thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngưu hoàng

 

Riết rồi lão cũng tìm thấy nó. Đúng ra, nó tự tìm đến. Nó. Chỗ bấu víu cuối cùng. Niềm hy vọng cuối cùng.

Mấy năm trước đây, tất cả đổ dồn vào một kết luận: lão sắp chết. Không tài nào lão biết cụ thể là những ai đã nói, mấy đứa con trai phá gia chi tử, hay gã bác sĩ tới thăm bịnh, hay gã thầy thuốc nam người Miên. Hay tiếng nói từ chính cơ thể rệu rão của lão. Lão sẵn sàng trả món chén bát cổ để được biết chính xác là kẻ nào nói điều đó. Tuy nhiên, lão rất tin vào dự báo khốn nạn này. Và lão về ở hẳn khu vườn, ngôi nhà của ông bà cha mẹ để lại. Khu vườn rộng cả mẫu đất chung quanh bao bọc hàng tre kín như bưng trừ khoảng cổng ngõ và hàng rào chè tàu phía trước. Ngôi nhà lá mái và toà ngang dãy dọc, nhà lẫm, nhà ăn, nhà kho, nhà bếp của một thời huy hoàng tấp nập người ra kẻ vào, người ở đợ, trai cày... Một thời nhà lẫm đầy lúa gạo, kho chất hàng đống bí đao bí đỏ, dãy chum lớn cả chục cái đựng đường, đậu xanh, đậu đen, dầu phộng... Cái thời tiệc tùng cúng giỗ rình rang vài ba ngày với đủ các loại quan khách, họ tộc và ăn mày... Lâu nay khu vườn và ngôi nhà giao cho những đứa cháu canh tác, cai quản. Thay nhau mấy lớp. Khi thì thằng Sáu cháu ông thợ Tạo ngày xưa dựng nhà cho ông nội lão. Cũng lạ, ngôi nhà lá mái chạm trổ công phu tất cả những gì thuộc về gỗ, trừ nền đất nện, mái, vách, cửa nẻo đều hai lớp, người thợ nào đã được chọn coi như ăn dầm nằm dề năm này qua năm khác mới làm xong và sau đó trở thành người thân của gia chủ, cúng giỗ, tiệc tùng quan trọng phải về, có khi còn để tang gia chủ qui tiên. Có lúc là thằng Bảy con ông trai cày về tiếp quản. Ở thành phố lâu lâu lão về thăm nom, nhắc nhở bọn này và thu hoạch cây trái trong vườn. Bọn người làm chỉ được ở nhà dưới. Như xưa. Đó là phận hiển nhiên của kẻ ăn người làm. Cửa lên nhà chính luôn đóng kín. Ngôi nhà không có hơi người dần ẩm mốc, mối mọt bắt đầu xông những thớ gỗ nhẹ. Bọn phá hoại. Lão rủa inh lên mỗi độ về. Nhưng là rủa chung chung thôi. Bọn phá hoại có ba thằng con trai lão. Đứa này nục xin tấm phản gõ dày cả gang tay về xẻ làm sa lông thẻ, đứa xin cái tràng kỷ chạm khắc xà cừ về kê nằm mát, đứa cái mâm đồng, đứa chở chum vại, hũ, tỉn có tuổi hơn trăm năm... Rồi cũng chẳng còn ở nhà chúng nó. Hoặc bán cho đám đồ cổ hoặc vứt đi thay đồ hiện đại. Tan hoang này có lỗi của lão: chính lão cũng không thấy hết giá trị ngôi nhà của cha mẹ và đã dễ dãi vứt bỏ. Ba đứa con trai không đứa nào thèm nhận nhà từ đường và lão cũng hùa về phố ở với chúng. Cho tới cái ngày có kẻ nói lão sắp chết. Cho tới khi gã thầy thuốc người Miên nhắc tới hai tiếng ngưu hoàng. Lạ thật, hình như cũng gã thầy Miên này cách đây cả bốn năm chục năm tới nhìn tướng con bò trong dãy chuồng bò cha lão, điểm mặt một con nói ngưu hoàng gì gì đó. Hồi đó lão mới ngoài hai mươi. Gã thầy Miên hồi đó giờ vẫn vậy, không một chút đổi khác. Cha lão ậm ừ. Ông không quan tâm lắm vì đang mải miết truy tìm cuốn sách có tên là Vạn Pháp Qui Tôn gia bảo của ông nội ông. Nghe đâu cuốn sách pháp thuật này đem lại sự giàu có thịnh vượng của gia tộc. Ngôi nhà cổ. Khu vườn rậm rạp. Ngưu hoàng. Và có thể là Vạn Pháp Qui Tôn nữa. Lão quyết định về. Tự cứu mình. Cứu ngôi nhà tổ tiên.

Năm đó gã mới ngoài hai mươi và mới lấy vợ. Ông mai phải chật vật lắm mới dàn xếp được cho mọi thứ đầu xuôi đuôi lọt: nhà nữ nghe người ta đồn đại đàn ông nhà lão thường ra vườn ăn nằm với ma! Vợ lão là con nhà dòng dõi quan quyền thời cuối mùa, gia thế lão đừng sựng hàng trăm mẫu ruộng cũng gọi là môn đăng hộ đối. Vợ lão đẹp, sắc sảo, được nuôi dạy tử tế về tam tòng tứ đức. Nhưng một lần cô ta nổi loạn. Cha lão có ba vợ, ông thường xuyên bênh vực bà tư trẻ đẹp và ức hiếp mẹ lão. Bữa ăn đó ông quát mắng bà hai nặng lời vì một lý do ấm ức không đâu. Mâm ăn nặng nề. Cha lão tiếp tục lải nhải những điều ngu xuẩn. Cộp. Cha mà còn ăn hiếp má nữa thì chén cơm này vào mặt dì đấy! Cả nhà sửng sốt: vợ lão, cô con dâu lâu nay hiếu thuận, ngoan ngoãn lành hiền đang dộng chén cơm xuống đất cảnh cáo cha chồng và bằng cái giọng cực kỳ láo xược. Cha lão há hốc mồm kinh ngạc rồi đứng bật dậy, ông vớ ngay cây chổi sau lưng. Vợ lão chạy vội lên nhà trên, tay nắm chéo khăn trải bàn thờ, cha mà đánh con, con lật luôn cái bàn thờ này! Nhà mình tới hồi không cần bàn thờ mạt chủ nữa rồi!!! Cha lão giận run, tím mặt. Ông lần chần một chút rồi vứt cây chổi, lẩy bẩy đi qua mọi người đang sợ hãi nép dọc lối lên. Ông bỏ bữa ăn, ra vườn. Mâm cơm cũng giải tán, không ai còn tha thiết động đũa. Vợ lão sau đó có gặp xin lỗi cha, ông không nói gì nhưng những tháng năm còn lại ông hết ăn hiếp mẹ lão. Ông cứ ngơ ngác tìm kiếm trong nhà, quanh vườn... Cuốn sách, có lúc ông lẩm bẩm...

Khu vườn được ngăn đôi bởi mương nước xuyên rào tre chảy qua. Nó ngoằn ngoèo theo một hình thể có chủ ý, hồi lão còn nhỏ có nghe cha nói ông cố lão khơi long mạch. Hình loằng ngoằng là thế ếm giữ không cho âm giới tràn sang nửa trước, nơi gia đình ngụ cư. Cha dặn lão ban đêm không được qua cầu tre sang bên kia. Bên kia là những cây xoài, vú sữa lâu đời rợp bóng. Ngoài rào tre phía ấy là ngọn đồi thấp trước đây có một ngôi cổ tháp, giờ đã sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn vết tích gạch vỡ, những mảnh đá trang trí sứt sẹo hình thù không ra người không ra thú, sau này nhiều người tới đào bới thu nhặt rồi mang đi đâu chẳng rõ. Rất nhiều chuyện rùng rợn từ khu vườn bên kia mương. Mỗi người thấy một phách nhưng mẹ và các dì lão đều rất thống nhất chi tiết những con ma nữ khóc văng vẳng; tiếng rì rầm vòng vọng; giọng ru con hời hời... Con chó mực xích sau nhà đêm đêm sủa vọng vào bóng tối bí ẩn. Một lần chạng vạng lão còn ngồi câu ráng nơi ao nước — đoạn mương được đào sâu để lấy nước tưới cho vườn rau phía trước — cá thác lác ăn nhiều vào giấc này, lão giật được nhiều cá, mê quên vô nhà, không hiểu sao mẹ và hai dì bận việc cũng quên gọi tìm như mọi hôm. Lỗ tre phía đầu mương nước bỗng trồi lên nửa thân hình người phụ nữ trẻ, áo bà ba trắng tóc dài êm không tiếng động, phần tóc còn khuất sâu dưới nước. Con ma tóc dài dùng tóc đan thành võng ru con nghe người lớn kể giờ đang hiện lên trước mắt. Lão hét lên hãi hùng rồi ngất ở bờ ao. Cha cấm tiệt mọi người, cả mấy anh trai cày, ban đêm không được vượt qua mương nước. Ban ngày, trừ lúc thu hoạch cây trái, lâu lâu dọn cỏ, hoặc vài việc cần thiết, không ai sang bên ấy. Đó là một thế giới u huyền từ buổi khai lập. Sau này lớn lên, lão nghe người ngoài bảo ông cố rồi ông nội lão dùng pháp thuật thu phục được nhiều những bầy gà vàng dẫn con đi ăn đêm đêm quanh khu đồi, những đàn gà này bơi theo mương nước vào vườn rồi bị hoá. Hoặc rào tre dày bịt phía sau tự dịch chuyển mở thành lối dẫn dụ vào rồi khép lại như cũ. Chuyện này thực hư ra sao chẳng rõ nhưng con trai lão từng cày cục xin mấy cái ché nhỏ có viền trang trí rất tinh tế, bọn đồ cổ bảo gốm Gò Sành cách đây tới hơn năm trăm năm. Nghe nói những chiếc hũ sành chứa báu vật được chôn giấu kỹ dưới đất sâu, ta có thể nhìn thấy nó toả sáng ban đêm nếu luyện được phép nhật quang ám thị...

Không quan quyền, ông cha lão vẫn có tiền mua hàng trăm mẫu ruộng. Chuyện này được giải thích từ cuốn sách. Người ta bảo cao tay ấn, cuốn sách có thể di sơn đảo hải, sái đậu thành binh... Hồi bọn Phú Lãng Sa qua đánh chiếm đất nước ta, chúng săn lùng tìm bắt người sở hữu Vạn Pháp Qui Tôn vì sợ phép gọi quân đánh giặc của nó, ông cố và ông nội lão đã cất giấu đâu đó trong khu vườn mênh mông kỳ bí.

Năm lão mười bảy tuổi, khu vườn đã chứng kiến lão thành đàn ông, một cuộc lớn lên kỳ lạ. Trước đó lão đã hết sợ những tán cây rậm rạp, hết sợ người nữ tóc dái áo trắng, và như tiền định, những người đàn ông cứ thay nhau đi về phía khu vườn. Lão nằm trên chõng tre dưới tán cây vú sữa rợp mát, thiu thiu ngủ. Trưa nồng. Thường thì cha lão nằm đây. Hôm nay ông lo chuyện nhóm họ nhà dì tư. Lão ở trần quần đùi, giăng cái sức lực mới lớn của mình ra trên chõng tre, thiu thiu ngủ. Một làn hương lạ trầm xuống quanh lão, lạ lắm, không phải bất kỳ loại hương hoa nào, nó vừa rộng rãi bừng thức của đồng cỏ sáng xuân, vừa kín đáo thanh u của vườn đêm thấp thoáng trăng, nó đâu đó hàng ngày thoảng chợt không thể nắm bắt nhưng chắc chắn hiện hữu và từng tế bào căng tràn thính nhạy mười bảy rộn rực sinh sôi của lão cứ rụt rè ngây ngất đón chờ. Lão định mở mắt nhưng không thể. Chỉ có thể nhận ra như màn trập trùng sợi đêm miên man như tóc vô định, chỉ có thể nhận ra cái nhộn nhạo lạ lẫm của hơi thở của thịt da, của tê rần ngân vang không dứt niềm sướng khoái chưa từng biết, của chơi vơi choáng ngợp rơi, của co giật vỡ oà tuyệt vọng và tột đỉnh. Lão giật mình tỉnh dậy rã rời nỗi sướng vui, bẽn lẽn quay nhìn quanh quất. Khu vườn tuyệt đối yên tĩnh. Rất đáng ngạc nhiên là lão đang nằm sấp chứ không phải tư thế ban đầu. Lão ngồi dậy nghếch mũi, chỉ có mùi lá khô và nấm mốc quanh vườn. Một dệ nước deo dẻo nhèm nhẹp giữa hai đùi. Lão ngó quanh rồi vạch quần, vật truyền giống ran rát rơm rớm máu và lần đầu tiên hiển lộ hoàn hảo, ướt mướt hãnh diện. Lão đã ra vườn sau đó, nhiều lần, ngày và đêm...

Ngày đầu tiên về lại ngôi nhà, lão cũng ra vườn. Chiếc chõng tre đã nát từ lâu nhưng mấy chục cây xoài, vú sữa lâu niên vẫn còn đó, già cỗi và ít trái; đã có nhiều cành khô, nhiều mảng gãy đổ vì những cơn bão lớn; rào tre còi cọc, thưa thớt; cỏ dại ngui ngút hoang tàn. Tấm cửa gỗ nặng nề kẹt mở, trong ngôi nhà chính tất cả mọi vật phủ dày lớp bụi như đã ngàn năm với rào rào khúc hoan ca mối mọt... Ngưu hoàng. Chỉ có ngưu hoàng!...

Tả thanh long hữu bạch hổ, dãy chuồng bò từ góc trước gần cổng dọc rào ra đến quá nhà, dài hơn ba chục mét, luôn có ba bốn chục con. Ngăn cách phần sân rộng, đầu hồi chái tây ngôi nhà với chuồng bò là hàng đống rơm to, nguồn thức ăn chính cho đám bò; nước đường là thức bồi dưỡng cho chúng mùa cày. Gã thầy Miên theo người ở chận bò từ đồng về, đứng ngẩn người quan sát thêm một lát rồi chỉ con Cộ. “Ngưu hoàng”, ông ta lẩm bẩm. Chỉ có mình nó bồn chồn không yên trong chuồng chứ không vội vục mõm uống nước, hoặc ăn thêm món rạ cũ nồng mềm thơm. Buổi sáng ra đồng không bao giờ nó vội vã gặm cỏ như những con khác mà chỉ chăm chắm ngó mặt trời. Ngó không chớp mắt. Tới khi nắng gắt hẳn mới nhảy lồng lên sung sướng mạnh mẽ sán đến ăn gần lũ bò cái. U to, cổ dày, yếm dài, ngực nở, bụng thon — nó sung mãn vô địch, không có bất cứ đối thủ nào. Nhà vô địch ngó mặt trời, nếu mắc ách vào giờ này cũng nhất quyết không chịu cày. Khi ánh dương bừng thức, nó dừng sững lại. Hoặc nó chỉ để truyền giống hoặc cày chiều hoặc sáng sớm trước khi mặt trời mọc hoặc... thiến dái. Bị hoạn nó sẽ mất ngưu hoàng. Nhiều khi người ta không biết, không cần ngưu hoàng, cái túi nhỏ như túi mật thứ hai, trong veo — cái túi ngọc! Nhiều khi người ta chỉ biết rằng cái túi nhỏ trong veo này cô lại thì đen hin, xát tay vào thì vàng như nghệ và nếm thấy vị đắng hơn mật gấu, véo một chút chưng với trước lịch cho người đang hồn lìa dần khỏi xác cũng sững lại sống thêm đợi con đợi cháu. Như sâm. Người ta chỉ biết năng lực tích hợp cao nhất sự sống ở ngưu hoàng. Gã thầy Miên chỉ nói ngần ấy. Chỉ biết ngần ấy. Còn lão thì biết gì hơn?

Lão sắp chết. Ngôi nhà và khu vườn đang tàn lụi. Không nhớ được kẻ nào đã nói lão sắp chết, đám con phá gia chi tử, gã thầy Miên, tay bác sĩ thăm bịnh hay chính cơ thể lão bật ra câu nói đáng sợ đó nhưng có vẻ như vậy thật, khi ngôi nhà mối xông và khu vườn đang tàn lụi. Vạn Pháp Qui Tôn thì xa xôi mơ hồ quá. Chỉ có ngưu hoàng. Bỗng dưng lão tin vào năng lực thần kỳ của ngưu hoàng. Ngưu hoàng cứu rỗi. Và mọi thứ sẽ rạng rỡ, huy hoàng như xưa. Cả cái cơ thể đang rệu rão của lão.

Lão gọi thằng Sáu, thằng Bảy tới, rộng rãi cho nó hưởng những công xá cao từ hoa lợi hoặc nguồn tiền riêng lão dành dụm được từ mấy món cổ vật bán trước đây, phân việc cụ thể tôn tạo khu vườn, ngôi nhà. Phần nhà chủ yếu là giặm giá lại những chỗ dột nát, quét dọn bụi bặm, lau rửa hàng chum vại lớn... gọi thêm vợ con bay vô làm... phải tấp nập, đông đúc người... phải làm lại, phải trở về với những gì đã từng có... tản ra, túa đi đến bất cứ lò bò nào, gã buôn bò nào, đấy, những đặc điểm ta đã mô tả đó... ta sẽ trả tiền gấp hai gấp ba... nhanh tay lên, nào, các ngươi chỉ cần giúp ta tìm lại được những gì đã có, các ngươi sẽ được sống sung sướng, con cháu các ngươi sung sướng đời đời kiếp kiếp...

— Ông thuê việc thì con làm thôi. Ông cha con cũng làm thuê làm mướn kiếm sống. Đời chúng con giờ cũng vậy. Trước gọi là đầy tớ, giờ làm thuê, cũng chỉ khác nhau cách gọi. Nhưng ông ơi... ông nghĩ kỹ đi chớ, thời đại này, ngay chúng con cũng xây được nhà mới... ông giữ mãi khu vườn âm u, ngôi nhà cũ kỹ để làm gì?

— Chúng con cần tiền, cần việc làm để sống. Chớ còn sung sướng... đời đời... ông nói sao giống cha xứ giảng đạo về thế giới... của Chúa...

— Ông ơi, những người dân nghèo khổ chúng con không thể không hy vọng một ngày nào đó sẽ có cuộc sống sung sướng hơn, thôi thì đời mình đã đành, hy vọng là trông chờ vào đời con, cháu. Nhưng... thiên hạ làm ăn rầm rầm... mình chỉ dựa vào khu vườn, ngôi nhà dù có tốt nhất một thời... con nghĩ...

— Hay là, ông... sao ông không gọi mấy cậu về? Từ ngôi nhà này đi ra... có vẻ như mấy cậu thừa hưởng những thuận lợi cho riêng mình... Ông hiểu cho là chúng con không dám tị nạnh gì đâu... phận chúng con nó vậy...

Hay là, hay là. Ở đâu ra lắm góp ý thế không biết. Ta có còn là chủ ngôi nhà này không, hừm, chúng mày thì biết gì, ngày nào ta tìm được ngưu hoàng chúng mày sẽ thấy. Đừng hòng những ngôi nhà khang trang, những hàng rào bằng trụ bê tông lưới bê bốn mươi chung quanh làm lung lay ý chí của ta. Bởi vì lão sắp chết, và chẳng lẽ gã thầy Miên vô cớ nhắc tới ngưu hoàng?

Rất nhiều lần, ngày cũng như đêm, dù tìm thấy những thõa mãn ở khu vườn sum suê cảm giác, nhưng đến khi cưới vợ, lão mới thực hiểu thì ra đó là mùi nữ giới, mùi âm. Cho tới giờ. Cái mùi ấy vẫn lẩn quất đâu đó. Chung quanh, đã hơn mười năm vợ lão qua đời. Vợ lão một tay chèo chống nhà chồng mấy chục năm, thị mà còn, hẳn ngôi nhà đã không thế này; thị còn, cũng không đến nỗi lão lơ ngơ đi theo đám con phá gia chi tử. Nhưng cái mùi. Ở nhà đứa con trai nào lão cũng thấy. Từ những cô con dâu. Tràn đầy sinh khí. Từ phòng trong sau ô cửa hững hờ tấm ri đô. Còn phòng trước là mấy cô hớt tóc thanh nữ. Đứng bên này chồm qua bên kia ngoáy tai khách. Khuôn ngực nở nang chạm mặt đám đàn ông. Cái mùi. Chắc chắn thế. Trên tờ báo bị đóng đinh.

Cái mùi nhanh chóng được nhận dạng khi con gái thằng Sáu lui cui quét dọn nhà cửa và nấu nướng bữa ăn cho lão. Lão đang ở ngôi nhà ông cha, ngôi nhà của lão. Và đứa con gái. Mặt mũi xấu xí nhưng thân hình căng rưng rức. Lão ngớp thở. Nó biết. Nó dạn dĩ và thân thiện mơn man, cái mùi. Bọn đồ cổ tới trả giá mớ chén bát cổ còn rất nhiều. Nó há mồm trợn mắt ngó cái giá. Lão chỉ bán một ít để chi dùng. Cán bộ bảo tàng tới đặt vấn đề mua ngôi nhà mang về thành phố dựng mảng bảo tàng ngoài trời về kiến trúc cổ. Điều này thì như chửi vào mặt lão. Ngôi nhà sẽ thành một vật của quá khứ, của bảo tàng ư? Đừng hòng! Trong râm ran tiếng mối mọt, lão vẫn đang sống đây. Với ngưu hoàng, một ngày nào đó. Và hàng ngày, càng lúc càng gần gũi cô gái, nhìn lâu thấy mặt mũi nó cũng đẹp. Như là cái đẹp riêng cho lão. Hy vọng của lão.

Lão ra vườn, trên cái chõng tre mới. Nhiều lúc nó theo ra. Lão hồi hộp chờ điều kỳ diệu xảy ra trên cái chõng của lão...

Khu vườn mới dọn dẹp lại, đã hết vẻ hoang tàn nhưng chỉ còn ý nghĩa thời gian trên các gốc cây cổ thụ. Đã có nhiều vệt nắng. Rào tre rách từng mảng, thấy loáng thoáng ngoài kia, trên đồi đám trẻ chăn bò ríu rít, những ngôi nhà sáng đẹp, những chiếc xe máy chạy xa xa trên đường... Có lúc xe chạy thẳng vô sân nhà: đám con cháu xẹt về thăm. Nó cười thầm những cố gắng của lão. Lão hiểu nó thăm chừng mình chết chưa. Rồi sẽ tri hô lên vẻ hớt hải đau đớn giả tạo. Đừng hòng! Gã thầy Miên thể nào cũng trở lại với con bò Cộ oai phong lẫm liệt thuở nào.

Lão không còn khái niệm thời gian, chỉ sự tồn tại là có thật. Sự tồn tại cũng có lúc nhập nhằng giữa thực và ảo — điều không lạ: trong ngôi nhà và khu vườn này từ lâu vốn đã vậy. Chẳng hạn bây giờ cũng người ra kẻ vào hàng ngày nhưng hàng chum vại vẫn trống rỗng, không dãy dãy chuồng bò chuồng heo, kho lẫm mối xông. Không có kìn kìn sản vật của vô vàn ruộng đất chung quanh đổ về: ngôi nhà từ lâu đã tự rút ruột nuôi sống mình! Những thực thể làm nên gia thế đã bị huỷ hoại hoặc cướp phá đến kiệt cùng. Kho cổ vật chỉ còn một dúm, lắt lay. Lão không nhớ đã đưa cho cô gái bao nhiêu món, tự thâm tâm lão nghĩ cô là chỗ dựa duy nhất của lão, của ngôi nhà. Cô suốt ngày không mở miệng nhưng rất hiểu lão từ những ý muốn đơn giản đến ý nghĩ tranh tối tranh sáng trong toàn thể những hiện diện không hẳn là quá khứ cũng chưa phải hiện tại. Cô là sợi dây nối lão với thế giới.

Cái long mạch. Trước đây thuỷ lợi địa phương nắn dòng nước bên kia ngọn đồi chảy thẳng, thằng Bảy đã cho lấp rác, trồng chuối ngoằn ngoèo theo thế yếm của cụ cố. Lần đó về thăm, lão khen nó sáng ý. Lão vùng dậy. Phải khơi lại cái long mạch. Cô gái đã gọi về nhiều nhân công. Ba ngày sau, một dòng nước nhỏ rịn ra ngân ngấn. Nơi cái ao lão ngồi câu cũng được vét sâu hết lớp bùn xưa. Nghe cộp một tiếng. Mạch phù như suối phun. Người đào thò tay vớt cái ché sành vỡ nát trôi ra cuồn cuộn vụn giấy mục. Lão tái mặt lẩm bẩm Vạn Pháp Qui Tôn... Không thấy cô gái đâu.

Tiếng mối mọt trong nhà quen thuộc nghe như reo vui, lão thấy khó chịu. Đêm đó lão nằm ngủ trên cái chõng tre của lão ngoài vườn. Xâu chìa khoá trong người cồm cộm, lão lấy ra bỏ dưới gối. Cô gái về thông báo đã tìm thấy ngưu hoàng. Không mở mắt ra nhưng lão biết. Cái mùi định danh. Cô không hề mở miệng nhưng lão hiểu cô như đã từ lâu liên lạc giữa cô và lão vốn vô thanh. Lão thấy gã thầy thuốc người Miên đang dắt con bò Cộ lộng lẫy trên đồng, con bò u to, cổ rộng, yếm dài, ngực nở, bụng thon chăm chắm nhìn mặt trời cho tới khi nắng gắt mới lồng lên sán đến đám bò cái, trong chuồng bao giờ cũng nhấp nhỏm không yên, dưới túi mật là một túi nước thứ hai trong vắt, cô lại thì đen hin, véo trên tay thì vàng như nghệ, nếm đắng hơn mật gấu, chưng với trước lịch cho người đang chết uống thì sống lại... Ngưu hoàng đang về. Trên thân thể lão. Mọi thứ bừng thức tràn đầy sinh khí, mơn man. Lão cứ nhắm nghiền mắt, tan ra trong tận hưởng những cảm giác tuyệt diệu ngày xưa huy hoàng và mùi âm thân thuộc. Ngưu hoàng. Ngưu hoàng đã về.

Chắc là lão vừa lẩm bẩm vừa mỉm cười, nụ cười cứng đờ còn nguyên khi nhà chức trách đến khám xét hiện trường. Ngôi nhà sắp đổ sụp phủ đầy bụi bặm đang là vương quốc của mối. Xâu chìa khoá sợi dây vải mục nát xổ tung toé trên nền đất. Họ quá ngạc nhiên nghe người dân trong vùng khai rằng lão đã chết từ lâu, con cái lão đi đâu biệt xứ và ngôi nhà khu vườn bỏ hoang cả chục năm qua.

 

Suối Trầu, tiết Thanh Minh, Bính Tuất.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021