thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đàm thoại

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

MICHEL BUTOR

(1926~)

 

 

ĐÀM THOẠI

 

Viết theo mấy bức tranh
của Alessandro Magnasco

 

Tôi lên đến một sân thượng dài không đều nhau, có phủ một lớp sỏi lấm chấm những bụi cỏ. Đã từ lâu không có một người làm vườn nào đến xếp dọn những cây hoa hình tán này và những hoa ngọn kia. Cây cối, giống như những chùm tia chớp buồn thảm, chậm rãi lung lay những cành lá yếu ớt đã mốc meo sau cơn gió thoảng lại từ hải cảng thứ hai, bên kia ngọn hải đăng mà những cây cờ đuôi nheo xanh nhạt phất phất về phía tôi. Biển xanh màu nước Phổ sủi bọt từng chỗ, và sương mù tháng mười một lảng xa dần như những mảnh nhỏ của một tấm vải lót người ta đem xé đi, để hiện ra một bầu trời trắng sữa. Bất chợt tôi hít vào một làn hơi mang mùi dây thuyền buồm và chính lúc đó tôi mới nhận ra được sự hiện diện của họ.

Có điều lạ là họ không có vẻ để ý gì đến sự hiện diện của tôi. Tôi cố nghĩ bịa ra những lời xin lỗi vì lúc đó tôi không được yên tâm, và tôi không thích nhớ lại bằng cách nào tôi đã lên đến đây, rồi tôi lại cảm thấy rằng điều đó là vô ích. Họ đã đi qua, họ vẫn tiếp tục nói chuyện, họ dừng lại ở một góc khác của sân thượng.

Mặt họ thường hay ngoảnh lại về phía tôi đứng, nhưng không bao giờ ngừng lại ở chỗ đó, đến nỗi tôi đã tự hỏi phải chăng đó là hai người mù vì một thói quen từ lâu đã biết rõ những thân cây, những khúc quanh và những bậc thềm; nhưng tôi tự bảo trong trường hợp đó hẳn họ đã nghe được tôi, vì một tiếng động nhỏ nhất cũng có thể dội lại trong vũ trụ của họ như một hồi chuông báo động, hơn nữa đôi giày tôi bấy giờ đang kéo lao xao trên nền sỏi.

Dĩ nhiên họ không điếc; họ nói chuyện với nhau bằng lời nói chứ không phải bằng dấu hiệu; tôi nghe rõ được một vài chữ họ đọc lên; và rừng cây chuyển mình, chắc hẳn do một con chồn chạy trốn gây ra, làm họ giật mình và kêu lên.

Lúc đó tôi nghĩ rằng vô tình tôi đã tìm thấy được chiếc nhẫn của tên chăn cừu Gygès, rằng tôi có thể thấy tất cả và nghe tất cả trong lúc không ai thấy được, nghe được, sờ được tôi. Tôi cười thầm trong bụng vì sự phi lý đó, nhưng đồng thời cũng chính trong sự phi lý đó mà tôi đã tìm thấy được sự táo bạo để tiến tới.

Họ rõ ràng là to lớn hơn tôi, và chắc chắn tôi đã bị viễn ảnh đánh lạc khi ước lượng khoảng cách họ đi qua. Tôi thấy họ từ sau lưng, vì tôi đã thận trọng đánh một vòng rất lớn. Nàng đang ngồi trên một chiếc ghế sắt cao, và chàng đứng tựa sau lưng ghế.

Tôi từ từ bước đi trong bóng tối, phớt nhẹ qua cây cối. Tôi đã dẫm nát một vỏ ốc. Lúc đó bất chợt chàng quay người lại, và chàng đưa cây gậy chỉ vào mặt tôi mà la lên:

“Thế anh còn đợi gì nữa mà không mang lại cho tôi một cái ghế khác?”

Chàng gầy vô cùng; chàng có một cái mũi thật dài; mặt và hai bàn tay lấm đầy bột trắng.

Tôi đâm kinh hoàng; tôi đã toan chạy trốn.

Chàng cầm cây gậy bằng hai tay và bẻ gẫy nó; hai khúc gậy tung bay ra. Người đàn bà quay đầu lại; nàng cũng gầy và cũng trắng, trừ hai chấm ửng hồng ỏ gò má, và tóc nàng quấn chặt lên thành hình một con ốc lớn, có buộc những dải băng xanh nhạt giống như màu mắt và màu vải mỏng của chiếc áo nàng.

Có một chiếc ghế khác nằm giữa hai chậu dứa rừng. Tôi vâng lời theo để xem việc gì sẽ xảy ra.

“Và bây giờ anh hãy ở lại quanh quẩn đâu đây”, chàng nói với tôi.

Lúc đó một tia sáng chợt loé ra trong đầu tôi; tôi hiểu rằng nếu họ không để ý đến tôi, hoàn toàn không phải vì họ không trông thấy tôi, mà trái lại vì họ đã xem tôi như một phần tử cần thiết cho cảnh vật chung quanh họ. Chắc hẳn họ buộc một trong các gia nhân phải luôn luôn túc trực sẵn sàng cho họ sai khiến trong khu vườn, nơi họ thường ưa đến nghỉ ngơi. Chẳng biết ngôi nhà họ lớn đến thế nào mà một khuôn mặt mới như khuôn mặt của tôi chẳng gây cho họ một tí nào ngạc nhiên cả! Họ đã thừa nhận tôi ngay khi họ thấy tôi. Tại vì tôi đứng đàng kia nên tôi là một trong những kẻ tôi tớ của họ; chính họ, tôi cũng không biết được họ đã sai chuyền qua những ai và bao nhiêu người, chắc hẳn họ đã có đòi một trong bọn chúng tôi phải có mặt ở đó. Tôi, hay một người khác, đối với họ điều đó có quan trọng gì? Họ có phải nhận diện chúng tôi làm gì đâu? Chắc đã có khối người khác được trả tiền để trông chừng chúng tôi. Ý nghĩ có một người lạ có thể lẻn vào lãnh địa của mình cũng không hề thoáng qua trong đầu óc họ.

Vậy thì trước mặt ta là những nhân vật quan trọng, những nhân vật biết mình được canh chừng cẩn thận, trong một lãnh địa hoàn toàn được rào kín bằng những bức tường cao, và những người gác cổng với những con chó của họ chỉ được để lọt vào những kẻ lương thiện.

Tôi đứng cách biệt hẳn ra, và tôi quan sát các y phục. Y phục người đàn ông bằng lụa đen có viền ren nơi túi. Quần chàng được thắt lại phía dưới đầu gối bởi những dải dây. Đôi bít tất dài màu trắng của chàng có lấm chấm những vết bùn bắn lên, và trên những vòng khuyên xa cừ buộc những chiếc giày lấm bụi của chàng, những con kiến to lớn dạo qua dạo lại.

“Chính những con sâu bọ này...”, nàng nói.

“Vậy em hãy bảo Abel quạt cho.”

“Chẳng bao giờ Abel của anh đủ sức để đuổi hết cả bọn xâm lăng này đâu. Cứ bảo nó đến đây, và cứ bảo nó đùa với lông chim, bởi vì chính anh muốn như thế, nhưng nó sẽ không thay đổi được chút nào thời khí dường như cũng không mấy thuận tiện cho cuộc lễ này. Chính em, em đã mặc chiếc áo dệt bằng vàng mà anh cho em, em đã phải ra ngoài sáng mới nhận thấy được là nó đã phai màu. Ít nhất em cũng phải thay áo đã. Ta không thể dời mọi chuyện đó lại về sau này ư. Nó ngủ đứng đấy.”

Bấy giờ tôi hiểu ngay là họ đang nói về tôi, tôi chính là người mà họ gọi là Abel, và tôi hiểu rằng, đối với những người kia mà tôi tin chắc chỉ mới thấy lần đầu, tôi tuyệt nhiên không phải là một kẻ lạ, mà thật tình họ đã nhầm tôi với một trong những người mọi ngày vẫn đi theo họ, một thứ tiểu đồng.

Tôi cố bắt buộc mình phải làm những gì họ chờ đợi ở tôi, làm hết những cử chỉ mà họ vừa gợi lên cho tôi, những cử chỉ mà họ nghĩ là đã quen thuộc với tôi.

Vì nàng có ám chỉ đến lông chim, tôi đi tìm khắp tứ phía một cái quạt, và tôi khám phá được rằng chính tôi cũng đang mặc một bộ đồ kỳ dị lạ lùng nhất, bằng lụa có sọc, với một sợi thắt lưng rộng có luồn một cái bao cong bọc một cây đoản đao, còn bàn tay tôi thì giống màu bàn tay của những tên mọi.

Lông chim chẳng có đâu cả, nhưng hình như điều đó không còn quan trọng nữa; họ lại tiếp tục cuộc đàm thoại và không còn chú ý đến tôi nữa.

“Quá trễ rồi, em ạ, khách của chúng ta hẳn sẽ có mặt ngay trong chốc lát. Thế nào? Em có hi vọng chúng ta sẽ xuất hiện tốt đẹp hơn vào một tối khác hay không? Những người thợ may đã rời khỏi thành phố, em sẽ không thể có một chiếc áo dài khác hợp với em trước nhiều tháng. Còn ánh sáng ban ngày, chúng ta cũng đừng trông đợi gì ở nó nữa; chúng ta không còn có thể hi vọng những chỗ sáng nào khác hơn những vệt kia trông giống như con ngươi của những người mù. Tháng mười một này sẽ xoá đi trong kỷ niệm chúng ta tất cả những tháng đã qua; cũng tựa như sự biến đổi nó mang lại phải là sự biến đổi cuối cùng. Không phải chỉ trong những đồ hoa thêu của em, mà ngay trong khắp vũ trụ màu đỏ đã nhạt dần; em hãy cứ nhìn da của Abel đấy, ngày hôm qua hãy còn đỏ chói, mà nay như đã phủ một lớp băng mỏng phơn phớt màu xanh.”

Tuy nhiên trời nóng; những con ruồi quay cuồng chung quanh đầu người để đến đậu trên một giỏ trái cây đã chín lụng.

Lúc đó, người đàn ông rút trong túi ra một cái kính viễn vọng mà chàng điều chỉnh để nhìn về phía hải cảng.

“Anh có thấy họ đến không? Những cửa lớn có được mở ra không?

“Anh khó mà thấy rõ được. Chỉ có một hay hai chiếc tàu cập bến. Cửa song sắt ở ngọn hải đăng đã mở. Chỗ trước kia là lâu đài của chị em bây giờ có chất một đống thùng gỗ lớn, nhưng chính lâu đài thì đã biến đâu mất... Không, không phải hết cả lâu đài đâu; bức tường kia đầy những vết loang lở, xưa chính là mặt tiền của nó đấy. Hình như bên trong đã cháy rụi.”

“Làm sao chúng ta lại không hề biết một tí gì cả? Anh để em xem thử.”

“Em hãy bảo Abel đem kính thiên văn lại đây; dùng kính đó tốt hơn thứ đồ chơi trẻ con này, mấy mặt kính của nó cần phải đem chùi sạch.”

“Abel”, nàng kêu lớn, và tôi hiểu ngay là tôi phải đứng dậy. Nàng ngồi cũng còn cao hơn tôi đứng.

Rồi nàng đọc cho tôi một bài diễn văn dài bằng một thứ ngôn ngữ đối với tôi hoàn toàn xa lạ, nhấn mạnh bằng cử chỉ, cố gắng bộc lộ để diễn tả được rõ ràng sáng sủa.

Hai bàn tay khô dài có thoa một lóp phấn của nàng cầm lấy mặt tôi. Người đàn ông vừa mỉm cười vừa nhìn chúng tôi. Tôi có cảm tưởng là nàng muốn ôm hôn tôi; bất chợt tôi vùng ra.

Nàng phá lên cười.

“Người gì mà dã man,” nàng nói.

Và chàng lặp lại: “người gì mà dã man,” nhỏ dần nhỏ dần.

Tôi chú ý ở cuối sân thượng có một dụng cụ quang học dựng trên một cái giá. Tôi chạy lại để lấy, nhưng cái ống lại đang nằm trong bàn tay này của tôi, còn cái giá thì nằm trong bàn tay kia.

Không có gì lạ lùng.

“Cái bản lề này chẳng bao giờ đáng giá gì cả,” chàng nói.

Và nàng lại đọc cho tôi nghe một bài diễn văn nữa.

“Ta không biết được nó hiểu rõ hay không nữa. Nó nhìn anh mắt mở to mà chẳng bao giờ trả lời cả. Anh không thấy rằng hôm nay nó có vẻ không được khoẻ lắm sao? Miễn là nó đừng có ăn gì không hợp với sức khoẻ nó thì thôi. Thứ người đó thật là yếu ớt khi ta đem đến sống ở chỗ khí hậu của chúng ta.”

Tôi vẫn còn giữ cái ống bọc da trong tay. Người đàn ông bóp chặt mấy ngón tay tôi lại, duỗi cánh tay tôi ra, nhắm, điều chỉnh các thấu kính và mời người đàn bà nhìn. Tôi không làm sao để khỏi hơi run run một tí.

Ngay khi nàng thấy rồi, cả thân mình dài thượt của nàng mà tôi vẫn ngỡ là cứng đơ bắt đầu uốn éo uyển chuyển như một làn dải băng phấp phới.

“Em sao thế?”

“Đừng đùa anh ạ.”

Nàng khó nhọc lấy lại hơi thở của mình. Còn chàng vẫn dò xét hải cảng với ống kính viễn vọng.

“Tại sao lại có cảnh điêu tàn đó? Em chỉ còn nhận được rất ít các nhà cửa, và đường sá thì cũng hoang vu quạnh quẽ như ngôi vườn của chúng ta. Từ mỗi chiếc lá nhỏ giọt xuống một ít bụi và giọng nói của anh trở nên xa xăm thế nào ấy.”

“Em hãy nhìn kỹ con đường, em ạ; em sẽ thấy những chiếc xe chở các kịch sĩ mà em cho gọi đến để trình diễn đang tiến gần lại, những con lừa chở nặng các bức trang trí và đồ phụ tùng, và những nhạc sĩ đội mũ dạ với các khí cụ đeo trên vai.

“Nhưng họ đến trễ đấy, anh ạ. Thế mà em nghĩ rằng mọi việc đã sẵn sàng trong vườn cam rồi chứ.”

“Điều đó chẳng còn gì quan trọng lắm, em ạ, em không nghĩ như vậy sao? Em hãy nhìn kỹ hơn nữa; họ áp những chiếc áo khoác ngoài của họ lên mặt như để che mưa.”

“Nhưng thật ra người ta có thể nói trời đang mưa hay không? Dường như họ bị mắc phải cơn mưa rào ở xứ này.”

“Trận mưa đang quấy rầy họ không phải từ trên trời rơi xuống, em ạ; đó chính là thứ lọ nồi ngưng tụ lại khi họ tiến đến, ăn dính vào người và nhầy nhụa. Nó sẽ chế ngự được súc vật của họ, những trục xe và những tấm bố che trên mui xe họ, và điều ta không ngờ được, là luôn cả những người yếu nhất trong bọn họ. Chúng ta sẽ chỉ đón tiếp những mảnh thịt rách tả tơi của họ mà thôi.”

“Abel mệt rồi đấy.”

“Em hãy nhìn đám rước kia đang kéo ra ở một góc núi đá. Anh đã thấy họ rời khỏi chiếc thuyền lớn. Những người đàn bà cầm những cái chảo bằng đồng, và những ngưoi đàn ông đội trên đầu những chiếc lò nhỏ. Chính những người đầu bếp kia phải lo bữa tiệc lớn cho chúng ta. Con họ đeo lủng lẳng trên cổ những vòng xâu chim mỏ nhác vừa mới giết được. Những con cá vẫn còn giãy giụa trong giỏ của các bà già đi theo họ.

“Họ có sẽ đến đây không?”

“Anh tin chắc họ buông trôi cả rồi. Trong cái vựa thóc đổ nát kia người ta đã dựng lên một quán rượu. Họ dàn ra chung quanh quán và sửa soạn nhóm với ý định đóng quân giữa trời trên đống rạ. Họ làm thế là rất hợp lý; lâu đài không còn ở được nữa. Bọn du đãng đã đập phá những chiếc ghế, và ném mấy khúc xương cháy làm vỡ tan các cửa kính.”

“Sao anh biết chuyện đó? Tại sao anh không cho em hay trước gì cả? Và anh là ai? Và Abel là ai? Có phải đúng là thằng Abel của em không? Em không còn nhận ra giọng nói của anh, cả khuôn mặt của anh nữa; và chính những bàn tay của em, em cũng nhận ra rất khó khăn; và cảnh vật trước mặt em, nó dơ bẩn quá! Trừ phi cái máy khốn nạn của anh đã mê hoặc em.”

Nàng không nhìn nữa, đẩy cánh tay tôi ra. Chàng cất ống kính viễn vọng vào túi, và cầm lấy tay nàng. Tôi để họ đi xa một tí, để chính mình được ngắm cảnh vật đã biến đổi. Trong vựa thóc, chung quanh cánh cửa đặt trên hai chân ngựa, những thương binh tàn tật đang ngậm những ống vố dài bằng đất. Họ đội mũ da, còn những thanh kiếm rỉ sét của họ được cắm vào cột dùng để làm móc áo.

Tôi theo dõi họ bằng câu chuyện của họ.

“Mắt em rất tốt, tai em rất thính. Có phải ngày đang tắt, hay chính em? Những con ruồi chui vào trong mấy cái nơ em cột tóc, và khí lạnh của rừng cây luồn vào yếm em như những móng tay. Có phải bỗng nhiên em già đi, hay chính cả vũ trụ đang lơi giãn. Abel đã đi quá xa, và tiếng nói của anh chỉ còn đến với em rất khẽ.”

“Những gì em nghe không còn là những âm thanh nữa, em ạ, mà chính là những dấu hiệu của mấy ngón tay anh, những dấu hiệu mà trí óc em đọc lên nhưng không nhận thấy được sự thay đổi. Còn khuôn mặt anh, chắc bây giờ em đã thấy nó chỉ là một cái mặt nạ bằng vải gai. Lớp sơn trên má anh đã tróc rồi. Chẳng bao lâu nữa sự huỷ hoại dai dẳng đối với một pho tượng dù là gan lì như anh sẽ nông hai lỗ mũi của anh to ra, và anh sẽ mất hết lớp sơn tróc ở ngoài cũng như em, em ạ, em với những lòng bàn tay nứt rạn để lộ những dây gân.”

“Rồi chuyện gì sẽ xảy đến?”

“Rồi những đạo sĩ sẽ đến mua những bộ sườn còn lại của chúng ta. Họ sẽ nhờ những cử động của ta để làm linh động sân khấu họ, rồi, đến khi họ đã tận dụng mục lục các cử động của chúng ta, họ sẽ vứt chúng ta vào trong những cái kho to tướng của họ, và họ sẽ cho người vào xem chúng ta để thu lấy một ít tiền. Em đã quên rồi là người ta gọi em là phượng hoàng con và em cũng đã gọi anh là hoàng tử dàn giáo. Những bậc thang của em sụp đổ trong bóng tối và bùn lầy, và những hạt pha lê trên các ngọn bách đăng của em rơi dần qua những lỗ hổng trên vòm mái những nhà bếp vắng tanh của em.”

“Và hải cảng và thành phố, và những bạn gái của em, và những cô tớ gái của em, và những tên mọi của em, và những con chim hạc, những con ong của em,” nàng la lên.

Và chàng lặp lại giọng nhỏ hơn:

“Và hải cảng và thành phố, và những bạn gái của em, và những cô tớ gái của em, và những tên mọi của em, và những con chim hạc, những con ong của em.”

Và nhiều giọng khác lặp lại giữa lùm cây nhỏ dần nhỏ dần:

“Và hải cảng và thành phố, và những bạn gái của em, và những cô tớ gái của em, và những tên mọi của em, và những con chim hạc, những con ong của em, những con ong của em, những con ong của em...”

Chắn chắn là những con chó đã đuổi theo tôi. Cửa rào sắt chợt đóng lại dữ dội sau lưng tôi. Đó không phải là hàng rào sắt, đó là một bức tường.

 

 

------------
Dịch từ nguyên tác “Conversation” trong Michel Butor, Illustrations (Paris: Gallimard, 1964) — tác phẩm viết theo những tranh ảnh hội hoạ và nhiếp ảnh — từng được đưa vào Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại của Hoàng Ngọc Biên, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1969.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021