn, họ dường như không để ý đến bất cứ điều gì quanh họ.

Tôi cảm thấy mình như một người lạ mặt, một sự quấy rầy, mặc dù đó là sự quấy rầy chỉ riêng tôi cảm nhận. Không muốn xâm phạm, tôi tìm một lối đi dẫn tôi ra khỏi nơi họ tụ tập. Không ai nhìn tôi, và chính sự không lưu tâm ấy khiến tôi cảm thấy mình hiện hữu không đúng chỗ. Đến lúc ấy tôi mới phát hiện rằng bản chất của sự hiện hữu như một kẻ lạ là một sự trống rỗng, không được thừa nhận bởi những người chiếm ngự một nơi chốn chỉ đơn giản vì để giành được cho họ một nơi chốn.

 

 

-----------------------
Dịch từ nguyên tác "Las estatuas, o la condición del extranjero", trong Cristina Peri Rossi, El museo de los esfuerzos inútiles (Barcelona: Seix Barral, 1983), 132.

 

 

Đã đăng:

Ađam và Êva  (truyện / tuỳ bút) 
Ađam đang sống rất sung sướng giữa cỏ cây hoa lá thì Êva đến và dụ dỗ ông ăn trái táo vì bà muốn giết ông để một mình bà làm chủ tất cả... Chúa Trời sáng tạo ra Êva từ một cái xương sườn của Ađam vì thấy Ađam buồn chán và cần có người để sai vặt... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thời gian chữa lành mọi vết thương  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi luôn luôn hối hả, đó là vấn đề tính khí. Khi tôi và nàng đoạn tuyệt với nhau, tôi đi thẳng đến một tiệm cầm đồ. Tôi cần có rất nhiều thời gian để đắp lên những vết thương, để chúng cầm máu và chóng lành... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Để tìm hiểu thêm về cuộc sống và bút pháp của Cristina Peri Rossi, xin đọc:

Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, chữ destierro (tạm hiểu trong Việt ngữ là "lưu đày" hay "lưu vong") chứa đựng một ý niệm rất đặc thù nên khó có thể dịch thẳng ra một ngôn ngữ nào khác. Chữ này, với nghĩa đen là "bứng ra, tách ra, cắt ra khỏi mặt đất", được hiểu như sự cắt đứt mối liên hệ giữa linh hồn con người và mặt đất. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021