thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cha Lam

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

 
Tranh của Bửu Chỉ
 
Thiệp chúc Tết của Mặt Trận Nhân Dân Cứu Đói
Bên trong, trên trang bên phải, có in những chữ:
Cung Chúc Tân Xuân
Kính chúc một năm mới Thịnh Vượng
M.T.N.D.C.Đ

 

Lời người dịch:
Sau khi lén lút đưa Thái về Sài Gòn, Michael Bishop tới toà Đại sứ Cao Miên trên đường Lê Văn Duyệt gặp đại tá Yem Sambaur, tìm cách đút lót cho Thái bay ra hải ngoại qua đường Nam Vang. Vài ngày sau lão Đỗ tới nhà tìm Bishop, đưa Bishop vào Chợ Lớn gặp cha Nguyễn Đình Lam, một vị linh mục tả khuynh thiên về phía Mặt Trận Giải Phóng. Hình tượng cha Lam có thể đã được tác giả Mark Frankland xây dựng theo hình mẫu linh mục Nguyễn Ngọc Lan ngoài đời. Thái gọi Maurice Trần Đại Tân bằng chú. Họ là hậu duệ suy tàn của một gia đình tên tuổi ở miền Nam theo đạo Chúa ngay từ lúc đầu. Thế hệ thứ nhất đã lấy quốc tịch Pháp và gởi con sang Pháp học. Các thế hệ sau, để bắt kịp thời đại mới, đã chọn Anh hay Mỹ để gởi con du học, vì vậy mà Thái đã sang Anh. Maurice là một công tử suy đồi, đã sang Pháp du học thời trẻ.
 
Đây là chương 24 của The Mother-of-Pearl Men. Tiểu đề "Cha Lam" do người dịch đặt. Tấm thiệp Xuân của MTNDCĐ không ghi năm, nên tôi không biết nó xuất hiện trước hay sau Tết Mậu Thân.
NĐT

 

____________

 

CHA LAM

 

Cuộc gặp gỡ Yem Sambaur khiến tôi thêm nản chí. Sau khi sắp xếp các chi tiết cho việc chuyển ngân sang Pháp — một công việc quá dễ — hình như chẳng còn chuyện gì nữa để làm. Vì đã định thách thức Gruson và Đại tá Đính nên tôi muốn phô trương thêm sự bướng bỉnh, nhưng dịp may không đến. Bây giờ nhìn lại, tôi có thể bảo đó là phản ứng của một anh học trò, nhưng lúc đó tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ đó là dấu hiệu của sự trưởng thành, nhưng có thể nó chỉ cho thấy phải cần có một thời gian bao lâu để cho một mẫu người Anh có cơ hội trở thành người lớn trong cộng đồng thế giới.

Tôi đã tới gặp viên sĩ quan Khờ Me hôm thứ tư và định bụng sẽ dành riêng ngày thứ bảy này cho một bữa trưa tham lam và cô độc tại quán Au Maréchal. Tôi nằm nán trên giường đọc lại các tờ Times cũ gửi máy bay và vừa tắm douche xong thì nghe cái tiếng động quen thuộc ngoài cửa. Ý tưởng đầu tiên là tôi cứ giả đò như mình vắng nhà. Chắc chắn đó là lão Đỗ. Chỉ có lão mới rung cánh cửa sắt thấp thỏm ngập ngừng như vậy.

Lão Đỗ cười lệch và hỏi tôi lão có thể vào nhà được không. Lão lí nhí một thông điệp. Có một người tôi cần gặp ngay. Người này rất tháo vát, có thể giúp Thái. Người này không ở xa. Lão Đỗ sẽ ngồi chung xe với tôi để chỉ đường.

Tôi tin chắc rằng lần này lão Đỗ đã cố tình không mạch lạc. Vì nếu bảo đó chỉ là hệ quả của sự ngây ngô thì chẳng có nghĩa lý gì cả. Dù sao những lời lẽ tôi cố moi ra từ cửa miệng lão cũng không giúp cho tôi nhất quyết được sự nên đi hay không nên đi. Do vậy mà tôi thuận; đó là một quyết định về sau đã cho thấy rõ sự tai hại, cho lão Đỗ hơn là cho tôi.

Lão bước lên xe, ngồi kế bên tôi với tất cả sự kích thích của một đứa bé, lão ngó bảng ghi tốc độ, và cái tay cầm trên cửa, như thể lão chưa từng được thấy các thứ đó. Tôi không thể dụ lão rỉ tai cho tôi nghe, dù chỉ với một lời độc nhất, về nhân vật mà lão đang đưa tôi tới gặp. Tất cả sự chú ý của lão tập trung vào việc chỉ đường. Tay áo của lão, với cái màu trắng không thuyết phục như mọi khi, phấp phới trước mặt tôi, trong lúc lão chỉ vẽ cho tôi về cái hướng phải chọn. Tôi sắp rẽ sang đường Nguyễn Du thì nghe cái âm thanh quen tai ‘phịt-phịt-phịt’. Trong tấm kính chiếu hậu tôi thấy thằng bé thường ngồi vá bánh xe trên vỉa hè đang cố sức đạp một chiếc Mobylette cho nổ máy. Nó lảo đảo. Có nhiều tiếng phịt phịt nặng nhọc thoát ra ngoài ống dẫn khói, nhưng cuối cùng nó có thể gia tăng tốc độ và chạy nối đuôi chúng tôi.

Lão Đỗ hướng dẫn tôi chạy theo đường Trần Hưng Đạo về hướng Chợ Lớn, rồi chúng tôi rẽ vào một khu phố tôi chưa từng thấy. Có nhiều toà nhà từ thời Pháp thuộc với mái ngói nâu lóm đóm dấu vết của thời gian và tường phết vôi vàng lợt. Cây cối một thời từng được trồng trọt ngay ngắn nay đã xác xơ như bầy thú của một gánh xiệc lưu diễn. Xe cộ đã thưa bớt và tôi có thể nhìn thấy thằng bé cỡi Mobylette ở đằng sau một chiếc xe nhà Toyota trắng đang bám sát chúng tôi. Mặc dù chúng tôi đã rẽ trái quẹo phải nhiều lần nhưng chiếc xế và thằng bé cỡi xe máy vẫn bén gót chúng tôi.

Chúng tôi rẽ vào sân một toà nhà chắc đã từng là công sở. Các bậc thềm dẫn lên cửa chính bên trên có treo một tấm vải dài kẻ một hàng chữ đã phai. Lão Đỗ chuyển ngữ thành ‘Đoàn Thanh Niên Công Giáo Hoạt Động Xã Hội’. Từ ‘Công Giáo’ báo cho tôi biết về cái điểm này, mà lẽ ra tôi đã phải đoán biết ngay. Lão Đỗ cuối cùng cũng đã khéo léo xoay xở để thực hiện cuộc tiếp xúc giữa tôi và vị linh mục mà lão đã khoe khoang là rất thông thái. Trong lúc chúng tôi đặt chân vào cái hành lang rộng, chiếc Toyota chạy vào đậu ở hướng đối nghịch của chiếc sân. Tôi dừng bước, cố nhìn xem ai ngồi trong xe nhưng kính xe đã được nhuộm đen để che nắng và chỉ phản ánh toà nhà và tấm biểu ngữ.

Hành lang trống rỗng trừ một cái bàn lớn ở phía sau có hai người trẻ tuổi ngồi trên ghế, sơ mi trắng ngắn tay, túi áo trước ngực có thêu cây thập giá xanh. Một anh đeo đôi kính cận to có khuôn mặt trẻ con, gần như xinh xắn. Anh kia thì xí trai và xanh xao, một ứng cử viên tốt cho đám đâm thuê giết mướn của Đính. Người trẻ tuổi thứ hai có cặp mắt hí trên khuôn mặt bẹt, mái tóc hớt ngắn thô thiển trông như cái thố úp ngược.

Anh xí trai nhấc điện thoại khi vừa trông thấy chúng tôi và cầm cái ống nói đưa lên đưa xuống. Một bức tranh lớn treo phía sau quầy bàn đập vào mắt tôi. Một đám người trẻ tuổi trai lẫn gái nắm tay hay quàng vai nhau rời khung bố tiến về phía tôi. Có một điều gì lạ lùng ở họ. Đoàn người trẻ tuổi, trai và gái, đều rất to con. Cánh tay đầy bắp thịt, cổ gáy tựa những thân cây nhỏ. Dưới lớp áo, họ có cơ bắp nẩy nở của những người tập thể dục thẩm mỹ. Thảy đều tươi cười khoe những chiếc răng to bản trắng xát chẳng thua hàm răng của Yem Sambaur tí nào. Tôi ngó xuống hai chàng trai trẻ. Cổ họ như cổ con nít, cườm tay thì không to hơn một chiếc khăn ăn cuộn tròn. Họ có nghĩ rằng họ giống y như những thần tượng trên tranh hay không? Tôi ngắm kỹ bức tranh. Nó gợi cho tôi nhớ tới các phiên bản của những bức hoạ vẽ thợ thuyền và nông dân tham gia cách mạng Nga, tuy sự lạc quan đó hình như không mấy thích hơp với một nơi như Sài Gòn.

Một tiếng gọi vẳng xuống từ đầu cầu thang và một dáng người mặc đồ đen vẫy gọi chúng tôi bước lên. Tôi đã đoán trúng về chuyện gặp gỡ một ông linh mục.

Cha Nguyễn Đình Lam — lão Đỗ rỉ tên cha vào tai tôi trong lúc chúng tôi đi lên — đang đứng nơi đầu cầu thang vung vặn đôi tay, một cử chỉ rất thích hơp với một người hình như luôn luôn ở trong trình trạng đau khổ. Cha còn khá trẻ mặc dù đã có những vết bạc trên mái đầu, vầng trán rộng và đôi mắt đầy lo âu. Sự đau khổ hiện rõ nét trên quai hàm và ở cái miệng không bao giờ thoải mái, không ngớt ở trong thế sẵn sàng hớp một ngụm không khí đớn đau bất mãn. Dáng cha thanh mảnh: tất nhiên cha không thể là một ứng cử viên lý tưởng hơn hai chàng thanh niên gác cổng để nhập vào đoàn người chiến thắng đang diễu hành.

Cha bắt tay tôi và chỉ về hướng một căn phòng ở cuối dãy hành lang. Đó là một cái chỗ giống như các chỗ trong nhiều văn phòng tôi từng thấy ở Sài Gòn, một loại chỗ khiến ta nghi ngờ về kết quả tốt của những công việc được thực hiện ở đấy. Các tủ đựng hồ sơ có vẻ như chưa từng được mở ra. Trên tấm vách tường ở đằng sau bàn viết có dán chi chít những bản thống kê viết tay. Một cây thập giá nằm cạnh một chồng tạp san cũ trên mặt bàn. Cha Lam kéo mấy cái ghế đan bằng plastic màu hồng và chúng tôi ngồi xuống.

Tôi ngồi cạnh khung cửa sổ và có thể nhìn ra sân. Thằng bé cỡi xe máy đang ở bên kia đường. Nó dựng chiếc Mobylette vào gốc cây và ngồi chồm hổm trên lề đường mút cà rem cây.

‘Đỗ có cho tôi biết ông đã gặp nhiều người Việt Nam và thậm chí ông có đi viếng vài nơi ở ngoài thành. Điều đó có thể giúp ông hiểu rõ những điều tôi sẽ thưa lại với ông.’

Vị linh mục lo ngại nhìn tôi. Đỗ, nhân cơ hội, nói chêm vào ‘Đúng, đúng, ông Michael đã thấy nhiều, đã thấy nhiều lắm.’

‘Đó là một chuyện không may, một chuyện đáng tiếc.’ Cha Lam bồn chồn trên ghế và siết chặt thêm hai bàn tay vào nhau.

‘Tôi muốn nói về Thái, người bạn chung của chúng ta. Thật là một chuyện không may. Ông thử nghĩ xem, bỏ nước đi ra hải ngoại như vậy là bậy bạ lắm đấy, không hay ho gì cho Thái. Thái còn nhiều chuyện phải làm ở đây.’

Tôi giả đò không hiểu cha muốn nói gì. Tôi có gặp Thái, tôi nói, nhưng tôi không biết Thái có đạo.

‘Tôi không nói về Nhà Thờ.’

Cha thở dài nhìn lão Đỗ nhưng không có sự cứu trợ đến từ cái phía đó. Lão Đỗ đang nhìn lên trần nhà, đắm chìm trong những tư tưởng riêng.

‘Tôi muốn ông hiểu rõ cớ sự.’ Cha Lam nghiêng mình tới trước. ‘Tôi muốn ông hiểu rõ tại sao lại có nhiều người Công Giáo không luôn luôn ủng hộ chính phủ và đôi khi họ muốn nhìn qua nhãn quan của phía bên kia. Tôi thiết nghĩ đó là cái bổn phận đặc biệt dành riêng mỗi người Công Giáo để thực thi, vì chúng tôi gánh chịu trách nhiệm về những điều khủng khiếp đã xảy ra trên đất nước chúng tôi.’

Cha nhận thấy ngay tức khắc tôi chưa hiểu ý cha và sự nôn nóng rốt cuộc đã khiến cha mở miệng. Bây giờ các từ hối hả tuôn ra, như một lời xưng tội đã được chuẩn bị quá lâu và với quá nhiều đau đớn.

‘Ông nên biết rằng chúng tôi, những người Công Giáo, phải chịu trách nhiệm về việc rước người Pháp tới đây. Chắc ông đã nghe nói về vị linh mục Pháp đã giúp vua Gia Long khôi phục ngai vàng vào cuối thế kỷ mười tám. Ông đã thấy ngôi mộ của ngài ở gần phi trường.

Cha Lam an tâm khi thấy tôi gật đầu. Chắc đó là ngôi mộ mà anh tài xế bé người đã kính cẩn chỉ cho tôi xem. Tôi không thể hình dung anh ta và cha Lam đứng cạnh nhau.

‘Ông thấy đó, những người theo đạo Chúa đã mang ánh sáng chân lý đến cho chúng tôi, nhưng đồng thời họ cũng sử dụng nó để đặt chúng tôi dưới ách thống trị của người Pháp. Do vậy mà nó đã trở thành một chân lý bị ô nhiễm, và chất độc đã xâm nhập chúng tôi, những tín đồ Công Giáo, cho tới hôm nay.’

Lão Đỗ chợt bừng tỉnh và thầm thì ‘C’est vrai, c’est vrai.’ [1]

Tôi liếc ra sân. Hai tên đàn ông đã bước xuống chiếc Toyota. Một tên mập mạp đội mũ cầu thủ bóng chày và đeo kính râm. Tên kia nhỏ thó, mặc áo đỏ bỏ ngoài quần Bermuda ngắn. Đó là Tám Heo.

‘Chúng tôi phải tự đặt ra cho mình câu hỏi,’ cha Lam nói tiếp với giọng đều đều, không ý thức về sự xao lãng của tôi, ‘chúng tôi phải tự đặt ra cho mình câu hỏi rằng một chân lý trả bằng cái giá đó có còn là chân lý nữa hay không. Hay chính xác hơn, chúng tôi phải tự đặt ra câu hỏi rằng có phải chân lý hiện ra dưới một hình thức khác ở những thời đại khác. Như ông thấy đó, tôi không thể nhìn mặt một người đồng hương mà không nghĩ rằng chiếc áo linh mục tôi khoác trên mình chỉ là đồng phục của một tên cai ngục hơn là bất cứ một cái gì khác.’

Cha Lam bóp hai tay vào nhau quá chặt đến đỗi tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nghe tiếng xương gãy rắc rắc.

‘Mặc dù Nhà Thờ Công Giáo đã chuyên chở chế độ thuộc địa của Pháp nhưng nó cũng mang theo sự tiến bộ. Cho tới hôm nay, những thành phần của xã hội Việt Nam đã thoát khỏi ảnh hưởng Công Giáo vẫn còn lạc hậu, đầy ắp những mê tín dị đoan, những thói tục hủ lậu. Ông có tới thăm một ngôi chùa Phật Giáo rồi chứ?’

Tôi gật đầu.

"Ông có thấy hệ thống vệ sinh của họ rồi chứ?’

Tôi lại nhìn ra của sổ. Cha Lam nhận thấy sự lơ là của tôi nên cha lặp lại câu hỏi.

‘Ông có thấy các chỗ vệ sinh của họ rồi chứ? Họ thường không có chúng. Tôi biết rõ như một dữ kiện rằng ở chùa Ấn Quang, mặc dù họ không ngớt rêu rao họ là những sư sãi tiến bộ, họ chỉ có hai hoặc ba cái nhà vệ sinh. Chính tôi cũng đã lên tận Tây Ninh tham quan toà thánh Cao Đài và họ đã đưa tôi đi xem các chỗ tiểu tiện. Hai. Chỉ có hai nhà cầu cho cả cái toà thánh đồ sộ ấy.’

Tôi hầu như không nghe thấy tiếng cười mai mỉa ngắn của cha Lam. Tôi đã thấy Tám Heo lấy trong túi ra một vật gì và đang tung chuyển nó từ bàn tay này sang bàn tay kia. Hắn lại giở cái trò ném bắt lựu đạn. Tôi định ngắt lời vị linh mục nhưng tôi đã có một ý nghĩ hay hơn. Đâu cần phải gấp rút khi Tám Heo còn ở ngoài kia? Và ngắt lời cha Lam giữa những lời nói càng lúc càng giống những lời xưng tội sẽ chẳng dễ dàng đâu.

‘Chúng tôi phải tự chất vấn,’ cha Lam nói tiếp, ‘chúng tôi phải tự chất vấn rằng chân lý có thể đang sẵn sàng chờ đợi chúng tôi dưới một hình thức mới, tinh khiết hơn. Dưới hình thức mới này, nó có thể mang tới đồng thời cho chúng tôi cả hai phương tiện, sự tiến bộ tăng tiến và sự giải phóng mà chúng tôi không thể mong chờ đến từ phương Tây. Tôi có giảng một bài thuyết giáo cho đám sinh viên của tôi, tất nhiên là không ở trong nhà thờ, vì đức tổng giám mục không bao giờ cho phép tôi làm việc đó, mà trong một buổi đọc kinh của chúng tôi. Trong bài thuyết giáo đó tôi đã sử dụng anh bộ đội của Mặt Trận Giải Phóng — mà các ông quen gọi là Việt Cộng — để làm biểu tượng chung cho tiến bộ và giải phóng, vì anh ta luôn luôn mang bên mình một bình nước đã nấu chín để khử trùng. Trong các thôn làng mà họ đặt chân tới, đó là bình nước thánh có thể chữa lành các bệnh tật và sự khốn khổ của biết bao nhiêu thế kỷ ngu muội.’

Đôi mắt cha Lam long lanh. Sự đau khổ đã tan biến. Lão Đỗ chồm tới trước trên ghế.

‘Và anh bộ đội cũng mang tới sự giải phóng, vì anh đã dạy đám dân quê phải chiến đấu cho tự do. Và tôi đã nói với đám sinh viên của tôi rằng đã có rất nhiều kẻ tử đạo cho đức tin trong quá khứ và mặc dù mặc cảm tội lỗi mà chúng tôi đồng chia sẻ với nhau giữa những người Công Giáo, những kẻ tử đạo đó đáng được chúng tôi kính nể. Nhưng tôi bảo đám sinh viên hãy suy gẫm thử xem những kẻ tử đạo của hôm nay có phải chính là những anh lính trẻ đang mang theo bên mình sự tiến bộ và sự giải phóng. Và tôi hỏi chúng rằng cái lương tâm của chúng như một tín đồ Công Giáo và như một người Việt Nam có khuyên nhủ chúng nên nối vòng tay lớn với các anh lính thật thà chất phác đó hay không?’

Lão Đỗ bị kích thích đến tột độ bởi bài diễn từ đó đến đỗi tôi nghĩ lão sẽ đứng phắt dậy từ chiếc ghế đan bằng những nan plastic màu hồng để vỗ tay. Nhưng vị linh mục ném cho lão một cái nhìn không tán đồng và ông già đành phải sử dụng lại điệp khúc ‘Đúng vậy, đúng vậy.’

Vị linh mục cũng chồm tới trước.

‘Đỗ có cho tôi biết ông đã đưa Thái về Sài Gòn như thế nào. Chuyện đó không can dự gì đến tôi. Vấn đề là bạn bè của Thái đã lo ngại về các chuyện có thể xảy đến cho Thái khi Thái ra nước ngoài. Họ nghĩ rằng có thể Thái chưa ý thức được việc mình làm và có thể Thái sẽ bị lợi dụng. Nếu Thái ở lại thì bạn bè sẽ che chở Thái. Họ biết Thái đang gặp tình huống khó khăn. Họ không muốn ép buộc Thái làm bất cứ một điều gì khi Thái chưa cảm thấy đã sẵn sàng.’

Tôi không biết phải nên phản ứng như thế nào và sự do dự của tôi khiến ông linh mục nổi nóng.

‘Thái đã bị đầu độc bởi những tư tưởng ngoại lai sai bậy. Thái đã học hành tại ngôi trường của ông, tôi biết, và có thể rằng ở đó Thái đã học được sự sùng bái quá mức về "tự do" và "quyền" của một cá nhân.’

Cha Lam phát âm các từ đó với giọng khinh miệt, như thể chúng thuộc về những tội ác nguy hiểm nhất. Cha ngẩng cằm lên cao. Giọng nói của cha đầy vẻ tự hào.

‘Nhà Thờ là một trường học tốt hơn, nghiêm khắc hơn. Nó không dạy bảo sự buông thả đó, Thái phải ở lại, và nếu Thái cần đau khổ thì Thái phải đau khổ. Các lời lẽ phàn nàn rằng bọn cộng sản không cần nghe bất cứ một ai, rằng chúng là những tên bần nông Bắc Kỳ thô lỗ đang bắt nạt Miền Nam văn minh hơn — có thể có vài cái đúng nhưng tựu trung cũng chỉ là những lời lẽ để tự biện minh. Thái phải lãnh phần trách nhiệm của mình, trách nhiệm của cha, về những việc không hay đã xảy ra trên đất nước chúng tôi. Chỉ có những người cộng sản là còn có thể cứu nguy xứ sở trong lúc này và trách nhiệm của Thái đã rõ như ban ngày. Thái không nên bận tâm quá nhiều về tấn thảm kịch riêng. Nó không đáng kể trong cái nhìn của lịch sử. Xin ông hãy nói với Thái rằng với tư cách một vị linh mục và một người duy tân, cha Lam sẽ không bao giờ rời bỏ quê hương Việt Nam.’

Chiếc cằm của cha Lam ngẩng cao hơn, và mắt cha sáng rực khi cha thốt những lời cuối cùng.

A té ra đây là thông điệp của những người cộng sản. Tôi không còn nghi ngờ lão Đỗ là một người của họ ngay từ lúc đầu. Họ đã để cho Thái trốn về Sài Gòn, thậm chí đã ngấm ngầm giúp Thái trong việc đó. Họ đã muốn sử dụng Thái như một con cá mắc câu, nhưng Thái đã gỡ lưỡi câu ra nên họ muốn bắt Thái lại. Tôi cám ơn Thượng Đế vì Tám Heo và thằng bạn của hắn là một cái cớ toàn hảo giúp tôi khỏi phải đáp lời cha Lam.

Tôi chỉ tay ra ngoài cửa sổ và lưu ý cha Lam về sự có mặt của đám tay sai của đại tá Đính. Lão Đỗ cũng như cha Lam đều không tỏ vẻ ngạc nhiên thái quá. Cả hai trao đổi với nhau vài câu tiếng Việt, rồi đứng dậy.

‘Không cần phải lo ngại về chuyện đó. Tụi nó thích doạ chúng tôi như vậy. Ông sẽ bình an. Chúng sẽ không dám động tới ông.’

Cha đưa chúng tôi đến tận đầu cầu thang. Dưới mắt cha và lão Đỗ tôi không có cách nào khác hơn là cứ tỉnh bơ như họ. Nhưng cha Lam đã mất dạng khi chúng tôi xuống tới chân cầu thang. Hai chàng trẻ tuổi cũng biến mất rồi. Dù sao cũng đã có dè dặt. Chỉ còn các nam thần và các nữ thần bước ra ngoài bức tranh để kháng cự sức mạnh tàn ác của đại tá Đính.

Tám Heo ném bắt quả lựu đạn thêm một lần nữa khi chúng tôi xuất hiện nơi cửa, rồi hắn đứng im. Khi ngờ vực, tôi thầm nhủ, cứ hành động như chẳng có chuyện gì đáng lo ngại sẽ xảy đến. Chúng tôi tiến tới chỗ đậu xe và mở cửa bước vào. Tám Heo nhét trái lựu đạn vào túi áo, rồi hắn và thằng bạn cũng bước lên xe. Tôi lái xe đi. Chúng chạy theo. Khi chúng tôi ra tới đường, thằng bé cỡi xe máy cố hết sức đạp nhanh để rồ máy. Nó chạy nối đuôi ở phía sau chiếc Toyota và chúng tôi lại chạy về đường Nguyễn Du đúng theo thứ tự của lúc khởi hành.

 

 

-------------
Nguồn: Mark Frankland, The Mother-of-Pearl Men, chương 24, tiểu đề do người dịch đặt (London: John Murray Publishers Ltd, 1985).
 
 

Đã đăng:

Tử đạo và thánh nhân  (truyện / tuỳ bút) - Frankland, Mark
[Một chương trong tiểu thuyết The Mother-of-Pearl Men] Buổi trưa hôm sau trời đổ mưa, trận mưa đầu tiên từ khi tôi đặt chân đến thành phố này. Nhưng nó không to hơn một trận mưa vòi sen mà đường phố nóng bỏng đã hút cạn ngay, chẳng khác gì một kẻ đang khát được đưa cho vài giọt nước để bông đùa... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 

_________________________

[1]C’est vrai, c’est vrai: Đúng vậy, đúng vậy.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021