thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG ĐÃ TỚI [chương 1/10]

 

1.

Xin ngài hãy mở đường cho chúng tôi đi và dẫn dắt chúng tôi theo sự khôn ngoan của ngài. Chúng tôi muốn giàu có và được hành xử như những kẻ quyền thế. Chúng tôi muốn được thoả mãn mọi nỗi khát thèm và thị thực mình dưới ánh sáng vinh quang ngưỡng vọng của đám đông. Chúng tôi muốn thụ hưởng tất cả sự may mắn và để cho tai ương giáng lên đầu bọn lâu la của đám ăn trên ngồi trước.

Ừ thì được. Muốn gì cũng được. Hãy đi tìm một thày bói và bày tỏ nỗi niềm tha thiết của các ngươi. Hãy đặt mình dưới sự sai khiến của kẻ tín niệm bất kể là đàn ông hay đàn bà, mù loà hay bại liệt, trí thức hay ngu muội. Hãy nghe lời họ cho dù họ nói như minh triết hay dụ ngôn. Hãy trả công họ xứng đáng như sứ mệnh ta giao cho họ. Bởi vì qua họ, thiên cơ đã khả lậu.

Trong bóng đêm của mặt đất và bóng tối của số phận, người đàn bà nằm dán người xuống giường thổn thức. Chỉ còn ba ngày nữa, thằng con trai út của bà sẽ bị xét xử vì tội cướp giật gây hậu quả nghiêm trọng. Cô gái bị cướp giật ngã đập mặt xuống đường, mù một con mắt. Tội không thể tha thứ, nhưng bà không muốn đứa con mình đẻ ra, dẫu rằng bất đắc dĩ, phải ngồi tù. Thằng nhóc đã nằm trong trại giam sáu tháng, ngay sau khi gây án và sau một trận đòn hội chợ của đám đông đuổi bắt được. Chiếc giỏ xách trả lại cho cô gái ngoài giấy tờ tuỳ thân chỉ có vài chục ngàn tiền lẻ và mấy miếng băng vệ sinh. Bạn nó bảo xui là phải. Đi ăn cướp không coi ngày.

Bằng mọi cách mẹ phải cứu con. Con sợ lắm. Con hứa với mẹ sẽ không bao giờ tái phạm. Bữa ấy, con vã quá. Không còn cách nào khác.

Mày phải trả giá cho những gì mày đã làm. Cũng cần phải có nhà tù cho mày cai nghiện và xa lánh bọn bạn bè mất dạy của mày. Mày cần phải biết đau khổ để không làm khổ người khác.

Nhưng đau khổ của con cũng là đau khổ của mẹ. Con chết thì mẹ cũng không sống được. Con ở tù thì mẹ bị giam hãm. Con mất tự do thì mẹ thành nô lệ.

Sáng sớm, người mẹ ra đường với một nỗi băn khoăn nặng trĩu.Bà đến nhà một người bạn gái.

Hãy chỉ cho tôi một người thày giỏi nhất.

Người ấy ở cách đây ba mươi cây số. Người ta gọi bà là bà Năm Lá. Có thể bà ấy là người thứ năm trong gia đình tên Lá, cũng có thể vì bà nổi tiếng với năm chiếc lá. Nhìn năm chiếc lá của người đi xem bói, bà có thể giải đáp tất cả những gì người ta muốn.

Người mẹ thuê một chiếc xe ôm.

Bà Năm Lá sống trong một khuôn viên rộng. Bốn góc có bốn cái chòi lá cột kèo rất cầu kỳ. Chòi thứ nhất quay về hướng tây, ở giữa treo một thanh kiếm, tượng trưng cho hành kim. Chòi thứ hai quay về hướng đông,ở giữa để một lu nước, tượng trưng cho hành thuỷ. Chòi thứ ba quay về hướng bắc, ở giữa kê một thỏi gỗ vuông năm mươi phân, hơi lõm như một cái cối,tượng trưng cho hành mộc. Chòi thứ tư quay về hướng nam, ở giữa có một bếp lửa cháy suốt ngày đêm,tượng trưng cho hành hoả. Trung cung là chòi thứ năm, to hơn bốn cái chòi kia,có một bục đất lớn như một cái giường, tượng trưng cho hành thổ. Bà Năm Lá ăn,ngủ và xem bói trên cái bục đất ấy.

Tiếng tăm của bà Năm Lá vang lừng năm trăm dặm vuông. Bởi thế, người lái xe ôm đã chở bà mẹ khốn khổ đến nơi một cách dễ dàng.

Người gác cổng có đôi mắt dò xét phát cho bà mẹ một phiếu thứ tự sau khi đã hướng dẫn bà mua năm chiếc lá hái trong hàng rào dâm bụt,giá mỗi chiếc lá năm ngàn đồng gọi là công chăm sóc vun dưỡng, và một bó hương cũng năm ngàn đồng cho cái sự mua qua bán lại của xã hội. Riêng vụ việc xem bói,bà Năm chỉ giúp người. Ai muốn đền ơn bà thì đã có một cái thùng lớn trước bàn thờ Linh Chi Tổ Mẫu hứng nhận. Tiền ấy gọi là công đức hoằng pháp.

Một phụ nữ thấp béo thường được gọi là cung nữ đến nhắc nhở mọi người, khi thưa chuyện với bà phải gọi bà là mẫu hậu thì quẻ mới thiêng, bởi lúc ấy bà chẳng phải là bà Năm Lá tả tơi bị chồng bỏ năm nào, mà là hiện thân của mẫu nghi thiên hạ tận bên xứ Ba Tư xa xôi cổ tích, có thể nhìn suốt không gian mười ngàn dặm và thời gian bốn ngàn năm.

Sau khi thắp năm nén hương ở năm bài vị ngũ hành, người mẹ đến ngồi dưới bục đất trước mặt bà Năm Lá.

Hãy cho ta biết, ngươi muốn gì?

Tâu mẫu hậu, tôi muốn cứu con tôi khỏi ở tù.

Năm chiếc lá của ngươi đâu?

Người mẹ đặt năm chiếc lá trên bục đất và cảm thấy mười đầu ngón tay mình tê tái. Bà Năm Lá lật sấp từng chiếc lá theo cách như bà ta cầm phải miếng than hồng.

Lửa hoả ngục cháy trên mạng thứ dân. Hãy đi tìm một người tuổi Nhâm thìn. Chúc ngươi lên đường may mắn.

Thế gian này có bao nhiêu người tuổi Nhâm thìn, tôi biết tìm ai?

Đi tìm là việc của ngươi, tìm được hay không là nhân duyên trời định. Đi đi.

Con mẹ láu cá, lường gạt. Người mẹ rủa vì mất tám chục ngàn đồng tiền xe ôm, thêm ba chục ngàn hương với lá, vị chi một trăm mười ngàn đồng, nhưng vẫn không tức bằng phải gọi con mẹ nhà quê dốt nát ấy là mẫu hậu.

Chưa kịp trút hết cơn bực tức trong toilet, chuông điện thoại reo.

Alô.

Tuấn đây. Lâu quá không gặp. Chiều nay rảnh không?

Đang rầu thúi ruột.

Có chuyện gì?

Anh có quen ai bên toà án không?

Chi vậy?

Hỏi có quen ai không?

Toà án thì không,nhưng bên kiểm sát thì có.

Được rồi. Chiều nay rảnh.

Bốn giờ đến Sông Sao.

Hình như anh tuổi Nhâm thìn phải không?

Đúng. Định ly dị chồng để lấy anh à? Hợp đấy.

Đừng mơ.

Tuấn là một nhạc sĩ lông bông. Anh từng có lúc dạy đàn cho thằng nhóc xì ke. Âm nhạc không nâng tâm hồn con người, nó làm cho người ta yếu đuối cả trong nỗi buồn lẫn niềm hoan lạc. Thằng nhóc muốn chơi nhạc chỉ vì thích hình ảnh một anh nghệ sĩ lắc lư trên sàn diễn. Tuấn nhận dạy thằng nhóc chẳng qua vì sự hấp dẫn của người mẹ. Đấy là người đàn bà dùng sự đoan trang để làm duyên và dùng ý chí để giết chết cơn mơ mộng trong quần lót.

Quán Sông Sao nằm kè bên bờ sông lộng gió. Người vợ chán chồng vì sự cục súc và nhỏ mọn đã một vài lần đi ăn với Tuấn.

Anh sẵn sàng làm tất cả những điều gì có thể. Em nói đi.

Vài ngày nữa thằng nhóc sẽ phải ra toà. Anh cứu nó.

Chuyện nhỏ. Để anh đưa em tới gặp bạn anh.

Đấy không phải là ông thần, nhưng vừa gặp người đàn ông vừa hoạt bát vừa oai vệ, người mẹ tin ngay con mình sẽ được cứu.

Tôi rất ghét mấy thằng cướp cạn, nhưng với chị thì để tôi xem. Theo luật, nó có thể phải ở tù ba năm.

Thực ra, tôi cũng nghĩ nó cần phải bị trừng phạt. Nhưng tôi thương nó lắm. Anh giúp cho nó hưởng án treo…

Chị cần phải cho nó biết nó sẽ bị chồng án nếu tái phạm. Thôi chị an tâm về đi. Chúng ta làm ra luật và chúng ta biết cách vận dụng luật. Chánh án là bạn tôi.

Ba ngày sau, thằng nhóc được toà xử một năm tù cho hưởng án treo.

Biết cách cư xử, người mẹ tạ ơn công quyền năm trăm đô la Mỹ. Bà bạn bảo thế là nhẹ.

Nạn nhân của thằng nhóc không hài lòng, đòi phúc thẩm.

Người mẹ lại đến với bà Năm Lá xin soi sáng hướng dẫn. Vẫn là người biết cư xử, ngoài tiền mua lá và hương, người mẹ cúng dường Linh Chi tổ mẫu một trăm ngàn.

Mẫu hậu Năm Lá chỉ từng chiếc lá dâm bụt, trầm trọng phán: Hiển lộ. Hiển lộ. Hiển lộ. Những chiếc lá đột nhiên héo queo.

Ác giả ác báo. Muốn giải hạn thiên la địa võng thì ngươi và con ngươi phải ăn chay mười ngày, thắp hương khấn sao mười đêm. Sau đó sẽ gặp quí nhân.

Có tin có lành. Người mẹ bắt đứa con cùng ăn chay với mình. Âu cũng là dịp tẩy rửa thân thể. Đỡ tốn tiền thịt cá, nhưng đồ chay cũng không rẻ. Hương khói thì sao trời vô lượng. Sao gần hay sao xa, sao nào cũng là sao, số phận con người là một trò đùa trong vũ trụ. Xin khấn với bao la một nỗi niềm giới hạn.

Mười ngày mười đêm thấp thỏm trôi qua. Người mẹ tắt truyền hình đi ngủ vẫn mong một phép lạ. Đúng phút cuối của ngày thứ mười một, ông bố mang cái xác ngất ngưởng về. Lẳng lặng ngủ.

Ừ thì cứ ngủ. Ngày nào có hy vọng của ngày ấy.

Những con chim trong lồng nhà hàng xóm hót vang. Chào buổi sáng. Good morning. Bonjour madame. Ông hàng xóm bảo con chim của tôi chào bà mỗi ngày, chúc bà mọi điều tốt lành. Cũng xin chúc con chim của ông vạn sự tươi tốt cứng cáp. Sáng nào ông hàng xóm cũng mang chim ra phơi nắng.

Chim của ông nhỏ quá.

Vâng, nhưng nó hót rất hay. Nó là những con hoạ mi quí.

Quí à?

Vâng, rất quí.

Con chim quí thì không bằng người quí.

Vâng, tôi cũng nghĩ thế. Tôi có người bạn làm bên đội thi hành án mê chim lắm. Ông ấy cứ đòi mua con Bonjour madame này với bất cứ giá nào tôi muốn, nhưng tôi không bán vì tiếc cái công dạy dỗ nó.

Ông à, không biết ông có thể giúp tôi điều này không?

Thưa bà điều gì ạ?

Giúp tôi làm quen với ông thi hành án.

Không có gì khó.

Nhà ông thi hành án là một biệt thự sang trọng. Chung quanh treo đầy lồng chim. Không biết do công lao mồ hôi nước mắt của ai, ông chỉ có mỗi công chạy chọt để chiếm giữ căn nhà ấy. Giờ đây, căn nhà đã được hoá giá hợp thức sự chiếm giữ của ông mà số tiền ông phải bỏ ra chỉ bằng một phần trăm giá trị thật. Tuy nhiên, là người khôn ngoan và biết lo xa, ông đang xúc tiến bán nó đi, ra ngoại ô tậu một miếng vườn sống khiêm tốn với những con chim nhảy nhót trong lồng. Mỗi con chim ông có được đều gắn liền với một kỳ án và ông đặt cho mỗi con một số ký danh tương ứng với một phạm nhân mà ông đã tống vào ngục.

Vào buổi chiều, dưới tán lá âm u của cây vú sữa to lớn, những chiếc lồng chim mang một vẻ ẩm ướt mốc thếch. Ông thi hành án tiếp khách ngay hàng hiên để cho khách của ông có thể nhìn ngắm bộ sưu tập sống động này. Ông hàng xóm nói nhỏ với người mẹ trong lúc chờ chủ nhà: Tôi biết ông này đã lâu và cũng thỉnh thoảng tới đây trao đổi với nhau về chuyện chim cò, nhưng chưa bao giờ thấy chim của ông ấy hót. Đó cũng là lý do tôi không bán con Bonjour madame cho ông ta.

Ông thi hành án xuất hiện trong dáng vẻ của một người thoả chí.

Tôi hân hạnh được tiếp ai đây?

Dạ, một người mẹ đau khổ.

Hẳn thế rồi. Đến tìm ông chỉ có thể là những người đau khổ.

Chuyện của con bà cũng đơn giản thôi. Chúng ta làm ra luật và chúng ta biết cách vận dụng luật. Tôi thích con Bonjour madame của ông bạn đây lắm, bà có thích con chim ấy không?

Chim nào cũng là chim. Tôi chỉ thích con chim thuộc về mình.

Buổi sáng ngày thứ mười ba, ông hàng xóm cầm chiếc lồng có con chim Bonjour madame sang đưa tận tay cho người mẹ.

Tôi dạy nó nói được chỉ vì muốn nó chào bà mỗi sáng. Nó thuộc về bà.

Người mẹ ứa nước mắt cầm chiếc lồng chim đến nhà ông thi hành án và hiểu tại sao những chiếc lồng chim nhà ông ta lúc nào cũng ẩm ứơt.

Ba tháng sau, vụ án thằng nhỏ xử phúc thẩm. Án toà tuyên ba năm tù giam theo sự công minh của luật pháp có giảm nhẹ vì bị cáo mới phạm tội lần đầu. Người mẹ đến trách ông thi hành án không tận tình giúp đỡ như đã hứa.

Tôi đã nói bà cứ yên tâm, vậy thì bà cứ yên tâm. Con bà bây giờ đang ở đâu?

Dạ, nó đang ở nhà.

Vậy thì nó cứ ở nhà.

Tôi không hiểu.

Thì tôi nói cho bà hiểu mà lẽ ra bà không nên hiểu. Tôi là người thi hành án, cho đến khi nào tôi chưa thực hiện lệnh thi hành án thì con bà vẫn là người tự do. Bà yên tâm rồi chứ.

Đấy chẳng phải là án treo mà là án nợ. Thôi đành vậy. Nhà nước ơi, cho mẹ con tôi nợ. Ông hàng xóm ơi, cho tôi nợ. Tuấn ơi, cho tôi nợ.

Nợ là một phạm trù tình cảm. Nhưng tôi đang bị báo oán.

Người chồng ngủ qua đêm lại hết ngày. Đến đêm thứ ba ông mới tỉnh. Trong lúc người vợ nghĩ tới con chim Bonjour madame và cơn lãng mạn của ông hàng xóm thì ông chui vào màn của bà. Ông lột quần áo bà ra và giải quyết vấn đề sinh lý của mình trong vòng vài phút. Tiếng con chim Bonjour madam chưa kịp loãng tan thì ông đã chui ra khỏi màn. Lần nào bà cũng cảm thấy mình bị hiếp dâm. Ngay từ cái đêm đầu tiên, bà đã bị ông chồng đánh xưng mặt mày vì cái sự son phấn. Ông ta cật vấn rằng, đã lấy chồng rồi còn son phấn làm gì, tơ tưởng đến thằng nào? Bà muốn bỏ đi ngay sáng hôm sau, nhưng nghĩ tới cha mẹ đành chịu đựng. Cứ tưởng như vô lý, ấy thế bà đã sống với một người vừa ngu vừa ác gần hai chục năm, lại còn đẻ ra ba đứa con đẹp đẽ. Thằng con trai vừa kịp lớn là bỏ nhà đi bụi đời, vì không chịu nổi cái ngu và ác của bố. Nó hăm doạ: Bố còn đánh mẹ thì coi chừng con đấy. Cái ngu và ác của ông bố sợ cái điên của thằng con. Những lúc có nó, không dám đánh vợ thì ông chửi. Ông chửi như thể trên đời này không có kẻ thù nào ác ôn hơn vợ ông. Hai đứa con gái ngoan ngoãn học hành, chia sẻ với mẹ mọi nỗi vui buồn. Chúng ấm ức vì sao mẹ không bỏ bố. Bà chỉ nói sống phải có trước có sau.

Cái chỗ mẹ con bà chui ra chui vào là của bố tôi. Có cái cho vào mồm cũng là nhờ cái xe chở khách của bố tôi.

Hệ luỵ cơm áo là nỗi cay đắng đâu phải chỉ dành riêng cho bà.

 

[còn tiếp]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021