thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trường học
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
 

DONALD BARTHELME

(1931-1989)

 

Donald Barthelme là một trong những đại biểu của văn chương hậu hiện đại Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản 19 cuốn sách, trong đó có 3 tiểu thuyết, 1 kịch bản, và hầu hết là những tập truyện ngắn. Barthelme qua lại thường xuyên giữa New York và Houston vì làm việc ở cả hai nơi: ông dạy môn viết văn sáng tạo (creative writing) tại University of Houston, và đồng thời là giáo sư môn văn chương Anh ngữ tại City College (thuộc City University of New York). Barthelme đã đoạt nhiều giải thưởng văn học, trong số đó có: Guggenheim Fellowship (1966); Time Magazine's Best Books of the Year (1971) cho cuốn City Life; National Book Award for Children's Literature (1972) cho cuốn The Slightly Irregular Fire Engine or the Hithering Thithering Djinn; Morton Dauwen Zabel Award (1972), do National Institute of Arts and Letters trao tặng; và Jesse H. Jones Award (1976) do Texas Institute of Letters trao cho cuốn The Dead Father.
 
Nhà phê bình Richard Gilman nhận định rằng Donald Barthelme là một trong số ít nhà văn Hoa Kỳ, với lối viết hậu hiện đại, đã làm cho nghệ thuật văn chương hư cấu trở nên phong dật và mở rộng, thay vì cố gắng làm đầy thêm cái kho chứa càng ngày tràn ngập những tác phẩm để tiêu khiển, để trình bày quan điểm, hay để ghi nhận những sự kiện của đời sống. Thật vậy, Barthelme viết hàng trăm truyện ngắn, nhưng hầu như mỗi truyện đều rất khác nhau về nhiều phương diện, từ cấu trúc đến ngôn ngữ. Đọc những tập truyện ngắn của ông, chúng ta như rơi vào một ống kính vạn hoa của những khả thể biểu đạt đầy những điều bất ngờ thú vị. Ông đã đem vào thể loại truyện ngắn một sức sống mới, khiến nó trở thành một nghệ thuật văn chương hứa hẹn những tiềm năng vô hạn.

 

_______________

 

TRƯỜNG HỌC

 

Ừ, thì chúng tôi cho bọn trẻ ra ngoài trồng cây, đấy, bởi chúng tôi hình dung ra rằng . . . đó là một phần giáo dục của chúng, bạn biết đấy chứ, những hệ thống căn bản . . . và cũng là ý thức trách nhiệm, biết quan tâm đến việc này việc khác, có trách nhiệm cá nhân. Bạn biết tôi muốn nói gì. Và tất cả những cái cây ấy chết ngắc. Đó là những cây cam. Tôi không biết tại sao chúng chết, chúng chỉ chết ngắc như thế. Có lẽ đất có cái gì không ổn hay có lẽ những cây giống mà chúng tôi mua từ vườn ươm thì không phải là thứ tốt nhất. Chúng tôi đã phàn nàn với họ về điều ấy. Thế mà chúng tôi đã bảo ba mươi đứa trẻ ra ngoài sân, mỗi đứa mang theo một cây cam nhỏ của mình, rồi chúng tôi có ba mươi cây chết ngắc. Cả bọn trẻ nhìn những cái que nâu xỉn nhỏ bé ấy, thật là buồn bã.

Sự việc chắc hẳn đã chẳng quá tệ nếu bầy rắn không chết ráo trọi chỉ mới vài tuần trước vụ cây chết. Nhưng tôi nghĩ rằng bầy rắn — ừ, thì bầy rắn đã bị bỏ quên là vì . . . bạn còn nhớ đấy, nồi hơi sưởi bị ngắt bốn ngày vì cuộc đình công, và điều ấy có thể giải thích được. Bạn có thể đem cuộc đình công ra như một lý do để giảng giải cho bọn trẻ. Tôi muốn nói chẳng có phụ huynh nào lại cho con mình vượt qua hàng rào công nhân để đến trường, và bọn trẻ đã biết lúc ấy cuộc đình công đang xảy ra và biết ý nghĩa của nó. Vì thế khi mọi sự bắt đầu trở lại và chúng tôi phát hiện bầy rắn đã chết, bọn trẻ không quá rầu rĩ.

Với những luống rau thì có lẽ là do quá nhiều nước, và ít ra bây giờ thì bọn chúng biết không nên tưới quá trớn. Bọn chúng rất nhiệt tình chăm sóc những luống rau và có lẽ vài ba đứa . . . bạn biết đấy, vài ba đứa lén xối thêm một ít nước khi chúng tôi không để ý. Hoặc có lẽ . . . ừ, thì tôi cũng chẳng thích nghĩ có đứa nào đó phá hoại, mặc dù điều đó cũng có lần đã xảy ra. Tôi muốn nói đó chỉ là một cái gì thoáng qua ý nghĩ của chúng tôi thôi. Chúng tôi nghĩ như thế có lẽ vì, trước đó, lũ chuột sa mạc đã chết ngắc, và con chuột bạch đã chết ngắc, và con thằn lằn nước . . . ừ, thì bây giờ bọn trẻ đã biết không nên mang những con vật ấy trong những túi ny-lông.

Dĩ nhiên chúng tôi đã dự đoán những con cá nhiệt đới sẽ chết, điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Những con cá ấy, bạn trông thấy chúng cong mình lại và chúng nổi phơi bụng trên mặt nước. Nhưng đúng vào lúc ấy giáo án cần có một con cá nhiệt đới để minh hoạ, chúng tôi chẳng làm được gì cả, năm nào cũng xảy ra chuyện như vậy, bạn chỉ còn cách lướt nhanh qua bài học ấy.

Chúng tôi cũng chẳng hề có dự định nuôi một con chó con nào cả.

Chúng tôi chẳng hề có chút dự định nào như thế, thì lại có một con chó con do cô bé nhà Murdoch tìm thấy dưới một chiếc xe tải và cô bé sợ chiếc xe tải sẽ cán nó khi ông tài-xế đã giỡ đồ xong, nên cô bé nhét nó vào ba-lô và mang đến trường. Vì thế chúng tôi có con chó con này. Ngay khi vừa thấy con chó con, tôi nghĩ, Chúa ơi, tôi cá là nó sẽ sống khoảng hai tuần lễ và rồi . . . Và sự việc xảy ra như thế đấy. Đáng lẽ nó không được ở trong lớp học chút nào cả, vì đã có một thứ nội quy về điều này, nhưng bạn không thể bảo bọn chúng đừng mang con chó con vào lớp học khi con chó con đã có mặt ở đó rồi, ngay trước mắt bọn chúng, chạy lòng vòng trên sàn và sủa nheo nhéo, ăng ẳng không ngừng. Bọn chúng đặt tên cho nó là Edgar — thế đấy, bọn chúng lấy tên tôi đặt cho nó. Bọn chúng thích thú chạy theo nó và reo lên, "Đến đây, Edgar! Egar ngoan nào!" Rồi bọn chúng cười như nắc nẻ. Bọn chúng khoái cái ý nghĩa nhập nhằng ấy.Chính tôi cũng khoái điều ấy. Tôi chẳng lấy làm phiền khi bị đem ra đùa cợt. Bọn chúng làm một cái nhà nhỏ cho nó trong ngăn tủ đựng học cụ và mọi thứ linh tinh. Tôi chẳng biết nó đã chết vì nguyên nhân nào. Bệnh cúm, tôi đoán thế. Có lẽ nó chưa hề được chủng ngừa. Tôi mang nó ra khỏi chỗ đó trước khi bọn trẻ đến trường. Sáng nào tôi cũng xem xét ngăn tủ đựng học cụ, bởi vì tôi biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi đưa xác con chó cho ông cai trường.

Thế rồi đến vụ em bé mồ côi Đại Hàn mà cả lớp bảo trợ qua chương trình Giúp Đỡ Trẻ Em, mỗi đứa góp hai mươi lăm xu một tháng, kế hoạch là như vậy. Thật là một điều bất hạnh, em bé tên Kim, và có lẽ chúng tôi đã bảo trợ nó quá trễ hay thế nào ấy. Nguyên nhân của cái chết không được mô tả trong bức thư chúng tôi nhận, thay vào đó họ đề nghị chúng tôi bảo trợ một em bé khác và họ gửi cho chúng tôi xem vài trường hợp đáng quan tâm, nhưng chúng tôi chẳng còn lòng dạ nào nữa. Bọn trẻ trong cả lớp rất hoang mang, chúng bắt đầu cảm thấy (tôi nghĩ thế, chứ chẳng có ai nói thẳng với tôi điều gì cả) rằng dường như có cái gì bất ổn trong ngôi trường này. Nhưng tôi nghĩ chẳng hề có cái gì bất ổn trong chính ngôi trường này, tôi đã thấy những điều tốt hơn và tôi đã thấy những điều tệ hơn. Đây chẳng qua là một giai đoạn gặp vận xấu. Chẳng hạn, phụ huynh qua đời nhiều một cách khác thường. Tôi nghĩ có hai người bị quỵ tim và hai người tự tử, một người chết đuối, và bốn người cùng tử thương trong một tai nạn xe cộ. Một người bị tai biến mạch máu não. Và chúng tôi có con số tử vong rất cao của các ông bà nội ngoại cũng như mọi năm, hay có lẽ năm nay cao hơn, dường như vậy. Và cuối cùng là tấn thảm kịch.

Tấn thảm kịch xảy ra khi Matthew Wein và Tony Mavrogordo đang chơi đùa nơi người ta đang đào đất để xây toà cao ốc của văn phòng chính phủ liên bang. Bạn biết đấy, có những cây xà gỗ to tướng xếp thành đống bên cạnh nơi đào đất. Một vụ kiện đang diễn ra về chuyện ấy, và các phụ huynh cho rằng đống xà gỗ ấy được xếp một cách cẩu thả. Tôi chẳng biết đâu là đúng, đâu là sai. Thật là một năm kỳ lạ.

Tôi quên nhắc đến cha của Billy Brandt, người đã bị đâm chết khi ông ấy tóm lấy một kẻ mang mặt nạ đột nhập vào nhà ông ấy.

Một hôm, chúng tôi có một cuộc bàn bạc trong lớp. Bọn trẻ hỏi tôi "tất cả đã đi đâu?" Những cây cam, con thằn lằn nước, bầy cá nhiệt đới, Edgar, những ông bố và những bà mẹ, Matthew và Tony, tất cả đã đi đâu mất rồi? Và tôi nói "thầy không biết, thầy chẳng biết." Và bọn chúng hỏi "thế thì ai biết?" và tôi nói "chẳng ai biết cả". Và bọn chúng hỏi "có phải cái chết mang ý nghĩa đến cho cuộc sống?" Và tôi nói "không, chính cuộc sống mang ý nghĩa đến cho cuộc sống." Rồi bọn chúng hỏi "chứ không phải cái chết, được xem như một nhân tố cơ bản, chính là phương tiện qua đó cuộc sống tầm thường hàng ngày có thể được thăng hoa để hướng về nơi...

Tôi nói "vâng, có lẽ."

Bọn trẻ nói "chúng em không thích điều ấy."

Tôi nói "có lý đấy."

Bọn chúng nói "thật đáng xấu hổ."

Tôi nói "đúng vậy."

Bọn chúng nói "bây giờ thầy sẽ làm tình với cô Helen (trợ giáo của lớp học) để chúng em có thể thấy việc ấy được thực hiện thế nào chứ? Chúng em biết thầy thích cô Helen."

Quả thật tôi thích Helen nhưng tôi nói tôi sẽ không làm tình.

"Chúng em nghe rất nhiều về việc ấy," bọn chúng nói, "nhưng chưa bao giờ được trông thấy."

Tôi nói tôi sẽ bị đuổi sở, và việc ấy thì không bao giờ, hay hầu như không bao giờ, được thực hiện như một sự biểu diễn. Helen nhìn ra cửa sổ.

Bọn chúng nói "làm ơn mà, xin thầy vui lòng làm tình với Helen, chúng em cần một sự khẳng định về giá trị, chúng em đang sợ hãi."

Tôi bảo rằng chúng không nên sợ hãi (mặc dù tôi vẫn thường sợ hãi) và rằng có giá trị ở khắp mọi nơi. Helen bước đến ôm lấy tôi. Tôi hôn vài lần lên lông mày của nàng. Chúng tôi ôm nhau. Bọn trẻ háo hức. Rồi có một tiếng gõ cửa, tôi mở cửa, và một con chuột sa mạc mới bước vào. Bọn trẻ reo hò man dại.

 

Nguyên tác: "The School", trong Donald Barthelme,
Amateurs (New York: Farrar, Straus and Giroux, 1976).

 

 

------------------------
Những truyện khác của Donald Barthelme qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn:
 
Chuyến thám hiểm  (truyện / tuỳ bút) 
"Chuyến thám hiểm" là một trong những truyện bằng tranh của Donald Barthelme. Ông đã sử dụng những bức hình cắt ra từ những tờ báo ngày xưa, rồi biến chúng thành những bức hình của một ký sự mang tính lịch sử về một chuyến thám hiểm “có thật” trong những năm 1873-1874 với mục đích khám phá một con vật “có thật”, và chính Barthelme đã tham dự vào chuyến thám hiểm ấy! Lịch sử chỉ là một thứ chuyện kể bất khả tín! Đó là một trong những quan niệm đặc trưng của tâm thức hậu hiện đại... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Ngọn núi thuỷ tinh  (truyện / tuỳ bút) 
"The Glass Mountain" là một trong những truyện của Donald Barthelme được giới phê bình nhắc đến nhiều nhất trong những bài nghiên cứu về văn chương hư cấu hậu hiện đại. Truyện được xây dựng bằng 100 câu văn có đánh số thứ tự. Lối viết này phản ảnh một ý tưởng mà Donald Barthelme đã có lần phát biểu: "Hình thức mà tôi tin cậy nhất là những mảnh vụn." [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Lời giải thích  (truyện / tuỳ bút) 
Một truyện ngắn với bút pháp rất lạ (gồm một chuỗi câu hỏi-đáp phi tuyến tính quanh một hình vuông màu đen đa nghĩa) của Donald Barthelme (1931-1989) — một trong những đại biểu của văn chương hậu hiện đại Hoa Kỳ. [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Về các thiên thần  (truyện / tuỳ bút) 
Cái chết của Thượng Đế đặt các thiên thần vào một trạng huống lạ lùng. Thình lình họ phải đối diện với một câu hỏi căn bản [...] "Thiên thần là gì?"... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Điều sai lầm đầu tiên của em bé  (truyện / tuỳ bút) 
Điều sai lầm đầu tiên của em bé là xé những trang sách... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Giờ đây tôi đã được chuyển về Không Đoàn. Một viên trung sĩ tốt bụng đã giúp đỡ cho việc thuyên chuyển này. Ông ấy nghĩ tôi sẽ có một tương lai khá hơn ở đây, nhiều cơ hội để được thăng cấp hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021