thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG ĐÃ TỚI [chương 7/10]

 

Đã đăng: Chương 12&34&5 - 6

 

7.

Người đàn ông nuôi chim ngồi nhìn cơn mưa sáng. Ông đã đốt đến điếu thuốc thứ ba và cốc café chỉ còn một chút cặn. Lẽ ra, ông đã đứng lên sau điếu thuốc thứ hai. Cơn mưa sáng làm thay đổi mọi thói quen và lịch làm việc của ông. Những con chim cũng thu lu trong chuồng. Lẽ ra, giờ này chúng đã được phơi nắng. Cơn mưa sáng làm thay đổi mọi cảm giác. Người đàn ông ngồi thần ra, ông chờ đợi một sự thay đổi khác, lớn lao hơn.

Trong ngôi nhà gần đó, người đàn bà cũng ngồi nhìn mưa. Hai tay ôm cốc sữa đã nguội, bà muốn nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của người đàn ông xách từng lồng chim ra phơi nắng. Cơn mưa sáng làm mờ nhoà ký ức. Dưới bầu trời, những sợi mưa đan nhau. Người đàn bà lồng ghép những hình ảnh rời rạc thành một cơn mơ mộng mà chính bà cũng không hiểu.

Phải làm một cái gì đó cho sự trống trải được lấp đầy. Người đàn ông đứng lên. Người đàn bà cũng đứng lên. Và họ cùng có một quyết định giống nhau là phải đi ra đường. Người đàn ông nghĩ tới sạp báo và quán nước quen. Người đàn bà nhớ tới tiệm gội đầu. Bởi thế, họ đã đi về hai hướng khác nhau.

Trong quán café, người đàn ông vẫn thần ra. Cạnh đấy, một người đàn ông khác ngồi nhìn ông soi mói rồi cười. Bỗng ông ta đứng lên, đi về phía quày tính tiền hỏi cô chủ quán mượn cây ghi-ta. Rất tự nhiên, ông ngồi xuống chiếc bàn chỗ ông nuôi chim và hát : “Hôm xưa, tôi tới nhà em, ôm hôn quả mít nhớ mùi trần gian...”

Cám ơn về bài hát.

Ông cần cám ơn về một điều khác.

Có liên quan tới tôi à?

Hẳn nhiên.

Tôi không biết điều ấy.

Thì tôi sẽ cho ông biết đây.

Xin lỗi, chuyện tầm phào chăng?

Không đâu, tôi không bao giờ nói chuyện gì không nghiêm túc.

Thôi, ông nói đi.

Ông đã để quên quả mít của mình ở đâu đó. Ông nên đến lấy về.

Quả thực tầm phào.

Ý ông muốn nói rằng ông chẳng có quả mít nào cả chứ gì. Thế giới này đã hỏng rồi. Ông cần phải biết nghe ẩn dụ, vì tôi chỉ nói ẩn dụ và chỉ nói cho người tôi thích. Ông cần phải biết ông đang thế nào. Hãy cho tôi biết ngày giờ sinh của ông.

Rằm tháng bảy, giáp thân, giờ hợi.

Tốt. Ông may mắn vì đã gặp tôi.

Người chơi đàn bấm đốt ngón tay trong khoảng ba phút.

Ông có muốn thay đổi số phận không?

Tôi nghĩ tôi không thể tự thay đổi số phận được, người khác làm cho tôi lại càng không.

Có một người đàn bà đang làm thay đổi số phận ông đấy. Bà ấy đang đi tìm ông và ông sẽ không thể thoát được khỏi tay bà ấy.

Cũng hấp dẫn.

Bởi sự hấp dẫn ấy mà tôi phá lệ xem cho ông. Ông sẽ phải đổ máu.

Tôi không phải loại người có thể đổ máu vì đàn bà.

Ông không muốn thì máu vẫn cứ đổ và chỉ có thể tránh được sự đổ máu với điều kiện hãy làm theo lời chỉ dạy của tôi, nhưng không tránh được hệ lụy với đàn bà.

Tôi có thể tin vào một ông thày bói?

Tôi không phải thày bói. Tôi là người dẫn đường. Nghe tôi nói này, hãy tự đổ máu mình ra trước khi để người khác làm mình vấy máu bằng cách đến nhà thương hiến máu mình cho đồng loại.

Ý kiến này cũng được. Dù ông nói không đúng,tôi vẫn làm được một việc có ích phải không?

Không thoả đáng. Tôi là người không thể không đúng vì những gì tôi nói sắp được ứng nghiệm.

Trước cái vẻ tự tin đến lố bịch của người chơi đàn, người đàn ông nuôi chim không khỏi nao núng. Tuy nhiên, ông chỉ cười.

Tôi vui lòng được mời ông tách café này.

Nhưng đừng nghĩ rằng đã trả công tôi.

Không dám thế.

Chúc ông hạnh phúc.

Cám ơn.

Một chút bâng khuâng đủ để ông nuôi chim nhìn thấy cảnh tượng chung quanh mang một dáng vẻ sống động và khác thường như cái cảm giác ngày đầu tiên bước ra khỏi trại tù. Chợt ông thấy thèm phở y như lần ấy, tận hưởng một cái thú được ăn uống của người tự do, có tiền và được phục dịch không phải như cách ăn của một con chó. Sau này, ông vẫn gọi bát phở ấy là bữa ăn ân huệ cho một tử tù, bởi vì ngay sau đó ông được người ta cho biết vợ ông đã bỏ đi nước ngoài chỉ trước khi ông về có mấy ngày. Những người biết chuyện bảo rằng, bà ấy không muốn nhìn thấy mặt ông vì khám phá ra trước khi đi tù ông không chỉ có một mình bà là vợ. Tuy vậy, bà vẫn nuôi trả nghĩa ông suốt tám năm ròng rã trong trại giam. Những gì bà đã làm cho ông là đủ. Bà đi mang theo đứa con và không cho liên lạc với bố cho tới khi đứa con trở thành một bà mẹ. Những gì ông mới nuốt vào bụng ói ra hết, ói đến cả mật xanh mật vàng. Thế mà giờ đây, ông lại thèm phở.

Ông vừa bước vào quán phở là biết ngay những điều người chơi đàn nói quả thực đã ứng nghiệm. Bà hàng xóm ngồi một mình ở chiếc bàn cuối cùng đang nhìn ông. Đôi mắt ấy hút ông tới. Và ông biết chiếc ghế đối diện còn lại đang chờ ông. Ông đến ngồi trên chiếc ghế ấy, cảm thấy không cần thiết phải chào hỏi.

Bà vẫn thường ăn phở?

Đôi khi thôi. Còn ông?

Đã lâu lắm tôi không ăn phở. Bởi thế tôi cho rằng bữa ăn này do ma xui quỉ khiến.

Ông nói gì lạ vậy?

Tôi xin lỗi, chỉ vì tôi không muốn nói đây là định mệnh.

An phở mà cũng là định mệnh à?

Ít nhất là bữa nay. Cơn mưa sáng làm xáo trộn mọi thứ. Sự xáo trộn ấy làm cho tôi gặp bà ở đây. Bà có vui không?

Tôi cũng không biết.

Tình cờ sáng nay tôi gặp một ông thày bói. Ông ta đã nói với tôi một câu mà tôi muốn nói lại với bà. Ông ta bảo rằng cần phải biết mình đang thế nào. Và tôi có thể cho bà biết, tôi đang rất vui.

Vì lâu rồi ông mới lại được ăn phở à?

Cái chính là được ăn phở với bà.

Ông có cách nói hơi mẫu mực cổ điển.

Bởi chính tôi thuộc về những gì đã cổ điển.

Ông đang tự khen mình đấy.

Nếu như điều ấy bà chấp nhận được.

Nuôi chim có phải là một... phạm trù cổ điển không?

Có lẽ thế.

Người xưa từ quan về ở ẩn vui thú điền dã. Ông vui thú điền dã có phải vì đã

từ quan?

Tôi không từ quan mà bị tước kiếm.

Tôi không hiểu được việc ông nhìn ngắm cảnh chim lồng cá chậu.

Đơn giản là tôi nhìn ngắm chính tôi.

Bát phở nguội mất ngon. Tiếng người đàn bà thở dài rất nhẹ. Tuy nhiên, người đàn ông vẫn nghe được tiếng thở dài ấy.

Bà có hay đi chùa không?

Đôi khi cảm thấy cần thiết.

Tôi tháng nào cũng lên chùa nằm lại vài ngày. Mai tôi đi.

? xa à?

Vâng, chùa Viên Tịnh, Long Thành.

Người đàn bà xin phép về trước.

Có vẻ như mâu thuẫn giữa việc ông thỉnh thoảng lên chùa với việc ông từ chối phóng sinh những con chim vô tội. Nhưng nếu nhìn sâu vào ông, người ta có thể thấy một niềm khoái cảm đớn đau của kẻ khổ dâm trong nghịch cảnh của thời thế. Tiếng hót của chim đối với ông vừa như những lời kinh siêu độ vừa như những nhát dao đâm vào một tâm thức lưu đày. Cửa chùa rộng mở, ông mang cái tính không của sắc tướng nương nhờ cơm chay mà an ủi lẽ vô thường. Ông cũng muốn theo đòi thói khinh bạc của thiên địa coi vạn vật như chó rơm. Nhưng cái hệ lụy dưới rốn một tấc vẫn dãy dụa kêu đòi tự do phô trương thanh thế trên thượng tầng thanh khí của cái đẹp và dưới hạ tầng cơ sở của sự tốt tươi hình thể phụ nữ. Bởi thế, ông háo hức vì cuộc hẹn hò diễn ra tự nhiên nhuốm màu truyền thống Thị Mầu.

 

Từ sáng sớm, ông đã lên đường trên một chiếc xe máy cũ. Quả thực, ông đang có cảm giác của một người đi tìm tự do. Dường như cái điều hết sức đơn giản là được hành xử chính bản thân mình theo như mình thích và muốn vẫn còn quá khó với con người. Đâu là cách để người ta có thể giải phóng toàn diện con người ra khỏi mọi ràng buộc khi giải trừ điều này, người ta lại rơi ngay vào một oan khiên khác.

Chùa Viên Tịnh nằm khuất sau một khu rừng cao su và cách quốc lộ khoảng một cây số, bởi thế nó tránh được bụi bặm và tiếng ồn ào của xe cộ, nó cũng tránh được cả những con mắt ngờ vực lòng kính ngưỡng. Ông nuôi chim bước qua cổng chùa và trở thành một hành giả trên rẻo cheo leo của chân lý.

Một trong những thày tu ở Viên Tịnh là bạn học cũ, cho dù lúc đó họ nằm ở hai phía khác nhau trong cách nhìn nhận cuộc chiến. Một người gọi là giải phóng dân tộc. Một người gọi là cuộc chiến của ý thức. Cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử dân tộc chấm dứt, người bạn vốn đã là một sa di về chùa đi tiếp con đường giải thoát. Còn ông, kẻ vốn thức tỉnh trên những mê lộ của tư tưởng bị chìm trong bi kịch của thân phận người thua cuộc.

Người bạn tu hành dành cho ông một cái cốc kiểu nhà sàn nằm ở góc khuất trong khuôn viên chùa. Ông leo vào cốc nằm xoài người ra như một con cóc chết.

Người đàn bà khép cánh cổng sắt lại trong tiếng kêu khô của rỉ sét. Bà cảm thấy cần trấn tĩnh. Phía trước không thấy ai. Phía sau cũng không có ai. Tại sao bà lại phải trốn tránh chính bà. Thế giới này là gì. Tất cả mọi cánh cổng đều đóng. Và tất cả mọi cánh cổng đều đã rỉ sét. Bà nghe thấy tiếng ngáy của côn trùng.

Giấc mơ không ở trong đôi mắt khép hờ hay nhắm tít. Hãy mở mắt ra mà đi tìm. Hãy bước đi trong sự dứt khoát của đôi chân. Đừng rờ trán mình nóng hay lạnh. Hãy cầm lấy một con dao và để cho hơi thở đều đặn. Hãy vểnh tai lên và mũi đánh hơi mọi dấu vết.

Người đàn bà leo lên một chiếc xe khách. Bà cảm thấy nỗi cô đơn nặng nề trên thân thể. Sau bữa ăn phở cùng với ông hàng xóm, bà nằm vùi trong nhà hai ngày liền, dồn nén mọi nỗi khát khao. Hình như chưa bao giờ bà biết thế nào là nỗi đắm say. Niềm vui bà là những đứa con, nhưng con cái cũng làm bà thất vọng. Cứ ôm lấy mọi bất hạnh để được gọi là hi sinh ư. Bà không muốn phải nghĩ ngợi. Có một cái gì đó dấy lên từ trong sâu thẳm của cơn động tình, bà không muốn chối bỏ nó.

Người trong chùa chỉ cho bà cái cốc nơi hành giả đăm chiêu. Nhưng người đàn ông không ngồi thiền, dường như ông vẫn nằm như lúc ông mới đến, người úp sấp xuống sàn, hai tay duỗi về phía trước, hai chân sõng sượt về phía sau. Một con cóc chết. Một con cóc chết không biết quay đầu về đâu trong thế giới đảo lộn này.

Bà đứng chắn ngay cửa, hai tay bám trên thành cửa, hai chân dạng ra thành hình chữ X.

Đây là chỗ anh quay đầu. Hãy đâm đầu vào đi. Hãy đâm cho em vỡ ra.

Người đàn ông như nghe được tiếng gọi. Ông cựa quậy rồi xoay người nằm ngửa. Từ từ mở mắt, ông nhìn lên mái nhà rồi đưa cái nhìn xuống phía cửa, nơi có hơi thở của giống cái. Đây là định mệnh ông chờ đợi. Ông ngồi bật dậy và khuôn mặt ông vừa ngang giữa háng người đàn bà. Bà kéo đầu ông vào cùng với lúc người đàn ông vòng tay ôm chặt mông bà.

Cánh rừng lấp xấp những cây dại.

Đây là cây cò ke. Đây là cây thúi địt. Đây là cây sim. Đây là cây cám lợn. Đây là cây mai. Đây là cây trắc. Đây là cây bứa...

Ông kể cho bà nghe và chỉ cho bà từng cây đã thân thuộc với ông suốt thời thơ ấu. Cũng những cây ấy theo ông vào cuộc chiến tranh mệt mỏi. Nó còn đeo đẳng ông trong tám năm cải tạo. Và giờ đây, ông lại gặp nó đang bừng lên trên đồi đất khô cằn. Cơn mưa đầu mùa đã rửa sạch những chiếc lá và tưới xuống gốc rễ nó cơn giao hoà mông muội.

Em là rừng cây. Quá khứ. Hiện tại. Và tương lai.

Nhưng anh không phải đất. Cũng không phải mưa.

Anh là không khí và ánh sáng.

Thế rồi người đàn bà ôm hôn người đàn ông vội vã. Họ ngã lăn xuống đất. Tất cả mọi dồn nén của họ được tháo gỡ. Họ làm và nói tất cả những việc và những câu tự bản năng giống vật trong cơn cuồng nhiệt. Họ cũng như cây cỏ, như đất, như nước vì họ là cây cỏ là đất là nước. Họ không còn hân hoan hay thống khổ.

Anh là tự do của em.

Em là dục vọng của anh.

Và như thế họ đã giải phóng nhau. Họ tìm được cách thoả mãn cuộc sống mà không phải ràng buộc vào bất cứ điều gì. Cơm ai người ấy ăn, nhà ai người ấy ở. Mỗi khi cần nhau, họ hẹn đến một nơi nào đó. Họ là tự do và dục vọng của nhau. Điều may mắn của họ là cái tự do và dục vọng ấy hoàn toàn tương thích trong cách hành xử và biểu hiện với nhau cả khi họ làm tình lẫn khi tách rời nhau.

Sự kiện người đàn bà đẹp ra phơi phới làm cho người chồng chú ý tới vợ mình hơn. Vì thế ông cũng đòi hỏi nhiều hơn. Trong mặc cảm của người có lỗi, bà chiều ông nhưng sự xa cách và lạnh lùng thì không thể che giấu, mặc dù đôi khi ông thấy bà dâm đãng.

Trà dư tửu hậu là một tình trạng xấu. Bọn thối mồm đảm khí như gà nhưng thích gáy. Chúng chửi bới nhà nước và mọi chính sách xã hội, chúng nói như quan toà và lương tâm nhân loại. Chúng cũng xía vào chuyện người khác ngoài việc chu toàn trách nhiệm với chính bản thân mình. Bọn chúng là những thiên tài sinh bất phùng thời. Bọn chúng là lũ lười biếng khinh bỉ sự siêng năng của đồng loại. Chúng phán:

Ông bị cắm sừng mà như mù.

Đ.M. thằng khốn nạn nào nói đấy?

Cả nước này nó nói thế.

Cả nước nó nói thế thì ông phải tin. Vợ ông ngoại tình có nghĩa là có một thằng đàn ông không phải ông đã ôm vợ ông và làm những chuyện tồi bại. Máu ông bốc lên đầu. Thằng nào. Thằng nào. Hãy chỉ cho tao biết thằng nào. Chẳng cần phải truy bức thì nhân dân cũng sẽ cho ông biết thôi, vì nhiệm vụ của nhân dân là tai mắt cho xã hội. Ông hãy cứ đi mà hỏi tội nó.

Ông về cầm theo một con dao xông thẳng đến nhà ông nuôi chim.

Mày đã làm gì vợ tao?

Tôi không làm gì vợ ông cả.

Nói láo.

Tôi nói thật.

Cả nước nó bảo mày cướp vợ tao.

Theo chỗ tôi biết, vợ ông vẫn đang ở trong căn nhà của ông.

Nhưng nó ngoại tình.

Tôi không biết khái niệm ngoại tình hay nội tình.

Nhưng mày đã làm tình với nó.

Nhìn con dao trên tay gã vũ phu, ông nuôi chim biết rằng khó tránh khỏi đổ máu. Tiên hạ thủ vi cường, người đàn ông này đã xâm phạm gia cư của ông, bởi thế ông có quyền tự vệ, sự hợp lý cho phép ông tung cú đá vào bụng địch thủ và một đòn tay nhằm đánh rớt con dao. Nhưng cú đá của ông làm thay đổi tư thế của người cầm dao, cho nên mặc dù rất đau, địch thủ của ông vẫn kịp vung dao lên chém vào lưng ông. Giữa lúc ấy người đàn bà xuất hiện cùng với rất đông hàng xóm. Bà quát lên.

Ngừng lại.

Trong lúc ông chồng còn chần chừ thì những người đàn ông khác đã xông vào tước được con dao và áp tải ông về nhà. Người đàn bà đứng nhìn ông nuôi chim giây lát rồi cũng lẳng lặng bỏ về.

Câu chuyện đánh ghen của người đàn ông được người ta bàn tán suốt một thế hệ. Một hành giả đã đổ máu để tẩy rửa cho sự bất cập của pháp luật và tập quán về tình yêu. Riêng người chơi đàn thì kể rằng, lần cuối cùng trong cánh rừng thấp, sau khi cạn kiệt tinh trùng đổ vào cõi vô hạn của người đàn bà tìm thấy tự do, cả hai đã bay thẳng lên trời. Những người biết chuyện còn nói thêm, do một thức ngộ, ông nuôi chim đã thả hết chim ra trước khi bỏ nhà lang thang đến tất cả mọi động đĩ phung phí tinh trùng ở đó. Sự thật có phần khác, cái chết của ông nuôi chim chỉ là hoàn tất một dục vọng. Trong khi người đàn bà vẫn sống vì bà biết cách tìm tự do.

 

[còn tiếp]
 
 

Đã đăng:

... Ở đâu đó trên thế giới thời kỳ đầu thế kỷ 21, đàn bà vẫn là giấc mơ của chính họ. Trong tấm khăn che mặt, sau tấm lá chắn của các tục lệ, dâm tính đẻ ra các biểu tượng kiêu kỳ. Người đàn bà đi dưới cơn mưa kiến tạo nghệ thuật và tín ngưỡng... (...)
 
Trong lúc ngủ với chồng, người đàn bà vẫn nghĩ tới ông thày bói. Dáng vẻ như ông ta vẫn sống trong sự hoang đường của những thị kiến, nhập nhoè giữa cái không thật và cái thật làm cho ông ta trở nên bí ẩn. Vươn tới một cái gì không thật vẫn là một quyến rũ. Nó là cơn lãng mạn chết người... (...)
 
... Ông thi hành án cầm bọc sâu cho chim ăn, nói với chúng: Người ta bảo rằng không ai giam giữ được tinh thần con người, nhưng tao bảo rằng tao bỏ tù cả tiếng hót. Những con chim gật đầu... (...)
 
Xin ngài hãy mở đường cho chúng tôi đi và dẫn dắt chúng tôi theo sự khôn ngoan của ngài. Chúng tôi muốn giàu có và được hành xử như những kẻ quyền thế. Chúng tôi muốn được thoả mãn mọi nỗi khát thèm và thị thực mình dưới ánh sáng vinh quang ngưỡng vọng của đám đông... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021