thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thuở Vi Diệu ngắn ngủi

 

Ngay sau Sài Gòn Giải Phóng (giải phóng cái gì?) tôi lấy vợ, cô Lệ, em cô Hạnh, bạn gái vớ vẩn của tôi. Trước lúc “được giải phóng”, là những ngày Sài Gòn hoảng loạn, sôi sục chuyện ở, đi. Nhà thơ Tô Thùy Yên, trong quân đội là thiếu tá trưởng phòng văn nghệ, cục tâm lý chiến, “sếp” của tôi. Ông nói ngang tàng, phẫn nộ: “Việt cộng mà nó chiếm được Sài Gòn, tôi thà đi công trường chớ không tháo chạy như lũ hèn hạ.” Tôi, thành thật như một nhà thơ: “Tôi cũng ở lại, nhưng tôi không sống ở Sài Gòn. Tôi đi vào rừng.” Tôi đi vào rừng thật, lên Đơn Dương, vào rừng Tutr’a. Tôi từng biết vùng rừng này, quen một người bỏ Đà Lạt vào sống tại buôn Thượng. Buổi chiều, trên thềm tối của căn nhà người quen ấy, tôi ấp úng, nói cà lăm, trả lời mấy ông giải phóng về lý lịch nhân thân. Ngay sáng hôm sau, tôi trở lại Sài Gòn. Chính thời gian này, đã cho phép tôi ghi vào tiểu sử in ở bìa gấp của một tập truyện ngắn làm nhiều nghề mưu sinh, kể sơ thì có nghề phụ hồ, nhổ hàng trăm cây cọc sắt, hàng rào của một trại lính cũ, chạy dọc dài con đường Cường Để thơ mộng tới bờ sông Sài Gòn. Con đường chẳng thể ghi dấu những buổi đi dạo với Hạnh. Tôi còn nhớ như mới hôm nào, tiếng cười rúc rích chuột kêu của cô nữ sinh Gia Long bên vai anh chàng vận đồ nhà binh, quân nhu phát sao mặc vậy. Hạnh du học tự túc bên Nhật, trước Sài Gòn Giải Phóng vài năm.

Chính Hạnh ngạc nhiên khi biết tin tôi thành hôn với Lệ. Hòa thì bực giận. Hòa là em Lệ.

Trước ngày đám cưới, người mẹ của ba cô gái nói với cô dâu: “Sao con lại lấy cái thằng lăng nhăng ấy?” Bà biết tôi từng là bạn trai của Hạnh, sau đó hay gặp Hòa. Rồi lấy Lệ.

Từ Paris, Hạnh lúc đó ở Paris, gửi quà về gia đình khốn khổ ở Sài Gòn Giải Phóng. Tôi nhận được cái đồng hồ đeo tay loại rẻ tiền, vỏ xi vàng như hàng mã, và một lá thư có những lời khuyên nhủ đáng giá: em phải sống thực tế, không thể mơ mộng như trước nữa, vân vân... Tôi không viết trong thư phúc đáp, mơ mộng mẹ gì được nữa, mấy ông Việt cộng giải phóng hết mẹ cả rồi. Tôi viết: dù tôi lấy em hay lấy con của Hạnh, cô cựu nữ sinh Gia Long cũng đừng ra giọng bà chị, bà mẹ.

Lệ ra trường sư phạm vào năm Sài Gòn Giải Phóng, dạy học ở Thủ Thiêm, được cấp nhà trong cư xá công nhân viên. Giáo viên của nhà nước cách mạng, năm nào cũng học tập bồi dưỡng chính trị. Cô giáo Lệ học tập trung ở Thủ Đức. Đợt bồi dưỡng chính trị năm 1983, tôi không biết làm gì cho hết một ngày trống rỗng thất nghiệp, đi xe đạp từ Thủ Thiêm lên Thủ Đức, định cùng về khi cô giáo Lệ hết giờ học. Hóa ra Lệ gửi xe đạp ở nhà người quen tại Thủ Thiêm, lên xe gắn máy Honda người bạn trai chở đi học, và tất nhiên sẽ chở về. Người bạn trai này là đồng nghiệp buôn bán “chợ trời” với người mẹ của Lệ.

Tôi chẳng nhớ lúc ấy tâm trạng mình ra sao, đạp xe trên những con đường thị trấn. Tới nhà ga, quẹo vào. Quẹo xe, liền nhớ một câu thơ Viên Linh: À xe ta quẹo lối này. Vào nhà ga, tức thời nhớ hai câu thơ Bùi Giáng: Môi cười ở cuối sân ga / Phố là cố quận nay là tiễn nhau. Thi ca thần diệu thật, tôi chẳng còn nhớ gì cô giáo và anh chàng chợ trời. Tôi nghe tiếng hét, ông Bùi Giáng kêu tên tôi: Dã quỳ đại ca! Ông Bùi Giáng xách bị tới nhà ga Thủ Đức. Ông Bùi Giáng lúc nào cũng mang theo cái bị, nó là cái bao tải bẩn thỉu, tôi chưa từng hỏi ông đựng những gì trong đó, ông cũng chưa từng tiết lộ mình đựng những gì trong đó. Có một lần tôi biết trong cái bao tải có chó con, không biết là mấy con, nghe tiếng chúng kêu, rên ầm ỹ. Tôi hỏi ông, có mấy con trong cái bao, ông nói quên chưa đếm, cũng may sau đó ông không trút ra để đếm.

Lần này ông Bùi Giáng tiết lộ: “Có một bao thuốc lá Điện Biên trong bị đây, đại ca cùng trẫm gạ bán lại cho hàng thuốc lá nào đó, lấy tiền uống rượu.”

Ông Bùi Giáng đi bộ, vai mang cái bị. Tôi cũng đi bộ, tay dắt cái xe đạp, nó cũ kỹ xộc xệch, không chở đôi được. Chúng tôi đi mời chào gạ bán bao thuốc lá Điện Biên cùng khắp dọc đường từ Thủ Đức về Bình Triệu chẳng ai mua. Ông Bùi Giáng bảo: “Đại ca chớ buồn, mà phải vui. Không ai mua thuốc lá Điện Biên, vì đây là thuốc lá Việt cộng, dân chúng tẩy chay thuốc lá Việt cộng.” Ông Bùi Giáng cùng ngồi xuống với tôi, trên lề đường, phía ngoài nhà ga Bình Triệu, chắc hẳn đôi chân ông cũng rã mỏi như đôi chân tôi. Ấy tuy nhiên, sau lưng hai người là một nhà ga, cuối sân ga có nụ cười.

 

*

 

Sau đó tôi chỉ liên hệ với Lệ, làm thủ tục ly dị. Sau đó nữa, tôi gặp Vi Diệu, trong một hiệu sách quốc doanh gọi là Hiệu Sách Nhân Dân. Tôi vào đó để mua bộ sách Lê-nin toàn tập, gồm mấy chục cuốn, giấy trắng mịn mỏng như giấy sách Kinh Thánh, những người mua giấy cân kí trả giá rất cao, gấp nhiều chục lần giá mua từ hiệu sách nhân dân. Với tiền bán bộ sách này, tôi có thể chi tiêu rộng rãi cả tháng, nên tôi cố mua cho bằng được. Những người phụ trách bán sách ở các hiệu sách nhân dân tại Sài Gòn đều biết vụ việc đó, nên họ chỉ bán cho những ai có giấy giới thiệu của ngành văn hóa thông tin. Cái giấy quý giá này, thỉnh thoảng tôi mới xoay xở được.

Tôi vào Hiệu Sách Nhân Dân ở con phố gần nhà, nhà của cha mẹ, tôi về lại đây sau khi chia tay Lệ, xem còn bộ sách Lê-nin toàn tập nào không. Nếu còn, tôi sẽ đi xoay xở giấy giới thiệu. Cô gái đứng sau quầy thu hút tôi ngay lập tức. Cô hơi cúi đầu xuống, đọc sách gì đấy, tóc thả hai bên khuôn mặt thanh tú trong trẻo. Dáng người thanh mảnh càng thêm vẻ rét mướt cao nguyên, cô gái thu mình thêm cho sự tập trung đọc sách. Thay vì hỏi về bộ sách Lê-nin toàn tập, tôi hỏi cô đang đọc cuốn sách gì. Cô gái mỉm cười, nâng cuốn sách cho tôi thấy bìa sách: Ngàn Thu Rớt Hột. Tôi bắt chuyện dễ dàng, nói về Bùi Giáng, cả về thơ lẫn về người. Tất nhiên sau đó tôi biết tên cô gái, Nguyễn Thị Xuân Diệu. “Chắc ba hay má cô thích thơ Xuân Diệu?” Cô gái lại mỉm cười, nói: “Có lẽ ba tôi chỉ thích cái tên đó, đặt tên cho tôi, trùng tên nhà thơ Xuân Diệu mà thôi.” “Còn cô có thích thơ Xuân Diệu?” Cô gái cười thành tiếng nhỏ, răng thật đẹp, có một chiếc răng khểnh, “Có lẽ tôi thích thơ Xuân Diệu nhiều hơn vì cái tên chứ không phải vì thơ Xuân Diệu.”

Tôi nhìn xuống mặt quầy, một bàn tay cô gái úp trên trang sách, những đường gân xanh hiện rõ. Tôi hỏi cô đọc thơ Bùi Giáng nhiều không, cô nói: “Tôi đọc thơ Bùi Giáng từ hồi học ở Đại học Vạn Hạnh. Hồi đó vẫn thường thấy ông Bùi Giáng với cái bị.” Tôi kể chuyện ông Bùi Giáng gạ bán bao thuốc lá Điện Biên để lấy tiền uống rượu, cô gái hỏi: “Thế anh cũng không có tiền à?” “Thỉnh thoảng cũng có. Chẳng hạn khi nào có giấy giới thiệu mua Lê-nin toàn tập.” Cô gái nhìn tôi, cái nhìn lo lắng, “Bây giờ anh có giấy giới thiệu không?” Tôi lắc đầu, nói: “Khó là cái giấy giới thiệu.” Cô gái nghĩ ngợi một chút, nói: “Thế anh có tiền lấy bộ sách này không?” “Chẳng lẽ lại không có!” Cô gái bán cho tôi bộ sách Lê-nin toàn tập không cần giấy giới thiệu.

Tôi lại gặp ông Bùi Giáng, dĩ nhiên lại gặp cả cái bị, ở khu vực Viện Hóa Đạo cũ, một vài ngày sau khi tôi có tiền rủng rỉnh vì Lê-nin toàn tập. Ông vận chiếc áo khoác rất đẹp, ông nói của Công Thế Cường ở Mỹ về tặng. Tôi biết Công Thế Cường, một chàng rất đẹp trai, làm ở ngành ngoại giao thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nghĩa là một chàng bảnh bao trăm phần trăm, chiếc áo khoác chàng tặng nhà thơ đẹp như xứ sở Hoa Kỳ.

Ông Bùi Giáng nhìn tôi, ánh mắt sáng lên một vẻ điên dại, “Chớ nhà ngươi tưởng ta vận áo đẹp khơi khơi như vầy hả? Đi với ta, tới gặp một trang quốc sắc.”

Ông dẫn tôi tới con phố nhỏ hẹp, đường Trần Văn Văn cũ, dừng lại trước một căn nhà nhỏ, cửa sắt đang đóng. Ông đặt cái bị xuống, mở cửa sắt, tiếng kêu rít vang lên, ông đứng giữa chỗ trống, ngang tàng như một hiệp sĩ thời Trung Cổ.

Cô gái đẹp, tôi cho rằng chỉ có khuyết điểm là vẻ mũm mĩm, và một vẻ tươi thắm quá tràn đầy, ông Bùi Giáng giới thiệu cô gái là Người Đẹp Hồng Ngự. Tôi liền nhớ tới (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, quyết định sẽ dẫn ông Bùi Giáng tới, ngay sau khi rời nhà người đẹp Hồng Ngự.

(Nguyễn Thị) Xuân Diệu bối rối khi gặp nhà thơ Bùi Giáng bằng xương bằng thịt. Ông Bùi Giáng hỏi chuyện giọng oang oang, cô gái trả lời lí nhí trong cổ họng. nhà thơ xé bao thuốc lá, lấy miếng giấy bạc bên trong, viết hai dòng thơ tặng: Gọi là Vi Diệu cô nương / Mùa Xuân hương sắc xin nhường cả hai.

Những ngày sau đó tôi tới thường xuyên, gần như ngày nào cũng tới Hiệu Sách Nhân Dân, không phải để rình mua bộ sách Lê-nin toàn tập, mà chỉ để gặp Vi Diệu, bởi từ lúc này, như thơ ông Bùi Giáng viết tặng cô (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, cô là Vi Diệu của đời tôi. Cô luôn đứng sau quầy, tôi đứng trước quầy, một khoảng cách quá thân mật cho hai người đối diện thì thầm. Ấy tuy nhiên, dù đã thân thiết, dù tôi rất muốn nắm bàn tay gầy guộc nổi gân xanh của Vi Diệu, vẫn chưa một lần tôi chạm tới. Có một lần, chợt nhìn thấy một bàn chân của Vi Diệu phía dưới quầy, tôi thầm cảm ơn cái quầy hổng, không che kín sát đất, bàn chân ấy đặt trên chiếc hài, tôi rút chân tôi ra khỏi giày, đặt bàn chân ấy lên chân Vi Diệu. Cô vội rút chân ra khỏi chân tôi, im lặng một lúc, hỏi tôi: “Anh có đọc truyện Mối Tình Chân của Nhất Linh rồi chứ?”

Một ngày sau đó không lâu, tôi không muốn nhớ: Vi Diệu cho tôi biết, cô đã đính hôn. Anh Phan Đình Mỹ Kim, và tôi được ai đấy cho biết, anh Kim sắp đi Mỹ, diện HO, bởi là con của ông tướng Lam Sơn - Phan Đình Thứ. Tôi chưa hề biết, gặp anh Kim, nhưng người cha của anh thì không riêng tôi, một triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa biết ông. Nhiều người bảo ông có đeo trước ngực cái bùa hay cái răng nanh của heo rừng gì đó, mũi tên hòn đạn của đối phương thấy là phải né. Cái ông thượng sĩ cắc ké, có vợ đẹp, vợ được ông tướng Lam Sơn chiếu cố. Ông thượng sĩ nổi khùng, xách súng tìm ông tướng, liền nhận lãnh viên đạn của ông tướng bắn chết tươi, ông thượng sĩ không kịp giương khẩu súng phẫn nộ của kẻ mọc sừng. Tôi từng thương xót bụi tre vàng sọc xanh rất đẹp, trong khuôn viên tư dinh của tướng Lam Sơn. Ông mỗi ngày mỗi ra lệnh cho lính di chuyển bụi tre hết chỗ này tới chỗ kia, tới khi bụi tre quá mỏi chân tức mình mà chết. Mới đây, nghĩa là sau khi Vi Diệu cùng chồng sang định cư ở Mỹ trên mười mấy năm trời rồi, tôi lại biết thêm về ông tướng nổi danh tai tiếng. Hóa ra một người tôi quen thân từ mười mấy năm trời, nghĩa là từ thuở Vi Diệu ngắn ngủi của tôi, một ông kỹ sư vi tính từ Hà Nội vào, ông ta là anh em con cô cậu với tướng Lam Sơn. Ông ta bảo, vì sao đó thì ông ta không biết, người anh con cô của ông ta, viên chính ủy cao cấp Việt cộng, lại trở thành viên tướng của quân đội quốc gia, thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng ông ta biết rõ, vì sau Giải Phóng “ông anh tôi có nhờ cậu, là bố tôi, can thiệp giúp, nói với mấy ông cán bộ cao cấp ở miền Nam đừng cho truy tìm bắt tội, họ hiểu lầm đấy thôi, ông anh tôi không hề chỉ điểm cho ngụy quân ngụy quyền bắt giữ một người cán bộ cách mạng nào sất!”

Trước ngày thành hôn với con ông tướng Lam Sơn, Vi Diệu nói trả lại những gì tôi đã viết gửi cô, chỉ giữ lại miếng giấy bạc trong bao thuốc lá của ông Bùi Giáng. Tất nhiên tôi chẳng cầm lại những thứ ấy làm quái gì, tôi nói Vi Diệu muốn liệng đi đâu thì liệng. Vi Diệu nói: “Tôi không thể liệng đi được. Anh không chịu nhận lại, muốn tôi đốt thành tro rồi uống phải không?”

Tôi nói tất nhiên tôi không hề muốn như vậy, tôi chẳng muốn cái gì cả. Muốn như vậy cũng chẳng được, mà có được cũng chẳng để làm gì.

Bây giờ Vi Diệu ở Hoa Kỳ, rất có thể cô đọc báo mạng Tiền Vệ, nghĩa là cô có thể đọc những gì tôi viết ở đây. Anh Phan Đình Mỹ Kim cũng có thể đọc. Nếu thấy chi tiết nào làm anh Kim khó chịu, Vi Diệu hãy nói giùm tôi: Đây là văn truyện của một anh chàng tên là Nguyễn Đạt, muôn đời ở Việt Nam, bạn của cái ông nhà thơ điên Bùi Giáng ấy mà! Mấy ông ấy điên khùng lắm, có gì mà phải chú ý, để tâm...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021